Uyên Nguyên: Mê làm phóng viên, coi chừng!

Đọc bài mới của blog’s Ngọc Lan, cười trong bụng, câu chuyện nhắc mình một trường hợp tương tự ở lần ra field lấy tin cho báo đã lâu lắm, cũng vì mãi loay hoay chú tâm những ‘nhân vật – sự kiện,’ mà chẳng lưu tâm đến việc gì khác hơn. Bất chợt lúc nhìn thấy chiếc xe của mình bị nhấc bổng hai bánh trước do một chiếc towing truck, mới hoảng! May mà vẫn còn kịp lúc để điều đình với nhân viên kéo xe, trả ngay một khoảng lệ phí tượng trưng để giữ xe lại, nếu không khi đã bị kéo về bãi rồi, lại sinh thêm những khoảng tốn kém hơn.

Phóng viên đi làm tin, tai nạn kiểu bị ticket, kéo xe là thường, là chuyện ‘nhỏ như cọng cỏ,’ bởi do phóng viên luôn mang tâm lý muốn nắm bắt cái ‘thời khắc lịch sử’ của mỗi sự kiện, đúng nơi và kịp lúc, nhưng coi chừng! Như trường hợp của phóng viên-nhiếp ảnh gia nổi tiếng Kevin Carter, mà trong một bài của blog’s Đinh Quang Anh Thái vừa nhắc lại, tai nạn không phải ‘nhỏ như con thỏ’ mà, mất mạng!

Bộ phim ‘The Death of Kevin Carter’ của đạo diễn Dan Krauss

Trong nhiều tấm ảnh ghi lại ‘thời khắc lịch sử,’ anh Kevin Carter, bằng những thao tác chuyên nghiệp và hết sức táo bạo, đã tạo nên những dư chấn lâu dài, thốc mạnh vào tâm thức nhân loại trước những vấn nạn của thời đại: chiến tranh, nghèo đói, ngu dốt, kỳ thị, khủng bố v.v và v.v…, vẫn tràn lan khắp mặt địa cầu, nơi mà mọi con mắt thịt khu trú trong vùng não bộ địa phương, không nhìn thấy hết… Ảnh của Kevin Carter, kịp gióng lên những tiếng chuông cảnh báo cho nhân loại cuối thế kỷ XX và đầu XXI dù, hồi chuông đó, cuối cùng là tiếng chiêu hồn cho định mệnh của người đã cố gắng ‘bắt lấy những thời khắc lịch sử’ này.

Có rất nhiều giả thuyết, Kevin Carter đã tự vẫn vì hối hận trước dư luận đã lên án anh nặng nề, do tấm ảnh ‘Kênh kênh chờ đợi’, nhưng nếu nhìn xa ra, vượt rộng hơn giới hạn của ống kính, trên mặt đất lúc ấy không chỉ có một em bé mà đang có hàng trăm, ngàn, hay triệu triệu em bé khác cũng đang bò lê giữa cơn đói khát, trong khi mẹ em đi lãnh phần thực phẩm cứu trợ[1], thì Kevin Carter không thể chọn một và, trong ‘thời khắc lịch sử’ này, khả năng giới hạn trong không gian lịch sử vô tận, một phóng viên chỉ có thể chọn lấy giải pháp thích nghi nhất, là ghi nhận ngay một ‘điểm nhấn’ để báo động cho nhân loại, thủy chung vì ước mong có được một hành động chung, cấp thời và toàn diện hơn.

Nhưng rồi, Kevin Carter đã tự kết liễu đời mình, như cách bồi thêm một ‘điểm nhấn’ khác nữa, sâu hơn, đánh mạnh lên thành trì lương tâm nhân loại. Anh có thể chết vì một sự chọn lựa đã không làm hài lòng cho tất cả mọi người, dù mọi ‘thời khắc lịch sử’ vinh quang hoặc oan khiên, không do anh tự tạo dựng lấy, mà chỉ nhận vai của định mệnh, nắm bắt, kịp. ‘Phóng viên chiến trường’, nếu tự hào biết tiên liệu trước mọi điều sinh tử, thì sẽ chẳng có mấy ai chịu dấn liều ra field ngoại trừ, người đó có một tấm lòng!

Quả đất vẫn thuộc về nhân loại, lịch sử vẫn thuộc về nhân loại, những vấn nạn còn đang tiếp diễn cũng thuộc về nhân loại toàn cầu!

Bằng cái nhìn nhậm vận[2] người chọn nghiệp báo cũng là người ghi sử, mà lịch sử là một câu chuyện dài! Kevin Carter chỉ có một không gian rất giới hạn để nói hết cái vô hạn của kiếp nhân sinh. Trong lịch sử chiến tranh, có rất nhiều trường hợp các quân nhân bất chấp thượng lịnh để ra tay giải cứu đồng đội hay một nạn nhân đáng thương nào đó giữa cuộc giao tranh với địch, và sau đó được vinh danh hoặc kỷ luật. Song cũng có rất nhiều trường hợp ngược lại, họ bỏ rơi tất cả, chỉ vì làm sao chúng ta biết, có những sự chọn lựa giữa những ‘sứ mệnh nhỏ’ (mission) có những sứ mệnh lớn hơn, cần được cân nhắc. Trong lịch sử ‘thuyền nhân’ của dân tộc Việt, có rất nhiều chuyện cứu vớt ly kỳ, mà cũng có rất nhiều trường hợp chúng ta bị bỏ rơi ngoài khơi, đến rã rục, hoặc chết, khi những chuyến tuần duyên hải hạm của các quốc gia thứ ba, vẫn cứ băng băng, hun hút chạy xa, từng khiến mình không hiểu, nghi ngờ nhân đạo, hoặc giả không chịu hiểu rằng, có những sứ mệnh họ đang làm lớn hơn, ví dụ như mang lương thực đến những vùng đất có hàng triệu triệu em bé sẽ chết rục chỉ trong thời gian sai biệt tíc tắc, từng được phản ảnh ‘behind the lens’ của Kevin Carter.

Phóng viên thì không được hành động như lính!? Và phóng viên cũng không được huấn luyện để ‘lạnh lùng’ trước những cảnh tình éo le như một quân nhân kỷ luật được huân tập từ quân trường! Nhưng lẽ nào phóng viên cũng không có quyền được cảm thấy mình thật sự nhỏ bé, bất lực trước một tình cảnh đã vượt quá hạn giới cứu vãn của mình, nên Kevin Carter chỉ có thể làm được mỗi một việc là nắm bắt ngay ‘thời khắc lịch sử’ đó, như một ‘điểm nhấn sống’ nhằm gởi vào thế giới loài người, rồi anh đã ‘nhấn mạnh’ thêm một lần nữa bằng sự kết liễu chính cuộc đời mình ngay sau đó, không lâu.

Rồi, những ‘thời khắc lịch sử’ và  ‘điểm nhấn sống’ của anh, chính là điều khiến chúng ta hiểu hơn mặt trái của thế giới con người, và Kevin Carter cũng chỉ là một con người bằng da bằng thịt, cảm thấy bất lực, rồi kiệt lực giống như em bé đói khát kia! Carter cũng từng vẫy vùng kêu gào giúp đỡ bằng chính những tác phẩm nhiếp ảnh của mình!

Cho đến nay, người ta không biết em bé đó còn sống hay chết, nhưng người ta thật sự biết rằng Kevin Carter đã phải trả cho cái giá ‘sanh nghề, tử nghiệp’ của mình, chỉ vì niềm đam mê, lý tưởng và cách suy nghĩ cá tính của riêng anh biết đâu, là chỉ hy vọng ‘ghi lại cái thời khắc hững hờ’ có thật trong thế giới loài người! Mà nó thật sự đã tạo sự rúng động lương tâm nhân loại đấy!

Lịch sử xảy ra trong thời khắc nhất định, nhưng đầy bất trắc và hệ lụy vô biên. Có rất nhiều trường hợp, người phóng viên-nhiếp ảnh khi bấm máy, cũng tựa nẩy cò súng, mà viên đạn bay ngược!

“Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ… Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau… về những đứa trẻ chết đói… về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình…”
“Tôi thấy kinh hoàng trước những gì họ đang làm. Tôi kinh hoàng trước việc mình đang làm. Nhưng sau đó mọi người bắt đầu bàn tán về những bức hình này… và tôi thấy có lẽ hành động của mình không hẳn đã xấu. Việc chứng kiến một điều man rợ không hẳn là một việc làm tồi tệ.” – Kevin Carter

Người ta có thể biện giải chính nghĩa về phía mình dựa trên những tấm ảnh chỉ có chức năng ghi lại một thời khắc của ‘câu chuyện lịch sử’, và trước khi toàn bộ kết cục, nghĩa là khi lịch sử có câu trả lời thích đáng, nhiều phóng viên phải bị đọa, đọa cho đến chết mà không loại trừ khả năng, họ tự đọa chính mình. Kevin Carter là một công án, khó giải!?

Nên, mê làm phóng viên, phải coi chừng!

29/11/2011

________________________
[1] According to Silva, they (Carter and Silva) went to Sudan with the United Nations aboard Operation Lifeline Sudan and landed in Southern Sudan on March 11, 1993. The UN told them that they would take off again in 30 minutes (the time necessary to distribute food), so they ran around looking to take shots. The UN started to distribute corn and the women of the village came out of their wooden huts to meet the plane. Silva went looking for guerrilla fighters, while Carter strayed no more than a few dozen feet from the plane. Again according to Silva, Carter was quite shocked as it was the first time that he had seen a famine situation and so he took many shots of the children suffering from famine. Silva also started to take photos of children on the ground as if crying, which were not published. The parents of the children were busy taking food from the plane, so they had left their children only briefly while they collected the food. This was the situation for the girl in the photo taken by Carter. A vulture landed behind the girl. To get the two in focus, Carter approached the scene very slowly so as not to scare the vulture away and took a photo from approximately 10 metres. He took a few more photos before chasing the bird away. – Wikipedia, the free encyclopedia

[2] Nhậm vận:任運; C: rènyùn; J: nin’un; Có các nghĩa sau: 1. Cam chịu số phận; 2. Tự nhiên, vốn đã như vậy. Hiện hữu một cách tự nhiên. (Pháp nhĩ 法爾). Không gắng sức, không dụng công; 3. Bẩm sinh, sinh ra đã…; cùng nương với nhau mà sinh khởi, đồng nghĩa với Câu (倶).

Feature photo: Nhiếp ảnh gia, phóng viên nhóm Bang Bang Club (Google Images)

Links:
HBO website for the film |
Time Magazine article about Kevin |
Wikipedia: Kevin Carter |
An article written by Kevin’s friend, Judith |
The Dart Center for Journalism and Trauma |
Learn about South Africa’s history |
A gallery of Ken Oosterbroek’s work |
“Kevin Carter” by the Manic Street Preachers (Windows Media) |
Justin Melland composed the film’s score |
IMDB film info |

 



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Xã hội

Thẻ:, , , , , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: