Uyên Nguyên: Từ cõi nhạc Quang Vui, vẫn có một bến bờ xưa, xa…

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vui, người bạn tổng phổ và phân phổ Trường Ca Lửa (63)
cùng Cố nhạc sĩ Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu  (Ảnh: Nguyên Việt, tức Uyên Nguyên)

ghi vội mấy dòng, để giữ lại những ngày đã hiếm hoi…

1.
Vậy là gần hết trọn năm thứ năm, anh em mới có được một ngày tao phùng, cùng ngồi quanh một cái bàn thấp ở nhà Vương Từ. Bàn bày biện vài món xoàng nhưng khoái khẩu, nhâm nhi chung với bia bọt. Anh Trần Ngọc đến muộn na thêm hai chai rượu chát, bởi từng biết gu của bạn ở xa mới về chơi, thích loại này. Lại vừa lúc trong bếp anh Ngô Viết Xiêm làm xong món vịt, liền mang lên đãi nhau một buổi chiều hả hê tình bằng hữu. Hôm đó, nếu anh Trần Vấn Lệ mà về kịp thì chắc đủ, và vui hơn nhiều.

Nhà thơ Vương Từ (Ảnh: Nguyên Việt, bút hiệu khác că Uyên Nguyên)

Buổi chiều ở đây, cảm tưởng thời gian đang quay lại như những giai thoại mà anh em đã từng trải với nhau ở trạm thơ Tốc Hành, ga Hòa Hưng xưa, nhưng dành một ngày đặc biệt cho bạn từ phương xa đến, vốn là một nhạc sĩ, nên chỉ nghe nhạc. Rồi lúc vừa nghe xong hai đĩa CD mới, anh Bành Phí đã nói ngay một câu: “dòng nhạc Quang Vui là dòng nhạc ‘lãng mạn tâm linh’”. Câu nói chẳng phải đùa, khiến cho Trang Nguyễn thường khi cắt cớ, thích hỏi vặn vẹo với bạn bè trong những lần chuyện vãng: Anh nói gì, sao gọi là ‘lãng mạn tâm linh? Anh chỉ xem trong kinh điển chỗ nào có nói đến điều này?

Anh Trần Ngọc (Ảnh: Uyên Nguyên)

Anh Ngô Viết Xiêm, em của kts Ngô Viết Thụ – (Ảnh: Uyên Nguyên)

Anh em ngồi lặng thinh, bởi đã từng quen với cốt cách lắt léo, nhưng lâu ngày  gần gũi mà đâm ra dễ thương của Trang, riêng Quang Vui chỉ mỉm cười! Còn tôi lại nhớ đến chuyện này, hôm nọ trên núi Linh Thứu, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không thuyết pháp thoại như mọi ngày, chỉ lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu, duy chỉ có ngài Ca-diếp nhoẻn mỉm cười. Liền đó, Phật tuyên bố với các thầy tỳ kheo: “’Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp”. (Niêm Hoa Vi Tiếu)

Anh Bành Phí (Ảnh: Uyên Nguyên)

Anh Nguyễn Trang (Ảnh: Uyên Nguyên)

Chỗ đó, chẳng thể nói là ‘lãng mạn tâm linh’ sao? Vạn pháp vô thường, cũng sinh cũng diệt. Song kinh điển diễn giải quá tỉ mỉ chi li, có khi là chỗ còn vướng mắc. Nên xưa có ngài Duy Ma Cật nói trái đi: ‘Vạn pháp không sinh không diệt, đích thị là Vô Thường,’ bởi phải biết dùng vào đâu, để chứng, đắc.

2.
Cũng một bữa nọ, nhà thơ Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh ở xứ thung lũng hoa vàng San Jose, khi dịch mấy bài haiku của thiền sư Nhật Bản, và in trong tập ‘Cổng Thiền Quét Mây‘, viết thành hai câu thơ rất thoáng đạt, ý vị: ‘Kinh cầu tụng điếc lỗ tai, may thay chim hót một bài líu lo.’ Ðọc, rồi trộm nghĩ rất hữu tình.

Mà vô tình hay hữu tình, hết thảy đều vào được cửa đạo – tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí.

Cõi nhạc Quang Vui, nếu có ‘lãng mạn tâm linh’ như lời Bành Phí nói, thì cũng hiểu được. Bởi lời nhạc và âm điệu của mỗi bài, đã theo người nhạc sĩ từ cuộc rong chơi trong trời không, trôi bãng lãng, về.

Về đâu, trong cõi nhạc réo rắt như xoáy vào tâm tư người, chợt một hôm đã khiến mình nhớ lại, vẫn có một bến bờ xưa, xa.



Chuyên mục:Nghệ thuật, Tổng Quát, Thân hữu

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: