Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn (Ảnh: Uyên Nguyên)
Cảm nhận từ ‘đêm nhạc Hoàng Ngọc Tuấn’
ở Viện Việt Học, 14 tháng Bảy, 2012
Ngón khẩy đàn điêu luyện và những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, là toàn bộ ‘cửu long ca từ tây tạng,’ là hợp tấu của những ‘bản tình ca vô tận Ðông Phương;’ mang thông điệp của một loài chim bay lạc ‘kêu tiếng người,’ vọng từ xứ sở của những triệu năm sau nữa…
Ca từ, tiết tấu trong dòng nhạc Hoàng Ngọc-Tuấn, như đường bay của chim, vẽ thành nông sâu, rồi tự xóa. Âm vực để lại là, Om… om…. om…!*
1.
Từ một triệu năm sau
chim bay về hót
nỗi đau
tiếng người!
Xương khô hóa đá nằm phơi
núi heo hút lạnh Trường Sơn mộng đài.
2.
Trên đỉnh Everest
mặt trời lửa chảy tan
có tiếng kêu của loài chim lạ
vừa đập cánh lướt qua
đường bay vẽ thành nông sâu, rồi xóa
lúc mặt trời chìm xuống đáy Cửu Long
đỉnh thiêng rền rền tiếng vọng
Om… Om… Om…!
15 tháng 7, 2012
Theo Từ Điển Phật Học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách thì OM (có khi được viết là AUM), phát âm theo tiếng Việt là “ôm” kéo dài âm Ô. Chữ này là biểu tượng âm thanh cao quý và trọn vẹn nhất trong Ấn Độ giáo, được một vài trường phái Phật Giáo, nhất là Kim Cang xem như một Mantra. OM được xem là tượng trưng của cả hai: SẮC & ÂM. OM là âm thanh tượng trưng cho sức mạnh của tâm thức nội tại, của Phật tính trong thế giới giả tạm, trong ảo ảnh (Mãya) này.
Chuyên mục:Nghệ thuật, Nhân vật, Sự kiện, Thân hữu, Văn Chương
Trả lời