Uyên Nguyên: Con lớn lên vô cùng bỡ ngỡ*

Con lớn lên vô cùng bỡ ngỡ
trước những điều tư lự của cha ông
(Vi Khuê – Bỡ Ngỡ)

1.
Cũng dễ hiểu thôi, khi bà con mình dùng mọi hình thức phản kháng để truất hết những nỗi thống hận vì bóng ma chủ nghĩa cộng sản còn đeo ám tâm tư, xuyên qua mọi hành vi mà mỗi người đều có quyền cảm nhận điều nào, vô tình hoặc hữu ý gợi lại những vết thương nhức nhối cho gia đình, người thân và chính bản thân.

Hôm đưa nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn đến thăm một người bạn văn ở nhà anh Ðinh Quát, trên xe ông chia sẻ mấy điều, đại ý người Việt mình nếu đã từng sống trong cái chế độ hà khắc kể trên, hơn nữa rất lâu năm, nhất là những người kém may mắn ở nửa phần đất nước bị trùm lấp bởi chủ nghĩa cộng sản như ngoài Bắc từ những năm 1930, thì sự ngờ vực, đố kỵ hằn sâu hơn giữa lòng, bởi đó là chính sách cai trị của người cộng sản, ‘dùng dân trị dân.’ Bi kịch đấu tố, giết hại lẫn nhau thật thương tâm của những thành viên trong một gia đình cùng huyết thống, bị sách động ngụy trá dưới chiêu bài ‘Cải cách ruộng đất’ từ 1953 đến 1956 mà nay đã ghi lại thành sử, không chỉ là những trang lịch sử buồn thảm cho dân tộc Việt Nam mà, là lịch sử của nhân loại, thời con người tự hào sống trong thời đại văn minh của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, mà hình thức tàn sát nhau thật khốc liệt!

Rồi, bóng ma chủ nghĩa cộng sản vẫn tiếp tục bao trùm lên nửa phần đất nước còn lại sau 1975, mà chính sách ‘dùng dân trị dân’ một lần nữa được đem ra cai trị. Từ đó trở đi, người Việt Nam sống dưới chế độ này đều là nạn nhân, như nhau.

Vì vậy, sự cảnh giác cao độ của bà con hôm nay, đối với bất kỳ mọi hành vi vốn không thể dùng đơn vị thước đo chung chung để đo lượng được, nhưng cảm xúc thì bị cho là những việc làm này sẽ khiến chế độ cộng sản ít nhiều thủ đắc, thì đứng ở mặt nào có thể hiểu đó là hệ lụy, hay là hệ quả từ một chính sách cai trị của chính quyền cộng sản trước và sau này, đã ăn sâu, thấm biến và, còn ảnh hưởng sâu xa vào tâm thức người dân Việt  đang sinh sống khắp nơi ở hải ngoại, dù hôm nay đã hoàn toàn thoát ly ra khỏi guồng máy quyền lực của chế độ ấy, nhưng tâm lý kinh hãi thì vẫn còn đèo mang.

Thế hệ chúng tôi sau năm 1975, cũng có cha chú phải bị tù ‘cải tạo,’ nên các con tuổi còn ấu thơ cũng là nạn nhân chung cho một giai đoạn lịch sử đau buồn của đất nước. Riêng có nhiều trường hợp, dù được ‘nhà nước khoan hồng’ để đi học, nhưng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa bấy giờ thế hệ chúng tôi cũng bị ‘cải tạo’ cách khác, có thể cho là không chịu nhiều nhục hình như cha chú trong lao tù, nhưng hệ quả thì nặng nề như nhau, ‘bị tẩy não.’ Nhà trường đã dạy chúng tôi biết thù ghét ‘đế quốc Mỹ,’ căm hờn thành phần ‘Ngụy quân – ngụy quyền nợ máu nhân dân,’ nghĩa là học tập để chối bỏ huyết thống của mình!

Một lần, sau ngày bố tôi ra tù, có một giáo viên trẻ ở trường là đảng viên, ngầm hiểu là cánh tay phải của bà hiệu trưởng, kiêm tổng phụ trách đội và có nhiệm vụ dòm ngó, kiểm soát và báo cáo ‘hành vi – tư tưởng’ của tất cả những giáo viên đang dạy học ở trường lên cấp lãnh đạo, vì trong số đó còn nhiều vị thầy, cô thuộc ‘chế độ cũ.’ Ông đích thân đến nhà, phàn nàn với bố về việc tôi là một đứa học trò ‘cứng đầu, khó dạy dỗ và, sách động bạn học bãi lớp.’ Bố mở cửa, nhưng không mời khách vào, và nhanh nhẹn để kết thúc buổi gặp gỡ ngắn ngủi hôm ấy, bố nghiêm nghị nói với ông thầy trẻ này: ‘Các anh đừng nghĩ là có thể dạy dỗ con trẻ, mang khăn quàng đỏ về để thắt cổ cha mẹ nó.’ Thái độ này, không phải là thù hận, nhưng nói lên thân phận của những người thuộc chế độ trước hoặc sau ngày cộng sản tiến chiếm miền Nam, bị kẹt giữa cái hoàn cảnh bức bách phải nhẫn nhục để sống còn, nhưng không vì thế mà thỏa hiệp với cái ác!

Cho đến giờ nhiều khi nghĩ lại, ngay cái lúc bố còn bị tù cải tạo ở trại A30, vẫn cắt xén vải bao bố để may thành cặp táp cho anh em tôi mang sách vở đi học dưới mái trường của chính cái chế độ đang giam cầm mình. Bố không nuôi lòng ‘thù hận’ sao? Và không sợ các con mình bị ‘tẩy não’? Về sau tôi hiểu dần, người ta nhận chân ra thảm kịch của chính mình, ngay trong cái hoàn cảnh bức bách mà mình đang hứng chịu.

Kẻ nào không thể chuyển động và không được sống một cuộc sống tạm cho là bình thường bởi hắn đã bị đè bẹp dưới một tảng đá lớn, thì kẻ ấy có được nhiều thời giờ để nghĩ đến những niềm hy vọng của mình hơn là người nào chưa từng bị sập bẫy như thế. – Václav Havel

Tôi nhớ như in, những lần ái ngại cầm giấy lên xin phép cô giáo cho nghỉ học dài ngày, với lý do về quê vì gia đình có thân nhân ‘qua đời,’ mà kỳ thật là để đi vượt biên, để lỡ không thành công như bao bận còn trở về được học lại. Cứ xin phép nhiều bận như vậy, một hôm cô giáo mỉm cười, nói: ‘cô thấy hình như trong gia đình em chết gần hết rồi!’ Nói thế, nhưng cô vẫn ký giấy phép cho đi, rồi lỡ đi không trót lọt, quay về, cô lại mỉm cười cho học. Cho đến khi nào, chính cô cũng là người tìm được con đường thoát thân. Thời đó, làm sao tôi biết, cô cũng có những điều bị ép uổng khi làm giáo viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Khi lớn hơn, học văn với thầy Nguyễn Thùy, nay cư ngụ ở Pháp, mỗi lần ông lên lớp, hình như vẫn chỉ giữ thái độ mắng nhiếc đám học trò ‘đầu bu đầu bú,‘ và bao nhiêu giáo án giảng văn nhà trường yêu cầu luận về gương ‘anh hùng’ Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám…v.v… ông đều vứt chỏng chểnh trên bàn. Suốt tiết học đứng ở cửa sổ, nhìn xa xăm và thuốc hút trên tay đốt lia lịa, cho đến khi chuông reng bãi học. Ðợi mùa thi thầy lên lớp và đọc luôn bài làm sẵn cho trò, rồi bảo học thuộc để làm vốn thi lên lớp, để theo người ta… Song, những điều tôi học được của thầy, thì hoàn toàn trái nghịch sau những lúc tan trường về nhà, ông vắc võng ngang cửa, đọc cho tôi nghe những trước tác văn học, nhận định thời cuộc, cả những biên khảo trong lãnh vực triết học, tôn giáo mà sau này, khi ra được ngoài nước, giáo sư Trần Minh Xuân có nhà xuất bản Mekong Tỵ Nạn, đã cho xuất bản hàng loạt. Ðiều thú vị hơn, thầy Nguyễn Thùy là một trong 27 thuyền nhân đi chung một con tàu, với bốn đứa học trò trong lớp thầy chủ nhiệm, có tôi, cặp bến Malaysia những năm cuối thập niên 80.

Nhắc lại những điều này, để thấy thế hệ mình đã chứng kiến một giai đoạn, mà khi cha chú tôi đã ra khỏi tù rồi, đi ngoài đường mà lỡ gặp bạn cũ cũng không dám tay bắt mặt mừng, có khi phải tìm cách lẫn trốn, bởi có thật những người bạn và người thân bị áp đặt dưới một chế độ đem quyền lợi treo như miếng mồi sinh tử trong cơn đói rét, sẽ khiến người người trở thành ‘ghờm’ nhau, bắt đầu bằng nhận thức ‘nghi ngờ,’ và một khi tâm lý đó kéo dài sẽ nẩy sinh ra những va chạm vặt vảnh hay to tát, để biến thành lòng ‘đố kỵ’.

Nhà văn Phạm Quốc Bảo, mới vừa cho ra đời tác phẩm thứ 20 của ông, mà ngay bài điểm của sách, ‘Nhục Vinh,’ ông viết: ‘… Trong khi đó ở miền Bắc, cũng hai mươi năm ấy, họ đã thiết lập một hệ thống xã hội khác hẳn, từ độc tài đảng trị với cả một hệ thống tuyên truyền bưng bít: Kháng chiến chống ngoại xâm Mỹ-Nguỵ, khiến dân chúng cứ thế mà sống khốn cùng trong cái lý tưởng ảo ấy mà phổ cập cái tâm lý hai mặt tồn tại lừa đảo lẫn nhau một cách bệnh hoạn thành nếp, thành một xã hội con người sống trong đó chỉ như con vật phản xạ vô điều kiện. Hơn ai hết, họ cần phải có đủ điều kiện và cơ may để tự mình thức tỉnh mà tự cứu lấy mình…’ Sách do Người Việt xuất bản.

Ðó là nói chuyện 20 năm dưới chế độ ở miền Bắc, còn 37 năm sau cũng chế độ này thiết lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì ra sao? Tất nhiên cả nước đều là nạn nhân chung của cái guồng máy cai trị biến mọi người dân thành công cụ sát phạt nhau, bắt nguồn từ lòng đố kỵ. Rồi ai dám chắc điều này không lây lan ở cái thị trấn Bolsa này. Cái thâm độc ẩn tàng đàng sau nghị quyết 36 của nhà cầm quyền cộng sản, trước hết, nó làm dậy lên cái tâm lý kinh hãi của một chế độ khắc nghiệt vẫn còn hằn sâu trong lòng người Việt tỵ nạn nơi đây, từ đó hành động với ý thức cảnh giác cao độ, mà sự cao độ khi không thể đong đo bằng đơn vị toán số, thì khó tránh những lúc vượt quá mức cần thiết, để tạo thành những bi kịch giữa người Việt yêu chuộng tự do, xoay lại chống báng nhau.

Sự kinh hãi của một chế độ ‘dùng dân trị dân’ kể trên, nếu không có, thì lời của những nhân sĩ trí thức trong nước hiện nay, không thản thốt đến thế này:
Có phải thế không hỡi các ông?
Có bà mẹ tự thiêu vì nỗi oan của con?
Có bà mẹ đã cởi truồng giữ đất vì bất lực?
Có ông già Nam bộ uống thuốc diệt sâu tìm cái chết vì bất công?
(Công Binh)

hay là:
Chứ nói chung là nhục.
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét,
Lãnh đạo thì ngu đần
Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào.
Làm thằng dân cộng sản
Có gì mà tự hào?
Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên, thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà!
Tự hào là yêu nước.
Yêu nước phải biểu tình.
Mà biểu tình nó oánh.
Quân ta oánh quân mình.
(Thái Bá Tân)

2.
Lắm lúc nghĩ suy, ‘chuyện quân ta oánh quân mình’ thì ở đâu cũng xảy ra, ở trong hoàn cảnh đất nước dưới chế độ độc tài cộng sản thì đáng buồn rồi, mà ở những nước tự do như bên này, chúng ta nhờ được tự do, nên dễ ‘oánh nhau’ hơn?

Mỗi cá nhân đều có quyền bình đẳng để được tỏ bày lòng yêu nước theo cách riêng của mình. Và lòng yêu nước bao giờ cũng đúng, nhưng ‘quân ta oánh quân mình’ thì chẳng bao giờ là đúng cả.

Ngồi ở bàn viết mỗi ngày, cái mà từng giờ từng phút, chỉ khoanh lại ở thế hệ trẻ cầm bút, làm báo như chúng tôi vốn có nhiều hạn chế nhưng vẫn mang tâm niệm tiệm tiến tài bồi, vì chẳng ai dám tự nhận mình là toàn hảo bao giờ, nhưng trước mắt thì phải đối diện với những lời lẽ thâm độc, vô lối mạt sát, có khi kê liệt cả mấy đời cha ông mình ra để mắng nhiếc rỉ rả ngày này qua ngày nọ, ‘lời nói là những đọi máu,’ từ những người ký tên hoặc nặc danh bênh vực hay tuyên truyền cho chế độ cộng sản. Nhưng khi nhìn ra ngoài cửa tòa soạn, những bậc chú bác đã một thời cha chú mình từng đoanh tay sát vai chung một chiến tuyến, đang quần tụ, dù ít hay nhiều giương cao các khẩu hiệu trách rầy, ‘lời nói cũng như tên’ vun vút đau thốc, lắm lúc khiến mình bâng khuâng và bỡ ngỡ. Cái cảm xúc bấy giờ hệt như lời thơ đăng trong tạp chí Văn của cố nhà văn Mai Thảo chủ bút:
Người càng ngày càng khôn
của càng ngày càng khó
con lớn lên vô cùng bỡ ngỡ
trước những điều tư lự của cha ông
(Vi Khuê – Bỡ Ngỡ)

Yêu nước là một phạm trù, mà ngay từ căn để mỗi thành viên trong một quốc gia, phải yêu thương nhau trước đã. Trong hoàn cảnh giặt đã đến thềm nhà thật rồi, nếu xét những kẻ cầm quyền bán nước, thì chuyện mất nước hoặc, giữ vẹn non sông bây giờ không còn là chuyện để bàn với chính thủ phạm, mà trở thành bổn phận và trách nhiệm thuộc về 86 triệu người dân Việt Nam.

Theo dõi tin tức mấy tháng qua và nhất là những ngày gần đây, cái Thế Nước được như vậy, là bắt nguồn từ Lòng Dân, người dân Việt Nam quốc nội đã vùng thoát ra được nỗi sợ hãi của bóng ma oan khuất, để tìm về với nhau, cùng đòi lại niềm tin và sự sống!

Tháng 8, 2012

Uyên Nguyên



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Xã hội, Xã hội, Độc thoại, Độc thoại

Thẻ:,

1 replies

  1. That cam dong !!! Cam on

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.