Uyên Nguyên: Phạm Duy, ‘Nhất nhất trùng trùng, nhưng cũng là không’

Nhạc sĩ Phạm Duy (Ảnh: internet)

1.
Trời vẫn hành cơn mưa suốt mấy ngày nay. Buổi sáng không có tiếng hót của bầy se sẻ sau vườn như thường lệ. Có lẽ chúng cũng đi tìm một nơi ẩn trú khác, xa hẳn xứ kinh động.

Buổi sáng nằm lười trên giường, vói tay cầm chiếc điện thoại đọc mẩu tin nhắn trên facebook của anh Hoàng Ngọc Tuấn ở Úc, biết là nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, ở tuổi 93!

Khác với dạo trước, bây giờ tôi chẳng còn nhớ nhiều đến những tên gọi của hàng ngàn tác phẩm của Ông, vì đơn giản nó đã ngấm ở trong lòng, từ thuở nằm nôi mẹ ru:

Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre, non làn khói ấm hương thôn

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ, nhớ hàm răng, răng cô mình cười
Ai về, về mua lấy, lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại, mảnh đời thơ ngây thơ

Quê hương ơi bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi nằm mộng gì?
Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

Quê hương ơi tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc màu

Tình hoài hương, khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều xoay hướng, sống vui trong mối tình muôn đường
Tình ngàn phương, biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng, nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương, yêu quê hương
(Phạm Duy – Tình Hoài Hương, 1969)

2.
Có lúc, khi hát một ca khúc nào đó rất yêu thích, mà chẳng hề nghĩ ngợi của nhạc sĩ Phạm Duy, điều này không còn quan trọng nữa, những tác phẩm tự nó trải nghiệm và, tự nó chọn lựa một nơi trú ngụ, muôn đời, như chính cuộc đời của Ông là hành trình đi suốt trên Con Ðường Cái Quan, 1945 Cha bỏ quê hương, 1975 con bỏ nước ra đi, những tưởng sẽ tới nơi, mà đi mãi không qua hết xứ kinh động!

Hôm nay, Ông chọn đi vào cõi Thinh Không!

Thinh Không
Trống trải mênh mông
Rộng rãi vô cùng
Cao thấp vô lường
À à a a bỗng
Ðầy ắp sinh trùng
Tất cả là tôi
Mà cũng là chung…

Thinh Không
Vắng vẻ trầm ngâm
Lặng lẽ âm thầm
Yên tĩnh vô cùng
À à a a bỗng
Rộn rã tưng bừng
Nhất nhất trùng trùng
Nhưng cũng là không…
(Phạm Duy, Thinh Không)

27 tháng Giêng, 2013, nghiêng lòng kính tiễn nhạc sĩ Việt Nam Phạm Duy, rong chơi trong cõi không cùng!

À à a a bỗng
Rộn rã tưng bừng
Nhất nhất trùng trùng
Nhưng cũng là không…
(Phạm Duy, Thinh Không)

27 tháng Giêng, 2013
UYÊN NGUYÊN

 

Bài đọc thêm:
Từ Ma Âm tới Diệu âm- VănCao-PhạmDuy-TrịnhCôngSơn – Lưu Văn Vịnh
Phạm Duy, “Nhớ người ra đi” – Lê Hữu
Cái chết của một người nghệ sĩ – Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
Tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy – Phạm Phú Minh

Phạm Duy Và Vết Thương Di Tản – Nguyễn Xuân Hoàng
Nỗi buồn sông nước trong nhạc chiều Phạm Duy – Lê Hữu
Tính hiện thực trong ca từ của Phạm Duy – Trần Hữu Thục
GS Trần Quang Hải: “Nhạc Phạm Duy gắn liền với lịch sử Việt Nam”
Âm nhạc của Phạm Duy làm cho người Việt gần nhau hơn – Nguyễn Văn Tuấn
Cái chết trong ca khúc Phạm Duy – Phạm Xuân Ðài
Cung bậc Phạm Duy – Hạ Long bụt sĩ
Lời cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy – Trần Mộng Tú
 Vài giờ trước khi về Việt Nam, Nhạc sĩ Phạm Duy: “Adieu Midway City…” – Phạm Phú Thiện Giao
Nghìn năm vẫn chưa quên – Quỳnh Giao



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Độc thoại

Thẻ:,

10 replies

  1. Bài viết cảm động lắm anh Uyen Nguyen

    Thxs

    Thích

  2. I loved Pham duy when I was young… But when he came back Viet Nam …. He was nothing to me from then… But still sorry to hear this kind of news

    Thích

  3. “…Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ
    Ðại hồng, chuông lớn đã khua tiếng dòn
    Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm
    Lời kinh cao ngất A Di Ðà Phật
    Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang…”
    Lần đầu tiên tôi biết đến Đạo ca của nhạc sĩ Phạm Duy là qua bài này. Hôm đó, thầy Tâm Hoà ngâm thơ, thầy Nhật Quán hát; đến phiên thầy Tâm Thiện, thầy thổi sáo, ngâm thơ rồi hát Giọt Chuông Cam Lồ. Ra về, tôi tìm mua 10 bài Đạo Ca, nghe, để rồi mê mệt đến giờ.

    Thích

    • M&M: 🙂 Khi UN đến hải đảo Paulo Bidong, sinh hoạt GÐPT là thời gian Thầy Bổn Ðạt, Nhật Quán, Tâm Thiện, Tâm Thể và Phước Huệ cũng đang ở đây:-) lúc đó còn cả cố ni sư Tuệ Phương. Thầy Tâm Thể và Ni Sư Tuệ Phương là trại trưởng và trưởng khối giảng huấn của trại huấn luyện Lộc Uyển của UN.

      Thích

      • Vui quá, đúng là small world :-)! SC TP là huynh trưởng của vợ chồng mình đó. Nhớ lần đầu lên Toronto thăm quý thầy/cô, lúc rảnh rỗi, tôi có lướt qua một số bản tin/đặc san GĐPT Long Hoa ở Bidong mà SC TP vẫn giữ trên kệ sách, và đọc một bài viết kỷ niệm về một kỳ trại diễn ra trong mưa bão tại Bidong, không biết đó có phải là trại huấn luyện Lộc Uyển mà anh UN nói. Cũng trong lần thăm viếng đó, dù trời đang tuyết, thầy TT đã lái xe chở tôi lên Ottawa thăm thầy BĐ. Thầy BĐ rất khéo tay, tôi vẫn nhớ con lân to và dài hơn 10 ft do thầy tự tay làm cho các em GĐPT múa.
        Mới đó mà SC TP mất đã gần mười năm rồi. Lần nghe tin SC bệnh nặng, vợ chồng mình mua vé máy bay qua thăm SC lần cuối và cũng để SC thấy mặt 2 đứa nhỏ của mình; nhưng trễ quá, SC mất một ngày trước khi gia đình mình qua. Đám tang của SC đơn giản nhưng rất ấm cúng với đông đủ quý thầy, quý sư cô. Sáng sớm hôm rời Canada về lại Mỹ, trên đường ra phi trường, tự dưng nhớ đến cô làm mắt mình cay cay; đột nhiên, một cơn mưa nhẹ nhàng rơi xuống; mưa nhẹ như giọng nói, nụ cười và bước đi của cô. Vợ tôi quay qua, nói với tôi qua làn nước mắt, “cô đó anh, cô chào chia tay mình đó!” Và tự nhiên tôi thấy lòng mình hạnh phúc, bình an kỳ lạ.

        Thích

      • Dạ, vậy là đúng rồi, trại LU 1989. Như vậy là biết nhau hết nhỉ.:-) Ngày ở Paulo Bidong, UN ở luôn trong Từ Bi Tự, nhóm anh em GÐPT mấy người, thành lập ‘ban từ,’ ngày ngày lên rừng lấy củi về nấu ăn, xách nước dưới giếng lên. Những năm sau cùng, đồng bào tới đông, không có chỗ ở, tràn lên cả chùa tạm cư… thời gian đó, tuy khổ, mà thật vui

        Thích

  4. Gửi Kelvin bài điếu văn của GS Phạm Phan Hàm đọc trong buổi lễ Truy điệu Ns Phạm Duy ở Sàigon mà cô nhận từ GS PPH gửi qua email sau buổi lễ cách đây vài ngày :

    Thương tiếc Nhạc sĩ Phạm-Duy.
    Thế là lại một ngôi sao sáng nữa vừa vụt tắt trên bàu trời Tân nhạc Việt-Nam:Nhạc sĩ Phạm-Duy vừa trút hơi thở cuối cùng vào hồi 14g30 ngày 27-1-2013, đúng buổi chiều một “Ngày Chủ Nhật buồn”.

    Vẫn biết Sinh, Lão,Bệnh,Tử vốn là một quy luật bất biến của con người, hơn nữa ông ra đi ở tuổi 93, tức là đã qua ngưỡng Đại thọ được 3 năm. Với một người bình thường thì được như thế đã là quá tốt rồi, nhưng ông lại là một trong những cây Đại thụ cuối cùng của nền Tân nhạc của chúng ta, vì vậy ,với riêng tôi, một người bạn vong niên của ông, tôi vẫn thấy cái ngày 27-1-2013 đó là một ngày buồn cho giới nhạc nói riêng, và giới Văn –nghệ VN nói chung.

    Tôi chỉ còn cảm thấy hơi mừng cho ông là “ông đã sống khoẻ và chết nhanh” đúng như mơ ước cùa “cánh già” chúng ta. Ông đã không phải chịu cảnh sống “đời thực vật”kéo dài nhiều năm như Đoàn-Chuẩn, như Quang-Dũng… và một số người bạn khác của ông.
    Không hiểu tôi có võ đoán lắm không khi nghĩ rằng lẽ ra ông đã có thể sống thêm dăm ba năm nữa để hoàn thành một số công việc dang dở, những sáng tác mà ông còn chưa ưng ý lắm như phổ nhạc xong Truyện Kiều, Hoàn thành những phần nhạc của những bài thơ của Bích-Khê ….nếu(vâng lại chữ nếu vô cùng oan nghiệt) Duy –Quang, con trai lớn của ông, người đã giành gần hết cả đời mình để phổ biến hầu hết các sáng tác của cha mình lại không tức tưởi ra đi giữa lúc tuổi đời chưa phải đã là quá già(Duy –Quang sanh năm 1951).
    Cái cảnh:
    Lá vàng còn ở trên cây
    Lá xanh rụng xuống Trời hay hỡi Trời..
    đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông rất nhiều, nó góp phần làm suy sụp thêm hình hài của một ông già ở tuổi 93, lại cùng lúc đang phải gồng mình lên để trống trọi với 5 căn bệnh:gút, tiểu đường, tim ,phổi, huyết áp.

    Mấy ngày trước đây, đến thăm ông tại gia hay ở Bệnh viện 115, ông đều xin lỗi bạn bè vì không thể ngồi giậy để truyện trò với mọi người. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn mừng vì thấy tinh thần ông vẫn sáng suốt, ông vẫn nhận biết ra mọi người và vẫn hy vọng có ngày xuất viện để hoàn thành những công việc còn dang dở.

    Tôi vốn là một thày giáo giảng dạy về Khoa học tự nhiên, vì vậy ,tôi không mấy tin ở những vấn đề thuộc về tâm linh. Tôi không tin ở “kiếp sau”. Nhưng hôm nay, tự nhiên tôi lại có ý nghĩ là, nếu(vâng lại chữ nếu oan nghiệt) có cái nơi gọi là thế giới bên kia (người Pháp gọi là l’au-delà) thì ở nơi ấy, hôm nay sẽ là một “ngày vui” vì đã có thêm một con người nổi tiếng đến để”nhập hộ khẩu” ở đó, người đó là Phạm-Duy, ông vua nhạc tình của Việt-Nam.

    Mà người vui nhất phải là Bà Thái-Hằng, người vợ yêu quý của ông, người đã “tạm biệt” ông mà ra đi hơn mười năm trước. Nối đến Thái-Hằng mà không có đôi dòng về người “Kỳ nữ” này thì sẽ là một thiếu sót lớn. Bà và Phạm-Duy gặp nhau giữa những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Khi ấy, Phạm-Duy đã rất nổi tiếng với những sáng tác ca ngợi KC như Xuất quân, Nhạc tuổi xanh, Tiếng hát Sông Lô…Lúc đó Thái –Hằng chưa hẳn đã trở thành một”nữ ca sĩ” tài danh như sau này. Cặp “giai nhân, tài tử” đó gặp nhau ở Chợ Đại và một sự kiện tất yếu đã sẩy ra là họ yêu nhau và đã thành vợ chồng với đám cưới ở Chợ Neo-Thanh-Hoá.

    Có thể nói một cách không ngoa ngoắt chút nào là khi chấp nhận lấy Phạm-Duy, Thái Hằng đã phải có một ứng xử của một “Nữ Thánh” với lòng bao dung vô bờ bến. Bà thừa biết chồng mình là một nghệ sĩ lớn, với số Tử vi”Đào Hồng Chiếu Mệnh”, xung quanh ông có biết bao người phụ nữ đẹp sẵn sàng trao đổi tình cảm với ông, Nhưng, với lòng hy sinh vô bờ bến để cho chồng tự do bay lượn trên mọi đam mê cả nghệ thuật lẫn tình yêu với muôn vàn khổ luỵ.

    Về phía Phạm-Duy, anh cũng là một người đàn ông biết phân biệt rất rạch ròi giữa “Đạo và Đời”.Anh luôn biết “dừng lại ở làn ranh cho phép” để vẫn là một người chồng đúng mực, một người cha xứng đáng với lòng kính yêu của 6 người con, 4 trai, 2 gái mà tất cả đều thành đạt trong lĩnh vực Âm nhạc mà anh là người khởi xướng.
    Cũng nhờ ở những yếu tố đó mà chúng ta mới có những Tình khúc mà theo ngu ý của một kẻ “ngoại đạo” như tôi thì chúng đều là những tuyệt khúc hay nhất của “Tình ca Việt Nam”. Đó là những bài:”Ngàn trùng xa cách, Trả lại em yêu, Nha trang ngày về, Ngày xưa Hoàng Thị…”.
    Những công dân khác của cái xứ sở “l’au-delà” này cũng vui mừng khôn xiết khi họ được gặp lại một người bạn “chí thiết”, một con người đã cùng họ
    Khóc cười theo vận nước nổi trôi
    mấy chục năm trước.
    Đó là cụ”Tiên chỉ “Văn –Cao, tác giả của bài Quốc ca nước ta cùng hàng chục bài Tình khúc bất tử như:”Suối mơ, Bến-Xuân, Cung đàn xưa…”Năm 1942, khi chưa đầy 20 tuổi cụ đã viết nên Bài “Buồn tàn Thu” một trong những tình khúc hay nhất của nền Tân nhạc VN. Khi ấy Phạm-Duy còn là một trong những”Kẻ hát rong” đầu tiên đã cùng gánh hát “Đức-Huy” mang bài hát này phổ biến suốt chiều dài nước Việt tù Hà nội qua Huế, vào tận Saigon.
    Cũng từ dịp đó mà tình bạn giữa hai nghệ sĩ lớn bắt đầu nẩy nở. Có thể nói con đường sáng tác nhạc của Phạm-Duy manh nha từ khi đó với việc cùng với Văn-Cao tham gia vào việc soạn ca từ cho 2 bản “Suối mơ và Bến-Xuân(bài này sau được đổi tên thành Đàn chim Việt)”.

    Người bạn thân thứ hai mà Phạm-Duy gặp lại ở đây là Nhà thơ Hoàng-Cầm, tác giả của “Lá Diêu bông”, một thứ lá mà cả đến nhà Sinh vật, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nổi tiếng cũng chưa từng biết đến. Thế mà hầu như nói đến Lá Diêu bông thì tất cả mọi người đều thuộc câu:
    Ba ngày sau, em tìm thấy lá.
    Chị mỉm cười đâu phải Lá Diêu bông…

    Tình bạn giữa Hoàng-Cầm và Phạm-Duy có thể coi như một tình bạn thân thiết nhất, lâu dài nhất, mặc dầu đã có lúc khoảng cách giữa họ là “Ngàn trùng xa cách”.Gặp lại nhau ở tuổi U90 mà họ vẫn xưng hô Tutoyer như những khi còn là thanh niên. Khi Hoàng-Cầm ra đi vào cõi vĩnh hằng trước Phạm-Duy mấy năm, Phạm Duy khi đó cũng đã “lụ khụ” lắm rồi nhưng ông vẫn từ Saigon ra Hà nội để tiễn đưa người bạn già, người mà ông đã từng sáng tác cả một “Hoàng Cầm ca”để tặng bạn.

    Người bạn thân thứ ba của Phạm-Duy mà tôi muốn nhắc đến ở đây là Thi sĩ Quang-Dũng ,một người bạn Đồng môn với ông khi hai người cùng học ở trường một trường Tiểu học ở Hà nội. Tên thật của Quang-Dũng là Bùi đình Diệm nhưng ông nổi tiếng với bút danh Quang-Dũng sau một bài thơ viết ở Phù-lưu –Chanh. Đó là bài Tây-tiến với những câu:
    Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơm nếp sôi…
    Tình bạn giữa hai người nẩy nở sau buổi gặp lại nhau ở nhà một người bạn khác ở Thanh Hoá là anh Lê khả Trạch
    Khi ấy họ đều đang chung tâm sự:
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.
    Đêm mơ Hà nội, dáng Kiều thơm…
    Khi chia tay bên bờ sông Nông giang, Quang dũng đạp xe về đơn vị. Còn Phạm-Duy ngồi lại bên bờ sông để phổ nhạc bài thơ Tây tiến.
    Vì sau này ít lâu, bài thơ Tây tiến bị”ném đá” hơi nhiều vì có những câu như:”
    Tây tiến người đi không hẹn ước
    Đường lên thăm thẳm một chia phôi
    Có người chê hơi thơ nghe buồn bã và “tiểu tư sản” quá, nên bài phổ nhạc của Phạm-Duy ít được mọi người biết đến. Ngay đến bản thân anh, anh thú thực là anh cũng chẳng còn nhớ mấy.

    Người bạn già thứ tư cũng vui mừng khi gặp lại anh phải là nhà thơ Hữu-Loan là tác giả bài thơ tình được mọi người đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất trong Kháng chiến. Đó là bài Màu tím hoa xim, một bài thơ đã được rất nhiều Nhạc sĩ phổ nhạc trong đó hơi thơ buồn bã với những câu:
    Nhưng không chết người trai khói lửa
    Mà chết người gái nhỏ hậu phương
    Bài này đã được Phạm Duy viết thành một épopée nghe bi tráng hơn với tựa đề:”Áo anh sứt chỉ đường tà”.
    Sau ngày anh Phạm-Duy về sống trong nước, hai người bạn già này đã gặp lại nhau. Họ đã ôm nhau khóc trong nỗi “mừng mừng ,tủi tủi”. Và bài Tráng ca “Áo anh sứt chỉ đường tà”đã được nhiều lần vang lên trên sóng truyền hình.

    Tôi đã lan man hơi nhiều về cái niềm vui “ảo” trong cái thế giới cũng “ảo” là cái “Thế giới bên kia”.Điều này chẳng qua chỉ mang lại cho tôi một”niềm vui nho nhỏ cũng chỉ là ảo” nốt mà thôi.
    Tôi làm thế chẳng qua chỉ cốt làm bớt đi nỗi buồn vì từ nay chúng ta đã mất đi một nhân tài lớn trong Âm nhạc sau khi đã để lại cho đời một gia tài đồ sộ với cả ngàn bài ca đủ thể loại.
    Hãy ngủ yên anh Phạm Duy nhé, tuy anh đã đi xa, đi rất xa về nơi “Ngàn trùng xa cách”, nhưng dã có chúng tôi, những người bạn anh,chúng tôi sẽ gìn giữ chúng. Như lời nguyện ước cuối cùnh của anh là:

    “Khi tôi chết, nấm mồ của tôi sẽ ở trên môi mọi người.”

    Phạm-phan-Hàm,một người bạn vong niên của anh… .

    Thích

  5. Cháu cám ơn cô Bính Huyền nhiều lắm:-)

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.