Việt Nam: Cái đẹp chỉ có trong cổ tích!?

Hình: Cứ làm tốt việc mình thích , một mình,
tranh viết chì của Thái Mỹ Phương

1.
Trước đám đông dư luận đầy phẫn nộ: Tại sao một nhà văn có tên tuổi như Jean Cocteau (1889-1963)  lại kết bạn và bênh vực cho một tên ăn cắp Jean Genet (1910-1986). Câu trả lời “Tôi tôn trọng kẻ cắp viết văn hơn một nhà văn ăn cắp.” (trích “Chữ Tín” của Lê Ðạt)

2.
Làm sao có thể lý giải trong một xã hội mà, cháu học sinh nhỏ trót ăn trộm 2 quyển sách, đã bị lạm dụng hình phạt lăng nhục trước công chúng. Ngược lại, một cán bộ lớn từng mắc tội ăn trộm quốc tế, một thời gian dài sau nữa vẫn nghiễm nhiên ngồi trước đài truyền hình, như một cách phỉ báng công chúng cả nước, “so what?”

Tất nhiên là chẳng ra làm sao cả. Người ta thấy rõ một điều là cả hai trường hợp của em học trò nhỏ và cô anchor truyền hình chỉ là hành vi “trộm vặt,” là tiểu tiết trong một bức tranh khổng lồ của hệ thống quyền lực, sẵn sàng bẻ cong một con đường giữa thành phố, đủ sức cưỡng chế đất đai dân nghèo và đủ sức sinh sát người vô tội. Một hệ thống quyền lực ngang nhiên đánh tráo mọi giá trị đạo đức xã hội nhằm hợp thức hóa cho hành vi chiếm đoạt tài sản nhân dân.

Em học trò nhỏ bị phạt vì tội trộm sách, hay những em trò nhỏ đáng thương đã chìm sâu vào dòng nước ngày hôm qua khi đến lớp, lẽ ra tất cả các em đều xứng đáng là tương lai của đất nước. Nhưng không thể trông cậy một ông hội trưởng Hội Nhà Văn với nghi án “đạo văn,” trở thành Jean Cocteau (1889-1963) đủ bản lĩnh nhìn ra tài năng Jean Genet (1910-1986) trong “Truyện cổ viết lại” của Lê Ðạt, báo Tia Sáng, một diễn đàn của trí thức Việt Nam.

Tội ăn cắp của Genet thì không thể tha bổng được. Nhẹ nhất cũng phải chịu mức án tù từ bốn tháng trở lên mà theo điều luật ngày 27 tháng Năm, 1885… một kẻ tái phạm bị kết án từ ba tháng trở lên sẽ phải vĩnh viễn lưu đày khỏi nước Pháp. Ông tòa Radouillard bóp trán. Hai phần ba bồi thẩm đoàn đòi kết án không dưới sáu tháng. Biện lý yêu cầu xử ít nhất một năm. Lời của Cocteau lại sang sảng bên tai ông: “Xin các vị hãy cẩn trọng, đây sẽ là một nhà thơ lỗi lạc của nước Pháp.” – Lê Ðạt, “Chữ Tín”

Kết quả, Genet bị ba tháng tù, không dư một ngày, để được ở lại nước Pháp và trở thành một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch lỗi lạc. Buổi ấy người ta chỉ biết Radouillard cho gọi Genet lại và nói một điều gì đó, đồng thời chỉ nghe Genet trả lời: Vâng, tôi hứa! 

Một hôm nhận được một cuốn sách in rất sang, bìa da mềm trên đó có rập chữ vàng. Radouillard (lúc bấy giờ đã về hưu) ngờ ngợ như đã trông thấy cuốn sách này ở đâu rồi. Nhưng làm sao có thể như vậy được! Cuốn sách vừa xuất xưởng mới toanh giấy còn thơm phức mùi mực!

À phải rồi… Nó giống tập thơ Verlaine trong vụ án ăn cắp sách năm xưa.

Mấy dòng chữ vàng nổi bật tên tác giả và tiêu đề cuốn sách. Ðây là cuốn Nhật Ký Một Kẻ Cắp, tác giả là Jean Genet. Ngay trang giấy trắng mở đầu, một dòng chữ nguệch ngoạc: Thân tặng quan tòa Radouillard, bằng chứng nhà thơ thứ thiệt không bao giờ thất tín! (…)

Vị quan tòa già trân trọng đặt cuốn sách sát cạnh hộp huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh (mà chính phủ đã tặng thưởng ông về công lao một cuộc đời tận tụy phụng sự công lý) như một huân chương cao quý đồng đẳng. – Lê Ðạt, “Chữ Tín”

Tôi không có đủ cơ sở luận cứ hành vi trộm vặt của các em bé nghèo diễn ra hàng ngày, tôi càng không có cơ sở để đánh giá tầm tri thức Việt Nam. Nhưng rõ ràng những mẩu truyện cổ viết lại của Lê Ðạt thật sống động và vô cùng nhân bản.

Song, một khi núp sau lưng các bộ môn nhân văn là một guồng máy tham quan quyền lực. Nhà nước biến trí thức thành một thứ xa xỉ, mọi giá trị đạo đức chỉ có thể tìm thấy trong những pho truyện cổ tích.

Bấy giờ, đứng trước những pho truyện như thế, trẻ nghèo dễ bị mê hoặc. Nội hàm trí thức vì vậy không giới hạn ở lãnh vực tư tưởng, nó còn mang ý nghĩa hành động.

Những đứa trẻ vẫn tiếp tục thèm thuồng khi đứng trước những pho truyện cổ tích. Trong số đó không phải ai cũng có khả năng trở thành Jean Genet Việt Nam. Nhưng cũng đừng để các em trở thành phạm nhân, vì một nền giáo dục bất cập, cái đẹp chỉ có trong sách vở.

Ðứng trước niềm khát khao như vậy, trẻ nghèo sẽ còn tiếp tục phạm tội ăn cắp vặt. Nhưng nghĩ cho cùng, ai chẳng muốn “xin một vé đi tuổi thơ.”

Untitled-1

3.
Tôi viết status này, sau khi được đọc lời chia sẻ của bạn Thái Mỹ Phương trên tường Facebook của bạn ấy, tôi biết Thái Mỹ Phương là họa sĩ rất trẻ nhưng tác giả của rất nhiều mẩu bìa sách tuyệt đẹp và dễ thương hiện nay tại Việt Nam. Trong lời nhắn của Phương, tôi thấy tuổi thơ cách gì cũng đẹp và ước vọng ngày mai, làm sao sách quý đến tận tay người.

15 tháng Tư, 2014
UYÊN NGUYÊN



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Xã hội

Thẻ:,

3 replies

  1. Cảm ơn Uyên Nguyên,
    nói hộ và chia giúp mình phần nào cảm giác nghèn nghẹn,..mình trải qua khi đọc câu chuyện cháu bé lấy trộm sách,

    “phần nào” vì UN hình như vẫn nhẹ tay quá, bao dung quá, và không chừng hơi cao siêu quá… với họ…

    Nên chăng, nhắn với cháu bé về “triết lý”: “Ăn cắp sách thì không có tội” UN nhỉ???

    Thích

    • Anh 10 ơi, với lăng kính xã hội học nói chung và phân tâm học nói riêng, “bệnh ăn cắp vặt của trẻ” không phải là một điều mới lạ trong đời sống trước nay. Bài viết chỉ nêu lên cảm nhận về một không gian không an toàn, không chỉ đối với trẻ thôi, mà với cả những người lớn, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đang giữ vai trò người làm văn hóa giáo dục. Mọi lãnh vực nhân văn dưới sự can thiệp thô bạo của một hệ thống quyền lực, khó có thể hoàn thành sứ mệnh chính nó, chưa bàn đến những biến chứng tai hại. Làm sao để thoát ly ra được? Chúng ta có thể tham khảo thêm một bài viết nữa: http://motthegioi.vn/ireport/doi-moi-giao-duc-va-bao-hanh-tre-em-62531.html. Câu hỏi rất đáng để được suy gẫm.”Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đâu? Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ lứa tuổi nào? Đổi mới giáo dục nhằm mục đích gì? Cho một tương lai nào?”Ðó là toàn cảnh của một “không gian không an toàn” Việt nam mà chúng ta có rất nhiều câu hỏi như vậy.

      Thích

  2. Rất thích bài viết của bác Uyên Nguyên mang nhiều tính chất giáo dục, vị tha có thể tìm thấy các nước Ău Mỹ. Nhưng ở VN thì nhiều người phê bình cho là một đứa bé ăn cắp vặt là nó đang bắt đầu tập sự ăn cắp vì chung quanh nó cán bộ nhà nước, đại gia v.v đều ăn cắp được che đậy dưới rất nhiều hình thức. Một tên Luyện trước đây chưa 18 tuổi giết cả gia đình chủ tiệm vàng chỉ ngồi tù chơi thôi thì đối với đứa bé gái ăn cắp một vài quyển sách là chuyện nhỏ thôi.
    Trí thức VN có đó có tâm huyết với đất nước nhưng họ thấp cổ bé họng, cuộc sống đạm bạc nếu có lên tiếng thì không ai nghe cả, chung quanh họ là những đại gia ăn nhậu, săn tìm gái trinh, cán bô nhà nước hội họp cho những phi vụ ăn cắp sắp tới. Thôi thì dân đen quê mình cố gắng chịu thêm 50 năm nưả mới có đổi đời.

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.