Cái “dở” của facebook là…

Có một tâm lý “tự ti mặc cảm” nào không khi chúng ta loay hoay trong sự “ám thị,” rằng, “ta bị ghiền facebook?”

Tôi sử dụng facebook đơn giản vì nó hệt như việc thời đại này đại đa số chúng ta lúc nào cũng phải đèo theo chiếc điện thoại di động để khi cần nói, nói cái gì cũng được, nói cho công việc hay cho nhu cầu “bà tám.” Hoặc giả giống như ta ngồi với máy vi tính hay lái chiếc xe đi làm. Hành vi này cứ lập đi lập lại mỗi ngày tùy theo đời sống của chúng ta liên hệ đến những điều vừa kể ra.

Một anh kỹ sư văn phòng thì không “ghiền chiếc xe” như anh chàng hành nghề taxi cỡi nó bao bận đón, đưa. Hoặc quý bà ngày ngày cầm dao sắt rau cắt thịt thì không lẽ nói đó là do “ghiền dao” chăng? Hay cô y tá thì “ghiền mông” vì vào ca trực phải đâm vài chục ống chích cho bệnh nhân!?

Xu hướng chung “cởi mở tấm lòng” là một nhu cầu bức thiết của nhân sinh chen chúc nhau đông nhưng luôn cảm thấy mình cô đơn cùng cực trên “mặt đất hoang vu” này. Cho nên sử dụng facebook như một phương tiện của đời sống trong thời đại kỹ thuật và toàn cầu, bạn cho đó là chơi cũng được mà làm việc nghiêm túc cũng được.

“Ghiền,” nếu có theo một định nghĩa tạm cho là tiêu cực thì đó chính là phần nội dung mà bạn thể hiện trên diễn đàn. Chơi facebook như thế nào để việc tham gia vào sân chơi này không vô tình hoặc hữu ý trở thành hành vi “sách nhiễu – tra tấn” người khác ở môi trường thông tin mở và khá dễ dãi. Bạn ưng trưng hình nghệ thuật của bạn ư, ok! Bạn thích chia sẻ một món ăn ngon lành mà bạn vừa mới nấu xong, ok! Bạn khoe thành tích học giỏi của các cháu, tại sao không? Ok! Sự đời có rất nhiều điều chúng ra cần chia sẻ với nhau, với những ai quan tâm đến mình và quan tâm đến những điều thuộc về mình, và chắc chắn, luôn có một nhóm fan chỉ âm thầm “ghiền” đọc facebook nhưng chẳng hề nói năng gì. Thậm chí có một nhóm fan chỉ đọc để chê trách như một thói quen không chỉ “ghiền” mà, thành tật – Cũng ok!

Chúng ta tham gia vào facebook, dù với tư thế nào, trước hết chúng ta được mở mang sự hiểu biết, biết cả cái xấu lẫn cái tốt. Giữa hai thái cực này, bạn chứ không ai khác phải chọn lựa lấy. Ngay cả việc bạn không cần phải chọn lựa. – Cũng ok!

Tóm lại khó có một định nghĩa chung chung cho khái nhiệm “ghiền facebook,” bởi chúng ta không thể xác định nó dựa theo thời lượng thời gian của người sử dụng và mục đích sử dụng. Nhưng chắc chắn cái gì anh thể hiện trên facebook, tôi biết đó là nghệ thuật vị nghệ thuật phát xuất từ lòng đam mê, hay chỉ nhảm nhí.

Mà nhảm thì có sao!? Vì trong các fan trên facebook kể cả ngoài đời, thực tế ai mà chẳng có cùng lúc những người bạn nghiêm nghị và những người bạn nhảm nhí. Giữa hai nhóm bạn đó, quan trọng nhất là bạn cũng đừng tỏ ra quá nghiêm khắc hay ngược lại rất nhảm nhí theo họ.

Bạn làm chủ cách bạn chơi và như vậy, chơi bạn trên facebook cũng đừng xem nhẹ vì “ghiền facebook” cũng giống “ghiền bầu bạn” – Thì đã sao!?

Cho nên cuối cùng tất cả đều là nghệ thuật, nghệ thuật thể hiện nội dung, nghệ thuật tiếp nhận và trên hết nó là Nghệ Thuật Sống (giữa người với người).

Ðối đãi bạn ngoài đời hay bạn trên facebook cũng nên bình đẳng như nhau. Chớ bảo đâu là ảo, là thật, rồi xem bên trọng bên khinh. Ðối đãi như thế thì đáng phê bình hơn là chuyện “ghiền” hay không “ghiền.”

Cái gì khiến facebook “dở,” trước hết nó dễ “make friend” và cũng dễ “unfriend,” chỉ cần một cái “click” là biến, thậm chí chả cần phải nói với nhau một câu. Nó dễ cho người khác nhận ra bạn là người thiếu tự tin, nhẫn nại và mất dần lòng vị tha.

Ngày 11 tháng Chín, 2014
UYÊN NGUYÊN



Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Xã hội

Thẻ:,

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.