Tưởng nhớ nhân cách một nhà văn, nhà báo Vô Uý và,
nghĩ về dân làng Văn Giang
Hiện nay, hạng trí thức (mới) còn là một sức mạnh rời rạc. Ta chỉ thấy những sáng kiến, những hành động lẻ tẻ, không ăn ý với nhau ở các làng, cũng vì thế mà họ bị coi rẻ. Bọn đàn anh hoặc thuộc về phái cũ, hoặc chỉ biết đến lợi riêng, coi họ như những người lạ; nếu không coi họ như kẻ thù… Vì thế, cuộc tiến hóa của dân tộc Việt nam đi một cách quá chậm. Nhưng các bạn trí thức không lấy thế làm nản lòng. Trái lại, các bạn cần coi sự ngăn cản ấy như một sức mạnh giúp thêm chí phấn đấu của các bạn… (Hoàng Ðạo – Hạng trí thức sau lũy tre xanh, mục chót của cuốn Bùn Lầy Nước Ðọng)
1.
Tạp chí Thế Kỷ 21, số 199, phát hành tháng 11 năm 2005, ấn bản chủ đề ‘Hoàng Ðạo, ngòi bút vô úy trong đấu tranh cách mạng.’
Năm nay, tưởng nhớ Ông, tôi đem báo ra đọc lại.
Ngay trang đầu tập, tòa soạn đã đăng một đoạn trong bài viết cách nay ba phần tư thế kỷ, của Hoàng Ðạo:
Như ta đã biết, ở thời đại này phần đông đều công nhận rằng cứu cánh của xã hội là người. Xã hội tổ chức không phải là để đè bẹp dân chúng dưới gót một quyền lực độc đoán, mà là để cho mọi người có thể làm nẩy nở bản năng của mình một cách đầy đủ. Người không phải là một đồ vật hay là một loài cầm thú; đã sinh ra làm người, ai cũng có nhân phẩm, nhân quyền, người khác cần phải kính trọng và xã hội cần phải che chở. Một chính thể, một hiến pháp nào mà không nhìn nhận nguyên tắc ấy là một chính thể vô nhân đạo, một hiến pháp vô giá trị… (trích Nhân Quyền, tác giả Hoàng Ðạo, báo Ngày Nay, số 168 phát hành ngày 1 tháng Bảy năm 1939)
Bấy giờ, xã hội Việt Nam đương thời thuộc Pháp, cám cảnh thân phận của người dân Nam, từ anh nông dân ở thôn quê cho đến chị công nhân tại thành thị phải chịu bao điều uất ức dưới sự đô hộ bất công của thực dân phương ngoại nắm quyền sinh sát trên quê hương, Ông công khai lên tiếng, thẳng thừng viết trên báo chí những bài nghị luận sắc bén, sát thực, một mặt mang tính giáo dục quốc dân thức tỉnh, vùng thoát ra khỏi thân phận nô lệ; mặt khác sẵn sàng trực diện tranh đấu với kẻ thù dân tộc. Và không chỉ với ngoại thù thôi, ngòi bút đanh thép ông đả kích luôn toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và Triều Ðình Huế. Bởi, không thể kết tội ngoại bang xâm lược thôi, mà phải nhận thức mọi nguyên nhân xa, gần tạo thành sự lộng hành của những đế quốc tham vọng lấn át nước nhà.
Cho nên, trong số báo tưởng niệm Hoàng Ðạo nói trên, sau phần nhắc lại những kỷ niệm với người anh thứ tư trong gia đình, nhà báo Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách thốt rằng:
Vận mệnh của dân tộc Việt Nam thật là bi đát. Tám mươi năm đô hộ thực dân Pháp, rồi 60 mươi năm thống trị của Cộng Sản. Chưa từng được hưởng thế nào là tự do và nhân quyền, lại thêm biết bao Người Việt vô tội đã phải bắt buộc lưu vong tại tha hương.
Truyền thống anh hùng của dân tộc ta bây giờ đâu? Khí khái quật cường của người dân ta bây giờ đâu? Nếu còn một chút lương tâm, một chút ý chí, thì mỗi người chúng ta đều phải theo gương chiến sĩ Hoàng Ðạo, can đảm đứng lên chống chuyên chế bạo tàn, bênh vực cho tự do, công bằng và dân chủ. Kiên quyết dành mọi nhân quyền căn bản cho mình, cho tới khi giải thể được chế độ độc đảng. (Tưởng nhớ anh Hoàng Ðạo – Thế kỷ 21, số 199, 2005)
Với Nguyễn Tường Bách, Hoàng Ðạo là một chiến sĩ gan dạ.
2.
Với Hoàng Ðạo, sự nghiệp báo chí, viết hay nói chỉ là một, mở ra một ‘Con đường sáng’ nhằm thoát ly ra khỏi những ao tù ‘Bùn lầy nước đọng.’ Và ‘Con đường sáng’ ấy được định hướng ngay từ những bước đi đầu tiên của ‘Mười điều tâm niệm.’
Nói như nhà phê bình văn học sử Thụy Khuê:
Con đường sáng nằm trong bối cảnh xã hội miền Bắc, dưới cái nhìn Tự Lực Văn Ðoàn, trong lập trường đấu tranh xã hội của Hoàng Ðạo: là dùng tiểu thuyết luận đề để cải cách xã hội và thay đổi con người. (Hoàng Ðạo, Người Trí Thức Dấn Thân – Thế Kỷ 21, số 199 – 2005)
Với Thụy Khuê, Hoàng Ðạo là một trí thức dấn thân cương thường.
Song, dù bất kỳ lăng kính nào, Hoàng Ðạo giữa thời thế đó, ‘viết’ là cách chọn lựa của ý thức dấn thân. Cái ý thức của một dân tộc bị trị, cần hành động, để vượt thoát.
Trong ba anh em (Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Thạch Lam), ông là người từng trải, am hiểu thực trạng xã hội Việt Nam nhất; ‘phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn; có ý thức hành động rõ ràng nhất; nghĩa là ông có tất cả các tiêu chuẩn để trở thành một chính trị gia xuất sắc. (Nguyễn Mộng Giác, Ðọc Lại Hoàng Ðạo – Thế Kỷ 21, số 199, 2005)
Nhân cách của Ông là Vô Úy; ngòi bút của Ông là Tuệ Kiếm. Cả hai, là phẩm chất của Trí Thức mọi Thời Ðại.
3.
Tuy có sự gì ray rức, khắc khoải, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Ðặng Thơ Thơ, cháu gọi Hoàng Ðạo bằng ông ngoại, khi chị viết:
Vì ông đã chủ trương theo mới, nên mộ của ông cũng nên hoàn toàn theo mới. Không chút do dự, chúng tôi viết nguệch ngoạc những dòng quốc ngữ như sau:
mộ ông nhà báo- nhà văn sinh năm 19XX – chết năm 19YY. Một nấm mộ sơ sài, nhưng bao la, không giới hạn thời gian. Những đứa bé không nhớ năm chết và năm sinh của người trong mộ. Chẳng để làm gì. Ðằng nào người ấy cũng chết rồi, và sẽ còn chết mãi, vào ngày giỗ. (Cấy Óc – Thế Kỷ 21, số 199, 2005)
Cho nên, trở lại với Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, thái độ tốt nhất để tưởng niệm Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long là ‘hãy có đủ chí khí quyết không làm nô lệ cho bất cứ ai và, hãy can đảm bước vào hành động, vô luận nam hay nữ, già hay trẻ.’
Lịch sử diễn bày oan nghiệt, một hệ thống quan quân vong bản CS đang đẩy 90 triệu dân Việt Nam ra ‘trước vành móng ngựa’ vì tội yêu nước chống ngoại xâm(!?)
Và nếu hỏi như Hoàng Ðạo từng hỏi: ‘Ai đứng ra làm đây?’ Thì may thay, vẫn có những ‘đứa bé’ Việt Nam thời đại, điển hình như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, và 144 vị trí thức, đã không làm cho Hoàng Ðạo chết mãi, vào những ngày giỗ.
Giờ Hoàng Ðạo Việt Nam, đã điểm?
Tháng 11, 2012
UYÊN NGUYÊN
- tranh bìa trên tạp chí Thế Kỷ 21, số 199, (11/2005) – Ðặng Thơ Thơ thực hiện
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Tưởng niệm, Xã hội
Nhớ lại năm 1995, đọc một vèo hết quyển Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Nguyễn Tường Bách, gấp sách lại thấy lòng bồi hồi, cảm phục vô vàn thế hệ của Tự Lực Văn Đoàn. Cùng một lúc, họ làm 3 cuộc cách mạng văn hoá, xã hội và chính trị, khi phần lớn những người trong số họ chỉ trên dưới 30 tuổi đời. Có phải chăng “thời thế tạo anh hùng”?
ThíchThích