Hồi nhỏ, học như vẹt, thỉnh thoảng thường hay lấy câu của Ðức Khổng Tử (孔子, 551 – 479) để huyên thuyên, ra vẻ ‘biết chữ’ và, ‘biết đạo sống’ như ai!?
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”
Song, một lần anh Ngô Mạnh Thu, thuở sinh tiền đã nghe được, từ tốn nói: “Người Việt mình chỉ có ba vế đầu ‘tu thân-tề gia-trị quốc,’ không có vế thứ tư là ‘bình thiên hạ’ như bên Tàu.”
Lúc đó thì mình hiểu lơ mơ lắm, nhưng không dám hỏi thêm, và anh chỉ nói tới đó, rồi thôi. Chuyện còn lại, tiếp sau sao nữa, thì như anh vẫn thường khuyên bảo: “Anh chỉ gởi gấm cho các cậu những thông tin cần thiết, để chiêm nghiệm. Còn ứng xử thế nào, là việc của các cậu.”
Tôi thương, và quý anh Thu ở đức tính này. Cái cách anh chia sẻ kinh nghiệm với các thế hệ đàn em, không áp đặt, và áp đảo tư duy!
Nhiều năm sau, khi có dịp tìm hiểu sâu hơn, nhờ một bài viết của thầy Trần Ngọc Ninh đã đăng trên nguyệt san Khởi Hành số 137, năm thứ 12, phát hành tháng 3, 2008 do nhà thơ Viên Linh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Bài viết tựa là: “Lê Lợi, Nguyễn Trãi và cuộc cách-mệnh Lam-Sơn.”
Ðọc hết bài này, mình chợt nhận ra tâm ý mà anh Thu đã nhắc nhở, giữa hai nguồn văn hóa khác biệt về quan niệm ‘Mệnh Trời’ và Tính Mệnh Dân Tộc. Ở góc độ nào, anh có lý khi diễn đạt ý niệm ‘bình thiên hạ’ của câu kể trên.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh, ảnh lưu niệm nhân 20 năm thành lập Viện Việt Học, CA
(ảnh: Uyên Nguyên)
“Lê Lợi và Nguyễn Trãi là hai nhà đại-cách mệnh của Ðại-Việt.
Cách-mệnh ở bên Tàu ngày xưa có nghĩa là thuận ý Trời, bỏ cái ‘Thiên-mệnh’ mà Trời đã trao cho một Nhà để lấy về cho một Nhà khác. Nhà Tru diệt nhà Thương là làm cách-mệnh theo cái ý-nghĩa nguyên thủy ấy.
Trời không nghĩ hẹp. Thiên-mệnh mà trời trao không phải là cho một Nhà mà là cho toàn thể một dòng dân đã đến được một khu đất và tìm ra được một lẽ sống trong đất ấy. Ðất nuôi người, người phụng dưỡng Ðất, Ðất là mẹ của muôn đời. Ðó là ý-nghĩa của câu thơ mà thần nhân đã đọc cho Lý Thường Kiệt để tuyên bố từ đầu lịch sử của Ðại-Việt và đó là mệnh Trời:
Nam-quốc sơn hà, Nam-đế cư,
Tiệt-nhiên định phận tại Thiên-thư
Tất cả mọi người dân Nam đều là Nam-đế. Nam đế là người dân Nam. Trong mắt Trời, có sự bình-đẳng tuyệt đối.
Nay có những kẻ xâm lăng, dùng mưu mẹo và sức mạnh cướp nước ta. Chúng là những kẻ phá Thiên-mệnh. Ta đánh lại là khi nào thời-cơ đến, không chóng thì chày, ta sẽ đoạt lại cái Thiên-mệnh mà Trời đã trao cho dân ta từ nguyên thủy. Ðó là Cách-mệnh, theo ý Trời, thực hiện cái quyền sống của dân-tộc.
Lê Lợi và Nguyễn Trãi đánh quân xâm lược, chiếm đóng nước ta, không vì thương tiếc Nhà Trần, không vì quyền-lợi thực hay giả của tộc đảng hay cá-nhân. Vì quyền sống của dân-tộc. Vì đạo sống của dân-tộc:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước là khử bạo
Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng văn-hiến đã lâu
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong-tục Bắc Nam cũng khác.Thực là sáng tỏ như Trời Trăng, dũng mãnh như Sấm-Sét. Ðạo sống là quyền của dân-tộc. Bạo tàn và đồng hóa là phản mệnh Trời. Cách-mệnh là đổi lại cái mệnh Trời đã nhất thời bị mất.” (GS Trần Ngọc Ninh – Lê Lợi, Nguyễn Trãi và cuộc cách-mệnh Lam-Sơn, tr. 12 – nguyệt san Khởi Hành, số 137)
*
Trước thế lực xâm lăng hiện nay từ Bắc phương, và nạn cường quyền của một thể chế đang cai trị đất nước Việt Nam, tôi tin những điều chia sẻ trên đây của giáo sư Trần Ngọc Ninh, vừa kịp lúc và, bổ ích!
Uyên Nguyên
Chuyên mục:Nhân vật, Sự kiện, Văn Chương
Trả lời