Lưu Hiểu Ba 刘晓波
Tháng 6 năm 1989 là bước ngoặt quan trọng của cả cuộc đời đã qua hơn 50 năm của tôi. Trước kia, tôi từng là một sinh viên trong lứa đầu tiên được tuyển sinh vào trường đại học vừa mở cửa lại sau Đại Cách Mạng Văn Hoá( khóa 77); đường học vấn của tôi diễn tiến êm ả từ cử nhân lên Thạc sĩ rồi Tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ làm giảng viên trường Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh. Trên bục giảng, tôi là một thầy giáo được nhiều sinh viên biết đến. Đồng thời tôi cũng là một trí thức của công chúng, trong những năm 1980, tôi viết nhiều bài báo và sách có tiếng vang. Tôi thường đi lại nhiều nơi diễn thuyết, được mời đi làm học giả khách mời tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi tự đưa ra cho mình những yêu cầu: bất kể là làm người hay làm văn, đều phải sống thành thật có trách nhiệm, và lòng tự trọng tôn nghiêm. Sau đó, bởi vì tôi từ Hoa Kỳ trở về Trung Quốc tham gia phong trào sinh viên 1989, bị tống vào tù vì “ tội tuyên truyền phản cách mạng và kích động bạo loạn”, mất đi vị trítrên giảng đường mà tôi yêu thích, từ đó cũng không còn được phép công bố những bài viết và diễn thuyết tại Trung Quốc. Chỉ bởi vì một chuyện là phát biểu quan điểm khác biệt về chính trị và tham gia các phong trào dân chủ và hoà bình, mà một thầy giáo phải xa bục giảng, người cầm bút bị cấm xuất bản, và người trí thức công cộng mất cơ hội diễn thuyết công khai với công chúng. Điều này đáng buồn cho cá nhân tôi đã đành, mà còn cho cả đất nước Trung Quốc sau ba thập niên đổi mới và mở cửa.
Nghĩ lại, những trải nghiệm nặng nề nhất của tôi từ sau biến cố 4 Tháng 6 năm 1989 đều dính dáng với toà án; hai dịp mà tôi có điều kiện nói với công chúng đều là tại toà án sơ thẩm Bắc Kinh, một lần vào Tháng Giêng 1991 và lần này. Tuy rằng tội danh vào mỗi dịp đều khác nhau, về thực chất cả hai đều là tội danh liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
Đã hai mươi năm qua đi, những linh hồn trong trắng của biến cố 4 Tháng Sáu vẫn chưa được yên nghỉ nhắm mắt, và tôi – một người đã đi trên con đường bất đồng chính kiến vì tình cảm với 4 Tháng Sáu, sau khi rời nhà tù Tần Thành năm 1991, đã mất đi quyền được cất lên tiếng nói công khai tại chính quê hương mình, và chỉ được phép phổ biến quan điểm của mình qua truyền thông hải ngoại, vì thế bị theo dõi suốt nhiều năm qua; bị quản chếtại gia (Tháng 5 năm 1995 – Tháng 1 năm 1996), bị bắt đưa đi lao động giáo dưỡng( tháng 10 năm 1996 – tháng 10 năm 1999) và bây giờ một lần nữa bị ý thức hệ thù địch của chính quyền đẩy vào ghế bị cáo.
Tuy nhiên tôi muốn nói với chính quyền đã tước đoạt quyền tự do của tôi, rằng tôi vẫn kiên trì với niềm tin của mình mà tôi từng bày tỏ hai mươi năm trước ở “Tuyên ngôn tuyệt thực 2 tháng 6), khi tôi phát biểu tại kì tuyệt thực – Tôi không có kẻ thù, cũng không có lòng căm thù. Không một nhân viên an ninh theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn tôi, công tố viên kết tội tôi, hay vị chánh án đã xử án tôi, không ai là kẻ thù tôi cả. Mặc dù tôi không thể chấp nhận sự theo dõi, bắt bớ, kết tội, tuyên án của các vị, tôi vẫn tôn trọng nghiệp vụ và nhân cách của các vị. Kể cả lần buộc tội này với đại diện phe khởi tố tôi là hai vị kiểm sát viên Trương Vinh Cách và Phan Tuyết. Trong ngày 3 tháng 12 khi hai vị tiến hành thẩm vấn tôi, tôi có thể cảm thấy được sự tôn trọng và thành ý của các vị.
Bởi vì lòng thù hận chỉ làm hoen rỉ lương tâm và trí tuệ của con người; ý thức hệ thù địch có thể làm hỏng tinh thần một dân tộc, gây ra bao nhiêu là tranh đoạt người sống ta chết tàn khốc cho vạn sinh linh, hủy hoạt đi lòng khoan dung và tình người của cả một xã hội, và ngăn chặn bước tiến của một quốc gia trên hành trình về tự do dân chủ. Do vậy tôi mong rằng bản thân mình sẽ có thể vượt lên khỏi những thăng trầm của cá nhân để mà nhìn nhận sự phát triển của quốc gia và những đổi thay của xã hội, dùng thiện ý lớn nhất để đối đãi với địch ý của chính quyền dành cho tôi, và lấy tình thương để hóa giải sự thù hận.
Như mọi người đã biết, cải cách mở cửa đã đem tới sự phát triển của quốc gia và thay đổi xã hội. Dưới góc nhìn của tôi, cải cách mở cửa được bắt đầu bằng việc từ bỏ phương châm cầm quyền ở thời đại Mao Trạch Đông “dùng đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”. Chuyển đổi qua con đường phát triển kinh tế và xã hội hài hòa. Quá trình từ bỏ “triết học đấu tranh” cũng là làm nhạt dần ý thức thù địch, tiêu trừ đi tâm lí thù hận là một quá trình vắt bỏ đi “sữa sói” đang không ngừng xâm nhập vào nhân tính. Chính tiến trình này đã vì cải cách mở cửa cung ứng một môi trường thoải mái tại trong nước và hải ngoại, nhằm để phục hồi tình yêu thương lẫn nhau giữa người với người và là mảnh đất mầu mỡ cho cộng đồng sinh tồn trong hòa bình với những quyền lợi và giá trị khác nhau, nhờ đó nở ra những sức sáng tạo của người dân Trung Quốc và tái phục hồi sự nồng thắm cùng sự khích lệ phù hợp với bản tính con người. Có thể nói, về đối ngoại chúng ta đã từ bỏ đường lối “chống đế quốc và chống xét lại”, về đối nội từ bỏ “đấu tranh giai cấp”, là tiền đề cơ bản để công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc có thể tiếp tục kéo dài cho đến nay. Nền kinh tế đi theo hướng thị trường, văn hóa đi về hướng đa nguyên hóa, trật tự xã hội dần tiến tới nền pháp trị, tất cả là nhờ vào lợi ích từ việc suy yếu của “ý thức thù địch”. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị là nơi có những bước tiến bộ chậm trễ nhất, sự nhạt dần của ý thức thù địch cũng làm cho chính quyền càng thêm bao dung hơn đối với một xã hội đang ngày càng đa nguyên hóa, mức độ trấn áp bức hại đối với những người bất đồng chính kiến cũng giảm xuống, tên gọi của phong trào dân chủ 1989 cũng được định tính từ “bạo loạn bạo động” sửa đổi thành “biến cố chính trị”. Sự suy yếu của ý thức thù địch khiến cho chính quyền từng bước chấp nhận tính chất phổ quát của quyền con người, năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn với thế giới là sẽ phê chuẩn hai công ước quốc tế lớn của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị), đánh dấu sự thừa nhận của chính phủ Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát của thế giới; Năm 2004, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp ghi thêm vào trong đó “ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền con người”, đánh dấu rằng các quyền con người đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của một Trung Quốc pháp trị. Đồng thời, chính quyền đã đưa ra một loạt những phương châm đánh dấu sự tiến bộ trong quan niệm cầm quyền và kỹ trị xã hội như “ Lấy con người làm gốc”, “Xây dựng xã hội hài hòa”.
Những tiến bộ trên phương diện vĩ mô như vậy có thể cảm nhận được thông qua bản thân tôi kể từ khi bị bắt đến nay.
Mặc dù tôi vẫn giữ vững quan điểm tôi vô tội, và những lời cáo buộc tôi là vi hiến, nhưng trong thời gian hơn một năm qua bị giam cầm, trải qua hai nhà tù và các cuộc thẩm tra của bốn vị cảnh sát, ba vị kiểm sát viên và hai thẩm phán, cách họ làm án vẫn tỏ ra tôn trọng, không bao giờ họ vượt quá thời hạn hỏi cung và họ không hề ép cung. Thái độ của họ là ôn hòa, chừng mực lý tính, thậm chí có lúc bày tỏ thiện ý. Ngày 23 tháng sáu, tôi được chuyển từ nơi quản chế sang Trại giam số Một Sở công an Bắc Kinh, gọi tắt là Bắc Khán. Trong thời gian nửa năm ở Bắc Khán tôi nhìn thấy được những tiến bộ trong công tác giam giữ quản lí.
Năm 1996 tôi cũng đã từng bị giam giữ ở Bắc Khán( Bán Bộ Kiều), khi so sánh với Bắc Khán Bán Bộ Kiều của mười mấy năm trước, Bắc Khán của hiện tại đã có những cải thiện rất lớn về cơ sở vật chất phần cứng và phương pháp quản lí phần mềm. Đặc biệt là cách quản lí nhân tính hóa được áp dụng đầu tiên ở Bắc Khán, dựa trên cơ sở sự tôn trọng nhân cách và quyền lợi của những người bị giam giữ, đã đem phương thức quản lí mềm dẻo hóa áp dụng đến trong từng câu chữ từng hành động, thể hiện ở “chương trình phát thanh êm dịu”, tạp chí “hối ngộ”, những bản nhạc phát đi trước giờ ăn, những bản nhạc trước khi ngủ và lúc thức dậy, với phương thức quản lí như vậy, làm cho những người bị giam giữ cảm thấy được tôn trọng và ấm áp, khích lệ tính tự giác của họ trong việc giữ gìn trật tự trị an buồng giam và phản đối đầu gấu đại ka trong buồng giam. Không những cung cấp một môi trường sống đầy nhân tính đối với những người bị giam giữ, ngoài ra cũng có tác dụng lớn trong việc cải thiện hoàn cảnh tố tụng và tâm lí những người bị giam giữ. Tôi đã có được sự tiếp xúc ở khoảng cách gần gũi với chủ quản phòng giam nơi đang giam giữ tôi là quản giáo Lưu Tranh, sự quan tâm và tôn trọng mà anh ta dành cho những người bị giam giữ, được thể hiện trong mỗi chi tiết quản lí ở đây, thẩm thấu vào trong mọi ngôn từ mọi hành động, làm cho người ta cảm thấy ấm áp. Gặp được vị Lưu quản giáo chân thành, chính trực, có trách nhiệm và lương thiện này, có thể xem như là một may mắn của tôi ở Bắc Khán đi.
Chính trị được xuất phát bởi niềm tin và kinh nghiệm bản thân như vậy, tôi tin tưởng rằng tiến bộ của chính trị Trung Quốc sẽ không dừng lại, tôi tràn đầy lạc quan và mong chờ một Trung Quốc tự do sẽ đến trong tương lai, bởi vì bất cứ một lực lượng nào cũng sẽ không cách nào ngăn trở được khát vọng hướng về tự do của con người, và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành quốc gia pháp trị nơi mà nhân quyền sẽ ngự trị ở vị trí cao nhất. Tôi cũng mong chờ rằng sự tiến bộ này được thể hiện trong phiên tòa này, mong chờ phán quyết công bằng của tòa án – phiên tòa sẽ đủ sức chịu đựng kiểm nghiệm của lịch sử.
Nếu như để tôi nói về điều may mắn nhất của tôi trong 20 năm qua, đó là tình yêu vị tha mà vợ tôi Lưu Hà đã dành cho tôi. Hôm nay, vợ tôi không cách nào đến tòa để chứng kiến phiên tòa, nhưng anh vẫn muốn nói với em rằng, người yêu dấu của anh, rằng anh tin chắc tình yêu em dành cho anh sẽ mãi mãi không thay đổi. Qua nhiều năm như vậy, trong cuộc sống mà anh mất đi tự do, tình yêu của chúng ta đong đầy cay đắng bởi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng khi hoài niệm thì tư vị của nó vẫn bao la khôn cùng. Anh đang thụ án với bản án trong nhà tù hữu hình, còn em chờ đợi anh trong trái tim – nhà tù vô hình. Tình yêu của em là ánh mặt trời lên khỏi bức tường cao và rọi chiếu xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù, chạm trên từng tấc từng thốn da dẻ, làm ấm áp từng tế bào của anh, cho phép anh luôn luôn giữ được nội tâm bình an, cởi mở, và tươi tắn, và làm đầy mỗi phút giây sống trong ngục tù của anh tràn đầy ý nghĩa. Ngược lại tình yêu của anh dành cho em, toàn là hối hận và tiếc nuối mà đã có lần làm cho anh lảo đảo dưới sức nặng của nó. Anh là một hòn đá ngoan cố trong hoang dã, bị vùi dập bởi phong ba bão táp, quá lạnh lùng làm cho không ai dám đụng tới anh. Nhưng tình yêu của anh cứng rắn và sắt bén, có thể chọc thủng bất cứ trở ngại nào. Ngay cả nếu anh bị nghiền nát thành bột, anh vẫn dùng nắm tro tàn của anh để ôm chặt lấy em.
Em yêu dấu, với tình yêu của em anh có thể trầm tĩnh đối diện phán quyết của phiên tòa sắp tới, không ân hận về những chọn lựa của bản thân, lạc quan chờ đợi ngày mai. Tôi hy vọng đất nước tôi là xứ sở của tự do biểu đạt, nơi mà tiếng nói của mọi người dân được đối đãi bình đẳng; Nơi mà những giá trị, tư tưởng, niềm tin và chính kiến khác biệt… có thể cạnh tranh lẫn nhau và cùng chung sống hòa bình; Nơi mà những quan điểm của đa số và thiểu số sẽ được bảo hộ bình đẳng, đặc biệt là những người có quan điểm chính trị khác với những kẻ cầm quyền sẽ được tôn trọng và bảo vệ; Nơi mà tất cả chính kiến sẽ mở rộng ra dưới mặt trời để cho người dân chọn lựa, nơi mà mọi công dân có thể bày tỏ quan điểm chính trị không sợ hãi, và tuyệt đối sẽ không bởi vì nói lên quan điểm chính trị khác biệt mà bị bức hại chính trị; Tôi hy vọng tôi sẽ là nạn nhân cuối cùng của chế độ ngục văn tự liên miên bất tuyệt của Trung Quốc, từ nay về sau sẽ không còn ai bị buộc tội vì phát biểu ngôn luận.
Tự do biểu đạt ngôn luận là nền tảng của nhân quyền, nguồn gốc của nhân tính, và là mẹ của sự thật. Ngăn chặn tự do ngôn luận là chà đạp nhân quyền, là bóp chết nhân tính, và đè nén chân lý.
Để thực thi quyền tự do ngôn luận được thừa nhận bởi Hiến Pháp, người ta phải làm tròn trách nhiệm xã hội của một công dân Trung Quốc. Những gì tôi đã và đang làm không hề có tội, ngay cả như vậy mà tôi bị gán tội, tôi cũng không có lời oán hận nào cả.
Cảm ơn các vị!
Lưu Hiểu Ba ( ngày 23 tháng 12 năm 2009)
(trích “Cái chết chìm của siêu cường – Lời cảnh tỉnh gửi tới Trung Quốc”, Sắp xuất bản)
Chuyên mục:Bài hay trên net.
Trả lời