Uyên Nguyên: Chữ Nghĩa Nguyễn Tấn Cứ: Tự Do Cho Sớm Mai

Thơ Ngguyển Tấn Cứ – TỰ DO CHO SỚM MAI
Lotus Media xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, 2017
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên

——————

Một trong những cây viết trong ngoài nước phản kháng chế độ đương tại Việt Nam, Nguyễn Tấn Cứ viết rất bộc trực, thẳng thừng. Cứ can đảm, dũng lực ở chỗ biết những gì mình viết rất dễ bị tai họa không lường giáng xuống thân mạng mình bởi thế lực đỏ/đen trùm khắp, nhưng Cứ vẫn viết huỵch toẹt. Những dòng thơ chính luận, thời sự hiện thực của Cứ không chỉ rĩ máu oan khiên từ nỗi xa xót phận mình, phận người, phận dân đen, mà còn vang to những lời phản đối, kêu gọi sự phản tỉnh, hô hào đứng dậy đấu tranh. Muốn có những câu để viết biểu ngữ xuống đường, rất dễ tìm thấy trong thơ Cứ. Đọc những gì Cứ viết về thực tại, ta sẽ ngậm ngùi, tủi hận, nghẹn uất, có thể nhỏ nước mắt bi thương hay phẩn nộ nhưng rồi ta vẫn thấy lấp ló hy vọng về cuộc đổi thay trước những bỉ ổi, dối trá, đốn mạc của hiện tiền nhan nhãn. Bởi chữ nghĩa của Cứ là sự lật tẩy, tố cáo mạnh bạo, ngoan cường, và dựng lại “ý thức mới”[1].  Chữ nghĩa của Cứ, đặc biệt keo quánh lại trong thơ, có máu lệ và niềm an ủi, có tuyệt vọng lẫn niềm tin. Chữ nghĩa đó là sự cứu rỗi, ở nhiều mặt. Ở mặt này, cứu rỗi cho chế độ chuyên chính, toàn trị nếu họ kịp thức tỉnh. Ở mặt khác, cứu rỗi thế hệ trẻ nếu kịp mở mắt rời bỏ những gian trá, xão quyệt đang điều kiện hóa, robot hóa họ. Mặt khác nữa, chữ nghĩa của Cứ đang cứu rỗi những văn nhân, nghệ sĩ, nhà báo khỏi những oan khiên do bó buộc phải hay lỡ u mê chấp nhận “văn hóa chuồng trại”. Trên hết, chữ nghĩa đó là sự cứu rỗi cho mọi người bị áp bức, trù dập. Chữ nghĩa của Cứ như thế, nói theo Edward Hirsch, là một hình thái cứu chuộc, một nguồn hy vọng cứu thế – a form of expiation, a hope for redemption[2]. Cứ đã tự mình đóng đinh mình trên thập giá của chợ đời náo hoạt, cuồng loạn, ngập ngụa những thanh toán, thù hận, chạy theo danh vọng, tiền tài,  để cứu chuộc tội lỗi cho mọi người. Chắc chắn sau này sẽ có rất nhiều văn thi sĩ biết ơn Cứ, lịch sử văn chương Việt Nam sẽ tô một vết son cho những cây bút như Cứ, tựa như những tay viết kiên cường của Nhân Văn Giai Phẩm một thời bị chà đạp, trù dập và bây giờ lại được đề cao.

Thơ của Nguyễn Tấn Cứ làm nhớ lại thời đất nước Ba-lan tối tăm, thê thảm, bị phanh thây xẽ thịt  dưới các chế độ Phát xít và Cộng Sản. Những nhà văn, nhà thơ Ba Lan lúc đó, ngoài tình trạng bất mãn vì bị gò ép, bó buộc sáng tác theo một định hướng sắt thép chủ nghĩa xã hội, dân tình điêu linh, lại còn tuyệt vọng trước viễn cảnh mờ mịt, mất hướng của thế giới sau Thế Chiến II đang chạy hộc tốc theo kỹ thuật hóa. Nhưng đã có rất nhiều nhà thơ Ba Lan của thế hệ hậu chiến phản tỉnh, nhìn ngó lại hiện tình và dấn thân vào cuộc sáng tạo mới. Họ từ chối thơ trữ tình, vần nhịp êm ái, chữ nghĩa rất kêu mà rỗng tuyếch, rất ấn tượng mà giả tạo, dối gạt. Họ đã quyết liệt xổ toẹt lên thứ văn chương, chữ nghĩa hoa mỹ, cường điệu, khoa trương. Thơ họ viết không cần ngôn ngữ ma mị, yểu điệu,  mà vô cùng đơn giản, dễ hiểu, cụ thể. Thơ của họ tỏ bày sự bất phục, không tin tưởng một chút nào vào tín điều và ý hệ, giáng mạnh vào sự không tưởng, ma mị, phù thủy của chủ nghĩa Cộng Sản. Chữ nghĩa của họ vừa như lời thống hối của kẻ được sống còn sau chiến tranh, kẻ có tội với lịch sử, vừa biểu đạt mạnh mẽ, quyết liệt tố cáo mọi sự xấu xa, phi nhân, rừng rú của lũ thống trị. Nhại lại nội hàm bài “Thơ và Lịch Sử: Thơ Ba-lan sau khi Thế Giới Chấm Dứt” của Edward Hirsch, có thể nói rằng Nguyễn Tấn Cứ VIẾT lịch sử bằng thơ, viết thẳng thắn, rõ ràng, cụ thể như nói, như kể, như đàn hạch. Và mong rằng đây cũng là điều khải đạo cho sứ mạng người viết ở Việt Nam sử dụng chữ nghĩa, thơ văn để LÀM lịch sử, những trang sử mới và trung thực.

Thơ của Nguyễn Tấn Cứ cũng làm kinh hoàng nhớ đến lối cai trị bá đạo, phi nhân, tham quyền cố vị, luôn tìm cách tru diệt những người yêu nước, phản kháng; dập tắt mọi tiếng nói đòi hỏi công chính; xua đuổi hay đày đọa, giam cầm, tống xuất những người vô tội, hiền hòa, tay không tấc sắt để gìanh ưu thế, gian manh chiếm dụng tài sản, đất đai, ruộng vườn, ao cá, biển khơi… mà những chế độ nô lệ, đế chế, bạo quyền, xâm lược, chuyên chính, toàn trị, quân phiệt và cận đại là những nhà nước Cộng Sản, những tập đoàn Khủng Bố đã và đang ra tay. Daniel Jonad Goldhagen, dạy môn chính trị học tại đại học Harvard, trong cuốn “Tồi Tệ Hơn Cả Chiến Tranh”, đã dùng chữ “Eliminationist” (chủ nghĩa/chủ trương  Loại Trừ) để mô tả và dẫn chứng lối cai trị bá đạo trên[3]. Chủ nghĩa Loại Trừ này được nhà nước áp dụng không chỉ bằng võ lực công an, quân đội, mật vụ, mà còn tác động bằng văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, báo chí, cách sử dụng nhân sự, kế hoạch kinh doanh, hoạt động ngân hàng,…để tận diệt mọi thành phần cản ngại sự tham lam vô bờ, sự tàn ác vô nhân; để dập tắt mọi tiếng nói đòi bứt xích phá xiềng. Đọc văn thơ của Nguyễn Tấn Cứ để thấy những tấn tuồng thảm thương này đang diễn ra thường xuyên trên quê hương Việt tộc. Cái khốn nạn lớn nhất mà Cứ hay vạch trần là chủ trương Loại Trừ những tay viết văn làm thơ yêu nước, chọn đứng về phía người dân bị áp bức, đày đọa.

Còn thơ tình của Cứ ra sao? Yêu nhau trong một xã hội bất toàn, đầy rẫy giả dối, nghi hoặc; bủa vây bởi những đe dọa, thanh trừng khốc liệt; ngập tràn những trò phô diễn tung hứng kịch cỡm,… làm sao tìm cho được một ngày êm đềm, hạnh phúc thật sự. Tìm đến nhau, dù cháy rực đam mê, quấn quyện chan hòa, nhưng như chừng Cứ vẫn thấy cô đơn, vẫn chập chùng những ám ảnh về tình trạng thất tán, đổ vỡ, bất an như đang diễn ra trong sinh cảnh hiện tại của lứa đôi, cái cảnh đời u ám, tàn hoại mà Cứ phải vật vã kinh qua.

Nhưng, dù có chán ngán, buồn bực, bế tắt, Nguyễn Tấn Cứ vẫn tin vào lòng nhân và tình thương sẽ cứu rỗi tất cả. Và chữ nghĩa sẽ là con sông trăm nhánh, là biển cả bao la dung chứa và chuyển tải lòng nhân ái kia đi xa, đi khắp.

Uyên Nguyên
(tháng 8/2017)

 

—————————————————–

[1] Chữ của Phạm Công Thiện

[2] Edward Hirsch, chương 8 “Poetry and History: Polish Poetry after the End of the World” trong cuốn“How to Read a Poem and Fall in Love with Poetry”, in năm 1999, nxb A Harvest Book, Harcourt , Inc., Hoa Kỳ

[3] Daniel Jonah Goldhagen, “Worse than War”, in năm 2009, nxb PublicAffairs, Hoa Kỳ

 



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: