DAZAI OSAMU/Hoàng Long dịch: Vợ Gã Hoang Ðàng (ヴィヨンの妻)

Trích Vợ Gã Hoang Ðàng, trong tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản hiện đại LƯỠI DAO CẠO,
do nhà văn Hoàng Long tuyển dịch từ nguyên tác Nhật ngữ. Lotus Media sắp xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019

 

Hai tác phẩm “Người vợ hoang đàng”“Tiếng búa đinh đong” mà chúng tôi chọn dịch sau đây đều là những kiệt tác của văn hào Dazai Osamu.

Trong đó, truyện “Người vợ Villon” (ヴィヨンの) mà chúng tôi dịch và giới thiệu với tên gọi “Vợ gã hoang đàng” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn hào Dazai Osamu sau kiệt tác “Thất lạc cõi người”, “Tà dương” và “Nữ sinh”. Tác phẩm này có thể nói đã chứa đựng những tâm tình u uất về văn chương và cuộc đời của Dazai cũng như niềm trân trọng hết mực đối với những người phụ nữ Nhật Bản mà trớ trêu thay Dazai lại không thể hiện được điều đó trong chính cuộc đời mình. Qua nhân vật người vợ, cả nước Nhật Bản ngập ngụa đau thương sau chiến tranh, niềm u uất của những con người trí thức trước thời cuộc, sự mạnh mẽ vươn lên đầy nước mắt đều được thể hiện chân thành khiến chúng ta bùi ngùi cảm động. Những dáng vẻ cô độc của những kẻ lầm lũi nơi quán rượu, của người phụ nữ địu đứa con ngơ ngác ngồi trên chiếc ghế đá sứt mẻ bên bờ ao đã bất tử nhờ văn chương, cho chúng ta thấu hiểu và cảm nhận được nỗi lòng của những con người của trăm năm trước. Xa hơn là cả ngàn năm trước và cả của hôm nay. Ý chí sống đó sẽ được truyền đời, không bao giờ tắt nghỉ. Và chỉ duy nhất văn chương mới có thể gọi tên.

Tên Villon được nhắc tới trong tác phẩm này chính là Francois Villon (khoảng 1431- 1491), nhà thơ thiên tài của thơ ca Trung cổ Pháp, vừa là một kẻ lãng du, đạo chích, sống cuộc đời bê tha tự hủy. Cuộc đời của ông cũng “thất cách” như nhà thơ Otani trong tác phẩm, cũng là chân dung tự thuật của chính Dazai Osamu. Chính vì vậy mà chúng tôi dịch thành “Vợ gã hoang đàng”.

Còn truyện ngắn “Tiếng búa đinh đong”(トカトントン) có thể xem là một quyển tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” thu nhỏ. Cái bi kịch Nhật Bản sau chiến tranh phải trả giá bằng rất nhiều cuộc đời điên loạn, bằng bao nhiêu mộng tưởng đẹp đẽ vỡ tan được thu gọn lại trong một bức thư gửi một nhà văn nọ. Đến khi hiểu ra được “Nhật Bản thua trận thật tốt biết bao nhiêu” mà tiếng búa đinh vẫn không ngừng gõ xuống giữa một sa mạc hư vô, đúng ra phá hủy luôn cả một sa mạc hư vô để con người không còn gì bám víu và biện minh cho thân phận đọa đày. Cuối cùng, ai đã giết cả thân xác và linh hồn trong hỏa ngục?

Cả hai truyện đều được chúng tôi dịch từ nguyên tác trong tập truyện “Người vợ Villon” (ヴィヨンの) của Dazai Osamu do Nxb Tân Triều Xã (新潮社), tái bản lần thứ 119, năm Bình Thành 28 (2016).

VỢ GÃ HOANG ĐÀNG

1.

Nghe thấy tiếng mở cửa vội vàng nơi hành lang, tôi mở mắt thức dậy nhưng vì biết chắc đó là ông chồng bét nhè của mình trở về nhà giữa đêm khuya khoắt nên tôi cứ nằm yên lặng.

Chồng tôi vừa bật đèn phòng kế bên rồi cứ vừa thở hổn hển gấp gáp “hà hà..” vừa mở ngăn kéo bàn và ngăn kéo nơi kệ sách như để quơ cào kiếm tìm gì đó rồi tôi nghe ra tiếng ngã vật xuống chiếu tiếp cùng với những tiếng thở não nề “a a ha”. Không biết đang làm gì nữa vậy? Tôi cứ nằm thế nói vọng ra.

“Anh đã về rồi à? Đã ăn cơm chưa anh? Có cơm nắm em để trong chạn ấy”

“A, cám ơn em nhé”, chồng tôi trả lời với giọng dịu dàng khác thường. Không những thế còn hỏi thăm thêm. “Thằng bé sao rồi em? Vẫn còn sốt à?”

Chuyện này quả là lạ lùng hiếm thấy. Thằng bé con sang năm đã bốn tuổi rồi đấy nhưng không biết có phải vì suy dinh dưỡng hay vì do chồng tôi nghiện rượu, hay bệnh tật gì không mà nhìn còn nhỏ bé còi cọc hơn cả những đứa bé hai tuổi con nhà người ta nữa. Chân đi còn chưa vững, miệng chỉ biết kêu “ngựa ngựa” với “không không” là hết mức rồi. Không biết có bị thiểu năng không nữa? Có lần tôi tôi đưa nó ra nhà tắm công cộng, tắm cho thằng bé xong khi ẵm lên nhìn thấy thân hình trần truồng với bộ dạng gầy trơ xương còi cọc xấu xí của thằng bé tôi tủi thân quá đã bật khóc nức nở trước mặt người ta. Thằng bé còn hay bị tiêu chảy và sốt nữa mà chồng tôi lại ít khi có ở nhà. Không biết có nghĩ gì đến con cái không nữa. Khi tôi bảo thằng bé sốt này anh thì chồng tôi chỉ nói à, vậy sao, đưa nó đến bác sĩ đi chứ rồi lại vội vội vàng vàng chộp lấy cái áo khoác mà đi đâu đó mất. Tôi cũng muốn đưa thằng bé đến bác sĩ lắm chứ nhưng chẳng có lấy một đồng nào nên chỉ đành ru nó ngủ rồi lặng lẽ lấy tay xoa xoa trán thằng bé mà thôi.

Vậy mà không hiểu sao đêm nay lại có chuyện gì mà lại dịu dàng khác thường như thế, lại còn hỏi thăm bệnh tình của đứa con nữa chứ. Thế nhưng tôi không cảm thấy vui mừng mà chỉ dự cảm đến chuyện gì đó đáng sợ khiến sống lưng tôi lạnh toát. Tôi không trả lời và sự im lặng kéo dài một lúc lâu, chỉ nghe tiếng thở loạn bạo của chồng tôi mà thôi.

“Xin lỗi”

Tôi nghe một giọng nói thầm thì của người phụ nữ nơi hành lang. Tôi đông cứng người lại như thể toàn thân bị dội nước lạnh.

“Này, xin lỗi. Anh Otani này”

Ngữ điệu lần này sắc bén hơn một chút. Đồng thời tôi nghe tiếng mở cửa nơi hành lang.

“Này, Otani. Có trong nhà đó không?”

Giọng nói lần này toát ra vẻ giận dữ rất rõ ràng.

Chồng tôi cuối cùng hình như cũng bước ra ngoài lang thì phải.

“Chuyện gì đấy?”

Câu hỏi lạc lõng bần thần như thể đang phấp phỏng lo lắng vô cùng.

“Chuyện gì là sao?”, người phụ nữ hạ giọng nói. “Cậu cũng có nhà cửa đàng hoàng như thế này vậy mà lại đi làm ba cái chuyện trộm cướp là sao? Nếu là trò đùa ác ý thì xin cậu hãy trả lại đây. Nếu không bây giờ chúng tôi sẽ đi báo cảnh sát liền”

“Nói gì chứ? Đừng dùng lời thô lỗ khó nghe. Đây đâu phải chỗ mấy người lui tới. Về ngay đi cho. Nếu không về, tôi mới là người đi báo cảnh sát đấy”

Lúc đó, tôi nghe giọng nói của một người đàn ông.

“Khí lực tiên sinh mạnh mẽ nhỉ. Còn dám nói là đây không phải là chỗ lui tới của mấy người nữa chứ. Tôi kinh ngạc không thốt lên lời luôn đó. Sao lạ lùng vậy. Lấy tiền của nhà người ta cơ mà. Nếu là đùa chơi thì cũng phải có mức độ thôi chứ. Tiên sinh sao biết được, cho đến bây giờ hai vợ chồng chúng tôi khổ sở vì ông không biết bao nhiêu mà nói. Vậy mà ông còn làm thêm cái chuyện như đêm nay nữa thì thật là…Tiên sinh à, thật tình tôi đã nhìn lầm người rồi đó…”

“Dám uy hiếp tôi à?”

Chồng tôi cố gắng cất cao giọng dọa nạt nhưng giọng nói vô cùng run rẩy.

“Đe dọa sao? Về đi. Nếu còn kể lể than phiền gì nữa thì ngày mai hãy nói”

“Những lời như vậy mà dám nói ra được. Thiệt tình là ác nhân thất đức mà. Nếu vậy thì chúng tôi chẳng còn cách nào khác phải đi trình báo cảnh sát thôi”

Cái âm hưởng căm ghét và kinh tởm trong những lời nói đó khiến toàn thân tôi nổi da gà ớn lạnh.

“Thôi im đi chứ”, giọng la lối của chồng tôi càng cao hơn nữa, nghe ra một cảm giác trống rỗng vô vọng làm sao.

Tôi trở dậy, lấy cái áo khoác choàng thêm vào người ngoài bộ quần áo ngủ, rồi bước ra hành lang chào hai vị khách.

“Xin chào quý vị”

“Chà, thì ra đây là phu nhân sao?”

Người đàn ông mặt mũi tròn trịa, tuổi quá năm mươi, mặc áo khoác đến đầu gối, hướng về phía tôi khẽ gật đầu chào, không cười chút nào cả.

Người đàn bà thì gầy gò nhỏ thó, ăn vận đàng hoàng, tuổi tầm trên dưới bốn mươi.

“Xin lỗi vì đến vào lúc khuya khoắt thế này”

Người phụ nữ đó cũng không mỉm cười một chút nào, chỉ lấy tay tháo khăn choàng đầu chào tôi.

Ngay lúc đó, bất chợt chồng tôi xỏ guốc, định chạy trốn ra khỏi nhà.

“Này này, đừng làm thế chứ”

Người đàn ông đó nắm lấy tay chồng tôi và bắt đầu gây sự.

“Buông ra không đâm chết giờ”

Trên tay phải chồng tôi con dao xếp vung lên loang loáng. Con dao xếp đó vốn là vật báu của chồng tôi, thường hay để trong ngăn kéo bàn. Vậy là khi nãy chồng tôi về nhà lục lọi ngăn kéo là đã biết sẽ có chuyện này nên tìm dao thủ sẵn trong người đây mà.

Người đàn ông đó phải buông tay. Thế là tranh thủ sơ hở đó, chồng tôi vươn hai cánh tay áo khoác như một con quạ đen lớn rồi bỏ chạy đi mất dạng biến vào đêm đen.

“Đồ kẻ cướp”

Người đàn ông đó la lớn rồi định phóng người đuổi theo nhưng tôi vội vàng bước ra ngăn níu lại.

“Thôi bỏ đi ông, lỡ như một trong hai người bị thương thì sao? Mọi chuyện trước sau còn có tôi đây mà”

Nghe tôi nói thế, người phụ nữ bên cạnh cũng nói thêm vào.

“Đúng đấy ông ạ. Đao kiếm trong tay thằng cuồng, mình không biết nó sẽ làm gì đâu”

“Mẹ kiếp. Phải gọi cảnh sát. Không thưa là không được mà”

Người đàn ông đó vừa nhìn vào trong bóng tối thẫn thờ lẩm bẩm như độc thoại, nhưng toàn thân ông ta như bị hút hết sức lực vậy.

 “Thật xin lỗi. Xin mời ông bà vào nhà, cho tôi biết đầu đuôi câu chuyện đi ạ”

Nói rồi tôi bước đến ngưỡng cửa mà ngồi xuống.

“Có lẽ tôi sẽ giải quyết được chuyện này. Xin hãy ngồi xuống đi ạ. Xin lỗi vì sự dơ bẩn nơi đây”

Hai vị khách nhìn nhau, cùng khẽ gật đầu rồi người đàn ông chấn chỉnh lại tinh thần mà nói.

“Cho dủ nói gì đi nữa thì ý của chúng tôi đây đã quyết rồi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sẽ trình bày tường tận câu chuyện cho phu nhân đây”

“Vậy thì xin mời vào và cứ thong thả ạ”

“Không, chuyện này không có thong thả được đâu”

Người đàn ông nói rồi cởi bỏ áo khoác ngoài.

“Xin ông cứ mặc áo đi ạ. Trời lạnh lắm mà, xin ông cứ khoác áo đi. Trong nhà tôi không có chút củi lửa nào cả mà”

“Nếu vậy thì tôi xin phép”

“Xin mời. Vị này đây cũng vậy. Xin cứ tự nhiên cho”

Đầu tiên là người đàn ông rồi sau đó cả người phụ nữ bước vào căn phòng sáu chiếu của chồng tôi nhìn thấy khung cảnh hoang lương với những chiếu tatami ẩm mốc hôi hám, cửa sổ giấy rách bươm, bức tường như sắp đổ, tấm cửa trượt với tấm giấy dán bong tróc loang lổ, kệ sách và cái bàn nơi góc trống hoác trống hươ đều cố kìm nén tiếng thở dài.

Tôi lấy tấm đệm ngồi đã rách chỉ mời hai người.

“Vì chiếu bẩn thỉu quá nên xin hãy ngồi tạm bằng cái này đi ạ”

Tôi nói xong thì bắt đầu chào hỏi hai người lại từ đầu.

“Lần đầu được gặp ông bà. Có vẻ như chồng tôi đã làm phiền ông bà quá nhiều cho đến bây giờ và đêm nay lại gây ra chuyện gì kinh thiên động địa nữa chăng? Tôi xin lỗi ông bà vì cách hành xử đáng sợ của chồng tôi như thế. Như thể anh ấy là một con người khác hoàn toàn vậy”

Tôi nói cạn lời, nước mắt rơi lã chã.

“Phu nhân à, xin thứ lỗi nhưng cho hỏi năm nay cô bao nhiêu tuổi vậy?”

Người đàn ông ngồi xếp bằng trên cái nệm ngồi rách nát, đưa khuỷu tay đặt trên đầu gối chống cằm, rướn nửa thân người lên cất tiếng hỏi tôi.

“À, tôi ư?”

“Đúng vậy, chồng cô chắc là ba mươi tuổi nhỉ?”

“Vâng ạ. Tôi nhỏ hơn anh ấy bốn tuổi”

“Vậy là hai mươi sáu rồi à? Vậy thì tệ thật. Nhìn vẫn chưa thấy đến tuổi đó mà. Không, chắc chắn rồi. Nếu chồng cô đã ba mươi thì chắc chắn là như vậy. Kinh ngạc thật đấy”

“Ngay từ lúc nãy”, người phụ nữ như thể ló mặt ra từ phía sau cái lưng người đàn ông mở lời.

“Chúng tôi đã vô cùng cảm động. Có người vợ tuyệt vời như thế này mà sao anh Otani đó lại trở thành như thế chứ…”

“Thì bệnh. Bệnh chứ còn gì nữa. Trước đây thì cũng chưa đến mức đó đâu nhưng rồi càng ngày càng tệ hại”

Câu nói bật ra kèm một tiếng thở dài thườn thượt.

“Thực ra thì phu nhân à”, giọng nói bắt đầu trở nên đĩnh đạc. “Vợ chồng chúng tôi đây đang kinh doanh một quán ăn nhỏ ở gần ga Nakano. Tôi thì sinh ra ở miền Joushu, làm ăn đàng hoàng ngay thẳng lắm nhưng mà cái việc chơi bời phóng túng thì những người nông dân chân lấm tay bùn đâu có thích bỏ tiền mua vui gì đâu. Cho nên khoảng hai mươi năm trước, tôi cùng vợ mình đây dắt díu nhau lên Tokyo lập nghiệp, bắt đầu từ việc làm công cho một quán ăn ở Asakusa, cũng nếm trải đủ mùi thăng trầm của đời người, tích lũy được chút ít cho nên khoảng năm Chiêu Hòa thứ mười một thì phải, chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ hẹp chỉ có một gian sáu chiếu với cái sân nền đất dơ bẩn gần ga Nakano bây giờ, cần mẫn gom góp từng một yên hai yên của những người khách chơi bời để phấp phỏm mở một quán rượu. Vợ chồng tôi đâu dám phung phí gì, làm ăn chăm chỉ đàng hoàng lắm, mua sắm tích trữ các  loại rượu shochu hay gin các loại để sẵn đó, rồi sau đó đến thời khan hiếm rượu, chúng tôi không chuyển nghề như các quán khác mà cố gắng cầm cự kinh doanh, nhờ thế mà cũng được nhiều vị khách giúp đỡ. Có vị khách cũng mở đường cho chúng tôi kiếm mối lấy rượu của quân đội tuồn ra, rồi khi trận chiến với Anh Mỹ bắt đầu, các cuộc không kích ngày một ghê gớm hơn, chúng tôi không vướng bận con cái cũng không có ý định tản cử về quê hương, chúng tôi cứ nghĩ rằng mình phải bám lấy việc  kinh doanh này đến khi nào quán bị thiêu cháy thì thôi. Cũng may là chưa bị không kích trúng mà  chiến tranh đã kết thúc rồi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, lại tiếp tục mua rượu lậu về bán. Nói tóm lại thì hoàn cảnh chúng tôi như thế đấy cô ạ. Tuy nhiên nói ngắn gọn như thế người ta cứ nghĩ có lẽ số phận chúng tôi may mắn, không gặp phải tai họa lớn lao gì nhưng mà cả đời con người ta là địa ngục cô ạ, thiện có một phân nhưng ác dài cả thước là thật đấy[1]. Mới được có một phân hạnh phúc thế là một thước tai ách lẻn vào ngay. Con người suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày kiếm được một ngày, không chỉ cần nửa ngày thôi không phải lo lắng gì đã là hạnh phúc đấy cô ạ. Anh Otani, chồng cô ấy, lần đầu tiên đến quán của chúng tôi là vào khoảng mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ mười chín, cái lúc mà không ai ngờ sẽ thua trận đối đầu với Anh Mỹ, không có lẽ lúc đó đã sắp sửa bại trận rồi cũng nên. Chúng tôi làm sao hiểu biết gì tình hình thực sự được chứ, bảo nhau cố gắng thêm hai ba năm, thậm chí còn nghĩ sẽ đến lúc Nhật Bản đạt được hòa hiếu, ngang hàng với các nước khác kia. Khi anh Otani lần đầu xuất hiện chỗ quán chúng tôi, chắc chắn là đang khoác áo bông vùng Kurume nhưng mà khi đó đâu chỉ anh Otani mà dân Tokyo cũng ít người mặc trang phục tránh không kích đi ngoài đường lắm, phần lớn đều mặc trang phục bình thường đi ra ngoài thôi. Chúng tôi khi đó nhìn trang phục của anh Otani chẳng cảm thấy khác lạ gì. Mà lúc đó không chỉ có một mình anh Otani đâu. Mặc dù trước mặt phu nhân đây, tôi cũng xin thưa thật không giấu diếm gì. Chồng cô được một người phụ nữ trung niên dẫn đến phía cửa sau của quán chúng tôi. Vốn trước đó quán chúng tôi ban ngày đóng cửa im ỉm, thiệt tình có thể nói là đóng cửa mà kinh doanh vậy. Chỉ có một vài người khách quen thân thiết lẻn vào từ phía cửa sau, nhưng không phải uống rượu trong cái sân đất phía trước đâu mà phải chui vào sâu trong căn phòng sáu chiếu, tắt hết đèn đuốc, nói cười nhẹ nhàng mà âm thầm say sưa thôi. Hơn nữa, người phụ nữ trung niên đó, khoảng thời gian trước vốn làm nghề tiếp rượu trong một quán bar khu Shinjuku, hay dẫn những người khách thượng đẳng đến quán chúng tôi mà chuốc rượu, rồi dần dần trở nên quen biết với chúng tôi. Như người ta hay nói “ngưu tầm ngưu mã tầm mã[2]” đấy mà. Hơn nữa nhà cô ta cũng ở gần quán chúng tôi, từ sau khi quán bar ở Shinjuku đóng cửa, thôi làm tiếp viên, cô ta vẫn hay dẫn người quen tới. Quán chúng tôi thì rượu ngày càng vơi, cho dù khách thượng đẳng cỡ nào đi nữa mà càng ngày càng nhiều lên như thế này không làm cho chúng tôi vui vẻ cảm tạ về việc kinh doanh tiến triển như hồi trước mà còn gây phiền hà thêm nữa chứ. Nhưng đó hầu hết là những vị khách cô ta thường xuyên dẫn đến từ khoảng bốn năm năm trước mà còn tiêu pha hào phóng lắm nên vì chút nghĩa tình nên dù dẫn nhiều đến đâu, tôi cũng phải làm vẻ mặt vui vẻ mà tiếp đãi. Vì vậy mà khi đó, lúc chồng cô cùng với người phụ nữ trung niên tên là Aki đó, lẻn vào từ phía cửa sau, tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, vẫn như thường lệ đưa họ vào căn phòng sáu chiếu phía sau rồi phục vụ rượu mà thôi. Đêm đó anh Otani uống rất điềm đạm, để cho cô Aki trả tiền rồi hai người lại lẻn về theo lối cửa sau nhưng lạ lùng là tôi lại không sao quên được kiểu cách thượng đẳng khi uống rượu trong im lặng đó của anh Otani. Chắc là khi ác quỷ mới lẻn vào nhà người ta, đầu tiên cũng đều có vẻ thuần khiết lặng lẽ như vậy chăng[3]? Từ đêm đó tiệm chúng tôi đều mong chờ anh Otani đến. Và khoảng chừng mười ngày sau anh Otani xuất hiện nơi cửa sau, lần này chỉ có một mình, bất ngờ rút ra tờ một trăm yên, ngày đó một trăm yên là số tiền lớn lắm, có lẽ còn hơn cả hai ba ngàn yên bây giờ đấy cô ạ, rồi nhét vào tay tôi, nói “nhờ ông giúp cho” rồi mỉm cười yếu ớt. Dáng điệu của anh Otani lúc đó đã có vẻ say sưa rồi mà như cô biết đấy, tôi chưa từng thấy ai tửu lượng lại cao như vậy. Mặc dù tôi nghĩ là đã say rồi nhưng anh Otani nói chuyện rất nghiêm túc, mạch lạc, dù uống nhiều đến cỡ nào đi nữa nhưng tôi vẫn chưa thấy bước chân anh Otani loạng choạng bao giờ cả. Mặc dù người ta nói con người ta tầm trên dưới ba mươi, khi huyết sung mãn, tửu lượng cao cường nhưng được như anh Otani cũng là hiếm thấy. Đêm hôm đó anh Otani xuất hiện với dáng vẻ như đã uống khá say ở đâu đó bên ngoài rồi vậy mà đến chỗ chúng tôi vẫn uống tù tì mười ly rượu sochu, hầu như im lặng, cho dù vợ chồng tôi có bắt chuyện cũng chỉ khẽ gật đầu mơ hồ ừ hử cho qua, mỉm cười hiu hắt mà thôi. Thế rồi đột nhiên anh ấy hỏi thăm “mấy giờ rồi?” và đứng dậy. Tôi nói dạ còn tiền thừa nhưng anh Otani nói thôi khỏi đi. Khi tôi cố gắng nài ép là nếu không nhận thì thật khó xử cho tôi thì anh Otani chỉ mỉm cười hiu hắt mà bảo cho để dành cho lần tới đi, tôi lại đến nữa mà. Anh Otani nói vậy rồi đi về thế nhưng phu nhân à, nói cho cô biết tôi chỉ nhận được tiền từ anh Otani có đúng một lần đó thôi còn lại cứ lừa phỉnh chúng tôi lần này đến lần khác không chịu trả một đồng nào mà nốc muốn cạn luôn kho rượu tiệm chúng tôi nữa. Cứ vậy trong suốt ba năm liền. Thử hỏi chúng tôi chán nản đến mức nào chứ?”

Bất giác tôi bật cười. Không hiểu sao lại thấy buồn cười nữa, cứ thế mà phá ra cười thôi. Tôi vội vàng lấy tay che miệng lại, nhìn qua người vợ thì thấy bà ta cũng cúi mặt khẽ cười. Ông chủ quán chẳng còn cách nào khác cũng mỉm cười khổ sở mà phân trần tiếp.

“Thiệt tình đây đâu phải là chuyện cười gì nhưng chuyện quá đáng như vậy tôi cũng muốn cười luôn chứ. Thực ra một con người tài năng như thế, nếu chuyên chú nghiêm túc vào một lĩnh vực nào đó thì trở thành bộ trưởng hay tiến sĩ gì mà chẳng được. Những người đã từng kỳ vọng vào anh Otani giờ đã không xu dính túi khóc dưới gầm trời lạnh lẽo này đâu phải là ít. Như cô Aki đấy, khi vừa quen biết anh Otani, đã trốn khỏi một Mạnh Thường Quân, đến nỗi giờ không tiền không quần áo, sống trong một căn phòng bẩn thỉu không khác gì ăn mày. Thực ra khi quen biết anh Otani đã cao hứng đến mức vênh váo mà nói ra cho chúng tôi nghe. Đầu tiên là anh Otani có thân phận cao quý lắm. Anh Otani là con trai thứ của nam tước Otani, chủ một biệt trang lớn vùng Shikoku đấy. Dù bây giờ phẩm hạnh anh ấy chẳng ra gì nên mới bị người cha từ mặt thôi chứ nếu người cha nam tước đó chết đi thì anh Otani cùng với người con trưởng sẽ chia nhau tài sản thừa kế đó. Chưa kể anh Otani rất đỗi thông minh, có thể gọi là thiên tài nữa. Quyển sách anh ấy viết năm hai mươi mốt tuổi, so với quyển sách của đại thiên tài Ishikawa Takuboku còn có phần xuất sắc hơn nhiều, rồi cho đến bây giờ anh Otani đã viết mười mấy quyển sách, tuổi tuy còn trẻ nhưng có thể xem là thi nhân số một Nhật Bản rồi. Không những thế anh Otani còn là đại học giả, học xong đại học đế quốc Tokyo, thành thạo cả tiếng Đức tiếng Pháp gì gì đấy kinh khủng lắm. Nghe cô Aki đó nói thì anh Otani gần như là thần linh vậy. Nhưng mà biết đâu tất cả là chuyện bịa thì sao nên tôi có hỏi qua người khác nói thì đúng anh ta là thứ nam của nam tước Otani và là nhà thơ xuất chúng nhưng mà chúng tôi cũng tranh cãi với Aki vì xét thấy hành vi và điệu bộ anh Otani có cái gì đó khác hẳn với những người được nuôi dạy chu đáo. Chúng tôi cứ cảm thấy như vậy đó. Mặc dù bây giờ tầng lớp quý tộc chẳng là cái thá gì nữa nhưng mà cho đến trước khi kết thúc chiến tranh thì để tán tỉnh đàn bà con gái cứ mang thân phận đứa con trai bị từ mặt gốc quý tộc là xong ngay. Kỳ lạ là dường như đàn bà cũng nhìn ra điều đó chứ có phải không đâu. Thiệt tình mà nói theo ngôn ngữ bây giờ đó là do căn tính nô lệ thì phải. Tôi vì thấy sự trác táng không chịu tu tỉnh như thế thì mặc dù là trước mặt phu nhân đây nhưng cho dù là gốc quý tộc đi nữa, hay là thứ nam của một quý ngài nào đó vùng Shikoku tôi cũng chẳng thấy khác gì với chúng tôi đây cả, đâu cần phải vì đó cao hứng hay nhìn thấu suốt làm chi. Mà tôi cũng dở. Đã biết vị tiên sinh đó như thế nên quyết tâm sẽ không bán rượu cho nữa dù có năn nỉ bao nhiêu thế mà khi nhìn thấy bộ dạng như bị ma đuổi đó xuất hiện bất ngờ nơi cửa tiệm như thể đến đây mới được thở phào nhẹ nhõm là tất cả quyết tâm của tôi đều tiêu tan, lại mang rượu ra rót mời. Cho dù say sưa đến đâu cũng không quậy phá nên nếu mà trả tiền rượu đàng hoàng vào thì cũng xem là khách quý đấy. Hơn nữa dù là thiên tài nhưng không bao giờ tự cao tự mãn, khoác lác về bản thân mình. Trong khi cô Aki bên cạnh cứ mãi quảng cáo về tài năng phi thường của vị tiên sinh đó mà tôi lại mở miệng ra nói tôi muốn tiền, hãy trả tiền cho tôi đi thì không khí sẽ trầm lắng đi mất. Dù anh Otani chưa một lần nào trả tiền rượu cho tôi hết nhưng cô Aki thỉnh thoảng trả thay cho vài ba lần, rồi có thêm một người phụ nữ bí mật khác nữa mà nếu để cho cô Aki biết thì nguy. Quý phu nhân đó thỉnh thoảng lại đến cùng với anh Otani, có lần trả quá số tiền rượu nữa mà tôi vốn là thương nhân, nên nếu không có những ngày như thế thì cho dù là tiên sinh Otani hay là người trong hoàng tộc gì đi nữa cũng không thể nào cho uống không mãi được. Tuy nhiên những lần hiếm hoi đó không sao mà đủ được nên chúng tôi lỗ nặng nên nghe nói tiên sinh có nhà ở Koganei, có vợ con đàng hoàng nên định đến một lần hỏi chuyện thanh toán nợ nần. Tôi cũng có lần hỏi anh Otani là nhà cửa nơi đâu thì ngay lập tức anh Otani cảm thấy điều gì đó, chối phắt là không có không có đâu, rồi còn bảo mấy lời khó nghe như tại sao lo lắng dư hơi như thế, gây sự như thế tôi bỏ đi luôn thì ai thiệt cho biết nữa chứ. Tôi cũng hai ba lần theo dấu tiên sinh để điều tra xem thử nhà cửa ở đâu nhưng lần nào cũng bị cắt đuôi ngoạn mục cả. Lúc đó Tokyo lại liên tục bị không kích, anh Otani đội cái mũ chiến đấu, đột nhiên xuất hiện, tự tiện lấy từ trong tủ chăn mền ra một chai rượu brandy, hiên ngang đứng đó mà uống rồi lại biến đi như cơn gió, đâu còn kịp đòi tiền hay làm gì nữa chứ. Không lâu sau đó thì chiến tranh chấm dứt, thế là tôi lại công khai thu mua rượu lậu, làm tấm rèm che mới trước cửa tiệm, cho dù quán có bần hàn đến đâu cũng phải làm ra vẻ sang trọng, thuê cả một cô gái về làm thêm để thu hút khách nữa, thế mà vị tiên sinh ma quái kia lại xuất hiện, lần này không dẫn theo phụ nữ mà dẫn theo hai ba người là ký giả báo chí gì đó. Nghe mấy người ký giả nói chuyện thì bây giờ không còn là thời của quân đội nữa mà là thời của những nhà thơ vốn nghèo rớt mồng tơi cho đến giờ nổi lên xưng hùng xưng bá. Tiên sinh Otani nói chuyện với mấy người đó về những cái tên nước ngoài, tiếng Anh, triết học kỳ quái gì gì đó mà tôi chẳng hiểu nữa rồi đột nhiên đứng dậy bỏ đi, không quay trở lại nữa. Đám ký giả mặt mũi cau có ngơ ngác hỏi ủa thằng đó đi đâu rồi kìa, thôi chúng ta cũng về thôi rồi đứng dậy sửa soạn ra về. Tôi mới nói các ngài khoan đã, tiên sinh đó lúc nào cũng trốn mất như vậy, cảm phiền các ngài trả tiền giùm cho. Có kẻ thì cũng rút tiền trả đàng hoàng rồi về có kẻ thì nổi giận mà bảo rằng để Otani trả đi, bọn tao chỉ có năm trăm yên mà sinh sống mỗi tháng đây này. Mặc dù bị nổi giận như thế nhưng tôi vẫn nói thưa không, các ngài có biết anh Otani nợ tiền rượu ở đây bao nhiêu rồi không? Nếu các ngài có thể lấy từ anh Otani chút nào tiền nỡ rượu trả cho tôi thì chúng tôi xin biếu các ngài một nửa đấy. Đám ký giả nghe thế thì thộn mặt kinh ngạc mà rằng thiệt không ngờ cái thằng Otani lại tệ hại đến thế. Từ giờ trở đi không uống với nó nữa. Chúng ta đêm nay không có lấy một trăm yên, ngày mai sẽ mang đến nên bây giờ cho cầm tạm cái này vậy, nói rồi hùng hổ cởi áo khoác ra để đó. Người ta nói đám ký giả phẩm cách tệ hại lắm nhưng so với anh Otani thì còn đàng hoàng chính trực hơn nhiều. Nếu anh Otani là thứ nam của một nam tước thì đám ký giả đó có giá trị như trưởng nam của công tước vậy. Từ sau chiến tranh, tửu lượng của anh Otani tăng thêm một bậc nữa, điệu bộ tệ hại hơn, còn hay bật ra những câu nói đùa đê tiện trước đây chưa từng nghe bao giờ nữa, lại còn đột nhiên nổi giận đánh nhau với đám ký giả rồi cãi nhau om sòm lại lừa gạt cô bé làm chỗ tiệm chúng tôi chưa đến hai mươi tuổi đầu thành người của mình không biết từ bao giờ nữa chứ. Tôi vô cùng kinh ngạc và quá sức khó xử nhưng vì chuyện đã lỡ làng rồi nên đành cam chịu chứ biết sao. Tôi đã khuyên nhủ con bé đó nghỉ việc, âm thầm trả về nhà cha mẹ nó rồi. Tôi đã lên tiếng khẩn cầu anh Otani à, tôi không nói gì được nữa, xin anh đừng đến đây nữa cho tôi nhờ. Thế là anh Otani giở giọng hăm dọa đê tiện là đã kiếm lời từ trong bóng tối thì đừng có giở giọng đạo đức dạy bảo như người ta làm gì, tôi biết hết cả đấy rồi tối hôm sau lại thản nhiên đến quán ngồi. Có lẽ do tôi buôn bán lén lút trong chiến tranh nên bị trừng phạt phải tiếp đãi những con người như ác ma thế kia nhưng mà cái chuyện tệ hại như đêm nay, thi nhân rồi tiên sinh là cái quái gì chứ, chỉ còn là một tên trộm cướp, lấy sạch năm ngàn yên của chúng tôi rồi chạy mất. Việc thu mua rượu làm chúng tôi rất tốn tiền, cho nên dù trong nhà lúc nào cũng có tiền mặt từ năm trăm đến một ngàn yên nhưng nói thật thì tiền bán hàng vừa thu được bên này thì phải rót vào tiền nhập hàng bên kia hết. Số tiền lớn năm ngàn yên đêm nay tại quán là do năm hết tết đến, gần đến giao thừa rồi nên tôi mới đi quanh một vòng các nhà khách quen thanh toán mới gom được chừng đó, tính để đêm nay đưa cho phía nhập hàng nếu không thì từ Tết năm tới chúng tôi không kinh doanh buôn bán gì được nữa. Số tiền lớn đó bà nhà tôi tính toán xong đem cất vào ngăn kéo phía sâu trong căn phòng sáu chiếu vậy mà vị tiên sinh đó đang ngồi uống rượu một mình nơi chiếc ghế ngoài sân đất cũng nhìn thấy xăm xăm bước vào, không nói không rằng mở ngăn kéo, lấy hết xấp tiền năm ngàn yên nhét vào túi áo khoác rồi trong lúc tôi còn đứng chôn chân kinh ngạc như trời trồng thì anh ta đã bước ra đến sân đất rời khỏi cửa tiệm. Tôi cất tiếng kêu lớn bảo anh ta dừng lại rồi cùng với bà nhà ra sức đuổi theo sau. Tôi cũng định đã đến nước này thì chi bằng cứ kêu lớn “đồ ăn cắp” cho người qua đường biết mà giúp tóm lấy luôn nhưng nghĩ lại anh Otani với chúng tôi vốn là chỗ quen biết đã lâu nếu mình làm vậy thì tàn nhẫn quá nên mới quyết tâm đuổi theo anh Otani không được để mất dấu dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, chờ cho anh ta bình tĩnh lại để nói chuyện trả số tiền đó lại cho chúng tôi thế là hai vợ chồng tôi hợp sức lại chạy đến được căn nhà này, cố gắng kiềm chế nhẫn nhịn để nhẹ nhàng nói anh ta trả tiền lại đây. Không ngờ anh ta còn hỏi chuyện gì rồi vung dao dọa đâm nữa chứ. Thiệt tình luôn….”

Lần này cũng không hiểu sao nữa tôi phá ra mà cười. Người vợ cũng đỏ mặt mà khẽ mỉm cười theo. Mặc dù cảm thấy như vậy là có lỗi với ông chủ quán nhưng tôi cứ thấy buồn cười mãi không sao ngăn lại được. Tôi cười đến chảy nước mắt rồi bất chợt nhớ đến câu thơ của chồng tôi “cười lớn là kết quả tận cùng của văn minh”[4] chắc là để nói về tâm trạng như thế này đây.

2.

Tất nhiên là tuy phá ra cười như thế nhưng đâu có giải quyết được gì. Thế là tôi suy nghĩ rồi hướng về hai vợ chồng chủ quán khẩn khoản nài xin đợi thêm một ngày nữa, đừng đến trình báo cảnh sát vội thế nào tôi cũng tìm được cách giải quyết nào đó và mai sẽ đến chỗ quán Nakano nên xin hãy cho biết địa chỉ cụ thể đi. Sau khi hai người nhận lời rồi ra về, tôi ngồi lặng lẽ giữa căn phòng sáu chiếu, lo lắng băn khoăn phân vân nghĩ ngợi nhưng chẳng tìm ra cách nào khả dĩ đành đứng dậy cởi áo khoác ra, chui vào tấm chăn futon nơi đứa con đang say ngủ, vừa xoa đầu nó vừa mong rằng ngày mai trời đừng bao giờ sáng.

Cha tôi trước đây có mở một tiệm bán Oden[5] cạnh cái ao quả bầu ở công viên Asakusa. Mẹ tôi thì mất sớm chỉ có hai cha con thui thủi ra vào với nhau. Cái quán oden đó cũng chỉ có hai cha con tôi cùng làm mà thôi, cái người là chồng tôi bây giờ cũng thỉnh thoảng có ghé qua, rồi lén gặp gỡ bên ngoài mà giấu kín không cho cha tôi hay. Rồi tôi mang thai và trải qua rất nhiều nỗi phiền hà, tôi tuy về hình thức là vợ của người ấy nhưng lại chẳng có lấy một tờ giấy đăng ký làm bằng nên con tôi chẳng khác gì đứa bé không cha. Người đó một lần rời nhà đi có lúc ba bốn đêm, có khi cả tháng không quay trở về nhà. Chẳng biết người đó đi đâu làm gì mà mỗi lần trở về nhà đều say khướt, mặt mũi xanh xao tiều tụy, hơi thở khổ sở gấp gáp, lặng lẽ nhìn gương mặt tôi rồi chảy nước mắt ràn rụa, rồi có khi thình lình chui vào chiếc futon tôi đang nằm ngủ, ôm chặt lấy tôi mà nói những câu như “không được, không được rồi. Anh sợ lắm. Sợ lắm em. Cứu giúp anh với” rồi người cứu run lên bần bật cho dù đã thiếp ngủ đi rồi mà vẫn còn thốt rồi mê sảng, kêu gào rồi sáng hôm sau lại thẫn thờ như kẻ mất hồn rồi thoáng cái lại bỏ nhà đi ba bốn đêm không về. Có hai ba người làm bên chỗ xuất bản vốn quen biết với chồng tôi từ xưa còn có chút quan tâm đến mẹ con tôi, thỉnh thoảng lại mang đến gửi cho ít tiền nhờ vậy mà hai mẹ con tôi sống lay lắt qua ngày đến được hôm nay, không đến nỗi chết đói.

Cứ trằn trọc lơ mơ mãi đến khi mở mắt ra, tôi nhận ra ánh sáng ban mai đã chiếu vào phòng qua khe cửa sổ. Tôi vội vàng trở dậy, địu con trên lưng rồi rời khỏi nhà. Căn nhà im vắng đến mức tôi có cảm giác như mình không thể nào ở trong đây nữa.

Chẳng biết đi đâu về đâu, tôi đi bộ về phía nhà ga, ghé một quán vỉa hè trước nhà ga mua một cây kẹo cho thằng bé mút rồi sực nhớ ra tôi mua vé đến ga Cát tường tự rồi lên tàu điện. Thấy những cái dây da nắm tay đung đưa nên tôi bất giác cũng nhìn theo và thấy cái tờ quảng cáo treo từ trần xe điện rủ xuống, trên đó có ghi tên chồng tôi. Đó là tờ quảng cáo của một tạp chí và chồng tôi có viết một bài tiểu luận dài tên là “Francois Villon[6]” trên đó thì phải. Trong khi nhìn thấy cái tên Villon và tên chồng tôi nơi tờ quảng cáo đó không hiểu vì sao những giọt nước mắt cay đắng trào ra khiến cái tờ rơi đó trở nên mờ nhòe đi, không sao nhìn rõ được nữa.

Đến ga Cát tường tự, tôi xuống tàu đi bộ ra công viên Inokashira bao năm rồi chưa ghé thăm. Những hàng cây tuyết tùng bên bờ ao đã bị chặt bỏ hết, khu này dường như bắt đầu xây dựng công trình gì đó. Khung cảnh xưa hoàn toàn thay đổi khiến tôi bất giác cảm thấy lạnh người.

Tôi đỡ đứa con trên lưng xuống, hai mẹ con ngồi trên cái ghế đá sứt mẻ nơi bờ ao, rồi tôi đút cho bé ăn củ khoai mà tôi đã mang theo từ lúc rời nhà.

“Này con ơi. Con có thấy cái ao này đẹp không? Ngày xưa nhé, cái ao này đầy cá chép với cá vàng luôn nhưng mà giờ chẳng còn gì nữa cả. Chán quá con nhỉ”

Đứa con tôi chẳng biết nghĩ gì mà cất tiếng cười ke ke rất kỳ lạ trong khi phồng mang trợn mắt vì khoai đầy trong miệng. Tuy là con mình mà sao tôi cảm thấy nó ngốc nghếch vậy không biết nữa.

Ngồi nơi cái ghế đá một lúc lâu, dùng dằng phân vân mãi rồi tôi địu thằng bé trên lưng quay trở lại ga Cát tường tự, đi xem các cửa tiệm bán đồ náo nhiệt nơi sân ga rồi tôi mua vé đi Nakano. Chẳng có suy tính hay kế hoạch gì cả tôi cứ lên tàu đi Nakano như ma đưa lối quỷ dẫn đường, rồi xuống tàu lần đường theo đúng địa chỉ mà hai vợ chồng chủ quán rượu đã nói hôm qua, rồi cuối cùng cũng tìm được đến nơi.

Vì cửa trước không mở nên tôi đi vòng ra sau và vào bằng cửa bếp. Ông chủ không có nhà chỉ có mình bà chủ đang dọn dẹp. Khi vừa giáp mặt bà chủ, tôi thản nhiên buông ra một lời nói dối dù không định trước.

“Thưa bà chủ, số tiền đó tôi sẽ trả lại đàng hoàng cho bà đấy. Nếu không phải tối nay thì ngày mai tôi sẽ xoay xở được thôi. Xin bà đừng lo nữa nhé”

Nghe nói vậy, bà chủ có vẻ vui hơn một chút nhưng trên khuôn mặt đó vẫn có điều gì đó lo lắng day dứt không yên.

“Bà chủ, tôi nói thật đó mà. Chắc chắn sẽ có người mang tiền đến đây thôi. Cho đến lúc đó tôi sẽ trở thành con tin của bà, ở lại đây cho bà yên tâm nhé. Để tôi giúp việc cho bà cho đến khi tiền trả xong xuôi”

Tôi đỡ đứa con trên lưng xuống, cho nó chơi một mình trong căn phòng sáu chiếu phía sau rồi đứng dậy bắt đầu làm việc. Thẳng bé vốn đã quen chơi một mình nên không gây phiền hà chi cả. Hay có lẽ vì ngốc nghếch mà nó không cảm thấy lạ nước lạ cái gì, thậm chí còn mỉm cười với bà chủ nữa. Khi tôi ra ngoài để lấy đồ phân phối cho cửa tiệm thay bà chủ, thằng bé chơi với cái vỏ đồ hộp của Mỹ, tự nó gõ đồm độp hay lăn cái vỏ lon làm vui, ngoan ngoan tự mình đùa chơi trong căn phòng sáu chiếu.

Khoảng gần trưa ông chủ mua cá và rau quay trở về. Vừa thấy mặt ông chủ tôi đã nhanh nhảu buông lời nói dối lúc nãy.

Ông chủ mặt mũi ngơ ngác mà nhỏ nhẹ hỏi tôi với giọng ngạc nhiên:

“Ủa? Nhưng mà, phu nhân à, tiền tôi còn chưa cầm được trong tay thì làm sao mà tôi tin được chứ?”

“Không đâu ạ. Chuyện này là thật sự đấy. Vì thế xin ông hãy tin tôi, chỉ cần đợi hết ngày hôm nay thì mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy ạ. Cho đến lúc đó, tôi sẽ giúp việc ở quán này giúp ông bà”

“Nếu trả được tiền thì còn nói làm gì nữa”, ông chủ nói giọng thì thầm như độc thoại “ dù gì đi nữa thì còn năm đến sáu ngày nữa mà”

“Dạ, bởi vậy cho nên cho phép tôi…A, khách đến rồi kìa ạ. Xin chào mừng quý khách ạ”

Tôi mỉm cười với ba vị khách có vẻ như đám thợ thuyền mới bước vào cửa tiệm rồi cất giọng khe khẽ “bà chủ, cho tôi mượn cái tạp đề nhé”

“Chà chà, tiệm có mướn được mỹ nhân. Em này tuyệt quá”

Một vị khách cất tiếng.

“Xin đừng cất lời dụ dỗ chứ”, ông chủ nói với vẻ nghiêm túc, không có chút đùa cợt gì “vì dùng thân gán nợ đấy mà”

“Danh mã trăm vạn đô la ư?”

Một vị khách khác cất lời đùa thô tục.

“Nghe nói danh mã mà giống cái thì cũng giảm nửa giá đấy anh”

Tôi vừa rót rượu vừa cất tiếng đẩy đưa đáp lời thô tục theo.

“Em đừng khiêm tốn như thế chứ. Nhật Bản từ bây giờ nhé dù là ngựa hay chó cũng phải bình đẳng đực cái thôi em”

Vị khách trẻ tuổi nhất nói với vẻ như giận dữ rồi tiếp “này em ơi, ta yêu em mất rồi. Tình yêu sét đánh luôn đấy. Nhưng mà cô em đã có con rồi sao?”

“Làm gì có chứ”, bà chủ bế đứa con từ phía sau bước ra. “Đây là đứa con tôi nhận nuôi từ người họ hàng đấy. Cuối cùng thì tôi cũng có người nối dõi tông đường rồi”

“Có thêm tiền nữa chứ”

“Thêm sắc tình thêm nợ nần nữa[7]

Ông chủ lẩm bẩm vậy rồi thay đổi giọng điệu hỏi mấy vị khách “mấy anh dùng gì nhỉ? Để tôi làm một cái lẩu thập cẩm[8] nhé”

Lúc đó tôi hiểu ra một điều và tự mình gật gù lẩm bẩm. “Ra là vậy. Vẻ ngoài của mình vô tình đã gợi cho những vị khách niềm hứng thú”

Ngày hôm đó chắc là đúng vào đêm trước Giáng sinh thì phải nên khách ra vào không ngớt, tấp nập đến đi. Tôi tuy từ sáng chưa có chút gì lót dạ nhưng chắc trong lòng nặng trĩu những sầu tư nên cho dù bà chủ cứ bảo hãy nghỉ tay đi chút đã mà tôi vẫn cứ trả lời “không sao đâu ạ” rồi chạy thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác như thể đang mặc có một chiếc áo lông chim mà múa lượn vòng vòng vậy.  Có lẽ hơi kiêu kỳ chút nhưng không hiểu sao không khí cửa tiệm ngày hôm đó chợt bừng bừng sức sống, những vị khách hỏi tên tôi hay bắt tay chào hỏi tôi không chỉ có hai ba người mà thôi đâu.

Tuy vậy, mình làm như thế này rồi sao nữa nhỉ? Tôi chẳng tìm ra được một cách nào khả dĩ. Trong lúc cười đùa, đẩy đưa những lời trêu ghẹo dâm đãng, trả lời những lời đùa hạ đẳng, chạy quanh rót rượu cho khách khứa, trong lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến duy nhất một điều giá như thân xác mình có thể tan chảy đi như kem thì hay biết bao nhiêu.

Quả thật đôi khi trên đời này cũng xuất hiện kỳ tích đấy. Đó là khoảng hơn chín giờ tối thì phải. Tôi nhìn thấy một người đàn ông đội mũ giấy tam giác mừng dịp giáng sinh, mang mặt nạ che quá nửa mặt như siêu trộm Lupin dẫn theo một quý phu nhân xinh đẹp thanh mảnh tuổi chừng ba mươi bốn, ba mươi lăm bước vào quán. Mặc dù người đó ngồi trong góc căn phòng phía sau, quay lưng về phía tôi nhưng vừa nhìn thoáng qua tôi đã biết. Đó chính là ông chồng trộm cắp của tôi.

Bên kia dường như không nhận ra tôi thì phải nên tôi cũng giả vờ không biết cứ tiếp tục đùa cợt đẩy đưa với những vị khách khác. Rồi vì quý phu nhân kia ngồi đối diện với chồng tôi cất tiếng gọi “này, cô ơi” nên tôi mới đáp lời “vâng ạ” rồi chạy đến chiếc bàn chỗ hai người ngồi với nhau.

“Chào mừng quý khách. Mời hai người dùng rượu chứ ạ?”

Khi nghe tôi nói, gương mặt ông chồng dưới cái mặt nạ thoáng chốc trở nên kinh ngạc sững sờ. Tôi xoa nhè nhẹ bờ vai đó mà nói.

“Anh không nói chúc mừng Giáng sinh sao? Anh nói gì đi chứ? Uống thêm một thăng rượu nữa nhé”

Vị phu nhân kia không để ý đến điều đó, làm vẻ mặt nghiêm túc mà bảo tôi rằng.

“Này cô ơi, xin lỗi nhưng chúng tôi có chuyện riêng cần nói với ông chủ. Cảm phiền cô gọi ông chủ vào đây một lát nhé”

Tôi chạy đến chỗ ông chủ đang làm món chiên rán phía sau mà nói.

“Anh Otani đã về rồi đấy ạ. Xin ông hãy ra gặp anh ấy với. Nhưng ông đừng kể gì về tôi cho người phụ nữa mà anh ta dẫn theo nhé. Vì tôi không muốn làm anh Otani phải ngại ngùng mà”

“Được rồi, được rồi. Tôi đến đây”

Ông chủ tuy có nửa nghi nửa ngờ lời nói dối của tôi lúc trước nhưng giờ cũng có vẻ tin tưởng vì việc chồng tôi quay trở lại đơn thuần đúng với lời tôi đã nói.

“Nhớ im lặng về tôi đấy nhé”, tôi nhắc lại thêm.

“Nếu chuyện đó tốt cho mọi người thì tôi sẽ làm vậy”

Ông chủ nói rất thân tình rồi bước vào căn phòng phía sau.

Ông chủ nhìn khắp một lượt các vị khách trong căn phòng đó rồi bước thẳng đến giữa phòng nơi chồng tôi đang ngồi, trao đổi hai ba câu gì đó với vị phu nhân kia và rồi ba người bước ra khỏi quán.

Vậy là tốt rồi. Mọi chuyện đã được giải quyết xong xuôi. Không hiểu sao tôi vững tin như thế nên hết sức vui mừng. Đột nhiên tôi nắm chặt lấy cổ tay của một vị khách trẻ mặc áo kimono có hoa văn màu xanh trắng còn chưa đến hai mươi tuổi mà bảo rằng.

“Uống đi, uống đi nào. Chúc mừng Giáng sinh”

3.

Khoảng nửa tiếng sau, không tôi nghĩ có lẽ sớm hơn, ông chủ một mình trở lại quán đến bên tôi mà nói.

“Cám ơn cô nhé. Tiền bạc đã trả xong xuôi rồi”

“Vậy thì hay quá. Tất cả luôn hay sao ạ?”

Ông chủ mỉm cười rất kỳ lạ mà nói.

“Ừ, đủ. Chỉ còn phần hôm qua nữa thôi”

“Tất cả cho đến bây giờ luôn là bao nhiêu ạ? Ông cho tôi biết số tiền tối thiểu đại khái đi”

“Hai mươi ngàn yên”

“Chỉ thế thôi à?”

“Thì tối thiểu đại khái mà”

“Tôi sẽ trả. Ông chủ à, từ ngày mai cho tôi làm việc ở đây nhé. Và tôi sẽ làm trả nợ cho ông”

“Hả? Phu nhân à, cô thật là ghê gớm đó”

Hai chúng tôi đối đáp và cười.

Khoảng hơn mười giờ đêm hôm đó, tôi rời khỏi cửa tiệm ở Nakano, địu đứa con trên vai trở về căn nhà của chúng tôi ở Koganei. Quả nhiên chồng tôi vẫn chưa về nhà nhưng tôi cảm thấy bình thường. Ngày mai nếu tôi lại đến cửa tiệm đó làm việc thì có lẽ sẽ gặp được thôi. Tại sao cho đến bây giờ tôi mới nhận ra cái điều tuyệt diệu này chứ? Cả cái sự khổ sở của mình cho đến hôm qua là do mình ngu ngốc, không nghĩ ra được cách thức tuyệt diệu này. Vì ngày xưa khi còn phụ giúp cha ở cái quán vỉa hè khu Asakusa, tôi cũng chào mời khách không đến nỗi nào nên từ giờ trở đi chắc chắn tôi có thể xoay xở tốt nơi quán Nakano đó. Chỉ riêng có đêm hôm nay mà tôi đã nhận được tiền tip của khách gần năm trăm yên rồi.

Theo lời ông chủ nói thì chồng tôi đêm trước đó đã đến ngủ lại tại nhà một người quen ở đâu đó rồi sáng sớm hôm qua ghé quán bar khu Kyobashi nơi vị phu nhân đó đang kinh doanh mà uống whisky từ sớm nói vơi năm cô gái tiếp viên ở quán bar đó rằng anh có quà giáng sinh mà phân phát tiền vô tội vạ. Đến gần trưa thì gọi taxi đi đâu đó mua về nào là nón giấy Giáng sinh, mặt nạ các kiểu, rồi thì bánh kem và cả gà tây nữa mang về, gọi điện thoại tứ tung, mời những người quen biết bảo là mở đại yến tiệc. Madam quán bar lấy làm lạ lùng vì người này chưa bao giờ có tiền cả mà sao lại chơi sang thế này mới lén hỏi thử xem sao thì anh Otani điềm nhiên kể tất tần tật chuyện hôm qua không hề giấu diếm điều gì mà hình như madam với anh Otani cũng chẳng phải là người xa lạ gì cả đâu. Thế là mới ân cần khuyên nhủ anh Otani phải trả đi chứ không để cảnh sát can thiệp vào thì sẽ lớn chuyện ra. Tiền thì vị phu nhân đó hoàn trả nên mới bắt anh Otani dẫn đến quán ở khu Nakano vậy. Ông chủ quán Nakano hướng về phía tôi mà nói thêm.

“Đại khái chuyện là vây đó. Nhưng mà phu nhân à, cô cũng đã nghĩ ra cách thức đó nhỉ. Cô đã nhờ bạn bè của anh Otani giúp rồi đúng không?”

Tôi mỉm cười và trả lời theo kiểu giả vờ như đã suy nghĩ ra chuyện này ngay từ đầu và đến đây đợi sẵn thôi.

“Vâng, quả là như vậy ạ”

Từ ngày hôm đó trở đi cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi, tràn ngập niềm vui. Tôi mau chóng ra tiệm làm đầu làm lại tóc, trang điểm rồi may lại chiếc kimono. Bà chủ quán rượu còn phát cho tôi thêm hai đôi tất trắng mới nữa khiến cho tôi cảm thấy những điều khổ não bấy lâu nay trong lòng mình được quét sạch làu làu.

Mỗi sáng tôi trở dậy, hai mẹ con cùng nhau ăn sáng rồi tôi làm thêm cơm hộp, địu thằng bé trên lưng đi làm ở quán rượu khu Nakano. Vào dịp Giao thừa và Tết đến cửa tiệm bận rộn sổ sách ghi chép chi tiêu nên đặt cho tôi là Sacchan quán Tsubakiya. Thế là cô Sacchan này mỗi ngày đều bận tối tăm mặt mũi còn ông chồng thì cứ hai ngày lại ghé quán một lần, tiền rượu để tôi trả rồi lại thoáng cái biến đi ngay đến đêm khuya mới quay trở lại nhìn qua cửa tiệm thấy bóng dáng tôi bèn nói thầm thì.

“Mình về chứ nhỉ?”

Tôi cũng gật đầu, sửa soạn đi về. Cả gia đình thế là cũng có vài lần cùng nhau đi về nhà trong vui vẻ.

“Tại sao ngay từ đầu mình không làm như thế này nhỉ? Em hạnh phúc quá”

“Đàn bà thì làm gì có hạnh phúc hay bất hạnh chứ”

“Vậy ư? Nhưng nếu anh nói vậy thì em cũng có cảm giác đó nhưng mà đàn ông thì thế nào nhỉ?”

“Đàn ông à, chỉ có toàn nỗi bất hạnh mà thôi em ơi. Lúc nào cũng phải tranh đấu với nỗi sợ hãi cả[9]

“Em không hiểu. Nhưng mà em cứ muốn sống kiểu như thế này mãi. Cả ông bà chủ quán Tsubakiya đều là người tốt cả nhỉ”

“Mấy người đó à, ngu ngốc ngờ nghệch lắm. Quê mùa bỏ xừ. Đã thế còn tham lam nữa chứ. Họ nghĩ cứ để mặc cho anh uống để tính lời về sau đấy nhé”

“Thì đó là đương nhiên thôi chứ. Kinh doanh mà. Nhưng mà đâu chỉ có thế thôi phải không? Anh cũng đã từng lừa gạt bà chủ nữa đúng chứ?”

“Chuyện lâu rồi mà. Thế nào? Ông chủ có biết chuyện đó không?”

“Chắc là biết hết chứ? Ông ta hay thở dài thườn thượt mà lẩm bẩm bảo rằng “thêm sắc tình thêm nợ nần” đó thôi”

“Trông anh tỏ vẻ như vậy thôi chứ anh vô cùng muốn chết em ạ. Từ lúc mới sinh ra anh chỉ toàn nghĩ đến chuyện chết thôi. Anh nên chết cho mọi người đỡ khổ em ạ. Chắc chắn là vậy đó. Thế mà không hiểu sao mãi vẫn chưa chết được. Chắc có vị thần đáng sợ kỳ lạ nào đó đã ngăn cản anh chết em ạ”

“Bởi vì anh vẫn còn có công việc của mình mà”

“Công việc cũng chẳng có nghĩa lý gì. Anh không thể viết ra kiệt tác hay rác rưởi được. Nếu người ta nói hay thì hay mà nói dở thì dở em ạ. Y chang như kiểu hít vào thở ra thôi[10]. Nhưng điều đáng sợ là ở đâu đó trên thế gian này vẫn còn thần linh đấy? Có thần linh đấy em nhỉ?”

“Gì cơ?”

“Chuyện có thần linh đấy mà”

“Em không biết nữa”

“Ừ nhỉ”

Trong khoảng mười đến hai mươi ngày làm ở quán rượu, tôi đã nhận ra một điều tất cả các vị khách đến quán đều là kẻ phạm tội không chừa một ai. Chồng tôi còn dịu dàng hòa nhã chán. Mà đâu phải chỉ những vị khách trong quán, tất cả những kẻ đang đi ngoài đường đều cho tôi cảm giác đang che giấu một tội lỗi nào đen tối đằng sau. Có vị phu nhân tuổi chừng năm mươi, trang sức lộng lẫy đến bên cửa sau quán Tsubakiya để bán rượu, nói dõng dạc một thăng là ba trăm yên. Vì rẻ hơn giá thị trường lúc đó nên bà chủ không ngần ngại mua liền nhưng thực ra chỉ là rượu pha nước lã. Ngay cả một vị phu nhân cao quý như thế mà còn phải làm ba chuyện lừa gạt như vậy thì tôi nghĩ trên thế gian này không ai có thể sống trong sạch, không có vết nhơ nào được đâu. Cũng giống như chơi bài vậy, trong đạo đức của thế gian này không thể có chuyện chuyển bại thành thắng nếu như mình chỉ có trong tay toàn lá bài xấu mà thôi.

Nếu như có thần linh thì xin hãy xuất hiện đi. Vào dịp đầu năm, sau Tết tôi đã bị một vị khách trong quán rượu làm nhục.

Đêm đó trời mưa dầm rả rích. Vì chồng tôi không thấy xuất hiện nhưng có hai người bên chỗ nhà xuất bản vốn quen biết với chồng tôi từ trước, thỉnh thoảng lại ghé chỗ tôi đưa tiền nhuận bút để sống cầm hơi là anh Yashima với một người đồng nghiệp nữa, tầm tuổi với anh Yashima chừng khoảng bốn mươi ghé quán uống rượu. Hai người vừa uống vừa cao đàm khoát luận thỉnh thoảng lại nói với nhau như đùa cợt là vợ của anh Otani mà lại đi làm ở chỗ như thế này à, vậy có được hay không nhỉ? Tôi mỉm cười hỏi thăm.

“Vị phu nhân đó sống ở đâu vậy ạ?”

Anh Yashima liền nói.

“Ở đâu thì tôi không biết nữa nhưng ít nhất là xinh đẹp và cao quý hơn Sacchan ở quán Tsubakiya rồi”

“Ghen tỵ quá đi mất. Nếu ở cùng người như anh Otani, cho dù một đêm thôi tôi cũng cam lòng đấy. Tôi thích những người đàn ông hư hỏng gian manh như thế”

“Thì bởi vậy mới nói chứ”

Anh Yashima nói thế rồi nhìn vào mặt người nữ đồng nghiệp mà bĩu môi.

Từ lúc đó, những đám ký giả mà chồng tôi dẫn đến cũng biết tôi là vợ của nhà thơ Otani, rồi có những vị khách hiếu kỳ biết được điều đó cố tình trêu chọc tôi nữa nên không khí quán rượu nhộn nhịp hẳn lên nên tâm trạng của ông chủ quán dần dần cũng trở nên hài lòng.

Đêm hôm đó, sau khi hai người chỗ anh Yashima bàn bạc chuyện làm ăn kinh doanh phi pháp trên giấy tờ gì đó ra về thì đã hơn mười giờ khuya. Tôi thấy đêm nay mưa mà chồng tôi lại có vẻ như không ghé nên mặc dù vẫn còn một người khách nhưng tôi cũng sửa soạn chuẩn bị ra về. Tôi ôm đứa con đang ngủ trong phòng sáu chiếu, cõng trên lưng rồi thì thầm với bà chủ.

“Cho tôi mượn cái dù nhé”

Nghe vậy người khách có vẻ là công nhân, dáng người thấp nhỏ tuổi chừng hai lăm hai sáu, mặt mũi nghiêm trang đứng dậy cất tiếng.

“Để tôi cầm dù cho. Tôi sẽ đưa cô về”

“Rất cảm phiền anh nhưng tôi về một mình đã quen rồi”

“Không đâu. Nhà cô xa mà. Tôi cũng ở gần chỗ Koganei đấy chứ đâu. Cứ để tôi đưa cô về. Bà chủ, tính tiền giùm cho”

Anh ta mới chỉ uống ba ly rượu, có vẻ như chưa say đến thế.

Chúng tôi cùng lên tàu điện rồi xuống tàu ở Koganei, cùng nhau đi chung dưới mái dù trên con đường tối tăm mưa dầm rả rích. Cho đến lúc đó anh ta hầu như im lặng nhưng rồi bắt đầu mở lời.

“Tôi biết cô đấy. Tôi rất hâm mộ thơ của anh Otani. Tôi cũng làm thơ nữa. Tôi cũng định nhờ anh Otani xem qua đánh giá cho nhưng mà tiên sinh Otani đó đáng sợ quá nhỉ?”

Đã về đến nhà.

“Cám ơn anh nhiều. Hẹn gặp anh ở quán sau nhé”

“Vâng, tạm biệt cô”

Người thanh niên đó lầm lũi đi về trong mưa.

Giữa khuya, tôi nghe tiếng mở cửa ngoài hành lang nên trở mình thức dậy nhưng cứ nghĩ đó là người chồng say túy lúy lần về nên cứ nằm yên nhưng chợt nghe tiếng nói của người thanh niên.

“Xin lỗi, xin lỗi anh Otani”

Tổi trở mình dậy, bật đèn bước ra ngoài hành lang thì thấy anh chàng khi nãy đang run cầm cập như đứng không vững nữa.

“Xin lỗi phu nhân. Trên đường về tôi ghé quán làm thêm ly nữa. Thực ra nhà tôi ở khu Tachigawa. Khi tôi ra ra thì đã hết tàu rồi. Phu nhân à, xin làm ơn. Cho tôi ngủ nhờ nhé. Chẳng cần chăn mền gì đâu. Ngoài hành lang này cũng được. Cho tôi nghỉ tạm đến mai đi. Nếu không mưa tôi đã khu dưới mái hiên nhà nào gần đây rồi nhưng mưa thế này thì chịu. Xin cô nhé”

“Chồng tôi cũng không có nhà. Nếu anh thấy ngủ được chỗ này thì cứ việc”

Tôi nói vậy rồi lấy hai miếng đệm ngồi rách rưới mang ra đưa cho anh ta.

“Xin lỗi cô. Tôi say quá”

Vừa mới lí nhí giọng khổ sở như vậy xong anh ta đã nằm lăn ra ngủ. Tôi vừa trở về phòng mình thì đã nghe tiếng ngáy vang rền.

Và rồi sáng sớm hôm sau, tôi bị người đàn ông đó chiếm hữu. Ngày hôm đó tôi cũng làm ra vẻ bình thường, địu con trên lưng đến quán rượu làm việc.

Trong căn phòng phía sau quán Nakano, chồng tôi đang đọc báo một mình với ly rượu rót sẵn trên bàn. Ánh nắng ban mai chiếu vào cái ly bừng sáng thật đẹp đẽ vô cùng.

“Không có ai cả sao?”

Chồng tôi quay lại nhìn thấy tôi liền nói.

“Ừ, ông chủ vẫn còn chợ búa chưa về. Bà chủ thì anh vừa mới thấy trong bếp đó mà giờ đi đâu không biết nữa”

“Hôm qua anh không đến sao?”

“Đến chứ. Không nhìn thấy mặt Sacchan ở quán Tsubakiya thì làm sao mà ngủ được. Anh đến lúc mười giờ hơn ghé nhìn vào nhưng thấy em đã về nhà mất rồi”

“Rồi sao nữa?”

“Rồi thì anh ngủ lại đây chứ sao? Mưa quá trời mà”

“Em từ giờ trở đi chắc phải ngủ lại cái tiệm này luôn đấy”

“Vậy cũng được sao?”

“Em sẽ làm thế. Tiếp tục thuê căn nhà đó cũng chẳng có nghĩa gì anh ạ”

Chồng tôi im lặng, rồi tiếp tục đọc báo.

“Trời, người ta lại bêu rếu anh nữa rồi này. Một tên quý tộc giả hiệu theo chủ nghĩa khoái lạc. Trật lất rồi. Đúng ra phải nói anh là một kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc biết kính sợ thần linh. Sacchan, em nhìn xem này. Người ta viết anh là kẻ nửa người nửa ngợm. Không đúng đâu nhỉ. Bây giờ anh mới nói chứ chuyện cuối năm đó, anh lấy năm ngàn yên là vì muốn thết đãi Sacchan và con mình một cái Tết vui vẻ, xa xỉ đấy. Anh còn làm chuyện đó có nghĩa anh đâu phải kẻ nửa người nửa ngợm hay mất tư cách làm người đâu nhỉ?”

Tôi điềm nhiên mà nói.

“Nửa người nửa ngợm cũng không sao. Miễn mình còn sống là được rồi anh ạ[11]”.

________________________________

[1] Nguyên văn “人間の一生は地獄でございまして、寸善尺魔とは、まったく本当のことでございますね”. “Thốn thiện xích ma” (寸善尺魔) là cách đo đơn vị cũ. Một thốn (寸) là mười phân hay một tấc còn một xích (尺) bằng mười tấc.

[2] Nguyên văn “蛇の道はへび” có nghĩa là “chỉ có rắn mới biết đường của rắn”, tương đương với câu “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” trong tiếng Việt.

[3] Nguyên văn “魔物は人の家にはじめてあわれる時には、あんなひっそりした、ういういしいみたいな姿をしているものなのでしょうか”. Đoạn này Dazai Osamu đề cho nhân vật ông chủ quán rượu lai rai kể khổ kiểu văn phong của con người chất phác, lam lũ. Câu này  là một kinh nghiệm cay đắng của nhân vật khi trót lỡ dính dáng đến nhà thơ Otani kia.

[4] Nguyên văn “文明の果の大笑い”. Câu này trở thành một câu nói thời danh của Dazai, mang ý nghĩa tất cả những gì văn minh, hoạt động nghệ thuật con người cuối cùng cũng chỉ để mua vui một trận cười mà thôi. Chúng ta sống là để cười.

[5] おでん: một món hầm rau củ, hay dùng làm món nhậu bình dân.

[6] Nguyên văn là “フランソワヴィヨン”, phiên âm của Francois Villon (khoảng 1431- 1491), nhà thơ thiên tài của thơ ca Trung cổ Pháp, vừa là một kẻ lãng du, đạo chích, sống cuộc đời bê tha. Cuộc đời của ông cũng “thất cách”  gần như Dazai. Câu “Mais où sont les neiges d’antan?” (But where are the snows of yesteryear? – Nhưng đâu rồi những bông tuyết ngày xưa?) từ bài Ballade des dames du temps jadis (The Ballad of Yesterday’s Belles – Bài thơ về những người đẹp ngày xa) do Dante Gabriel Rossetti dịch sang tiếng Anh đã trở thành một câu truyền miệng yêu thích nhất xưa nay trong thế giới Anh ngữ (theo trang Wikipedia).

[7] Nguyên văn “いろも出来、借金も出来”

[8] Nguyên văn “Yosenabe” (寄せ鍋) món lẩu thập cẩm gồm cá, gà, sò, rau đậu hũ nhúng vào nước dùng.

[9] Nguyên văn “男には、不幸だけがあるんです。いつも恐怖と、戦ってばかりいるのです”. Nghe như lời than thở của chính Dazai Osamu về cuộc đời mình.

[10] Nguyên văn “仕事なんてものは、なんでもないんです。傑作も駄作もありやしません。人がいいと言えば、よくなるし、悪いと言えば、悪くなるんです。ちょうど吐くいきと引くいきみたいなものなんです”. Nghe như đồng vọng lời Nguyễn Du “thi văn tàn tức nhược như ti” mà Bùi Giáng chuyển ngữ thần sầu “thi văn tiếng thở như lời tơ than”.

[11] Nguyên văn “人非人でもいいじゃないの。私たちは、生きていさえすればいいのよ”. Từ “nhân phi nhân” (人非人) ở đây có thể hiểu là con người mà không có tư cách làm người, nửa người nửa ngợm, không có phẩm giá con người.



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: