Tuổi trẻ cho đến nay cũng có thể coi như là cạn một chung trà, qua tuổi thanh xuân. Từ ngày biết đến ngưỡng cửa Gia đình Phật tử, tôi không dám nói là hướng dẫn nổi ai, nhưng khi kể chuyện với các em mình về Giáo Hội, về thầy, về những người anh, người chị gắn liền nhiều sự kiện, diễn biến, để hình thành một pho lịch sử buồn vui như hôm nay, lắm khi chính mình cũng bâng khuâng!
Câu hỏi mà tôi tin nhiều lúc không phải ai đặt cho mình, và chính mình phải hỏi mình trước, làm khó mình trước, để tự tìm hiểu rồi trả lời với mình. Cái hiểu biết đó, ít nhiều sẽ làm cho mình yên tâm hơn chứ không nói việc hướng dẫn nổi ai, kể cả các em mình cũng vậy.
Càng về sau, tôi thấy bài học của những vị Thầy lớn, đàn Anh đúng nghĩa, thường không câu thúc, áp đặt người nào hiểu ngay cái hiểu của mình, mà chỉ san sẻ những thông tin cần thiết, rồi khuyên tự thân chứng nghiệm lấy.
Lịch sử tranh đấu Phật giáo, qua sự lãnh đạo của Tổng Hội, rồi Giáo Hội Thống Nhất, là điều gì đó thật bi tráng, nhưng với tôi đó không phải cái để mình luôn tự hào, tự tôn mà quên mất mục đích cốt lõi của Đạo Phật.
Nhưng, do hoàn cảnh đất nước bao phen tưởng được hòa bình, tưởng được thống nhất nhưng ngày nay, sau bốn mươi lăm năm “giải phóng”, Việt Nam chỉ như một kịch trường tráng lệ mặt trước nhưng hỗn độn phía sau. Người Việt lại tất bật lao sinh, đè cán lên nhau mà sinh tồn, cố bám lấy mảnh đất ông cha. Đấu tranh Phật Giáo, đúng hơn cuộc vận động của Phật Giáo qua hình ảnh Giáo Hội liên lũy như ngọn lửa giữ bền, có lúc bừng sáng, có lúc lu mờ nhưng may mắn chưa bao giờ lịm tắt.
Từ đó, câu hỏi bao lần khiến mình bâng khuâng, “Phật Giáo muốn gì mà thời nào cũng đấu tranh?” (https://uyennguyen.net/…/ly-dai-nguyen-phat-giao-viet-nam-…/), cũng được trả lời. Và bao nhiêu năm, một lần nữa giữa hiện tình không mấy vui trong ngôi nhà Phật Giáo, bao hình ảnh thương cảm in sâu trong tâm khảm luôn gợi nhắc cho mình những di huấn vô cùng thâm thiết, nó đồng thời xác định những nhân cách không chỉ được hiểu phiến diện do tính sôi động, nông nổi tuổi trẻ nhiệt tình trên trường đấu tranh của mình, mà qua đó giúp mình nhận ra đâu là chất liệu tinh truyền của Đạo, của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Dấn thân một cách tỉnh táo.
Lịch sử Giáo Hội, Xá Lợi Tăng Nhân, xương cốt huyết lệ đồ chúng, có thấm vào đâu trong những pho sách, báo nên mình không chỉ tìm nơi đó là đủ!?
Con đường của chúng ta đang đi, nếu ngắt thành đoạn, nếu khoanh thành vùng, nếu chỉ thấy nơi một bản vị duy nhất…, ắt khó thấy hết cái ý nghĩa của việc mà Thầy Tổ bao đời đã dày công. Sự nghiệp đó lớn hơn tất cả một kiếp sống vô thường riêng rẽ. Danh hiệu Giáo Hội cũng vậy, đạo hiệu Tăng Thống hay bất kỳ ngôi vị nào cũng vậy, là sự tương tục mọi giá trị từ quá khứ Thầy Tổ lao nhọc mà có, vậy thì trước khi muốn gánh vác việc Thầy Tổ, việc Giáo Hội, việc Gia đình Phật tử v.v… phải tìm về với nguồn cội.
8 năm trước nhân kỵ Ôn, đọc Thông Bạch Hòa Bình của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, cảm giác như được tắm gội trên dòng sông quê ngoại. 8 năm sau trong không khí tưởng niệm ngày “cái bẫy hòa bình” của những thế lực đầu cơ chính trị giật xuống, họa binh lửa tuy không còn, nhưng người dân đã sống trong đó như “trại súc vật”. Từ đây chúng ta thấy, càng xác định tín tâm, qua lời kêu gọi thống thiết của Giáo Hội, của Ôn Thiện Minh, nếu được tiếp nối và thực hiện sẽ là nền Hòa Bình Như Thật, mang giá trị bất biến của nguồn Đạo Từ Bi.
THÔNG ĐIỆP HÒA BÌNH: https://uyennguyen.net/…/thichsieu-phuong-sao-luc-37-nam-s…/
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện
Trả lời