Cửu Long Cạn Dòng – Biển Ðông Dậy Sóng; Tác giả Ngô Thế Vinh,
tái bản lần thứ 3, 2014 – Viet Ecology Press
Bìa: Uyên Nguyên
Không hiểu tại sao tôi vẫn chọn lựa con người nhà văn nơi Ngô Thế Vinh, mặc dù Ngô Thế Vinh đã chọn cho mình nhiều căn cước khác biệt khi anh lao vào trong thế giới của chữ nghĩa. ở cuốn sách mới nhất của anh Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng, ngươi đọc đã thấy những hóa thân Ngô Thế Vinh biến thái liên tục theo từng trang mở rộng. Ngô Thế Vinh con người xanh của môi sinh, Ngô Thế Vinh con người chính trị nhân bản, Ngô Thế Vinh con người phiêu lưu trong khu rừng già địa lý chính trị, Ngô Thế Vinh con người tiên tri lịch sử… LONG ÂN, Người Việt 12, 2001. Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng là tác phẩm quan trọng của Ngô Thế Vinh, chứa đầy sự kiện lịch sử, địa lý, tư tưởng, nhân văn. Tác giả đưa chúng ta vào những vùng đất còn nóng bỏng chiến tranh, còn nồng mùi mồ hôi, nước mắt và máu, còn sôi sục bao nhiêu điều ta phải trăn trở, suy tưởng, đau đớn. Ðược như vậy, nhờ công phu sưu tầm, đi sâu vào thực tế, thực địa, tìm hiểu đến ngọn nguồn vấn đề, và nhất là kỹ thuật xây dựng tác phẩm nhờ đó có sức lôi cuốn của một tiểu thuyết – NGUYỄN XUÂN THIỆP, Phố Văn 2, 2002.
Con sông Mekong như mạch sống đã và đang ngày một gắn bó với tương lai vận mệnh của các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam lại là quốc gia cuối nguồn. Đã qua rồi thời kỳ hoang dã của con song dài 4200 cây số chảy qua lãnh thổ của bảy nước_ kể cả Tây Tạng, mà ngót một nửa chiều dài là chảy trên lãnh thổ Trung Quốc.
Không phải chờ tới khi người Tây Phương tới khai sinh đặt tên sông Mekong – vẫn có con sông hùng vĩ từ bao nghìn năm rồi. Do con sông chảy qua những vùng dân cư nói bằng nhiều ngôn ngữ nên đã có nhiều tên gọi khác nhau. Người Tây Tạng gọi tên là Dza Chu – nước của đá, tới Trung Hoa con sông mang tên Lan Thương Giang – con sông xanh cuộn sóng; xuống tới Thái Lào con sông lại có tên Mea Nam Khong – con sông mẹ, tới Cam Bốt có tên riêng Tonle Thom – con sông lớn, tới Việt Nam con sông đổ ra chín cửa như chín con rồng nên có tên Cửu Long.
Riêng tên sông Mekong được giới ngoại giao Tây Phương lúc đó là Anh và Pháp chấp nhận trên bản đồ, có lẽ bắt nguồn từ một tên gốc Thái theo cách phiên âm của người Bồ Đào Nha thành tên gọi Mekong – có ý nghĩa thơ mộng là “ mẹ của các con suối.”
Từ thế kỷ đầu tiên của dương lịch, đã có một nền văn minh Ốc Eo nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Thế kỷ 12, đoàn chiến thuyền dũng mãnh của vương quốc Champa đã vượt sông Mekong xâm lăng tàn phá kinh đô Angkor Khmer. Thế kỷ 13, Marco Polo cũng đã vượt qua sông Mekong ngả Vân Nam để ra khỏi Trung Hoa. Cũng khoảng thời gian này, Châu Đại Quán nhà hải hành Trung Hoa từ Biển Đông ngược dòng song Mekong lên Biển Hồ tới thăm Angkor viết thiên hồi ký kỳ thú về chuyến đi này.
Thế kỷ 19, Henri Mouhot nhà sinh vật Pháp cũng đã tới với con sông Mekong và tái phát hiện khu đền đài Angkor.
Ở Sài Gòn cho dù Pháp đã thiết lập được nền bảo hộ, cuộc sống những người Pháp ở đây đã chẳng sáng sủa gì, họ bất mãn về giá trị thương mại của thuộc địa Nam Kỳ nên bắt đầu quan tâm tới con sông Mekong. Đã có những cuộc thảo luận về điều mà họ gọi là“ý tưởng lớn ” – người khởi xướng là Francis Garnier mới 24 tuổi đang giữ chức vụ Đô Trưởng Chợ Lớn. Garnier không chỉ đam mê với các cuộc phiêu lưu tới “những vùng đất chưa biết” mà còn có niềm tin rằng “một quốc gia_ như nước Pháp, mà không có thuộc địa là một quốc gia chết.” Và kết quả là sự hình thành một đoàn thám hiểm gồm sáu người, tuổi trẻ rạng rỡ và có học thức, sống giữa thế kỷ 19 của chịu đựng và khắc kỷ. Họ đã khởi hành từ Sài Gòn trong bước đầu của cuộc hành trình đầy ắp lạc quan tới thủ đô Nam Vang.
Nhưng rồi chuyến đi kéo dài ròng rã 2 năm (1866-1868) với vô số những khó khăn trở ngại không lường được ở phía trước. Chuyến đi hào hùng nhưng bi thảm, kết thúc bằng cái chết của người trưởng đoàn khi đặt chân tới cửa ngõ Vân Nam, họ chưa biết được đâu là đầu nguồn của con sông Mekong nhưng cũng để thấy rằng con song ấy đã không thể là thủy lộ giao thương với Trung Hoa.
Ba mươi năm sau (1894), một đoàn thám hiểm Pháp khác do Dutreuil de Rhins cùng bạn đồng hành J-F Grenard rời Paris đi Nga rồi sang Trung Quốc theo con Đường Tơ Lụa vào được cao nguyên Tây Tạng. Họ được coi như đã tới gần nguồn nhất của con sông Mekong nhưng định mệnh dành cho Dutreuil de Rhins thật bi thảm, ông bị các dân làng Khamba bắn chết. Riêng Grenard sống sót về tới Paris, tuyên bố đã tìm ra thực nguồn con sông Mekong nhưng đã không đưa ra được chi tiết chính xác nào.
Và như vậy cho tới thập niên 50 của thế kỷ 20 đầu nguồn của con sông Mekong vẫn còn là một bí nhiệm.
Bị lãng quên một thời gian, con sông Mekong lại được nhắc tới trong những năm khói lửa của cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Giữa cao điểm của cuộc chiến (1968), phóng viên Peter T. White và W.E.Garrett của báo National Geographic chỉ tới được với khúc dưới sông Mekong từ vùng Tam Giác Vàng – riêng phía thượng nguồn lúc đó thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh đã không cho nhà báo nào được bén mảng tới. Từ đây họ xuôi dòng theo con sông qua Thái Lào Cam Bốt xuống tới Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.
Phải chờ tới sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam, sau Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh, ký giả Thomas O’Neill cùng Michael S. Yamashita mới thực hiện cuộc hành trình gần như xuyên suốt xuôi theo dòng song Mekong (1992) từ thượng nguồn Tây Tạng xuống Vân Nam qua Miến Điện Lào Thái Lan Cam Bốt và chặng cuối cùng là Việt Nam.
Cũng là lần đầu tiên họ được dân du mục Tây Tạng dẫn đường lên tới Zadoi cao 4600m vùng xa nhất của con sông Mekong “nơi phía sau ngọn núi thiêng – nơi có con rồng Zjiadujiawangzha là vị thần linh bảo vệ cho nguồn nước an lành… phía sau ngọn núi là một dải băng tuyết dài khoảng 300 thước Anh, hình thù như chiếc đồng hồ cát. Nghiêng cúi xuống mặt nước đá, tôi nghe thấy tiếng chảy róc rách: đó là những âm tiết đầu tiên của con sông Mekong và tôi cũng khám phá ra rằng tôi và Mike là những nhà báo Tây phương đầu tiên nghe được những âm thanh ấy”. Nhưng rồi không có tọa độ được xác định và cả không có tên ngọn núi thiêng ấy trên bản đồ, tuyên bố tìm ra nguồn sông Mekong của hai ký giả báo National Geographic cuối cùng chỉ là một huyền thoại.
Thực sự phải chờ tới ngày 17 tháng 9 năm 1994 – một thời điểm lịch sử của con sông Mekong, hai mươi năm sau khi con người đã đặt chân lên mặt trăng, khi có đoàn khảo sát Anh Pháp với Michel Peissel leo tới đỉnh đèo Rupsa lần đầu tiên tới được điểm khởi nguồn của con sông Mekong nơi trung tâm hoang vắng nhất của cao nguyên Trung Á ở cao độ 4975m xa khu dân cư hàng trăm cây số và quan trọng hơn cả Michel Peissel đã xác định được tọa độ chính xác: Vĩ độ 33 độ 16’ 534 Bắc, Kinh độ 93 độ 52’ 929 Đông.
Từ nay bất cứ lúc nào và ở đâu trên bản đồ người ta cũng có thể xác định được vị trí khởi nguồn con sông Mekong. Peissel đã ghi lại những dòng cảm tưởng: “Chỉ vài con số nhỏ ấy mà bao nhiêu đấu tranh – bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi đã đổ ra kể từ 1866… đây là lần đầu tiên chúng ta ghi nhận được cội nguồn của con song lớn thứ ba của Châu Á”.
Tìm ra được tọa độ khởi nguồn của con sông nhưng rồi cũng để đau lòng chứng kiến từng bước suy thoái của con sông lịch sử, con sông thời gian và đang có nguy cơ trở thành con sông cuối cùng ấy.
Cuốn sách này viết về những năm tháng cuối cùng của con song Mekong. Cũng với ước mong rằng Ngày N+ của con sông định mệnh ấy sẽ là một thời điểm rất xa, ít ra là không nằm trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba này.
Cuốn sách không phải là một công trình nghiên cứu theo cái nghĩa kinh điển mà được viết dưới dạng tiểu thuyết gồm 23 chương, không có truyện như những tình huống khúc mắc chỉ có những khung cảnh nên mỗi chương có thể đọc như truyện ngắn với con sông Mekong luôn luôn là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Nhưng đây cũng không thuần túy là một cuốn “tiểu thuyết/ fiction” được hiểu như là sản phẩm của tưởng tượng nhưng là dạng “dữ kiện tiểu thuyết – faction: facts & fiction”, với một số ít nhân vật như những hình tượng văn học và phần dự phóng là hư cấu để cùng với người đọc đi tới những vùng đất, nơi có con sông Mekong hùng vĩ chảy qua, cũng là con sông thời gian soi bóng những bình minh và hoàng hôn của các nền văn minh, cả mang theo máu và nước mắt của các cuộc chiến tranh qua những thế kỷ – một con sông lớn đầy ắp tính lịch sử và vô cùng phong phú về tính địa dư nhân văn. Không phải bằng đôi mắt chim mà bằng tầm nhìn vệ tinh để choáng váng thấy hết toàn cảnh tấn thảm kịch sông Mekong với bao nhiêu là tai ương mà phần lớn do chính con người gây ra.
Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và biển đông dậy sóng 13 cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 11 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết.
Riêng phần sách báo Tham Khảo sẽ giúp số bạn đọc quan tâm dễ dàng tìm tới một số tài liệu nghiên cứu. Cũng mong rằng trong tương lai không xa, sự hiểu biết về con sông Mekong sẽ ngày càng thêm phong phú do những công trình khảo sát mới của các bạn trẻ Việt Nam bên trong cũng như ngoài nước – mà cuốn sách này có tham vọng như những đề tài gợi ý.
NGÔ THẾ VINH
Cà Mau Năm Căn 11/1999
Ngô Thế Vinh, làm báo sinh viên Tình Thương, tốt nghiệp y khoa Sài Gòn, y sĩ liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, tốt nghiệp thường trú bệnh viện đại học Nữu Ước, hiện là bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện nam California. Cửu Long Cạn Dòng Biển Ðông Dậy Sóng, là một dữ kiện tiểu thuyết liên quan tới “môi sinh và phát triển” lưu vực sông Mekong.
Chuyên mục:Trên kệ sách
Cho e hỏi là mua sách này ở đâu ạ? e cảm ơn nhé
ThíchThích