Tuyển tập 75 chính luận và tâm bút của Trần Trung Đạo
Tựa: Gs Nguyễn Ngọc Bích – Bạt: Ts Bạch Xuân Phẻ
Biên tập: Trần Trung Tín
Thiết kế bìa: Uyên Nguyên – Trình bày nội dung: Đặng Hoàng Lân – Trần Nghi Hạ
Nhạc: Nguyễn Trọng Khôi – Phan Ni Tấn
Cổ Loa xuất bản lần thứ nhất tại Boston, Hoa Kỳ, 2017
Salvador Dali là một họa-gia lớn của nhân-loại. Có lần ông được mời đến nói chuyện ở trường Columbia, nơi vợ chồng tôi đi học ở New York cách đây cũng đã hơn nửa thế-kỷ. Đến giờ khai mạc, người ta bỗng thấy một người chạy hớt hơ hớt hải từ cánh gà sân khấu ra la lớn: “Salvador Dali (ông ta ngưng một lúc để cho cái tên kia thấm vào người nghe, vào cử-tọa), Salvador Dali… is the greatest, is the greatest.” “Salvador Dali… là số 1, là số 1!”Người ta phải ngỡ ngàng một lúc rồi mới nhận ra, đó là cách ông tự giới-thiệu… rất kịch-tính, không muốn để cho ai mất thì giờ ra giới-thiệu ông ta một cách dông dài!
Thiết tưởng Trần Trung Đạo không cần phải làm gì kịch-tính như vậy, người ta vẫn biết anh là ai, và sự hiện diện của Quý Vị ở đây ngày hôm nay cũng đủ nói lên sự quý mến mà anh đã giành được trong lòng không ít độc-giả Việt-nam hôm nay.
Anh là một con người hiền hòa, khá điềm đạm, ôn tồn nhưng thuyết phục! Đó là một người tin ở lẽ phải, tin ở sự thật, tin ở lẽ tất-yếu của cuộc đời, và nhất là tin ở lịch-sử mấy nghìn năm của dân-tộc! Anh cũng còn có một niềm tin sắt đá vào tuổi trẻ Việt-nam. Anh thuyết phục bởi không bao giờ anh mất những niềm tin đó.
Một cuộc đời không ít chuyện bất hạnh
Mà lạ. Bởi không thể bảo được là anh may mắn gì nhiều trong đời anh. Mất mẹ từ rất sớm, mồ côi cha từ tuổi 13, anh sớm phải ra đời lăn lộn với cuộc sống, đi ở chùa, đi làm đủ mọi thứ việc, gặp không ít chuyện bất bình nhưng không bao giờ anh bỏ cuộc. Vào Sài-gòn, gặp một người như mẹ nuôi rất tốt với anh, ra ngoại-quốc anh đã viết nên một bài thơ tuyệt-tác, bài “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” mà ta chỉ cần đọc qua một lần, không thể quên được.
Với mỗi chặng đường trong cuộc sống của anh, anh đã ghi lại được những trải nghiệm, những bài học, đôi khi đắt giá nhưng rất thân thương như trong cuốn sách anh viết chung với Thượng-tọa, nay đã lên Hòa-thượng, Thích Như Điển của chùa Viên Giác bên Đức khi hai người còn là đồng-môn trẻ tuổi trong một ngôi chùa ở Đà-nẵng.
Là một người Việt-nam, anh cũng rất gắn bó với quê hương, nơi anh sinh ra và lớn lên. Sinh ra ở đất “ngũ phụng tề phi,” anh rất ý-thức về quê hương Quảng-Đà của anh. Lớn lên với những gương sáng của các bậc tiền-nhân, không riêng gì của đất Quảng, anh lại còn đặc-biệt thích sử và được hun đúc trong tình yêu nước nồng nàn bởi mấy thầy dạy sử ở trung-học của anh.
Lịch-sử Việt-nam trong bảy mươi năm qua để lại cho chúng ta nhiều kỷ-niệm chua xót và đau buồn. Đặc-biệt, trong những năm gần đây đất nước chúng ta lại còn gặp cái nạn Hán-hóa có thể đi đến thảm-họa Bắc-thuộc gần kề như chúng ta có thể chứng-kiến qua những vụ lấn lướt của Trung-Cộng ở Biển Đông mà nạn-nhân trực-tiếp là những ngư-dân Việt-nam ở ngay vùng quê hương của Trần Trung Đạo, những người như ở Cù lao Ré (Lý-sơn) ra đi mà đôi khi không có ngày về trước sự dã-man và hung hãn của kẻ thù truyền kiếp. Những người phải âm thầm chịu đựng, chôn trong những “mộ gió” vì sự bất lực của chính-quyền, để lại vợ trẻ con thơ nheo nhóc. Những người mà “nỗi đau mất mát” đã phải làm động lòng cả một ngoại-nhân là anh André Menras, có tên Việt là Hồ Cương Quyết.
Có lẽ tình-hình Việt-nam trong những ngày gần đây đang đi đến một nút kết nào đó, buộc chính-sách ở quê nhà phải chuyển hướng nếu không muốn đi vào ngõ cụt, vào chỗ chết. Không chỉ nguy ngập mà lần này chết có thể là chết cả nút chứ không phải chỉ là chuyện ảnh-hưởng đến một nhóm người mà thôi, tóm lại không phải là chuyện địa-phương hay chuyện giỡn.
Có lẽ cũng vì thế mà ta thấy như nở rộ một số sách mà tác-giả gom lại từ các bài viết, các tiểu-luận mình viết đó đây, nhằm đáp ứng những nhu-cầu bình-luận thời-sự nóng bỏng, phản ảnh một tấm lòng thiết tha, sôi nổi với đất nước, quê hương và dân-tộc. Chẳng thế mà Trần Trung Đạo vừa tung ra tập Chính Luận của anh thì nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của Uyên Thao ở Virginia cũng gần như cùng lúc tung ra thị-trường cuốn Chính Luận 2013 của Phạm Chí Dũng, viết từ Sài-gòn. Mà cuốn này cũng lại đến liền ngay sau cuốn Những Sự Thật Cần Biết của Đặng Chí Hùng, người vừa thoát được sang Canada từ những nanh vuốt của công an Cộng Sản Việt Nam thò tay sang đến tận Thái-lan để nhờ Interpol giữ anh lại và trục-xuất anh về VN. Tất cả đều là những tập tiểu-luận để giúp chúng ta nhìn lại, điều chỉnh hướng đi trước khi phóng tới… trong một tương-lai đầy u ám.
Một quyển sách với nhiều cách nhìn mới
Thường đọc một tập tiểu-luận, độc-giả có quyền nhảy từ chương này sang chương khác, không nhất thiết đọc một mạch từ đầu đến cuối. Vậy mà chính tôi đã làm việc ngược đời là đọc tập tiểu-luận của Trần Trung Đạo từ trang đầu cho đến trang cuối, không bỏ sót một trang nào. Đủ tỏ là cuốn sách được sắp xếp khá khéo, thành một trật-tự lô-gích dẫn ta từ vấn-đề lớn này sang đề-mục lớn kia, mở mang tri-thức của ta bằng nhiều điều mới lạ, và ngay cả khi đề-tài là một đề-tài quen thuộc như về VN (Mậu Thân ở Huế, Cải cách ruộng đất hay kinh-nghiệm đi tù Cộng-sản), tác-giả cũng đưa ra được những lập-luận hay nhận-định thật mới mẻ làm cho ta giật mình hay thống khoái. Đúng như Jean Cocteau kể chuyện khi anh còn trẻ, có lần nhà biên-đạo vũ người Nga, Diaghilev, đã nói với anh: “Etonne-moi!” (“Anh hãy làm cho tôi ngỡ ngàng đi!”)
Cuốn sách của Trần Trung Đạo, cũng như cuốn Đèn Cù của Trần Đĩnh mới ra gần đây, đúng là có cái hỉệu-ứng đó! Gần như trang nào ở trong hai cuốn sách của Trần Trung Đạo và Trần Đĩnh, dù tuổi tác hai người khá xa nhau, nhưng đều làm cho ta ngạc-nhiên, thích-thú, không ít lần ta tự thấy gật gù với tác-giả, để công-nhận sự sâu-sắc ở trong anh.
Đọc Trần Trung Đạo làm tôi nhớ đến ngày tôi mới ra trường với bằng Cử-nhân Chính-trị-học ở Princeton, một trường nổi tiếng về ngành này. Là một người trẻ mới 20, tôi nghĩ lại khi sang Đại học Columbia: Là một người Việt-nam ở phương Đông, tôi biết khá nhiều về nước Pháp, văn-học Pháp, rồi văn-minh văn-hóa Mỹ và Anh, thậm chí đến cả thơ tiếng Đức tôi cũng thuộc một số. Nhưng rồi tôi tự hỏi tôi có mất gốc không khi tôi biết nhiều về Âu-châu hơn những nước láng giềng của VN như Trung-quốc cận-hiện-đại hay Nhật-bản, Cao-ly, nói gì đến những nước nhỏ hơn dù rất gần ta như Miên, Lào, Thái… Do đó mà sang Đại học Columbia, tôi đã phải đi tìm về nguồn bằng cách học tiếng rồi lịch-sử, văn-học Trung-hoa để dần dần lan sang văn-học Nhật, tiếng Cao-ly và một số môn gần gũi với đất nước ta hơn.
Khác hẳn tôi, trẻ hơn tôi, Trần Trung Đạo đã nhìn được ra ngay là một sự hiểu biết về Trung-quốc là then chốt đối với một người VN hôm nay luôn quan-tâm đến vận-mệnh nước nhà. Do vậy mà gần một nửa cuốn sách là viết về Trung-Cộng, so sánh nó với chế-độ Phát-xít của Hitler, tương-phản nó với nước Mỹ, đào sâu những âm-mưu của Bắc-Kinh với những nơi xa xôi như Phi-châu, Congo, thậm chí cả cái nguy-cơ của chủ-nghĩa sô-vanh Đại-Hán móc nối với dân-tộc chủ-nghĩa cuồng tín của Sam Rainsy ở Campuchia để bao vây hay cầm chân VN. Và mỗi trang, anh không khỏi làm ta giật mình vì cái hiểu biết rộng lớn của anh, nhất là cái nhìn thật xa, thật sâu, nhìn phía sau hiện-tượng như quan-niệm “sức mạnh mềm” (“soft power”) do cả Hồ Cẩm Đào, rồi bây giờ là Tập Cận Bình, lẫn Obama đem ra áp-dụng trong một khung-cảnh quốc-tế mới.
Tôi không rõ anh Trần Trung Đạo học chính-trị-học hay quan-hệ quốc-tế hồi nào nhưng phải công-nhận là anh có một đầu óc phân-tích rất chi ly và anh biết dùng những nguồn đáng tin cậy để rút tỉa ra được những nhận-xét và kết-luận có giá trị. Người Mỹ có câu để khen tặng người giỏi mà không làm cho ta khó chịu, đó là câu: “He carries his scholarship lightly,” có nghĩa là “anh ta uyên bác nhưng gánh cái uyên bác đó thật nhẹ nhõm.” Và tôi cho câu này áp-dụng vào Trần Trung Đạo có lẽ không sai!
Tôi là người được cho là đã đi nhiều, ấy vậy mà so với anh, có lẽ tôi chỉ là người mới bén gót được một phần của anh thôi. Tỷ như tôi vẫn mê đi Ấn-độ nên đã đọc khá nhiều sách về đủ mọi phương-diện của xứ huyền-diệu này song cho tới nay, tôi vẫn chưa đặt chân được đến xứ này. Song anh, vì nghề chuyên-môn, đã có dịp đi nhiều nơi ở Ấn-độ, đặc-biệt là Bangalore, nơi được coi như một Silicon Valley của xứ này.
Thành thử đọc Trần Trung Đạo là ta đi từ khám phá này sang khám phá khác. Và vì tính-cách lương-thiện của anh, tính-cách mà Võ Phiến ở Bình-định nói là “thàng,” tính-cách không lên gân lên cốt của anh nên ta dễ đem lòng tin anh. Bởi ta thấy anh không có lý-do gì lừa lọc ta, trái lại anh lúc nào cũng muốn như chia sẻ với ta những điều hay của lạ anh học được, không chỉ ở những nước lớn mà còn ở cả một nước nhỏ như Sierra Leone, nhỏ nhưng mà lại tiến-bộ, lại dân-chủ hơn nước đã từng tự-hào là “đỉnh cao trí tuệ loài người.”
Rồi thử đọc hai chương anh viết về ông Nelson Mandela của Nam-Phi. Thật là một gương tranh đấu phi thường, ông Mandela không chỉ thắng được lên trên sự khác biệt màu da, thắng được lên tất cả những tội ác mà người da trắng đã dành cho cá-nhân ông và đồng-loại da màu của ông, ông thắng vượt được cả chính ông để đổi cách đấu tranh từ đấu tranh vũ-lực sang đấu tranh bất bạo-động, bắt tay cả với kẻ thù để tránh, không còn đổ máu nữa và đem lại sự hòa hợp hòa giải đích-thực cho nước ông, cho dân-tộc ông. Tóm lại, biết bao nhiêu điều gợi hứng để cho chúng ta có thể học hỏi. Thử hỏi, có bao nhiêu người Việt trong chúng ta chân-thành nghĩ rằng ta có thể học hỏi được gì từ một người da đen Phi-châu, dù như tổ tiên của loài người, tức là của tất cả chúng ta, gần như chắc chắn là đã xuất phát từ Đông Phi.
Một niềm tin sắt đá vào tuổi trẻ và tương-lai dân-tộc
Cái làm cho Trần Trung Đạo đáng yêu là không bao giờ anh mất niềm tin đối với tuổi trẻ VN và tương-lai dân-tộc, tiền-đồ VN. Hơi giống Ngô Nhân Dụng, tức nhà văn, bình-luận-gia Đỗ Quý Toàn, trong sách Đứng vững ngàn năm, đối với cả hai anh thì dù như hiện-tại xem ra đen tối cả hai anh đều vững một niềm tin vào tuổi trẻ và vào truyền-thống dân-tộc, như dòng nước chảy cuồn cuộn trong mạch máu của ta.
Đọc Trần Trung Đạo là ta thấy niềm tin đặt vào tuổi trẻ, một sự vững lòng là không có khó khăn nào mà tuổi trẻ không thể vượt qua, không trở ngại nào mà tuổi trẻ không thể đạp đổ. Tại sao? Tại vì chính anh là một gương mặt trẻ, chắc bẩm là tương-lai thuộc về lớp các anh, nói như người Pháp, dù rằng “tuổi già có khôn ngoan, có biết” thật đó song vẫn không bằng tuổi trẻ còn dư sức lực, với những kỹ-năng cập nhật, chuyên-hóa, với những bộ óc còn tươi mát, với những mạng xã-hội đan kết lại thành một khối không thể đập tan được. Với những người hướng dẫn sáng suốt như Trần Trung Đạo thì ta có thể nói: “Tuổi trẻ VN, hãy bình tâm tiến bước!”
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong tại Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc và Ottawa, Đêm Trung-thu 16 Giáp Ngọ & Mồng 3 tháng 12, 2014
Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm
Trả lời