CÒ HỒN XÃ NGHĨA
Tác giả: Bà Ðầm Xòe Phạm Thành
Giao Chỉ xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2017
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1546382867
© Tác giả và Giao Chỉ giữ bản quyền.
Kính bạn đọc!
Năm Hai ngàn không trăm mười hai là năm tôi ở vào cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận[1]“, ăn thịt động vật loại chỉ độ vài miếng đã ngán, rượu uống vài chén đã ngà ngà say, thấy gái chỉ còn ham muốn ở cái tinh thần, là lúc hoài niệm hay trở lại.
Ngẫm một đời:
lúc đói rét không dám gào;
bị áp bức không dám quẩy cựa;
yêu không dám thổ lộ;
lại còn:
gặp kẻ muốn ăn thịt mình phải cong đuôi lên mừng rỡ;
trong bụng rỗng tuếch mà phải hô lên là ấm no;
sống kiếp nô lệ, lại tưởng đang được hưởng tự do;
chồng Bắc, vợ Nam, gia đình ly tán, loạn lạc, lại cứ đinh ninh mình đang hưởng hạnh phúc bất tận: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu; Dân chủ triệu lần hơn,
mà thấy kinh hãi cho một kiếp người, một dân tộc người.
Tuy, ngày ngày vẫn còn phải cắm mặt xuống đất, ngửa mặt lên trời kiếm cơm ăn, áo mặc, nuôi vợ con, nhưng đêm đêm chợt ngủ, chợt thức, quá khứ, hiện tại cứ ập về, đành cặm cụi trong một năm ghi lại, một năm sửa chữa, mà nên cuốn tiểu thuyết: Cò hồn Xã nghĩa này.
Kính bạn đọc thưởng lãm!
Phạm Thành
————————————-
[1] Câu nói của Khổng Tử, hàm nghĩa: khi người ta tới sáu mươi tuổi thì mới đạt đến độ hoàn hảo về mặt tri hành, kiến văn, và kinh nghiệm cuộc sống.
Trích phần 1, quyển 1, tập 1
Người nào rồi đến lúc cũng muốn bỏ đời mà đi.
Trong sự sống chập chờn, Tự Do như tàu lá héo, dường như tôi đến lúc cũng muốn bỏ đời mà đi. Bỗng gặp một kỳ nhân, dáng bệ vệ, người tầm thước, có khuôn mặt chữ điền, da đen bóng loáng, hai mắt lộ to dưới đôi lông mày rậm, trông hao hao giống ông trạng Mạc Đĩnh Chi nước mình.
Người này nói: “Đừng chết vội, có tôi ở bên cạnh, cố mà sống có ích thêm một, vài năm nữa. Mà muốn chết hãy đến khu nghĩa địa nước Mynga xem mình sẽ nằm ở chỗ nào, hướng nào?”.
Tôi choàng dậy, thấy đầu óc minh mẫn, sức lực như ở đâu đó hội tụ về, ngước mắt nhìn xem kỳ nhân này là ai? Nguyễn Hữu Luyện. Người đó là dân công hỏa tuyến, là kỹ sư xây dựng, kiêm nghề xem phong thủy, là bạn thân thiết của tôi – Nguyễn Hữu Luyện.
Theo gợi ý của Nguyễn Hữu Luyện, tôi mò ra khu nghĩa địa nước Mynga.
Khu nghĩa địa nước Mynga, gồm cả mộ phần và sinh phần[1], nằm ở phía Bắc thủ đô nước Mynga, trên một khoảng đất rộng, xung quanh có đồi núi, sông suối bao quanh. Phía Bắc giáp nước Tàu, phía Tây giáp nước Tượng Vạn và nước Chùa Tháp, phía Đông giáp biển Đông, mang tên: Nghĩa trang Cò hồn Xã nghĩa Mynga.
Tôi hiểu ngay rằng, Cò hồn Xã nghĩa là một cái tên đẹp. Cái tên có kế tục truyền thống những con cò hồn, biểu tượng của giống dòng Tiên Rồng, thấy tạc nhiều trên trống đồng Đông Sơn, nay nó được gắn kết với búa và liềm, biểu tượng mới của thời đại Xã nghĩa. Nó đẹp không chỉ ở con chữ mà còn đẹp ở nội dung, vì trong cái tên Cò hồn Xã nghĩa ấy, đã gói cả quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Mynga ở trong đó rồi. Dân Mynga đeo cái gói ấy ở bên hông, đội ở trên đầu, thành tâm tề tựu, xếp thành hàng, thành lối, hối hả hành quân, hối hả thẳng tiến lên tầm cao của thời đại mới – thời đại Xã nghĩa – thời đại Hò Văn Đản.
Trong khu nghĩa địa mộ phần và sinh phần có cơ man nào là mộ phần.
Mộ phần có cái thì to. Có cái thì nhỏ. Có cái có bia mộ. Có cái chỉ như một thúng đất úp xuống. Có cái lại tựa như một luống khoai lang chạy dài chừng ba mét, đúng mẫu mực với đường lối “ba tấc đất”[2] cho người về. Có cái thì tròn. Có cái lại vuông. Có cái hình lục lăng. Có cái lại to đùng, to đoàng như Kim tự tháp Ai Cập.
Hướng những mộ phần trong khu nghĩa địa có đủ cả chín phương, tám hướng, không thấy có sự tập trung: đâu là hướng triệt, hướng sinh? đâu là hướng lầm than, khổ hạnh? đâu là hướng sinh vua, sinh chúa? đâu là hướng cho dân giầu, nước Mạnh, tự do, ấm no, hạnh phúc? Hướng như vậy, thầy phong thủy có giỏi giang đến mấy cũng đành bó tay khi phán, tức, chẳng biết nói thế nào cho đúng lý, phải lẽ với “gió” và “nước”[3].
Tôi có cảm tưởng khu nghĩa địa mộ phần và sinh phần được xây dựng bởi một cộng đồng cư dân thập cẩm. Vì gì đấy, về đây chung chạ. Vì gì đấy, lại lặng lẽ rời đi, nên mới thiết kế có đủ chín phương, tám hướng như vậy. Nó in đậm nét của một cộng đồng dân cư không vững bền, quen với lối sống “được chăng hay chớ”[4], biết ngày nay mà không biết tới ngày mai.
Mộ phần ở khu nghĩa còn cho biết, kết tinh văn hóa chết sống của dân tộc này mới chỉ vượt qua thời ăn lông ở lỗ, nghĩa là chưa trưởng thành, nghĩa là chưa có một triết luận sống chết căn bản nào để phân biệt giữa người lớn và trẻ con. Nếu đem thuyết phong thủy của người xưa đã đúc kết thành sách ra soi chiếu khu nghĩa địa này thì thấy cái luật phong thủy, hoặc là vô giá trị, hoặc là vô cùng có giá trị.
Tôi quan sát kỹ càng một lượt rồi hoang mang. Chẳng biết mình chết thì chôn theo hướng nào, để mộ phần tôi được sinh sôi, để con cháu tôi đời đời, không là vua chúa thì ít ra cũng phải là công hầu, khanh tướng, quyền cao ngút ngất, chỉ dưới một người, trên cả ngàn vạn người?
Người vô thần cộng sản quan niệm sống thì còn chết thì hết, xem ra không đúng ở khu nghĩa địa nước Mynga. Có người chết chỉ khiêm tốn hưởng đúng ba tấc đất. Có người lại bành trướng, khoe khoang chiếm những ba ngàn tấc đất. Có người ghi tên tuổi trên bia mộ đàng hòang. Có người lại không ghi. Thậm chí, có người đến cái bia cắm trên đầu mộ cũng không có.
Thời Mynga Cò hồn Xã nghĩa có nhiều người nổi tiếng nằm trong khu nghĩa địa Cò hồn Xã nghĩa Mynga này.
Một người hay chữ có tiếng, thích suy tư lý luận, cứ mở miệng ra là:
“Cộng sản, vô sản cái cóc cáy, giả cày”.
“Mác xít, Xã nghĩa cái cò hồn, cò mồi”.
“Dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc cái điếm đàng, lừa đảo”.
Người này là cha tôi, nhà cộng sản dân tộc, chủ tịch quốc hội mặt trận nước Mynga Phạm Vương, tạ thế ngày…
Một người hành nghề chăm sóc thịt, da, xương cốt, tim, óc cho người, rất thạo dùng dao kéo cắt thịt người chỗ này, vá víu vào người chỗ kia. Cắt xương cốt người này, nối vào xương cốt người kia. Hoặc đơn giản là vứt mẹ nó đi cho động vật ăn thịt nhai hoặc chế biến thành món nhậu. Người này còn kiêm thêm nghề đào bới, hành xác tổ tiên. Ngôn luận của ông ta, cứ mở miệng ra là:
“Bốn ngàn năm lịch sử”.
“Con Rồng, cháu Tiên”,
“Lục lâm, thảo khấu, lưu manh”.
Người này là bác sĩ, đảng viên đảng Mynga Xã hội Vũ Minh Quân, tạ thế ngày…
Một người thích lắm tiền, nhiều của, hành nghề nhồi sọ người bằng vô số những ký tự a, b, c… Ông ta mở miệng ra là:
“Mynga ngàn năm văn hiến”.
“Mynga nhân bất học bất tri lý”.
“Mynga nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
“Xã nghĩa là cái chổng mông
Mác xít là cái cặc lông tông quần”.
Người này là giáo sư Lê Hà Độ, tạ thế ngày…
Một người hành nghề bắn giết, nhưng lại không coi con người như bia tập bắn, mở mồm ra là:
“Anh hùng, vĩ đại, lãnh tụ”.
“Vĩ đại như cái lồn dại”.
“Lãnh tụ như cái cặc mủ”.
Người này là cậu tôi, là anh hùng lực lượng vũ trang, đảng viên đảng cộng sản, trưởng ban an ninh nước Mynga Trần Chiến Thắng, tạ thế ngày…
Một người hành nghề hoạn lợn, quét sơn. Đầu ông ta như cái mũi của con lợn đực rừng, cứ thấy có gì nhô cao lên trên mặt đất là ủi, đủn cho kỳ tung tóe hết lên mới thôi. Ông ta cứ mở miệng ra là:
“Giết, giết nữa”.
“Phá, phá nữa”.
“Vô sản muôn năm”.
“Cách mạng muôn năm”.
Ông ta là nhà cách cái mạng chính hiệu, kiệt xuất, đảng viên đảng cộng sản, đội trưởng Đội cải cách, trưởng ban cải tạo xây dựng nước Mynga, tổng bí thư đảng cộng sản nước Mynga Hò Văn Đản Mười.
Một người hành nghề cò mồi, nhếu nháo nói láo ăn vua. Ông ta cứ mở miệng ra là ruồi nhặng thi nhau kéo đến bu bám. Bởi, trên miệng ông ta luôn ngậm miếng mồi nhử khổng lồ ngọt ngào, óng ánh:
“Chính quyền không phải là chính quyền”.
“Cán bộ chỉ là công bộc”.
“Dân chủ triệu lần hơn”.
“Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
“Tư bản đang giẫy chết”.
“Cò hồn Xã nghĩa vĩnh viễn là mùa xuân của nhân loại”.
Ông ta chính là lãnh tụ cách mạng, đảng trưởng đảng cộng sản nước Mynga, “Cha gìa dân tộc”[5] Hò Văn Đản, tạ thế ngày…
Và còn lia lịa mộ phần của những Hò Văn Đản Duẩn, Hò Văn Đản Chinh, Hò Văn Đản Đồng, Hò Văn Đản Giáp, Hò Văn Đản Linh, Hò Văn Đản Hữu…
Họ không còn sống ở cõi người. Nhưng câu chuyện về họ, hình hài họ vẫn còn ở lại trong tâm trí con người cùng trời đất, gió mưa. Tiếng nói của họ còn vọng về. Riêng tôi, những khi tâm trạng thăng hoa trong niềm vui hay ủ rủ trong nỗi niềm cô đơn buồn thảm, tôi thường đến nói chuyện với họ, hoặc ít ra tôi âm thầm lắng nghe câu chuyện của họ. Hôm nay, trong một chiều chạng vạng cuối Thu, trời đất xầm xì, lại có mưa rơi ri rích, gió mùa đông bắc tràn về, tâm hồn trở nên trống trải, có phần buồn thảm, có phần cô liêu, tôi lại đến với họ.
Họ, khi sống thì được mỗi người mỗi nết. Khi chết, có người không có mồ, tức không được mỗi người mỗi mồ[6].
Tôi nghiêm cẩn thắp hương, đốt nến trên mộ các ông. Cúi đầu vái lạy các ông. Cúi đầu vái lạy cả bốn phương tám hướng. Hương cháy rần rật, lan tỏ vào không trung, vương vít trên ngọn cỏ xanh, âm thầm ngấm vào khe đất nứt của từng ngôi mộ. Mắt tôi nhắm lại, đầu tôi rực sáng nhìn rõ bốn ông: cha tôi Phạm Vương, cậu Trần Chiến Thắng, bác Lê Hà Độ, bác Vũ Minh Quân, đang như một tiểu đội dăng hàng, kề cận bên nhau, mặt ngửa cả lên ngắm trời xanh, gào với trời xanh.
Vọng:
Tôi nghe tiếng cha tôi nói với mấy ông:
“Các ông ơi. Mỗi khi tôi hát, “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày”[7] là tôi lại thấy mình như một kẻ bất lương. Bất lương kệ bất lương, tôi hát tiếp cái đã. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”[8], tôi lại thấy tôi như một kẻ khốn nạn”. Rồi chẳng biết đau đớn gì trong lòng, cha tôi hát to hơn nữa lên: “Bớ mấy thằng con hoang, đừng giương cặp mắt ốc nhồi trắng dã nhìn ông như thế. Đừng ngăn ông hát như thế. Các người là ai? Các người có phải là bọn người chỉ sống nay đây mai đó. Các người sinh ra ở rừng núi thẳm, rừng sâu hoang dại thì làm gì có quê hương mà hiểu quê hương mà thao láo con mắt, mà sầm mặt sừng sộ ngăn ông hát”.
Giáo sư Hà Độ, người nằm cạnh cha tôi nhất, cũng là thầy giáo của tôi cười hì hì rồi bình luận:
“Tự hào đấy. Tự hào đấy”.
Cậu Trần Chiến Thắng, anh hùng lực lượng vũ trang, nằm kề cạnh bác Hà Độ, thân thể chỉ còn là một bộ khung xương chi chít những lỗ thủng do bị đạn xuyên, bom cắm. Cứ tưởng cậu không còn mồm miệng để kêu lên. Nhưng không, tôi đã nhìn thấy miệng cậu Thắng há to ra như cái miệng gầu giai, quát tướng lên:
“Tự hào cái con khỉ. Hích hích”.
Giáo sư Hà Độ, giọng rất chi là minh triết, nhưng lại rền rỉ:
“Mi im mồm cho tau nói hết. Như mọi người thôi, ai chẳng có một quê hương để thương, để nhớ, để giận, để hờn, để đỏ con mắt, để rỉ máu con tim”.
Cha tôi vẫn cao giọng hát:
“Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”[9].
Cậu Trần Chiến Thắng lại ngoặc cái miệng gầu giai ra, hích hích như một con chuột cống nghiến rằng:
“Thôi, anh câm cái mồm đi. Cái thằng Đản nó mang nhiều quốc tịch đấy. Cái con mẹ người Tàu của nó, nó còn yêu hơn cái con mẹ Việt đẻ ra nó ở nước Mynga nhà anh đấy. Quê hương cái lồn chột”.
Bác Hà Độ lập tức cười lên hì hì:
“Cái lồn chột là cái đéo gì? Ngu. Cái mắt chột”.
Hích, hích… Miệng gầu giai lại tung tóe nước bọt ra, bám nhòe nhoẹt quanh miệng cậu Thắng. Nghe tiếng cậu Thắng như tiếng chuột cống mài răng:
“Ngu. Cái lồn chột mới lạ, tao mới nói chứ cái mắt chột, ai cũng biết, nói làm đéo gì”.
Chỉ cái lồn chột, cái cặc thúi, bốn ông cười nói xôm xả đến lạ lùng. Ai biết cái lồn chột như thế nào? Ngay cả cậu Trần Chiến Thắng, bao giờ cũng sử dụng nó làm câu phá, câu kết trong giao tiếp chuyện trò, có khi cũng không biết nó chột như thế nào? Nó thúi như thế nào? May có bác Hà Độ tiếp nối câu chuyện bằng một bình luận:
“Cái thằng, hắn cứ hay nói chữ khác người, thực ra hắn có biết, có thấy cái lồn chột, cặc thúi bao giờ đâu? Tôi làm nghề dạy học, có thấy giáo trình nào soạn về cái khoản ấy đâu?”. Bốn ông lại cười nghiêng, cười ngả.
Cậu Trần Chiến Thắng lại cao giọng hô lên:
“Ngã cái lồn chột. Ngã cái cặc thúi”.
Bác sĩ Minh Quân coi cái lồn chột, cái cặc thúi như một vật thể nghiệm của nghề Y. Thân thể bác đang ở kỳ phân rả đau đớn. Hầm mộ chứa bác còn đang sục mùi thịt người đang ở kỳ phân hủy. Cũng tưởng bác chỉ đủ sức để nghe. Ấy mà bác vẫn lên tiếng, xía ngang hồi cười đang nghiêng nghiêng, ngả ngả của ba ông:
“Các ông có biết sông núi nước Mynga ta mang tinh thần gì không?”
Không nghe ai nói lại gì, bác sĩ Minh Quân tự tin hát lên:
“Nó mang tinh thần của cây cỏ, đất đá.
Nó xanh tươi trên mặt đất, dưới chân người.
Nó như trời xanh hôm nắng, hôm mưa.
Nó như mặt đất hôm khô, hôm ướt.
Nó có lúc cao rộng.
Nó có lúc xanh tươi.
Nó có lúc thâm thẩm, đen xì như bốn ngàn năm sông núi.
Nó có lúc thấp tè như mặt đất.
Nó có lúc nhô cao như nấm mồ, giống như núi Nội ở phía trước mặt nước Mynga ta, nơi Bà Triệu sinh ra, lớn lên, rồi khởi nghĩa.
Nó là nấm mồ tròn, đen xanh, xếp liền nhau như voi phục, hổ quỳ, bao quanh sông núi nước Mynga ta. Đó, đó. ”
Giáo sư Hà Độ lầu bầu:
“Chúng ta đã là công dân của hầm mộ, không nên xúc phạm về hầm mộ cổ xưa ấy”.
Nghe giáo sư Hà Độ lầu bầu rồi cười như cười đểu, bác sĩ Minh Quân xị mặt xuống:
“Cười gì? Cười gì? Ông là người, tôi cũng là người. Ông có quê hương, tôi cũng có quê hương. Ông yêu gì, ghét gì? yêu ai, ghét ai? hãy cứ ôm chặt nó ở trong lòng ấy. Hãy học cụ Thích ca mâu ni đi ra giữa cánh đồng mà ngắm mây xanh, trò chuyện cùng bùn, đất. Ở đó chẳng thấy sự đểu cáng nào đâu, hoặc ít ra các ông sẽ quên đi sự đểu cáng, dối trá của bọn cầm quyền. Ở đó, mọi người mới được tự do ôm đất vào lòng. Tự do làm con chó chạy rông, quẩy cựa, đào bới. Tự do làm con giun dũi đất cho nhà nông. Làm con ngao, con hến ngậm cát, nhả ngọc cho đời”.
Cậu Trần Chiến Thắng hích hích, cáu kỉnh:
“Hát cái đéo gì mà bi lụy thế? Sao ông không ước làm đại bàng bay lượn trên chín tầng cao cho nó khoáng đạt, cao rộng? Sao ông không ước làm hổ báo, làm chúa sơn lâm cho nó oai, cho dễ dàng hạ gục đồng loại? Làm con giun đất, con ngao, con hến cả đời vẫn chưa chán hay sao?”
Bác sĩ Minh Quân như không nghe thấy, tiếp tục hát:
“Sự sống muôm năm là từ đất, nước mà ra.
Đất, nước sinh ra cây cỏ.
Cây cỏ sinh ra chim chóc, muông thú, sinh ra người.
Ốc, hến chuyên ăn bùn, ăn đất – Ốc hến là nhân dân;
Đại bàng, hổ báo chuyên ăn thịt đồng loại – Đại bàng là hổ báo, là quan lại.
Quan lại xưa nay vẫn luôn là kẻ hút máu dân. Dân sợ phải biến mình thành ngao, hến, chúi trong bùn sâu để ẩn nấp, kiếm ăn. Người tử tế phải luôn luôn đứng về phe nước mắt. Hò Văn Đản, lãnh tụ vĩ đại, đảng trưởng đảng cộng sản nước Mynga đã dạy: Trong trời đất không có gì quý bằng nhân dân. Nhân dân là muôn thuở: Dĩ dân vi bản. “Chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”[10].
Cậu Trần Chiến Thắng cáu kỉnh:
“Thằng ấy chỉ nói hay ở cái lỗ mồm, còn làm thì thối như cứt ba nắng. Hắn bảo: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”[11]. Thế mà khi về với tổ tiên, cái nhà của nó to bằng cả ngàn nhà của người khác cộng lại. Hắn lại bảo, trong trời đất không có gì quý bằng nhân dân, thế mà hắn nhẫn tâm ném cả mấy chục triệu đồng bào của hắn vào lò lửa chiến tranh, ác còn hơn dã thú. Chẳng biết cái thằng ấy sinh ra từ cái lồn chột, cái cặc thúi nào mà ác ghê gớm thế. Hắn học mót rất là nhanh. Hắn lừa người đến là tài. Đến Trời Đất cũng không biết. Đến quỷ cũng không nhận ra. Chỉ khi hắn về Âm Phủ. Diêm Vương lập tức ném hắn vào vạc dầu sôi. Nguyên hình của hắn mới lộ hẳn ra. Bàn dân Mynga mới biết chính xác hắn là ai. Ghê gớm thật”.
*
Tôi vẫn quỳ trước mộ bốn ông trong một chiều tàn sương lạnh buông rơi. Bỗng tiếng trong mộ phần ngừng lại, bốn ông dang rộng cánh tay, tay nắm tay, chụm miệng lại, đồng thanh hỏi tôi:
“Cuộc sống của dân Mynga ta đang như thế nào”?
Tôi đau đớn, trịnh trọng trả lời bốn ông:
“Khổ lắm, các ông ơi! Trời vừa quét bão qua. Nước Mynga giờ đây xơ xác lắm. Những bụi tre già bị gió bão vùi dập, chỉ còn cành xác xơ, trơ gọng, đang lặng lẽ chọc gai chông lên trời. Những bụi chuối non, chuối già đều đổ rạp, trốc gốc, lá tàu rách nát nằm chỏng trơ, im lìm nơi góc vườn. Cây mít, thân mốc xì đang rỉ nhựa, do những quả non bị gió quăng quật rụng xuống. Sau bão, Trời sợ người dân Mynga oán hận, cố cao vống lên, trong xanh đến ghê rợn. Chỉ ở chân trời phía Tây, lẫn trong những đám mây đen trôi lững lờ lãng đãng, thỉnh thoảng mặt trời mùa Thu đỏ ối mới hiện ra. Mái rạ chiều cho một bữa tối của một vài nhà bắt đầu vật vờ toả khói.
Nước đói lắm rồi, thưa các ông. Giống như một làng chết rồi, thưa các ông. Không ngõ, không nhà nào còn vẳng lên tiếng lợn kêu, chó sủa. Bãi rác gần nghĩa địa các ông nằm, cũng chẳng còn gì. Đến chó đói cũng không thèm lai vảng tới nữa, các ông ơi!.
Kiệt quệ, lặng lẽ lắm rồi! Xơ xác, điêu linh lắm rồi! Không gian tĩnh mịch, thê lương lắm rồi! Đất nước như một kẻ tử tội treo lủng lẳng trên cọc tử hình với thanh kiếm sắc của tử thần đang dứ dứ vào cổ. Bão lại vừa quét qua, đẩy dân lún sâu thêm vào hố chết thăm thẳm.
Bão gì mà ghê gớm, rợn người đến thế? Người chết có đến mấy chục mạng. Có mạng mất vì sóng cao chồm lên, cuốn họ ra biển cả. Có mạng bị gió táp ngoạm lấy, bốc lên cao, ném xuống góc ao, bờ ruộng. Nhà cửa xây cất kiên cố cũng chỉ như những túp lều dựng tạm, tung tóe, bốc bay.
Các ông ơi! Bên tai tôi vẫn còn âm vang những tiếng gào khóc nỉ non, ai oán của những đứa trẻ bị mất cha, mất mẹ. Những bộ mặt sắt đanh lầm lì của những người cha mất con… cùng tiếng gió rít ào ào, tiếng đùng đoàng của sấm chớt, tiếng rùng rùng của sóng biển Đông liên tiếp ập vào bờ. Lớp nọ táp lớp kia như đàn ngựa phi nước đại, ào ào, gào rú, lao về phía đất liền. Gặp núi cao Sơn Trường, gió bị ép, chặn lại, chúng lồng lên, tạo thành những trận gió xoáy lốc. Bốc, nhổ gọn gàng, bạo liệt những nhà tranh tre nứa lá, nhà kiên cố, những cây cối đại thụ, những khóm trúc, bờ tre, những hàng dừa kiên gan ôm bóng. Cát ven bờ bay tứ tán, nghe lát chát, rào rào như tiếng tên rơi, đạn lạc chà sát lên đồng ruộng, xóm thôn.
Dân tình tan tác, úa tàn lắm rồi. Nhà cửa đã tan hoang, xiêu vẹo cả rồi. Ấy mà con người còn nơm nớp lo âu, giật mình, hốt hoảng bởi sự ầm ào liên tiếp của những cột sóng thuỷ triều dâng cao từ biển Đông thường trực đổ ập vào. Sóng cao như cái lưỡi dài của bầy quỷ đói, luôn thèm khát vô biên đất liền, con người, nhà cửa và những gì có trên mặt đất.
Các ông ơi. Trong mấy chục mạng người chết quăng quật trên bờ cát. Có nhiều người không phải người của thủ đô ta. Họ là người ở vùng nào vậy? Tại sao họ lại chết trên biển, trôi dạt về đây? Sao họ chết mà hai mắt họ vẫn mở trừng trừng, rực sáng?”.
Lời của bốn ông như tiếng sấm bùng bục trong tai tôi:
“Họ là người của bang Gòn Sài đấy. Họ liều thân vượt biển tỵ nạn cộng sản Hò Văn Đản Duẩn đấy. Chẳng phải chỉ có mấy chục người ấy đâu. Nửa triệu người bị vùi thân làm mồi cho cá tôm ngoài biển khơi đấy. Đau đớn lắm, con ơi! Đau đến mức, chết rồi, mắt họ vẫn còn mở trừng trừng, rực một ngọn lửa căm hận, đến cá tôm cũng kinh hãi không dám đụng vào[12]“.
“Trời ơi! Đất nước Mynga ơi! Sao ở đâu cũng diễn ra cảnh người chết, người sống khốn khổ, khốn nạn như vậy, hở trời!
Tôi muốn khóc rống lên một tiếng thật to mà cổ họng tôi nghẹn tắc.
Đau đớn tràn ngập tê tái trong lòng.
Đau đớn như có cánh sải rộng mênh mông ngột ngạt trong cõi lòng tôi.
Đất nước ơi! Nhân dân ơi! Đồng ruộng, sông núi ơi! Ấm no, hạnh phục, tự do là cái đéo gì mà năm nào mong ước đó cũng bám rai như đỉa đói trên lưng, trong bụng nhân dân tôi ghê ghớm đến vậy?
Họng tôi tắc nghẹn. Tôi khẹc khẹc cái mũi như con mèo hen kêu lên:
“Cha ơi! Nước Mynga của cha, của bác Hà Độ, của bác Minh Quân, của cậu Trần Chiến Thắng, của cha già dân tộc Hò Văn Đản, Hò Văn Đản Duẩn, Hò Văn Đản Chinh, Hò Văn Đản Đồng, Hò Văn Đản Linh, Hò Văn Đản Mười, Hò Văn Đản Hữu, Hò Văn Đản Trọng đang đói. Có dễ đói còn hơn cả năm Một chín bốn lăm đấy, các ông ơi! Năm Bốn lăm còn có cứt trẻ em đun sôi lên để ăn, nay cứt trẻ con cũng không có đâu. Tôi cũng chán sống lắm rồi, các ông ơi!”.
Tôi muốn thân tôi hóa thành con đại bàng, con gium dế hay con gì cũng được. Tôi xoay mặt tìm hướng đời hy vọng. Tôi xoay mặt nhìn về phía Đông. Phía Đông, gió lạnh cuối Thu đang ào ạt thổi tới. Tôi xoay mặt về phía Tây. Phía Tây, mây bộn bề bay, nhập nhoàng sấm chớp. Tôi xoay mặt về phía Bắc. Phía Bắc âm u, mây đen từng cuộn kết hình Diêm Vương đang nhậu tiệc thịt người sống. Tôi xoay mặt về phía Nam. Phía Nam lô xô mồ mã… Đầu tôi choáng váng. Thân tôi như có ma lực kéo, ngã uỵch vào mộ phần bốn ông.
Tôi như một con gían ép xác xuống mặt đất nơi tụ hội nhan nhản những mộ phần.
Bỗng, tôi nhìn thấy cha tôi, mặt đầy máu tươi, đang ngồi thu lu trên bộ tràng kỷ đặt ở giữa gian nhà. Sọ đầu, mảnh nọ đè lên mảnh kia như từng viên ngói nhỏ xếp loạn xạ lên nhau. Một tay cầm cái điếu cày. Tay kia vê vê điếu thuốc lào. Giữa hai đùi kẹp một cuốn sách dày cộm: “Bàn về vô sản cóc cáy, Mác xít giả cày ở nước Mynga”. Cha tôi bình tâm tra thuốc lào vào nỏ điếu, rồi đưa điếu lên miệng, bật diêm châm lửa rít. Rít xong, cha tôi ho sụ sụ, rồi thủng thẳng nói bâng quơ:
“Sách đọc mãi cũng chán. Ngày Tám, mưa bão làm người ta cứ ru rú ở trong nhà, đến thuốc lào cũng tốn. Không hút thì nhạt mồm, nhạt miệng”.
Lại nhìn thấy mẹ tôi. Đầu tóc rối bù, lướt mướt từ ngoài vườn, ôm trong lòng một mớ đu đủ xanh. Mẹ bước vào sân, ném uỵch mớ đu đủ xanh xuống, miệng than thở:
“Mít, chuối hỏng hết rồi, ông ạ. Chẳng có cây nào không long gốc, tróc vỏ”.
Cha tôi hạ chân xuống đất, rời tràng kỷ, loẹt quẹt đôi guốc mộc, bước ra hè. Nhìn mớ đủ đủ xanh lăn lóc ở giữa sân, cha tôi chia sẻ niềm tiếc của với mẹ tôi:
“Trời ác thật. Hết nắng, lại mưa, lại bão. Khó sống thật. Thôi, bà đem mà nhúng mẻ cho chúng nó ăn”.
Lại thấy cậu Trần Chiến Thắng, mợ Cúc vợ cậu, bác Minh Quân, bác Hà Độ, bác tôi và lãng vãng xa hơn một chút là đảng trưởng cộng sản Hò Văn Đản, Hò Văn Đản Chinh, Hò Văn Đản Duẩn, Hò Văn Đản Linh, Hò Văn Đản Mười… Tất cả cùng vây quanh tôi, cười, nói, gào khóc rất ồn ào.
Tiếng khóc to nhất là tiếng nức nở của mợ Cúc, vợ cậu Thắng nhà tôi:
“Bác ơi, chị ơi! Bác, chị tha tội cho em. Em nhỏ tuổi non dại, nghe lời Hò Văn Đản đấu cha mẹ em. Em là đứa con gái hư hỏng, khốn nạn”.
Cha tôi mặt mày cau có:
“Tha cho mi mãi đâu có được. Cha mi bị trói ở giữa sân đình. Trước cả trăm người đứng xem, mi chỉ thẳng tay vào mặt cha mi:
“Mày có biết tao là ai không?”.
Cha mi mặt cuối gằm xuống:
“Dạ, con biết bà là ai ạ”.
Mi ưỡn cái mặt lên hỏi cha mi:
“Tao là ai?”.
Cha mi răng nghiến kèn kẹt trả lời mi:
“Bà là do tôi đẻ ra, ạ”.
Mi mở mồm trịnh trọng hỏi cha mi:
“Mày có biết, mày mắc tội gì không?”.
Cha mi họng tắc lại trả lời mi:
“Tội của tôi là tội đã đẻ ra bà, ạ”.
Mi lớn giọng bỉ vào mặt cha mi:
“Tội của mày là tội hiếp dâm mẹ tao, đẻ ra tao. Mày không phải là bố tao”.
Cha mi mặt đầm đìa nước mắt, vâng dạ trả lời mi:
“Dạ. Đúng ạ. Bà không phải là con tôi. Bà là con hoang của thằng chó hoang, ạ”.
Mi hớn hở kết tội, kêu gọi mọi người xúm vào đấu cha mi:
“Thưa bà con. Tội của thằng này đã rõ. Mời bà con đấu cho tiệt cái nòi chó dái, hiếp dâm phụ nữ kia đi”.
Mi đấu cha như thế, ai mà nghe được, chịu được? Vì mi mà cha mẹ mi phải chết”.
Mẹ tôi mặt sì sị, miệng rên rẩm lại cha tôi:
“Cha mợ Cúc lừa mẹ mợ Cúc để buộc mẹ mợ Cúc phải lấy cha mợ Cúc là chuyện có thật, ông ạ. Nhưng chuyện cưỡng dâm giữa cha mợ với mẹ mợ từ mười mấy năm trước, gây hại gì cho cách mạng mà lại bị đảng trưởng cộng sản Hò Văn Đản bắt trói đem ra đình đấu tố?”.
Cha tôi vẫn bực tức:
“Cha mi có hiếp dâm mẹ mi, đẻ ra mi. Cha mi cũng có công dưỡng dục mi. Mi còn là nguyên nhân để thầy thuốc Ký Định bị tử hình nữa. Mi bây giờ mới sám hối, muộn quá rồi! Trời đất ơi! Con đấu cha mẹ, vợ đấu chồng, từ thượng cổ đến nay mới xảy ra. Bọn Hò Văn Đản giỏi thật. Bọn hắn làm cách chi, chỉ một thời gian ngắn, đã biến một người hiền năng, nết na, xinh đẹp như con Cúc thành lũ chó má bất nhân, bất nghĩa đến như thế được. Tôi thật không thể ngờ. Nó còn là nguyên nhân dẫn đến cái chết oan uổng, đau đớn của thầy Ký Định, một thầy thuốc chữa bệnh tài giỏi, nổi tiếng của nước Mynga. Mẹ hắn còn nhớ hay đã quên rồi?”.
Mẹ tôi:
“Tôi là người, có phải lợn bò gì mà quên được. Đau lòng lắm, thầy nó ơi, các con ơi! Cha mợ Cúc vì hận con mà bỏ tất cả chui vào hang trong núi Nội, ẩn mình ở trong đó cho đến chết. Chết ba năm thịt vẫn chưa tan hết. Khi đảng trưởng Hò Văn Đản phát hiện trên vách hang núi có khắc mấy chữ “Hận H. V. Đ. ”. Ông ta nhất quyết không cho người nhà mợ lấy xác đem chôn. Ông ta sai công binh đem mìn đến đánh sập hang. Nhất quyết vùi xác cha mợ và cả công trình điêu khắc trên đá: “Hận H. V. Đ. ”ở trong đó. Mẹ mợ thương chồng, vì hận con mà tâm thần trở nên bất an, đi đâu, làm gì mẹ mợ cũng nhìn thấy chồng xuất hiện ở bên cạnh. Mẹ mợ bèn nhịn ăn, nhịn uống nhiều ngày, rồi lao đầu vào hang đá mà chết. Thương tâm lắm, các con ơi, thầy nó ơi!”.
Nghe cha tôi mắng, mẹ tôi rên rỉ, mợ Cúc nước mắt đầm đìa trên mặt, quỳ xuống ôm lấy chân cha tôi, tiếng cầu xin nghẹn tắc:
“Hai bác ơi, tha cho em. Em trẻ người non dạ, lại bị thằng Hò Văn Đản xúi dục”…
[1] Dân Việt gọi đất để giành chôn người chết là đất sinh phần.
[2] Người Việt quan niệm, ai cuối cùng cũng phải chết, rồi chôn trong diện tích đất rộng ba tấc.
[3] Phong là gió, thủy là nước.
[4] Thành ngữ Việt Nam.
[5] Danh tự xưng của ông Hồ Chí Minh và được dân Việt Nam gọi theo.
[6] Thành ngữ Việt Nam: Sống mỗi người mỗi nét/Chết mỗi người mỗi mồ.
[7]Thơ Đỗ Trung Quân
[8] Thơ Đỗ Trung Quân
[9] Thơ Đỗ Trung Quân.
[10] Câu nói của ông Nguyễn Trãi.
[11] Câu nói của ông Tôn Trung Sơn bên Trung Quốc .
[12] Năm 1975 chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ ở miền Nam. Chính quyền cộng sản được thiết lập trên cả nước Việt Nam, có khoảng ba triệu người Việt Nam vượt biên, chủ yếu bằng đường biển, trốn chạy cộng sản Việt Nam. Có khoảng Năm trăm ngàn người bị chết tức tưởi trên biển.
Chuyên mục:Trên kệ sách
Trả lời