tác giả Nguyễn Thụy Ðan (Ảnh: Uyên Nguyên)
Tóm tắt: Bài viết này lược khảo tư tưởng của Phan Bội Châu về nguồn gốc dân tộc người Việt Nam qua những tư liệu Hán văn và Quốc ngữ hiện tồn do Phan Bội Châu viết trong những năm ở nước ngoài và tuổi vãn niên khi đã quy ẩn quê nhà. Qua những tư liệu được trích dẫn, bài viết này nhấn mạnh sự nhất trí của tư tưởng và lập luận của Phan Bội Châu về nguồn gốc Hán tộc Trung Quốc của người Việt Nam trong một thời gian kéo dài từ 1905 đến 1940. Lập trường này của Phan Bội Châu cho thấy, ngoài những người thuộc phái cựu học ra, giả thiết người Việt Nam hiện tại vốn thuộc nhân chủng người Hán cũng được sự ủng hộ của các học giả và chí sĩ chủ trương duy tân cải chế.
Từ khóa: Phan Bội Châu, dân tộc, nhân chủng, tân học, cựu học, nhà Nguyễn
Abstract: This paper is an abbreviated study on Phan Boi Chau’s thought regarding the racial origins of the Vietnamese ethnicity as presented in extant Classical Chinese and Vietnamese sources written by Phan Boi Chau in his years overseas and also in old age after having rusticated to his home. Through the sources herein cited, this paper emphasizes the unity of Phan Boi Chau’s thoughts and arguments regarding the Han Chinese origin of the Vietnamese people in a time period lasting from 1905 to 1940. Phan Boi Chau’s position makes it evident that, aside from figures belonging to the Old Learning Faction, the hypothesis that the modern Vietnamese people originally belonged to the Han Chinese ethnicity also received the support of scholars and officials who supported modernization and reform.
Keywords: Phan Boi Chau, race, ethnicity, New Learning, Old Learning, Nguyen dynasty
1. Dẫn nhập
Phan Bội Châu 潘佩珠 (1867-1940) là một nhân vật nổi tiếng thời Pháp thuộc/Nguyễn mạt đóng vai trò trọng yếu trong lịch sử Việt nam cận đại. Họ Phan sinh trưởng trong bối cảnh lịch sử phức tạp; tuổi trẻ tuy học tập Hán văn theo lối cổ điển để lo đường cử nghiệp, song qua tuổi ba mươi lại xuất dương sang Trung Quốc và Nhật Bản để tìm con đường mới cho đất nước. Đại để tư tưởng Phan Bội Châu chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo truyền thống và chủ trương duy tân cải cách của các nhà tư tưởng Trung Nhật như Lương Khải Siêu 梁啟超 (1873-1929), Khang Hữu Vi 康有為 (1858-1927), v.v. Sự hỗn hợp giữa tư tưởng Nho học cổ điển và tư tưởng Tây phương cận đại, được hấp thụ qua các bản dịch Hán văn Trung Nhật, đã tạo thành một nền tư tưởng vô cùng đa dạng và phức tạp cho họ Phan cũng như nhiều nhà Nho lỗi lạc khác thời Nguyễn mạt.
Tư liệu hiện tồn còn để lại nhiều nghi vấn về quá trình học vấn của Phan Bội Châu. Trong Phan Bội Châu Niên Biểu潘佩珠年表 họ Phan chỉ kể sơ lược về việc học hành thời thiếu niên như sau:
“…Tôi lúc bốn, năm tuổi chưa biết xem chữ, nhưng đọc trầm được vài bài thơ Chu Nam, Kinh Thi là nhờ mẹ tôi truyền miệng cho vậy. Lúc tôi lên sáu, cha tôi dắt tôi đến thục quán trao cho tôi sách chữ Hán, mới ba ngày đọc trầm hết quyển Tam tự kinh, không sót một chữ. Cha tôi lấy làm lạ, đem Luận ngữ cho tôi đọc…Năm tuổi lên bảy, bắt đầu đọc các kinh, truyện, thảy biết được ý kiến sơ…năm tuổi lên tám đã hay làm những văn ngắn, theo thời tục để đi thi tiểu khảo ở hương, lí, huyện thường đỗ đầu luôn…năm mười ba tuổi đã làm được các thức thi văn, hoặc lối cận, hoặc lối cổ, có nhiều câu thầy đồ ở các hương thôn cắt không ra nghĩa. Lúc bấy giờ cha tôi đã không ưng dạy tôi nữa, bèn khiến tôi đi học các trường đại gia. Nhưng các xã, thôn gần không có trường lớn, lại khổ vì nhà nghèo không thể viễn du được, phải học ở trường cha, nên phải đến thỉnh nghiệp với Nguyễn tiên sinh ở xã Xuân Liêu. Tiên sinh là Nguyễn Kiều, Hán học thông lắm, đậu cử nhân bổ Biên tu, chốc bỏ quan về nhà. Sau lúc nước mất, ẩn cư dạy học trò. Được tôi đến học, tiên sinh khí trọng lắm, thường mướn sách vở ở các đại gia cho tôi xem. Vì đó mà văn chương Hán học mới sở đắc rất nhiều. Nhưng tiếc thay, lúc bấy giờ chỉ đua đuổi bằng văn khoa cử không gì đáng chép…” (1)
Căn cứ vào tự truyện này, họ Phan tuổi thiếu niên chưa tiếp xúc với tân thư Trung Nhật, một chỉ học hành theo lối cổ truyền chi hồ giả dã, tử viết thi vân. Ngoài những kinh truyện thiết yếu ra, Phan Bội Châu còn tiềm tâm nghiên cứu binh pháp qua những cuốn sách như Tôn Tử thập tam thiên 孫子十三篇, Võ Hầu tâm thư 武侯心書, Hổ trướng xu cơ 虎悵樞機, Binh gia bí quyết 兵家秘訣, v.v. trong một thời gian kéo dài từ mười đến hai chục năm (2). Năm Đinh Dậu 1897 Thành Thái bát niên, họ Phan vì bị phát hiện “hoài hiệp văn tự nhập trường” 懷挾文字入場 (đem theo văn tự vào trường thi) phải chịu án “chung thân bất đắc ứng thí” 終身不得應試 (suốt đời không được đi thi). Bấy giờ, họ Phan bèn ngao du Bắc Kỳ rồi lại vào Huế dậy học và kết giao cùng các nho sĩ như Khiếu Năng Tĩnh 叫能靜 (1835-1920) , Đặng Nguyên Cẩn 鄧元瑾 (1866-1922), Nguyễn Thượng Hiền 阮尚賢 (1868-1925), v.v. Theo Phan Bội Châu niên biểu, trong thời gian này Nguyễn Thượng Hiền vì tán thưởng bài phú Bái thạch vi huynh 拜石為兄của họ Phan, mới đem một số bài văn của Nguyễn Lỗ Trạch 阮魯澤 (1852-1895) như Thiên hạ đại thế luận 天下大勢論 và các cuốn Trung Đông chiến kỷ 中東戰紀, Phổ Pháp chiến kỷ 普法戰紀, Dinh hoàn chí lược 瀛寰志略, v.v. mà giao cho Phan Bội Châu xem qua (3). Như vậy có thể khẳng định rằng họ Phan đã tiếp cận với tân thư và tư tưởng Tây phương muộn nhất là vào năm 1897, tức khoảng tám năm trước khi xuất dương. Thế nhưng, trong một số bài văn thuộc về thời kỳ trước năm 1905 như Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư 琉球血淚新書, Văn minh luận 文明論, Triết luận 哲論, Thời thế dữ anh hùng 時勢与英雄, v.v. họ Phan đã sử dụng rất nhiều tân danh từ như văn minh 文明, tư tưởng 思想, bình đẳng 平等, dân quyền 民權, độc lập 獨立, chủng loại 種類, quốc dân 國民, quốc hồn 國魂, lý học 理學, thế giới 世界, tổ chức 組織, tôn giáo 尊教 (nguyên là tông giáo 宗教, nhưng vì kỵ húy vua Thiệu Trị nên đọc/việt là tôn 尊), tự do 自由, Thái Tây cách trí 泰西格致 (tức khoa học Tây phương), Thái Tây chi học 泰西之學 (tức Tây học) v.v. mà văn phong cũng phảng phất tân thư Trung Quốc đương thời (4). Điều này cho thấy, rất có thể họ Phan đã đọc qua khá nhiều tân thư Trung Nhật trước khi xuất dương, chứ vị tất chỉ biết đến dăm ba cuốn được liệt kê trong Phan Bội Châu niên biểu.
Tóm lại, tuy không biết cụ thể Phan Bội Châu đã đọc được những cuốn sách nào vào những ngày tháng năm nào, tổng hợp các điều trên, vẫn có thể khẳng định được họ Phan đã hấp thụ được ít nhiều tư tưởng Tây phương ngay từ thời kỳ trong nước chưa xuất dương. Cho nên, khi nghiên cứu tư tưởng về dân tộc/nhân chủng trong trước tác Hán văn và Quốc ngữ của Phan Bội Châu, độc giả buộc phải cắt nghĩa các từ ngữ dân tộc 民族, nhân chủng 人種, chủng loại 種類, chủng tộc 種族, nhân tộc 人族 v.v. theo cách hiểu các khái niệm race, ethnicity, v.v. trong tư tưởng Tây phương cận đại. Khác với một số nhà nho cùng thời đại, có lẽ quan điểm của Phan Bội Châu về nhân loại, đặc biệt là nhân chủng người Việt Nam, không hề chịu ảnh hưởng nhiều bởi thế giới quan Hoa Di cổ điển. Thay vào đó, Phan Bội Châu nhận xét quá trình biến hóa của nhân tộc Nam phương qua các thời đại tiền Tần, Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, v.v. từ phương diện thuyết thiên diễn xã hội (societal evolution). Vì thế họ Phan lập luận rằng giống người thái cổ sống ở phía nam trung nguyên (tức đất bắc Việt ngày nay) vốn thuộc các giống người mọi rợ chưa được khai hóa. Sau này, người Hán phương bắc tràn xuống phưong nam, đem theo nền văn minh rực rỡ. Nhờ tính chất trí xảo và trạnh canh, người Hán ngày một thịnh mà giống mọi rợ ngày một suy, cuối cùng giống rợ hoặc bị diệt chủng hoặc bị hỗn hóa với người Hán. Kết luận đương nhiên là người Việt Nam hiện đại hoặc là miêu duệ thuần túy của người Hán, đặc biệt là người Hán đến từ hai tỉnh Quảng Đông và Vân Nam, hoặc là một nhân chủng lai bởi Hán tộc và giống mọi rợ bản địa. Dù thế nào, cứ ý họ Phan, đại đa số người Việt Nam hiện đại không có quan hệ huyết thống hoặc văn hóa gì với nhân chủng mọi rợ nguyên thủy sống ở vùng bắc Việt vào thời thái cổ.
2. Tư liệu Hán văn
2.1 Sách vở
Việt Nam Vong Quốc Sử và Việt Nam Quốc Sử Khảo là hai tác phẩm tiêu biểu của Phan Bội Châu được lưu hành rộng rãi trong thời kỳ xuất dương 1905-1916. Thậm chí Việt Nam Vong Quốc Sử đã dược dịch ra tiếng Nhật và tiếng Hàn ngay từ những năm đầu khi mới viết xong.
Việt Nam Vong Quốc Sử 越南亡國史 (1905):
越南在漢唐以前本交趾一部與林邑占城同為獉狉未開之人族秦趙尉佗時漢馬伏波時漸成一小小部落迨宋以後交趾英雄丁璿(丁先皇)李公蘊(李太祖)等繼起篳路藍縷開拓漸大已全有珠崖象郡文郎越裳等各郡漸成一國 (5)
“Việt Nam từ thời Hán Đường trở về trước vốn là một bộ Giao Chỉ, cùng với Lâm Ấp và Chiêm Thành làm những nhân tộc mường mọi vị khai. Thời Triệu Ủy Đà nhà Tần, thời Mã Phục Ba nhà Hán, dần thành một bộ lạc nhỏ nhoi. Kịp đến thời Tống về sau, anh hùng Giao Chỉ là Đinh Toàn (Đinh Tiên hoàng), Lý Công Uẩn (Lý Thái tổ), v.v. kế nhau nổi lên, nhọc nhằn vất vả đã có được toàn các quận Châu Nhai, Tượng Quận, Văn Lang, Việt Thường, dần thành một nước…”
Việt Nam Quốc Sử Khảo 越南國史考 (1908):
西書分人種為五曰黃種白種黑種紅種棕種以我國與支那日本朝鮮蒙古皆為黃種又黃種種之辨別一說我為蒙古人種一說馬來人種然皆不足為據確今稽之紀載證以耳目所及則南蠻人種是為我國人種之原素 (6)
“Sách Tây chia nhân chủng làm năm rằng giống vàng, giống trắng, giống đen, giống đỏ, giống nâu. Cho rằng nước ta với Chi Na, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ đều là giống vàng. Trong giống vàng lại còn biện biệt, một thuyết cho rằng ta là nhân chủng Mông Cổ, một thuyết cho rằng ta là nhân chủng Mã Lai. Thế nhưng đều không đủ làm chứng cứ chắc chắn. Nay xét trong sách chép, lại lấy điều tai nghe mắt thấy làm chứng, thì nhân chủng Nam man là nguyên tố của nhân chủng nước ta…”
上古時代之交趾人大抵愚樸蠢魯獉獉狉狉史載貉越之民無嫁娶禮法其餘可知且近今所存一二交趾者不能及國人百分之一然皆甚蠢鈍無識似太古時人其餘伶俐巧慧皆北國漢人混化之種族也 (7)
“…Đại để người Giao Chỉ thời thượng cổ ngu vụng đần độn rừng rú mường mọi. Sử chép Lạc Việt không có chế độ cưới gả, lễ phép, kỳ dư cũng có thể biết được. Vả gần đây một hai người Giao Chỉ còn sót lại, không thể bằng một phần trăm trong số quốc dân, hơn nữa họ đều cực kỳ ngu độn, chẳng hay biết gì, tựa hồ người thời thái cổ. Kỳ dư, những người lanh lợi khôn khéo đều là chủng tộc bị hỗn hóa bởi Hán nhân Bắc Quốc vậy…”
Nội dung Việt Nam Vong Quốc Sử nặng tính tuyên truyền, phần lược sử Việt Nam chỉ có một đoạn sơ sài, không có vị trí trọng yếu trong tác phẩm. Thế nhưng, vài dòng ngắn ngủi cho thấy mãi từ thời kỳ mới xuất dương họ Phan đã lý giải lịch sử Việt Nam từ phương diện thuyết tiến hóa xã hội của Tây phương bấy giờ đương rầm rộ trong giới sĩ phu Trung Nhật. Cứ ý họ Phan, Người Giao Chỉ nguyên thủy chưa hẳn là người “Việt Nam”, nhưng chỉ là một bộ phận của những nhân tộc man rợ ở phía nam trung nguyên. Từ đó qua các cuộc di cư và nam chinh của người Hán tộc thời Tần-Hán Giao Chỉ mới dần dà phát triển trở thành một bộ lạc nhỏ (tiệm thành nhất tiểu tiểu bộ lạc) rồi sau khi những “anh hùng Giao Chỉ” đã lần lượt chiếm hết các quận Châu Nhai, v.v. mới dần dà trở thành một nước (tiệm thành nhất quốc). Khác với Việt Nam Vong Quốc Sử, sách Việt Nam Quốc Sử Khảo lại mang tính sử học rõ ràng. Chủ trương của họ Phan rằng người Việt Nam hiện đại hoặc là đồng chủng với Hán tộc Trung Quốc hoặc đã bị hỗn hóa rất nhiều bởi Hán tộc Trung Quốc được nêu rõ trong tác phẩm căn cứ vào bốn bằng chứng: dạng người (nhất chứng chi ư thể mạo) người Việt không khác gì dạng người người Lưỡng Quảng Trung Quốc , tiếng nói (nhất chứng chi ư âm ngữ) tiếng Việt nhiều đơn âm cũng như tiếng Hán, tên họ (nhất chứng chi ư tính thị) người Việt đều là tên họ người Hán còn bao nhiêu tên họ bản địa đều đã biến mất, và sách chép (nhất chứng chi ư ký tải) về người Hán di cư sang Việt Nam, trong đó có tổ tiên Lý Thái tổ và Hồ Quý Ly tiêu biểu cho các dòng dõi đế vương Việt Nam. Hơn nữa, Phan Bội Châu còn kết luận rõ ràng:
合此數端證之我今日人種可斷然為漢人之種夫雕題交趾之蠻種一變而為衣冠秀雅華種雖我古人之不幸然我後人之幸也 (8)
“Tổng hợp mấy chứng cứ trên, nhân chủng ta ngày nay có thể chắc chắn là nhân chủng người Hán. Ôi, giống rợ khắc trán, ngón chân giao nhau, nhất biến mà trở thành giống Hoa áo mũ tú nhã, tuy là cái bất hạnh của cổ nhân ta, thế nhưng lại là cái may cho hậu nhân ta vậy.”
2.2. Thư từ và bài báo
Ngoài sách vở ra, Phan Bội Châu còn viết nhiều bức thư và bài báo bằng Hán văn trong thời gian ở nước ngoài. Đặc biệt trong những bức thư gửi cho người Trung Quốc và bài viết đăng trên báo Trung Quốc, họ Phan đã vài lần đề cập đến vấn đề chủng tộc Việt Nam và mối quan hệ nhân chủng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thướng Nam Việt trấn tổng binh Lưu Uyên Đình quân môn Vĩnh Phúc kỳ vị giới thiệu ư Việt thành nhân sĩ thư 上南粵鎮總兵劉淵亭軍門永福祈為介紹於粵城人士書 (1905):
嗚呼我黃帝數千年以來至人種於歷史上之關係者孰若我中國之與敝國越南哉我中國之與敝國越南其為千年以來歷史之父子兄弟之情誼又孰若我中國貴省廣東之與敝國哉天乎天乎海桑沈陸父不能有其子兄不能有其弟使狼面獸心鬈鬚灰眼之佛蘭西者得與此同種同胞之國魚肉而饕啗之此誠敝國之苦辱也而亦豈貴國之榮且樂哉 (9)
“Than ôi! Quan hệ lịch sử của nhân chủng Hoàng Đế ta hằng ngàn năm nay, nào có ai bằng Trung Quốc ta và tệ quốc Việt Nam đâu? Trong mối tình nghị cha con anh em giữa Trung Quốc ta và tệ quốc Việt Nam hằng ngàn năm nay, lại có gì bằng quan hệ giữa quý tỉnh Quảng Đông và tệ quốc. Trời ơi trời hỡi, bãi bể nương dâu, cha không thể có được con mình, anh không thể có được em mình, khiến cho bọn Phật Lan Tây mặt sói dạ thú râu rậm mắt xám kia làm cá làm thịt đồng chủng đồng bào mà cắn xé nuốt chửng. Đây thật là nỗi khổ nhục của tệ quốc, mà há lại là niềm vinh niềm vui của quý quốc ru!”
Bức thư này tuy hơi văn vẻ, song nội dung vẫn lập luận rõ rệt rằng nhân sĩ Quảng Đông có trách nhiệm cứu giúp Việt Nam chính vì tình nghị phụ tử, huynh đệ giữa nước Trung Quốc và nước Việt Nam. Hơn nữa, họ Phan còn nhấn mạnh người Việt Nam và người Trung Quốc là “đồng chủng”, là “đồng bào”. Đương nhiên, “đồng chủng” và “đồng bào” ở đây có thể hiểu theo ý nghĩa “đồng chủng” trong câu đồng văn đồng chủng 同文同種 nổi tiếng bấy giờ. Thế nhưng trong bức thư này họ Phan nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử của tỉnh Quảng Đông và nước Việt Nam, chứ không nhắc gì đến một mối quan hệ nhân chủng giống da vàng giữa Trung Quốc và Việt Nam chung chung.
Ai Việt Điếu Điền 哀越吊滇 (1906):
吾嘗從人種之胞系上論吾越於秦漢以前為貉族雕題交趾而文其身黃漢衣冠吉光片羽耳馬援南征後漢人之跡乃數見於朱鳶文郎之庭時則越甸華僑但有粵而無滇桑海變轉又千餘年乃至胡光南略越地烏馬儿唆都等道雲南驅滇兵下越是為滇人入越南之第一期明永樂年間以沐氏世王雲南嗣有沐晟南侵之役又為滇人入越之第二期中間百年明朝取越南而郡縣其地移植粵滇人粵滇人利其地產之富僑化為母日以番滋向時雕題交趾之貉氓經五六百年間被融化於漢族者十蓋八九馴至國文國俗全慕朱明而遍國中遂無文身交趾之土質者原其高曾皆粵滇僑戶雲仍蟠衍實為今我之越南人(安南古時代之人種皆左右是兩拇趾交對相向作八字形自漢族僑越太多以其智巧之性質壓貉族而勝之娶妻育子日愈藩盛至明清間已全化為漢族而向時交趾種僅國中萬分之一最少數)山僚洞苗(此又粵滇之土蠻流入越地者)吾姑勿論吾舉通都大邑之軒眉豁面者夫孰非黃漢血脈之一種也哉此千年來吾族之歷史也 (10)
“Ta thường theo bào hệ nhân chủng mà luận, người Việt ta trước thời Tần Hán là Lạc tộc, chạm trán, hai ngón chân cái giao nhau rồi còn vẽ mình nữa. Áo mũ Hoàng Hán cực kỳ hiếm hoi. Sau khi Mã Viện nam chinh, dấu vết của người Hán mới thấy nhiều ở triều đình Chu Diên Văn Lang. Bấy giờ Hoa kiều Việt Điện chỉ có người Việt [Quảng Đông] mà không có người Điền [Vân Nam]. Dâu bể biến chuyển lại hơn một ngàn năm đến lượt Hồ Quang toan mưu đồ xuống đất nam vào đất Việt.Ô Mã Nhi, Toa Đô, v.v. đi Vân Nam trẩy binh Điền xuống Việt. Đấy là thời kỳ thứ nhất nguời Điền vào Việt Nam. Thời nhà Minh khoảng niên hiệu Vĩnh Lạc, họ Mộc làm vương lâu đời ở Vân Nam, con cháu có Mộc Thịnh đem quân vào nam, đó lại là thời kỳ thứ nhì người Diền vào Việt. Trong vòng một trăm năm triều Minh lấy Việt Nam mà chia đất thành quận huyện. Lại dời người Việt [Quảng Đông] Điền vào Việt Nam để lợi dụng địa sản phong phú. Khách hóa thành mẹ đẻ, ngày càng đông đúc. Lạc tộc chạm trán, ngón chân cái giao nhau, trải qua khoảng năm sáu trăm năm , trong mười người tám chín người đã bị dung hóa bởi Hán tộc. Dần đến quốc văn quốc tục toàn chuộng và bắt chước Chu Minh mà khắp cả trong nước chẳng còn thổ chất vẽ mình, hai ngón chân cái giao nhau. Nguyên là vì cha ông chúng đều là kiều hộ Việt [Quảng Đông] Điền, con cháu xa lan tràn thực là người Việt Nam hiện nay của ta (Nhân chủng An Nam thời cổ đại đều có hai ngón chân cái đối nhau như hình chữ ‘bát’. Tự khi Hán tộc kiều cư Việt quá nhiều, lấy tính chất trí xảo để át và vượt qua Lạc Tộc, lấy vợ sinh con ngày càng phồn thịnh, đến khoảng thời Minh Thanh đã toàn hóa thành Hán tộc mà nhân chủng Giao Chỉ thời trước chỉ được một thiểu số nhỏ khoảng một phần vạn người trong nước). Sơn Liêu Động Miêu (đấy là những người thổ man Việt Điền lưu nhập Việt Nam) ta chẳng bàn. Ta chỉ nói đến những người mặt mày sáng sủa nơi thành thị đông đúc, ôi ai là chẳng phải cùng một giống máu mũ Hoàng Hán vậy thay? Đây là lịch sử hằng ngàn năm của tộc ta vậy…”
Bài viết này nguyên đăng trên báo Vân Nam tạp chí 雲南雜誌, nội dung rất thú vị. Đây có lẽ là lần duy nhất Phan Bội Châu dùng danh từ “Lạc tộc” 貉族để chỉ nhân chủng nguyên thủy của đất Việt Nam.
3. Tư liệu Quốc ngữ
3.1 Sách vở
Chủng Diệt Dự Ngôn (~1936?):
“…Nhân chủng nước ta có thể chia làm hai thời kì: Thời kì thứ nhất là riêng làm một nòi giống người rằng Giao Chỉ nhân chủng. Xét như sử cũ ở đời nhà Chu, sách Lễ kí đã có câu rằng: ‘Nam phương chi nhân, điêu dề giao chỉ.’ Từ đời Tần, Hán về sau thời gọi đất xứ ta là quận Giao Chỉ. Đó là cứ theo hình dáng của người ta mà đặt ra làm tên đất. Người ta vẫn có một nòi giống đặc biệt: ngón chân cái dài và lớn, hai bàn chân đứng cân nhâu thời hai ngón chân cái chìa ra, giao nhau thành cái chữ ‘bát’.
Tôi khi còn trẻ, đi khắp trong nước, thấy có một vài cụ di lão đời xưa, hình dạng hai ngón chân cái giao nhau, khác hẳn những người đời nay, chắc là nòi giống Giao Chỉ đời xưa còn di truyền chút đỉnh; nhưng những hạng người ấy ngu phác lạ thường, vẫn tôi đã từng mắt thấy. Tôi mới suy ra biết rằng nhân chủng ấy sức man dũng hữu dư mà văn hóa quá kém; bỗng chốc có nước nào văn hóa tốt, họ đem văn hóa họ vào chinh phục mình thời mình tất phải bị tiêu diệt. Ấy cũng là một công lệ ưu thắng liệt bại ở trong trường thiên diễn. Vì vậy nhân chủng nước ta mới hóa ra có dệ nhị thời kì.
Thời kì thứ hai là thời kì nhân chủng nước ta đã hỗn hợp với Trung Hoa. Từ thuở đời Tần, nước ta nội thuộc với nhà Tần, ông Triệu Đà xưng vương ở đất Nam Hải (tức tỉnh Quảng Đông bây giờ), ông kiêm tính cả đất xứ ta, gọi bằng quận Giao Chỉ (tức là đất trung châu Bắc Kì bây giờ). Từ đó về sau, trải nhà Hán, nhà Tấn, nhà Tùy, nhà Đường gần một ngàn năm, tất cả thảy là nước mình nội thuộc vào Trung Quốc. Người Trung Quốc lần lần tràn vào nước ta, mà văn hóa Trung Quốc cũng theo dấu chân họ tràn vào nước ta. Sức văn hóa họ càng ngày càng bành trướng thời sức man dũng ta càng tiêu mòn. Kết quả nòi giống người Giao Chỉ bị thiên diễn đào thải, nòi giống người Trung Quốc mới choán sạch đất Bắc Kì. Trong khoảng ấy tuy có một bộ phận ít còn là nòi giống người Giao Chỉ, nhưng thế ‘liệt’ không thể ách lại thế ‘ưu’, tầng chẳng bao lâu cũng phải hóa thành ra giống người Trung Quốc…Than ôi! Hai ba nghìn năm về trước, vòi uống, tay ăn, vẽ mình, chạm trán, chẳng phải một cách dã man mường mọi sao? Mà gần một ngàn năm nay văn chương rực rỡ, nghề nghiệp mở mang, trình độ dã man xưa bỗng chốc mà hóa thành một dân tộc bán khai hóa, đó thiệt là một việc rất may cho nhân chủng nước ta.” (11)
Nội dung sách Chủng Diệt Dự Ngôn thú vị ở chỗ tuy rằng tác phẩm này thuộc về thời kỳ vãn niên của Phan Bội Châu, họ Phan dường như vẫn giữ y nguyên các quan niệm về dân tộc Việt Nam từ thời kỳ mới xuất dương. Theo Chương Thâu thì tác phẩm này được viết sau năm 1936, tức là cuối đời họ Phan. Lập luận của họ Phan trong Chủng Diệt Dự Ngôn phảng phất phần tác phẩm Việt Nam Quốc Sử Khảo đã trích dẫn ở trên. Căn cứ vào tư liệu này, có thể tạm khẳng định được tư tưởng dân tộc của Phan Bội Châu từ tuổi tráng niên đến cuối cuộc đời nhất trí, không thay đổi mấy.
3.2 Bài Báo
Ai Là Tổ Nước Ta? Người Ta Với Sử Nước Ta (1934):
“…Sử nước ta từ đời Thái cổ trước Tây lịch 2879 năm cho đến sau Tây lịch 111 năm, tất thảy là việc truyền văn: bảo rằng Hồng Bàng thị mà không biết có Hồng Bàng thị hay không, bảo rằng Lạc Long Quân mà không biết có Lạc Long Quân hay không. Bởi vì lúc đó nước ta chưa có văn tự, chưa có sử sách, chỉ theo ở miệng truyền tai nghe. Nói rằng: người đẻ ra trăm trứng, nửa thuộc về loài rồng, nửa thuộc về loài tiên, cứ theo sinh lí học mà suy ra, thiệt là theo lối thần quỷ mê tín, không đích xác gì.
Đến như Hùng Vương 18 đời, thời cũng thảy truyện truyền văn, chớ không biết có thiệt không. Qua đời Hùng Vương mà đến An Dương Vương là người nước Ba Thục. Sau đời An Dương Vương tiếp lấy Triệu Võ Đế, tức là Triệu Đà, thời Đà lại là người quận Trường Sa nước Tàu mà sang chiếm cứ cả đất Âu Lạc, có dây dính đến nòi Việt Thường ta đâu. Tiếp đó, đến nội thuộc Tây Hán rồi Đông Hán, tất thảy là người Tàu qua cai trị đất ta, chớ chân chính tổ tiên là ai, nào ai có biết?
Sách xưa có câu: ‘Vô trưng bất tín’, nghĩa là không có chứng cớ thì không lấy gì làm tin được. Sử nước ta trở về trước nhiều điều vô trưng, thời bỏ quách đi e có lẽ đúng hơn…” (12)
Cũng như nhiều người khác trong học giới đương thời, Phan Bội Châu đối với vấn đề tiền sử Hùng Vương, Lạc Long Quân, Hồng Bàng thị, v.v. một mặt thì tồn nghi, một mặt thì thi thoảng vẫn nhắc đến Hùng Vương, Lạc Long Quân trong thơ ca và tiểu thuyết như một công cụ tuyên truyền nhằm chấn hưng dân khí, và đề cao lòng ái quốc ái chủng. Thế nhưng, trong các bài luận văn và nghiên cứu mang tính chuyên môn nghiêm túc, họ Phan và đa số các học giả đương thời hầu như nhất nhất đều coi tiền sử Hùng Vương, v.v. là hoang đường, thậm chí còn phủ nhận sự tồn tại của Hùng Vương, v.v. Trong Việt Nam Quốc Sử Khảo tuy có nhắc đến Hùng Vương và tiền sử Việt Nam, song họ Phan cũng không nhấn mạnh Hùng Vương để đề cao cái gọi là bản sắc dân tộc hoặc để dấy niềm tự hào trong lòng độc giả. Tư liệu này cho thấy đến cuối cuộc đời, Phan Bội Châu đã không còn coi thuyết Lạc Long Quân, Hùng Vương, v.v. là đủ khả tín để có thể lấy làm nguồn gốc của người Việt Nam. Trái lại, họ Phan thủy chung không ngờ vực thuyết nguồn gốc Hán tộc của người Việt.
4. Tư tưởng Phan Bội Châu trong bối cảnh lịch sử đương thời
Xét, tư tưởng Phan Bội Châu về nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng không có gì táo bạo hoặc lập dị. Kỳ thực rất nhiều học giả đương thời đã có những chủ trương và giả thiết tương tự. Tỷ như thế hệ sinh ra trước Phan Bội Châu thì đã có các nho gia Ngô Giáp Đậu 吳甲豆 (1853-?) và Hoàng Cao Khải 黃高啟 (1850-1933) khảng khái ủng hộ quan điểm người Việt Nam hiện đại vốn là người Hán tộc. Hai sách Trung Học Việt Sử Toát Yếu 中學越史撮要 (1911) của họ Ngô và Viết Sử Yếu 越史要 (1914) của họ Hoàng đều có những đoạn lập luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam tương tự chủ trương của Phan Bội Châu. Nhưng, cả Ngô Giáp Đậu lẫn Hoàng Cao Khải là những học giả uyên bác, đã có đủ điều kiện tiếp cận tư liệu cổ kim trong khí đó Phan Bội Châu là con nhà nghèo, tuổi trẻ gặp nhiều trắc trở trên con đường học vấn. Tuy rằng Việt Nam Vong Quốc Sử và Việt Nam Quốc Sử Khảo được ấn hành trước sách của họ Ngô và họ Hoàng, có lẽ tư tưởng về dân tộc Việt Nam của Phan Bội Châu không phải là chủ trương cá biệt của một nhà, nhưng lại thuộc quan niệm chung trong học giới đương thời. Ngay cả các chứng cứ mà họ Phan đưa ra để chứng minh sự hỗn hóa của người Việt Nam và người Hán cũng không có gì là đặc biệt. Học giả Dương Bá Trạc 楊伯濯 (1884-1944) trong mục Việt Sử Khảo 越史考của Nam Phong tạp chí 南風雜誌đã lập luận y chang họ Phan rằng:
“… Sử cũ chép năm 2862 trước Thiên chúa giáng sinh, cháu thứ ba đời vua Thần Nông nước Tàu tên là Đế Minh đi tuần phương nam đến Ngũ lĩnh lấy bà Vụ Tiên, sinh vua Kinh Dương, vua Kinh Dương sinh vua Lạc Long, vua Lạc Long lấy bà Ẩu Cơ sinh trăm con giai, ấy là tổ trăm đất Việt; lấy thế làm gốc giống người Việt Nam thì nói hoang đường quá; chẳng qua lúc đầu mờ mịt, mới đặt để ra những truyện thần quái, khoe người mình là giống thánh nòi tiên; có lẽ nào một người mà đẻ ra trăm con, rồi sinh sản ra khắp được cả nước; câu ấy thật không đủ tin, người Tây thì lấy lẽ phàm loài người phát sinh tự các nguồn sông trước, cho là giống người Việt Nam lúc đầu ở chỗ rãy núi giáp giới Chi Na cùng Tây tàng, sau lần lần xuống phía nam, theo sông Hồng hà cùng sông Cửu long mà ở; nhưng cũng không lấy gì làm sác cứ. Nay xét cho kỹ thì có hai giống: một là giống cũ; trong Đông dương sử yếu chép giống người Giao chỉ gốc trước là giống Tam miêu, Kinh man, sau bị Hán tộc đuổi, chạy sang phương nam; Trong Lễ ký chép man dân ở phương nam, khắc chữ vào trán, hai ngón chân cái giao lại với nhau; coi lúc nước ta thuộc Hán, còn lấy Giao chỉ đặt tên, thời biết giống cũ người Việt Nam phần nhiều là giống Giao chỉ, nhưng lệ tự nhiên thiên diễn, đã xô đẩy nhau trong trường tranh cạnh, giống hay thời sống giống hèn phải xa; giống cũ ấy tiêu diệt lần lần, còn sót ít nhiều, lẩn quất trong những miền rừng núi , tức là thổ nhân thượng du ta bây giờ. Hai là giống mới; cứ trong sử chép năm 196 trước Thiên chúa giáng sinh vua Tần Thủy Hoàng Tàu sai Nhâm Hiệu, Triệu Đà phát năm mươi muôn người sang thú ở Ngũ lĩnh, thì lúc ấy người Hán tộc đã dời sang ở ta nhiều; lại chép con Triệu Đà là Trọng Thủy lấy con gái vua An Dương là Mị Châu, thì lúc ấy người Hán tộc đã có thông hôn nhân với ta; ở lẫn nhau, cưới gả lẫn nhau, sinh sản cực chóng, cư tụ một ngày một đông, đến lúc thuộc Hán, vua Hán Vũ đế mở chín quận, đặt Thứ sử, Thái thú, rồi người Tàu sang ở ta, thì giống cũ Giao chỉ dung hóa gần hết, mà thành hẳn ra một giống người Việt Nam bây giờ; coi ông Lý Bôn, tổ tiên trước là người Tàu, cuối đời Tây Hán, dời sang ở đất Nam, bẩy đời đến ông Bôn. ông Hồ quí Ly tổ là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết giang Tàu, đời ngũ quí dời sang ở châu Diễn ta, bốn đời đến ông Quí Ly; thì biết giống người Việt Nam bây giờ phần nhiều là Hán tộc. Ôi! Hán tộc ta vốn là một giống người có cái tính chất văn minh, có cái năng lực tranh cạnh, đánh Suy vưu, đuổi Tam miêu, dẹp Kinh man, chục tiệm phát đạt, tự Hoàng hà đến Dương tử giang, Tây giang rồi bành trướng sang đến nước ta vậy. Nếu không thế sao thu được Chiêm thành, chiếm được Chân lạp, chinh phục hết các giống cũ mà nghiễm nhiên làm chủ nhân ông cái miếng đất này được…” (13)
Do đó mà xem, nhiều học giả thời Nguyễn mạt tuy đã biết đến giả thiết nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam, song một bộ phận lớn vẫn khăng khăng chủ trương giả thiết nguồn gốc Hán tộc của người Việt Nam. Trong đó, Phan Bội Châu đã góp tiếng ủng hộ, nhưng không phải là người tiên thanh.
5. Tiểu kết
Bài viết này trích dẫn từ các tư liệu Hán văn và Quốc ngữ hiện tồn của Phan Bội Châu nhằm mục đích tìm hiểu tư tưởng của họ Phan về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Vì tư liệu hiện tồn không có nhiều, bài viết này chỉ mang tính tổng quan và không thể vượt phạm vi cố hữu của một nghiên cứu sơ lược. Qua các tư liệu Hán văn và Quốc ngữ được trích dẫn trong bài viết, có thể tạm kết luận rằng Phan Bội Châu đã hiểu vấn đề nguồn gốc người Việt theo các khái niệm dân tộc, thiên diễn, v.v. của Tây phương và đã chủ trường rằng người Việt Nam hiện đại vốn là chủng tộc người Hán Trung Quốc. Văn bản Hán văn trong Phan Bội Châu toàn tập do Chương Thâu biên soạn có nhiều chỗ in nhầm chữ. Tác giả bài viết này đã tùy tiện hiệu đính vài chữ trong phần Hán văn được trích dẫn. Ngoài ra, bản dịch các đoạn Hán văn trong bài viết này đều do tác giả bài viết tự dịch ra tiếng Việt. Độc giả có thể tham khảo bản dịch trong Phan Bội Châu toàn tập và các sách khác để so sánh.
Houston, 18.8.16 viết xong
Nguyễn Thụy Đan
CHÚ THÍCH
(1) Phan Bội Châu, Chương Thâu biên soạn (2001), Phan Bội Châu toàn tập, Huế: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, t.6 tr.111
(2) Sđd, tr.113-114
(3) Sđd, tr.116
(4) Xem sđd t.1
(5) Sđd, t.2 tr.357
(6) Sđd, t.3 tr.432
(7) Sđd, tr.432-433
(8) Sđd, tr. 434
(9) Sđd, t.2 tr.494
(10) Sđd, t.2 tr.526-527
(11) Sđd, t.7 tr.238-240
(12) Sđd, t.7 tr.469
(13) Nam Phong Tạp Chí số 15
Chuyên mục:Bài hay trên net.
Trả lời