Đọc qua trang – có thể gọi là “tự bạch” của Nhà thơ Luân Hoán cho “Liên Hoa Thi”, tôi chợt có ý nghĩ, những điều Nhà thơ “tâm sự” là không cần thiết (với tôi); cho dù đó là những lời chia sẻ, bộc bạch rất chí tình, khiêm tốn.
Mở đầu “Liên Hoa Thi”, Nhà thơ viết: “Liên Hoa Thi, gồm những bài viết có chủ đề thiên về tín ngưỡng, nhưng chỉ là những bày tỏ những cảm nhận riêng, không đủ sức cũng như không là mục đích đề cao một đức tin nào. Nội dung thi phẩm này không khác hơn tự sự tâm linh. Không triết không thiền. Tôi nguồn gốc thờ kính ông bà, thường được gọi là lương giáo, do đó có phần gần gũi với đạo Phật. Đơn giản chỉ vậy”.
Tôi nghĩ việc “có/không” đã nằm trong những trang thơ “tự sự tâm linh” rồi, “đơn giản chỉ là vậy”!
Thật sự là tôi đã rất ngạc nhiên, và hạnh phúc, khi chỉ đọc 10 bài thơ đầu của toàn tập (gồm 123 bài thơ nhiều thể loại chung quanh “chủ đề” có liên quan đến Phật). Ngạc nhiên trước hết, là tôi đã có dịp đọc rất nhiều bài thơ, tập thơ, của những người làm thơ là Phật tử thuần thành (đã quy y Tam bảo, có pháp danh, thậm chí có quan hệ mật thiết với Quý tu sĩ, chùa chiền), tôi đã giữ chuyên mục “Hoa Tâm Trong Vườn Đạo” của Ts Vô Ưu trên 18 năm – nhưng hầu như chưa có ai “đường đột” làm thơ về các đề tài “to lớn” như Nhà thơ Luân Hoán:
Nói về “Đạo”:
“… Đức Mâu Ni Phật trong tôi
luôn là hình ảnh tuyệt vời ngôi trên
Phật nhập diệt pháp chênh vênh
sinh độ hoằng hóa ba bên bốn bề
thờ lộn thờ trật thế nào
vẫn giữ giới luật nâng cao tâm hồn
tin mình chưa giỏi xảo ngôn
phù phép câu chữ ba lơn cuộc đời”
(Đạo)
Nghĩ về “Phật”:
“…Phật tại chùa không khác
hình tượng chưng ở nhà
khác không gian Phật ngự
càng trang nghiêm càng xa
trầm hương nhà không thiếu
chuông mõ chùa vang hơn
tịnh tâm không xuống tóc
một cách tu trong hồn
chưa hề là Phật tử
pháp danh chưa cùng tên
ngưỡng mộ đời đạo hạnh
nguyện biến lòng thay sen
“…nhưng nhiều đêm say ngủ
tôi mơ thấy Phật cười
tôi nghĩ em cũng thấy
vì Phật của mọi người”
(Phật)
Cho đến “Phật Tượng”:
“ …nhà tôi chưng Phật nhiều nơi
chỗ nào trang trọng ngài ngồi lim dim
và ngay trong cả phổi tim
tôi đây cũng có ngài lim dim ngồi
buồn vui chuyện của cuộc đời
dựa vào mắt Phật để đời sáng ra
đôi khi tôi rất ba hoa
nhưng xảo ngôn ấy thật thà lòng tôi”
(Phật Tượng)
Tiếp theo là các bài thơ dành riêng cho “Phật Thích Ca Mâu Ni/ Phật A Di Đà/ Phật Di Lặc/ Phật Quán Thế Âm” và “19 vị La Hán”. Điều thú vị và ngạc nhiên tiếp theo đó là mười bài thơ đã “nêu danh” chư Phật và chư Bồ Tát của Nhà thơ đều trong trạng thái “nhất tâm” – một lòng ngưỡng vọng, rất chơn phác, khiêm tốn! Mở rộng tâm hồn nhiên đến với Phật, là sẽ “gặp Phật” vậy – Phật hiện tiền! Đơn giản là vậy!
Trong tĩnh lặng “nhất tâm”, tôi tìm thấy hương vị của tấm lòng chân thành ngưỡng vọng, kính tin (Tín):
“…giữa chính điện cao sen đài
Ngài ngồi trong thế kiết già bình tâm
tay trái cùng hai bàn chân
xếp thành khối ngọc cân phân hài hòa
tay phải nâng cánh sen hoa
thập-độ-thủ-ấn bao la nhiệm mầu
hai đầu trỏ cái giao nhau
vượt đáo-bỉ-ngạn lắng sâu tượng hình
Phật ngồi hào quang lung linh
tôi đứng khép nép vọng nhìn xa xa
phục Ngài buông bỏ vinh hoa
đạp lên khổ nhục tìm ra đạo vàng
tôi vô phép chợt mơ màng
đắp y xuống tóc hân hoan theo hầu
hồn thanh thản chẳng về đâu
như mây muôn kiếp trắng màu phiêu du…”
(Phật Thích Ca Mâu Ni)
Lòng chí nguyện thủy chung rất mực (Nguyện):
“…Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang
Vô Lượng Công Đức dung nhan Di Đà
Ngài đứng trên tòa sen hoa
thòng tay phải thả vị tha xuống đời
Pháp Hoa Kinh ngát trầm hương
Cực Lạc một cõi Tây Phương cứu người
câu kinh theo liền đời tôi
A Di Đà Phật thơm môi ấm lòng…”
(Phật A Di Đà)
Sau cùng, dường như căn duyên với Phật cũng đã bén rễ trong tâm hồn Nhà thơ từ thuở nào (Hạnh) như một “bản tính” như nhiên không thay đổi:
“từ Nam Thiên Trúc sinh ra
một đấng Di Lặc rất là vô tư
ngoài tâm địa rất hiền từ
Ngài luôn có vẻ như dư nụ cười
…Ngài và Bố Đại một người ?
thường vác cái túi tới lui bất ngờ
biết tính Ngài thích làm thơ
ước gì thù tạc tình cờ, biết đâu”
(Phật Di Lặc)
“…xin thưa không dám dông dài
văn vần chẳng thể nói hoài quên thôi
thật ra dành suốt cả đời
viết về Ngài, khó hết lời kính yêu.”
(Phật Quán Thế Âm).
Hơn 100 bài thơ trong “Liên Hoa Thi” đã thể hiện rõ ba “yếu tố” Tín – Nguyện – Hạnh căn bản để đi vào cửa Đạo, tuy sự thể hiện có phong cách riêng, nhưng tựu trung đã giãi bầy được sự chí tình, chí nguyện khẩn thiết, thì hỏi chi là “Có/Không”?
Ghi vội đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Du trong bài “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ (Bắc Hành Tạp Lục):
“… Nhất cùng chí thử khởi công thi?”
(Một đời cùng khổ đến thế phải chăng là vì thơ?)
Một đời thăng trầm của Nhà thơ đã đưa Luân Hoán đến với Phật, tự nhiên như vậy chăng?
Quê nhà, những ngày đầu năm Kỷ Hợi
MANG VIÊN LONG
Nguồn: Face Books Luân Hoán
Chuyên mục:Bài hay trên net., Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời