Nhà báo Tâm Chánh (Ảnh: Uyên Nguyên)
Mình hồi nhỏ theo bà và mẹ đi chùa, đọc theo và thuộc nhiều kinh kệ, quan sát và làm theo nghi thức cả một buổi nhật tụng.
Hồi ấy mình từng lập bàn thờ Phật ở nhà, ở trong tù, tự chủ trì được cả một buổi cầu siêu cầu an, được các thầy quí mến, từng được ngồi nghe thuyết pháp.
Thời ấy chiến tranh cũng có cúng sao giải hạn. Ngay trong tù các bà, các dì cũng tranh thủ rằm ra cúng sao, giải hạn… nhưng ko có kiểu bại vong phật pháp như kiểu ở Ba Vàng.
Mình còn ngồi cả cơ Cao Đài, cơ đăng cả 2 câu thơ thất ngôn…cũng ko có kiểu như hiện nay. Đó chỉ như một biểu tượng để cầu mong hơn là sự đổi chác trắng trợn. Nhà chùa cúng cầu siêu chứ mình chưa từng thấy trụ trì cúng sao giải hạn bao giờ.
Nhà chùa phải làm ruộng, làm vườn mà tự túc, công quả của bá tánh giúp để người cơ nhỡ, kẻ nương nhờ có bữa độ nhật.
Chùa nào cũng xin đất, mượn ruộng, đắp nền, xây nhà lá, rồi nhà gỗ, rồi mới nhà tường, đều chủ yếu từ hoa lợi đất chùa và công quả của phật tử, cúng dường không bao nhiêu.
Rằm (14 âm lịch ) nào trụ trì cũng cầu siêu cho bá tánh. Nhà có tang, ai có đi cúng thì xin sớ, thầy ghi sổ, tên tuổi, chùa sẽ xướng tên cầu siêu suốt cho đến mãn tang. Mình chả thấy cúng dường gì. Bù lại phải vào chùa làm công quả. Phải theo sư đi tụng đám. Phải phục vụ mỗi khi rằm lớn, hay chùa có bố thí.
Thầy chùa ( thời ấy rất nhiều thanh niên trốn lính ) ngoài thức khuya dậy sớm kinh kệ thì phải làm ruộng, cuốc đất, trồng tỉa.
Mình nhớ có thầy nằm võng ê a vọng cổ liền bị trụ trì nhắc nhở.
Trong xã có sư làm ruộng, cuốc đất phát lộ tượng phật đồng đen của người Khơ me bèn thí phát, tự lập chùa, hòa thượng nhận làm đệ tử, học được chữ nho, nghiên cứu lí số, cũng coi ngày cho dân tang ma cưới hỏi. Việc coi ngày tháng bói toán cũng bị các đại đức đồng môn cho là không đúng phật pháp, không phải phật sự.
Cũng lại một sư khác mướn ruộng đào ao lấy đất đắp nền chùa, làm ruộng giỏi giang lần hồi mua đất, xây dựng chùa bề thế đều từ công việc đồng áng chứ chùa của vị đại đức trong ruộng xa, nơi giáp ranh ngày quốc gia, đêm Việt cộng, là chỗ cho dân tản cư tránh súng đạn không đủ cơm ăn lấy đâu tiền của cúng dường. Vậy mà lần hồi chùa được cất khang trang to đẹp.
Chùa nào cũng có bàn thờ vong linh nghĩa sĩ, rồi có chỗ bá tánh xin gửi bài vị người thân để mong được cận kề kinh kệ mà siêu thoát. Không phải ai cũng xin được để bài vị.
Mình được giải thích bài vị của những nguòi cơ nhỡ, đơn chiếc hoặc có nhiều công quả. Chứ ngay cả đóng góp nhiều thì bảng công đức ghi và treo gần trống đại trên chính điện.
Mình nhớ thuở ấy hoà thượng chùa quê mình là một người danh tiếng, làng lính rất nể trọng. Các chùa trong xã đều là đệ tử của hoà thượng. Tỉnh trưởng, quận trưởng vào chùa đều nghiêm cẩn, lặng lẽ chứ không viếng thăm náo nhiệt. Các quan chức cũng lên chính điện tham gia các nghi lễ nhưng thực hành theo đức tin của mình. Chỉ chắp tay xá tam bảo, đốt nhang tổ rồi tuỳ nghi. Cũng không có cảnh quan chức đứng ngang hàng các cao tăng đang đảnh lễ. Trên chánh điện những lễ nghi lớn, trên cùng là hoà thượng với y trượng uy nghi, tiếp đó là chư tăng thượng toạ, đại đức, tỳ kheo, sa di… Làng lính khách khứa gì sau đó. Kế là đến các phật tử và bá tánh có thỉnh sớ cầu an, cầu siêu trong dịp đó.
Mình vẫn nhớ cách khai kinh cũng như trụ trì kết thúc một kỳ nhật tụng. Thôi để tới kì có sự ở mấy chùa bự bự sẽ xin kẻ tiếp.
Chánh Tâm
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Thân hữu, Thân hữu
Trả lời