Nhà văn Nhật Tiến (Ảnh: Uyên Nguyên)
Sau hơn một thập niên bận rộn với việc làm báo, nhà văn Nhật Tiến gần đây đã trở lại quan tâm về sáng tác văn học. Sức làm việc của ông vẫn hăng nồng như thời thanh niên: riêng trong năm 2012, Nhật Tiến hoàn tất 4 tác phẩm – Hành Trình Chữ Nghĩa, Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác, Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi, Một Thời Như Thế.
Và trong ba tháng đầu năm 2013, nhà văn Nhật Tiến đã xuất bản thêm 2 tác phẩm:
– Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, tiểu thuyết hồi ký, lần đầu tái bản ở hải ngoại, hiệu đính và bổ sung từ ấn bản đầu phát hành năm 1973. Một khoảng cách 40 năm để đọc lại, nhìn lại.
– Mưa Xuân, tuyển tập gồm 8 truyện ngắn, 2 vở kịch đã từng đăng báo nhưng chưa hể in thành sách, và kèm một phụ lục là bài “Hành Trình Chữ Nghĩa, Những Cột Mốc Văn Chương Nhật Tiến” của nhà phê bình Nguyễn Mạnh Trinh.
Để nhìn xuyên suốt và để hiểu được những nỗ lực của Nhật Tiến, lời kết trong bài Nguyễn Mạnh Trinh cho chúng ta thấy được phần lớn toàn cảnh:
“Ở tuổi gần tám mươi mà xem ra nhà văn Nhật Tiến vẫn còn chất lửa ở đời sống văn chương của ông. In những cuốn sách, có phải là bước quay về nhìn lại thời đã qua và gửi đến tương lai những điều muốn ngỏ…” (Mưa Xuân, trang 220, bài Phụ Lục của Nguyễn Mạnh Trinh)
Tuy nhiên, cách dùng chữ “có phải là” của Nguyễn Mạnh Trinh có vẻ lãng mạn sương khói.
Sự thật đơn giản hơn. Điều chúng ta biết rất rõ, rất minh bạch, là qua lời tác giả Nhật Tiến:
“… Tôi nghĩ ngay tới ánh đèn vàng úa của ngọn đèn chong suốt đêm khuya chỉ có một mình tôi cặm cụi với trang giấy trắng muốt.
Tôi sẽ viết… viết hoài… viết mãi… ” (Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, trang 159)
Viết hoài, viết mãi… vì đó là hơi thở, là nhịp tim của Nhật Tiến.
Đọc Thuở Mơ Làm Văn Sĩ (TMLVS), chúng ta thấy rằng Nhật Tiến đã viết văn khi chưa rời bậc Tiểu Học
Năm lớp Nhì (bây giờ là lớp 4), Nhật Tiến cùng người bạn tên Hòa và 3 bạn khác trong lớp làm tờ báo có tên Bút Học Trò, dày 12 trang, chép trên giấy học trò, có nhiều mục như Lá Thư hằng tuần, truyện ngắn, truyện dài, thơ, phiếm luận, tin tức hằng tuần, vui cười, câu đố, tranh phim.
Báo này ra 5 số thì dẹp, vì ban biên tập đều bị xuống điểm học, sổ điểm cầm về nhà bị các bậc phụ huynh rầy la vô số kể.
Tuy nhiên, riêng Nhật Tiến cũng khi chưa rời bậc Tiểu Học đã tự làm một tờ báo với tên Bút Mới, dày 12 trang và in trên thạch sương xa theo kỹ thuật học từ Hướng Đạo. Được vài số là phải dẹp, phần vì loại giấy dùng kỹ thuật in này được những người chống Pháp sử dụng để phổ biến tài liệu, nên các loại báo và truyền đơn hình thức này đang bị bố ráp dữ dội, và phần vì phải học chuyên luyện Toán và Luận để thi tốt nghiệp Tiểu Học, và rồi thi vào (và đậu) lớp Đệ Thất (tức lớp 6 bây giờ) ở Trung Học Chu Văn An. (TMLVS, trang 72-73)
Đam mê viết này được tác giả tự nhận định:
“… Tờ báo với đầy vẻ quyến rũ đã hiện ra với mùi giấy thơm, mầu mực mới, những nét chữ tươi tắn, những bức họa tài hoa, tất cả đều như cùng toát ra một vẻ mê hoặc, đầy quyến rũ của một thế giới mà bao nhiêu ngày tháng qua tôi đã khổ công tìm cách đặt chân vào. Đó là thế giới của văn nghệ, của báo chí, của những tấm lòng dào dạt tình cảm và những khối óc đầy sáng tạo. Dẫu giận dỗi cách nào thì tôi cũng không thể vì một chuyện cỏn con, nhỏ mọn vừa qua để mà rũ bỏ hết đi một cách phũ phàng.” (TMLVS, trang 158)
Trong cuốn tiểu thuyết hồi ký TMLVS, không khí hồn nhiên, say mê văn học hiện ra từ những ngày cậu bé Nhật Tiến đi mua truyện về đọc, đủ thứ truyện, như tự kể:
“Phải nói rằng vào thời kỳ đó, tôi cũng như Hòa đã ngốn vào đầu biết bao nhiêu là thứ truyện tả pí lù. Về kiếm hiệp thì có Bồng Lai Hiệp Khách, Côn Lôn Kiệp Khách, Thiên Thai Lão Hiệp, Độc Nhỡn Kiếm, Ngày Xuân của La Bích Vân… về loại phiêu lưu giải trí thì có Dao Bay, Đoan Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng… Còn tiểu thuyết đúng nghĩa thì hầu như chúng tôi thuê đọc hầu hết tác phẩm của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nguyễn đình Lạp là những tác giả viết loại tiểu thuyết xã hội, hay của Thế Lữ với loạt truyện trinh thám quanh nhân vật Lê Phong như Lê Phong Phóng Viên, Mai Hương và Lê Phong, Gói Thuốc Lá, hay Phạm Cao Củng với nhà thám tử lừng danh Kỳ Phát trong những truyện như Vết tay trên trần, Bàn tay sáu ngón, Đám Cưới Kỳ Phát, Kỳ Phát giết người, v..v… Nhưng phải kể là tôi mê nhất truyện của Lê văn Trương với triết lý người hùng rất thích hợp với máu anh hùng và tinh thần hướng thượng của tuổi trẻ. Những tác phẩm của Lê văn Trương mà tôi còn ghi nhớ là những cuốn Trường Đời, Tôi là Mẹ, Người Anh Cả, Hai đứa trẻ mồ côi, Thằng Còm, Anh em thằng Việt, Thằng Việt nghỉ hè, v.v…” (TMLVS, tr. 16-17)
Nhưng tới tuyển tập Mưa Xuân, ngòi bút Nhật Tiến đã trở nên rất buồn. Trong khi Đức Phật nói rằng cõi này đầy những đau khổ của sinh, lão, bệnh, tử… thì Nhật Tiến có thêm nỗi đau đớn thứ năm: quốc sự. Chuyện quê nhà gắn liền với tất cả những gì ông viết trong tuyển tập này.
Như truyện Mưa Xuân (trang 11-25), viết tại California vào tháng 10-2004, kể lại hình ảnh một đất nước tan vỡ nhiều thập niên sau năm 2004, như trong đoạn:
“… ông phải ngồi khuỵ xuống bên cạnh cái bể nước mưa mọc đầy rêu xanh vẫn ẩn dưới tán lá của cây hồng bì. Ôi những ngày xưa cũ và những hoài bão tràn đầy vinh quang và nhiệt huyết như của Hoành, sau ngần ấy năm, sao lại chỉ nẩy sinh ra những thành quả đớn đau và tủi nhục nhường ấy. Trước khi gục ngã, những Hoành, những Bính, những Ngọ, những Hoè hay cả nghìn những con người đã hy sinh khác đâu có biết rằng mình đã tận tuỵ một đời để chỉ đem lại cho thế hệ đàn con, đàn cháu một đời sống thảm thương đến thế. Cái mà chúng nó “hưởng” là như thế ư?“(Mưa Xuân, trang 25)
Hay là trong truyện Vòng Quay Trần Thế, viết tháng 11-2007, kể về một bà mẹ có con đi bộ đội, sau khi xuất ngũ ra làm kinh doanh, trở thành đại gia, làm chủ một xí nghiệp ở thành phố. Bà mẹ có ngôi nhà nằm trong khu quy họạch dự án, bị đuổi nhà cả xóm, thế là bà trở thành dân oan, ăn ngủ ở vườn hoa thành phố và mỗi ngày lang thang đi khiếu kiện khắp nơi, trong khi công an liên tục bắt rồi thả. Một hôm mẹ trong trang phục dân oan tìm con, và Nhật Tiến kể lại, trích:
“… Cô con dâu vội vã:
“Ấy, đâu có được. Đem bà vô nhà lúc này có khác gì can tội chứa chấp phản động, chống đối nhà nước. Thôi bà thông cảm giùm cho chúng con đi bà ơi !”
Sinh bây giờ xuống giọng năn nỉ:
“Con lậy mẹ đó mẹ ơi. Mẹ đừng vào nhà con trong tình thế này. Mai mốt chúng nó đồn rầm lên tội chứa chấp dân khiếu kiện là con mất chức, hết làm ăn. Để con vào lấy tiền đưa cho mẹ đi thuê khách sạn ngủ qua đêm”.
Vừa nói, Sinh vừa đẩy mẹ ra khỏi cổng và hấp tấp đi vào nhà.
Bà Khương không đi theo nó. Bà ngẩn người trước tình trạng đón tiếp của vợ chồng đứa con trai mà trước đó bà không hề nghĩ tới. Nếu biết thế này thì thà ra ngủ bờ ngủ bụi. Bà ngước mắt lên nhìn căn nhà lần cuối rồi tần ngần quay lưng đi. Bà đâu cần chờ món tiền mà thằng Sinh sắp trao, cho dù món đó có thể còn giá trị gấp chục lần một ký lô muối vừng rang mặn mà hồi nào bà cũng đã trao cho nó…” (Mưa Xuân, trang 75-76)
Tuyển tập Mưa Xuân được viết với những hình ảnh đau đớn của đồng bào ở quê nhà.
Với 8 truyện và 2 vở kịch trong Mưa Xuân, Nhật Tiến đã viết ở một vị trí được ông mô tả:
“Chỗ đứng thích hợp nhất của một nhà văn là ở phía đám đông bị đàn áp hay bị đối xử bất công và những gì do một nhà văn viết ra phải góp được phần vào việc nâng cao giá trị nhân phẩm của con người và làm gia tăng sự cảm thông giữa con người với con người.”(Mưa Xuân, Lời Nhà Xuất Bản, trang 9).
Đoạn văn vừa dẫn cũng là lời nhắn gửi tới tất cả những người cầm bút.
Ngô Thế Vinh viết trong bài “Nhật Tiến Thềm Hoang Vẫn Một Tráng Sinh Lên Đường” (in lại trong tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá) ghi nhận về Nhật Tiến:
“Bài viết vội với hơn 7 ngàn chữ gửi tới Anh, phải kể là quá ngắn so với cuộc đời rất phong phú và đa dạng của Anh: một nhà văn, một nhà giáo, và một đời hướng đạo. Nhật Tiến rất trực tính và can đảm. Không phải ai cũng chia xẻ và đồng tình với cách hành xử của Anh. Và không ít lần Anh đã phải trả giá cho những ngộ nhận và cả vùi dập cho những điều Anh phát biểu. Nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương tâm của Nhật Tiến.
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng – chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến – Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường.”
Vâng đúng như thế. Nhà văn Nhật Tiến vẫn cứ đứng ở ngoài nắng.
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời