LM Đặng San (Không Động): Chuông Khuya Núi Vắng

Ba giờ sáng. Núi vắng lặng như tờ. Vài người trong “chùa tư gia” ở núi Kỳ Vân này đã thức dậy từ lúc nào. Uống trà và cafe với nhau chút đỉnh. Cười cười khen đời sống tu núi vậy mà “phong lưu sang giàu” ra phết. “Ông anh trên núi ” những năm này đã mang tướng tăng. Bây giờ y áo chỉnh tề, đến thỉnh “chuông u minh” hơn nửa tiếng, vừa thỉnh chuông vừa tụng bài kệ, đánh thức những chúng sinh thế giới vô hình. Rừng núi đẫm trong tiếng chuông ngân vang ra xa. Sau thời “chuông u minh”, đến thời lạy 108 hồng danh chư Phật. Sau chú đại bi, cứ một lời qui y và xưng tán hồng danh một vị Phật, là một tiếng “chuông hướng dương”, và một cái lạy. Quì phục xuống năm vóc gieo sát đất, “ngũ thể đầu địa”. Nghi thức này diễn ra khoảng hơn một tiếng. Nghiêm cẩn, cung kính, thành tâm. Khi kết thúc, núi rừng bắt đầu hửng sáng.

Cô nương sinh viên Phật tử nhưng lần đầu tới chùa núi. Cũng lạy “hồng danh sám hối” 108 phát, kêu gọi và đánh thức những nguồn năng lượng sâu kín trong mình. Cô nương mong manh yếu đuối, lại có lẽ cũng ẩn chứa nhiều nỗi muộn phiền bế tắc chăng. Lạy xong, chẳng thấy cô nương mệt mỏi, mà lại như có vẻ được an nhiên tự tại hơn.

Mấy chục năm nay, lần nào về núi Kỳ Vân, điều vui nhất việc nghe chuông trong thời hồng danh sám hối này. Có khi cố ý vào núi thật tối, ngồi im bên ngoài ngồi nghe và xem hai cô ni cháu thỉnh chuông và lạy. Ba bốn giờ sáng, nằm trong am trên núi, nghe tiếng “chuông hướng dương” rền trong núi. Lòng lạ lắm. Hỏi mấy cô ni rất mong manh sương khói rằng, lạy như thế, bản ngã có rơi rụng bay lả tả hết không.

Bản ngã có rơi rụng bay lả tả hết không? Đó là điều chỉnh yếu nhất. Nhưng thôi, ít ra, những tiếng chuông, những bái lạy, cùng với những tâm niệm lặng thầm, chắc chắn sẽ thấm đượm và ướp nồng những âm u của núi rừng, của trời đất, của lòng người.

Giờ này, trong các giáo xứ và tu viện, cuộc hiến tế chết và sống lại của Giêsu được cử hành. Ơ. Những tiếng chuông chùa, những cuộc tế lễ, phải chăng là điều cần thiết duy nhất cho những cuộc đời đớn đau, và cho cả một quê hương điêu linh tan nát.

Quê hương điêu linh tan nát! Quê hương trải cơn kiếp nạn, dài, dài quá, kinh khủng tăm tối u minh quá. Thời mạt pháp của các tôn giáo cũng lạ lùng kinh dị quá! Lạy, lạy, lạy. Tế lễ. Tế lễ. Tế lễ. Để chết đi. Để chờ mong cuộc sống lại. Ông anh trên núi vừa nói rằng, mọi điêu linh tan nát đều là “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Mỗi chúng ta đều có lỗi trong đại kiếp nạn u minh tăm tối kinh khủng này. Và nếu mỗi người đều thực tâm thấy “lỗi tại tôi mọi đàng”, thì mọi thứ sẽ biến đổi.

LM Đặng San



Chuyên mục:Thân hữu, Thân hữu

Thẻ:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: