Lâm Nhược Trần – Người Việt Nam Tồi Tệ: Tánh hay bắt chước, a dua, học đòi (kiểu trưởng giả học làm sang) và vọng ngoại

Người Việt có tánh hay bắt chước. Từ chuyện nhỏ như bắt chước giọng hát, bắt chước hành động, việc làm mang tính thời thượng của một số nhân vật nổi tiếng nào đó, trong và ngoài nước, cho đến những chuyện lớn lao hơn như nhuộm tóc vàng xanh, phẫu thuật thẩm mỹ để có được cặp ngực, cặp mắt to, cái mũi cao giống Tây, cái cằm nhọn (độn cằm) giống Hàn, v.v… Họ bắt chước cái dở, cái tồi của người khác thì rất nhanh, rất hay, nhiều khi còn làm nổi trội hơn. Những cái hay, cái tốt của người khác thì ít chịu học hoặc học rất chậm.

Trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa để lại, đây có lẽ là những ý nghĩ, những hành động được nẩy sinh từ cái mặc cảm tự ti thái quá và cái mặc cảm tự tôn bất thường. Trên đường phố hay trong phim ảnh, đến các sự kiện chính thức mang tính văn hóa được trình chiếu trên truyền hình như triển lãm thời trang, thi người mẫu thời trang, kịch nghệ sân khấu, kịch hài (thường là xàm xí, vô duyên, nhưng vẫn có người cười, như vậy cũng cần xét đến trình độ thẩm thức nghệ thuật của người dân), v.v… những cô nàng hay những anh chàng choai choai, đầu xanh, đầu đỏ, đầu vàng, trang phục khoe thân… tung tăng trông rẻ tiền và phản cảm. Trong ban giám khảo các cuộc thi, một số người thích thể hiện ‘cá tính’ hay sự ‘tài giỏi’ của mình bằng những lời nhận xét ngớ ngẩn, những phát ngôn ‘đao búa’ hoặc những cử chỉ, những hành động phô trương một cách lố bịch, kệch cỡm và trơ trẽn. Điều quan trọng là những nhà sản xuất, những đạo diễn, những người tổ chức chương trình lại tung hê, xem đó như một thủ thuật, một cách thức để câu khách, và vô tình khuyến khích hay định hướng xấu, lệch lạc cho giới trẻ.

Còn gì nữa, phong trào thi đua đặt tên nửa Tây, nửa ta, đảo ngược họ tên cho giống Tây như Angela Phương Trinh, Hà Hồ, Trang Trần, Sơn Tùng M-TP, v.v… Đối với một số trường hợp sinh ra hoặc sống nhiều năm ở nước ngoài thì mình không muốn lạm bàn, nhưng tại trong nước, những đứa trẻ mới được vài năm tuổi cũng đua đòi bắt chước làm theo (phần đông do người lớn). Không những sính việc đặt tên cho giống Tây mà một số người, mở miệng ra là chêm vài tiếng Tây, tiếng Mỹ (kiểu Tây không ra Tây, ta không ra ta) vào câu nói để khoe kiến thức, để cho ‘văn minh, hiện đại’, nhiều khi chỉ đơn giản là do thói quen (đối với một số người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc với Tây). Trước một số cửa hàng, bản hiệu được trưng lên toàn tiếng Tây, tiếng Tàu cho ‘oách’. Nhiều chữ viết sai chính tả, sai cả về ý nghĩa. Chẳng hạn như, ‘Khách sạn’ thì cứ ghi là ‘Khách sạn’, nhiều lắm thì cũng chỉ là ‘Hotel’ để du khách nước ngoài dễ nhận biết, có một số người còn trưng cả bản hiệu ‘Motel’, không biết họ có thật sự hiểu nghĩa của cái chữ ‘Motel’ là gì không nữa. ‘Motel’ có nghĩa là khách sạn lưu động, nằm trên các trục đường quốc lộ hoặc đường cao tốc, phục vụ cho khách lỡ đường, không phù hợp khi hiện diện trong trung tâm thành phố. Trong lãnh vực âm nhạc, soạn được một vài bài nhạc nhí nhố, lời lẻ ngây ngô, rẻ tiền, thô thiển nhưng lại thích tự xưng là nhạc sĩ. Hát hò linh tinh vài bài cũng thành ca sĩ ‘nổi tiếng’. Hiện nay, đang rộ lên phong trào, trong một số chương trình trên TV, những bài nhạc nửa nạc nửa mỡ được quảng bá rầm rộ, nhạc là nhạc Việt, người soạn cũng là người Việt, nhưng cái tựa của bài hát thì được đặt bằng tiếng Anh, lời bài hát thì lẫn lộn, lúc tiếng Việt, lúc thì tiếng Anh. Nghe rất chói tai nhưng vẫn được một đám ‘nghệ sĩ’ có tên tuổi ‘mê đắm’. Hát nhạc thì cứ bắt chước nhau gào thét, rên xiết như đang lên đồng (có lẽ là ‘fan’ của Thanh Lam), có như thế mới gọi là hiện đại(!) Vậy ta nên buồn hay vui đây, hỡi các nhà hoạch định hướng đi cho xã hội?

Hàng hóa Việt Nam kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn lan, điều này đã quá rõ. Từ đó nảy sinh ham muốn hay chuộng hàng ngoại. Cũng dễ thông cảm. Đáng nói ở chỗ, sự sính ngoại này nhiều khi lại quá đà. Bản thân tôi không khuyến khích cũng như lên án việc lấy chồng nước ngoài. Lấy nhau vì tình, vì những lý do trong sáng thì không có gì chê trách. Nhưng, những hiện tượng như việc đổ xô đi lấy chồng Tây, chồng Hàn, chồng Đài, chồng Trung, kể cả các cô hoa hậu, người mẫu, diễn viên, ca sĩ, v.v… , và coi việc làm này là một điều để hãnh tiến, để tự hào một cách thái quá thì đáng để suy ngẫm. Lối sống thực dụng được khuyến khích bởi tinh thần phô trương, vọng ngoại thái quá sẽ tác động tiêu cực đến sự suy nghĩ và cách ứng xử, tạo nên cái nhận thức lệch lạc có hệ thống ở một con người. Tập đoàn HAGL thành công trên thương trường, là một trong những gia đình có tiếng giàu có nhất nhì đất nước, kéo theo đó là những khu rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên đã bị tàn phá. VN cấm khai thác, người ta ‘tấn công’ sang nước bạn Lào, và rồi tình hình chưa biết sẽ đi về đâu. Cường Đô La là đại gia, dù bản thân không có gì đặc biệt, hình thể khiêm tốn, tài năng hạn chế, nhưng có nhiều biệt thự, siêu xe, hàng ngày lái xe sang đến các nhà hàng, quán cà phê sang trọng cũng khiến cho nhiều cô gái trẻ đua đòi phải ‘cúi mặt’. Không ít nàng xinh đẹp trong giới showbiz đã không ngần ngại tranh nhau ‘dấn thân’. Dùng tiền bạc, thế lực hoặc những thứ hào nhoáng bề ngoài để mua chuộc tình cảm, mua chuộc lòng người, nhưng cánh báo chí vẫn rất ‘chịu khó’ săn đón và tung hê. Chẳng lẽ đây là cách đúng đắn, có trách nhiệm và phù hợp để định hướng cho giới trẻ? Việt Nam mở cửa ra thế giới bên ngoài, điều này là tất yếu, nó chẳng những giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển, mà đời sống văn hóa, tri thức của người dân cũng được nâng cao. Có điều, sau nhiều năm chiến tranh, rồi đến thời kỳ kinh tế suy sụp triền miên trong thời bao cấp, xã hội bất an, tư duy chủ đạo trong giáo dục thì bất cập và lệch lạc đã khiến cho tâm thức và hành vi của người dân ít nhiều bị mất dần nền tảng và phương hướng. Khi tiếp cận và du nhập những cái mới từ bên ngoài vào, nó có nguy cơ bị trộn lẫn hoặc bị loại bỏ. Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ dễ rơi vào tình trạng nhập nhằng, đúng sai, hay dở, tốt xấu chồng chéo, lẫn lộn vào nhau. Giá trị của sự văn minh, tiên tiến dễ bị ngộ nhận. Không hẳn lúc nào sự bắt chước theo phong trào đời mới đều được cho là hiện đại. Mà sự hiện đại chỉ có ý nghĩa đúng đắn và cao đẹp khi nó thể hiện được tính nhân văn. Nếu ta có nền tảng vững chắc, như cơ thể có thừa khả năng đề kháng và miễn dịch tốt, ta sẽ có sự hiểu biết và tỉnh táo để chọn lọc điều gì cần giữ gìn, cái gì cần tiếp thu, làm mới chính mình nhưng vẫn không dễ bị xóa bỏ hoặc đánh mất bản ngã.

 

(Trích NGƯỜI VIỆT NAM TỒI TỆ ~ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA – ĐIỀU TRA XÃ HỘI. Tác giả Lâm Nhược Trần. Người Việt Book xuất bản, 2016)



Chuyên mục:Xã hội, Xã hội

Thẻ:,

1 replies

  1. *Thưa Bác Lâm Nhược Trần,*
    *Thế thì tên Bác là Lâm Nhược Trần hay Trần Nhược Lâm.*
    *Của đáng tội, tên của Cha Mẹ cho mà Tên cứ giống như họ. *

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.