Nguyễn Hưng Quốc: Sống với Chữ | Kinh nghiệm viết văn

SỐNG VỚI CHỮ
tái bản với nhiều bài mới
Tác giả: Nguyễn Hưng Quốc

Văn Mới xuất bản lần đầu 2002, tái bản, 2014
Lotus Media tái bản, 2021
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1-716-10105-2
© Nguyễn Hưng Quốc & Lotus Media 2021. All rights reserved.
Mua sách tại
Amazon USA

Amazon Australia

1. Viết và lách

Lâu nay nghĩ đến chuyện viết lách là người ta nghĩ ngay đến tình trạng vừa viết vừa lách dưới chế độ cộng sản, ở đó, giới cầm bút, nói như Nguyễn Minh Châu, trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” đăng trên báo Văn Nghệ tại Hà Nội số 49 & 50,[1] “muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh […] Mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc”.

Nghĩ đến chuyện lách trong viết lách, chúng ta cũng nghĩ ngay đến sự thất bại của giới cầm bút và của văn học nói chung. Của giới cầm bút: không giữ được sĩ khí. Hay nói như Nguyễn Minh Châu, trở thành hèn. Cũng trong bài viết vừa dẫn, Nguyễn Minh Châu tự sỉ vả mình và cả giới mình: “Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.” Cái hèn ấy không trừ ai cả, kể cả những người vốn được xem là những đại thụ sừng sững trên văn đàn. Như “một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”

Nhiều người nói nhà văn đàn anh ấy là Nguyễn Tuân.

Vì cái sợ và vì cái hèn ấy, cũng nói theo Nguyễn Minh Châu, người ta phải “tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút”. Hậu quả là nhà văn thì “đánh mất cái đầu” và tác phẩm văn học thì “đánh mất tính tư tưởng”; cả nền văn học biến thành một nền văn học minh hoạ rập khuôn, giả dối và nghèo nàn.

Những lời nhận định đầy chua xót, hơn nữa, đau đớn của Nguyễn Minh Châu nhất định là đúng. Càng ngày người ta càng thấy là nó đúng. Hiện nay, ngay ở Việt Nam, dường như hiếm có ai dám quả quyết là những chính sách độc đoán và thô bạo của đảng cộng sản không làm huỷ hoại nhân cách và tài năng của cả mấy thế hệ văn học, từ những người đã cầm bút và nổi tiếng lừng lẫy trước năm 1945 và những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tuy nhiên, không nên quên là hiện tượng viết lách, viết và lách, không phải chỉ có dưới chế độ cộng sản.

Cộng sản độc tài? Đã đành. Nhưng đó không phải là chế độ độc tài đầu tiên hay duy nhất. Công bằng mà nói, lịch sử văn học viết của nhân loại, kéo dài gần ba ngàn năm, hầu như lúc nào cũng diễn ra dưới những sự áp chế của đủ loại độc tài. Tự do, chứ không phải độc tài, mới là ngoại lệ.

Thời xưa có độc tài của thời xưa. Thời nay có độc tài của thời nay. Khó nói được tính chất độc tài ngày xưa dễ chịu hơn độc tài dưới chế độ cộng sản.

Nguyễn Du chỉ mới viết “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà, theo giai thoại, đã bị Tự Đức đòi nọc cổ ra đánh đòn (nếu ông còn sống!). Nguyễn Thuyên chỉ làm một bài thơ vớ vẩn mà cũng bị chém đầu, và cha ông, Nguyễn Văn Thành, một đại công thần, bị buộc uống độc dược chết.

Ai dám bảo là những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… ngày xưa không hề lách khi viết? Ngay cả Lý Bạch ở Trung Hoa, nghênh ngang là thế, chắc gì đã không lách? Bắt quan lại cởi dây giày cho mình thì được. Làm thơ ca ngợi cung phi thì được. Nhưng thử phê phán vua chúa xem sao. Chưa chắc cái đầu đã còn, đừng nói gì đến bàn tay cầm bút.

Có thể nói viết lách, viết và lách, là một hiện tượng phổ biến, thậm chí, phổ quát, trong lịch sử.

Hơn nữa, theo tôi, đó cũng là điều cần thiết. Hơn thế nữa, theo tôi, đó còn là yếu tính của văn học: Viết tức là lách. Sáng tạo, nói chung, cũng có nghĩa là lách. Chỉ có vấn đề là lách cái gì. Lách những cấm kỵ về chính trị. Lách những ràng buộc của đạo đức. Quan trọng hơn và cũng gần gũi với văn học hơn, là lách những khuôn sáo, từ những khuôn sáo trong quan điểm mỹ học đến phương pháp sáng tác và ngôn ngữ văn học.

Harold Bloom, trong cuốn The Anxiety of Influence: A Theory of Poetry (1973) và A Map of Misreading (1975), xây dựng lý thuyết về thơ của mình trên quan niệm về ảnh hưởng, đúng hơn, ám ảnh về sự ảnh hưởng, hay nói theo chữ của ông, sự lo lắng về ảnh hưởng (anxiety of influence). Ông cho người cầm bút nào, tự thâm tâm, cũng mang mặc cảm Oedipus, nói theo ngôn ngữ của Freud, vừa thán phục lại vừa ghen tị với cha, những bậc thầy của mình trong quá khứ. Mỗi người cầm bút đều cố gắng viết lại (re-write) những gì tiền nhân đã viết. Viết lại, thật ra, là đọc nhầm (misreading) và diễn dịch nhầm (misinterpretation). Qua việc đọc nhầm và diễn dịch nhầm, người ta dọn quang những không gian tưởng tượng cho mình. Trong ý nghĩa đó, các bài thơ không viết về chính chúng hay một đề tài gì khác. Các bài thơ được viết về các bài thơ khác: “Một bài thơ là một phản hồi về một bài thơ, cũng như một thi sĩ là một phản hồi về một thi sĩ, một con người là một phản hồi về cha mẹ của hắn.” (A Map of Misreading, tr. 18). Hệ quả là không có một bài thơ nào có thể được hiểu một mình, như một cái gì độc lập và biệt lập; hay nói theo Bloom, “ý nghĩa của một bài thơ chỉ có thể là một bài thơ khác” (The meaning of a poem can only be another poem); và lịch sử đích thực của thơ là “câu chuyện các nhà thơ, với tư cách là nhà thơ, chịu đựng các nhà thơ khác”, cũng giống một bản tiểu sử đích thực là câu chuyện về những chịu đựng từ gia đình của một người nào đó” (The Anxiety of Influence, tr. 94).

Nói cách khác, lịch sử văn học, theo Harold Bloom, là lịch sử của những lo lắng về ảnh hưởng, là nỗ lực liên lỉ của từng thế hệ và từng người trong việc thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của những người đi trước.

Ở Tây phương, ít nhất trong thế giới nói tiếng Anh, cả mấy thế kỷ nay, mọi người cầm bút đều tìm cách thoát khỏi cái bóng của Shakespeare.

Ở Việt Nam, cũng vậy.

Không có những cái bóng khổng lồ, bao trùm cả lãnh thổ văn học như Shakespeare, nhưng cũng có những cái bóng trong từng khu vực. Làm thơ lục bát, chẳng hạn, không ai không cố gắng vùng vẫy ra ngoài cái bóng của Nguyễn Du, sau đó, của Nguyễn Bính và Huy Cận. Làm thơ tự do, người ta lại phải cố né tránh cái bóng của Thanh Tâm Tuyền. Viết truyện, né Nhất Linh hay Thạch Lam thì người ta lại đụng cái bóng của Vũ Trọng Phụng hay của Nam Cao.

Có thể nói, một cách tóm tắt, con đường viết văn và làm thơ nào cũng bao gồm việc học, ở đó, mình tự để các ảnh hưởng của những người đi trước tràn ngập lên mình, tạo thành thứ tư bản văn hoá cho mình, và việc lách các ảnh hưởng ấy để tạo thành một cái gì riêng biệt mang dấu ấn của chính mình.

Người ta, một mặt, dù muốn hay không, cũng học từ quá khứ. Không đọc kỹ và không học kỹ di sản văn học của tiền bối, người ta sẽ không có nền tảng văn học và văn hoá để sáng tác. Nhưng đó chỉ là một giai đoạn, giai đoạn đầu tiên và tự phát. Để sáng tạo, người ta cần vươn tới một giai đoạn khác: chống lại các bậc tiền bối của mình.

Chống, phần nhiều, là lách.

Ý tưởng này đã có người viết rồi ư? Thì mình lách đi. Cách viết này đã có người sử dụng rồi ư? Thì mình lách đi. Giọng điệu này đã thấp thoáng ở ai đó rồi ư? Thì mình lại lách đi.

Quá trình làm thơ, viết văn, từ văn sáng tác đến văn phê bình lý luận, là một quá trình lạng lách liên tục. Đừng tin nếu có ai nói họ chỉ phóng bút ào ào và không thấy gợn trong đầu bất cứ nỗi lo lắng nào về ảnh hưởng cả. Hãy nhìn xuống dưới chân họ đi: chỉ có lối mòn. Toàn là lối mòn. Những cú lách ngoạn mục nhất là những cú lách ra khỏi lối mòn. Ra khỏi vùng ảnh hưởng của cả những người đi trước lẫn những người cùng thời.

Nhưng liệu người ta có thể lách được mọi ảnh hưởng không?

Không đâu.

Đừng có nhiều ảo tưởng. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi bề dày văn học đã kéo dài đến cả mấy ngàn năm và bề rộng của văn học không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà mang kích thước toàn cầu, những cái gọi là ảnh hưởng lại càng trở nên trùng trùng điệp điệp. Mới thoát khỏi ảnh hưởng của Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng lại đụng phải Tolstoy; thoát khỏi ông Tolstoy, lại đụng phải ông Dostoyevsky; thoát khỏi ông Dostoyevsky, lại đụng phải ông Kafka; thoát khỏi ông Kafka, lại đụng phải ông Marquez; thoát khỏi ông Marquez, lại đụng phải ông Borges. Viết phê bình cũng thế. Mới thoát khỏi ảnh hưởng của ông Hoài Thanh đã mừng húm, tưởng mình sẽ được tự do phơi phới một đời, ai ngờ lại đụng phải ông Roland Barthes; mới né ông Roland Barthes thì lại đụng ngay chân của ông Michel Foucault; đang lúc tưởng tượng thoát khỏi cả ông Barthes lẫn ông Foucault thì lại đụng cái móng của ông Jacques Derrida và ông Jacques Lacan. Ở đâu cũng đầy đại thụ phủ bóng rợp cả một góc trời.

Không có nhiều ảo tưởng, nhưng cũng không thể bỏ cuộc. Bỏ cuộc là tự sát. Còn viết là còn phải lách. Lách được chút nào là mừng chút ấy.

Sự nghiệp văn học của một đời người, nghĩ cho cùng, được hình thành từ những cú lách như thế.

2. Tìm sở trường

Mới cầm bút, nhiều người dễ có ảo tưởng là mình có thể múa may trong mọi thể loại. Làm thơ hay. Viết truyện ngắn hay. Viết truyện dài hay. Viết bút ký hay. Viết phê bình, lý luận cũng hay nữa. Trên thực tế, hiếm người đa năng được như vậy lắm. Có. Nhưng hiếm. Cực hiếm. Còn lại, tuyệt đại đa số chỉ phát huy sở trường trong một sân chơi nhất định. Có người làm thơ hay nhưng viết văn xuôi lại kém. Làm thơ hay, nhưng chưa chắc làm theo thể loại nào cũng hay. Nhiều người chỉ thích hợp với một thể thơ nhất định: Họ tung hoành thoải mái trong một thể thơ cách luật nào đó nhưng lại lúng túng khi thử bút trong thơ tự do hay thơ văn xuôi. Hay ngược lại.

Sân chơi văn xuôi lại càng rộng rãi, thường vượt quá sức của một người. Không hiếm người sáng tác hay, tuyệt hay, nhưng lại vụng về khi viết loại văn phi hư cấu. Trong loại văn xuôi sáng tạo, người này thì viết truyện ngắn hay, người nọ lại viết truyện dài giỏi. Người viết truyện dài giỏi không phải viết cái gì cũng xuất sắc. Mỗi người dường như được an bài ở một loại đề tài và một phong cách nhất định. Đi lạc đề tài và phong cách, người ta dễ đâm ra lạng quạng.

Trong các thể văn phi hư cấu cũng vậy. Có người viết lý thuyết hay nhưng phê bình lại yếu. Có người viết phê bình một tác phẩm thì tài hoa nhưng viết phê bình về một tác giả hay một trào lưu, một thời đại văn học thì lại hay hớ hênh, không hụt chỗ này thì lại hẫng chỗ khác.

Mà thật ra, không phải chỉ trong văn chương. Hình như ở đâu cũng vậy. Như trong thể thao, chẳng hạn. Mức chuyên nghiệp hóa càng cao, mảnh đất để người ta có thể trổ tài càng hẹp. Cũng chạy nhanh, nhưng hầu như mọi người chỉ chạy nhanh nhất trong một cuộc chơi nhất định nào đó. Người thì chạy xa, người thì chạy gần. Chạy cự ly gần, có người chỉ vô địch ở hạng 100 mét nhưng lại thất bại ở hạng 200 mét hay 400 mét. Hay ngược lại. Trong các lãnh vực khác cũng vậy. Cũng chơi với quả bóng, nhưng mỗi người dường như chỉ hợp với một loại bóng: với người này, bóng rổ; với người kia, bóng chuyền; với người nọ, bóng đá. Trong bóng đá, ngay cả các cầu thủ thượng thặng cũng chỉ phát huy hết tài năng của mình ở một vị trí nhất định nào đó. Ra khỏi vị trí ấy, họ bị mờ nhạt ngay tức khắc.

Trong thể thao, các huấn luyện viên đóng vai trò quyết định trong việc phát hiện sở trường của từng người và sắp xếp họ vào vị trí tối ưu trong đội hình, nếu đó là trò chơi tập thể. Trong sân chơi văn học, không có những huấn luyện viên như thế. Việc phát hiện ấy là nhiệm vụ của chính người cầm bút. Chứ không có ai giúp được ai cả.

Nhưng phát hiện ra sở trường của mình không phải là điều dễ.

Có nhiều cái khó. Thứ nhất, những cái gọi là mặt mạnh hay mặt yếu khi cầm bút chỉ hiện hình rõ nét qua tác phẩm, nghĩa là sau khi các thử nghiệm đã hoàn tất. Thứ hai, trong việc đánh giá tác phẩm của mình, người ta rất dễ chủ quan, và thường không tránh khỏi ảo tưởng. Chuyện đó, ngày xưa, cha ông chúng ta đã biết rõ: “Thế gian có thói đa tình/Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”. Nhưng khó nhất là, nỗ lực phát hiện sở trường trong văn chương, ở một phương diện nào đó, cũng là nỗ lực phát hiện chính con người của mình. Trong cái gọi là con người ấy, có những yếu tố chính như sở thích, tính cách và nhất là, năng lực.

Trong văn học, người ta hay khen người này, người nọ thông minh. Nhưng cái gọi là thông minh ấy cũng có năm bảy loại. Có người giỏi về nhớ, có người giỏi về lý luận. Nhớ, có người chỉ nhớ giỏi các sự kiện; có người lại nhớ giỏi các ý niệm. Nhớ các ý niệm, có người có khuynh hướng nhớ các chi tiết, các ý lẻ; có người có khuynh hướng nhớ cả hệ thống với các mạch lý luận đan xen chằng chịt với nhau. Trong cái gọi là khả năng lý luận cũng vậy. Có người thiên về phân tích, có người thiên về tổng hợp, lại có người thiên về khái quát hóa.

Mỗi năng lực phù hợp với một kiểu viết nhất định. Nhớ giỏi nhưng thiếu khả năng tổng hợp, người ta chỉ viết được các giai thoại hay từng ý nghĩ rời. Nhớ giỏi và tổng hợp giỏi, người ta dễ phát huy các mặt mạnh khi đi vào lãnh vực nghiên cứu. Nhớ giỏi và và khái quát hoá giỏi, người ta dễ thành công khi đi vào các lãnh vực ít nhiều mang hơi hướm lý thuyết.

Trong văn học Việt Nam cũng như thế giới, không hiếm người có trí nhớ trở thành giai thoại. Họ đọc và nhớ đủ thứ chuyện. Họ kể chuyện hay vô cùng. Có cảm tưởng cái gì họ cũng biết. Nhưng họ chỉ giỏi xuất bản miệng. Khi viết, họ chỉ biết đánh du kích. Có cả hàng chục ngàn quân mà cũng vẫn chỉ chơi trò bắn tỉa. Chứ không bao giờ bày ra được một thế trận địa chiến cho đàng hoàng, đừng nói gì là lẫm liệt. Đọc họ, không thể không thấy tiếc: hoặc họ thiếu một cái gì đó hoặc họ chưa tìm ra một cái gì đó vốn có ở họ.

Nhưng trong văn chương, nhớ và lý luận chưa đủ. Cần có một thứ năng lực khác nữa: có trực giác mạnh, nghĩa là, thực sự nhạy bén.

Nhạy bén có nhiều mức độ. Và cũng có nhiều loại. Có người nhạy bén về tâm lý. Có người nhạy bén về các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng cần nhất, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, là sự nhạy bén về thẩm mỹ: Biết phân biệt được cái đẹp và cái đèm đẹp; cái đẹp vừa mới chớm và cái đẹp đã bắt đầu già cỗi; cái đẹp của hoa và cái đẹp còn trong nụ.

Phát hiện những vẻ đẹp còn trong nụ bao giờ cũng ít nhiều có tính phiêu lưu. Ở đây người ta cần không phải chỉ sự nhạy bén mà còn cả sự dũng cảm nữa. Để dám thách thức lại tập quán và đám đông. Xin lưu ý: Cả tập quán lẫn đám đông đều là những thứ quyền lực: Chúng thường được/bị chính trị hóa, do đó, chúng trở thành những thứ quyền lực chính trị, nghĩa là có khả năng vùi dập con người.

Việc tìm kiếm sở trường trong viết lách, do đó, ngoài việc tự phân tích và tự đánh giá năng lực của chính mình, còn có nghĩa là việc xác định bản lĩnh khi cầm bút: Rất nhiều người đầu hàng trước khi khởi sự tìm kiếm hay thử nghiệm.

3. Cần nhất là biết gây ấn tượng

Khác với các loại hình nghệ thuật khác, hầu như người biết chữ nào cũng có thể viết văn được, hoặc ít nhất, cũng tưởng mình viết văn được. Nhưng chỉ có một số ít thực sự được xem là nhà văn. Trong số những người được xem là nhà văn, chỉ có một số ít, cực ít, những người thực sự nổi lên như một giọng điệu riêng, với một bản sắc riêng, trụ lại được với thời gian và lưu lại được một dấu ấn nào đó trong ký ức văn hoá của nhân loại hoặc một dân tộc.

Bí quyết nào làm cho những người ấy đạt được những thành tựu như thế?

Chắc chắn không phải là chữ. Chữ là tài sản chung của mọi người. Cũng không phải là chuyện. Chuyện, hoặc nảy sinh từ tưởng tượng hoặc được đúc kết từ kinh nghiệm, chỉ là những chất liệu ban đầu và có thể được sử dụng trong nhiều loại hình tự sự khác nhau, từ báo chí đến phim ảnh, không nhất thiết phải là văn chương. Cũng không phải là kiến thức. Kiến thức là những gì đã có sẵn, được tích luỹ từ nhiều ngàn năm, chỉ cần chút thông minh và cần cù, ai cũng có thể có được. Với kiến thức, ở mức độ kết tinh cũng như ở độ sâu và rộng nhất, chỉ tạo nên những học giả. Chứ không phải là nhà văn. Cũng không phải là tư tưởng. Tư tưởng, ngay cả khi được hệ thống hoá và có tầm khái quát cực cao, chỉ tạo nên những lý thuyết gia hoặc triết gia. Chứ không phải là nhà văn.

Văn chương không phải là những gì được viết ra. Văn chương là những gì còn lại. Chỉ có bài viết hay những câu văn nổi bật lên giữa vô số những bài viết hay những câu văn khác, có khả năng đánh động được vào tâm thức của người đọc và trở thành một ám ảnh thẩm mỹ trong một thời gian dài mới thực sự là văn chương.

Bởi vậy, tôi tin, nghệ thuật viết văn thực chất, hay, nếu không, trước hết, là nghệ thuật gây ấn tượng.

Trong loại văn phi hư cấu, người ta có thể gây ấn tượng bằng nhiều cách. Có ít nhất là ba cách chính: dùng từ, đặt câu và lập ý.

Văn chương chủ yếu là nghệ thuật ngôn ngữ. Cấp độ căn bản nhất của ngôn ngữ là từ vựng. Nhà văn nào cũng cần có vốn từ vựng dồi dào và cần có khả năng chọn được những từ ngữ thích hợp, chính xác và độc đáo nhất để diễn tả những gì mình muốn nói. Chuyện đó hầu như ai cũng biết. Dù không phải ai cũng có thể làm được.

Nếu chữ là yếu tố căn bản của ngôn ngữ thì câu mới là yếu tố căn bản của văn chương. Chữ, trong văn chương, bao giờ cũng nằm trong một ngữ cảnh nhất định. Bởi vậy, không có chữ hay hay chữ dở, chữ thanh hay chữ tục, chữ cũ hay chữ mới: Chỉ có những chữ dùng đắc thế hay không mà thôi. Được dùng đắc thế, chữ sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm vậy, trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ ngoậy hay biết nhảy múa, và nhờ sự hô ứng của những chữ trước và sau đó, có thể toả những hào quang hay những mùi hương kỳ lạ khiến người đọc nếu không ngạc nhiên một cách thích thú thì ít nhất cũng chú ý, từ đó, ghi nhớ.

Tài năng chính của một nhà văn, có thể nói, được thử thách, trước hết, ở khả năng kiến tạo câu văn. Trong cuốn The Writing Life, Annie Dillard cho một người chỉ có thể có hy vọng trở thành nhà văn nếu, trước hết, biết yêu câu. Như người họa sĩ biết yêu mùi sơn. Stanley Fish cũng đồng ý như thế khi tự nhận mình là người say mê thưởng thức những câu văn đẹp, khi đánh giá rất cao tầm quan trọng đặc biệt của câu trong văn chương: Đó là lý do khiến ông viết hẳn một cuốn sách về câu: Làm thế nào để viết và đọc câu.[2] Tôi cũng hoàn toàn đồng ý như thế. Theo tôi, tầm vóc của một nhà văn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên nằm ở khả năng tạo câu. Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả. Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng, như dáng và thế trong cây cảnh; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.

Nhưng một bài văn hay không phải chỉ hay ở câu. Hay, phải hay toàn bài. Bài hay có thể cứu được những câu dở, nhưng câu hay lại không cứu nổi bài dở. Bởi vậy cách tạo câu, tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng cách lập ý, tức cấu trúc chung của cả bài.

Lập ý giống như bày trận. Mỗi câu, mỗi ý và mỗi chi tiết được phải được sắp xếp làm sao để chúng có thể hỗ trợ cho nhau, hô ứng với nhau, tăng cường sức mạnh cho nhau, cuối cùng, đạt được mục tiêu tối hậu: để lại một ấn tượng thật sâu trong lòng người đọc.

Trận đánh kết thúc ở câu/đoạn/ý cuối cùng. Theo tôi, người không biết kết thúc một bài văn cũng giống như một người chơi cờ mà không biết cách chiếu tướng.

4. Cần có hình tượng mạnh

Lúc mới bắt đầu viết văn, tôi thích sử dụng thật nhiều hình tượng nhẹ nhàng và đầy thơ mộng. Ví dụ một đoạn trong cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (Quê Mẹ xuất bản tại Paris năm 1988):

Lê Hữu Trác viết: ‘Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay’. Có điều, trong thơ, ý không thể là trần trụi ý, là nguyên chất ý. Ý phải nhập thân vào cảm xúc. Nhà thơ có một ý tưởng. Chưa đủ. Hắn phải đợi ý tưởng ấy làm bồng lên trong lòng những luồng sóng vỗ. Cái nếp nhăn trên trán phải biến thành nếp nhăn trong tâm hồn. Cảm xúc phải dào lên song song với ý. Ý và cảm xúc. Vẫn chưa đủ. Ý và cảm xúc như là gió. Gió vốn vô thanh. Gió phải tìm đến lá cây để động tiếng rì rào. Ý và cảm xúc như là biển. Biển vốn vô ngôn. Biển phải tìm đến đá dựng để cất tiếng thì thầm. Để thành thơ, cần thêm điều kiện nữa: hình tượng. Ý, qua hình tượng, thành rõ ràng hơn. Cảm xúc, qua hình tượng, thành sâu sắc hơn. Ngược lại, nhờ ý và cảm xúc, hình tượng mới bay bổng vào cõi thơ, tạo nên khoảng cách xa lăng lắc giữa thơ và vè.[3]

Đây là một đoạn khác, cũng trích từ cuốn sách đầu tay ấy:

Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc. Làm thơ là một cách thổi một luồng gió. Gió đo mình ở ngoài gió: ở mức độ lá reo. Làm thơ là một cách tỏ tình. Nói lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, bổng hay trầm, nào có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ người mình yêu có chớp mắt xúc động hay không. Nhà thơ lớn nào cũng đều là những tâm hồn lớn có khả năng thu nhận và rung cảm trước những làn sóng vỗ từ xa, rất xa, ngoài bản thân họ. Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương. Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lại mang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi.[4]

Từ đầu đến cuối, cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơViệt Nam được viết bằng một giọng văn đầy hình tượng như thế. Rất nhiều người khen, cho là giống thơ. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, dưới bút hiệu Hoàng Hà Tĩnh, trên báo Diễn Đàn Tự Do tại Washington D. C. số 100 ra ngày 1.4.1989, trầm trồ: “Chưa bao giờ tôi được đọc một cuốn sách viết về thi ca hay đến như vậy.” Báo Saigon Timesở California của nhà thơ Thái Tú Hạp, số xuân Kỷ Tỵ (1989, tr. 29), khen: “Tuyệt hảo”. Tạp chí Ý Thức của nhà thơ Viên Linh, số 1 ra vào tháng 3, 1989, cũng dùng lại chữ ấy: “Tuyệt hảo” (tr. 59). Tôi sung sướng, nhủ thầm: cứ vậy mà viết đến… già!

Nhưng chỉ mấy năm sau, sang Úc, tôi bắt đầu đọc nhiều sách phê bình và lý thuyết văn học của các tác giả người Anh và Mỹ. Điều tôi ngạc nhiên nhất là giọng văn của họ. Hoàn toàn không có chút gì là đẩy đưa, bay bướm hay thơ mộng cả. Tất cả đều viết chính xác, gọn gàng và rất chặt chẽ. Chặt chẽ trong các chương. Chặt chẽ trong từng đoạn. Và chặt chẽ cả trong từng câu.

Tôi phân vân: Đó là do dân tộc tính chăng?

Nếu vậy, cũng chẳng có vấn đề gì: Người Anglo Saxon thích vậy; người Việt Nam mình thì khác. Khác, nên mình có thể tha hồ uốn éo.

Nhưng, không phải. Sau đó, đọc ngược lại các nhà lãng mạn chủ nghĩa ở Anh hồi đầu thế kỷ 19, như William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge, John Keats hay Percy Bysshe Shelley, tôi thấy họ cũng viết lách thật điệu đàng, với thật nhiều hình ảnh. Đọc lên, cũng nghe như thơ.

Với phát hiện ấy, tôi nhận ra một điều: Sự khác biệt trong cách viết của tôi và cách viết trong các cuốn sách lý thuyết và phê bình tôi đang đọc không phải là khác biệt giữa hai dân tộc hay hai nền văn hoá. Mà là sự khác biệt giữa hai thời đại. Trong sự khác biệt ấy, tôi gần với phong cách viết văn trong quá khứ hơn là trong hiện tại. Gần với quá khứ có nghĩa là gần với sự đào thải. Tôi tưởng tượng: sau này, nhịp sống càng ngày càng hối hả; đọc, người ta sẽ đọc thật nhanh, một lối viết văn nhẩn nha bay lượn như vậy hẳn sẽ rất dễ làm mệt mỏi và nản chí. Không thay đổi sớm, mình chỉ thiệt.

Chính vì thế, tôi quyết định thay đổi. Giảm bớt tính chất bay bướm để tăng cường tính chất chặt chẽ. Giảm bớt cái gọi là chất thơ để tăng cường chất khoa học. Giảm bớt hình tượng để tăng cường mật độ các khái niệm. Giảm bớt độ uốn éo và mềm mại để câu văn được cứng cáp. Càng ngày tôi càng tránh xa những chữ thừa và lỏng, chỉ cốt đẩy đưa. Và cố viết những câu văn thật giản dị mà cũng thật cô đọng. Tôi hình dung mỗi câu văn như một cú đấm. Cú đấm nào cũng là đấm thật. Nhanh, gọn, dứt khoát. Và mạnh. Nếu câu văn tạo ra tiếng kêu thì đó phải là những tiếng kêu chan chát chứ không phải là tiếng ầu ơ ví dầu quen thuộc và xưa cũ.

Tuy vậy, tôi vẫn không bỏ hẳn được đam mê đối với hình tượng. Theo tôi, ngay trong văn xuôi nghị luận, hình tượng, nếu đắc dụng, vẫn vô cùng cần thiết. Chúng không phải chỉ làm cho bài văn đẹp hơn mà còn mở rộng tầm liên tưởng của người đọc, qua đó, làm cho bài viết trở thành đa nghĩa và đa tầng hơn. Vấn đề chỉ là ở mức độ. Mỗi bài chỉ cần vài ba hình tượng chính. Ít. Nhưng cần sắc. Và thật ấn tượng.

Một số lần hình như tôi đạt được điều đó. Tôi hài lòng nhất là hình ảnh cuộc hành lạc đau đớn của những người bị bất lực ở cuối bài viết “Sống và viết như những người lưu vong”, thoạt đầu đăng trên tạp chí Việt số 2 (1998), sau, in lại trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại do Văn Nghệ xuất bản năm 2000:

Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề nghiệp. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận. Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.[5]

Nhớ, khi bài viết ấy xuất hiện, nhiều người đã bàn tán khá sôi nổi, đây đó, trên nhiều diễn đàn khác nhau. Nhà văn Võ Đình, trong bài “Khiêm tốn hay buồn thảm”[6], khi nhắc đến hình ảnh ấy, chỉ buông một tiếng: “Khiếp”.

Tôi rất thích cái tiếng “Khiếp” ấy.

5. Hơi văn

Khi viết, một trong những điều tôi quan tâm nhất là hơi văn. Theo tôi, một bài văn hay, ngoài các yếu tố khác, cần phải có một yếu tố này nữa, cực kỳ quan trọng: “nhất khí quán hạ”. Nghĩa là từ đầu đến cuối phải liền mạch. Xin nói ngay, khái niệm “nhất khí quán hạ” đã có từ lâu. Tuy nhiên, phần lớn nó chỉ được dùng trong thơ: Nó là cơ sở để người xưa xây dựng bố cục gồm bốn phần Khai, Thừa, Chuyển và Hiệp trong thơ Đường luật truyền thống. Ở đây, tôi chỉ nói về văn xuôi, chủ yếu là văn xuôi nghị luận.

Tôi biết có nhiều người viết theo kiểu lắp ghép. Hôm này, rảnh, họ viết vài ba đoạn. Hôm khác, nhân đọc một cuốn sách nào đó, nổi hứng, họ viết thêm vài ba đoạn khác. Những đoạn ấy nhiều khi không có quan hệ gì mật thiết với nhau cả. Cuối cùng, họ ráp tất cả lại thành một bài. Thỉnh thoảng có những bài hay. Thật hay.

Biết hay, nhưng tôi thì tôi chịu. Không cách gì tôi viết như vậy được. Viết, tôi thường viết một lèo từ đầu đến cuối. Bài ngắn thì viết trong vài ba giờ. Bài dài hơn, vài ba ngày. Dài hơn nữa, có thể vài ba tuần, thậm chí, vài ba tháng. Nhưng bao giờ cũng liên tục. Bị ngắt quãng lâu, mất trớn, tôi thường bỏ luôn. Muốn viết tiếp, cũng không viết tiếp được. Có lúc, viết xong, chợt loé lên một ý hay hay hoặc đọc sách, tìm ra thêm một tư liệu thật thú vị liên quan đến đề tài của bài viết, muốn thêm vào; nhưng sau khi thêm vào, thấy ý văn như bị lệch, nhịp văn như bị gãy, hơi văn như bị đứt, tôi luôn luôn lựa chọn: Thà mất đi một ý hay một tư liệu nhưng giữ được sự “nhất khí”.

Tôi thích bài văn giống như một đường kiếm: Từ lúc rút ra khỏi vỏ đến lúc vung lên, hạ sát đối thủ, rổi đút lại vào vỏ, nó chỉ đi một đường. Loáng một cái là xong.

Muốn giữ được sự nhất khí, cần nhất là sự mạch lạc trong lập luận và sự thống nhất trong giọng điệu.

Về sự mạch lạc, giữa các câu trong đoạn và giữa các đoạn trong bài cần phải có quan hệ thật chặt chẽ với nhau. Mỗi câu hay mỗi đoạn phải vừa là sự tiếp tục vừa là sự khai triển của câu hay đoạn trước đó. Không có sự khai triển, hơi văn sẽ bị quẩn. Không có sự tiếp tục, hơi văn sẽ bị đứt. Một bài văn nhất khí là một bài văn, thứ nhất, không có câu hay đoạn nào thừa hay lệch; và thứ hai, tất cả đều được nối kết lại với nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Bảo đảm sự chặt chẽ trong quan hệ giữa các câu và các đoạn, thật ra, không khó. Chỉ cần tính duy lý và sự thận trọng. Nói chung, có một nguyên tắc: Tư duy mạch lạc thì viết văn cũng mạch lạc; cái gì sáng trong trí thì cũng rõ trong câu chữ. Ở phương diện này, luyện viết văn thực chất là luyện khả năng lý luận.

Lập luận mạch lạc, giọng điệu trong bài cũng cần phải thống nhất. Đó phải là tiếng nói của một người trong một tình huống nhất định với một thái độ nhất định. Giọng, có khi ẩn, có khi hiện. Người thì thích nó ẩn để bài viết có vẻ trung tính, đáp ứng một trong những yêu cầu quen thuộc của loại văn nghị luận: khách quan. Người thì thích nó hiện để bài viết trở thành hoặc hùng hồn hoặc tha thiết, từ đó, tác động trực tiếp đến cảm xúc của người đọc. Riêng tôi, tôi không thích che giấu cái giọng của mình. Bởi vậy, tôi thích dùng những câu tu từ vốn, bình thường, tương đối ít được các cây bút chuyên về nghị luận sử dụng. Khác với các câu ngữ pháp vốn lúc nào cũng tròn trịa hay ngay ngắn với những chủ ngữ và vị ngữ, câu tu từ thường là câu đặc biệt hoặc được đảo ngữ hoặc cắt ngắn, chỉ có vị ngữ hoặc một phần của vị ngữ. Ví dụ, trong bài “Từ nhà phê bình đến một blogger” đăng trên blog của tôi trên VOA[7] vào ngày 17 tháng 7, 2009, tôi dùng nhiều câu đặc biệt (không có chủ từ, như “Ở Việt Nam, dạy học”, “Như cái số, đành chấp nhận”, “Ừ thì làm” hoặc nhiều ngữ khí từ, như “A!” hay trợ từ, như “vui chứ?”):

Chỉ có điều, sau khi nhận ra mình nói dở, tôi chỉ thích chọn những nghề… ít nói nhất. Vậy mà tôi lại sa vào nghề dạy học. Cả đời tôi dạy học. Ở Việt Nam, dạy học. Ra đến nước ngoài, cũng dạy học. Như cái số, đành chấp nhận. Nhưng nếu có cái nghề thứ hai nào cần làm và có thể làm, tôi dứt khoát chọn cái nghề ít nói; thậm chí, không nói: càng tốt.

May, nó tới: lần này Ban Việt ngữ đài VOA không mời tôi làm phát thanh viên mà lại làm một… blogger!

A! Cái chuyện này mới thú vị đấy. Chữ blog mới đến độ chưa có trong tiếng Việt.

[…]

Được tham gia vào diễn đàn có tính tiên phong như thế, vui chứ?

Ở diễn đàn ấy, mình chỉ cần viết chứ không cần nói: càng vui nữa.

Thế thì tôi đâu có lý do gì để từ chối. Ừ thì làm. Từ nhà phê bình đến blogger, không chừng đó cũng sẽ là cuộc hành trình chung của nhiều người, sau này: một cuộc xuống đường của trí thức.[8]

Tự sự, viết thế; phê bình, tôi cũng viết thế. Ví dụ, phân tích chữ “nhuộm” trong câu “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” trong bài “Tương tư” của Nguyễn Bính, tôi viết, cũng bao gồm nhiều câu tu từ:

Thử bỏ đi động từ ‘nhuộm’ hoặc thế động từ ‘nhuộm’ bằng một từ nào khác, ví dụ như chữ ‘giờ’, ‘lá xanh giờ đã thành cây lá vàng’, thì câu thơ sẽ ra sao? Nó sẽ nhẹ hẳn đi. Tức khắc. Không có chữ ‘nhuộm’, câu thơ chỉ có một nghĩa: hiện tượng chuyển mùa; trước là mùa xuân (hay mùa hạ?), nay là mùa thu. Thêm chữ ‘nhuộm’, một động từ, ngoài ý nghĩa trên, câu thơ còn có ý nghĩa khác: đó là quá trình chuyển mùa. Giữa hai thời điểm xuân và thu, xuất hiện đôi mắt người con trai không ngừng khắc khoải trông ngóng. Anh đếm từng ngày, từng ngày. Ròng rã. Anh quan sát mùa thu về, từ từ, từ từ. Một chiếc lá vàng. Hai chiếc lá vàng. Ba chiếc lá vàng. Rồi cả cây, điệp điệp lá, vàng hực lên. Cho nên, sau chữ “nhuộm” là tấm lòng của người con trai tương tư đang mòn mỏi. Bài thơ, như vậy, cứ xoáy sâu vào khoảng cách. Từ khoảng cách vời vợi của không gian đến khoảng cách đằng đẵng của thời gian. [9]

Viết văn có tính luận chiến, tôi càng hay sử dụng các câu tu từ. Ví dụ một đoạn trong bài “Chủ nghĩa mình-thì-khác”:

Biểu hiện của chủ nghĩa mình-thì-khác rất dễ nhận thấy. Nó bàng bạc ở khắp nơi. Từ trong nước ra đến tận hải ngoại. Từ giới bình dân đến cả giới trí thức. Từ những giao tiếp hàng ngày đến những sinh hoạt chuyên môn. Ở đâu giọng điệu của nó cũng khá giống nhau. Về phương diện chính trị, nước người ta dân chủ và tôn trọng nhân quyền ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Về phương diện xã hội, mọi thứ ở người ta đều được tổ chức một cách duy lý và hợp lý ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Về phương diện nghệ thuật, người ta hết lao vào thử nghiệm này đến thử nghiệm khác khiến thế giới sáng tạo lúc nào cũng trăm hoa đua nở ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Về phương diện văn học, từ lâu người ta đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa với những quan niệm mới mẻ và vô cùng lý thú ư? Ừ, thì cũng hay, nhưng… mình-thì-khác. Thậm chí, cả đến thơ tự do vốn đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam nó vẫn còn bị rất nhiều người, kể cả giới cầm bút, xem không phải là thơ. Lý do? Tại… mình-thì-khác. Cả đến những yêu cầu tối thiểu đối với văn chương nghị luận, từ tính chính xác trong tư liệu đến tính nhất quán trong lập luận và tính nghiêm túc trong cách thức diễn đạt, chúng ta cũng bất chấp. Lý do: mình-thì-khác.[10]

Trong cái gọi là các câu tu từ, tôi hay sử dụng nhất là cấu trúc câu bắt đầu bằng một liên từ. Thường, cho đến nay, liên từ (hay còn gọi là kết từ, quan hệ từ hoặc từ nối) thường được dùng để nối liền các từ hoặc ngữ hoặc mệnh đề trong nội bộ một câu. Chỉ trong một câu mà thôi. Những liên từ quen thuộc gồm có: của (Trời xanh đây là của chúng ta), bởi/vì/do/tại/ (Bởi ông hay quá, ông không đỗ/Không đỗ ông càng tốt bộ ngông), để (Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi), mà (Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát), với (Với áo mơ phai dệt lá vàng), thì (Thì con người ấy ai cầu mà chi), v.v… Rất hiếm khi liên từ được dùng ngoài phạm vi một câu. Có. Nhưng hiếm. Thật hiếm. Riêng tôi, tôi sử dụng thật hào phóng. Những câu như “Mà thật.”, “Thì cũng đúng.”, “Chứ không phải sao?”, v.v… xuất hiện khá nhiều. Thường thì chúng đứng để đầu một đoạn văn. Để cho hơi văn từ đoạn trên có thể chảy tràn xuống đoạn dưới.

Ví dụ hai đoạn trong bài “Báo Tết và văn hoá Tết” in trong cuốn Văn hoá văn chương Việt Nam:

Nhưng đặc điểm nổi bật nhất ở các tờ báo Tết chính là nền văn hoá nhìn lại. Báo Tết, thực sự là báo Tết, trong cảm quan của cả người viết lẫn người đọc, bao giờ cũng là một sự nhìn lại, hoặc chủ yếu là một sự nhìn lại. Nhìn lại một năm. Nhìn lại một giáp. Nhìn lại một thế kỷ. Nhìn lại những thành công và những thất bại của một đất nước hoặc một lãnh vực nào đó. Nhìn lại những nếp cũ, những tục cũ. Nhìn lại những vang bóng một thời. Nhìn lại. Số báo Tết nào cũng thường nặng trĩu quá khứ và cũng man mác tâm sự u hoài.

Thì cũng hay thôi. Mỗi số Tết là một dịp ôn bài. Ôn tập thể. Và thú vị. Như nhắp một hớp trà hay nhâm nhi một miếng mứt. Có lẽ phần lớn những kiến thức của chúng ta về phong tục tập quán của dân tộc cũng như những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước nếu không đến từ, thì cũng được củng cố bởi, các dịp ôn bài như thế. [11]

Hoặc một đoạn trong bài “Tiến tới một nền cộng hoà văn chương”:

Có thể nói số phận văn học Việt Nam gắn chặt với một chữ: chữ “làng”. Làng văn và làng thơ. Chữ “làng” ấy, nghe thì rất thân thương, nhưng chính vì vẻ thân thương như thế, người ta dễ quên nó là một khái niệm cũ. Không những cũ, nó còn lỗi thời. Không những lỗi thời, nó còn có hại: nó khiến chúng ta lẫn lộn giữa kỷ niệm và hiện thực, từ đó, buộc chặt tâm hồn của chúng ta vào những hình ảnh đã hoá thạch trong quá khứ, làm chúng ta mất hẳn khả năng thích nghi và thay đổi. Hậu quả là, bước sang thế kỷ 21, sinh hoạt văn học Việt Nam, từ trong lẫn ngoài nước, vẫn thấp thoáng hình ảnh của những sinh hoạt làng xã ngày xưa.

Thì cũng thói quen dị ứng với mọi cái mới. Thì cũng tâm lý chiếu trên chiếu dưới. Thì cũng những cung cách hào lý, ở những người ít nhiều thành công và thành danh; cung cách trương tuần, ở những kẻ bất tài và nhiều tham vọng; cung cách thằng mõ, ở tuyệt đại đa số những kẻ chỉ có một đam mê duy nhất: lặp lại không mệt mỏi những điều ai cũng biết. Thì cũng một thứ văn hoá: văn hoá làng.[12]

Cấu trúc câu bắt đầu với chữ “thì” như thế được lặp lại lần nữa trong bài “Vài ý nghĩ về phê bình văn học”:

Dù đứng bên này hay bên kia ‘chiến tuyến’, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù theo cộng hay chống cộng, giới cầm bút Việt Nam cũng thường có một số thói quen giống nhau, một số cách suy nghĩ và cảm xúc giống nhau, đều có một số ưu điểm khá giống nhau và đều gặp phải một số những trở ngại và những hạn chế giống nhau. Thì cũng khát vọng làm những chứng nhân của lịch sử. Thì cũng niềm tin là văn chương, muốn cao cả, phải phục vụ một cái gì; muốn trường cửu, phải gần gũi với đại chúng và được đại chúng chấp nhận; muốn cảm động, phải xuất phát từ đáy lòng, nghĩa là phải thiết tha và thành thực; muốn đẹp, phải có thật nhiều… chất thơ; và muốn mới lạ, phải thêm chút ngổ ngáo trong ý tưởng, chút khinh bạc trong giọng điệu và chút gân guốc trong ngôn ngữ. Thì cũng lửng lơ giữa truyền thống và hiện đại: thích làm ra vẻ ‘Tây’ để che giấu một tâm hồn thật ‘chân quê’.[13]

Khi viết những câu có cấu trúc lặp lại như vậy, bao giờ tôi cũng thích để các ý mạnh phía sau; càng về sau càng mạnh; ở câu chấm dứt là một ý mạnh nhất.

Thích thế nên viết thế. Còn hay hay dở lại là chuyện khác.

Tuỳ sự đánh giá của bạn đọc.

Viết và đọc

Viết văn để ai đọc cũng hiểu và cũng thích là một cái thú: Cái thú phục vụ. Viết văn để chỉ có một ít người đọc tương đối ưu tú hiểu và thích là một cái thú khác: Cái thú chinh phục. Viết văn, viết thật rõ ràng, trong sáng và mạch lạc, để ngay cả những người đọc nghiêm túc và được trang bị đầy đủ nhất cũng không hiểu và không thích là một cái thú khác nữa: Cái thú thách thức.

Đằng nào thì cũng là thú. Mỗi người có thể có cái thú khác nhau. Tuỳ tạng, tuỳ trình độ và tuỳ gu. Trong từng người, cái thú cũng có thể thay đổi tuỳ theo tuổi tác.

Cũng như cái thú đọc sách.

Hồi nhỏ, đọc sách, tôi dễ dàng say mê tất cả những gì mới lạ. Những cái mới lạ ấy khiến việc đọc sách giống như việc tham gia những cuộc phiêu lưu bất tận. Nội dung cuốn sách càng lạ, cuộc phiêu lưu lại càng ly kỳ. Và càng hấp dẫn.

Sau, quan tâm nhiều đến kinh nghiệm và ý tưởng, nhắm đến việc củng cố lại vốn kiến thức mình đã gom góp, tôi sung sướng mỗi lần bắt gặp những tâm hồn đồng điệu từ các trang sách. Mỗi lần gặp được cái gì quen thuộc, tôi mừng húm: Nó làm cho tôi tự tin hơn. Và thấy thế giới gần gũi và ấm áp hơn.

Nhưng càng đọc nhiều sách, tôi càng tìm thấy cái thú ở chỗ khác: Những gì mình chưa biết. Cái chưa biết ấy có thể ở phạm vi kiến thức. Nhưng tôi thích nhất những cái chưa biết thuộc phạm trù thẩm mỹ, những tác phẩm thách thức lại kinh nghiệm thẩm mỹ của mình; những cuốn sách vượt ra ngoài cái định nghĩa về văn học mà tôi đã có cũng như đang có.

Cứ mỗi lần cầm cuốn sách nào lên mà đọc vài ba trang vẫn không hiểu gì cả, tôi bỗng mừng, nhủ thầm: Chưa biết nó hay hay dở thế nào, ít nhất nó cũng đáng đọc!

Đáng đọc vì chỉ những tác phẩm như thế mới làm cho mình giàu hơn mà thôi.

 

___________________________________

[1] Ra ngày 5.12.1987. In lại trong cuốn Trang giấy trước đèn, Tô Phương Lan sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 127-139.
[2] Stanley Fish (2011), How to Write a Sentence and How to Read One, New York: HarperCollins.
[3] In lại trong cuốn Thơ Con cóc vànhững vấn đề khác, nxb Văn Mới, California, 2006, tr. 309-310.
[4] Như trên, tr. 311.
[5] Trang 234.
[6]http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=226
[7]http://www.voatiengviet.com/section/nguyen-hung-quoc-blog-page/2682.html
[8]Nguyễn Hưng Quốc (2011), Phản tỉnh và phản biện, California: Văn Mới, tr. 23-5.
[9]Nguyễn Hưng Quốc (2006), Thơ Con cóc vànhững vấn đề khác, California: Văn Mới, tr. 136.
[10]Nguyễn Hưng Quốc (2002), Văn hóa văn chương Việt Nam, California: Văn Mới, tr. 21-2.
[11]Nguyễn Hưng Quốc (2002), sđd., tr. 22.
[12] Nguyễn Hưng Quốc (2000), Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, California: Văn Nghệ, tr. 366-7.
[13] Như trên, tr. 21-2.



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Trên kệ sách, Văn Chương

Thẻ:

1 replies

  1. Rất muốn đọc sách này, nhưng trên Amazon ko còn mua đc. Có cách nào mua sách giấy ở Melbourne ko?

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.