Lâm Nhược Trần – Người Việt Nam Tồi Tệ: Tánh thích ăn nhậu, bài bạc

Từ bao đời nay, việc ăn nhậu đã trở thành thói quen không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam. Trước kia, trong các lễ hội, Tết nhất, đám tiệc hay những dịp gặp gỡ thân quen, người ta thường mời những chén rượu để chúc tụng nhau. ‘Khách đến nhà không gà thì vịt’, như cách nói của người dân ở vùng nông thôn, và kèm theo đó là vài xị rượu. Từ thời mở mang bờ cõi, vùng đất mới toàn là rừng rậm hoang sơ, dân cư chưa có, người Việt từ miền Bắc, miền Trung vào khai khẩn. Sống chưa quen với vùng đất mới, dân cư buổi đầu lại thưa thớt, xa xa mới có một gia đình, đường đi lại cách trở, để thường xuyên gặp gỡ nhau là điều không dễ, do đó, mỗi lần có khách đến chơi thì dân quê (đặc biệt dân miền ĐBSCL) mừng vui khôn xiết, trong dịp này tiệc rượu được bày ra. Sáng sớm thức dậy, trước khi ra đồng, uống một chun rượu cho ấm bụng là cái cách mà nhiều người nông dân hay làm. Do hoàn cảnh lịch sử, địa lý cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi, dần dà hình thành nơi người dân ở vùng sông nước này cái cá tính mộc mạc, chất phác, thẳng thắn, bộc trực, hiền lành và đặc biệt là rất hiếu khách.

Ngày trước thì vậy, còn hiện nay thì sao? Rượu bia đang bị lạm dụng nghiêm trọng. Theo thống kê của một tổ chức quốc tế thì lượng bia rượu được tiêu thụ hàng năm tại Việt Nam đứng nhất nhì thế giới. Người ta có thể uống rượu bất cứ lúc nào, ngoài những dịp lễ lộc, đám tiệc thì lúc nào cũng có thể nhậu, trong giờ hành chánh, sau khi làm việc, trong tuần, cuối tuần, buồn cũng nhậu, vui cũng nhậu, bất chợt có hứng cũng nhậu, nhậu để thể hiện sự đẳng cấp, nhậu thì phải say, ‘không say không về’. Ra khỏi công sở là nhậu, có người có thể nhậu suốt ngày (hai hay ba tăng hoặc hơn thế nữa) và ngày nào cũng có thể là bạn của ma men. Cũng có người không thích nhậu cho lắm, rất sợ say sưa, vì mỗi lần say là mỗi lần đau đầu và mệt mỏi, nhưng cái không khí vui tươi, hào hứng khiến cho người ta khó mà cưỡng lại được. Nhậu nhẹt vì thế không hẳn là vì thèm rượu mà là vì ghiền cái không khí bạn bè. Nhậu bây giờ còn để trả ơn hay lại quả cho một vụ giao dịch nào đó. Nhiều lúc, một cuộc trao đổi làm ăn có thành công hay một hợp đồng kinh doanh có được ký kết, ngay bàn nhậu, cũng được đánh giá về khả năng ăn nhậu của đối tác. Ra đường, nhìn vào hai bên vỉa hè, ta đều thấy nơi nào cũng có quán cà phê hoặc quán nhậu. Và trong tuần, bất kể ngày nào, khi kinh tế có khởi sắc hay đang gặp phải khủng hoảng, khó khăn ra sao, tại các quán này đều đông nghẹt khách ra vào. Văn hóa ăn nhậu không phải lúc nào cũng xấu, nhưng lạm dụng thái quá bia rượu chẳng những làm hao tốn tiền của, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, là một trong những nguyên nhân chính của tai nạn giao thông, mà còn là lý do khiến cho bạo lực gia đình, xung đột xã hội càng nghiêm trọng. Khi say xỉn không kiểm soát hoặc kềm chế được bản thân dễ có những hành động thất thố, ngông cuồng hoặc gây ra án mạng chết người. Đó là gánh nặng mà cộng đồng phải cưu mang.

Nói đến việc lạm dụng bia rượu thì không thể không đề cập đến cái tệ nạn ham mê cờ bạc của người dân Việt. ‘Cờ bạc là bác thằng bần; Không cờ không bạc không mần đỡ lo (Tác giả tự đặt thêm)’ hay ‘Số đề ra đê mà ngủ’, người xưa nói thế và ngày nay thì mọi người cũng thấy thế. Đùa một chút. Câu đầu có thể áp dụng cho dân miền Nam, vì Sài Gòn không có nhiều đê điều, chỉ có bờ kè. Câu sau dành cho dân miền Bắc vì Hà Nội có rất nhiều đê, mà dân sống trên vành đai an toàn bờ đê thì không ít. Giàu cũng cờ bạc, nghèo cũng đỏ đen. Rồi số đề, cá độ gà chim, bóng đá, v. v… Cũng vì ham mê cờ bạc, nhiều gia đình phải tán gia bại sản, từ giàu nứt đố đổ vách cho đến trắng hai bàn tay. Kéo theo đó là gia đình ly tán, vấn nạn tự tử, hay trộm cướp, giết người vì thế không thể không xảy ra.

 

(Trích NGƯỜI VIỆT NAM TỒI TỆ ~ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA – ĐIỀU TRA XÃ HỘI. Tác giả Lâm Nhược Trần. Người Việt Book xuất bản, 2016)



Chuyên mục:Xã hội

Thẻ:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: