Chị trưởng Hồng Phúc, và chị trưởng Kiều Diễm, cả hai bây giờ đang làm việc cho các tổ chức y tế,
đang thực tập bài học đoàn kết, “chánh niệm thân-tâm” để đưa được đàn em “qua bờ an lạc”.
Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học học đầu tiên mà tôi học được từ thầy của mình cách đây 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành một chú tiểu. – Thích Hạnh Tuấn
Ngày Thầy nhận vai trò Cố vấn Giáo Hạnh của Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ (‘nhánh’ của anh Nguyên Tịnh Trần Tư Tín), tôi đã nghỉ sinh hoạt. Cho nên tôi không gần Thầy mà chỉ nghe kể lại. Song, tôi luôn theo dõi những sinh hoạt trên lãnh vực văn hóa Phật giáo của Thầy và nhất là, sự quan tâm cuả Thầy trong công cuộc hợp nhất tổ chức áo lam.
Kỳ thật cho đến nay, tôi không ưa khi phải nhắc đến hai từ “hợp nhất”, bởi hễ nói “hợp nhất”, là có chia rẽ, bất hòa!
Sau đại hội toàn quốc 2004 tại chùa Diệu Pháp, Monterey Park, California, tôi có thưa với anh Tâm Tựu Sử Thành, “mình phải công nhận đại hội này chỉ thành công mỗi một tiêu chí, đó là xác lập vị thế truyền thống, trực thuộc của GÐPTVN/HK trong hệ thống GHPGVNTN, còn ‘hợp nhất’ coi như là thất bại”. Do đó tôi đề nghị thêm vào một mục trong Quyết Nghị Ðại Hội: “đeo đuổi, tiếp tục công cuộc hợp nhất cho đến khi thành tựu”. Anh chị em phải xem đó như là một đại Phật sự của tổ chức, và trách nhiệm của tân Ban Hướng Dẫn. Anh Tâm Tựu tán đồng ngay. Nhưng mãi đến bây giờ đã hơn 10 năm, công cuộc “hợp nhất” đó, có lẽ, mượn thời gian, chìm trôi?
Không, thật ra, trải dài một thập niên, vẫn có nhiều chư Thầy và anh chị em canh cánh bên lòng. Nuôi dưỡng tâm nguyện tốt lành, xem như sự nghiệp của mình, trong đó tôi biết có Thầy Hạnh Tuấn. Ðó cũng là nhân duyên mà tôi tiếp xúc với thầy, dù chỉ qua thư, email trao đổi ý kiến.
Lần đó tôi được hỏi: “Nếu Thầy (Hạnh Tuấn), Thầy Từ Lực và Thầy Nguyên Siêu cùng phổ biến một tâm thư kêu gọi ‘hai bên’ ngồi lại, con thấy có khả thi không?”
Tôi trả lời ngay, và dứt khoát, “Dạ không!”.
Thời điểm đó, tôi đã làm Thầy thất vọng chăng? Nhưng đó là lời thật.
Tôi kính thương Thầy, nhưng đồng thời hiểu tâm tính anh chị trưởng niên của mình. Mười năm qua đi thật vội, những bàn tay anh em đưa lên biểu quyết trong kỳ đại hội cho một quyết định dẫn đến sự “chia lìa”, bây giờ có dịp nhẩm lại từng ngón run, chạnh lòng quanh ta, ai còn ai mất?
Những bàn tay ngày đó, bây giờ nếu có dịp nắm chặt nhau lại, còn giữ nhau được bao lâu?
Tôi không biết nếu bây giờ Thầy Hạnh Tuấn hỏi lại tôi câu hỏi ngày đó, tôi sẽ trả lời như thế nào. Nhưng chắc chắn một điều, tôi không thể nói gì khác hơn hiện trạng của chúng ta mà, có lẽ, các cấp lãnh đạo của phong trào GÐPTVN(HK), đã thật sự bất lực: Phân toái!
Thôi thì, Quảng Pháp cung kính bái vọng Giác Linh Thầy Cao Ðăng Phật Quốc. Việc Ðạo tu một kiếp có thể xem như đã viên mãn, việc Ðời còn phải tu biết bao nhiêu kiếp nữa mới mong hoàn thành chí cả Lăng Nghiêm.
Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật.
1/11/2015
Quảng Pháp Trần Minh Triết
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Tưởng niệm, Độc thoại
Trả lời