Tác phẩm Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Ðại của Huỳnh Hữu Ủy,
Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau.
Nguyễn Ðức Sơn
1.
Thỉnh thoảng Ông vẫn đến tòa soạn thăm bằng hữu. Ðến lặng lẽ, chọn một góc ngồi trò chuyện với bạn lặng lẽ rồi ra về, cũng lặng lẽ!
Ông luôn chìm hẳn giữa những thứ tiếng ồn ào, và Ông hòa tan vào cái thế giới cô liêu chiêm nghiệm. Cõi ấy trầm ngâm, “đôi mắt nhắm lại, chữ thì mở ra.”[1] Thi, Văn vì vậy trượt qua. Biến, và hiện.
Tan rã vào đời sống xa lạ chung quanh, nhưng vẫn còn muốn gìn giữ chút tâm ý của mình, hy vọng Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Ðại sẽ góp được một cách nhìn hay chính là nỗi lòng của người viết trong một tình cảnh đặc biệt của chúng ta ngày nay, trên những bước chân phiêu bạt thất tán nơi đất khách quê người. – Huỳnh Hữu Ủy, Lời đầu sách.
2.
Biến, và hiện đó. Rồi tan rã đó. Nhưng tan vào đâu? Ðọc mấy dòng Ông viết nơi đầu sách, tôi liên tưởng đến bản Kinh Thắng Man Giảng Luận đầu tiên mà thầy Tuệ Sỹ đã gởi cho hồi năm 2000, cũng lời đầu tập, thầy viết:
Cho đến nay, một hoặc nhiều thế hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối của đêm dài sinh tử; nhiều thế hệ mới ra đời. Phôi bào trong Như Lai Tạng vẫn liên tục kết rồi rã, thành rồi hoại. Dòng tương tục vẫn tiếp nối không ngừng. – Tuệ Sỹ, Thắng Man Giảng Luận
Nhà phê bình mỹ thuật, Huỳnh Hữu Ủy (Uyên Nguyên chụp)
Cho nên, trong cái tình cảnh đặc biệt như Huỳnh Hữu Ủy nói, con người dù có phiêu bạt thất tán, thì Thi, Văn vẫn vì một khối tình chung mà dâng Lời Cố Quận[2]; hay vì những tâm ý riêng mà ước mong rằng:
Văn minh gửi cát bụi về mai sau.[3]
Trả con người lại cho cát bụi. Trả Thi, Văn cho ngàn sau, là những gì tuyệt mỹ. Trước và sau, những tác phẩm của Huỳnh Hữu Ủy thực hiện, dù lớn hay nhỏ, nhất nhất đều hướng vào cái Ðẹp như vậy.
Lúc nào cũng phải hướng tới cái tuyệt mỹ – Homoré de Balzac.
3.
Bây giờ, đọc báo chí hay một quyển sách thể loại phê bình nghệ thuật, hiếm để nhận ra có một tác giả lặng lẽ, chìm hẳn trong các tác phẩm của chính mình khi kể về những bằng hữu văn nghệ khác.
Với tôi, điều đáng học là cách nhìn Ðẹp – trong mỗi tác phẩm – là tâm ý của Huỳnh Hữu Ủy khi bàn về nghệ thuật, và kể về bằng hữu quanh mình.
Mặc Cốc, tháng 7, 2013
UYÊN NGUYÊN
(Trần minh Triết)
[1] Giữa Điều Tôi Nhìn Thấy Và Điều Tôi Nói Ra
thơ Tuệ Sỹ1.
giữa điều tôi nhìn thấy và điều tôi nói ra
giữa điều tôi nói ra và điều tôi thinh lặng
giữa điều tôi thinh lặng và điều tôi mơ mộng
giữa điều tôi mơ mộng và điều tôi quên lãng :
là thơ
thơ trượt qua
giữa có và không
thơ nói
điều mà tôi thinh lặng
thơ thinh lặng
điều mà tôi nói
thơ mơ mộng
điều tôi lãng quên
thơ không là lời nói:
thơ là hành động.
hành động của lời nói
thơ nói ra và lắng nghe:
thơ hiện ra thực sự
và ngay khi tôi nói là thơ hiện ra thực sự
thì thơ tan biến tức thì
có phải là thơ còn thực hơn nữa chăng?2.
ý tưởng hữu hình
chữ thì vô hình:
thơ
đến rồi đi
giữa cái hiện tiền
và cái không hiện hữu
thơ đan dệt
và tháo gỡ những suy tưởng
thơ tung rãi mắt nhìn lên trang giấy
tung rãi chữ vào trong mắt.
mắt nói,
chữ nhìn
cái nhìn suy tưởng
những đôi mắt nhắm lại
chữ thì mở ra.[2] Lời Cố Quận, Martin Heidegger – Giảng giải thơ Hoelderlin – Bùi Giáng dịch và giải, An Tiêm xuất bản
[3] Ngàn sau, thơ Nguyễn Ðức Sơn.
Chuyên mục:Nghệ thuật, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm
Trả lời