Nhà văn Phạm Xuân Ðài (Phạm Phú Minh), tác giả Hà Nội Trong Mắt Tôi – (Ảnh: Uyên Nguyên)
Khoảng 1998, 1999 gì đó, tôi về lại Cali sau hơn 2 năm đi làm công nhân thịt heo ở hãng IBP, miền đông nước Mỹ. Tôi về lại Cali với đầy ắp những mộng tưởng về văn nghệ, là mình sẽ viết truyện, làm thơ, làm báo, in sách, xuất bản sách… Ôi, đầy ắp những mộng tưởng văn nghệ xa vời như ngày xưa, lúc tuổi mới lớn, từ quê vào Sài Gòn học, cũng có những ước mơ, mộng tưởng tương tự.
Tôi mua cái máy computer cũ, nặng chình chịch và bắt đầu gõ những bài viết đầu tiên. Tôi viết truyện, làm thơ gởi đi các báo. Hồi đó, hình như chưa có email thì phải, viết xong, thì thâu vào một đĩa CD, rồi bỏ bì thơ gởi đến địa chỉ các tòa soạn báo.
Những lúc nhàn rổi, tôi thường lang thang ở các tiệm sách, nhất là Tú Quỳnh, để độc cộp các tập san văn nghệ, lúc đó có Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21…
Tập san nào tôi cũng khoái. Không biết duyên do gì mà tôi khoái tạp chí Thế Kỷ 21. Tôi mày mò tìm địa chỉ của tờ báo này và gởi CD có truyện của tôi đến chủ bút.
Cũng lâu, có thể nói là một, hai, hay ba tháng sau, tôi cũng ra Tú Quỳnh đọc cộp, cầm tờ Thế Kỷ 21 trên tay, lật giở từng tờ, có đăng bài mình, mừng và vui lắm.
Trước đó, tôi có gởi truyện và thơ đến tuần báo Sài Gòn Nhỏ, và đã được chọn đăng. Tôi còn được bà chủ bút hẹn đến gặp. Trong buổi gặp, bà khuyến khích tôi viết tiếp truyện cộng tác với SGN và bà hứa, truyện được đăng sẽ trả $25.00. Điều này rất làm tôi phấn kích. Sau đó bà chủ bút đã làm đúng như lời hứa, suốt nhiều năm.
Nay bài tôi được đăng trên Thế Kỷ 21 mấy truyện, tôi hí hửng gọi điện thoại xin gặp anh Phạm Phú Minh, chủ bút Thế Kỷ 21 lúc bấy giờ. Anh hẹn đến gặp anh ở nhà riêng, tôi rất vui. Tôi ghi rõ địa chỉ và lái xe tới ngay.
Tìm nhà không khó, tôi dừng xe bên ngoài và gõ cửa. Anh Phạm Phú Minh mở cửa, tươi cười tiếp tôi. Lúc này vào mùa đông nên trời hơi se lạnh, anh Minh bận cặp đồ lạnh xám lông chuột. Tôi xưng tên và hai người chỉ đứng trao đổi nhau dưới hàng hiên căn nhà. Hình như anh có mời tôi vào nhà chơi, nhưng tôi nói, đứng đây được rồi, nói chuyện chút rồi tôi đi.
Lúc này anh Phạm Phú Minh khoảng trên năm mươi, trông anh rất trẻ, nho nhã, đẹp trai, nói chuyện ôn tồn, lịch thiệp.
Trước đó tôi cũng biết qua về anh, theo một số anh em nói, anh cùng quê Quảng Nam với tôi, con trong gia đình nho giáo nổi tiếng. Anh là cháu gọi nhà yêu nước Phạm Phú Thứ là ông cố. Hiện anh làm cho nhật báo Người Việt, và là Chủ Bút của tờ Thế Kỷ 21, một tờ báo ngoại vi của nhật báo Người Việt.
Biết qua vậy nên tôi rất nễ anh.
Nhưng mục đích trong đầu của tôi là đến gặp chủ bút nguyệt san Thế Kỷ 21, để xin xin nhận tiền nhuận bút, tôi đăng cũng 2, 3 truyện gì đó trên báo này, nên nếu theo như giá nhuận bút bằng báo Sài Gòn Nhỏ, thì tôi nhận cũng được $75.
Đứng nói chuyện với anh Phạm Phú Minh khoảng 5, 7 phút, tôi liển đề cập đến chuyện nhuận bút.
Anh cười nói (lâu quá, chỉ nhớ đại ý):
– Ở đây (TK21) không có trả tiền nhuận bút, nhưng nếu anh cần thì tôi sẽ gởi.
Tôi suy nghĩ ngay, thôi mà, đăng bài là vui rồi, đòi tiền nhuận bút làm chi.
Nên tôi nói lại liền:
– Tôi nói vậy thôi, chứ không có cũng không sao, tôi rất thích TK 21 nên sẽ tiếp tục gởi bài cho anh.
Xong tôi chào anh, bắt tay và lái xe ra về.
Lần đầu chỉ có vậy.
Sau đó, tôi cũng tiếp tục gởi bài cho Thế Kỷ 21. Và thơ, văn của tôi thường đăng ở đây.
Lúc này, chúng tôi (tôi, Đạm Thạch và Thành Tôn) thường hẹn nhau cứ 2 tuần gặp nhau một lần, đi ăn ở đâu đó, rồi đi uống cà phê ở cafe Factory. Thỉnh thoảng Đạm Thạch có mời anh Phạm Phú Minh, lúc đó chỉ thỉnh thoảng thôi, chứ chưa thường xuyên như bây giờ.
Năm 2001, tôi in 2 quyển sách, tập thơ Khan Cổ Gọi Tình, Về và tập truyện Những Chuyến Mưa Qua. Tôi dự định tổ chức Ra Mắt Sách ở Hội Trường Đài Phát Thanh Little Sài Gòn. Tôi liền nhờ 3 người bạn văn nghệ của tôi lên phát biểu, đó là Đạm Thạch, Thành Tôn và cả anh Phạm Phú Minh. Mời được anh là tôi rất mừng, vì tôi có vài lần đi dự những buổi Ra Mắt Sách khác, có anh phát biểu, anh ăn nói rất chững chạc, sâu sắc và giọng nói rất truyền cảm.
Năm 2004, đọc trên báo Người Việt, tôi biết, anh Phạm Phú Minh phụ trách thêm là điều hành đài phát thanh VNCR, với chức vụ Tổng Giám đốc.
Cũng khoảng năm đó, tôi in thêm 2 cuốn sách là, tập truyện ngắn Áo Gấm Về Làng và truyện dài Mẫu Hệ, tôi liền xin anh một cuộc phỏng vấn trên đài VNCR, anh đồng ý, và chính anh là người phỏng vấn tôi trong mục Tác Giả, Tác Phẩm.
Cuộc phỏng vấn của anh rất hay (theo tôi), tôi trả lời cũng (tạm) ổn. Đó là một kỷ niệm vui tôi nhớ mãi và thầm cảm ơn nhà báo Phạm Phú Minh.
Nhưng nói về Phạm Phú Minh phải đến nhà văn Phạm Xuân Đài, đây là bút hiệu, anh lấy tên người con gái lớn của anh. Phạm Xuân Đài với tập Hà Nội Trong Mắt Tôi, tập tùy bút anh viết từ trong nước, lúc anh vừa ở tù Cộng Sản về. Anh viết gởi cho báo Người Việt và được Người Việt in thành sách, rất được nhiều người yêu thích.
Giới thiệu tập sách này, bản trên Amazon ghi như sau:
Khó xếp loại bài viết của Phạm Xuân Đài, giữa phiếm luận, tuỳ bút và ký sự. Nhìn chung dù được viết với đề tài nào, bài của ông cũng đều bắt nguồn từ động lực tình cảm, vì thế chúng tôi nghĩ có thể tạm gọi một tên chung là tuỳ bút. Chi tiết hơn một chút thì cứ phân loại là tuỳ bút văn nghệ, tuỳ bút chính trị v.v… nhưng ngẫm cho cùng tên gọi không quan trọng, cái cần thiết là những gì tác giả mang đến cho người đọc. Nhà xuất bản Thế Kỷ xin giới thiệu “Hà Nội Trong Mắt Tôi” cùng bạn đọc, với hy vọng, Phạm Xuân Đài mang lại một thoáng rung cảm cho tất cả chúng tôi hôm nay, và những âm vang nhè nhẹ gửi tới mai sau.
Đúng như vậy, tôi được nhà văn Phạm Xuân Đài tặng cho một cuốn. Cuốn sách mỏng thôi, nhưng văn phong rất nhẹ nhàng, trung thực. Khoảng những năm đó, sách này được ghi nhận là best seller.
Anh Phạm Phú Minh tính tình rất hiền hòa, lịch sự. Anh không nhận mình là nhà văn, anh chỉ làm công tác văn hóa, hay đúng hơn, anh là Nhà Văn Hóa. Anh tích cực phát huy những tác phẩm văn học của Tự Lực Văn Đoàn, qua lần triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Hội trường báo Người Việt, rất thành công. Và sau đó, anh đã cộng tác để tổ chức 2 ngày hội thảo: 20 năm Văn Học Miền Nam. Bài phát biểu của anh là bài tôi thích nhất, dù chỉ nói về vấn đề kiểm duyệt sách báo tại miền Nam, trước 1975, bài nói có những tư liệu rất giá trị.
Hiện nay anh làm chủ bút trang báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, một diễn đàn chuyên về chính trị và Văn Học Nghệ Thuật (thứ bảy, chủ nhật). Một tờ báo mạng hải ngoại, đến nay đã có trên 7 triệu lần độc giả ghé thăm, một con số không nhỏ.
Cho đến bây giờ, chúng tôi quen nhau cũng đã gần hai mươi năm. Tình văn nghệ, tình đồng hương, tình anh em. Nhà văn Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài) đã để trong lòng tôi nhiều tình cảm tha thiết, sâu đậm. Đó là sự cảm mến, kính phục, thương yêu.
Anh là nhà văn đàn anh, tính tình nhẹ nhàng, lịch lãm, ngoài đời cũng như trong văn chương, anh lúc nào cũng cho tôi một cảm giác ấm áp, ngọt ngào.
2016
Trần Yên Hòa,
trích Sấp Ngửa, Bạn Văn Nghệ sắp xuất bản, tháng Năm, 2016
Mời vào:
Trang Văn Học Nghệ Thuật: Bạn Văn Nghệ: banvannghe.com
(714) 360-7356
Chuyên mục:Bài hay trên net.
Trả lời