Tác giả Vũ Ánh
Người Việt Books xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, 2014
ISBN: 978-1-62988-320-5
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Nhục hình để hỏi cung, hỏi cung để tìm ra những âm mưu chống lại chế độ hay nhỏ hơn là chống lại kỷ luật trại giam. Qui trình của ngành an ninh tại Việt Nam đều dựa vào công thức này trong đó điểm căn bản là dùng nhục hình để bắt tù nhân phải xưng tội. Nhưng ở trại trừng giới như A-20, những việc làm đi ngược lại đường lối của ban quản trại diễn ra hàng ngày, công khai. Tù nhân cải tạo ở trại giam nào đi nữa thì cũng như cá nằm trên thớt, người Cộng Sản muốn chặt xuống cái thớt ấy lúc nào chẳng được. Hỏi cung bao nhiêu thì cũng vẫn vậy mà thôi, không thay đổi gì được. Họ biết như vậy chứ nhưng vẫn phải làm vì cần phải có một điều gì đó để báo cáo lên trên. Không báo cáo là không làm việc. Hình thức, chỉ tiêu, định mức là những căn bệnh rất nặng trong hàng ngũ cán bộ Cộng Sản. Cho nên tại một trại thuộc kiểu trại Lý Bá Sơ như trại A- 20 ở thung lũng Xuân Phước mà hàng nằm ban quản trại sống “êm ru bà rù,” trong báo cáo thường kỳ không khám phá được “âm mưu” phá trại giam hay âm mưu trốn trại hàng loạt thì không được.
Vì thế, chúng tôi không hề ngạc nhiên khi hàng năm, vào những dịp “lễ lớn” của chế độ như 30 Tháng Tư, hay 2 Tháng Chín, một số anh em chúng tôi thế nào cũng phải khăn gói quả mướp vào nằm trong biệt giam trước ngày lễ khoảng hai ngày.
Trong số những anh em vào biệt giam, họ bắt cả những thành phần hiền lành nhất trại. Nguyên tắc của ban quản trại ở trại lao cải trong kịch bản khủng bố là: “Một tên ăn trộm chạy vào khu chợ đông người thì tốt nhất là bắt cả chợ. Mâu thuẫn giữa người này và người kia trong hoàn cảnh bị giam cầm sẽ lòi ra những đầu mối để tìm ra tên trộm.” Nguyên tắc vừa kể được viên trại trưởng A- 20 là Lê Ðồng Vũ áp dụng triệt để, nhưng đòn này không linh nghiệm đối với phần đông anh em tù cải tạo ở đây. Lý do rất dễ hiểu: một khi người tù cải tạo ý thức được rằng “không an tâm cải tạo” và “an tâm cải tạo” thì đều bị đẩy vào tình trạng bế tắc, đó là lưu đày không có ngày ra thì tại sao lại phải an tâm cải tạo, cách gọi khác của nhóm từ “nín thở qua sông.” Một bạn tù trẻ tuổi trong số anh em chúng tôi là N.Q.T nói: “Thật ra, trong cái rọ ở chốn rừng xanh núi đỏ như thế này, chống chúng nó rồi thì cũng đến thế thôi. Nhưng hãy cứ coi đây là trò vui chơi của mình mà trở thành thử thách đối với chúng. Cũng phải làm cho chúng mất ăn mất ngủ chứ, đâu cứ mãi mãi cúi đầu im lặng để chúng vo tròn bóp méo bọn mình thế nào tùy thích được. Cuối cùng, chúng ta dù không làm được gì nhưng không thể cúi đầu trước bạo lực.”
Tôi chỉ được mở cùm và dẫn lên phòng thẩm cung tọa lạc ngoài khuôn viên trại vào ngày thứ 16 kể từ khi bị vào biệt giam trong xà lim. Vừa khát, mất ngủ, đói, hai nhượng chân tê cứng, tôi đã ngã quị ngay khi vừa bước ra khỏi cổng khu biệt giam. Tôi đòi uống nước nếu không trại sẽ phải cho người khênh tôi lên phòng thẩm cung. Biết rằng tôi đổ bựa, trực trại Luật ra lệnh cho trật tự lấy cho tôi một ca nước lạnh từ nhà bếp. Sau đó Luật còn cho gọi hai tù hình sự dìu tôi đi. Lên tới phòng thẩm cung tôi đã tỉnh dần và nhận ra người thẩm cung tôi không phải là Lê Ðồng Vũ hay Lý “lé” mà là một người tôi chưa gặp bao giờ. Ông ta ngồi sau bản thẩm cung, không mặc đồng phục của công an mà ăn mặc theo lối cán bộ nhà nước: quần vải kaki mầu olive, áo sơ mi trắng vạt ngắn bỏ ngoài quần, dép lốp, cái túi xắc- cốt bằng da giả để trên bàn, không mang nón cối, tóc hoa râm cắt ngắn. Thấy hai tù hình sự dìu tôi vào, ông ta chỉ vào cái ghế để trước bàn thẩm cung. Trên bàn, ngoài cái xắc- cốt, còn hai món bày biện khác mà tôi thường thấy ở những nơi tôi bị thẩm cung, đó là một bao thuốc lá Ðiện Biên và một bộ đồ trà. Ông ta hỏi tôi, giọng “Bắc 1975”:
– Anh bị ốm à, trại cấp thuốc gì chưa?
Có lẽ trong suốt cuộc đời tù đày dài dặc của tôi, đây là lần bị thẩm cung mà tôi nhớ nhất. Ca nước mà trực trại cho uống đã làm tôi tỉnh lại. Cho nên khi vừa nghe thấy lời đãi bôi của viên sĩ quan công an thẩm cung, cơn giận trong tôi bùng lên:
– Không, tôi không đau ốm gì cả. Tôi bị đưa vào biệt giam và bị cùm hai chân không được biết lý do. Mỗi bữa ăn tôi được cấp 5 lát khoai mì khô luộc, chan vào hai muỗng muối, nhưng chỉ được phát hai muỗng nước cho mỗi bữa ăn thì bảo sao thân thể tôi không như thế này. Tôi không khiếu nại gì về việc tôi bị cùm hai chân, cho ăn đói, nhưng tôi phản đối việc hành hạ tôi bằng cách rút phần nước uống một cách quá đáng như thế. Nội qui là do các ông viết ra chứ không phải anh em tù cải tạo chúng tôi viết. Chúng tôi không hề vi phạm nội qui mà chính ban quản trại ở đây đã vi phạm nội qui. Cán bộ cho phép tôi hỏi chứ?
Vừa nghe đến chữ “hỏi,” người thẩm vấn tôi đứng bật dậy. Ông ta cố giữ bình tĩnh nhưng không thể che giấu được sự giận dữ trong đôi mắt chỉ ngón tay vào tôi:
– Anh là cải tạo hay tôi là cải tạo. Anh phải biết vị trí của mình chứ? Tôi là Hoàng Thanh ở ngoài trung ương (Hà Nội) vào trong chuyến đi thực địa và tìm hiểu. Bổn phận của anh là trả lời những câu tôi hỏi chứ không phải là anh được đưa ra đây hỏi tôi. Anh sẽ được uống nước đầy đủ trước khi chúng ta bắt đầu chuyện trò.
(Ghi chú: Hoàng Thanh có thể chỉ là bí danh của một sĩ quan công an làm nhiệm vụ thẩm vấn điều tra thuộc PA- 24 thuộc Bộ Công An, có chi nhánh tại Sài Gòn. Anh em trong trại trừng giới A- 20 không biết dựa vào nguồn tin nào mà kháo nhau đó là tướng Hoàng Thanh. Thực ra không ai biết được tên thật của ông ta, vì những thẩm vấn viên của công an trại giam không bao giờ cho biết tên thật và cấp hàm của họ).
Nói xong ông ta bỏ ra ngoài, khoảng 15 phút sau quay lại với một ca nước trên tay. Tôi hiểu việc ông ta đích thân đi lấy nước cho tôi là một đòn tâm lý. “Trò này không ăn thua gì đâu. Bọn bay là một lò như nhau cả,” tôi nghĩ trong đầu như thế. Ðợi tôi uống xong ca nước, viên sĩ quan thẩm vấn mới ngồi lại vào bàn. Ông ta nói:
– Hồi nãy anh muốn hỏi gì thì hỏi đi, nhưng phải nghiêm túc!
Chỉ chờ cơ hội này là tôi “phang” ngay, bởi không còn gì để mà phải sợ hãi:
– Tôi hỏi thật cán bộ. Cán bộ nghĩ sao khi cuộc chiến đã chấm dứt rồi, miền Nam đã thua trận, những sĩ quan từ cấp chuẩn úy trở lên, những công chức từ trưởng phòng trở lên đã khăn gói vào tù hết rồi mà những người chiến thắng vẫn còn sợ là sao chứ. Chúng tôi đã ở trong những cái rọ như thế này hơn 6 năm rồi, người nào cũng thân tàn ma dại, nhà tù thì ở chống rừng xanh núi đỏ một con kiến lọt ra khỏi trại giam này cũng không được, mà có lọt ra được thì sẽ sống ra làm sao, trốn sao được trước mạng lưới an ninh còn dầy hơn ở đây nữa? Tôi nói thẳng với cán bộ là chúng tôi thua trận nên người thắng muốn sinh sát ra sao cũng được, chúng tôi không hề ân hận vì công cuộc chống Cộng của mình. Trong một cuộc chiến tranh, có bên tấn công thì có bên chống lại. Chúng tôi là dân miền Nam là bên bị tấn công thì phải chống lại, chúng tôi không có lỗi gì cả đối với bất cứ người Việt Nam nào, nhưng đã ở bên thua thì không nói gì được nên đành nhẫn nhịn mà sống, ấy vậy mà cũng vẫn không yên. Cách hành hạ của ban quản trại đối với anh em chúng tôi ở đây là biến chúng tôi thành những con vật, nhưng không cho chết ngay mà để chúng tôi chết dần mòn. Khoan hồng mà nhà nước nói như kiểu này thì thà các ông đưa chúng tôi ra ngoài đồng, cho mỗi đứa một viên đạn như thế mới đúng là khoan hồng. Câu hỏi của tôi là liệu cán bộ có cho tôi làm đơn xin nhà nước đem tôi ra bắn bỏ không?
Hoàng Thanh, cứ tạm tin tên ông ta là như thế, đã gạt phăng:
– Nhiệm vụ của tôi không phải là nhận đơn xin ra pháp trường của anh. Anh là trại viên cải tạo, cải tạo tốt thì được trả về với gia đình, chưa tốt thì nhà nước để anh tiếp tục cải tạo. Còn chưa cải tạo tốt mà thả ra thì dân chúng bên ngoài không chấp nhận anh đâu!
– Cán bộ định nghĩa cho tôi xem thế nào là cải tạo tốt? Cải tạo đến bao giờ thì được gọi là tốt? Cải tạo mãi mà không tốt thì có được đem đi bắn hay là vẫn chung thân trong trại? Tôi mong mỏi cán bộ cho tôi một xác định rõ rệt!
Tôi nghĩ có lẽ Hồ Chí Minh có đội cái hòm kính trong lăng sống dậy cũng không thể trả lời cho đám hậu duệ này của ông ta được. Cho nên Hoàng Thanh cũng đành cho chạy lại “cuốn băng đã nhão” của kịch bản khủng bố:
– Cải tạo tốt hay không là tùy anh. Anh phải tự biết là anh đã tốt hay chưa. Cho nên ngày ra khỏi cổng trại giam này cũng tùy thuộc anh chứ không phải tùy thuộc trại giam. Trong trại mới xảy ra vụ các anh cướp súng trốn trại, rồi sau đó lại xảy ra những vụ viết khẩu hiệu, đình công, lãng công, tụ tập hát hò nói xấu chế độ, tổ chức cơm đoàn kết, nay lại có báo cáo các anh âm mưu phá trại giam, hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Ở trong trại chắc anh biết mấy vụ này chứ? Ai là người lãnh đạo?
Tôi trả lời mà không cần phải đắn đo gì:
– Những vụ nào xảy ra công khai thì tôi cũng như những bạn đồng tù với tôi đều biết. Nhưng những vụ gọi là còn đang âm mưu thì đến ngay như các cán bộ trại giam này còn không biết thì làm sao tôi biết. Tôi là tù nhân. Việc khám phá ra những âm mưu là công việc của các cán bộ có trách nhiệm tại trại giam không phải trách nhiệm của tù nhân chúng tôi!
Cứ như thế, vụ thẩm cung trở thành một vụ tranh luận trong hơn một tiếng đồng hồ và một lần nữa nó là một minh chứng cho thấy ngay ở vào tình trạng thất thế nhất, một người tù nếu sẵn sàng chấp nhận một số phận xấu nhất cho mình thì sẽ không bao giờ còn phải sợ hãi trước bất cứ một áp lực nào. Một tù nhân vẫn còn ngại ngùng, sợ hãi vì vẫn tin vào điều kiện “phải cải tạo tốt để được về với gia đình” sẽ không bao giờ đứng được cho thẳng lưng trước cường quyền.
(Trích Thung Lũng Tử Thần của tác giả Vũ Ánh, Người Việt Books, 2014)
Chuyên mục:Trên kệ sách
Trả lời