N.G.T: Kiệt Tấn – SỰ ĐỜI (1 & 2)


SỰ ĐỜI (1 & 2)
Nhà xuất bản Giấy Vụn
Chủ trương: Mở Miệng
Liên lạc: nxbgiayvun@yahoo.com
Tiểu luận, Phiếm luận, Phê bình
Kiệt Tấn
Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhất tại Huê Kỳ, 2017
Bìa và trình bày: KuZi
Tranh bìa: Hans Arp
Phụ bản: Kiệt Tấn
ISBN: 978-1544023304
© 2017, Giấy Vụn và Kiệt Tấn

 

DẪN NHẬP

Như tựa sách đã nêu, tập SỰ ĐỜI được hình thành bởi ba phần tách biệt: tiểu luận, phiếm luận, phê bình và nhận định.

Phần Tiểu luận gồm 6 bài, mà phần chính yếu là ba bài viết về Sartre dưới tựa chung: “Buồn nôn, Sartre thơ thẩn trước cổng chùa”. Viết về triết gia này, Kiệt Tấn cũng chỉ giới hạn trong các chủ đề chính yếu, tiêu biểu cho tư tưởng của Sartre: buồn nôn, phi lý, lý do hiện hữu, ngẫu nhiên, tự do, dấn thân, ý thức và quyền năng của nó. Kiệt Tấn không được đào tạo trong chuyên khoa triết lý nên lập luận của tác giả là của một người “ngoại đạo”, với sự hiểu biết và ngôn ngữ rất sát với đời thường. Giới chuyên môn có thể cho là ngây ngô. Thế nhưng, nếu triết lý mà không ăn nhập gì với đời thường thì đó là loại triết lý phiêu lưu, hoàn toàn bịa đặt bởi trí tuệ, tầm phào! Bởi lẽ đó mà Kiệt Tấn lên tiếng đả kích và chỉ cho thấy những điều nghịch lý vì triết gia mãi lo bẻ cong mọi lập luận để chứng đúng cho bằng được những ý niệm hoàn toàn bịa đặt của mình. Do đó mà đi ngược lại hết mọi logique, mọi điều hiển nhiên. Theo lập luận của Kiệt Tấn thì cuộc đời vốn không phi lý như Sartre đã phán, mà cái điều thực sự phi lý chính là… Sartre! Theo Kiệt Tấn, triết học Tây phương thường bịa đặt ra nhiều vấn đề giả trá. Vì vậy mà giải đáp cũng hoàn toàn bịa đặt và sai bét.

Sau khi đọc xong ba bài tiểu luận viết về Sartre, vài người bạn đã dọa Kiệt Tấn là sẽ có người am tường triết học lên tiếng phản bác Kiệt Tấn – nôm na là chửi để bênh vực Sartre – vốn là sư phụ của mình. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện bài phản bác nào. Phần Kiệt Tấn, tác giả cũng cầu mong được tiếp nhận những lập luận đối nghịch. “Cho vui vậy mà!” – như đại thi hào điên điên Bùi Giáng vẫn thường buột miệng reo lên những lúc nổi cơn. Nhưng thực sự mà nói, theo chiêm nghiệm của Kiệt Tấn: “Khi mở miệng nói thì đã sai rồi! Bởi lẽ nói là để diễn tả một sự phán đoán, một sự cố chấp chủ quan và cá biệt mà ta cho là sự thật vì sự cố chấp của ta. Thì làm sao mà đúng cho được? Tuy nhiên, vốn đã làm người phàm phu, khi ấm ức quá cỡ (thợ mộc!) mà cứ bắt buộc phải câm miệng như hến thì “tức… bỏ mẹ”! Chẳng lẽ chờ cho Sartre đi ngang bèn thò cẳng ra mà “chơi” một phát cho bõ ghét? Thì thôi, “một liều năm bảy cũng liều/ cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây”! Bèn lên tiếng rồi muốn ra sao đó thì ra. “Ê! Chưa chắc thằng nào sợ thằng nầy!”

Ba bài tiểu luận còn lại là những bài viết của tác giả nước ngoài (Frédéric Ferney, Michela Marzano và D. Kongtrul Rinpoché) được Kiệt Tấn chuyển sang Việt ngữ. Ba tiểu luận này xoay quanh các đề tài mà Kiệt Tấn hằng ưa thích: bỡn cợt, nụ cười, buông xả và văn chương tính dục. Há Đức Đạt-lai Lạt-ma đã chẳng từng tuyên bố: “Môn thể thao mà tôi khoái nhứt: CƯỜI!”? Riêng Kiệt Tấn thì trộm nghĩ rằng: “Sống một ngày mà không cười là thiếu bổn phẩn đối với đời sống”. Những người nghiêm chỉnh “một chăm phần chăm”, cù mãi chả chịu cười thì phát lên dị ứng với “bỡn cợt”, nổi ghẻ cùng mình. Bèn đăng đàn và bước lên bục cao bắt loa lớn tiếng cực lực phản đối quan niệm là cái chắc! Không chừng bởi chủ trương “Sống vui cười” mà Kiệt Tấn đã phóng bút dài dài với giọng văn bỡn cợt, chọc quê, khều nhẹ, giỡn mặt. Nói tóm, “cà tửng” (chớ không phải cà tím) như cách nói của người trong giới.

Về mặt tính dục thì ối thôi! Trong truyện Kiệt Tấn lu bù! Đến mức hầu như bài phê bình nào viết về Kiệt Tấn cũng đều đồng thanh “ca quốc thiều” chỉ độc có một bản: “Ta thề chết chớ không hề lui”! Đọc truyện tình của Kiệt Tấn, ngay cả bực nữ tiền bối Hồ Xuân Hương ắt cũng rùng mình hắt hơi ba cái. Xong, uống hai viên aspirine rồi leo lên giường mà nằm, và không quên trùm mền kín mít, trong bụng rủa thầm: “Đồ dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”!

Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.

Đó là bốn câu ca dao mở đầu cho chuỗi phiếm luận SỰ ĐỜI, gồm 22 bài. Đề tài: Sự đời, dĩ nhiên! Loạt bài này đã được đăng tải trên diễn đàn Talawas. Mỗi bài chia ra làm nhiều mục, đề cập tới bất cứ vấn đề gì liên quan tới đời sống, kèm theo suy gẫm của tác giả. Tất tật! Không chừa ra hoặc đố kỵ một vấn đề gì hết. Cũng chẳng có tabou, chẳng có cấm kỵ. Mà những trò lăng nhăng của đám nhân loại khốn khổ này thì nói sao cho hết! Vũ trụ còn có bờ bến, chớ lòng tham, sự hiếu chiến và cái ngu xuẩn của con người thì nó vô biên! Có xâm mình tùm lum và tối dạ như đêm 30 mới dám hoang tưởng đem cái muỗng ăn canh ra mà mong tát cạn biển Đông. Tuy nhiên, ngó thấy thì ngừa con mắt. Câm như hến thì là tức như “bị bò đá”! Đành lên tiếng một phát, cho dù vẫn dư biết chẳng đi tới đâu. Phật, Chúa, Mahomed… cũng đã bó tay và quăng khăn lên đài bỏ cuộc từ khuya. Dạy dỗ đám nhân loại khốn khổ này quả thiệt y chang như là “nói chuyện với đầu gối”! Tuy nhiên trong Sự đời, xen với những điều “tức như bò đá” là một vài câu chuyện tiếu lâm, giỡn mặt, khôi hài, bỡn cợt… Cho độc giả có đủ can đảm để mà theo dõi tiếp “Chuyện dài Nhân dân tự vệ”. Dài dài… dài dài… Mệt dài dài…

Tiếp đến là một đề tài riêng biệt, không nằm trong loạt Sự đời: “Một lần nữa, lại xúc cát trước bàn thờ”. Đây là bài thứ hai, tiếp theo bài “Sục c.” rất tục tằn, nhằm đả kích cái phong trào “lăng xê” bởi các bà, các cô bên Mẽo tự nhiên “nổi hứng”, đua nhau viết về tình dục loạn cào cào, đọc xong phát rùng mình “ớn chè đậu”! Nó chẳng văn chương, chẳng tình dục, mà cũng chẳng dâm thư. Nó gần như là một sự “thủ dâm tâm lý” nhằm hé cửa ra cho con lợn lòng được tru tréo om sòm cho… hạ hỏa. Hai bài “Sục c.” và “Xúc cát” bị khán giả chửi lai rai, nhưng được giới am tường lên tiếng ủng hộ cũng bộn. Sau đó, cái bánh xe phong trào “viết tục tằn” của các bà các cô bên Mẽo cũng xì lốp đi được năm ba phần. “Happy, darling?”

Kết thúc phần Phiếm luận là hai bài viết có tính cách ký sự, nói về những cuộc du ngoạn kèm theo nhận xét của tác giả, nhân dịp đến thăm các thành phố xứ Tây Ban Nha và đất Bắc Hà của quê hương ta. Hai bài này không vừa lòng cửa “biên tập” nên chưa xuất hiện trên các tác phẩm đã trình làng tại Việt Nam của Kiệt Tấn. Điều này lý giải cho sự hiện diện của hai bài ký sự lạc loài ở mục “phiếm luận”.

Mục “Phê bình/ Nhận định” được chia làm hai phần: phần người khác viết về Kiệt Tấn, và phần Kiệt Tấn viết về người khác. Với 19 bài viết, phần “Viết về Kiệt Tấn” quy tụ đông đảo quần hùng nhứt. Tuy nhiên, mỗi người một vẻ nên không có sự trùng hợp. Tuy nhiên, có một vài nét đặc thù của Kiệt Tấn khiến cho hầu hết mọi người quy tụ lời bình của mình về đó. Chẳng hạn: “Kiệt Tấn sống thật, sống hết mình. Kiệt Tấn viết thật, viết hết mình. Kiệt Tấn không có điều gì cấm kỵ khi viết, trong tình dục cũng như trong lề lối suy nghĩ của mình. Kiệt Tấn gạt bỏ hết mọi giáo điều, mọi thành kiến”. Nguyễn Xuân Hoàng đưa ra nhận xét: “Thế giới Kiệt Tấn là thế giới của những lời nói ngược”. Tuy nói ngược nhưng lại khó lòng phản bác, bởi nó hiển nhiên. Quá hiển nhiên tới mức nó lù lù ra đó nhưng người ta không ngó thấy, vì quá quen mắt. Chẳng hạn như cái cột đèn sừng sững trước cửa nhà. Ngày nào cũng ngó thấy nên riết rồi không để ý. Rồi quên tuốt luốt. Rồi cũng hết thấy luôn! Cho tới một ngày đẹp trời nào đó, vì bận ngó người đẹp lắc mông nên… cụng đầu mình vô cột đèn tá hỏa! Mới sực nhớ ra là nó có đó… từ khuya. Bật ngửa. Quê một cục! Và u đầu một cục. “À, ra thế!”

Thế nhưng “nói ngược” (như “Cuốn ngược chiều gió!”) thì là ăn nói gàn bướng, nói ngang như cua. Điều này các nhà đạo đức có bằng cấp nghe qua sẽ tức mình như “bị bò đá”. Thì lên tiếng “chửi cho nó một trận!”. Nhưng cho đến nay, chưa thấy có bài viết chính thức nào chửi rủa Kiệt Tấn, hay đánh mắng thậm tệ. Hay là có mà khổ chủ không được đọc? Cần nói rõ là Kiệt Tấn chẳng có máy miết, chẳng có nết niết, chẳng có mạng miết gì hết ráo, (Quá chậm tiến!). Do đó, khi Kiệt Tấn muốn “đục” ai đó thì viết lăng nhăng rồi nhờ người quen đưa lên mạng. Người bị đục bèn tức khí phản pháo lại. Nhưng (rủi thay!) lời nguyền rủa không lọt được vào mắt xanh của khổ chủ. Thiệt là tiện lợi trăm bề! Cái đòn này chắc là Tào Tháo và Machiavel cũng phải chắp tay bái phục! Tuy nhiên, xin quý vị nam nhi đừng vì thế mà hồ hởi tháo banh (xà-rông) rồi liệng bỏ hết cái “mạng” đang có của mình. Coi chừng bị bà xã bả “đì” cho mất mạng thiệt tình, không kịp trối trăn!

Trong các bài nhận định về Kiệt Tấn, riêng những ngòi bút cư ngụ tại Pháp có dịp gặp gỡ và gần gũi Kiệt Tấn, đặc biệt phát hiện một Kiệt Tấn trong đời thường không khác với nhân vật Kiệt (Kiệt Tấn) trong các tự truyện của mình: thẳng thắn, bộc trực, và thích… cà rỡn! Thêm một “bật mí” khác: Kiệt Tấn đôi khi cũng khóc lu bù! Em gái hậu phương Mạch Nha tâm sự: “Ông (Kiệt Tấn) khóc tá lả âm binh, để nước mắt rơi rớt lã chã vào văn chương. Khóc dữ dội và dễ thương đến nỗi đọc ông nhiều khi phải bật cười. Không phải cười nhạo đâu. Cười sướng. Vẫn còn có người khóc vì những điều tưởng đã quá lạc điệu giữa cuộc đời nhẵn lì này”. Nhưng khóc là gì? Nếu không phải là sự thể hiện của tính người phát xuất từ những vùng sâu kín nhạy cảm nhứt của bạn? Vì thử tưởng tượng một ngày nào đó, sẽ không còn một ai biết khóc nữa hết trên thế gian này! Khi đó, chúng ta có còn là những con người toàn vẹn nữa hay chăng?

Kết thúc phần “Phê bình Kiệt Tấn” là hai bài nhận định của Huỳnh Nhựt Hải, đặc biệt giới hạn ở hai đề tài nổi bật trong bút pháp của Kiệt Tấn: Bỡn cợt và văn chương tính dục. Hai bài phân tích này khiến cho độc giả nhận thức thêm về tính khí của Kiệt Tấn trong đời thường, cũng như cách nhìn đời và nhìn người, với ít nhiều tâm lý và triết lý của nhà văn này. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về tác giả qua hai số tạp chí:

– VĂN, số đặc biệt về Kiệt Tấn. Số 117 và 118, tháng Chín và Mười, 2006 (Mỹ).

– QUÁN VĂN, Chuyên đề Kiệt Tấn (tháng Mười Một 2014/ Sài Gòn).

Phần “Kiệt Tấn viết về người khác” không hẳn là những bài phê bình, mà là những bài có tính cách “điểm sách” cộng thêm một vài nhận xét. Các tác giả được Kiệt Tấn đề cập tới có Thanh Tâm Tuyền, nhân dịp nhà thơ “Hoàng đế cô độc” này qua đời tại Mỹ. Trong bài viết, Kiệt Tấn gợi lại một vài kỷ niệm với Thanh Tâm Tuyền thời còn trẻ ở Sài Gòn. Kế tiếp là hai bài viết về những truyện ngắn và tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư, một ngòi bút nữ hãy còn trẻ thuộc vùng đất Hậu Giang – cũng như Kiệt Tấn. Thì ủng hộ “gà nhà” một phát! Thiệt ra thì Kiệt Tấn có thể chia sẻ được những kinh nghiệm và cảm nghĩ của Nguyễn Ngọc Tư, vì đã từng sống trên cùng một vùng đất phù sa chằng chịt sông nước. Chót kết là bài điểm sách “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân, một người viết truyện tình đằm thắm nhưng trắc trở, kèm theo những ưu tư về các vấn nạn của con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, như đã nói, Kiệt Tấn không phải là một ngòi bút chuyên về phê bình. Vì thế, những nhận xét của Kiệt Tấn có thể xem như là “ý kiến bạn đọc”, vậy thôi.

Sau cùng là hai truyện ngắn có vẻ “lạc điệu” giữa vùng đất phê bình. Lý do: hai bài này là hai truyện ngắn còn sót lại của Kiệt Tấn chưa được in ra. Truyện “Lời khai” có khí hậu Kafka, nhưng là truyện có thiệt: nhân vật Bảy Câm là chú ruột của Kiệt Tấn ngoài đời. Bởi không nói được nên người chú bị du kích bắt nhốt vì tình nghi chú là gián điệp giả dạng. Và chú bị tra tấn tàn độc, buộc phải cung khai. Những tình cảnh “hiểu lầm” và bị thủ tiêu này không phải là hiếm hoi gì trong thời buổi chiến tranh: Không còn một ai tin ai! Kết thúc quyển sách này là truyện “Bạch thử cô nương”. Độc giả thình lình bị đưa vào một vùng khí hậu rất mực là (tân) Liêu Trai, có thể khiến cho trong người cảm thấy “khó ở”, bất ổn tâm lý. Rất hiếm khi Kiệt Tấn viết hư cấu. Vì theo lời “thành thật khai báo” của tác giả, nội ba cái truyện thiệt của đời mình viết ra cũng đủ hụt hơi!

“Quả thiệt là rắc rối cuộc đời”!

N.G.T
Sài Gòn, tháng Chín, 2014



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: