Nguyễn Hưng Quốc: Chế độ kiểm duyệt (Kỳ 1)

cover2.jpg
Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản 1945-1990
(Vietnamese Literature under the Communist Regime, 1945-90)
First published by Văn Nghệ in 1991, reprinted in 1996
This edition published by Người Việt in 2014
14771-14772 Moran Street
Westminster, CA 92683-USA
Phone: + (1) 714-892-9414
Homepage: http://www.nguoi-viet.com/
Photo and cover design by Trần Minh Triết
ISBN: 978-1500711511
© Nguyễn Hưng Quốc & Người Việt, 2014
All rights reserved.

 

Trích “Văn Học Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản – 1945-1990” – Người Việt tái bản lần thứ ba tại Hoa Kỳ, 2014.

Bất cứ người cầm bút nào dưới chế độ cộng sản cũng đều lệ thuộc vào ba tổ chức: một tổ chức đảng, một tổ chức nhà nước và một tổ chức quần chúng.

Tổ chức đảng có nhiệm vụ lãnh đạo. Đó là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương trước đ ây, Ban Tư tưởng – Văn hoá hiện nay. Lãnh đạo ở ba phương diện: tư tưởng, nghệ thuật và sinh hoạt.

Tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý. Đó là Bộ Văn hoá đối với các ngành nghệ thuật tạo hình (hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc), nghệ thuật biểu diễn (ca, nhạc, kịch, điện ảnh) và Bộ Thông tin đối với văn học và báo chí. Có ba lãnh vực được quản lý: ngân sách, nhân sự và cơ sở. Có ba loại cơ sở: nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành.

Tổ chức quần chúng của giới cầm bút là Hội Nhà văn và rộng hơn Hội Nhà văn là Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.

Vấn đề là: tổ chức nào có quyền hạn kiểm duyệt văn nghệ?

Dĩ nhiên không phải là Hội Nhà văn hay Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đó chỉ là những tổ chức có tính chất “mặt trận”, chức năng chủ yếu là tập họp lực lượng để nhà nước dễ quản lý và đảng dễ lãnh đạo. Thế thôi. Ngay cả Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký Hội Nhà văn, đến đầu năm 1989, cũng có đến sáu vở kịch bị cấm xuất bản.1

Không phải Bộ Thông tin. Trong Bộ Thông tin có Cục xuất bản, nhưng La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản lại xác định nhiệm vụ của Cục chỉ là “tổng hợp, cân đối, kiểm tra các kế hoạch, đề tài hàng năm và ký xác nhận vào các bản kế hoạch (kể cả các kế hoạch bổ sung), đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của từng nhà xuất bản”.

La Thăng lại nhấn mạnh: “Cục xuất bản không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách”.2

La Thăng không nói dối. Trong Bộ Thông tin hoặc trong Cục xuất bản không có một cơ quan nào chuyên trách về vấn đề kiểm duyệt nội dung sách báo, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa gì. Và Bộ Thông tin cộng sản, từ xưa đến nay, chưa bao giờ lệnh cấm hay thu hồi một tác phẩm nào cả;3 cũng chưa bao giờ truy tố hay trừng phạt một tác giả nào cả (trừ trường hợp sách, báo xuất bản “chui”). Trước đ ây, cộng sản đ ã không ngừng khai thác tính chất “hiền lành” và “vô hại” ấy của Bộ Thông tin để tuyên truyền cho sự tự do sáng tác và tự do sáng tạo dưới chế độ của mình.

Theo dõi tất cả những vụ án văn nghệ dưới chế độ cộng sản, người ta luôn luôn bắt gặp một thủ phạm duy nhất:

Ðảng. Luôn luôn là đảng. Không phải Ban Tuyên huấn thì là Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương của đảng. Không có ai khác. Người tự nhận nắm vai trò lãnh đạo văn nghệ cũng đồ ng thời là người thực hiện việc kiểm duyệt văn nghệ.

Cũng La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin cho biết:

Các sách của các nhà xuất bản chuyên nghiệp, theo nguyên tắc, phải được ghi trong kế hoạch hằng năm của nhà xuất bản, được cấp lãnh đạo các bộ, các ngành, các đoàn thể xét duyệt (đối với các nhà xuất bản ở trung ương), hoặc được hội đồng xuất bản xem xét, và Ban Tuyên huấn tỉnh, thành xét duyệt (đối với các nhà xuất bản địa phương).4

Đối với các nhà xuất bản địa phương, ý của La Thăng đã rõ: nhiệm vụ kiểm duyệt (ông gọi là xét duyệt) nằm trong tay Ban Tuyên huấn thuộc tỉnh ủy hoặc thành ủy. Nhưng đối với các nhà xuất bản ở trung ương, cách diễn tả ở trên có phần hơi mơ hồ. Cơ quan chủ quản của nhà xuất bản là ai? Ví dụ, cơ quan chủ quản của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Nhưng Hội Nhà văn lại không có quyền hạn kiểm duyệt các ấn phẩm của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Nhớ lại lời phát biểu của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh: “Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được ‘ý kiến’ vào đấy”.5

Vậy ở đây phải hiểu là cơ quan chủ quản cao nhất chứ không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp. Cơ quan chủ quản trực tiếp của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Cơ quan chủ quản cao nhất của nó lại là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ.

Nhà bình luận văn học Nguyễn Hưng Quốc (Ảnh: Uyên Nguyên)

Trong Lời giới thiệu quyển Từ đ iển Việt Anh của Bùi Phụng, do trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản năm 1986, Phan Hữu Dật viết:

… cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng sau khi được xuất bản, đã được đông đảo người đọc trong và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học, sinh viên và học sinh sử dụng rộng rãi và hoan nghênh… Trong tám năm qua, kể từ khi cuốn Từ điển được xuất bản, trường chúng tôi đã nhận được yêu cầu của nhiều cơ quan và cá nhân trong và ngoài nước đặt mua, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được vì sách đã bán hết.

Lần này, được phép của Ban Tuyên huấn trung ương đảng, Bộ Văn hoá và Thông tin, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng.

Hai cơ quan cấp giấy phép để tái bản quyển Từ điển Việt Anh, theo lời Phan Hữu Dật, hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là Ban Tuyên huấn và Bộ Văn hoá và Thông tin (sau này tách đ ôi thành Bộ Văn hoá và Bộ Thông tin).

Cũng cùng một vấn đề như vậy, nhưng Thuận Trung, trên tạp chí Cộng sản tháng 6-1989 viết rõ hơn, chi tiết hơn:

… Nhà xuất bản Đại học được Vụ xuất bản Ban tuyên huấn trung ương và Cục xuất bản Bộ Thông tin cho phép in lại một số tác phẩm của Tự Lực văn đoàn (có kèm theo lời giới thiệu, đánh giá và hướng dẫn nghiên cứu) trong “Tủ sách nhà trường” dành cho sinh viên (trang 62).

Như vậy, hai cơ quan trực tiếp đảm nhận việc kiểm duyệt là Vụ xuất bản thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương và Cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin. Ở trên, La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản đã cho biết là Cục này chỉ có nhiệm vụ “tổng hợp, cân đố i, kiểm tra kế hoạch đề tài hằng năm” chứ “không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách”. Dùng phép loại trừ, chúng ta có thể kết luận: đảm nhận việc kiểm duyệt sách dưới chế độ cộng sản là Vụ xuất bản trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Kiểm duyệt báo lại có một cơ quan khác cũng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương: Vụ báo chí.

Có thể nêu lên một đặc đ iểm lớn đầu tiên của hệ thống kiểm duyệt văn nghệ dưới chế độ cộng sản: hệ thống kiểm duyệt ấy nằm trong tay đảng chứ không phải nằm trong tay nhà nước. Tổ chức đảng đặc trách vấn đề kiểm duyệt là Ban Tuyên huấn, hoặc nói cụ thể hơn, là Vụ xuất bản và Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn.

Đặc điểm thứ hai: Vụ xuất bản và Vụ báo chí thuộc Ban Tuyên huấn không có văn phòng cố định để mọi người có thể đến đó nộp bản thảo chờ kiểm duyệt. Phương thức làm việc của Vụ xuất bản và Vụ báo chí là phân tán nhân sự và quyền hành xuống các cơ sở. Ban Tuyên huấn chỉ là kẻ quyết định cuối cùng trước khi in. Với phương thức tổ chức như thế, hệ thống kiểm duyệt dưới chế độ cộng sản được phân chia thành nhiều đợt qua nhiều cấp khác nhau:

Đối với báo chí, có ba cấp:
1. Ban biên tập
2. Ban giám đốc
3. Ban tuyên huấn (nếu là báo chuyên về văn nghệ thì có sự cộng tác của Ban Văn hoá Văn nghệ).

Đối với sách cũng có ba cấp:
1. Ban biên tập
2. Hội đồng nghệ thuật của nhà xuất bản
3. Hội đồng xuất bản trung ương hoặc địa phương (do Ban Tuyên huấn chủ trì).

Trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29-4-1989, Phạm Đức tóm lược những “con đường đau khổ” mà một tác phẩm văn học phải trải qua để đến được với quần chúng: “Trong cách thức xuất bản hiện nay… mỗi quyển sách được ra đời đều đã qua khá nhiều ‘cửa ải’ (Người biên tập các cấp, tổng biên tập và giám đốc Cục, Vụ duyệt đề tài).”

Bất cứ tờ báo hay tạp chí nào tại Việt Nam cũng đều có một ban lãnh đạo do tổng biên tập và các phó tổng biên tập cầm đầu. Trực thuộc ban lãnh đạo có hai bộ phận: bộ phận quản lý và bộ phận biên tập, thực chất là bộ phận kiểm duyệt cơ sở. Bộ phận quản lý gồm các phòng: tổ chức, hành chánh, kỹ thuật và tài vụ. Bộ phận biên tập, tuỳ theo từng loại báo hay tạp chí, có những cơ cấu khác nhau. Báo chuyên về chính trị như tạp chí Cộng sản chẳng hạn, có năm Vụ biên tập: Vụ biên tập về kinh tế, Vụ biên tập về chính trị, Vụ biên tập về văn hoá, Vụ biên tập về các vấn đề xây dựng đảng và Vụ biên tập về các vấn đề quốc tế.

Báo văn nghệ cũng có năm bộ phận biên tập khác nhau, gọi là Ban: Ban văn, Ban thơ, Ban lý luận phê bình, Ban văn học nước ngoài và Ban thời sự văn học.

Mỗi loại hình văn học đều có ít nhất hai biên tập viên. Bài lai cảo gửi tới người này đọc rồi chuyển qua người kia đọc tiếp. Quyết định chọn đăng, cả hai người cùng ký tên trên bản thảo. Rồi chuyển lên cho tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập. Tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập đọc lại và nếu đồng ý với đề nghị của biên tập viên, lại phải ký tên vào bản thảo. Những chữ ký ấy xác nhận sự liên đới trách nhiệm giữa Ban lãnh đạo, các biên tập viên và tác giả nếu sau này người ta phát hiện trong bài viết ấy có “vấn đề” gì về tư tưởng.

Trước khi đưa sang nhà in, tất cả các bài vở đều phải được Ban Tuyên huấn trung ương hoặc địa phương kiểm duyệt lần cuối cùng: “Cho đến bây giờ nhiều tỉnh phía Nam (ngoài Bắc tôi không rõ), Tuyên huấn vẫn còn duyệt bản thảo báo Văn Nghệ trước khi in”, theo lời tiết lộ của nhà văn Mai Văn Tạo trên báo Văn Nghệ số ra ngày 11.6.1988.

Nói tóm, để xuất hiện trên mặt báo, bất cứ bài viết nào cũng trải qua ba lần bị kiểm duyệt: các biên tập viên, tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập của Ban Tuyên huấn.

Trọng tâm của sự kiểm duyệt không phải chỉ là tư tưởng chung chung thể hiện qua chủ đề của tác phẩm mà còn đi sâu vào từng chi tiết, từng câu, từng chữ. Trên báo Văn Nghệ số Tết 1987, nhà văn Nguyễn Tuân kể:

… Nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ ‘Đại hội các loài chim’, một cán bộ biên tập đ ã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ Đại hội đ i vì sợ người ta liên hệ đến đại hội đảng.

Nhà văn không chịu sửa chữa theo những đề nghị quái gở của các cán bộ biên tập ư? Thì không sao cả. Chỉ có điều tác phẩm ấy sẽ mãi mãi nằm yên trong ngăn kéo, không bao giờ xuất hiện với đời. Sỹ Ngọc viết về Nguyễn Tuân:

Người ta vẫn sợ anh, và bài báo nào anh viết, quyển sách nào của anh cũng bị coi từng chữ, từng câu, vì họ rất sợ cái nói toạc sự thật, lối nói riêng của anh không khuôn theo một lối nói có sẵn của xã hội. Vì vậy, quãng sau này anh ít được in sách, tuy có túng bấn, anh vẫn không chịu sửa theo ý người khác.6

Trong một bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 2.9.1988, Đoàn Giỏi kể có lần Nguyễn Tuân gửi bài đến báo Cứu Quốc ở Hà Nội. Các biên tập viên tự ý chữa bài của ông đến nát bét cả. Lại chữa bậy. Và không hỏi ý kiến nhà văn đến một lời. Lần ấy, cầm tờ báo đọc, không nén được sự phẫn nộ, Nguyễn Tuân đã cầm ba-toong rượt đánh các biên tập viên báo Cứu Quốc. Rồi ông nghẹn ngào than: “Của người ta trau chuốt, cân nhắc, nâng niu từng chữ mà mấy ông nội cứ a-lê-hấp, phạt y như phạt cỏ”.

Mô hình tổ chức ở các nhà xuất bản cũng giống nhau như ở các toà báo, có điều quy mô lớn hơn, do đó, cồng kềnh hơn.

Đứng đầu nhà xuất bản là Ban giám đố c. Thuộc quyền Ban giám đốc cũng có hai bộ phận: bộ phận quản lý và bộ phận biên tập. Bộ phận quản lý gồm: Phòng chính trị, Phòng kinh tế, Phòng khoa học kỹ thuật, Phòng văn hoá, Phòng hành chánh trị sự và Phòng tài vụ. Bộ phận biên tập, tuỳ nhà xuất bản, được tổ chức khác nhau. Riêng các nhà xuất bản thuần tuý văn nghệ thì gồm: Phòng biên tập thơ, Phòng biên tập văn xuôi, Phòng biên tập nghiên cứu lý luận phê bình, Phòng biên tập văn học nước ngoài.

Quá trình kiểm duyệt ở nhà xuất bản, trong giai đoạn đầu, cũng giống như ở các báo và các tạp chí. Luôn luôn có hai biên tập viên cùng đọc, cùng nhận xét và cùng quyết định
việc đề nghị chọn in hay không. Tất cả những nhận xét và đề nghị ấy đều được ghi vào biên bản cụ thể.

Hoàng Minh Châu kể về việc kiểm duyệt tập thơ Cửa mở của Việt Phương năm 1969 như sau:

… Xét bản thảo có thể in, tôi bèn chuyển anh Yến Lan đọc tiếp. Yến Lan cũng đồng tình với tôi, nhận định đây là cây bút có tìm tòi, là một ‘sự kiện văn học’, tuy cũng thấy vài chỗ cần bàn bạc thêm. Chúng tôi thống nhất ý kiến, chọn chặt lại cùng nhau đặt tên tập thơ là Cửa Mở và chuyển lên giám đốc.7

Lời kể của Hoàng Minh Châu có hai chi tiết khá rõ: một, có hai biên tập viên cùng kiểm duyệt một tác phẩm trước khi đưa lên giám đốc; hai, hai biên tập viên ấy có quyền “chọn chặt lại”, nghĩa là, nói cách khác, có quyền loại bỏ những bài họ thấy không hợp ý.

Có một chi tiết khá mơ hồ: “bàn bạc thêm”. Là sao? Nguyễn Khải sẽ trả lời trong bài Người viết với sách in đăng trên báo Văn Nghệ số Tết 1988: bản thảo

gửi tới một nhà xuất bản nào đó. Bắt đầu sống những ngày căng thẳng trong chờ đợi. Một tuần hy vọng rồi lại một tuần thất vọng. Một tháng hy vọng rồi lại một tháng thất vọng. Nhiều khi đã thất vọng đến hoàn toàn mới nhận được giấy mời tới bàn bạc để đưa vào kế hoạch in. Bàn bạc nghĩa là yêu cầu tác giả nên sửa chữa, không nhiều, chỉ xem lại một chút cái phần mở đầu, cái phần kết thúc và một vài chi tiết ở chương này, một vài chi tiết ở chương kia và… và… Nghe mà ớn lạnh, nhưng không thể trả lời là tôi không sửa, là tôi sẽ lấy lại bản thảo đem về, mà vẫn phải chăm chú, vẫn phải tươi cười, vẫn phải lễ độ mà rằng: tôi xin tiếp thụ, tôi xin sửa chữa lại tất cả, tôi xin… tôi xin…”

(Còn tiếp)

 


1. Văn Nghệ, Hà Nội, 11.3.1989.
2. Nhân Dân, Hà Nội, 24.4.1989.
3. Sau này thì có. Nhưng điều đó vượt ra ngoài thời gian nghiên cứu của cuốn sách này vốn dừng lại ở năm 1990.
4. Văn Nghệ, Hà Nội, 24.9.1989.
5. Văn Nghệ, 5.9.1987.
6. Dẫn theo Thi Vũ, Hoài niệm Nguyễn Tuân, Quê Mẹ số 86.
7. Văn Nghệ, Hà Nội, 17.12.1988.

 



Chuyên mục:Trên kệ sách

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: