Trần Quang Ðức: Về Chân Dung Quang Trung

Mấy bữa nay cộng đồng facebook náo loạn, tôi cứ ngập ngừng, nửa muốn trả lời đôi câu, nửa muốn lặng im, bởi ai hiểu thì đã hiểu, còn ai không hiểu thì dẫu có nói thêm, rốt cũng chẳng đạt hiệu quả giao tiếp. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ vẫn nên nói đôi lời để hầu chuyện người đương thời, thứ còn làm cái chứng cớ cho thế hệ hậu sinh vài chục năm sau còn được tỏ tường, khảo chứng.

Tôi được 1 người bạn thân ở TQ gửi cho 1 tấm ảnh, trong đó có thể nhận đọc một số chữ: Tân phong An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên khác của vua Quang Trung). Tranh gốc hiện được lưu giữ tại Tử Quang các, Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Bức ảnh hiện lưu hành được chụp lại trong tập sách ảnh những bảo vật được đem đấu giá từ năm 1981 có tên đầy đủ 1981年苏富比拍卖图册 (1981 niên, Tô Phú Tỉ phách mại đồ sách). So với các bức tranh chân dung Quang Trung hiện lưu hành, có thể nói bức tranh này gần với ”sử thực” hơn cả. Trong stt tương quan, tôi đã nói các bức tranh chân dung hiện lưu hành ở ta đều là tranh nhầm lẫn, điều này có chứng cớ minh xác. Còn cái ”sử thực” tôi cho trong ngoặc kép, có nghĩa là nó có thể là ông Quang Trung thật cũng có thể là Quang Trung giả, điều này tùy thuộc vào việc ông Quang Trung sang nhà Thanh là ai. Có ông Nguyễn Xuân Diện viện Hán Nôm bảo tôi photoshop lừa mọi người, thì tôi cũng ko hiểu động cơ tôi lừa bịp là gì, và trong cái thời đại công nghệ này, làm gì có ai lừa được ai.

Về việc Quang Trung sang Thanh là thật hay giả, ông Nguyễn Duy Chính vào năm 2016 đã cho xuất bản chuyên khảo GIỞ LẠI MỘT NGHI ÁN LỊCH SỬ ”GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN” CÓ THỰC NGƯỜI SANG TRUNG HOA LÀ VUA QUANG TRUNG GIẢ HAY KHÔNG (235 trang, nxb Văn hóa – Văn nghệ). Sau khi đọc cuốn sách của ông Chính, tôi thấy lập luận cũng như chứng cứ của ông ấy đưa ra khá thuyết phục. Kết luận của ông là: Vua Quang Trung đã đích thân dẫn sứ đoàn sang triều kiến Càn Long. Tin đồn Quang Trung giả sang Thanh là do triều thần nhà Lê và Nguyễn phao tin.

Vì nhận định rằng Quang Trung sang Thanh là vị hoàng đế thật, cho nên ngay sau khi tôi cung cấp bức tranh chân dung vua Quang Trung được vẽ khi đi sứ, ông Chính đã rất phấn khích, coi đó là một phát hiện quan trọng mang tính chấn động. Chỉ có 3 ngày, ông đã viết xong 1 bài khảo cứu đối với bức tranh này, dài hơn chục trang. Rất tỉ mỉ cặn kẽ. Bài viết sau đó được rút gọn, đăng trên tạp chí Xưa Nay, số tháng 11, năm 2017. Ba ngày trước, nhà báo Lam Điền đưa câu chuyện này lên báo, và dĩ nhiên, do khuôn khổ của bài viết, những chứng lý của ông Chính không thể bày tỏ được tường tận.

Đối với sự việc này, cá nhân tôi giữ thái độ dè dặt. Sự dè dặt của tôi là do: 1. Ảnh được cung cấp là ảnh đen trắng chụp trong sách, (gạt mấy cái tinh thần yêu nước, chống Tàu nhiệt tình nhưng vô tri sang một bên) không phải loại ảnh ngụy tạo, mang động cơ chính trị gì hết, song muốn thực sự xác quyết vấn đề, khi và chỉ khi tiếp cận, khai thác được bản gốc. 2. Việc Quang Trung sang Thanh dẫu ông Chính chứng minh rất thuyết phục, tôi vẫn còn một số lăn tăn, nhất là những dòng ghi chép của sứ thần Triều Tiên cùng thời “Vua nước ấy (chỉ vị Quang Trung sang chầu) ngẫu nhiên hỏi sứ thần nước ta rằng cách Nhật Bản gần hay xa. Sứ thần đáp lời. Vua ấy định nói tiếp thì đám Phan Huy Ích đưa mắt ngăn cấm, hết sức đáng sợ”.

Dù sao, tôi cũng ko muốn đánh giá mấy vị trí thức yêu nước nhiệt tình đến độ như ông Chu Mộng Long đòi dìm tôi và ông Chính xuống biển hay yêu cầu truy tố tội phản quốc. Tôi chỉ thấy chán nản cho cái tệ trạng của nước mình, kêu gọi văn minh dân chủ mà tư duy thì không chịu dân chủ. Những hiểu biết về lịch sử chỉ là 1 thứ thông tin cũ kỹ giáo điều, vẫn là cái thói sùng bái anh hùng, lãnh tụ. Nhưng cứ hễ chửi Tàu, phất cờ dân tộc là hung hãn, hăng máu, chẳng khác cái thời cải cách ruộng đất là mấy. Giá như, cái nhiệt thành ấy mà biến thành tinh thần học hỏi, cái căm phẫn ấy mà biến thành động lực cầu tiến, có lẽ cái nước này đã chả nát tươm đến vậy. Nhưng thôi, có người nọ người kia. Rồi sẽ khác! Nhất định rồi sẽ khác!

ĐÂU MỚI THẬT QUANG TRUNG?

Lâu nay, hình minh họa Quang Trung Nguyễn Huệ trên tờ tiền 200 đồng của VNCH đã dần trở nên quen mắt, được sử dụng tương đối rộng rãi khi người ta muốn hình dung về vị vua áo vải cờ đào. Nhưng khi đối chiếu với bức tranh vua Quang Trung cưỡi ngựa in trong sách khảo cứu về Quang Trung từ xưa, có thể thấy rõ hình minh họa trong tờ tiền thời VNCH được tham khảo từ đó.

Có điều, trong giới khảo cứu, bức tranh chân dung Quang Trung cưỡi ngựa đã được chỉ ra là hàng nhái từ lâu. Nguyên mẫu của nó vốn là tranh chân dung Càn Long kỵ mã đồ 乾隆騎馬圖 của Trung Quốc.


Dựa vào sử liệu nhà Thanh, có thể chắc chắn một điều, Quang Trung khi ở Trung Quốc quả thực đã được vẽ lại chân dung. Nhưng tranh chân dung ấy hiện ở đâu, là tranh nào, thì xưa nay chưa thực xác quyết. Và vị Quang Trung khi sang nhà Thanh rốt cuộc là Quang Trung thật hay giả, cũng vẫn còn có nhiều tranh cãi. Khảo luận của Nguyễn Duy Chính gần đây chứng minh Quang Trung khi sang Thanh là Quang Trung thật, theo tôi, có tính thuyết phục cao.

Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với “sử thực” hơn cả. Có điều đến ảnh selfie còn ảo huống hồ là tranh vẽ.

Nguồn: FB Trần Quang Ðức



Chuyên mục:Bài hay trên net.

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: