Samuel Bercholz: Giới thiệu tác phẩm “Thiền Trong Hành Ðộng” của Hòa thượng Chögyam Trungpa Rinpoche – Ðạo Sinh dịch

THIỀN TRONG HÀNH ÐỘNG
Tác giả: CHÖGYAM TRUNGPA RINPOCHE
Việt dịch: ÐẠO SINH
Lotus Media xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019
Bìa và trình bày:
Uyên Nguyên
ISBN: 978-0-359-44710-7
All rights reserved
Printed in the United States of America. Copyright © 2019 by Lotus Media and Dao Sinh.


Ngày 17 tháng 1 năm 1960, Chögyam Trungpa Rinpoche và một nhóm nhỏ người tỵ nạn từ vùng Pemako, Tây tạng, vượt biên giới vào Ấn-độ. Theo sau họ là những toán quân cộng sản Trung quốc đang đuổi theo với ý định hoặc bắt giữ hoặc bắn chết. Năm đó Rinpoche chỉ mới 19 tuổi. Những chi tiết cuộc chạy trốn dài lê thê và gian khổ đã được kể lại trong Born in Tibet, tự truyện của tác giả viết cùng với Esmé Cramer Roberts năm 1965. (Nhà xuất bản George Allen & Unwin ấn hành lần đầu vào năm 1966.) Chúng ta biết được ông xuất thân là một nhà sư và đã được tài bồi để trở thành Trungpa Tulku thứ 11, hóa thân của một vị lạt-ma và là sư trưởng các thiền viện Surmang.

Trungpa Rinpoche ở lại Ấn cho đến năm 1963. Những kinh nghiệm lần đầu làm dân tỵ nạn là những công việc tay chân vất vả, kể cả việc sửa sang đường sá. Freda Bedi, một phụ nữ người Anh sống ở Ấn, đã làm việc với đức Đạt-lai Lạt-ma – người cũng vừa trốn khỏi Tây tạng trước đó – và chính phủ Tây tạng lưu vong để xây dựng ngôi trường Young Lamas Home School ở New Delhi, nơi các lạt-ma tái sinh trẻ tuổi có thể tiếp tục con đường Phật học, đồng thời khởi sự học thêm tiếng Anh và Hindi. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã mời ông làm cố vấn tâm linh cho nhà trường. Chính nhờ bà Bedi và những người phương Tây khác, đặc biệt là John Driver – một người Anh, và là đệ tử thành tâm của Dilgo Khyentse Rinpoche – mà Trungpa Rinpoche đã bắt đầu việc học tiếng Anh. Bà Bedi và ông Driver, cùng với Tibet Society của Anh quốc đã xin được học bổng Spalding cho ông sang học trường đại học Oxford.

Ở Anh, vốn liếng tiếng Anh được cải thiện của Trungpa Rinpoche đã giúp ông làm quen với triết học, tâm lý học, tôn giáo, cũng như nghệ thuật phương Tây. Ở Oxford ông kết thân với nhiều bằng hữu, một sự hội nhập rộng rãi đã giúp ông hiểu được tinh thần phương Tây, những hiểu biết đã giúp ông có thể giảng dạy Phật học bằng tiếng Anh sau này. Chẳng bao lâu ông bắt đầu có những buổi thuyết giảng bằng tiếng Anh, thu hút một lượng nhỏ các sinh viên yêu thích môn học này, kể cả một số sinh viên người Mỹ. Năm 1967, Johnstone House Contemplative Community, một trung tâm Phật giáo Theravada ở Dumfriesshire, Scotland, được chuyển giao cho Trungpa Rinpoche và cộng sự là Akong Rinpoche, và đổi tên thành Samye Ling Meditation Center. Ở Samye Ling, Trungpa Rinpoche bắt đầu dạy tự do, tạo được niềm phấn khích cho nhiều sinh viên tham dự các khóa thiền dài ngày.

Samye Ling bắt đầu gửi thư thông báo về các buổi giảng và các khóa tu do Trungpa Rinpoche tổ chức. Số người tham dự thường khoảng hai mươi người. Richard Arthure, thư ký và tài xế riêng của Trungpa Rinpoche, đã tập hợp một số bài giảng với ý định in thành sách để tăng thêm thu nhập cho trung tâm. Các bài giảng được ghi vào băng từ cỡ lớn. Richard chuyển biên, chỉnh lại để các ý tưởng trở nên rõ ràng và lưu loát hơn trong tiếng Anh. Richard cho biết:

Vào lúc tôi sắp xếp xong các bản đánh máy thì nhà thơ người Mỹ Robert Bly đến thăm nên tôi đã đưa cho ông xem. Tôi còn nhớ ông đã đề nghị một số thay đổi, đặc biệt là cách chấm câu. Chẳng hạn, ông không đồng ý kiểu bắt đầu mỗi câu bằng những từ như “Và vì thế…”

Cũng có người bàn nên lấy nhan đề là Meditation and Action (Thiền và Hành động) hay Meditation in Action (Thiền trong Hành động).

Bản thảo được đưa cho nhà xuất bản Vincent Stuart of Stuart and Watkins ở Luân-đôn, thông qua người bạn chung có liên quan đến Gurdjieff Work. May mắn thay lúc đó tôi có mặt ở Luân-đôn để tìm các đầu sách và bản thảo để xuất bản. Sau khi ông Stuart trao bản thảo cho tôi, tôi đã đọc say mê, chữ nghĩa nhảy vọt ra khỏi trang giấy như đang nói chuyện trực tiếp với tôi. Ngay lập tức tôi nhận ra đó là một tác phẩm quan trọng, chứa đựng một ý nghĩa đột biến đối với một thế hệ mới người phương Tây, những người đã nghe nói đến Phật giáo nhưng không biết làm thế nào để tiếp cận tu tập. Chúng tôi đã sắp xếp cho lần ấn hành này có kèm theo biểu tượng Shambhala để tác phẩm trở thành ấn bản đầu tiên trong chương trình xuất bản thuộc loại này. Sách được sắp chữ và in ở Scotland, một ngàn bản với biểu tượng nhà xuất bản Stuart and Witkins, một ngàn bản với biểu tượng nhà xuất bản Shambhala, giá bán 1,75 Mỹ kim.

Chuyến tàu chở một ngàn bản cập bến Port of Oakland, California, vào đầu tháng 9, 1969. Tôi nhớ mình đã đi nhận sách và mang đến hiệu sách Shambhala Booksellers ở Berkeley. Với sự nhiệt tình của bốn người điều hành hiệu sách, sách đã nhanh chóng bán ra, lúc đầu cho cộng đồng Berkeley, sau đó nhờ truyền miệng cho một cộng đồng người hâm mộ đông đúc hơn ở vùng vịnh San Francisco. Vài trăm bản được phân phối đến các hiệu sách khác ở Mỹ qua trung gian Book People, một nhà phân phối sách ở Berkeley. Trong vòng một tháng ba ngàn cuốn đã được tái bản. Suốt bốn mươi năm từ lần xuất bản đầu tiên sách đã được tái bản liên tục, đồng thời được dịch và ấn hành trong nhiều ngôn ngữ Âu Á khác nhau.

Các độc giả đầu tiên đã có đủ cảm hứng để chăm chỉ học hỏi và kể cho bạn bè nghe về Meditation in Action. Tác phẩm đã làm chấn động những người tìm kiếm tâm linh, già cũng như trẻ, của kỷ nguyên văn hóa song hành. Sức mạnh ngôn ngữ và truyền thông của tác phẩm đã trở thành một lời kêu gọi vang rền, minh thị rằng những lời dạy của đức Phật có thể áp dụng không chỉ ở châu Á mà còn cả thế giới phương Tây. Đã có một số tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh đề cập đến khả tính này, nhưng có thể nói rằng cuốn sách nhỏ bé này với một thông điệp lớn như thế là tác phẩm đầu tiên có thể truyền đạt trực tiếp bức thông điệp của Phật giáo, đặc biệt là kiến giải của Phật giáo Đại thừa. Giờ đây người đọc đã nhận ra rằng thiền và sự phát triển các phẩm tính siêu việt của các bồ-tát không phải là điều huyễn hoặc, mà là cái có thể làm được ngay ở đây và bây giờ. Một năm sau đó Zen Mind, Beginner’s Mind, tác phẩm của Thiền sư Shunryo Suzuki Roshi ở San Francisco được xuất bản. Từ cái nhìn của Thiền tông, tác phẩm này cũng đã giúp người đọc có cảm hứng để bước chân vào lĩnh vực tu tập của Phật giáo. Trong những năm đầu xuất bản, Zen Mind, Beginner’s MindMeditation in Action thường được đọc kèm với nhau.

Năm 1969 và 1970 là những năm quan trọng đối với Chögyam Trungpa Rinpoche cũng như đối với những người đã nhận được lợi lạc từ trí huệ và từ bi của ông. Suốt thời gian đó ông đã trở thành người Tây tạng đầu tiên làm công dân Vương quốc Anh. Ông rất vui về điều này; và từ đó trở đi trong phòng ông lúc nào cũng có bức chân dung Nữ hoàng Elizabeth. Ông cũng đã gặp một tai nạn xe hơi khiến ông bị liệt một phần cơ thể. Sau tai nạn đó ông quyết định khoác áo cư sỹ, từ bỏ đời sống tự viện. Ông mô tả điều này trong các bài viết của mình như một sự “tháo mặt nạ”, một hành động có thể cho phép ông sát cánh với học trò của mình hơn chứ không chỉ xuất hiện như một guru phương Đông ngoại nhập nào đó. Ông đã nói đùa là ông không muốn trở thành một “lạt-ma-vật-cưng” (pet lama) của bất cứ ai. Ông cũng đã lập gia đình với Diana Judith Pybus, một thiếu nữ người Anh. Những thay đổi gây nhiều tranh cãi trong cuộc đời Chögyam Trungpa Rinpoche khiến ông khó tiếp tục sống và giảng dạy ở Vương quốc Anh. Một số học trò người Mỹ khuyến khích ông và vị hôn thê sang Bắc Mỹ định cư vào đầu năm 1970. Họ đã xây dựng sẵn một trung tâm ở Barnet, Vermont, mang tên Tail of the Tiger; sau được đổi thành Karmê Chöling Buddhist Meditation Center.

Từ lúc ông đến đây vào năm 1970 cho đến lúc vĩnh viễn ra đi vào năm 1987, Trungpa Rinpoche đã có hàng trăm, có lẽ là hàng ngàn, pháp thoại về nhiều lĩnh vực khác nhau của Phật giáo trước hàng vạn thính chúng. Ông trình bày giáo lý Phật học căn bản, bao gồm các huấn thị về thiền cho những người quan tâm thực sự đến việc tu tập. Ông luyện tập cho đông đảo thính chúng các phép tu Đại thừa hầu làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, hướng dẫn cặn kẽ cách thực hành lojong, hay luyện tâm. Ông cũng tổ chức các buổi pháp thoại rộng rãi về Phật giáo Kim Cang thừa trong truyền thống Ấn-Tạng; và đối với những người đã trở thành học trò thân cận ông đã khai thị các pháp tu thâm áo về Mahamudra và Dzogchen. Mười bảy năm giảng dạy quý giá đó là một sự hiển bày lớn lao của trí huệ và hoạt động giác ngộ, tương tợ sứ mệnh của Đại thánh Padmasambhava khi Ngài hoằng truyền Phật pháp vào Tây tạng từ vùng Oddiyana của Ấn quốc vĩ đại vào thế kỷ thứ tám.

Trungpa Rinpoche đã trình bày Phật pháp theo ngôn ngữ và cách nói của những người ông gặp. Ông đã sử dụng tiếng Anh theo cách có thể làm Phật pháp trở nên dễ hiểu; và các hành giả phương Tây có thể tiếp cận theo cách mà họ chưa bao giờ gặp trước đây. Ông là người tiên phong trong việc tạo ra một ngôn ngữ gọi là “tiếng Anh tạp Phật giáo” (Buddhist hybrid English) có thể truyền đạt trực tiếp và chính xác. Nhờ công phu khai phá của ông mà những người đã và đang giảng dạy Phật học ở phương Tây đều có thể hoàn thành hiệu quả công việc của mình, cho dù họ có biết về điều này hay không. Hơn nữa, ông đã giảng dạy Phật pháp để tất cả mọi người đều có thể tu tập mà không cần phải trở thành những người “Tây tạng hay Nhật bản nhỏ bé, hay bất cứ cái gì khác.”

Mặc dù ông đã ra đi hơn hai mươi hai năm trời nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp được tâm thức của ông qua các bài pháp thoại vẫn còn hiện hữu trong các tác phẩm, thi ca, băng hình của ông. Chúng ta cũng có thể bắt gặp tâm thức ông qua các tác phẩm nghệ thuật và rất nhiều cơ sở mà ông cùng học trò đã tạo lập. Ngay cả chúng ta cũng có thể trở thành học trò của ông qua sự nối kết với ông qua các bài giảng.

Tôi nguyện cầu Phật pháp được thiết lập khắp các phương trời thế giới vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh. Với niềm tôn kính thâm sâu, tôi xin đảnh lễ Chögyam Trungpa Rinpoche, vị thánh Phật giáo vĩ đại của thế kỷ 20, người đã soi sáng thế giới phương Tây bằng chính trí huệ và lòng từ bi không biết mệt mỏi của mình.

Samuel Bercholz
4 tháng 4, 2010



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: