Trà Vigia: Mỹ Sơn Ngày Về

Thánh địa Mỹ Sơn, (nguồn Internet)

Muốn đạt đến cái Mĩ thì phải trải qua cái Thiện và muốn đạt đến cái Thiện thì phải đạt được cái Chân, Chân-Thiện-Mĩ là một quy trình tu dưỡng và tôi luyện của cái Tôi hiện hữu trong một vòng đời. Trong triết lí Chăm thì giai đoạn Shiva là đi tìm cái Chân, Vishnu là đi tìm cái Thiện và cuối cùng Brahma là đạt đến cái Mĩ, khi đạt đến tâm cảnh Toàn Chân-Toàn Thiện-Toàn Mĩ đó thì con người mới có đủ năng lực sáng tạo có giá trị đúng nghĩa. ~ trích TRÀ VIGIA, MỸ SƠN NGÀY VỀ – TAGALAU 21

Lần đầu tiên tôi có diễm phúc được đặt chân lên Thánh địa Mỹ Sơn là vào năm 2000, năm mà Thánh địa Mỹ Sơn được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ngày ấy trong một buổi nhậu cùng một nhóm bạn, rượu lâng lâng và hồn bâng khuâng bay bổng khiến một ai đó đề xuất rằng chúng ta nên có một chuyến hành hương tìm về cội nguồn! Quá tuyệt vời cho một lũ người chỉ biết gà què ăn quẩn cối xay cùng lũ chim sẻ ríu rít bên mái hiên đời, giờ thì có thể chắp cánh đại bàng bay lên núi thẳm chẳng khác gì con chim thần Garuda bay vào huyền thoại cao vời. Chuyến đi được khởi hành trong những ngày cuối hè khi những tia nắng thu đầu tiên len lén nhẹ nhàng trong cơn gió heo may ngập ngừng mời gọi ngày tựu trường của năm học mới. Một đoàn gồm mười mấy người có đủ thành phần, đặc biệt có mấy bà phụ nữ có mang theo lễ vật để cúng bái, đàn ông Chăm mà không có phụ nữ Chăm đi theo hộ vệ thì hỏng chuyện cùng rách việc. Đơn giản là phụ nữ phải lo chu toàn mồi mè cho đàn ông nhâm nhi bốc phét, phải lo khấn vái cầu nguyện cho quốc thái dân an bởi thần linh chỉ tin vào những gì quý bà nói hơn là tin những gì quý ông làm. Cũng chẳng có gì phải than phiền hay ganh tị, bởi phụ nữ Chăm là muôn năm còn đàn ông Chăm thì muôn thuở! Nói chung thì có rất nhiều điều để ghi nhận trong vui buồn lẫn lộn giữa trần tục và thiêng liêng, giữa hiện tại và quá khứ để ngày mai vẫn lấp lửng đâu đó chẳng thể định hình. Sau chuyến đi tôi có viết bút kí Mỹ Sơn đường về để đón nhận một chặng đường và một chặng đời, hôm nay tôi lại viết bút kí Mỹ Sơn ngày về để tìm lại chính mình và xa hơn: Đi tìm loài người trong một thời gian đã mất… và không thể mất!

Công việc hiện tại của tôi là chẳng làm việc gì vì những gì tôi có thể làm được thì tôi cũng đã làm rồi, những gì tôi muốn làm cho ra hồn thì tôi chẳng còn hơi sức nữa hay chẳng còn một hứng thú nào! Đến một lúc nào đó thì đi để trở về và đi là ở lại hình như cũng chẳng khác nhau, nhưng con người không thể ngồi yên một chỗ khi ta vẫn chưa nằm chơi trong huyệt mộ cùng lũ côn trùng. Tiếng gọi từ nơi xa thẳm vẫn luôn vang vọng trầm hùng đôi khi nỉ non thánh thót, như từ hư vô mơ hồ nhưng lại khẽ khàng như trong chính nhịp đập của con tim khi ta vô tình buông tiếng thở dài hay buột miệng thở hắt! Nơi ấy luôn có tình người thân thương loáng thoáng những bóng ma Hời bên thềm hoang phế tích, ta ẩn vào và chui ra như thể tái sinh một lần và ngàn đời không dứt. Ừ cũng chỉ một chuyến xe thôi mà, Mẫn cho anh hai trăm làm nền/ Tặng cho cei hai trăm phụ trợ /Viya cho ba năm trăm khứ hồi còn những việc khác có thần linh lo bởi người tính không bằng trời tính! Đúng là: Daok tapak Po swak có nghĩa là sống ngay thẳng thì trời thương sòng phẳng, cứ đi rồi sẽ đến bởi có đến rồi mới thấy. Chăm nói: Po Debita dơng di dwa guk bira nghĩa là Thượng đế đứng trên hai bả vai chúng ta để xem xét hết thảy mọi việc, cho nên đừng làm việc gì gian dối thì mọi việc sẽ tai qua nạn khỏi không kể mồi nhậu thì vô tư… Không hề sai một chút nào, đón xe thì hơi chật vật đôi chút vì nhà xe hẹn 6 giờ nhưng lên xe thì 9 giờ rưỡi tối, giờ GMT ở nước này là vậy nên cuộc đời cứ vẫn đẹp sao! Đến nơi 10 giờ có Jayang đón đợi rồi hai chú cháu cùng đi ăn sáng, đến nhà Chế Vũ rửa ráy qua loa cho sạch bụi trần rồi hai đứa đi ghé thăm nhà người bạn ở gần đó để lấy hên. Chủ nhà đâu không thấy chỉ thấy một nhóm bạn nhiếp ảnh đang tào lao tán dóc bên bình trà, còn chủ nhà nghe nói đang vi vu với bồ nhí tận Malaysia trên chót vót tòa nhà tháp đôi nhìn qua lân quốc Sư Tử. Người bạn tôi tên Hỉ luôn nhận mình là ma Hời nhưng mới là bản sao, nhóm nhiếp ảnh gặp tôi liền thấy đây chính là bản gốc nên cứ bấm máy lia lịa như sợ rằng tôi sẽ tiêu tan biến đi trong chốc lát! Liền đó dời chỗ ra không gian rộng cho thoáng sáng sủa hơn rồi cấp cứu gọi ngay một thùng bia và 10 tô mì Quảng. Linh thiêng thật khi rượu vào là lời ra ngay không cần phải khấn vái gì cả, ai cũng lên đồng hỉ xả như mình đã gặp nhau tu luyện từ kiếp nào về kiếp nay hội tụ. Có mấy bạn chắc tửu lượng yếu nên lần lượt ngã đài, Chàm uống rượu có bùa nên yêu nước là phải thi đua mà muốn thi đua thì phải uống rượu. Ia mưrak alak raw là vậy bởi Chàm luôn thiếu máu nhưng đúng ra trong máu thì tỉ lệ rượu có phần hơn, có ấm ức muộn phiền gì thì cứ nốc rượu vào thì mọi thứ nhơ bẩn đều được tẩy uế! Ngà ngà say nên nỗi phải chia tay, tôi và Jayang tiếp tục bò lên Mỹ Sơn theo tiếng gọi của tiếng kèn Xaranai văng vẳng từ xa như gọi hồn người về cố quốc.

Những hình trang trí ở tháp Chăm được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch

Vẫn cảnh đấy người đây như 18 năm về trước, 18 năm thôi như đã một nửa đời người trôi tuột khỏi vòng tay ôm lơi rời rã. Nơi đây đã mọc lên những căn nhà khang trang hiện đại, anh bạn ngự lâm năm nào tên Tiến chỉ nơi mà chúng tôi đã từng ngồi bên nhau uống rượu dưới ánh trăng mờ rồi nằm lăn quay ngủ say trên bãi cỏ trong sương đêm buốt lạnh hồn người! Vẫn là thấy tháp như tháp thấy người như người, tháp ngày càng già đi và tôi cũng vậy nhưng chắc chắn một điều là khi tôi vĩnh viễn nằm xuống thì tháp vẫn sừng sững hiên ngang đứng đợi bao thế hệ sau. Ngậm ngùi từ giã tháp xuống núi về với phàm trần thắp lên ngọn lửa mới, thịt trâu nướng xèo xèo bốc mùi thơm dân dã về tận cánh đồng xa. Trâu ơi ta bảo trâu này/ trâu lên lò nướng trâu cày với ta, việc ai nấy làm để chúng ta cùng siêu thoát dưới vòm trời trong một chuyến đời trách nhiệm hữu hạn. Có thằng cháu tên Thành cùng đoàn với con tôi trong đoàn ca vũ năm xưa cùng ngồi nhắc lại kỉ niệm cũ, cháu điện cho Mị bảo nói chuyện với ba trong khung cảnh Mỹ Sơn hôm nay giờ đã thay da đổi thịt. Ai biết được ngày mai ra sao?!

Sáng hôm sau Jayang đèo tôi trên chiếc Honda xập xệ thẳng tiến về phố cổ Hội An, nơi có Jaka đang ngồi ngáp đón đợi tương lai trên cánh đồng bất tận giữa chốn sa mù. Giỏi, thế hệ trẻ bây giờ năng động là tốt, phải tìm một hướng đi nếu phía trước là một bức tường không thể dùng đầu để húc đổ hoặc chui qua khi không còn một lối thoát nào cụ thể. Paoh Catwai bảo: Ra caik dơr bbơng srik/Jwai bbwah lingik lac ngak di drei, nghĩa là người ta đều lắp cửa đẩy ở xung quanh, nếu ta không biết đẩy ra để tìm lối đi thì chỉ nên trách mình chứ không nên trách trời hay trách bất cứ một ai khác! Lại nhậu để sống và sống để nhậu, chủ nhà lấy ra một chai Whisky tiếp khách để tăng lực và tăng tốc cùng những con cua đỏ au trong đĩa sứ trắng. Lạ, chủ nhà da Pháp nhưng lại mang hồn Việt, chẳng biết có phải hồn Trương Ba da hàng thịt hay hơn thay vì da Trương Ba hồn hàng thịt. Tôi cũng không biết mình da Chàm mang hồn Việt hay da Việt mang hồn Chàm, theo tôi chẳng quan trọng bởi nhập nhằng giữa hình người mang dạ thú cùng hình thú mang dạ người là những gì chúng ta đang mục kích và sống chung. Nhất Lý có một phong cách ứng xử rất hay dễ gây ấn tượng đẹp, tôi chỉ quen đời sống hoang dã của con sói già lạc bầy qua những tiếng tru ma lúc nửa đêm về sáng! Trước khi về tôi ghé qua xem các bạn trẻ đang tập hòa mình vào ngôn ngữ hình thể múa đương đại, tôi có cảm tưởng các bạn đang tập thiền trong một hình thái khác mà loài người đã bỏ quên từ lâu khi đời sống tinh thần dần nhường chỗ cho yêu cầu vật chất. Tôi liên tưởng đến những Ngôi đền thiêng mà các vũ nữ Chăm đã miệt mài say mê tu dưỡng và rèn luyện những kĩ năng hát múa đến độ xuất thần dẫu khi đã hóa đá theo lời nguyền. Mỗi con người Chăm là một nghệ sĩ nhưng trước hết phải là một tu sĩ, tiềm ẩn trong đó là một chiến sĩ để chiến đấu với dục vọng và tà niệm với chính mình trong nội tâm hơn là chiến đấu với người khác trước ngoại cảnh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên về nghệ thuật trong cái nhìn về múa đương đại giữa Nhất Lý và tôi mà không cần một lời diễn giải, bởi vũ nữ Apsara từ trong đá bước ra cõi phàm tục giữa chốn không người rồi lại hóa thân vào đá như nhiên không cần ai dẫn dắt!

Muốn đạt đến cái Mĩ thì phải trải qua cái Thiện và muốn đạt đến cái Thiện thì phải đạt được cái Chân, Chân-Thiện-Mĩ là một quy trình tu dưỡng và tôi luyện của cái Tôi hiện hữu trong một vòng đời. Trong triết lí Chăm thì giai đoạn Shiva là đi tìm cái Chân, Vishnu là đi tìm cái Thiện và cuối cùng Brahma là đạt đến cái Mĩ, khi đạt đến tâm cảnh Toàn Chân-Toàn Thiện-Toàn Mĩ đó thì con người mới có đủ năng lực sáng tạo có giá trị đúng nghĩa. Một chuyến đi trong một chuyến đời mà không ai có thể dự báo được điều gì, may mắn thay tôi đã đi và đã đến và đã thấy những gì không cần mong đợi! Đôi khi phải cần một đoạn đường dài 1500km đi và về chỉ để viết một bài như tôi đang hòa mình cùng các bạn, bởi không phải chuyến đi nào cũng cho ta những giấc mơ hoa. Cũng cần ngần ấy chặng đường trong suy tưởng để lắng nghe và thấu cảm nỗi đời và nỗi người, bởi ta không thể ngồi trong salon máy lạnh để viễn mơ về một giấc mộng xa xôi! Xin cảm ơn vợ chồng Chế Vũ đã cho tôi một chốn dung thân trong thoáng chốc cuộc đời chan tình cảm thắm thiết quê hương, cảm ơn các bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh Sông Hàn đã cho tôi những cảm hứng bất chợt. Cảm ơn Jaka và Jayang đã cho tôi nỗi nhớ để tìm đến và tìm về, cảm ơn Nhất Lý đã cho tôi một khoảnh khắc để hiểu hơn về phận người và cuộc đời. Mong rằng sẽ có dịp gặp lại để cùng nhau sống nốt ngày vui…



Chuyên mục:Bài hay trên net.

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: