Quốc Bảo: Bạt cho “Lãng Du Về Miền Nhớ”

Tôi tự hỏi bao giờ thì tiếng Việt suy tàn, tất nhiên sự suy tàn của một ngôn ngữ không phụ thuộc hoàn toàn vào tầm quan trọng, sức ảnh hưởng hay số lượng người dùng. Có những ngôn ngữ vô cùng quan trọng đã chết, cái chết vinh quang bởi vì nó đã trao truyền xong gánh kinh nghiệm văn minh cho cả Âu châu — như tiếng La tinh. Có những ngôn ngữ chết vì ít người dùng quá, bạn có thể đọc cuốn Lịch Sử Tình Yêu nói về sự luân lạc truân chuyên chẳng kém đời Kiều của một văn bản tiếng Yiddish. Có những ngôn ngữ chết vì cả nền văn minh sụp đổ một sớm một chiều (Lưỡng Hà, Maya, Babylon). Nhiều lý do chết, và dù vinh quang hay ngậm ngùi thì cũng đều là cái chết. Tôi tự hỏi, bao giờ tiếng mẹ đẻ chết?Đó hẳn là một bi kịch. Nhưng thiết nghĩ, điều gì cũng có thể xảy ra. Thời bây giờ, người ta nói tiếng Việt ngọng nghịu, vốn từ hạn chế, trộn tiếng Anh (sai bét), thì vài mươi năm nữa tiếng Việt còn không? Tiếng Việt lại không phải là ngôn ngữ lưu giữ tư tưởng, luận lý hay hàm chứa những tầng ý nghĩa có khả năng thay đổi triệt để tâm linh con người (như Phạn ngữ), thì những người-không-Việt học nó, lưu truyền nó làm gì? Với tất cả tình yêu dành cho tiếng Việt, tôi viết. Tôi dùng tiếng mẹ đẻ như thể nó sẽ chết ngày mai, trong hai mươi bốn giờ sau cuối nó cần được vang lên một cách đường hoàng đẹp đẽ, không phải thứ tiếng Việt ngây ngọng, hoặc đèm đẹp xinh xinh nhưng vô nghĩa.

Tôi đọc chị vào một sáng cuối tuần Sài Gòn trở lạnh, cơn lạnh bất thường, để đọc một bản thảo bất thường. Lãng Du Về Miền Nhớ hay là cuộc đào thoát khỏi hiện tại chán ngán bằng cách dò tìm lại, bằng cực hạn của trí nhớ, những nẻo ngõ xưa xa của đời sống Saigon, chị Thanh Thủy? Nẻo ngõ nào, chập chùng nào, bi ai nào của quá vãng cũng là đẹp hơn bây giờ; Saigon quá vãng đêm trùng hay nắng chói, cũng là đáng yêu hơn bây giờ. Mes nuits sont plus belles que vos jours, chị Thủy? Người Saigon hơn tôi mười tuổi tròn kể cho tôi nghe chuyện thành phố, chuyện vui buồn nữ sinh ngày nào, chuyện đời sống nhỏ, chuyện giấc mơ lớn, chị kể tôi nghe hay là kể cho chính mình, kê đơn cho chính mình một liều thuốc an ủi dịu dàng: người Saigon đã sống đẹp, sống nhẹ nhõm, sống thanh cao như thế nào.

Tuổi trẻ của chúng tôi đã đau khổ, ước mơ, đã dằn vặt, ước mơ, đã chết đi sống lại, ước mơ, đã thoi thóp ốm bệnh, ước mơ—bất chấp tất cả mọi điều không may, ước mơ thì còn nguyên vẹn, vạm vỡ, xanh tươi như những màn xanh, những rợp xanh của mùa xuân không bao giờ chết trên thành phố. Nghệ thuật, âm nhạc, bài ca, dòng thơ, bộ phim, bạn hữu, cộng sự, dự án, học trò, thầy cô giáo, ẩm thực, quán xá, nhà thương, phố hè, đêm nhung, là hằng hà sa số nẻo ngõ để ẩn trú, để quên nỗi sợ, để xóa niềm lo âu, để sống cho kỳ hết tuổi trẻ. Miền nhớ? Nó có tên không, chị Thủy? Nó là tập hợp những đường một chiều không có biển báo? Nó xuôi về ấu thơ, hay ngược đường về sự già cỗi hư hao? Nó là tấm danh thiếp chúng ta đã in một lần, không tái bản, cầm giữ mãi vì tiếc không dùng; vậy thì ngày hôm nay, Lãng Du Về Miền Nhớ nên được dùng, cho bạn bè của chúng ta, cho những người thân quý, cho lũ học trò quỷ quái đang giẫm vào chính những nẻo khuất ngõ mờ của chúng ta hôm xưa, cho tất cả định danh lại một lần: người Saigon là như thế nào.

Là như thế nào? Là chở theo bên mình quá nhiều kỳ vọng, quá nhiều giấc mơ, quá nhiều thơ ngây. Là tưởng như lạc lối từ lâu, mà không phải. Chúng ta định hướng đời mình thông qua việc mơ suốt kiếp này.

Saigon tháng Giêng, 2015
Quốc Bảo



Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: