Nghệ sĩ điêu khắc Trần Duy Minh đã một mình tiến vào Syria, kề vai chiến đấu cùng với Quân đội Syria tự do trong hơn 10 ngày, trở thành người Trung Quốc duy nhất trên chiến trường Syria. Ban đầu anh ta muốn trực tiếp vào Syria, nhưng bởi vì không nhận được visa, chỉ có thể đi qua đường trung gian từ Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sau đó vượt biên tiến vào Syria. Bởi vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cấp cho anh ta visa ba tháng, do vậy anh ta không thể không rời khỏi tiền tuyến, từ biệt các chiến hữu, mượn đường thông qua Thổ Nhĩ Kỳ quay về Hoa Kỳ.
Tại sao Trần Duy Minh muốn đến Syria trợ giúp Quân đội Syria tự do, chiến đấu chống lại chính quyền Bashar al-Assad? Là một người bạn của Trần Duy Minh (Mặt bìa cuốn sách “Venus chính trị” của tôi chính là hình ảnh tác phẩm điêu khắc “Nữ thần dân chủ” của anh ta), tôi có cơ hội quan sát những lời nói và hành động của anh ta ở khoảng cách gần, cũng đã hướng về anh thỉnh giáo về vấn đề này. Dưới cái nhìn của tôi, hai thân phận gồm “nghệ sĩ” và “người Trung Quốc” đã ảnh hưởng đến quyết định và hành động của anh.
Tư do không có biên giới
Không có tự do thì sẽ không có tưởng tượng, sẽ không có siêu viẹt, sẽ không có sáng tạo, không có nghệ thuật. Mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và tự do quyết định tới ý thức nhạy bén của người nghệ sĩ đối với áp bức, không có tự do vượt lên trên đông đúc chúng sinh. Bất luận là việc nghệ sĩ dương cầm Phó Thông rời khỏi Trung Quốc trong giai đoạn “Phản Hữu” và “Văn Cách”, nhà chỉ huy dàn nhạc kiêm nhà soạn nhạc Lục Hồng Ân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc xử bắn, hay là người Hoa đầu tiên đạt giải Nobel Văn học Cao Hành Kiện sáng tác giữa cuộc đời lưu vong, Ngải Vị Vị bám trụ ở Bắc Kinh dùng nghệ thuật trình diễn nhằm mổ xẻ xã hội chuyên chế, tất cả đều là dẫn chứng. Tự do không có biên giới, nghệ thuật cũng không có biên giới, do vậy văn học, nghệ sĩ càng dễ dàng trở thành những người theo chủ nghĩa quốc tế lấy thế giới là nhà, trở thành những người theo chủ nghĩa nhân đạo, lấy Cộng đồng vận mệnh chung của nhân loại là đối tượng để trung thành đi theo. Vào thế kỷ 19 nhà thơ Lord Byron đã rời London tới Hy Lạp để chiến đấu chống lại Đế quốc Ottoman và hy sinh cuộc đời trẻ tuổi tại đây; thế kỷ 20 nhà văn George Orwell đã tới Tây Ban Nha tham gia cuộc nội chiến ở đây chống lại chính quyền độc tài Francisco Franco cầm đầu; sang thế kỷ 21 nhà điêu khắc Trần Duy Minh sang Syria hỗ trợ người dân ở đây chống lại chính quyền độc tài Bashar al-Assad, tất cả đều đang thực hiện lời thề của nhà thơ người Hungary là Sándor Petöfi: Vì tự do, sinh mạng và ái tình đều có thể được vứt bỏ!
Trần Duy Minh tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Nghệ thuật thủ công Trung ương Bắc Kinh[1] vào năm 1982. Con đường truy cầu tự do của anh ta vào những năm đầu là theo đuổi dấu chân của Benjamin Franklin, bởi vì anh ta đã từng nói, “ở đâu có tự do, ở đó chính là cố hương của tôi.” Vì theo đuổi tự do sáng tác, Trần Duy Minh rời khỏi Trung Quốc, về cơ bản là định cư và làm việc ở New Zealand và Hoa Kỳ. Nhưng vì là người Trung Quốc, con đường tìm kiếm tự do của anh ta luôn là đem anh dẫn về với tổ quốc của mình. Phức cảm về người Trung Quốc như vậy đã một lần nữa dẫn dắt anh ta đến với góc nhìn về tự do của Thomas Paine: “Nơi đâu không có tự do, nơi đó chính là quê hương của tôi.” Chúng ta đều biết, bản thân Paine là một trong những quốc phụ sáng lập Hoa Kỳ, sau Chiến tranh giành độc lập Hoa Kỳ thì ông đã lập tức tới nước Pháp, giúp đỡ cuộc Cách mạng Pháp. Thế kỷ 20, nhà cách mạng người Argentina sau thắng lợi của Cách mạng Cuba, cũng từ bỏ cao quan bổng lộc, tới Bolivia lãnh đạo cuộc cách mạng ở đó.
Người khác không còn chịu cảnh nô lệ, bản thân mới có tự do
Tự do có được đặc trưng về tính vô giới hạn. Khi bản thân giành được tự do rồi, nhưng người trao lại sự nô dịch cho người khác thì cũng không nhận được sự tự do cuối cùng. Đặc quyền là trạng thái tù đày kép cả về tâm lý và sinh lý. Tiến thêm một bước, nếu như tự bản thân giành được tự do, đồng thời lại có thể tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, nhưng cũng vẫn còn dung túng cho sự nô dịch và chính quyền chuyên chế bạo ngược nằm trong phạm vi những gì người đó nhìn thấy và nghĩ tới, trên thực tế thì những người như vậy cũng không có được tự do hoàn toàn. Anh ta/ chị ta không những phải tiếp nhận tâm ngục, còn phải sống với những bất an và cảm giác tội lỗi về đạo đức. Những thách thức của một người đang sống ở thế giới tự do như Trần Duy Minh đưa ra và nhằm vào mọi chế độ chuyên chế, không những là muốn những người khác cũng nhận được cơ hội tự do tương tự như vậy, đây cũng là cách bảo vệ tự do bằng việc mở rộng ranh giới tự do.
Bất luận là thực hành quan điểm tự do của Benjamin Franklin hay quan điểm tự do của Thomas Paine, thì đều có điểm chung là tự do ở quê hương. Điều làm cho Trần Duy Minh vui mừng nhất vẫn là tự do ở quê hương của anh ta. Trong trí nhớ của tôi, những tác phẩm nổi tiếng nhất của anh ta bao gồm phù điêu “Lục Tứ đại đồ sát”, tượng “Nữ thần dân chủ” và quần thể điêu khắc “Tây Tạng tự do chi lộ”. Hành động nổi tiếng nhất của anh ta, ngoài việc tham chiến ở Syria, chính là dựng tượng nữ thần dân chủ tại Công viên Victoria Hong Kong cùng Đại học Trung văn Hong Kong, cũng như nhiều nỗ lực khác để dựng tượng Nữ thần dân chủ trên đảo Kim Môn ở Đài Loan và cuối cùng là đưa tượng quay trở lại Quảng trường Thiên An Môn trong tương lai. Có người nói, “chủ nghĩa yêu nước là trại tị nạn cuối cùng của một nhà điêu khắc.” Từ bản thân nhà điêu khắc Trần Duy Minh, chúng ta có thể nhìn thấy được phức cảm nồng đậm về Trung Quốc. Anh ta đi từ Hàng Châu tới New Zealand, Hoa Kỳ, tới điểm cuối của cuộc nội chiến Syria “thành phố tử thần” Aleppo, tất cả đều xoay quanh nguyên điểm quê hương của anh ta. Chính bản thân anh ta đã nói, khi nhìn thấy Trung Quốc ba lần bỏ phiếu phủ quyết dự thảo tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm phủ quyết sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc đối với Syria, anh ta muốn dùng hành động của bản thân để cho thế giới, đặc biệt là người dân Syria thấy rằng, mặc dù chính phủ Trung Quốc buộc cùng một chỗ với chính quyền độc tài Bashar al-Assad, nhưng cả hai đều là kẻ thù chung của tự do, dân chủ.
Sức tưởng tượng của tự do
Nghệ thuật tốt nhất luôn là thứ để lại rất nhiều không gian tưởng tượng cho người ta. Nghệ sĩ Trần Duy Minh để lại không gian như thế nào cho chúng ta? Bản thân là một nghệ sĩ, anh ta không thiếu trí tưởng tượng và sáng tạo. Đồng thời, bản thân là một người sử dụng dao, búa tạ và cái đục để tái tạo thế giới, anh ta hiểu được ràng tấn công và phá hủy là sự khởi đầu cho việc gây dựng những tinh phẩm nghệ thuật. Nhà điêu khắc Trần Duy Minh có thể đem trí tưởng tượng và hành động cùng nhau hoàn mỹ kết hợp lại, vậy thì, những hành động của nghệ sĩ Trần Duy Minh trong không gian công cộng lại truyền đi một thông tin như thế nào? Khi anh ta buông xuống cây đục, cầm lên khẩu súng trường tự động AK47, anh đang tưởng tượng về sức phá hoại, uy lực càng lớn và sức sáng tạo mạnh mẽ hơn.
Vì tự do, người Trung Quốc đã đổ máu, hy sinh trong hơn 100 năm qua. Cuộc phản kháng trước chính quyền bạo ngược được tiến hành dưới hình thức cá nhân, cũng xuất hiện dưới hình thức tập thể; tiến hành theo phương thức phi bao lực, cũng có phương thức bạo lực. Những đấu tranh chống bạo quyền đã trải qua nhiều hình thức như kêu oan, thư thỉnh nguyện, tuần hành, bạo động và tự thiêu. Đối với toàn thể xã hội mà nói, tự thiêu là hình thức đấu tranh bất bạo động biến đổi về chất cuối cùng. Nếu như một người tự thiêu ở Tunisia đã dẫn phát “Cách mang hoa Nhài[2]” ở Trung Đông, mang tới “Mùa xuân Arab[3]“, nhưng hành động tự thiêu của hơn một trăm người Tạng lại không thẻ này thay đổi được vũng nước đọng ở Trung Quốc. Trong hoàn cảnh như vậy, việc nhà điêu khắc gia nhập chiến trường, là muốn để cho mỗi một người khát vọng tự do đều phải suy tư: Chúng ta cần có được trí tưởng tượng, sức sáng tạo và sức uy hiếp như thế nào?
(Trích ÐẾ QUỐC MẶT TRỜI ÐỎ, NXB Cổ Loa sắp xuất bản, 2019)
___________________________________________________
[1] 北京中央工藝美術學院: Học viện này sát nhập vào Đại học Thanh Hoa ngày 20 tháng 11 năm 1999 với tên gọi 清华大学美术学院 Học viện mỹ thuật Đại học Thanh Hoa.
[2] Cách mạng Tunisia còn gọi là Cách mạng Hoa Nhài gồm những cuộc biểu tình diễn ra để phản đối chính quyền Tunisia. Các cuộc biểu tình, đình công và bạo loạn được báo cáo đã bắt đầu trong vấn đề thất nghiệp, giá cả thực phẩm tăng, chính quyền tham nhũng, tự do ngôn luận và mức sống của người dân thấp. Các cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm bằng sự lật đổ tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, người đã từ bỏ chức tổng thống và bỏ chạy khỏi Tunisia ngày 14 tháng 1 năm 2011 sau 23 năm cầm quyền.
[3] Mùa xuân Ả Rập Arab Spring là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chính quyền tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập: Tunisia, Algérie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Ả Rập Xê Út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Các cuộc biểu tình tại Tunisia và Ai Cập đã được đề cập với tên gọi các cuộc cách mạng.
Chuyên mục:Uncategorized
Trả lời