By Xia, Ming/Hồ Như Ý dịch: Bản chất của đế quốc

Hongtaiyang DiGuo
By Xia, Ming
Hồ Như Ý dịch

Bệnh tâm thần phân liệt của tầng lớp cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc: Trung Quốc đang trải qua một cuộc đại luận chiến về ý thức hệ. Hệ sinh thái chính trị ở Trung Quốc đang bị lôi kéo bởi hai cỗ lực lượng “tả” và “hữu”. Xu thế phân thành hai cực về chính trị và xã hội này, một phương diện là được tạo nên bởi tập đoàn cầm quyền hiện nay cũng như đủ loại chính sách được họ thực thi; một phương diện khác, trong thời gian 8 tháng sau khi tiếp nhận quyền lực toàn diện, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường ý đồ muốn đổ trái nghiêng phải, đổ thêm dầu vào đám cháy tranh chấp tả hữu, tăng thêm xung đột mâu thuẫn xã hội. Vào thời khắc quan trọng khi Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn, Tập Lý thổi lên tiếng còi báo hiệu bất ổn định. Đối mặt với khu vực trung dung đi giữa đang ngày càng rời bỏ sự ủng hộ nhanh chóng, Tập Lý cố găng đi theo cái gọi là “con đường ở giữa” duy trì hiện trạng, điều này nhất định sẽ dẫn tới tình trạng mà cựu Thủ tướng Anh Quốc Margaret Thatcher đã mô tả: Anh đang cố gắng đi giữa đường, kết quả là anh gặp phải nguy cơ bị những chiếc xe chạy với tốc độ nhanh từ cả hai phía trái phải tông vào.

Quốc gia đông dân nhất thế giới, thực thể kinh tế thứ hai thế giới, 1.4 tỉ người sống trên một quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng thứ ba thế giới, được thống trị bởi chính đảng chuyên chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại lẫn thế giới hiện nay, tất cả tạo dựng nên một thể chế chủ nghĩa toàn trị chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đây là thách thức chung của cả người Trung Quốc lẫn cộng đồng chung của loài người trong thế kỷ 21.

Quốc gia đông dân nhất thế giới, thực thể kinh tế thứ hai thế giới, 1.4 tỉ người sống trên một quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng thứ ba thế giới, được thống trị bởi chính đảng chuyên chế lớn nhất trong lịch sử nhân loại lẫn thế giới hiện nay, tất cả tạo dựng nên một thể chế chủ nghĩa toàn trị chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đây là thách thức chung của cả người Trung Quốc lẫn cộng đồng chung của loài người trong thế kỷ 21.

Đế quốc mặt trời đỏ

 Có người đã đem Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Tập Cận Bình hiện nay gọi là “Đế quốc đỏ”. “Chủ nghĩa chuyên chế” và “Đế quốc” đã sớm xuất hiện cũng như tiếp nối không ngừng trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, nhưng đế quốc của chủ nghĩa toàn trị thì lại là sản phẩm của thế kỷ 20, nó được  chống đỡ trên hai phương diện tinh thần và vật chất: Cái trước được chống đỡ bởi ý thức hệ của chủ nghĩa cực đoan, cái sau được chống đỡ bởi khoa học kĩ thuật hiện đại (bao gồm vũ khí sát thương quy mô lớn và bộ máy đàn áp, giám sát). Ý thức hệ của chủ nghĩa cực đoan bao gồm chủ nghĩa Phát Xít ( Italy, Nhật Bản và nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai), chủ nghĩa quốc xã Đức, chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang dần trở thành một ý thức hệ được lan truyền khắp thế giới trong thế kỷ 21 ngày hôm nay. Một điểm chung giữa chúng đó là có được tính bành trướng vô hạn về không gian và thời gian nhằm tìm cách thực hiện quyền lực ý chí của một thực thể đồng chất. Mà loại quyền lực ý chí vô hạn này dường như tiến gần thêm một bước được chứng thực bởi tiến bộ khoa học kĩ thuật, hơn nữa bản thân nó đang trở thành một công cụ chuyển tải với ý đồ thực hiện sự chinh phục và kiểm soát từ có giới hạn đến không giới hạn.

Như thế nào là đế quốc? Giải thích của “Hán Ngữ Đại Từ Điển” là “quốc gia được kiểm soát bởi hoàng đế, thực thi chế độ quân chủ,” “về sau đặc biệt chỉ những quốc gia thực thi chế độ quân chủ nhưng lại có thuộc địa hoặc không có quân chủ nhưng lại mặc sức tùy tiện bành trướng.” Jane Burbank and Frederick Cooper trong cuốn sách “Đế quốc trong lịch sử thế giới: Quyền lực và khác biệt chính trị[1]” định nghĩa “đế quốc” là: “Đế quốc là đơn vị chính trị rộng lớn với chủ nghĩa bành trướng hoặc có được sức mạnh mở rộng kí ức ra không gian bên ngoài, đi cùng với sự hợp nhất, sát nhập cư dân mới thì chính thể này vẫn duy trì được sự khác biệt cùng đẳng cấp. Khái niệm đế quốc mặc định rằng những người dân khác nhau trong chính thể sẽ được cai trị/ thống trị khác nhau.” Hơn nữa, sách của họ đã dùng đế quốc La Mã và đế quốc Trung Hoa làm điểm dẫn nhập. Có thể thấy được phân lượng và địa vị của Trung Quốc trong nghiên cứu về đế quốc.

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay vẫn là một đế quốc ư? Đầu tiên chúng ta có thể nói một cách rõ ràng rằng, “Cộng Hòa Nhân Dân” là thể đối lập của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà không phải là bản chất thật của nó. Ban đầu ở Hy Lạp cổ đại, “chế độ cộng hòa” (Politeia, tiếng Anh là Republic) cùng với “chế độ dân chủ” (democracy, vào thời điểm đó càng là “chế độ bạo dân – Mobocracy” được sử dụng sau này) là đối lập nhau. Còn đối với cha đẻ của chính trị học Aristotle, chính thể đầu tiên được chia thành hai loại chính gồm “chính nghĩa” (hoặc được gọi là “tự nhiên”) và “bất nghĩa” (“biến thái”). Tất cả các chính thể phục vụ cho lợi ích công cộng (lợi ích song phương của kẻ thống trị và kẻ bị trị) chính là “chính thể chính nghĩa”, căn cứ vào số lượng kẻ thống trị nhiều ít, lại chia nó làm ba loại: chế độ quân chủ (một người thống trị), chế độ quý tộc (một số ít người thống trị), chế độ cộng hòa (đa số người thống trị). Tương ứng với nó, kẻ thống trị hy sinh lợi ích của những người bị trị nhằm phục vụ cho lợi ích của bản thân hoặc tập đoàn thống trị thì được gọi là “chính thể bất nghĩa”, nó cũng bao gồm có ba loại: chế độ bạo quân, chế độ quả đầu, chế độ bạo dân. Sự thống trị hơn 60 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chưa bao giờ nhảy ra khỏi những tuần hoàn trong phạm trù chính trị bất nghĩa, chỉ là từ chế độ bạo quân (độc tài cá nhân của Mao Trạch Đông), chế độ quả đầu (“Bát nguyên lão trị quốc” trong thời đại Đặng Tiểu Bình, “Cửu Long trị thủy” trong thời đại Hồ Cẩm Đào, đều được gọi là “chế độ độc tài tập thể”) cùng chế độ bạo dân ( thời kỳ “Đại Cách Mạng Văn Hóa” cùng thời kỳ xung đột vũ trang những năm đầu Văn Cách).

Thứ hai, chúng ta cần phải ý thức được rằng, bản đồ lãnh thổ Trung Quốc ngày nay về cơ bản là kế thừa di sản của đế quốc Đại Thanh. Bởi vì Đại Thanh đế quốc là một đế quốc đa dân tộc được hình thành do người Mãn chinh phục người Hán, thu nạp thêm người Mông Cổ, người Tạng và người Hồi ở khu vực Tân Cương, Trung Hoa Dân Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có ý đồ xây dựng một khái niệm quốc gia dân tộc với “dân tộc Trung Hoa” nhằm chỉnh hợp các dân tộc trở thành một thể thống nhất. Hơn 100 năm qua đi, Đài Loan mất đi rồi lại có, có rồi lại mất đi, các phong trào phản kháng và ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương đã một lần nữa sống lại trong thế kỷ 21 bởi tôn giáo và văn hóa, Hong Kong sau khi được Trung Quốc Đại Lục thu hồi chủ quyền cũng đã uẩn nhưỡng ra “Cách mạng thành bang”, tất cả những hiện tượng trên đều là sự thách thức đối với đồng thuận văn hóa “dân tộc Trung Hoa” nhân tạo, về thực chất là đem lại một cuộc khủng hoảng đối với đế quốc. Nếu như chúng ta không suy tư lại sự thất bại của việc xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa từ đó dẫn tới sự thất bại trong việc xây dựng sự đồng thuận đối với “dân tộc Trung Hoa”, nếu chúng ta không suy ngẫm lại rằng chính bởi vì thiếu hụt quyền công dân đã ngăn trở sự tham gia bình đẳng của các sắc dân Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng và các dân tộc khác nhằm tạo ra một sự đồng thuận văn hóa mới, thì chúng ta liền không thể nào hiểu được căn nguyên của cuộc khủng hoảng dân tộc hiện nay ở Trung Quốc, cũng không cách nào tưởng tượng được Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ theo mô hình đế quốc Liên Xô đã gặp phải.

Cuối cùng, đi cùng với sự tăng trưởng bay vọt về kinh tế và sức mạnh quốc gia của Trung Quốc trong quãng thời gian hơn 30 năm qua, tư thái bành trướng ra bên ngoài của Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Biểu hiện đầu tiên của nó chính là sự gia tăng những xung đột giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philippine trong vấn đề quần đảo Senkaku[2], tranh chấp lãnh thổ biển Đông. Trong cuộc truy tìm tài nguyên ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba (năng lượng, khoáng sản, vật liệu xây dựng và thực phẩm, lương thực) khi thúc đẩy các chiến lược về Châu Phi, Châu Mỹ Latin và Trung Á, Trung Quốc ngày càng giống với các quốc gia Phương Tây theo chủ nghĩa thực dân. Những thẩm thấu về văn hóa ra nước ngoài thông qua chiến lược “Tuyên truyền tích cực ra bên ngoài” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là sự kiểm soát đối với người Hoa ở hải ngoại, cũng như các hoạt động gián điệp thương mại và hành vi xâm nhập mạng internet của các Hacker được chỉ đạo bởi quân đội và chính phủ Trung Quốc, tất cả đều mang đặc trưng của đế quốc. Lãnh tụ đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng phát minh ra khái niệm “Chủ nghĩa đế quốc xã hội” nhằm mô tả về một Liên Xô theo đuổi bá quyền bành trướng, về sau Đảng Cộng sản Albania đem Liên Xô và Trung Quốc đều gọi là quốc gia “chủ nghĩa đế quốc xã hội”. Bởi vậy, đem Trung Quốc dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản đặt vào trong khuôn khổ phân tích “đế quốc” không hề là điều khiên cưỡng.

“Đế quốc mặt trời đỏ” là danh từ mà tôi đặt cho Trung Quốc chuyên chế mới giàu xổi. “Màu đỏ” hiển nhiên là thể hiện bản chất của chính quyền cộng sản của nó, còn “đế quốc mặt trời” thì đến từ sự ngưỡng mộ của think tank cao cấp nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là Vương Hỗ Ninh đối với “đế quốc mặt trời” Nhật Bản, ông ta tự tin nhận định “đế quốc mặt trời” sẽ chiến thắng trước thể chế Hoa Kỳ, đồng thời ông ta khát vọng với giấc mộng muốn Trung Quốc có thể trở thành dân tộc tiếp theo đưa ra lời thách thức đối với Hoa Kỳ. Vào nửa cuối năm 1988, Vương Hỗ Ninh đã có có chuyến thăm 6 tháng tới Hoa Kỳ (nhân tiện đây nói một chút, vào thời điểm đó chúng tôi đã là đồng nghiệp ở khoa Quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán, trong thời gian ông ta thăm Hoa Kỳ đã ở trong nhà của thầy giáo hướng dẫn nghiên cứu tiến sĩ của tôi), đồng thời viết cuốn sách “Hoa Kỳ chống lại Hoa Kỳ”, dùng thái độ phê phán nhằm yết thị, làm sáng tỏ những mâu thuẫn nội bộ trong xã hội Hoa Kỳ, “dùng một Hoa Kỳ chân thật nhằm phản đối một Hoa Kỳ trong trí tưởng tượng.”

Phần đoạn cuối cùng trong chương cuối cuốn sách là “Đế quốc mặt trời”. Tác giả bắt đầu với bộ phim điện ảnh “Empire of the Sun” mà ông ta xem ở Hoa Kỳ, đầu tiên chú ý tới “người Phương Tây bị bắt nhốt vào trại tập trung trong Chiến tranh thế giới thứ hai, được canh giữ bởi một nhóm lính Nhật Bản, chịu đủ dày vò, đói khát và sỉ nhục nhân phẩm”. Sau đó, ngòi bút của Vương Hỗ Ninh chuyển hướng, liên hệ tới một cuộc thách thức mới của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ trong thập niên 1980. Ông ta viết: “Đế quốc mặt trời đang ép buộc Hoa Kỳ phải khuất phục vào khuôn phép.” “Cái bóng của đế quốc mặt trời đang bao phủ Hoa Kỳ.” “Sức mạnh của đế quốc mặt trời đang tăng trưởng giống như phản ứng tổng hợp hạt nhân.” “Thách thức của đế quốc mặt trời đối với Hoa Kỳ là rất nghiêm trọng.” “Có người nói, nếu Hoa Kỳ so sánh cùng với Nhật Bản, thì văn hóa Phương Đông chính là chiếm thế thượng phong.” Ông ta từ đó rút ra hai kết luận quan trọng: Thứ nhất, “Thể chế của Hoa Kỳ, về tổng thể là được xây dựng dựa trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa dân chủ, nhưng nó rõ ràng là đang thua một thể chế được xây dựng trên chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa vong ngã(vị tha) và chủ nghĩa chuyên chế.” Thứ hai, “Trong thế kỷ tới, chắc chắn sẽ có càng nhiều dân tộc đưa tới thách thức đối với Hoa Kỳ.” “Nếu như đủ loại nhân tố và lực lượng bài xích lẫn nhau tồn tại trong xã hội Hoa Kỳ tiếp tục phát triển theo cách này, nó không những làm cho lợi thế của nó không phát huy được, ngược lại sẽ tạo thành những dòng chảy ngầm tạo ra khủng hoảng không thể ngăn chặn được.” Có thể nói, sau hơn 20 năm, Vương Hỗ Ninh cùng với đảng quốc mà ông ta phục vụ chính là đã dùng loại tâm thái này, thay thế Nhật Bản, dùng tư thế của “Đế quốc mặt trời đỏ” với ý đồ đem Hoa Kỳ, hoặc đem quốc gia với những châm ngôn lập quốc “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” đẩy về phía khủng hoảng và thất bại.

Kho vũ khí tư tưởng của Xiler

Với một người xuất thân từ chuyên ngành tiếng Pháp như Vương Hỗ Ninh thì không thể không biết tới “Vua mặt trời” Louis XIV[3] của nước Pháp. Câu danh ngôn của ông ta “Trẫm tức là quốc gia!” và “Sau khi tôi chết, mặc kệ hồng thủy mãnh thú” đã ít nhiều phản ảnh tâm thái những người cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khánh điển thế kỷ Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Đảng Cộng sản Trung Quốc như mặt trời giữa ban trưa, ý chí quyền lực của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo đó mà lên cao. Chủ nghĩa toàn năng, chính phủ toàn năng trở thành mục tiêu tối ưu hóa của hệ thống chính phủ.

“Đế quốc mặt trời đỏ” trong thế kỷ 21 được xây dựng bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ ba chế độ truyền thống: “chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông”, chủ nghĩa cộng sản Karl Marx – Friedrich Engels – Lenin – Stalin và “chủ nghĩa toàn trị Châu Âu”. Điều thú vị là, trong phần đề tựa chung của cuốn sách “Tủ sách nghiên cứu lý luận chính phủ Trung Quốc đương đại” do Vương Hỗ Ninh làm chủ biên được xuất bản bởi Nhà xuất bản Nhân dân Chiết Giang thì ông ta có viết, các học giả Trung Quốc cần phải dùng “Sinh thái chính trị học” nhằm quan sát sự tối ưu hóa hệ thống chính quyền, dùng tư tưởng của Karl Marx trong cuốn sách “Sự thống trị của người Anh ở Ấn Độ” để phân tích Châu Á và Trung Quốc. Ông ta đặc biệt đề cập đến truyền thống và ảnh hưởng của xã hội thủy lợi Châu Á, cũng như đề cập đến “phương thức sản xuất Châu Á”. Mặc dù ông ta cố gắng né tránh “phương thức sản xuất Châu Á”, nhưng giới chính trị và học thuật Trung Quốc đều không cách nào đi vòng tránh khỏi những lập luận của Karl Marx: “phương thức sản xuất Châu Á” của khu vực Châu Á (ở Trung Quốc, nước Nga, Ấn Độ và khu vực Trung Á) đã khiến cho các quốc gia này tách biệt khỏi Phương Tây: Châu Âu thời Trung cổ đã trải qua giai đoạn xã hội phong kiến trong khi đó các cường quốc Châu Á lại không hề xuất hiện (ngoại trừ Nhật Bản), các quốc gia này ngược lại bước vào thời kỳ “Chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông”. Học giả người Hoa Kỳ gốc Đức Karl August Wittfogel trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông: Nghiên cứu so sánh về sức mạnh toàn trị[4]” đã chỉ ra rằng, “Xã hội Á Châu là một xã hội được kiểm soát bởi một nhà nước quan liêu chuyên chế.” Xuất phát từ nhu cầu trị thủy, Trung Quốc đã xuất hiện “chính quyền của những người quản lý” đặc thù, quốc gia hùng mạnh hơn xã hội. Mặc dù có sự tồn tại của chế độ sở hữu tài sản tư nhân (đất đai và thương nghiệp), nhưng bọn họ rất phân tán, không có sức mạn, trong khi đó chế độ sở hữu nhà nước cũng như chế độ địa chủ quan liêu, chủ nghĩa tư bản quan liêu và tầng lớp sĩ đại phu được sản sinh từ nó, tất cả cấu thành nên chủ nghĩa toàn trị quan liêu. Về thủ đoạn thống trị thì đã thu nạp hành động đe dọa, uy hiếp, dân chúng phụ thuộc biểu hiện ra sự phục tùng toàn diện, kẻ thống trị cao nhất, quan chức và người dân bình thường đều rơi vào sự cô độc toàn diện: “Kẻ thống trị không tin tưởng bất cứ người nào, quan chức vĩnh viễn nằm trong sự nghi ngờ, người dân lo lắng bị liên lụy.” Nô dịch nhà nước chính là nô dịch toàn diện. Chủ nghĩa toàn trị cộng sản chính là biến hình của chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông. Thậm chí là Lenin đã từng chỉ rõ rằng nước Nga sau cách mạng đã xuất hiện “ngai vàng Châu Á đã được phục hồi”. Có thể thấy rằng giữa Nga và Trung Quốc có tính tương đồng về thể chế cùng sự hội tụ tiến hóa về hành vi chính sách ở trước, sau cuộc cách mang chủ nghĩa cộng sản cũng như ngày nay. Việc Vladimir Putin[5] và Tập Cận Bình cùng ôm chầm lấy nhau giữ hơi ấm cùng như tăng lòng can đảm cho nhau là điều hết sức tự nhiên.

Thể chế và ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản là một chìa khóa quan trọng nhằm phân tích “Đế quốc mặt trời đỏ”. Với tư cách là người sáng lập chủ nghĩa cộng sản, Karl Marx đã chịu ảnh hưởng của Cách mạng Pháp cùng Công xã Paris, ông ta đã tạo dựng len học thuyết đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng của mình. Nhưng càng nhiều hơn là đến từ những tư tưởng và thực tiễn của Lenin, chủ nghĩa cộng sản đã trực tiếp kế thừa di sản đẫm máu nhất của Cách mạng Pháp, đem lãng mạn hóa tác dụng của bạo lực trong lịch sử. Bởi vì nguyên nhân từ sự chuyên chế, bạo lực, xung đột bạo lực trong cách mạng ruộng đất nông dân trong lịch sử của nước Nga, Lenin về cơ bản đã vứt bỏ quan điểm của Marx cho rằng cách mạng phi bạo lực là có khả năng tồn tại ở các quốc gia Anh, Hoa Kỳ, đã đem kết hợp chủ nghĩa Marx cùng với chủ nghĩa chuyên chế Sa Hoàng với nhau, hoặc nói cách khác là “đem áo choàng của Sa Hoàng mặc ngược từ trước ra sau (“Sách đen Chủ nghĩa Cộng sản[6]“, trang 732). Nhưng mà mức độ bạo lực của Lenin và những người Bolshevik của ông ta vượt xa hơn nhiều so với Sa Hoàng, đây là bởi vì họ đã đưa đấu tranh giai cấp phát triển thành chuyến chính giai cấp vô sản, hơn nữa sử dụng cái gọi là “nhà cách mạng sự nghiệp” và “đội tiên phong” của đảng cộng sản nhằm tiến hành thúc đẩy một ý thức hệ “chủ nghĩa xã hội khoa học”. Dưới danh nghĩa của khoa học, “ý thức hệ này chuyển biến thành thứ chân lý giáo điều và tuyệt đối, đặt ở nơi đâu cũng đều là đúng đắn.” Đảng Cộng sản tự nhận mình là hóa thân của chân lý, những người lãnh đạo của nó cũng trở thành nhà tiên tri vĩnh viễn không phạm sai lầm, sau đó họ dùng “góc nhìn cải tạo thế giới” để thay thế cho đa nguyên hóa tư tưởng, tạo ra “những con người mới chủ nghĩa xã hội”, đem xóa bỏ, diệt sát đi các giá trị nhân văn của cá nhân, thậm chí không tiếc công sức tiến hành tổ chức tiêu diệt về thể xác trên quy mô lớn đối với “giai cấp phản động”, “giai cấp bóc lột” cũng như những người đại diện và tùy tùng của họ.

Những cuộc tàn sát giai cấp vốn xuất hiện từ thời kỳ Lenin và kéo dài đến thời kỳ Stalin, bởi xuất phát từ nhu cầu của chiến tranh, nó tiếp tục tiến hóa thêm một bước trở thành nhà nước đảng trị tập trung quyền lực cao độ và chuyên chính toàn diện đối với xã hội. Chủ nghĩa Stalin về sau biến thành độc tài cá nhân, đồng thời ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, ông ta vẫn duy trì lấy “trạng thái chiến tranh vĩnh cửu”, chỉ bất quá là kẻ thù bên ngoài nay đã trở thành kẻ thù từ nội bộ. Thông qua phương thức đem phi nhân hóa và động vật hóa “kẻ thù”, thông qua quá trình “trừu tượng” về lý luận, đã thành công cắt đứt đi mối liên hệ giữa giết chóc và cá nhân hay nhóm người cụ thể, triển khai cuộc đại thanh trừng đối với xã hội, cơ quan đảng, hệ thống nhà nước quan liêu. Chính loại “chính trị tàn sát” và “chính quyền tội phạm” chống lại nhân loại này đã trở thành “mật mã di truyền của chủ nghĩa cộng sản” (“Sách đen Chủ nghĩa Cộng sản”, trang 754), ảnh hưởng đến tất cả những chính quyền cộng sản được thành lập về sau này.

Chính quyền chủ nghĩa cộng sản ra đời sớm hơn so với Phát xít, hơn nữa nó tồn tại lâu hơn nhiều so với chính quyền Phát xít, thậm chí kể cả sau khi chính quyền chủ nghĩa cộng sản đầu tiên là Liên Xô sụp đổ, nó vẫn tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, hơn nữa còn cố gắng một lần nữa quay lại với sự trỗi dậy của cường quốc. Căn cứ vào cuốn sách ” Quyển sách đen của Chủ nghĩa Cộng sản: Tội ác, khủng bố và đàn áp” được xuất bản tại Pháp vào năm 1997 (bản tiếng Anh năm được nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản năm 1999, trang 4, trang 14 và trang 15), chủ nghĩa Phát xít Quốc Xã đã gây ra cái chết của 25 triệu người, trong khi đó chủ nghĩa cộng sản tạo nên cái chết của ít nhất 100 triệu người. Mặc dù sự tà ác của chủ nghĩa cộng sản vượt xa so với chủ nghĩa phát xít, nhưng chủ nghĩa cộng sản không hề gặp phải sự thanh lọc hoàn toàn. Cũng căn cứ vào nghiên cứu này, 65% số người chết ở các quốc gia cộng sản (ít nhất là 65 triệu) đến từ Trung Quốc, so sánh với đó, ở Liên Xô chỉ là khoảng 20 triệu mà thôi. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại, và về mặt quốc tế thì nó cũng thoát khỏi sự thảo phạt mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã phải trải qua. Điều càng đáng sợ hơn là, huyết mạch của kẻ đồ tể hàng đầu trong lịch sử nhân loại là Mao Trạch Đông vẫn chưa hề đoạn tuyệt ở Trung Quốc, ngày nay Tập Cận Bình vẫn còn tiếp tục hương hỏa cúng tế. Nếu như chúng ta ý thức được rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền chủ nghĩa cộng sản đã xem chủ nghĩa Phát xít là kẻ thù hơn nữa giành được thắng lợi, một mặt, sự đối địch này giúp che giấu tội ác và kéo dài thời gian thanh tẩy nó, mặt khác, việc Mao Trạch Đông bằng lời nói và tư tưởng vẫn cố gắng giữ một khoảng cách nhất định đối với Phát xít. Nhưng ngày nay, tiến trình Phát xít hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Một ví dụ quan trọng nhất đó là, những tác phẩm nổi tiếng của triết gia nổi bật của Đảng Quốc xã Carl Schmitt đã được dịch sang Trung văn một cách có hệ thống cũng như tư tưởng của ông ta trở thành thứ thời thượng trong giới trí thức tư tưởng ở Bắc Kinh.

Từ đầu thập niên 1980, Karl Popper và các tác phẩm của ông như “Xã hội mở”, “Lưỡi dao cạo của chủ nghĩa tự do”, “Logic của khám phá khoa học” và “Sự khốn cùng của chủ nghĩa quyết định lịch sử” đã càn quét qua giới tư tưởng và trí thức Trung quốc, cho đến tận ngày nay Carl Schmitt lại trở thành đối tượng được sủng ái mới, thật sự là chuyển biến tới 180 độ. Vậy thì, những tư tưởng nào của Carl Schmitt phù hợp với khẩu vị của những think tank cho Tập Cận Bình? Đầu tiên, Carl Schmitt hoàn toàn phản đối chế độ dân chủ tự do, thể chế dân chủ đại nghị và chủ nghĩa hiến pháp tự do. Dưới góc nhìn của ông ta, “tự do cá nhân” và “dân chủ nhà nước” hình thành nên mâu thuẫn nội tại, khiến cho thể chế dân chủ đại nghị “bàn bạc nhưng không thể quyết định được”. Thứ hai, thể chế dân chủ tự do không những sẽ đem lại khủng hoảng, hơn nữa không cách nào giải quyết được nó. Bởi vậy, chủ nghĩa lập hiến cần phải có người nắm chủ quyền để thực thi quyền quyết đoán. “Quyền lực ở trạng thái khẩn cấp” trở thành “quyền lực vượt lên Hiến pháp” bảo vệ cho chính quyền chủ nghĩa lập hiến., mà chỉ có thể chế chuyên chế mới có “người định đoạt” đứng ra thực thi quyết sách. Thứ ba, dưới góc nhìn của Carl Schmitt, “sự phân biệt kẻ thù và bạn bè” (ai là kẻ thù, ai là bạn bè?) là khái niệm cốt lõi của chính trị. Mục đích của thống trị chính là muốn ngăn chặn kẻ thù giành được chính quyền. Cuối cùng, “người nắm giữ chủ quyền” hoặc “lãnh tụ” trở thành điều kiện quan trọng thỏa mãn những yêu cầu ở trên. Adolf Hitler tự nhiên sẽ trở thành chủ nhân trong mộng của Carl Schmitt, Carl Schmitt tự nhiên là cam tâm tình nguyện ra sức vì chủ nghĩa phát xít.

Rất nhanh chóng thì lịch sử đã chứng minh lý thuyết của Carl Schmitt là sai lầm. Các quốc gia dân chủ trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới những quyết sách của các lãnh tụ như Franklin Delano Roosevelt, Winston Churchill, Charles de Gaulle thì người dân đã bộc phát ra tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm kiên nghị và sức sáng tạo, dánh bại liên minh các quốc gia Phát xít. “Các nguyên thủ lãnh tụ có sức quyết đoán” mà Carl Schmitt mong chờ đã bước lên con đường tự tìm cái chết. Đồng thời, nước Đức lập ra “Luật cơ bản”, Nhật Bản ban hành Hiến pháp mới dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ, nước Pháp của Gaulle với “Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa” đều đã có những thực hiện đổi mới , giải quyết được mâu thuẫn Hiến pháp mà Carl Schmitt cho rằng được mang lại bởi “tự do” và “dân chủ”. Ở đây cần đặc biệt nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiến pháp của Cộng hòa Weimar mà Carl Schmitt nhìn thấy, thực ra chỉ là vấn đề đặc biệt được sản sinh bởi sự kết hợp của thể chế đa đảng và thể chế đại nghị dưới chế độ dân chủ tự do, mà hoàn toàn không phải là căn bệnh phổ biến ở các quốc gia dân chủ. Nếu như áp dụng thể chế lưỡng đảng, thể chế tổng thống hoặc “thể chế bán tổng thống[7]” như của nước Pháp cũng như một số cơ chế chủ nghĩa lập hiến khác (ví dụ như nước Đức có cơ chế “bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng” và “chính đảng muốn tham gia quốc hội cần phải có ít nhất 5% phiếu bầu” vân vân), “khủng hoảng của thể chế đại nghị dân chủ” mà Carl Schmitt nói đến đã được giải quyết. Mặc dù lập luận của Carl Schmitt đã được lịch sử chứng minh là sai lầm, nhưng có lẽ bởi vì ông ta đã cung cấp cho chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc một phương thuốc dân gian nhằm cứu chữa khủng hoảng thống trị hiện tại, do vậy, những thành phần trí thức phò Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng những cái gọi là “lý thuyết tiên tiến, sâu sắc” này giúp Tập Cận Bình với “thể chế nguyên thủ quốc gia” đánh trống thổi kèn dẹp đường. Nói tóm lại, ngoài ý thức thức hệ bản địa là chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông truyền thống và chủ nghĩa cộng sản, thì chủ nghĩa toàn trị của nước Đức (còn có chủ nghĩa quốc gia ở Châu Âu Đại Lục) cũng như chủ nghĩa quân phiệt phát xít Nhật Bản (Vương Hỗ Ninh một mực sùng bái “Đế quốc mặt trời”) đều gây ảnh hưởng lên chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kiểm soát toàn diện đối với quyền lực

Thể chế chủ nghĩa toàn trị có hay không đã từng tồn tại ở Trung Quốc, thời điểm hiện tại có hay không đã trở thành thể chế toàn trị? Giới học thuật thường cho rằng thời kỳ thống trị của Mao Trạch Đông (thời kỳ chủ nghĩa Mao, đặc biệt là “phản hữu khuynh” và “Cách mạng văn hóa”) là một loai chủ nghĩa toàn trị. Trong khi đó chính quyền trong thời đại hậu Mao là một loại chủ nghĩa chuyên chế, thậm chí là “chủ nghĩa chuyên chế theo mô hình phân mảnh”.

Dựa theo cuốn sách The Encyclopedia of Democracy xuất bản năm 1995, trang 103 có viết, “Thể chế chuyên chế là một thể chế do một người lãnh đạo hoặc một tập đoàn thiểu số không chịu sự thúc ước chính thức nhưng lại thực thi quyền lực. Sự thống trị của chủ nghĩa chuyên chế không cho phép xuất hiện hai đặc trưng mang tính định nghĩa của thể chế dân chủ: cạnh tranh tự do cho các chức vụ chính trị và tự do tham dự chính trị của công dân.” Mặc dù thể chế chuyên chế không hề cho phép thể chế hóa lực lượng đối lập cùng các cơ chế đối lập, nhưng lực lượng đối lập và các hoạt động của nó vẫn có thể được tồn tại trong xã hội dưới các hình thức khác nhau (ví như Giáo hội, Công đoàn, Đại học và Xã hội dân sự vân vân). Nhưng chủ nghĩa toàn trị là không cho phép bất kỳ thế lực đối lập tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào. Carl Joachim Friedrich[8] và Zbigniew K. Brzezinski[9] trong cuốn sách “Chuyên chế toàn trị và độc tài[10]” (xuất bản năm 1956, trang 9 và trang 10) đã đưa ra định nghĩa kinh điển về chủ nghĩa toàn trị với 6 đặc trưng sau: 1. Một ý thức hệ tư tưởng chính thức; 2. Một chính đảng có quy mô lớn thường do một cá nhân lãnh đạo; 3. Hệ thống kiểm soát khủng bố bằng cảnh sát (bao gồm cả cảnh sát mật); 4. Đảng và quan chức về cơ bản kiểm soát tất cả các cơ quan truyền thông hiệu quả; 5. Về cơ bản kiểm soát hoàn toàn đối với vũ khí; 6. Chính quyền trung ương kiểm soát và chỉ đạo đối với toàn bộ nền kinh tế. Đối chiếu với 6 đặc trưng này, Trung Quốc trong thời đại Mao Trạch Đông và ở thế kỷ 21, đều là chính thể độc tài chủ nghĩa toàn trị đích thực không sai chút nào.

Như đã đề cập ở đoạn trước, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô là “mặc lộn ngược từ trước ra sau đối với áo choàng chuyên chế của Sa Hoàng”, vậy thì chủ nghĩa chuyên chế toàn trị của Trung Quốc chính là chiếc áo vá chằng vá đụp của độc tài toàn trị được cắt ghép, xén tỉa từ chủ nghĩa chuyên chế Phương Đông, thể chế chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa Phát Xít. Ví dụ, Tập Cận Bình đem kế thừa toàn bộ hết thảy những di sản của Mao, Đặng, Giang, Hồ, đánh thông toàn bộ lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quôc với hai nửa 30 năm, đi theo con đường tư tưởng của Marx Engels Lenin Stalin Mao Trạch Đông, ngoài ra còn cộng thêm cả Tôn Trung Sơn và Khổng Tử. Tập và những think tank của ông ta vừa muốn lợi dụng thuyết chủ quyền của Jean Bodin, tư tưởng “công bằng xã hội” và “ý kiến quần chúng” của Jean-Jacques Rousseau, lại vừa muốn học tập Georg Wilhelm Friedrich Hegel đem quốc gia đưa quốc gia đẩy lên độ cao của “Chúa trời đi bộ trên mặt đất”; bọn họ vừa muốn từ học giả Phương Tây đương đại Samuel P. Huntington nơi đó học tập “chủ nghĩa toàn trị mới”, từ Jürgen Habermas[11] mượn dùng “hiệp thương dân chủ”, lại muốn hoàn hồn cho Carl Schmitt, một lần nữa xây dựng lại “thể chế nguyên thủ”. Càng xấu xa hơn là, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có tập quán “mặc lộn ngược chiếc áo cổ chui chủ nghĩa Marx Lenin từ trong ra ngoài”: Chủ nghĩa Bonaparte[12] vốn bị Karl Marx phê phán lại hết sức tương tự với thể chế Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyên chế, nông dân Trung Quốc chính là bị chế độ hộ tịch, kế hoạch hóa sinh đẻ, phong trào nông thôn mới biến thành một bao tải khoai tây. Khi Karl Marx phê phán rằng chủ nghĩa tư bản đến với thế giới, mỗi một lỗ chân lông của nó đều là ngậm đầy những giọt máu bẩn thỉu, tầng lớp tư bản quan liêu thân hữu Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là muốn dùng “máu và lửa”, “quây đất”, “cưỡng chế tháo dỡ di dời”, chiếm đoạt để hoàn thành tích lũy tư bản của bọn họ. Khi Lenin tiết lộ rằng nghị viện của chủ nghĩa tư bản là “thanh đàm quán” (nơi nói chuyện suông) phục vụ vì “túi tiền”, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là đem Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tức là Quốc hội và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc biến thành như vậy. Tựu chung, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ để ý tới sự logic về nội hàm ngôn ngữ, logic lí luận và sự kế thừa về học thuật. Họ dùng thái độ dung tục của chủ nghĩa thực dụng, không ngừng thu hút chất dinh dưỡng từ trong kho trí thức quý báu từ cổ kim Trung Quốc lẫn Phương Tây cũng như đống rác thải lí luận, đem điều tốt biến thành thứ xấu, đem xấu biến thành tốt, hoàn thành cuộc phối giống lai tạp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, tạo ra một khối u ác tính khổng lồ trong lịch sử chính thể của nhân loại.

Khối u ác tính của chính thể Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở năm phương diện nguy hiểm sau: Thứ nhất: Với định nghĩa quyền lực của Max Weber và Robert A. Dahl mà nói, quyền lực là một loại năng lực. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nắm giữ tài nguyên tổng thể của thực thể kinh tế thứ hai thế giới, tập hợp được năng lực chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là sự lũng đoạn đối với bạo lực, từ đó theo đuổi tài sản, địa vị, tiếng tăm và thực thi duy trì sự thống trị vĩnh cửu hóa. Mục đích tồn tại của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ngoại trừ việc tăng cường năng lực của đảng cầm quyền và duy trì địa vị cầm quyền của bản thân ra, không hề có bất cứ thứ gì mang tính thực chất khác.

Thứ hai: Che giấu thực thi quyền lực xuất phát từ đặc quyền về cấu trúc quyền lực được mang lại bởi tập đoàn lợi ích và sự phớt lờ đối với các nhóm yếu thế trong xã hội. Cái gọi là “kiểm soát trình tự nghị sự” chính là để cho các nhóm yếu thế không thể cất tiếng nói, đem những thống khổ của họ (hoặc những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh) loại bỏ khỏi chương trình nghị sự, sử dụng một số các chủ đề không đau không ngứa hay những chiếc bánh vẽ cứu đói nhằm lấp đầy không gian diễn ngôn công cộng, ví dụ như “bát vinh bát nhục”, “giá trị quan cốt lõi”, “giấc mộng Trung Hoa”…

Thứ ba: Phương diện thứ ba của quyền lực đến từ việc “tẩy não” (cải tạo thế giới quan, bồi dưỡng người kế tục sự nghiệp cách mạng đỏ…), “kiểm soát não bộ” đem con người biến thành “nô lệ của hạnh phúc”, cũng chính là cũng chính là những “thanh niên phẫn nộ” và “ngũ mao[13]” với bộ não khuyết tật đang tràn ngập khắp mọi nơi chốn ở Trung Quốc. Chính quyền Đảng Cộng sản đã phát minh ra rất nhiều phương thức nhồi sọ ý về tư tưởng ý thức hệ cũng như giáo dục, ví dụ như sửa đổi, soán cải ngôn ngữ, thúc đẩy “cách nói mới” và “từ ngữ hai mặt” (được gọi là tư duy biện chứng), học tập kiểm thảo, phê bình và tự phê bình, tố khổ và cáo buộc, chỉ trích, tống vào trại lao động cải tạo hoặc nhốt vào trại tâm thần, tố cáo đấu tố, phong trào quần chúng và nội chiến, đối với những đối tượng không thể thay đổi thì lựa chọn phương thức tiêu diệt về thể xác, vân vân. Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng khoa học kĩ thuật cao của thế kỷ 21, một mặt muốn toàn diện xây dựng một “thế giới hiện thực” được xác lập bởi đảng quốc và đem nó cấy thẳng vào trong trái tim và đại não của mỗi một người dân, cũng có nghĩa là, cỗ máy tuyên truyền của đảng quốc cần lũng đoạn tất thảy mọi nguyên liệu về tư tưởng của người dân (ngôn ngữ và hiện thực), từ đó thiết lập tư tưởng cho chương trình kiểm soát. Thử tưởng tượng rằng, nếu như mỗi người chúng ta là một cỗ máy vắt sợi mì, khi nhận được sự cung ứn về bột mì, vậy thì sản xuất ra mì sợi kiểu Trung Quốc, hay là mì ống kiểu Phương Tây, thì bất luận kiểu gì cũng không thể sản xuất ra xúc xích được. Để thuyết phục mọi người rằng loại chương trình cài đặt tư duy được cấy ghép cũng như nguyên liệu đầu vào là duy nhất, là đúng đắn và đúng nhu cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cấm đoán tất cả mọi phương tiện truyền thông và thực thể ngăn cản nó lũng đoạn tư tưởng. Google, Facebook, Twitter, Amazon và bất cứ phần mềm vượt tường lửa nào đều là kẻ thù của nó, truyền bá và sử dụng chúng đều là phạm pháp. The New York Times, Bloomberg News, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, British Broadcasting Corporation BBC, Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI vân vân tất cả đều là “thế lực chống lại Trung Quốc”. Dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “hiện thực” không phải là một thể đa diện, đa nguyên được xây dựng bởi mỗi một cá nhân thông qua tiếp xúc xã hội, tìm hiểu cuộc sống, tôn trọng kiến thức thường thức, giao lưu lẫn nhau, trừu tượng thăng hoa, mà chỉ là biểu tượng phản ánh ý chí quyền lực của chính quyền, được chính quyền độc quyền đưa ra định nghĩa và lũng đoạn quảng bá. Chân lý của chính quyền là đóng kín, cách biệt và tự chứng, nó không yêu cầu có điểm tựa Archimedes ở tầng thứ cao hơn để cung cấp tính chính danh, cũng không cần một chiếc thang trừu tượng khoa học – triết học – thần học để đảm bảo tính hiệu quả ở từng cấp độ khác nhau. Trong cuốn đầu tiên Sách Sáng Thế của “Kinh Thánh”, Thiên Chúa nói rằng có trời đất chính là có trời đất, Thiên Chúa nói có vạn vật chính là có vạn vật. Trong ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc nói đây là chân lý chính là có chân lý. Đảng Cộng sản chiếm giữ lấy vị trí của Thiên Chúa, nhưng nó lại không giống với Thiên Chúa, không ở giữa thiên ngoại vũ trụ hay là trong linh hồn của mỗi người dân. Đảng Cộng sản chính là Thiên Chúa mỗi ngày đều đi trên mặt đất.

Hơn 2000 năm trước khi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon nói về “sự so sánh hang động” đã chỉ ra một cách chuẩn xác mối quan hệ giữa người dân và đảng quốc ở Trung Quốc đương đại. Trong cuốn sách “Nhà nước lý tưởng[14]“, có một nhóm các tù nhân bị xiềng xích nhốt lại trong hang đá. Bọn họ ngồi đối diện với vách núi, không thể quay người quay đầu sang bên cạnh, chỉ có thể nhìn thấy những cái bóng được ánh sáng chiếu từ phía sau chiếu lên. Người cai tù giam giữ bọn họ trốn sau một bức tường, lấy ra những đồ đạc kỳ lạ cổ quái khác nhau (tượng người hoặc động vật được điêu khắc bằng đá hay gỗ), giống như trò biểu diễn rối bóng vậy, đem bóng phản xạ chiếu lên tường. Nếu như có người bên ngoài đi ngang qua và tạo ra âm thanh, trong hang động liền sẽ sinh ra hồi âm. Bọn họ liền sẽ cho rằng đây là âm thanh của những cái bóng trên tường phát ra. Giả sử như những tù nhân này bị nhốt vào hang từ lúc nhỏ, những chủ đề mà bọn họ giao tiếp với nhau chỉ có thể xoay quanh những hình ảnh kỳ quái này. “Một cách hoàn toàn triệt để, những tù nhân này sẽ cho rằng, hiện thực chỉ bất quá là những cái bóng được người ta tạo ra từ đủ loại đồ vật mà thôi.” (The Republic of Plato, Oxford University Press – 1945, trang 227–229).

Thứ tư: Để hoàn thành việc sản sinh quan niệm (hoặc là nói bồi dưỡng càng nhiều cai tù trong động cùng với những người thao túng con rối), từ đó đạt được sự kiểm soát chính trị thông qua tri thức, nhằm cung cấp tính chính danh ở thế giới hiện thực (giống như danh ngôn của Georg Wilhelm Friedrich Hegel: “Tồn tại tức là hợp lý, hợp lý tức là tồn tại.”), chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp kiểm soát quá trình sản sinh ra trí thức, việc này bao gồm sản sinh sức lao động trí não của các phần tử trí thức và tái sản xuất của bản thân phần tử trí thức. Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng tiến hành bức hại đối với các trí thức, từ “Chỉnh đốn tác phong”, “Phản hữu khuynh”, “Tứ thanh”, “Cách mạng văn hóa”, “Chống ô nhiễm tinh thần”, “Chống tự do hóagiai cấp tư sản”, “Thảm sát Thiên An Môn” cho đến “Bảy điều không được phép đề cập đến” trong thời đại Tập Cận Bình này nay, Bộ trưởng Bộ giáo dục Viên Quý Thanh với phong trào “Ba điều tuyệt đối không cho phép”, không có phong trào nào là không muốn đem chủ thể nghiên cứu của quyền lực biến thành khách thể kiểm soát quyền lực. Giống như nhà triết học người Pháp Paul-Michel Foucault đã cho thấy, chính quyền sử dụng quyền lực nhằm phân định trí thức, sau đó dùng trí thức để củng cố quyền lực.

Sự vận dụng một cách thành thục bốn cấp độ của quyền lực đã cấu thành nên triết học quyền lực mặt dày tim đen (Hậu hắc học) của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự tàn bạo của nó được biểu hiện cụ thể ở “quyền lực kiểm soát cơ thể sống”, tức là thông qua kiểm soát, chiếm giữ thân thể nội bộ từ đó hoàn thành kiểm soát toàn bộ xã hội. Hàng nghìn hàng vạn người bị tàn sát, giam giữ cải tạo, giam giữ và chịu sự giày vò của nhục hình. Một thế hệ nối tiếp một thế hệ bị ép buộc tiếp nhận tẩy não. Quyền lực quốc gia thông qua quốc sách “Kế hoạch sinh đẻ” cùng với Văn phòng Quốc gia quản lý sinh đẻ kế hoạch, đã thẩm thấu tới tận giường ngủ của mọi gia đình; lại thông qua cưỡng ép triệt sản bắt buộc, phá thái, kiểm soát cơ quan sinh sản cùng chức năng sinh sản trong cơ thể người, kế hoạch xây dựng chính quyền tàn bạo ngay trong tử cung của phụ nữ. Từng nhiệm kỳ lãnh đạo nối tiếp nhau, từng đợt từng đợt tham quan, từ Mao Trạch Đông tới Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch, tất cả đều là những kẻ dâm đãng làm tổn hại đến những thiếu nữ, phụ nữ nhà lành, các ngôi sao điện ảnh. Thông qua sự câu kết giữa quan chức và thương nhân, nghành công nghiệp tình dục đã có sự phát triển mạnh, hai thế hệ phụ nữ nông thôn cùng với tầng lớp phụ nữ tầng lớp dưới chót ở thành thị đã gần như toàn bộ gia nhập “Nương tử quân màu vàng”, cung ứng toàn bộ các hoạt động ăn chơi hưởng lạc dâm đãng cho tập thể tầng lớp quan chức. “nhị nãi”, “tiểu mật”, “thông dâm”, “lõa quan”, “chơi gái”, “chăn nuôi gái sạch còn trinh nữ”…từ Bắc Kinh đến Seattle, từ Quảng Châu đến khắp các “Phố đèn đỏ” trên toàn thế giới, từ Hong Koong, Macau cho đến Las Vegas. Tất cả những thứ được nêu ở trên đều là những ví dụ cho sự kiểm soát, chiếm hữu, dày xéo đối với quyền lực thân thể.

Trong cuốn sách “Đế Quốc” của nhà triết học theo chủ nghĩa Hậu kết cấu Phương Tây Micheal Hardt và Antonio Negri (Empire, xuất bản năm 2000, trang 14-15 phần Lời tựa) có viết như sau:

Khái niệm về đế quốc cơ bản nhất đó là thiếu đi đặc trưng biên giới cương vực: Sự thống trị của đế quốc là không hề có điểm kết thúc. Đầu tiên và quan trọng nhất là, khái niệm đế quốc thiết đặt một chính quyền bao trùm một cách có hiệu quả toàn bộ không gian của nó, hoặc nói cách khác, nó thống trị toàn bộ cả thế giới “văn minh”. Không có sự giới hạn về ranh giới lãnh thổ đối với sự thống trị của nó. Thứ hai, khái niệm đế quốc không phải là chính thể được xây dựng thông qua sự chinh phục trong lịch sử, mà nó là một trật tự mới kết thúc lịch sử một cách có hiệu quả hơn nữa đem trạng thái những sự vật hiện hữu ngưng kết nó trở thành vĩnh hằng. Nhìn từ góc độ của đế quốc, vạn vật vạn sự đều sẽ là như vậy, hơn nữa được kỳ vọng một mực là con đường như vậy. Nói cách khác, sự thống trị của đế quốc xuất hiện với diện mạo không phải là một thời khắc ngắn ngủi trong sự vận động của lịch sử, mà là một chính quyền không hề có sự giới hạn của thời gian. Từ ý nghĩa này mà nói, đế quốc là nằm ngoài lịch sử, hoặc là điểm kết thúc của lịch sử. Thứ ba, sự thống trị của đế quốc vận hành trong mỗi một tầng diện của trật tự xã hội, kéo dài đến chỗ sâu nhất của thế giới xã hội. Đế quốc không chỉ là một mảnh lãnh thổ, một số lượng dân số, mà nó đã tạo ra một thế giới trong đó cung cấp cho bản thân nó sinh sống. Nó không những quy chuẩn hóa sự tương tác giữa con người với con người, mà còn cố gắng trực tiếp quản trị nhân tính. Mục tiêu thống trị của nó là toàn bộ đời sống xã hội, bởi vậy, đế quốc thể hiện ra hình thái mang tính khuôn mẫu của quyền lực kiểm soát thân thể. Cuối cùng, mặc dù trong thực tiễn đế quốc không ngừng chìm đắm vào trong biển máu, nhưng khái niệm đế quốc lại luôn tận lực hướng về hòa bình, một nền hòa bình vĩnh cửu vượt ra khỏi bên ngoài lịch sử, trải rộng khắp thiên hạ.

Trung Quốc trong thế kỷ 21 dưới sự nô dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là một đế quốc như vậy, hoặc là nói rằng đang có một đế quốc hùng tâm tráng chí như vậy đang được thúc đẩy, tạo dựng. Trong lý thuyết về hành vi giao tiếp, triết gia người Đức Jürgen Habermas đưa ra khái niệm “Thực dân hóa thế giới sinh mệnh” (colonization of the lifeworld). Theo một ý nghĩa nào đó, Đảng quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là một kẻ thực dân như vậy, mà hàng nghìn hàng vạn gia đình, không gian công cộng và hàng tỉ hàng tỉ thần dân Trung Quốc đang sinh sống bên trong nó chính là những đối tượng thực dân.

(Trích Chương Dẫn Nhập của quyển “Ðế Quốc Mặt Trời Ðỏ – Cuộc Ăn Chia Cuối Cùng Của Ðảng Cộng Sảng Trung Quốc. Tác giả nhà nghiên cứu Xia, Ming-Hồ Như Ý dịch. Cổ Loa sắp xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019)

 

___________________________________________________

[1] Jane Burbank and Frederick Cooper: Empires in World History: Power and the Politics of Difference, Princeton & Oxford, Princeton University Press, 2010.

[2] Quần đảo Senkaku 尖閣諸島, cũng gọi là quần đảo Điếu Ngư 釣魚台群島, là một nhóm gồm các đảo không người do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông. Các đảo nằm về phía đông của Trung Quốc, về phía đông bắc của Đài Loan, về phía tây của đảo Okinawa, và ở phía bắc cực tây nam của quần đảo Ryukyu.Từ khi Hoa Kỳ trao quyền quản lý các đảo cho Nhật Bản năm 1971, quyền sở hữu các đảo bị tranh chấp giữa Nhật Bản với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản đã kiểm soát các đảo từ năm 1895 cho đến khi đầu hàng kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hoa Kỳ quản lý quần đảo như là một phần của Chính quyền dân sự Hoa Kỳ tại quần đảo Ryukyu từ năm 1945 đến năm 1972, khi chúng được trao cho Nhật Bản theo Hiệp ước trao trả Okinawa giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

[3] Louis (1638 – 1715), còn được biết như Louis Vĩ đại hoặc Vua Mặt trời (The Sun King), là một quân chủ thuộc Nhà Bourbon, đã trị vì với danh hiệu Vua Pháp và Navarre. Ông được xem là một trong những nhà chinh phạt lớn trong lịch sử. Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp và cả Châu Âu.

[4] Oriental Despotism: a Comparative Study of Total Power. Yale University Press, 1957

[5] Vladimir Vladimirovich Putin (1952- ): Là một chính trị gia người Nga và là cựu Thủ tướng của Liên bang Nga, là Tổng thống Liên bang Nga từ năm 2000 – 2008, và từ 2012 đến nay.

[6]Quyển sách đen của Chủ nghĩa Cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp. Đây là một quyển sách liệt kê các tội ác của các chính phủ cộng sản từ xưa đến năm 1997, kể cả đàn áp dân chúng, giết người ngoài pháp luật, trục xuất, và nạn đói nhân tạo. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1997, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng. Các tác giả tuyên bố đã sử dụng các tài liệu vừa được công bố lúc đó từ văn thư lưu trữ mật của KGB.

[7] Hệ thống bán tổng thống thể chế tổng thống đại nghị là một hệ thống chính phủ trong đó có một tổng thống và một thủ tướng. Cả hai viên chức này đều là những người tham dự vào việc điều hành chính sự quốc gia hàng ngày. Hệ thống này khác hệ thống cộng hòa đại nghị vì có một nguyên thủ quốc gia được người dân bầu lên nhưng chỉ là nguyên thủ biểu tượng nghi thức và khác với hệ thống tổng thống vì có nội các phải chịu trách nhiệm trước quốc hội mặc dù được tổng thống bổ nhiệm. Quốc hội có thể bắt buộc nội các từ chức qua một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm.

[8] Carl Joachim Friedrich (1901-1984): Là một giáo sư, nhà lý luận chính trị người Mỹ gốc Đức. Các bài viết của ông về luật pháp và chủ nghĩa lập hiến đã đưa ông trở thành một trong những nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu thế giới trong thời kỳ hậu Thế chiến II. Ông là một trong những học giả có ảnh hưởng nhất nghiên cứu về chế độ toàn trị.

[9] Zbigniew K. Brzezinski (1928 – 2017): Là một nhà khoa học địa chính trị, một chính khách người Mỹ gốc Ba Lan. Ông đã cố vấn cho tổng thống Lyndon B. Johnson 1966–1968 và giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho tổng thống Jimmy Carter 1977-1981. Brzezinski thuộc trường phái lý thuyết gia chủ nghĩa hiện thực trong ngành quan hệ quốc tế, về địa chính trị theo truyền thống Halford Mackinder và Nicholas J. Spykman.

[10] Totalitarian Dictatorship and Autocracy, Carl J. Friedrich and Zbigniew K. Brzezinski Cambridge: Harvard University Press (1956)

[11] Jürgen Habermas (1929 -) là một nhà xã hội học và triết học người Đức, nổi tiếng với các đóng góp về thuyết phê phán và chủ nghĩa thực dụng. Ông được biết đến với nghiên cứu khái niệm môi trường công trong tác phẩm The Structural Transformation of the Public Sphere.

[12] Chủ nghĩa Bonaparte (Bonapartisme): Theo nghĩa hẹp, nó dùng để ám chỉ những người có mục đích phục hưng Đế chế Pháp dưới triều đại Bonaparte, triều đại do Napoléon I thành lập khi lên ngôi hoàng đế Pháp năm 1804. Và năm 1852, Napoléon III (cháu trai Napoléon I) thiếp lập Đệ nhị đế chế Pháp. Theo nghĩa rộng, nó dùng để nói đến những phong trào chính trị mang tư tưởng ủng hộ Nhà nước tập quyền do duy nhất một lãnh đạo đứng đầu dựa trên chủ nghĩa dân túy.

[13] Ngũ Mao 五毛党: Là tên gọi của những dư luận viên được chính quyền trung ương và các địa phương ở Trung Quốc thuê hoặc cơ quan trực thuộc Đảng Cộng sản thuê để đưa các thông tin ủng hộ chính của Đảng nhằm định hình và hướng dẫn dư luận trên các diễn đàn Internet. Các dư luận viên được trả 5 hào cho một bình luận mang tính hướng dư luận ra xa các phê phán đảng hoặc các nội dung nhạy cảm trên các website trong nước, hệ thống diễn đàn hoặc chat room, hoặc đưa các thông tin ủng hộ đảng Cộng sản. Tên gọi này được cư dân mạng Trung Quốc sử dụng như một sự châm biếm, mỉa mai.

[14] Res Publica : Còn được dịch là Cộng hòa (Tiếng Hy Lạp: Πολιτεία) là cuốn sách về Socrates được Plato viết vào khoảng năm 380 TCN trả lời các câu hỏi về công lý, thành phố công lý, và cá nhân công lý. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato và là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất lên sự phát triển tư duy của triết học và học thuyết chính trị. Nhân vật chính trong tác phẩm là Socrates cùng với nhiều học giả Athen và các nơi thảo luận về ý nghĩa của công lý, và kiểm chứng xem liệu một người hành động theo công lý có hạnh phúc hơn một người luôn hành động ngược lại, từ đó Socrates đưa ra đề nghị về một thành phố dưới sự quản lý một vị vua hiền triết. Các nhân vật cũng bàn về Học thuyết các dạng, sự bất tử của linh hồn, và vai trò của triết gia và thơ ca trong xã hội.



Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách

Thẻ:, , ,

4 replies

  1. Xin được chỉ giúp nơi mua cuốn sách này. Cảm ơn.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: