Nhà báo Vũ Ánh (Ảnh: Uyên Nguyên)
Trước đó, P. Ð. Nh. là người nhóm sĩ quan đầu tiên trải qua những đòn trừng phạt không trại nào có trong chuồng cọp sau khi anh tổ chức cuộc lãng công gọi nôm na là “No Eat, No Work” (Không Ăn thì Không Làm) đã chuyển đạt cho tôi một kinh nghiệm về những điều cần làm để đối phó với chế độ “hai muỗng cơm, hai muỗng nước và hai muỗng muối” trong biệt giam. Anh nói: “Việc cần làm ngay đầu tiên của Alpha (tên anh em gọi tôi theo mẫu tự đầu của Việt ngữ) là phải chắt nước muối khỏi tô khoai mì ngay lập tức, sau đó chỉ ăn một chút cầm chừng thôi. Nước uống thì đừng vội vã ực một hớp là hết ngay. Hãy làm chậm và nhạt cơn khát của mình bằng cách uống từng nửa muỗng một, không nuốt mà để nước nhỏ từng giọt xuống chân răng rồi thấm dần vào cổ họng, cơn khát sẽ dịu xuống dần. Việc cần làm thứ hai là mỗi khi bị gọi đi thẩm cung thì cố gắng kéo dài thời gian thẩm cung và số lần thẩm cung. Ðể làm gì? Alpha cần lợi dụng những lần này để xin uống nước. Mình phải giở trò lì ngay: nói thẳng với chúng là nếu không được uống nước thì không có sức đâu mà nói và cương quyết yêu cầu chúng đem Alpha ra sân trại bắn bỏ. Khi được dẫn trở lại phòng giam, Alpha đái ra cái ca nước. Nước tiểu lúc đó còn nhạt dễ uống và không nguy hiểm.”
Bài học mưu sinh thoát hiểm của P.Ð.N khá chính xác, nhưng trường hợp của tôi không giống trường hợp của anh. Anh chỉ phải ở trong thời gian vài tháng, nhưng tôi phải ở một thời gian dài hơn nhiều, cho nên cái trò nhục hình này chỉ xảy ra vào những tuần lễ trước và sau khi tôi bị thẩm cung. Ngoài thời gian ấy, chúng phát nước uống trở lại mức bình thường nghĩa là một phần tư ca nước cho mỗi bữa ăn. Những thời gian bị “đì” và phải ăn chế độ được tính toán theo công thức “qui ra” cơm canh như dưới đây:
Năm (5) lát khoai mì = 2 muỗng cà phê cơm
Nửa lóng tay nước uống = hai muỗng “canh đại dương”
Tôi hiểu ngay đây là một lối giết người dần dần bằng cách làm cho người tù bị phù thũng vì “ăn mặn và uống ít nước.” Vì thế, tôi giảm việc ăn tới mức tối đa nghĩa là có bữa chỉ ăn hai lát khoai mì. Ðói kinh khủng, nhưng ngược lại bớt khát hơn. Người tôi gần như lả đi, nhưng vẫn cảm thấy đầu óc tỉnh táo. Tôi tập uống nước theo kiểu đếm từng giọt để cho cơ thể quen dần, chịu đựng được những cơn khát cháy cổ họng. Việc tập luyện cộng thêm với việc ngồi yên, tập trung và thở đều có khả năng làm cho cơn khát tạm dịu xuống. Khát cộng thêm với muỗi hành vào ban đêm nên suốt đêm tôi không thể chợp mắt được chút nào. Không khí trong chuồng cọp mùa hè nóng như một lò than, ngột ngạt, khó thở. Nhưng chỉ khoảng 5 giờ chiều dù vẫn còn chút ánh tà dương lọt qua cửa tò vò của xà lim, muỗi rừng đã kêu như sáo. Loại muỗi rừng này nhỏ mình đen thẫm và có vân, chích vào người đau, da phồng rộp lên như nổi mề đay và ngứa. Mặc áo thì nóng hừng hực không thể nào chịu được mà cởi áo ra thì bị những đàn muỗi tấn công. Suốt đêm tôi chống trả bằng cách dùng chiếc áo vung lên không trung. Ðến khoảng 5 giờ sáng, khi tay mỏi nhừ thì nằm vật xuống ngủ thiếp đi.
Khi trật tự mở cửa vào lúc 6 giờ sáng để trực trại Luật điểm số xem ban đêm có tù nhân nào phá được cái cùm sắt 16 ly trổ nóc bê tông của xà lim trốn hay không, nhìn xuống sàn nằm, tôi có thể thấy hàng trăm xác muỗi, có nhiều con còn động đậy. Hóa ra những con muỗi này hút máu đến no nê không bay nổi, lăn kềnh ra. Dùng bàn tay chà một lượt, máu muỗi đỏ bàn tay.
Cũng mất đến 3 ngày sau tôi mới tìm cách liên lạc được với Trần Danh San nhờ một em tù hình sự nằm ở biệt giam 6 tức là ngay cạnh xà lim tôi đang nằm. Thông thường cách liên lạc trong tù tốt nhất là dùng morse mà anh em chúng tôi gọi nôm na là “tạch tạch xè.” Morse là phương pháp truyền tin cổ điển. Tôi biết sử dụng morse do tình cờ. Khi phục vụ tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, Sở Thời Sự do tôi điều hành, về phương diện tổ chức không có Phòng Kiểm Thính vốn luôn thuộc Sở Kỹ Thuật, nhưng về hoạt động tức là công việc hàng ngày lại nhắm vào phục vụ cho Sở Thời Sự. Nhiệm vụ của Phòng Kiểm Thính là nghe xem những đài sau đây nói gì hàng ngày: Ðài Giải Phóng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, Ðài Tiếng Nói Việt Nam của Hà Nội, Phần phát thanh bằng Việt ngữ của Ðài Mạc Tư Khoa (Liên Xô), Phần phát thanh Việt ngữ của Ðài Phát Thanh Bắc Kinh (Trung Cộng), Phần phát thanh Việt ngữ của Ðài BBC, Phần phát thanh Việt ngữ của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và đặc biệt Phần phát tin bằng morse của hãng thông DKP (Ðông Ðức). Ðây là hãng thông tấn chuyên gởi đi những bản tin bằng morse bằng ba thứ tiếng Ðức, Pháp và Anh nhằm lũng đoạn thế giới tự do. Kỹ thuật của họ là “lấy một phần sự thật của các bản tin quốc tế được xác nhận và thêm vào những chi tiết do họ chế ra, chỉ để gây bất lợi cho Hoa Kỳ và thế giới Tây phương.”
Chẳng hạn như năm 1968, tổng bí thư theo chủ nghĩa xét lại của đảng Cộng Sản Tiệp là ông Ducek bị bắt sau khi ông dấy lên cuộc Cách Mạng Nhung vào mùa Xuân tại Tiệp Khắc thì lập tức 3 giờ đồng hồ sau, đài DKP cho phát đi một bản tin xác nhận Tổng Bí Thư Ducek bị bắt và ông đã đồng ý đọc một bản phản tỉnh “xin lỗi nhân dân Tiệp.” Thời điểm nói trên, các phương tiện thông tin không có nhiều như hiện nay nên khó phối kiểm tin này. Cuối cùng chúng tôi biết đây là một tin dởm mà DKP đưa ra nhằm kiểm soát sự thiệt hại cho đảng Cộng Sản Ðông Ðức mà thôi. Ngoài nhiệm vụ kiểm thính, Phòng Kiểm Thính, gọi nôm na là Phòng Thâu Tin còn phải phụ trách coi 4 máy viễn ấn tự của các hãng thông tấn quốc tế nổi tiếng lúc bấy giờ như Reuters, Associated Press (AP), United Press International (UPI), Hãng thông tấn Pháp AFP. Hệ thống truyền thanh Quốc Gia có hợp đồng ký với những hãng này và họ đặt máy viễn ấn để chúng tôi có thể lấy tin trực tiếp với họ và chuyển thành tiếng Việt.
Phòng kiểm thính phải nghe và thu những tin tức này các đài nói trên, rồi ngồi nghe lại đánh máy ra nội dung, một bản sẽ chuyển cho văn phòng tổng giám đốc, bản thứ hai sẽ chuyển xuống Sở Thời Sự để tôi và các Chủ Bút đọc. Thấy gì cần khai thác và phản tuyên truyền, tôi có trách nhiệm phải triệu tập phiên họp các trưởng phòng Bình Luận và Chủ Bút Tin Tức để thảo luận về nội dung cần phải phản tuyên truyền. Phòng Kiểm Thính có hai nhân viên nghe morse rất giỏi. Tôi tìm hiểu và tập nghe morse từ hai nhân viên này sau khi họ hướng dẫn tôi cách nghe và sử dụng. Khi đi tù, ngồi tẩn mẩn, tôi nghĩ ra việc dùng morse đơn giản hơn và để giết thì giờ, tôi hướng dẫn San cách liên lạc bằng morse đơn giản để sử dụng trong những trường hợp cần thiết, chẳng hạn như khi vào biệt giam có thể liên lạc với nhau.
Thung Lũng Tử Thần, tác giả nhà báo Vũ Ánh.
Người Việt Books xuất bản, 2014. Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Nhưng trường hợp các xà lim biệt giam ở khu biệt giam trại A- 20 khá phức tạp vì chỉ khi nào hai người nằm sát nhau ở hai bệ nằm ngăn bằng bức vách chung thì mới sử dụng morse gõ vào tường được. Còn nếu nằm hai xà lim cách nhau thì khi gõ vào tường người bên kia chỉ nghe những tiếng động bị “echoed” (tạm dịch là bị vang) và bị cộng hưởng nên không thể nhận ra được. Trong suốt 3 ngày tôi gõ mấy lần, nhưng rõ ràng San không thể nhận ra những điều tôi muốn nói. Nhưng vào buổi tối ngày thứ tư kể từ khi vào biệt giam, tôi bỗng nghe người bạn tù ở phòng số 6 tức là nằm ngay sát tôi lên tiếng. Tôi nghe văng vẳng nhưng khá rõ:
“Anh….. số…. 5… ơi… Em….. là…. Trí…. tù… ở…. đội…. hình…. sự…. Anh…. không…… cần…. gõ…. vào…. tường…. Muốn… liên…. lạc… anh….. chỉ…. cần…. nói……. lớn…… và… chậm…. Bên… kia… sẽ….. nghe….”
(Ghi chú: mỗi dấu chấm là tượng trưng chữ bị “echoed,” nhưng rất nhẹ, cho nên nói với tốc độ càng chậm càng nghe rõ)
Tôi thử và tập luyện với người bạn trẻ tù hình sự nằm ở biệt giam 6 vào nửa đêm hôm sau. Kết quả khá tốt. Trường hợp hai xà lim nằm cách xa nhau, chẳng hạn như ở xà lim hai muốn liên lạc với xà lim 10 nếu gặp khó khăn thì có thể nhờ một xà lim nào ở gần giữa tiếp vận. Trong suốt thời gian 4 năm nằm xà lim ở Phân Trại E của tại A- 20, tôi dùng phương pháp này để liên lạc với các xà lim khác: linh mục Nguyễn Văn Vàng dòng Chúa Cứu Thế ở xà lim 10, linh mục Nguyễn Luân, một linh mục mới chịu chức còn đang tập sự tại nhà thờ chính tòa Phan Thiết bị suyễn khá nặng ở xà lim 7 và dĩ nhiên Trí ở xà lim 6, số 4 bỏ trống, rồi xà lim 3 là nơi luật sư Trần Danh San mới bị đẩy vào, xà lim số 2 là nơi hai linh mục Nguyễn Quang Minh và Nguyễn Duy Chương (vụ nhà thờ Vinh Sơn) bị cùm chung và ở xà lim 1 là phòng biệt giam Nguyễn Ðình Quý một sĩ quan cảnh sát phục vụ tại Bộ Tư Lệnh CSQG. Liên lạc theo kiểu nói chậm mà chúng tôi gọi là “phương pháp của người robot” có điều không thuận lợi là chúng tôi phải nói bằng bạch văn, người ở các xà lim khác có thể nghe và hiểu câu chuyện. Hơn nữa, bọn vệ binh có nhiệm vụ tuần tra khu vực xà lim vào ban đêm có thể nghe thấy. Dù không hiểu rõ lắm nội dung việc thông cung giữa các tù nhân biệt giam, chúng cũng can thiệp để cắt ngang các câu chuyện giữa chúng tôi bằng cách đạp chân vào khóa cùm xuyên qua bức tường phía chân cùm trổ ra phía ngoài. Mỗi lần như vậy, các vòng cùm siết chặt hai cổ chân tù nhân xà lim chuyển động khiến cho họ đau đớn vô cùng.
Nhưng đồng thời chúng tôi hiểu rằng luật lệ mở cổng khu biệt giam và các phòng biệt giam vào ban đêm rất khó khăn, chỉ trường hợp bất đắc dĩ phải đưa tù nhân mới vào biệt giam hay tù nhân biệt giam bị bệnh chết đột ngột, trực trại mới chịu vào mở cổng. Cho nên, tù nhân khu biệt giam, nếu bị bệnh đột ngột vào ban đêm liên quan đến tim mạch, sẽ cầm chắc cái chết. Lý do chính khiến trực trại chỉ mở cổng khu biệt giam vì anh ta lười cũng có, nhưng yếu tố chính là do vấn đề an ninh. Ban đêm vào khu xà lim, trự trại phải mang theo ít nhất là hai vệ binh súng dài và một hoặc hai trật tự. Chúng sợ bị tù nhân xà lim tấn công cướp súng trốn trại, nhất là sau vụ cướp súng tại bãi lao động để trốn trại của 6 sĩ quan xảy ra gần một năm trước đó.
Cá nhân, trong thời gian đầu bị “đì” phần nước, tôi hết sức giới hạn việc liên lạc với San và những phòng biệt giam khác trừ trường hợp thật cần thiết để thông cung. Lý do rất dễ hiểu: nói nhiều thì khát nhiều. Với 4 muỗng nước mỗi ngày, cổ họng cháy bỏng chỉ cần nói một hai câu là tôi có cảm tưởng cái màng mỏng ở lưỡi gà rộp lên. Tình trạng kéo dài khoảng 10 ngày. Trong mười ngày đó, biện pháp đối phó của tôi là giảm ăn tới mức tối đa. Tôi chỉ ăn khi nào thấy chân tay bủn rủn và người toát mồ hôi lạnh. Cộng thêm vào với phương thức này là ngồi thiền theo phương thức mà một tu sĩ Phật giáo thân với tôi là Thượng tọa Thích Huệ Ðăng chỉ dẫn: nếu hai chân bị cùm thì ngồi duỗi thẳng chân ra, thân mình phải thẳng thành một góc 90 độ với hai chân, hai tay chống nhẹ xuống đùi và thở ra hít vào thật nhẹ, phải đếm mỗi lần thở trong giai đoạn đầu để đầu óc thảnh thơi không suy nghĩ gì cả, quên tất cả mọi chuyện kể cả chuyện đói, chuyện khát.
Ba bốn ngày đầu thì còn chật vật, nhưng kể từ ngày thứ năm kể từ khi vào biệt giam có thể là vĩnh viễn, tôi thấy mình quen dần với phương thức “thiền biệt giam” này. Nó khiến tôi có thể bớt việc nghĩ đến khát và khiến tôi tin tưởng mạnh hơn vào ý chí chống lại kiểu nhục hình này trong nhà tù Cộng Sản.
Vũ Ánh
(Trích: Thung Lũng Tử Thần, tác giả nhà báo Vũ Ánh. Người Việt Books xuất bản, 2014)
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời