Hồi ký Triệu Tử Dương, Lịch Trình Cải Cách
Hồ Như Ý dịch
Lotus Media xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2019
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
* Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Báo chí và Xuất bản Quốc gia
Năm 1989 tại Bắc Kinh đã diễn ra sự kiện “Lục Tứ” gây chấn động Trung Quốc lẫn trên thế giới, sự kiện này được định tính gán cho tên gọi “bạo loạn phản cách mạng”. Triệu Tử Dương bởi vì sự kiện này đã bị thu hồi hết mọi chức vụ trong và ngoài đảng. Tội danh của ông là “ủng hộ loạn động chia rẻ đảng”.
Ngày 17 tháng 5 năm 1989, Triệu Tử Dương triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong gia đình. Triệu Tử Dương nói với người nhà: “Phương án hòa hoãn của tôi không được chấp nhận, tình hình sẽ rất nghiêm trọng. Nếu như mâu thuẫn bị kích thích bùng nổ, về mặt lịch sử thì sẽ không thể nào chối bỏ được. Tôi tuy đã ngồi lên vị trí này, nhưng không thể đồng ý với cách làm như vậy. Nhưng mà, làm như vậy thì cũng có khả năng tôi sẽ ngồi tù, nhất định sẽ liên lụy đến mọi người. Mọi người cần có chuẩn bị tinh thần về chuyện này.” Vợ của Triệu Tử Dương là Lương Bách Kỳ cùng với các con của ông không hề có tơ hào do dự, nhất trí ủng hộ quyết định của Triệu Tử Dương trong thời khắc vinh nhục sống còn quan trọng mang tính lịch sử này.
Sau “Lục Tứ”, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mấy lần cho người đến tìm Triệu Tử Dương nói chuyện. Lần thứ nhất, đồng chí cũ của Triệu Tử Dương là Vương Nhậm Trùng cùng một số nhân vật quan trọng khác của Trung ương Đảng phụng mệnh mà đến. Vương Nhậm Trùng nói, chỉ cần anh có thể thực hiện kiểm tra sâu sắc, có thể giữ lại chức vụ Ủy viên Bộ chính trị. Triệu Tử Dương đã từ chối. Lần thứ hai, mấy vị quan chức của Trung ương nói, chỉ cần anh bày tỏ thái độ, làm một kiểm tra, có thể giữ lại chức vụ Ủy viên Bộ chính trị. Triệu Tử Dương lại một lần nữa từ chối.
Vào thời điểm đó, bầu không khí chính trị ở Bắc Kinh hết sức căng thẳng, liên lạc giữa tôi và Triệu Tử Dương gián đoạn mất hơn hai năm. Năm 1992 chúng tôi khôi phục lại liên lạc. Tôi kiến nghị ông ấy viết một bài viết, viết với tư cách là một trong những người tham dự “Lục Tứ”, viết ra toàn bộ quá trình, tiền căn hậu quả, tổng kết một số bài học kinh nghiệm. Triệu Tử Dương bày tỏ rằng không muốn viết. Tôi đem việc này nói lại với ngữ khí nặng hơn, tôi nói: “Đồng chí Tử Dương, đây không phải là vấn đề cá nhân của anh, anh có trách nhiệm viết ra. Anh đã đứng ở trên vị trí đó, đối với “Lục Tứ” và tiền căn hậu quả của nó, đối với quản trị đảng và quốc gia đều có tâm đắc của mình, có những suy tư của bản thân, chúng cần phải được viết ra, lưu giữ lại cho thế hệ sau, đây là trách nhiệm lịch sử mà anh cần hoàn thành.” Vào thời điểm đó Tiêu Hồng Đạt cũng có mặt ở đó, chúng tôi cùng nhau khuyên ông ấy viết. Triệu Tử Dương đã đồng ý, để cho chúng tôi đưa ra một đề cương, chúng tôi hỏi, ông ấy trả lời.
Triệu Tử Dương có một trí nhớ phi phàm, nhưng ông ấy vẫn là sợ ghi nhớ không được chuẩn xác, đã từng yêu cầu với Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mượn một số các tài liệu liên quan đến những phát biểu công khai của ông, Văn phòng Trung ương không đưa. Ông đã rất tổn thương, nói rằng vậy thì lật lại báo cũ; ngoài ra ông nói rằng gần đây cũng sẽ đưa ra một đề cương. Những lời trần thuật chính là bắt đầu như vậy.
Khi bắt đầu, ngoài Triệu Tử Dương, tham gia công việc này còn có bốn người: cựu Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tiêu Hồng Đạt, cựu Tổng biên tập Quang Minh Nhật Báo là Diêu Tích Hoa, cựu Phó Tổng Thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc Đỗ Tinh Viên, cộng thêm cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Báo chí và Xuất bản Quốc gia Đỗ Đạo Chính, chính là tôi. Chúng tôi đều là cấp dưới trước đây của Triệu Tử Dương. Khi bắt đầu chúng tôi muốn thực hiện bút ký. Tôi tương đối trẻ tuổi một chút, sức khỏe còn tốt một chút, lại là phóng viên lâu năm, có thói quen ghi lại bút ký, chuẩn bị để tôi phụ trách bút ký. Về sau tôi đi Quảng Châu, nói vệc này với Cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông là Lâm Nhược. Lâm Nhược rất ủng hộ việc này, nói rằng ông ấy có máy ghi âm tốt nhất, sau đó đưa thêm cả băng ghi âm cho tôi. Chúng tôi liền áp dụng phương pháp ghi âm sau đó chỉnh lý lại nội dung.
Sau khi ghi âm, tôi và Tiêu Hồng Đạt ở giữa mùa hè nóng bức bắt đầu đóng hết cửa sổ, trốn ở trong nhà xử lý từng cuộn từng cuộn băng cassette. Cảm nhận chung là: Nội dung đọc rất ngay ngắn, logic chặt chẽ, chỉ cần biến đổi nó thành bản bằng chữ là có thể xuất bản thành sách.
20 năm qua, những cuộc nói chuyện với Triệu Tử Dương, xoay quanh vấn đề Triệu Tử Dương nói về “Lục Tứ”, nói về cải cách mở cửa, nói về tiền đồ thành bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở nước ngoài đã xuất bản tới mười mấy cuốn. Nhưng mà, cuốn sách này vốn được thuật lại y nguyên như những nội dung đã ghi âm trong cuộc trò chuyện với Triệu Tử Dương, bất luận là về tính toàn diện, tính sâu sắc, đặc biệt là tính chuẩn xác và uy tín được bản thân xác nhận, đây là điều mà những cuốn sách có liên quan khác không cách nào so sánh được.
Trong cuốn sách này, Triệu Tử Dương đã trình bày chi tiết về quá trình trải qua sự kiện “Lục Tứ”. Vào thời điểm đó bản thân ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một trong những người có liên quan trực tiếp đến sự kiện, lại là bị cáo bị chính quyền phong tỏa hoàn toàn. Những trình bày của ông, đã nắm bắt một cách hoàn toàn khách quan đối với chân tướng sự kiện, cải chính lại những tin đồn, sai lệch và bóp méo, điều này hết sức quan trọng.
Ở cấp độ sâu hơn, Triệu Tử Dương đã nói đến góc nhìn của ông đối với tiền căn hậu quả của sự kiện “Lục Tứ”.
Ngoài ra, ông đã nghiên cứu, bàn luận về những kinh nghiệm và bài học trên phương diện quản trị quốc gia quản trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, những thành tựu và sai lầm của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Cuối cùng, ông còn nỗ lực nghiên cứu, bàn luận về sự hưng khởi và suy bại của phong trào chủ nghĩa cộng sản quốc tế từ góc độ lịch sử thế giới.
Triệu Tử Dương là một người làm việc thực tế và táo bạo. Ông một mực đi lên từ các chức vụ Bí thư huyện ủy, Bí thư địa khu, đến Bí thư tỉnh ủy, đến phó thủ tướng, rồi đến thủ tướng và Tổng bí thư. Sau “Lục Tứ”, khi đã có thời gian rảnh rỗi, ông bắt đầu kết hợp giữa kinh nghiệm bản thân, suy tư về các vấn đề lớn, bắt đầu tự do suy nghĩ về đủ mọi vấn đề. Bản thân tôi trong hàng chục lần nói chuyện trong lúc ông bị giam lỏng, cũng như trong nhiều lần nghe lại những lần nói chuyện cùng với ông, đã dần cảm thấy rằng ông già đáng kính này vào những năm cuối đời đã có rất nhiều ý nghĩ đáng học tập bùng nổ như là pháo hoa vậy. Tôi thậm chí nghĩ rằng tư tưởng chính trị của ông đã có sự bay vọt về chất trong những năm tháng cuối đời! Bởi vậy, trong ấn tượng của tôi, ông không chỉ là một vĩ nhân dám đứng lên nhận trách nhiệm ở những thời khắc hết sức phi thường, mà những hiểu biết, tư tưởng của ông có được tầm vóc của một nhà tư tưởng lớn, chí ít là nhà tư tưởng với trình độ sâu sắc.
Toàn bộ nội dung nói chuyện với Triệu Tử Dương, thể hiện ra rất nhiều thay đổi lớn về thái độ đối với các chủ trương, đường lối. Ông đã từng mấy lần khẩn thiết nói với tôi: “Lão Đỗ, anh biết là tôi trước đất rất ‘tả‘. Hiện tại tôi thống hạ quyết tâm thay đàn đổi dây, đổi mới tư duy.” Hiện tại, đọc lại cuốn sách này từ đầu đến cuối, bên tai tôi văng vẳng tám chữ: “thay đàn đổi dây, đổi mới tư duy.”
Tự cổ chí kim cả trong và ngoài Trung Quốc không có ai là con người hoàn hảo, Triệu Tử Dương cũng không ngoại lệ. Những cách suy nghĩ và góc nhìn của ông trong cuốn sách này không phải tất cả đều đúng, có những lúc thậm chí là sai lầm, tôi cũng không phải tán thành mọi quan điểm. Nhưng đằng sau những cách suy nghĩ và góc nhìn của ông đều được chống đỡ bởi những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt, rất nhiều là kết quả của sự tư duy sâu sắc, kĩ càng. Cuốn sách này chỉ là những suy nghĩ và cách nhìn của ông được truyền tải nguyên vẹn, không qua gia công. Bình luận như thế nào về nó là chuyện của độc giả, là chuyện của lịch sử.
Bắt đầu từ những năm thập niên 50 của thế kỷ trước, tôi đã bắt đầu làm việc dưới sự lãnh đạo của Triệu Tử Dương. Vào thời điểm đó Triệu Tử Dương là Bí thư thứ hai tỉnh ủy Quảng Đông, Đào Chú là Bí thư thứ nhất. Tôi là trưởng phân xã Tân Hoa Xã tỉnh Quảng Đông. Triệu Tử Dương nói rằng trước đây ông ấy rất tả, đích thật là như vậy. Trong một loạt các phong trào có tính chất cực tả trước đây như Phản hữu phái, Công xã hóa, Đại nhảy vọt, Phản hữu khuynh, Giáo dục chủ nghĩa xã hội ở nông thôn vân vân, ông không hề tiêu cực. Trong cuộc vận động Phản hữu phái, tôi bị quy nhầm là “phần tử chủ nghĩa xã hội hữu khuynh”, ông đã không công khai đứng ra nói một câu bảo vệ tôi.
Nhưng là, tương đối mà nói, vào thời điểm đó thì tư duy độc lập của Triệu Tử Dương tốt hơn rất nhiều so với Đào Chú. Trong vấn đề xử lý “chạy trốn sang Hong Kong”, Đào Chú có chủ trương trấn áp, Triệu Tử Dương thì lại yêu cầu dẫn dắt. Có không ít lần xử lý các vấn đề, ông thể hiện sự mềm mỏng và thực tế hơn so với Đào Chú. Trong 10 năm “Đại Cách Mạng Văn Hóa”, giác ngộ phẩm chất cá nhân của ông đã có sự thăng hoa rất lớn. Vào cuối năm 1966, tại Đại hội đấu tố Triệu Tử Dương với sự tham gia của 100 nghìn người tại Việt Tú Sơn thuộc Quảng Châu, vợ của tôi ngồi ở phía trước nhất của những người tham gia. Phe tạo phản ép ông tự mình hô to “Đánh đổ phần tử tam phản Triệu Tử Dương”, ông đã từ chối hô lên. Phe tạo phản nhượng bộ, muốn ép ông hô “Đánh đổ phe chạy theo chủ nghĩa tư bản Triệu Tử Dương“, ông vẫn từ chối, cuối cùng ông chỉ hô lên một câu “Đánh đổ Triệu Tử Dương”. Có nghĩa là nói bản thân Triệu Tử Dương tôi làm một con người, có thể đánh đổ. Nhưng tuyệt đối không thừa nhận bản thân là “phần tử tam phản” hay “phe chạy theo chủ nghĩa tư bản”. “Đại Cách Mạng Văn Hóa” đấu tố 27, 28 người trong Ban bí thư tỉnh ủy, những người giống như Triệu Tử Dương ngay cả tội danh “chạy theo chủ nghĩa tư bản” cũng không chịu thừa nhận, có lẽ là không có ai, chỉ có một ngoại lệ. Vào thời điểm đó chuyện này từng được lưu truyền khắp cả nước.
Bản thân là một lãnh đạo địa phương, Triệu Tử Dương rất xuất sắc, nhưng tôi nghĩ rằng gần như không có gì thật sự đặc biệt. Chỗ ưu tú hơn người của ông, nằm ở chỗ ông và Hồ Diệu Bang trở thành cánh tay trái và cánh tay phải của Đặng Tiểu Bình, đã có những cống hiến trác việt cho sự nghiệp cải cách mở cửa vượt qua thời đại, càng nằm ở nhân cách vĩ đại mà ông đã biểu hiện trước, trong và sau “Lục Tứ” 1989. Trong thời khắc quan trọng của “Sự kiện Lục Tứ”, Triệu Tử Dương đã chịu trách nhiệm với dân tộc Trung Hoa, trách nhiệm với lịch sử, trách nhiệm với người dân, hoàn toàn không để ý tới vinh nhục sinh tử cá nhân, đứng về phía chân lý, đứng về phía nhân dân, tuyệt đối không thỏa hiệp, tuyệt đối không khuất phục, tuyệt đối không lùi bước. Ông đã kế thừa sự kiên cường và bất khuất của dân tộc Trung Hoa, hành động vì nhân dân, vì một chữ “Nghĩa”, có được tinh thần cao thượng nhảy vào nước sôi lửa bỏng. Ông là tấm gương của mọi người. Bởi vì vậy, người ta mới có thể nhớ ông rất sâu đậm, có thái độ cảm thông đối với một số sai lầm của ông. Chúng ta nguyện ý học tập ông, học tập cách làm người của ông.
Nguyên nhân căn bản khiến Triệu Tử Dương rớt đài, là bởi vì cải cách thể chế chính trị Trung Quốc không theo kịp. Công cuộc cải cách của chúng ta từ đầu đến cuối luôn là khập khiễng bước đi. Chúng ta cần học tập Triệu Tử Dương và Hồ Diệu Bang, tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc.
Vào thời điểm Triệu Tử Dương qua đời năm 2005, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng Tân Hoa Xã đã có một số đánh giá ngắn đối với ông, nói rằng vào thời điểm giao mùa xuân hạ năm 1989, đã phạm phải “sai lầm nghiêm trọng”, không hề nhắc đến định luận “ủng hộ động loạn chia rẽ đảng” nữa. Sự thay đổi trong cách nói như vậy, nhìn từ Trung ương Đảng mà nói, là một loại nhượng bộ. Nhìn từ góc độ lịch sử Trung Quốc đương đại, đây rõ ràng là một tiến bộ. Nhưng nếu so sánh với sự thực, nói một cách thực tế, thì đánh giá này, rõ ràng là chưa đạt yêu cầu. Mà cho đến tận ngày nay, đã trải qua 4 năm (2009) tro cốt của Triệu Tử Dương vẫn chưa được sắp xếp ổn thỏa. Đối với việc tùy ý giam lỏng Triệu Tử Dương nhiều năm sau khi ông bị bãi chức, cho đến nay vẫn chưa có được một câu trả lời công bằng. Ba chữ Triệu Tử Dương cho đến nay vẫn là một từ nằm trong danh sách bị cấm trên truyền thông ở Trung Quốc Đại Lục. Những điều này nhìn từ góc độ lịch sử, đương nhiên là không thể chấp nhận được. Nhưng mà giống như một câu nói từng được Lưu Thiếu Kỳ hô lên trong lúc ông ta bị đánh đổ ở trong “Đại Cách Mạng Văn Hóa”: “Điều may mắn là lịch sử được viết nên bởi nhân dân.”
Ngày 22 tháng 3 năm 2009
Ðỗ Ðạo Chính
Trích Triệu Tử Dương-Lịch Trình Cải Cách, Hồ Như Ý dịch, Lotus Media xuâất bản, 2019
(Ảnh: của Shiho Fukada for The New York Times)
Chuyên mục:Lotus Media, Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời