Vụ án Dương Giai đã trở nên thu hút sự chú ý của dư luận toàn quốc, những lời tán thưởng dành cho “Dương đại hiệp” lan truyền khắp nơi trên mạng. Tính chất của vụ án này đã vượt lên xa so với một vụ án hình sự lớn, nó đã liên quan trực tiếp đến uy tín công cộng của chế độ tư pháp Trung Quốc. Vụ án Dương Giai có được xét xử công bằng hay không, không chỉ là khảo nghiệm đối với các cơ quan tư pháp Thượng Hải, càng là khảo nghiệm đối với chế độ tư pháp Trung Quốc.
Cảnh sát Thượng Hải không thể mang lại cho Dương Giai “một câu trả lời công bằng”, Dương Giai liền dùng bạo lực giết cảnh sát để đưa cho cảnh sát Thượng Hải “một phương thức phục thù”.Sau khi thảm án xảy ra, công chúng mong chờ nghành tư pháp Trung Quốc có thể đem lại cho Dương Giai “một câu trả lời công chính”. Dưới thể chế pháp luật hiện hành ở Trung Quốc, ngay cả khi Dương Giai khó thoát khỏi án tử, nhưng chỉ cần tuân thủ theo trình tự tư pháp công chính, trong quá trình xét xử có thể làm tới mức độ công chính minh bạch, Dương Giai cũng có thể chế một cách rõ ràng, sự mong chờ của dư luận cũng sẽ không rơi vào khoảng không.
Đáng tiếc là, tiến triển của vụ án kể từ khi phát sinh vụ án cho đến xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều gây thất vọng cho dư luận. Các cơ quan tư pháp Thượng Hải (công an, việm kiếm sát, tòa án) với người đứng đầu là Bí thư chính pháp Ngô Chí Minh đã công nhiên đi ngược lại trình tự pháp luật cũng như dẫm đạp lên lương tri của nghành tư pháp. Một mặt họ rụt rè như con chuột, đặt vụ án Dương Giai dưới sự lũng đoạn của chính họ, kiểm soát nghiêm ngặt nhân chứng (mẹ của Dương Giai mất tích, Giáp Khiếu Dần bị bắt), không dám công bố chân tướng vụ án Dương Giai, không dám công bố nơi giam lỏng mẹ Dương Giai, không dám để Dương Giai thuê luật sư theo ý kiến của đương sự, không dám công bố toàn bộ băng ghi hình liên quan đến vụ án, không dám để 7 viên cảnh sát dính líu tới vụ án ra tòa làm chứng, chỉ công bố ra ngoài những từ ngữ và cáo buộc một chiều có lợi cho phía công an Thượng Hải. Mặt khác, họ gan to bằng trời, đội lấy sự chỉ trích của toàn bộ dư luận, sử dụng quyền lực công để thao túng quá trình xét xử vụ án Dương Giai, không hề né tránh việc đảm đương vai trò chủ yếu trong việc xét xử, không hề để ý đến vấn đề tư cách của đơn vị giám định sức khỏe tâm thần, từ chối việc mẹ của Dương Giai thuê luật sư từ Bắc Kinh cho con trai, khăng khăng theo ý mình chỉ định “người của mình” đảm nhiệm chứ vụ luật sư cho Dương Giai, ngay cả khi bản thân Dương Giai yêu cầu cũng như dưới áp lực của dư luận, vào phiên xét xử phúc thẩm đã đổi luật sư, nhưng luật sư cũng không phải là luật sư được mẹ của Dương Giai mời từ Bắc Kinh, mà là luật sư Trạch Kiến vốn là “người phe mình” thuộc phía chính quyền Thượng Hải.
Càng ly kỳ hơn là, mẹ của Dương Giai với tư cách là nhân chứng trực tiếp nhất trong vụ án Dương Giai giết cảnh sát, thì sau khi vụ án xảy ra liền bỗng “biến mất trên thế gian”, dì ruột của Dương Giai cùng cha anh ta đã tìm kiếm thông qua các kênh khác nhau, nhưng kể từ khi vụ án xảy ra tới nay đã gần 4 tháng, thì mẹ của Dương Giai vẫn bặt vô âm tín, ngay cả cảnh sát Bắc Kinh cũng không biết tung tích. Trong khi đó tin tức duy nhất mà truyền thông có được về mẹ của Dương Giai, lại là thông tin do luật sư phiên sơ thẩm Tạ Hữu Minh cung cấp. Luật sư Tạ có vẻ như có được thần công cái thế, ông ta ngay lập tức tìm được mẹ Dương Giai, hơn nữa lấy được thư ủy quyền của mẹ Dương Giai chỉ định ông ta làm luật sư đại diện.
Người Trung Quốc thích sĩ diện, những kẻ cầm quyền lại càng chú trọng điều đó. Nhưng trong quá trình xét xử vụ án Dương Giai, chính quyền Thượng Hại đã hoàn toàn không còn để ý tới mặt mũi của mình, sử dụng vũ khí công cho mục đích riêng tư một cách trần trụi, ngang nhiên dẫm đạp lên sự công bằng của tư pháp. Chính quyền trung ương cũng không còn muốn đeo lên tấm mặt nạ “thân dân”, “hài hòa” nữa, hoàn toàn coi thường dư luận, quan chức bảo vệ cho nhau.
Ở Trung Quốc, nơi đảng làm chủ nền tư pháp, ngoại trừ những chỉ lệnh từ Bắc Kinh, không có lực lượng nào có đủ sức mạnh để ngăn trở chính quyền Thượng Hải sử dụng phiên xét xử bí mật nhằm nhanh chóng kết thúc vụ án Dương Giai. Trước lúc khai mạc vở diễn Thế vận hội, cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chặn lại ý đồ của chính quyền Thượng Hải muốn nhanh chóng kết thúc vụ án Dương Giai, hoãn lại thời gian mở phiên tòa vốn được xác định là ngày 29 tháng 7 dời lại sau lễ bế mạc Thế vận hội. Nhưng mà quyết định hoãn vụ xét xử này chỉ là một mưu kế tạm thời của chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo nhằm giữ vững tình hình ổn định cho Thế vận hội mà thôi, một khi Thế vận hội bế mạc, tầng lớp cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc liền sẽ không còn thúc ước chính quyền Thượng Hải, cho phép chính quyền địa phương tùy ý coi thường trình tự pháp luật cơ bản cũng như sự mong chờ của dư luận đối với tính công bằng về tư pháp. Điều này khiến cho công bằng tư pháp một lần nữa trở thành vật hy sinh vì lợi ích đảng quốc, khiến cho sự mong chờ của dư luận một lần nữa hoàn toàn hụt hẫng. Trong khi đó với thể chế hiện hành của Trung Quốc, việc Trung ương đảng bảo vệ cho chính quyền Thượng Hải thì cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Đầu tiên, lý do trực tiếp nhất khiến chính phủ Trung ương cho phép chính quyền Thượng Hải tiến hành xét xử bí mật, đó là nỗi sợ hãi đối với chấn tướng của vụ án Dương Giai, tiếp theo là nỗi sợ hãi đối với những phản ứng của xã hội có thể xảy ra nếu như chân tướng sự việc được công khai. Chính nỗi sợ hãi như vậy đối với chân tướng cũng như phản ứng của dư luận đối với sự việc mới là động lực để xét xử bí mật đối với vụ án Dương Giai. Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều bị nỗi sợ hãi này ép phải nhảy vào trong chiếc hộp đen, giống như con mọt gỗ không thể nhìn ánh mặt trời vậy. Nếu như nói, sự kiện bạo loạn Ứng An và Dương Giai giết cảnh sát đã phá tan huyền thoại về xã hội hài hòa; vậy thì, xét xử bí mật vụ án Dương Giai chính phá phá vỡ màn bong bóng tự tin của Bắc Kinh được thổi lên bởi Thế vận hội Bắc Kinh.
Thứ hai, tính chất độc tài của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề thay đổi, nó chưa bao giờ là người bảo vệ nhân quyền mà là kẻ xâm phạm nguy hiểm nhất, cũng chưa bao giờ là người bảo vệ tự do mà là kẻ duy trì thể chế nô dịch. Nó không những không khiến cho người dân Trung Quốc tránh khỏi sự uy hiếp của bạo lực, ngược lại luôn sử dụng bạo lực để đối phó với dân húng. Nó đặt ra pháp luật, nhưng liệu nó có dựa theo luật pháp để hành xử và quản trị xã hội hay không thì lại phụ thuộc vào tư lợi và ý nguyện của đảng độc tài, các cơ quan nha môn có thể tùy ý làm bất cứ điều gì chúng muốn, trong khi đó người dân chỉ có thể thực hiện những gì mà nha môn đã đồng ý.
Xem những tranh luận trên mạng internet đối với vụ án Dương Giai, trong đó trộn lẫn lấy những thành phần “ân oán Kinh[1] Hỗ[2]“,khi tôi hỏi những người bạn ở Thượng Hải về góc nhìn của họ đối với vụ án Dương Giai bằng phương thức hỏi thăm qua thư điện tử, một người bạn ở Thượng Hải đã trả lời qua thư như sau: Trong hệ thống cảnh sát toàn quốc thì cảnh sát Thượng Hải không được xem là khét tiếng xấu xa. Ngay cả như vậy, góc nhìn đồng tình với Dương Giai của người dân Thượng Hải vẫn là chiếm một tỉ lệ rất lớn…Không giống với các sự kiện trước đây, Dương Giai rất có ý thức về bảo vệ quyền lợi, hoàn toàn không phải là “bạo dân” trời sinh. Sự kiện này cũng đã cho thấy một cách rất rõ ràng quá trình một “công dân” bị ép buộc phải trở thành “bạo dân”, không được trở thành Thu Cúc[3], chỉ có thể trở thành Dương Giai. Từ một ý nghĩa nào đó, sự phổ biến của mô hình Ứng An cũng có liên quan đến thất bại của mô hình Thái Thạch Thôn, người dân ở Thái Thạch Thôn thất bại một cách triệt để, ở Ứng An là lưỡng bại câu thương, đã là như vậy, ngày càng nhiều “quần chúng không hiểu rõ chân tướng” lựa chọn phương thức đồng quy vu tận hai bên cùng chết. Từ chối đối thoại, tạo ra đối kháng, sẽ chỉ sản sinh ra ngày càng nhiều Dương Giai và Ứng An.
Trước và sau Thế vận hội, xã hội Trung Quốc ngập tràn lấy bầu không khí bạo ngược, hung ác ngày càng nghiêm trọng, mà căn nguyên chủ yếu của nó, không đến từ sở thích bạo lực của người dân, mà đến từ nền thống trị bạo ngược bởi quan quyền. Kể cả khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cao giọng tuyên truyền về một kỳ Thế vận hội “không gì sánh bằng”, nhưng bầu không khí hung tàn này là không thể nào được “hài hòa” bởi thành tích số 1 về số lượng huy chương vàng. Hiện tại, dưới sự chú ý của dư luận, hành vi lạm quyền của chính quyền Thượng Hải trong vụ án Dương Giai, cũng như sự cho phép ngấm ngầm của chính phủ Trung ương đối với hành vi lạm quyền của chính quyền Thượng Hải, tất cả chỉ chứng minh những kẻ cầm quyền vẫn là hết sức mê tín vào phương thức thống trị của bạo lực chuyên chính. Thể chế hiện hành vẫn là kẻ bảo kê cho sự lạm dụng quyền lực công cũng như bất công tư pháp. Đối với những hành động đó của chính quyền, hiệu ứng từ phía xã hội chỉ có thể là thúc đẩy sức mạnh phản nghịch, phóng đại bầu không khí bạo ngược hung tợn, từ đó sản sinh ra ngày càng nhiều sự phản kháng bạo lực từ phía người dân, tạo ra ngày càng nhiều “đại hiệp” hoặc “anh hùng”.
Như mọi người đều biết,chính quyền Trung ương đã che chở cho chính quyền Thượng Hải hoàn thành phiên xét xử phúc thẩm, hành động này không những không cách nào dập tắt được sự theo dõi của dư luận đối với vụ án, ngược lại càng khiến cho hình tượng anh hùng của Dương Giai trong lòng công chúng càng được vun trồng. Hiện tại, những lời kêu gọi xét xử lại vụ án Dương Giai cũng như thư kêu gọi đặc xá cho Dương Giai đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng internet, nhận được sự ủng hộ ngày càng đông đảo của dư luận. Ngay cả khi thời gian đang từng ngày trôi đi có thể khiến cho sự quan tâm của dư luận đối với vụ án Dương Giai càng ít đi, nhưng cuộc khủng hoảng niềm tin mà nền tư pháp Trung Quốc gặp phải đã không cách nào có thể vãn hồi, ngược lại ngày càng lan rộng. Tâm lý “căm thù quan chức” và “căm thù cảnh sát” trong dư luận xã hội ngày càng tăng cao, khiến cho những cuộc xung đột đang ngày càng nóng bỏng giữa cảnh sát và người dân, giữa chính quyền và người dân sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Trên thực tế, tư duy độc tài “xem dân là kẻ thù” tất nhiên sẽ dẫn tới tâm lý phản nghịch “xem quan là kẻ thù” của dư luận. Luồng dư luận mạnh mẽ được bùng phát lên từ vụ án Dương Giai, cũng như hình tượng đại hiệp trong lòng người dân của Dương Giai đã đi vào lịch sử. Người dân tưởng nhớ tới phương thức của Dương Giai, rất có thể diễn biến thành hành động lập bia ghi nhớ sự tích của anh ta, mỗi năm tế một cho Dương Giai, mỗi khi có các sự kiện xung đột dữ dội giữa chính quyền và người dân, dư luận dân gian nhất định sẽ nhớ tới Dương Giai.
Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa được 30 năm, thời đại Mao Trạch Đông chú trọng tới đấu tranh giai cấp có vẻ đã lùi xa, tầng lớp quan liêu ngày nay, chỉ riêng về vật chất đã vượt quá xa so với thời đại Mao Trạch Đông, trong khi đó về phương diện chính trị và tinh thần thì vẫn là con cháu của Mao, vĩnh viễn trung thành với tư duy “xem dân là địch”, đem quần chúng xem là “điêu dân” và “ngu dân”.
Tầng lớp quan chức Trung Quốc ngày nay, có lẽ cũng sẽ không còn học thuộc lòng Mao ngữ lục với những lời răn dạy “Ai là kẻ thù của chúng ta? Ai là bạn bè của chúng ta? Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của cách mạng”, nhưng mà “tiềm thức về kẻ thù” đã ăn sâu vào cốt tủy của họ. Bọn họ không những không tin tưởng không tôn trọng ý kiến của dân, ngược lại đem dân chúng biến thành “kẻ thù tiềm năng”. Do vậy, đối mặt với những ý kiến trái chiều cũng như những đòi hỏi về quyền và lợi ích của người dân, đối với những sự kiện xung đột giữa chính quyền và người dân, thì tư duy của các quan chức vẫn là địch ta được ưu tiên hơn cả vấn đề thật giả, thị phi, thiện ác, họ chỉ có thể đem thứ tư duy cổ lỗ sĩ “Xem dân là địch” này để định tính cho sự việc.
Quan chức chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay, có thể không còn nhớ rõ lời răn dạy của tổ tiên “thượng trí, hạ ngu”, nhưng ý thức đặc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi là “Đội tiên phong” đã khiến cho các quan chức quá thành thạo với lối trị dân “Có thể khiến cho dân đi theo, không thể khiến cho họ biết tại sao”. Vì vậy, mỗi khi có sự kiện xung đột giữa chính quyền và người dân xảy ra, chính quyền nhất định sẽ đem đại đa số người dân tham gia sự kiện gọi họ là “quần chúng không biết rõ sự thật”, làm như là hàng trăm triệu người Trung Quốc đều là có trí tuệ thấp kém và ngu dốt, không biết nhìn, không biết nghe, không biết nghĩ, cũng là tự nhiên nghe lời tin đồn phát tán tin đồn mà không biết tới sự thật, không phân biệt được thị phi và vĩnh viễn phán đoán sai lầm, chỉ khi nào đợi tới những quan chức phụ mẫu vạch ra chân tướng, phân biệt thị phi, thúc đẩy điều thiện và trừng phạt cái ác. Loại tư duy độc đáo “Lý thuyết về nuôi nhốt” được tạo ra bởi chế độ độc tài này vừa là sự sỉ nhục một cách vô lối, bá đạo của chính quyền đối với người dân, cũng là hành động hạ cấp khinh thường của cuồng vọng quyền lực đối với trí tuệ dư luận.
Tuy vậy, người dân Trung Quốc ngày nay không còn là những con cừu non ngu muội lại ôn thuận nữa, mà đã là những đám đông đang ngày càng thức tỉnh ý thức về quyền lợi cũng như những hoạt động bảo vệ quyền lợi đang ngày càng tăng lên. Truyền bá thông tin ở Trung Quốc ngày nay không còn chỉ là thông qua con đường duy nhất từ phía truyền thông nhà nước, mà đã có được một nền tảng mạng internet khó bị chặn đứng. Vì vậy, màn tự khoe khoang ca tụng hình tượng “Quang vinh, Vĩ đại, Đúng đắn” vĩnh viễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã biến thành “chiếc áo mới của Hoàng đế”; gương mặt giáo chủ dẫn dắt lấy đám thảo dân vĩnh viễn ngu muội vô tri, đều đã được biến thành nguồn đề tài mới cho những câu chuyện tiếu lâm và bài vè mang tính châm biếm. Khi mà phiên bản tuyên truyền của chính quyền về “Sự kiện Ứng An” biến thành “hành động chống đẩy/ hít đất” được dư luận lan truyền trên internet, cũng như tội phạm giết người Dương Giai theo cách tuyên truyền của chính quyền đã biến thành phiên bản “Dương Đại Hiệp” của dân gian, tất cả thể hiện lên một cách rõ nét sự đối lập nghiêm trọng giữa người dân và chính quyền. Tư duy quan quyền “Coi dân là địch” nhất định sẽ mang lại xung đột “quan bức dân phản”, cũng nhất định sẽ tạo ra một loại tâm lý phản nghịch “Coi quan là địch” phổ biến đối với người dân: Mỗi khi xảy ra các sự kiện xung đột giữa chính quyền và người dân, phản ứng của dư luận luôn khẳng định quan bức dân phản, những lý lẽ của quan phủ là không đáng tin. Bởi vì, trong trái tim của người dân, bản thân đám nha môn là tà ác, dối trá là bản năng của quan phủ, mỗi một kẻ làm quan đều không có ai tốt đẹp.
Nếu chính quyền Hồ Ôn không từ bỏ phương thức độc tài thống trị quốc gia, vẫn không khởi động cải cách chính trị bao gồm tự do báo chí và tư pháp độc lập, vậy thì chỉ có thể bị động tiếp nhận cục diện “Coi dân là địch” và “Coi quan là thù” đan xen hỗn loạn. Chỉ có thể khiến cho oán hận của dư luận xã hội ngày càng sâu, đối kháng giữa người dân và chính quyền ngày càng mạnh mẽ, phương thức đối kháng ngày càng kịch liệt, rất có thể sẽ gây ra những cuộc bạo loạn mất kiểm soát, khiến cho Trung Quốc một lần nữa rơi vào vòng xoáy dùng bạo lực chống bạo lực.
Bắc Kinh ngày 24 tháng 10 năm 2008 tại nhà riêng
_____________________________________________
[1]Kinh京tức giản xưng của Bắc Kinh 北京có nghĩa là “Kinh đô phía bắc, chúng xuất hiện trong biển số xe của thành phố. Giản xưng chữ cái Latinh chính thức của Bắc Kinh là “BJ”.
[2] Hỗ滬 và Thân 申 là tên viết tắt của thành phố Thượng Hải. Tên đất Hỗ do tên cổ HỗĐộc 滬瀆 của con sông Tô Châu. Tên Thân lấy tên theo Xuân Thân quân (春申君), một viên quan thời nước Sở vào thế kỷ III Trước Công Nguyên – Xuân Thân là một anh hùng thời đó của nước Sở (trong lãnh thổ đó có đất Thượng Hải bây giờ). Do vậy Thượng Hải còn được gọi là Thân Thành申城. Thượng Hải là thành phố lớn nhất Trung Quốc về dân số. Thượng Hải nằm ở bờ biển phía Đông của Trung Quốc và là một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của nước này.
[3]Thu Cúc秋菊 là một nhân vật trong bộ phim Thu Cúc đi kiện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu phát hành năm 1992. Nội dung phim dựa trên tiểu thuyết ngắn Vạn gia tố tụng của Trần Nguyên Bân. Bộ phim kể về Thu Cúc, một người phụ nữ tá điền sinh sống tại vùng nông thôn Trung Quốc. Khi chồng bị đá ở bộ hạ, Thu Cúc bèn đi khắp nơi để tìm kiếm sự công bằng cho chồng mình.
Chuyên mục:Lotus Media, Trên kệ sách, Xã hội
Trả lời