(Ảnh: Uyên Nguyên)
Tôi có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Du Tử Lê. Nhưng nơi đây không nói chi về chuyện đời thường. Cũng không nói chi về tình thân trong đời văn. Tôi muốn nói về một mối tình bí mật (khoan, xin anh Du Tử Lê chớ giựt mình… ).
Với Du Tử Lê, bây giờ tôi mới nói thật, nói thẳng. Xin nói về một mối tình câm, một mối tình lặng lẽ, một mối tình “yêu ngay lần đầu biết nhau”…
Đúng vậy…
Sau một năm ở đảo Galang, tôi đặt chân tới Virginia. Lúc đó, khoảng giữa thập niên 1980s. Và một đêm, nghe được ca khúc “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”… Tôi lặng người.
Nghe từng chữ, từng câu. Thơ Du Tử Lê được Phạm Đình Chương phổ nhạc. Giọng ca Thái Thanh – tôi cũng không ngờ có trần gian này có một giọng ca hay như giọng ca sĩ Thái Thanh, một giọng ca như của cõi trời, giọng ca của một devata (nếu nói theo Kinh Phật). Bài thơ được phổ nhạc gần như giữ 99%, chỉ thêm vào hai chữ (hình như) để biến đổi làn điệu.
Bài thơ Du Tử Lê viết như sau.
ĐÊM, NHỚ TRĂNG SÀI GÒN
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ tôi Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khíu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?
*
Bài này hiện in ở trang 165 của “Tuyển Tập Thơ 1957-2015” của Du Tử Lê. Vừa phát hành ở Quận Cam. Dự kiến ra mắt vào tuần sau ở San Jose.
Sau này, tôi tìm nghe ca khúc này qua nhiều giọng ca khác. Nghe lần nữa qua giọng Thái Thanh. Nhiều ca sĩ khác cũng hát bài này, sau đó. Sau đó, khi trình diễn ca khúc này, xuất sắc trong thế hệ trẻ có lẽ là Trần Thái Hòa, Nam Trân, Vũ Khanh…
Tôi đã tự hỏi, làm thế nào Du Tử Lê có thể làm thơ như thế. Bài thơ đơn giản, nhưng từng lời đều chạm vào tâm hồn người xa xứ. Tôi sinh ở Sài Gòn, hẳn cũng là một yếu tố thiên vị (có thể).
Cũng nên nói rằng, trước kia, tôi thường bị đám bạn Chu Văn An, hầu hết là Bắc Kỳ, giễu về cách phát âm Nam Kỳ: tôi không đọc được chính xác chữ “Giảng” trong “Trương Minh Giảng”… Người ta cứ nghe ra là “Giản” với chữ “g” biến mất. Đó là chưa kể, chữ “Gi” tôi phát âm nghe hao hao nhữ “Dản”… Trời ạ, viết thì đúng, nhưng tôi đã đọc từ thời thơ ấu là “Trương Minh Dản”…
Vậy đó, nhưng không hề gì: đã có Du Tử Lê viết giùm những cảm xúc của tôi, và đã có Thái Thanh phát âm chính xác và diễn âm tuyệt vời cho những người con yêu Sài Gòn.
Kể cả, tôi xin thú thật, tôi không hiểu nghĩa chữ “khíu” – một chữ rất Bắc Kỳ. Và tôi không muốn tra từ điển. Có sao đâu… Có những chữ mình không hiểu nghĩa, nhưng vào thơ vẫn hay, nghe trên nhạc lại càng lạ lùng… Thơ Du Tử Lê với tôi rất mực dị thường là thế.
*
Ghi thêm cho rõ: Tuyển tập thơ này là ấn bản lần thứ 2, gồm 19 chương, dày 720 trang.
Làm thế nào cả một đời làm thơ như ông, và thơ vẫn hay, vẫn thơ mộng…
Trong đó, có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc. Trong đó cũng tuyệt vời là các ca khúc do Trần Duy Đức phổ nhạc. Và Trần Duy Đức đã phổ rất thành công, theo một cách riêng.
Tôi đặc biệt ưa thích nhạc Trần Duy Đức phổ thơ Du Tử Lê – phần lớn, vì cơ duyên tôi về định cư ở Quận Cam và rồi hiêu được duyên cớ một số tác phẩm hình thành như thế nào.
Mỗi bài thơ, mỗi ca khúc đều có một cơ duyên riêng, để sẽ xuất hiện theo kiểu riêng trong cõi này.
Sáng tác là việc gian nan. Người nghệ sĩ nào cũng có nỗi đau riêng, niềm vui riêng, chuyện đời tư riêng, những ước mơ riêng. Khi đặt bút xuống để làm thơ, khi nối các âm thanh cho thành một ca khúc… tất cả không thuần là chữ, không thuần là tiếng vang.
Đó là những mảnh tình ném vào bầu trời. Và Trần Duy Đức đã gặp Du Tử Lê trong một tiền định – kể cả mối tình của Đức, cũng từ một thu xếp của anh Du Tử Lê, chứ không riêng gì các bài thơ dược phổ nhạc.
Bạn có thể vào YouTube để tìm nghe các ca khúc Trần Duy Đức phổ thơ Du Tử Lê, như trích từ:
– Ca Khúc “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời”:
“Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp tim hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi…”
– Ca Khúc “Dòng suối trăm năm”:
“Chẻ đôi sông núi đêm bưng mặt
Mưa quấn khăn vào sầu ấu thơ
Chẻ đôi thân thế mù tăm tích
Ta nghĩa trang nào chôn cất nhau…”
– Ca Khúc “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau (Ở chỗ nhân gian không thể hiểu)” trích:
“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi biết buồn em giăng núi sông
Ngày nghiêng vai xuống đôi vai nhỏ
Nghe lá reo mừng những ngón son…”
Thực ra, nhiều nhạc sĩ khác cũng thành công khi phổ thơ Du Tử Lê, trong đó có Đăng Khánh, Từ Công Phụng, Hoàng Thanh Tâm, Hoàng Quốc Bảo…
Làm thế nào giải thích được hiện tượng các nhạc sĩ ưa thích phổ thơ Du Tử Lê?
Có lẽ, đơn giản nhất là giải thích: thơ anh nhiều nhạc tính. Trong thơ đã có sẵn nhạc.
Thứ nhì, trong thơ Du Tử Lê mang sẵn một tâm sự được nhiều nhạc sĩ chia sẻ.
Có nhiều nhà phê bình văn học có thể đưa ra các lý giải cao siêu, phức tạp (những điều, có thể tôi chỉ biết một phần). Nhưng nói cho đơn giản: với tôi, Du Tử Lê là một nhà thơ lớn, và anh là một ngọn núi.
Riêng Tuyển Tập Thơ này, tôi có thể đọc nhiều năm chưa hết, vì có nhiều bài thơ sẽ được đọc đi, đọc lại…
*
Trên trang Wikipedia ghi nhận về Du Tử Lê:
“… Cho tới hôm nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.
Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).
Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London.”(ngưng trích)
Xin chúc mừng “Tuyển Tập Thơ 1957-2015” của Du Tử Lê.
Tuyển tập này là một dấu mốc lớn của dòng văn học Việt Nam, cả trong và ngoài nước.
Phan Tấn Hải
(Trích Viết Từ Phương Xa, Lotus Media xuất bản, 2019 tại California, USA)
Chuyên mục:Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Thân hữu, Thân hữu, Trên kệ sách
Trả lời