Tác giả Lưu Hiểu Ba – Hồ Như dịch
Lotus Media xuất bản
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
(Sắp xuất bản tại Hoa Kỳ, tháng 11, 2019)
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ ngày 10 tháng 3 ở Tây Tạng cho đến hiện tại vẫn là trung tâm chú ý của dư luận thế giới. Nếu như chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo không thể đưa ra phản ứng đứng mực, ổn thỏa thì cuộc phản kháng của người Tạng cùng với chỉ trích của dư luận quốc tế sẽ khiến cho Thế vận hội Bắc Kinh biến thành một Thế vận hội nhận được mức độ đồng thuận trên toàn thế giới rất thấp. Hiện tại, quá trình rước đuốc Thế vận hội rất khó khăn ở hải ngoại đã phần nào chứng minh cho điều này.
Đúng là chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh để trấn áp phản kháng của người Tạng bên trong Trung Quốc, cũng có thể lợi dụng chủ nghĩa Đại Hán để nhằm thu được sự đồng thuận của đại đa số dân chúng. Thông qua hành động ngắt đầu vặt đuôi về những hình ảnh của cuộc bạo động ngày 14 tháng 3 tại Lhasa, thông qua việc phóng đại một chiều những sai lầm của truyền thông phương Tây, thông qua quá trình động viên dư luận dưới chiêu bài “Chống ly khai, bảo vệ thánh hỏa”, càng là thông qua phong tỏa nghiêm ngặt đối với tin tức cùng tuyên truyền đơn phương, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công đem khủng hoảng Tây Tạng chuyển hóa thành làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan điên cuồng. Đem xung đột chính trị giữa tự do và độc tài chuyển hóa thành xung đột dân tộc giữa người Tạng và người Hán. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc không cách nào xóa bỏ được sự phản kháng của người Tạng ở bên ngoài Trung Quốc, cũng không cách nào đạt được sự đồng thuận từ dư luận dòng chính quốc tế, càng không cách nào loại bỏ được căn nguyên tình cảnh khốn quẫn ở Tây Tạng, nó giống như việc chính quyền Trung Quốc không cách nào loại bỏ được nguy cơ thâm tầng của cả xã hội Trung Quốc vậy. Bởi vậy, những ưu thế mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt được ở trong nước, chỉ bất quá là những biện pháp tạm thời tầm mắt hạn hẹp, chỉ có thể có tác dụng tạm thời bảo vệ thể chế độc tài mà thôi, không cách nào giúp ích cho dân tộc Trung Quốc có thể yên ổn lâu dài.
Cái nhìn phổ biến của dư luận bên ngoài là trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Tây Tạng lần này, đặc phái viên của Đạt Lai Lạt Ma đã tiến hành 6 lần đối thoại với các quan chức liên quan của Bắc Kinh, trong khi đó ở hiện tại, cuộc khủng hoảng Tây Tạng bùng phát đúng vào năm tổ chức Thế vận hội, đối với chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo mà nói không khác gì là kẻ phá đám. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho “Party quốc tế” với phong quang vô hạn đã bị che chắn lại, hiển nhiên nó sẽ tăng thêm sự không tín nhiệm và thù hận của Bắc Kinh đối với Dharamsala[1], khiến cho việc giải quyết vấn đề Tây Tạng sẽ trở nên xa vời.
Dưới góc nhìn của tôi, căn nguyên sâu xa của khủng hoảng Tây Tạng cũng là căn nguyên của khủng hoảng Trung Quốc, sự xung đột giữa đại nhất thống cùng cao độ về tự trị, trên thực chất là xung đột giữa độc tài và tự do. Điều nguy hại nhất khi khủng hoảng Tây Tạng tiếp tục kéo dài đến ngày hôm nay, không phải là sự gia tăng về xung đột và thù hận giữa người Tạng và người Hán, mà là cuộc xung đột dân tộc đã che khuất đi cuộc tranh chấp thể chế. Đối với chế độ hiện thực của Trung Quốc hiện nay cũng với sách lược cầm quyền của chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo mà nói, ngay cả khi không có cuộc khủng hoảng lần này, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng tuyệt đối không tiếp nhận con đường trung dung “không mưu cầu độc lập mà chỉ mưu cầu tự trị” do Đạt Lai Lạt Ma đề xuất. Nếu như chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo đáp ứng yêu cầu “cao độ tự trị” của Đạt Lai Lạt Ma, thì cũng đồng nghĩa với việc chính phủ trung ương nhường lại quyền quản trị cho Tây Tạng, khiến cho Trung Quốc Đại Lục xuất hiện thể chế “Một quốc gia, hai chế độ” tương tự như Hong Kong, đây là điều khó có thể được chấp nhận bởi chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo.
Trong khi đó thì vấn đề Tây Tạng, vừa không giống với Hong Kong, càng không giống với Đài Loan
Quyền thống trị Đài Loan đã sớm thoát ly khỏi chính phủ trung ương Trung Quốc hơn 100 năm nay. Kể cả Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền ở Đại Lục cũng chưa bao giờ quản trị Đài Loan, Đài Loan dưới sự thống trị của chính phủ Quốc Dân Đảng, không những độc lập về ngoại giao và quân sự, mà còn giữ được tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc cho đến năm 1979 khi Trung Quốc và Hoa Kỳ thành lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay, Đài Loan đã thành công trong việc chuyển đổi chế độ chính trị, có được chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện và các quyền con người cơ bản được đảm bảo, vị trí Tổng thống Đài Loan đến từ lá phiếu bầu cử trực tiếp của 23 triệu người dân Đài Loan, Bắc Kinh chính là không cách nào nhúng tay được vào công việc nội bộ, ngoại giao và quân sự của Đài Loan.
Quyền thống trị Hong Kong một mực nằm trong tay của chính phủ Hong Kong thuộc Anh, năm 1997 Hong Kong quay trở về với Trung Quốc Đại Lục thì cũng chỉ là sự trở lại về chủ quyền trên danh nghĩa, còn quyền cai trị độc lập của Hong Kong được đảm bảo bằng “Một quốc gia, hai chế độ”. Trong đó một loạt các chế độ cơ bản như kinh tế, chính trị, pháp luật vẫn là được giữ lại như dưới thời chính phủ Hong Kong thuộc Anh, ngay cả khi Hong Kong quay trở về Trung Quốc và vị trí Trưởng đặc khu hành chính cũng cần sự đồng ý của Bắc Kinh, nhưng vị trí Trưởng đặc khu này nhất định phải là người Hong Koong, chính phủ đặc khu Hong Kong cũng là xử lý các sự vụ của Hong Kong một cách độc lập. Hơn nữa, Hong Kong còn là nơi có nền kinh tế độc lập, có tư pháp độc lập và tự do báo chí khác với Trung Quốc Đại Lục.
Trong khi đó ở Tây Tạng, nếu như nói rằng cho đến trước năm 1959 một bộ phận quyền lực thống trị Tây Tạng vẫn nằm trong tay Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng Kashag, ít nhiều vẫn còn một chút của “Một quốc gia, hai chế độ”. Còn kể từ sau năm 1959 Tây Tạng đã triệt để mất đi quyền tư trị của mình, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 bị ép phải lưu vong, Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 bị giam lỏng ở Bắc Kinh, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng chế cướp lấy quyền thống trị Tây Tạng, những bí thư đảng ủy Tây Tạng từ trước đến nay được phái tới giữ chức vụ này chính là những người cụ thể thực thi quyền lực thống trị này. Từ đó về sau, người Tạng cũng giống như người Hán, không những cần phải thần phục sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn phải trải qua những kiếp nạn về nhân quyền giống như người Hán đã trải qua, đặc biệt là trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, những thảm họa diệt chủng mà người Tạng và văn hóa Tạng gặp phải tuyệt không thua kém so với người Hán và văn hóa Hán. Những Phật sống người Tạng, quý tộc, thương nhân, nghệ nhân, các thầy thuốc Tây Tạng đều bị mang ra đấu tố, phê phán, đi diễu hành trên đường và bị đánh đập thậm chí cầm tù, giày vò đến chết, Ban Thiền Lạt Ma cũng bị giam giữ trong 10 năm, những thành phần bị quy là phe chạy theo tư bản người Hán cũng như thành phần có tiếng tăm xã hội cũng gặp phải vận mệnh tương tự.
Từ khi Cải cách mở cửa, người Tạng và người Hán đều trải qua thời kỳ tràn ngập hy vọng vào những năm thập niên 1980, cũng đều trải qua thảm kịch đẫm máu vào năm 1989, trải qua sự trấn áp mạnh mẽ sau năm 1989 cũng như sự mua chuộc bằng tiền bạc. Hiện tại, tuy rằng kinh tế của hai dân tộc Hán Tạng đã có bước phát triển rất lớn, đời sống vật chất của người dân cũng được nâng cao, ít nhất đã không còn phải giãy dụa để ăn được no và mặc đủ ấm như trong thời đại Mao, nhưng người dân Hán Tạng vẫn đang thiếu đi những quyền con người cơ bản, những quyền tự do mà người Tạng thiếu hụt, người Hán cũng không có. Đạt Lai Lạt Ma không cách nào quay trở về quê hương, những nhà bất đồng chính kiến người Hán sau khi chạy ra hải ngoại năm 1989 cũng không cách nào quay trở về quê hương. Cách thức mà chính quyền Tây Tạng đối phó với Đại Lai Lạt Ma cũng được dùng để đối phó với những người thuộc Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo dân gian khác của người Hán (ví dụ, ép buộc người Tạng sỉ nhục Đạt Lai Lạt Ma, ép bức các học viên Pháp Luân Công sỉ nhục Lý Hồng Chí).
Xung đột chủng tộc Hán Tạng trong khủng hoảng Tây Tạng là được cố tình dẫn dắt, chỉ là vẻ bề ngoài, về thực chất nó là cuộc xung đột giữa độc tài và tự do. Người dân Hán và Tạng cùng nhau đối mặt với một chính quyền độc tài, vấn đề chủ yếu mà người Tạng phải đối mặt, cũng là vấn đề chính mà người Hán phải đối mặt. Trong cuộc khủng hoảng này, khi người Hán lên mạng internet nhổ nước bọt về phía Đạt Lai Lạt Ma, thì hành động này vừa vặn che giấu đi tình cảnh chân thực của người dân Hán và Tạng: chúng ta đều là những “tù nhân” của chế độ độc tài. Chỉ cần người Hán vẫn còn sống dưới sự thóng trị của độc tài không có tự do, người Tạng cũng không thể nào có được tự do sớm hơn người Hán; chỉ cần người dân ở Trung Quốc nội địa không cách nào nhận được quyền tự trị dân sự thật sự, người Tạng và các dân tộc thiểu số khác cũng không thể nào có được quyền dân tộc tự trị thật sự.
Vì vậy, việc giải quyết vấn đề Tây Tạng về cơ bản phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề chế độ chính trị trên toàn Trung Quốc. Bất luận là phương thức giải quyết vấn đề Tây Tạng trong tương lai sẽ áp dụng mô hình nào, thì đều cần có được tiền đề chính trị là quá tình dân chủ hóa Trung Quốc. Liệu cuộc đàm phán hòa bình giữa Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Hồ Cẩm Đào Ôn Gia Bảo có được khởi động hay không, sau khi khởi động thì có thể sẽ đạt được kết quả cụ thể gì, thì nó không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Dharamsala sẽ được định vị ra sao, cũng không phụ thuộc vào áp lực bên ngoài từ xã hội phương Tây, mà là quyết định bởi tiến trình cải cách chính trị Trung Quốc nội bộ. Khi quá trình dân chủ hóa chính trị Trung Quốc được thực sự khởi động, đó mới là thời điểm để cuộc đàm phán giữa Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh thực sự bắt đầu. Nói cách khác, người Hán không có tự do, người Tạng không có tự trị
Ngược lại cũng là như thế, người Tạng không có quyền tự trị, người Hán không có tự do.
Bắc Kinh ngày 10 tháng 4 năm 2008 tại nhà riêng
Đăng trên tờ “Quan Sát” ngày 11 tháng 4 năm 2008
[1] Dharamsala là một thị trấn tọa lạc tại miền bắc của bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Đây từng là một trong những trung tâm Phật học cổ xưa, với nhiều tu viện Phật giáo đã ra đời rất lâu. Dharamsala được thế giới biết đến nhiều nhất là bởi sự hiện diện và những hoạt động của Đạt Lai Lạt-ma thứ 14 của Tây Tạng và những người ủng hộ ông, tăng từ con số 8 vạn vào năm 1959, khi Đạt Lai Lạt Ma vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn vào Ấn Độ, lên đến con số 12 vạn người vào thời điểm hiện nay. Thị trấn này được nhắc tới như một Lhasa thu nhỏ, với đầy đủ những đường nét tín ngưỡng và văn hóa Tây Tạng đặc thù.
Chuyên mục:Uncategorized
Trả lời