Viết cho TK; anh tôi, TTĐ và,…
Facebook có những lợi điểm nhất định, mà trong số đó, viết ngắn là một lợi điểm rõ rệt. Thích thì có thích thật, nhưng từ đó cũng thấy ra nhiều điều oan khiên. Một trong những điều oan khiên này, là mang lại từ việc đọc ngắn, hiểu ít và, lười. Thay vì tìm hiểu rộng thêm,… người đọc xoắn vào nhau bằng những trận đánh nhiệt tình, dù chỉ trên bàn phím, cũng có thể chết người. Tại sao?
Có câu “lời nói như tên, không nên bắn bậy”, hoặc “một lời nói, một đọi máu”, như vậy có thể nói lời nói gây thương tích, hay gây chết người, bởi những điều tưởng tích cực cho người này, thì tiêu cực cho người khác, và ngược lại. Tất nhiên điều này nếu để lơ đi thì không thể thấy rõ, nhưng để tâm vào, tất nhiên có cơ sở để kết luận:
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Internet và phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi liên quan đến tự tử. ~ US National Library of Medicine.
Tôi không có khả năng lẫn thời gian để giới thiệu tư liệu này bằng cách dịch trọn hết bài, nhưng những ai nếu tiếp cận được, ngưỡng mong ít nhiều trong lúc gõ bàn phím cho một đề tài nào, khoan vội phê phán và kết luận, nhất là những vấn đề “thương tích lịch sử” của một đất nước “bốn nghìn năm ròng rã buồn vui” (PD), mà trong đó có một hoặc nhiều nhân vật liên quan đến các sự kiện.
Không phải tự nhiên mà các nhà biếm họa vẽ những ông bà đi qua ngưỡng cửa Facebook đều trở thành những nhà thẩm phán, tự nhận như mực thước đạo đức mà thấp thoáng phía sau chiếc áo thụng là những trãm đầu đao.
Những ngày gần đây, tôi có ít nhiều những người anh quý, những người bạn thân, họ là những cây viết bình luận xã hội, tiểu luận chính trị v.v… mà mỗi “status” được hàng ngàn “view-like” trên facebook, rồi được nhân cộng trên những trang web đại chúng… Nhưng có vẻ sau nhiều năm đem sở kiến của mình để đóng góp vào lý tưởng “khai dân trí”, trí càng mở ra thì hận thù đằng đằng theo đó cũng tràn theo. Đến nay họ thố lộ, bằng cảm nhận của sự bất lực, để mong đóng hoặc sẽ, sắp… đóng facebook!
Có lẽ là bất lực thật! Không phải vì họ tiêu cực, vì họ thấy mình viết không đúng, hết hay, mà đứng trước trào lưu viết ngắn, đọc ít và, lười tra cứu… những người có tâm cảm thấy mình cũng góp phần vào những cuộc chiến trên bàn phím. Họ, vô tình trở thành thủ phạm, là nguyên cớ của những cuộc xung đột, (có thể chết người), và có nguy cơ một ngày chính mình cũng trở thành nạn nhân.
Có điều, có vẻ như là bất kỳ ai và nhất là giới trí thức, chọn lựa im lặng (đóng facebook), cũng không phải là một chọn lựa thật sự tự do và dễ dàng.
Tại vì, chỉ từ khi có facebook, người ta mới hay nhắc tới một loại hình xử tử man rợ thời trung cổ, “ném đá.”
Ngày 27 tháng 11, 2019
Uyên Nguyên
Trả lời