GS Đoàn Viết Hoạt (1972): Cơn Sốt Đại Học Miền Nam

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Nguyên phụ tá Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn
(Ảnh: Uyên Nguyên)

 

Trích Tạp chí Tư Tưởng, số 1 & 2,1972

 

Loạt bài này có mục đích phân tách một cách khách quan nguyên nhân và bản chất của “Cơn sốt đại học miền Nam” hiện tại, với ước vọng cống hiến cho quý vị độc giả những dữ kiện để suy luận. Loạt bài này phần lớn trích trong luận án tiến sĩ của tác giả nhan đề “The Development of Modern Higher Education in Vietnam: A Focus on Cultural and Socio-Political Forces”

 

PHẦN I: ĐẠI HỌC MIỀN NAM ĐI VỀ ĐÂU?

A. THỰC TRẠNG CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ TỪ SAU 1954:

Sau khi đất nước chia đôi trước áp lực của người Mỹ, Pháp dần dần trao trả cho chính phủ Ngô Đình Diệm, những cơ sở hành chánh và giáo dục. Năm 1955 Trường Đại học Hỗn hợp Việt Pháp được trao cho chính phủ miền Nam. Chính phủ Diệm, trong những năm đầu nắm quyền đã cố gắng tìm một đường lối và chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên vấn đề giáo dục không thể tách rời vấn đề chính trị; nói đúng hơn đường lối và chương trình giáo dục tùy thuộc vào quan điểm và kế hoạch kiến thiết xã hội. Nói cách khác vấn đề xây dựng giáo dục không thể tách rời khỏi vấn đề xây dựng, một lý thuyết xã hội.

Vấn đề tìm một chủ thuyết xã hội thích hợp cho nước ta không phải là một vấn đề mới mẻ gì. Kể khi phong trào kháng thực bắt đầu, nghĩa là kể từ đầu thế kỷ với phong trào canh cải xã hội nước ta rồi. Nhưng canh cải theo đường hướng nào? Những cố gắng tìm câu trả lời của các phong trào Đông du, Canh tân, Pháp Việt đề huề tuy có nồng nhiệt trên trình tự nhưng hoặc còn chập chừng trong ý thức hay lại thỏa hiệp trong thái độ. Những năm tiền 30 nhiều phong trào chính trị dồn dập du nhập vào nước ta, trong số này chủ thuyết Công sản đã tạo được sức thu hút mạnh mẽ nhất một phần nhờ tài của các cán bộ đầu tiên nhưng một phần lớn nhờ lý thuyết này có tính cấp tiến nhất lúc bấy giờ. Nhờ có học thuyết rõ ràng này mà miền Bắc những năm sau 1954 đã có được một khí cụ tinh thần mạnh mẽ để kiến thiết miền Bắc. Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh rằng khí cụ ấy có là một ưu điểm cho đất nước ta hay không thì lại là một câu hỏi khác.

Miền Nam sau 1954 thừa hưởng cái di sản vẫn còn chập chững trên ý thức mà lại kém dần nồng nhiệt trong tình tự của những phong trào không Cộng sản thời kỳ tiền 1940. Thêm vào đó là thái độ nhiều khi thỏa hiệp với thực dân và thực tế chính trị gắn liền với những trồi sụt của chính trị Tây phương. Thực trạng này làm bộ mặt chính trị miền Nam không mấy sáng sủa và đòi hỏi những người lãnh đạo ở Saigon thời kỳ sau 1954 phải tìm ra một lối thoát vừa trên ý thức vừa trên trên tình tự.

Ông Ngô Đình Nhu, lý thuyết gia của chế độ ở miền Nam sau 1954, hẳn nhận thấy nhược điểm đó. Ông đã gom góp cái hiểu biết về triết học Đông Tây của mình để bao nó chung quanh cái trục thần  học Thiên chúa giáo mà tạo ra chủ nghĩa Nhân vị. Càng những năm về sau của chế độ, chủ nghĩa này càng được tô điểm thêm phần rực rỡ. Cả hai ông Diệm và Nhu đều tưởng có thể dùng chủ nghĩa Nhân vị làm lợi khi chống lại chủ nghĩa Cộng sản của miền Bắc. Nhưng một đàng chủ nghĩa này tuy gợi hứng từ chủ nghĩa Personalisme của Emmanuel Mounier thực ra lại hầu như phản lại tinh thần căn bản của chủ nghĩa này. Một đàng khác khi được đem ra thực tế để trắc nghiệm chủ nghĩa Nhân vị đã thất bại vì không đưa ra được những phương thức hữu hiệu nào để chống lại ảnh hưởng của Cộng sản.

Chủ nghĩa Nhân vị như hai ông Diệm và Nhu hiểu khác xa chủ nghĩa của ông như một khí cụ chính trị để chống lại chủ thuyết CS và cả ảnh hưởng tư bản, trong khi đó Mounier lại muốn chủ nghĩa Peronalisme của ông “không phải là một hệ thống chính trị… và không nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản”[1]. Mounier chỉ muốn coi học thuyết của ông như là những suy tư về thân phận con người trong thế kỷ 20. Tinh thần học thuyết của ông tự nó chối bỏ một hệ thống chính trị giáo điều, khuôn phép rồi. Nó mang tính chất triết lý hơn là chánh trị trong khi đó ông Diệm lại cần một học thuyết chính trị để chống lại cả cá nhân chủ nghĩa và “cái gọi là dân chủ nhân dân” với tham vọng tạo một giải pháp thứ ba[2].

Nếu quả hai ông Diệm Nhu thành công như họ mong muốn thì hẳn là một điều đáng tán thưởng rồi. Tuy nhiên làm thế nào để có được một học thuyết “đứng giữa” như thế trong khi cái trục của nó là quan niệm coi Nhân vị như địa vị, giá trị của người trước Thiên chúa, một quan niệm nồng cốt của học thuyết của Mounier, lại là một quan niệm thuần túy Tây phương? Chính vì điểm này mà ông Diệm đã phải đem những quan niệm “Thành và Tín” của Khổng học vào trong cố gắng tổng hợp Đông Tây. Cố gắng này chỉ thành công nếu trong thực tế nó cung cấp cho chế Độ những dự kế thực tiễn và xa dài trong việc kiến thiết xã hội. Nhưng trong thực tế cố gắng này chỉ “tạo nên một tình trạng mập mờ bao phủ cả chế độ”, đúng như nhận xét của bà Nguyễn Anh Tuấn.[3]

Trong những năm cuối cùng của chế độ chủ nghĩa Nhân vị chỉ còn là một lợi khí cho một chế độ độc đoán.

Những năm sau 1963 miền Nam lại rơi vào tình trạng phi chính trị hiểu theo nghĩa chế độ không biết phải được xây dựng trên một nền tảng xã hội nào. Tình hình quân sự dồn dập, cộng thêm với tính cách bấp bênh của những chánh quyền tạm bợ và nhất là  ảnh hưởng của người Mỹ mỗi ngày một mạnh – tất cả đã tạo nên tình trạng chính trị mất phương hướng của miền Nam.

Nếu trên chính trị chế độ miền Nam đã không có một đường hướng rõ rệt thì trên phương diện kinh tế cũng không biết phải phát triển theo phương thức nào. Một cách cụ thể hơn nền kinh tế miền Nam càng ngày càng bị lệ thuộc vào Viện trợ Mỹ.

Chỉ có những năm dưới chế độ họ Ngô mới có một vài chương trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc phát triển kinh tế không bao giờ được nghiên cứu một cách có kế hoạch, khoa học và hữu hiệu. Kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1957-1961) không bao giờ được công bố chính thức. Mãi cho tới năm 1962 những dữ kiện thống kê cần thiết cho việc hoạch định chương trình kinh tế đã hoặc hoàn toàn không có hoặc nếu có lại không xác thực. Vì thế ủy ban hoạch định kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã phải phàn nàn rằng:
“Trong điều kiện như vậy, nếu muốn hoạch định một cách khoa học thì không có căn bản vững chắc”[4] Vì thiếu hoạch định khoa học nên những mục tiêu đề ra trong các kế hoạch này thường rất mơ hồ và quá to lớn đến nỗi chính những người đề ra cũng nhận không thể có “tham vọng” hoàn tất sau thời kỳ 5 năm của kế hoạch.

Đã không có đường lối và kế hoạch rõ rệt, tình trạng tài chánh lại không bao giờ sáng sủa. Từ 1957 tới 1961 trong số 17 tỷ thu vào thì có 7 tỷ do ngoại viện. Lý do rõ rệt nhất là vì cán cân chênh lệch quá mức giữa số nhập và số xuất cảng. Năm 1960 chẳng hạn miền Nam xuất cảng 84 triệu đô la trong khi nhập cảng 239 triệu, viện trợ Mỹ phải cung cấp 179 triệu để bù đắp sự thâm thủng này[5]. Nhập cảng nhiều như thế nhưng lại chỉ thiên về những hàng tiêu thụ chứ không thiên về nguyên liệu sản xuất. Năm 1956 hàng tiêu thụ chiếm 82,9% tổng số hàng nhập cảng[6].

Viện trợ Mỹ chịu trách nhiệm về tình trạng nhập cảng này vì viện trợ này chỉ cốt nhằm hạn chế mức độ lạm phát. Năm 1959, 3/4 số tiền viện trợ được dùng để hỗ trợ việc nhập cảng các hàng hóa tiêu thụ. Đường lối viện trợ này tuy có giúp cho ngân sách khỏi thiếu hụt nhưng lại không đặt căn bản cho một kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài. Thêm vào đó, viện trợ Mỹ lại có tính cách vụn vặt và tùy thuộc sự cắt giảm hàng năm của Quốc Mỹ. Chương trình viện trợ năm 1957 chẳng hạn gồm 93 dự án khác nhau, từ dự án cung cấp sách giáo khoa cho các trường tiểu học cho tới dự án cải tổ Phủ Tổng thống[7]. Tính cách vụn vặt này đã bóp chết các đồ án phát triển kinh tế dài hạn của miền Nam vì kinh tế miền Nam lệ thuộc viện trợ này. Tình trạng này đã khiến một cố vấn Mỹ khi trở về nước đã phê bình bằng những lời lẽ gay gắt: “Sau sáu năm hưởng viện trợ Mỹ ồ ạt, Việt nam đã trở thành một nước đi ăn xin thường trực (a Permanent mendicant)”[8].

Đây là những năm tiền 1963, còn những năm sau 1963 tình trạng kinh tế lại tệ hại gấp nhiều lần vì tình hình quân sự gia trọng và vì những thay đổi chính phủ liên tiếp. Sự lệ thuộc vào viện trợ Mỹ còn gia tăng gấp bội và ngày nay người ta chỉ còn trông mong vào thời hậu chiến mà thôi.

B. ĐẠI HỌC HAY HỌC ĐẠI?

Văn hóa mơ hồ, kinh tế lệ thuộc, nên nền giáo dục mất chỉ đạo. Đại học miền Nam không biết đi về đâu và cho tới những năm gần đây cố dẫy dụa để sống còn và tìm một chiều hướng mới.

Trong những năm đầu của thời kỳ hậu 1954, đại học miền Nam trải qua một giai đoạn chuyển tiếp. sau nhiều do dự và miễn cưỡng người Pháp cuối cùng phải chuyển giao quyền quản trị Đại học Hỗn hợp Việt Pháp, tức Đại học Hà nội cho chính phủ Sài gòn. Vào năm đại học này được chính thức chuyển giao cho chính phủ Việt nam và được đổi tên là Viện Đại học Quốc gia Việt nam. Năm 1957 một viện Đại học thứ hai ra đời tại Huế, nên viện Đại học Quốc gia đổi tên là viện Đại học Saigon.

Việc chuyển giao quyền quản trị đại học từ tay người Pháp sang tay người Việt đánh dấu một khúc quanh quan trọng trên đường phát triển đại học Việt nam vì từ nay đại học phải được thay đổi để mang đặc tính Việt nam. Để đạt mục tiêu này cần hoàn tất hai công việc. Một là chuyển ngữ từ Pháp sang Việt ngữ, hai là thiết lập một chương trình học có tính chất Việt nam.

Việc chuyển ngữ ở đại học tại miền Nam tiến hành chậm chạp và gặp nhiều khó khăn vì tuy người Pháp đã nới tay cai trị Việt nam nhưng ảnh hưởng văn hóa của họ còn quá nặng. Trong khi cho mãi tới năm 1951 Việt ngữ mới được dùng lần đầu tiên tại các lớp đệ thất trung học mà ở bậc đại học, trường đại học Văn khoa được mở lần đầu tiên năm 1952 đã muốn dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ rồi. Năm 1956 chương trình học bằng Việt ngữ đầu tiên được mở tại trường Đại học Luật khoa. Cũng theo đà này năm 1957 khi Viện Đại học Huế mới mở, Việt ngữ cũng được dùng làm chuyển ngữ. Tuy thế tại Sàigòn, Pháp ngữ vẫn tiếp tục được thịnh hành trong giới giáo sư Đại học. Tại các lớp cao ở Đại học, Pháp ngữ vẫn được dùng làm chuyển ngữ cho mãi tới năm 1966. Chẳng hạn như các luận án tại Đại học Khoa học Sàigòn vẫn còn viết bằng Pháp ngữ vào năm 1966[9].

Chính sách mập mờ thiếu dứt khoát của chính phủ làm việc chuyển ngữ không được tiến hành có kế hoạch nhanh chóng. Mãi tới 1961, mà chính phủ mới chỉ “khuyến cáo các Khoa trưởng và Giám đốc dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ”[10]. Chỉ tới năm 1965 Bộ Giáo dục mới ra lệnh phải dùng Việt ngữ cho tất cả các lớp, các phân khoa Đại học, chỉ trừ những lớp ngoại ngữ thôi[11].

Về vấn đề thiết lập một học trình có tính chất Việt nam cũng không được tiến hành có kế hoạch. Tuy chính phủ miền Nam có phần nào ý thức tầm quan trọng của vấn đề này, nhưng trong thực tế ta không thấy có một sáng tạo văn hóa nào. Chính ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi tính chất mù mờ của lý tưởng chính trị nên cũng chỉ bao gồm những danh từ trống rỗng, nhiều khi tự mâu thuẫn nhau. Ăn nhịp với đường lối chính trị của chủ thuyết Nhân vị, trên văn hóa giáo dục những người trách nhiệm chủ trương phải “dung hòa” văn hóa Đông Tây[12].

Việc “dung hòa” văn hóa Đông Tây có thành công trong những năm qua không, hẳn chúng ta đều thấy rõ. Có điều là trong những năm đầu thập niên 1960 chủ trương “dung hòa” này có lẽ đã cho những người bị ảnh hưởng văn hóa Pháp có một lối thoát êm đẹp vì không phải đột ngột dứt bỏ một nền văn hóa mà họ đã bị ảnh hưởng khá sâu đậm. Hơn nữa, chủ trương dung hòa văn hóa thế giới chỉ bộc lộ ảnh hưởng của chính trị vào văn hóa vì giai đoạn này chính là giai đoạn mà Việt nam bị quốc tế hóa rõ rệt. Trong chiều hướng này phải chăng việc “dung hòa văn hóa Đông Tây” chỉ là một bước để mở cửa cho văn hóa Mỹ bắt đầu du nhập Việt nam?

Cho nên chủ trương này chỉ có giá trị nếu có sáng tạo và chủ động, nếu không chỉ là một cách trốn tránh trách nhiệm văn hóa dân tộc của những nhà lãnh đạo quốc gia đầy tinh thần vọng ngoại, để chỉ đưa đến một tình trạng văn hóa giáo dục chắp vá chứ không phải tổng hợp.

Điều này chứng tỏ rõ rệt khi ta nhìn vào chương trình học tập tại các trường đại học ở miền Nam, nhất là tại trường đại học Văn khoa, nơi phải được coi là trung tâm văn hóa và tinh thần cho nền giáo dục ở miền Nam. Chương trình học tại trường này nặng về văn hóa ngoại quốc, nhất là văn hóa Tây phương mà quá nhẹ về văn hóa Việt nam. Năm 1966, trong số 27 chứng chỉ chỉ có 5 chứng chỉ là hoàn toàn liên quan tới Việt nam; có thêm 2 chứng chỉ khác hơi liên quan tới Việt nam. Còn lại các chứng chỉ kia gần như chia đều cho văn hóa Pháp, Anh,  Mỹ, Trung hoa và Ấn độ. Cua về Việt nam chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng số cua của trường này năm 1966[13]. Trường đại học Văn khoa Sàigòn quả xứng đáng là nơi “dung hòa văn hóa Đông Tây” vì chương trình học đã được “chia đều” cho các nền văn hóa quan trọng trên thế giới.

Chỉ khi nào Đại học miền Nam thiết lập được một chương trình giáo dục và nghiên cứu đứng đắn về văn hóa và văn minh Việt nam lúc đó đại học mới đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội Việt nam. Khi chấp nhận một chính sách văn hóa giáo dục chắp vá những người có trách nhiệm ở miền Nam trong đầu thập niên 1960 hoặc đã vô tình sa vào âm mưu của người Pháp muốn tìm cách trì hoãn sự sụp đổ ảnh hưởng văn hóa của họ ở miền Nam, hoặc lẩn tránh việc khai quật và sáng tạo văn hóa dân tộc, hoặc chỉ tự đưa mình theo thác lũ chính trị quốc tế. Dù thế nào chăng nữa tình trạng dung hòa mập mờ này chỉ làm cho đại học miền Nam thêm mất phương hướng. Vì thế ta sẽ không ngạc nhiên khi có công tìm kiếm mà không thấy có đoạn nào nói rõ đường lối và mục đích của Viện đại học Sàigòn trong các chỉ nam của trường này. Thực ra trong thực tế có Viện đại học Sàigòn không? hay đây chỉ là một danh xưng chung cho các phân khoa đại học rải rác trong thành phố, mỗi phân khoa hoàn toàn tách biệt theo đúng hệ thống tổ chức từ thời Napoléon để lại?

Hơn nữa, khuynh hướng văn hóa mơ hồ này chỉ biến đại học miền Nam thành những pháo đài ngày một kiên cố của từng lớp trí thức thành thị trưởng giả và sa lông. Nền giáo dục mỗi ngày một từ chương và khoa cử không kém gì nền giáo dục thưở xưa trước khi tiếp xúc với Tây phương. Đại học mỗi ngày một xa lìa thực trạng nghèo khổ, chết chóc, bất công và suy đồi của xã hội. Ngay khi tiếp nhận Viện đại học Hà nội từ tay người Pháp, vị Tổng trưởng Giáo dục thời đó đã lên tiếng đả kích tinh thần “quốc gia cực đoan” mà theo ông chỉ biến đại học thành “một nền đại học bình dân”. Nguyện vọng của ông là làm cho đại học “có thể so sánh được với nền đại học tại các nước Âu Mỹ”[14]. Nguyện vọng này sẽ dẫn tới gì nếu không phải là tới việc thành lập tại Việt nam một nền đại học hải ngoại Par excellence của Tây phương?

Một nền đại học vụ về kiến thức từ chương, khoa cử và trưởng giả như thế thì làm sao góp phần vào việc phát triển xã hội được. Mà thực ra tình trạng của đại học chỉ phản ảnh trung thực trạng mù mờ về tư tưởng, độc đoán về chính trị và trì trệ về kinh tế của xã hội miền Nam như ta đã phân tích ở trên. Đặc biệt nhất là ảnh hưởng của một nếp suy tư mung lung và một chương trình kinh tế không sản xuất và lệ thuộc ngoại viện. Ảnh hưởng này đã tạo nên một “ao tù đại học” khiến cho giáo sư đại học chỉ biết nhai lại một mớ kiến thức cũ khó tiêu cho một xã hội đầy biến động đang trên đà lột xác khó tiêu cho một xã hội đầy biến động đang trên đà lột xác như xã hội ta, còn sinh viên chỉ biết cắm đầu ngấu nghiến để lại nhả ra các kiến thức từ chương và trưởng giả đó. Đại học thiếu nghiên cứu, không phát kiến, mất chủ động, để trở thành nạn nhân của sự nhảy vọt về sĩ số và của các chính sách giáo dục tùy hứng của chính phủ. Tình trạng này kéo dài tới những năm cuối của thập niên 1960. Vào những năm cuối của thập niên 1960 nhiều yếu tố mới xuất hiện bắt đầu ảnh hưởng vào sự phát triển đại học ở miền nam mở một khúc quanh mới cho đại học miền Nam. Trong bài sau chúng ta sẽ phân tích những yếu tố này.

PHẦN II : NHỮNG YẾU TỐ MỚI

Trong khi Đại học miền Nam còn đang lung túng chưa kịp thích nghi để đáp ứng những nhu cầu phát triển văn hóa và xã hội thì nhiều yếu tố mới lại dồn dập xẩy đến xô đẩy Đại học vào một cơn khủng hoảng trầm trọng cả về tổ chức lẫn nội dung giảng dạy. Ngoài sự gia tăng chiến tranh mà ảnh hưởng vào mọi sinh hoạt xã hội miền Nam đã quá rõ rệt, ở đây chúng ta chỉ nói đến những yếu tố cục bộ hơn. Chúng ta sẽ phân tích những yếu tố này dưới ba phần mục liên quan tới sự gia tăng sĩ số, những cố gắng của người Mỹ trên lãnh vực giáo dục và Đại học, và những phản ứng của giới trí thức thành thị, đặc biệt của giới giáo chức sinh viên, trước những diễn biến của xã hội.

A. GIA TĂNG SĨ SỐ:

Sau khi đình chiến tại miền Nam cũng như miền Bắc[15] sĩ số đều gia tăng nhảy vọt ở cả ba cấp bậc Tiểu, Trung và Đại học. Thời kỳ tiền 1963 sĩ số gia tăng rất nhanh. Từ 1954 đến 1962 sĩ số Tiểu học tăng 270% còn về Trung học, từ 1954 đến 1963 sĩ số tăng 540%.[16] Sau 1963 sĩ số tiếp tục gia tăng tuy ở mức độ chậm hơn. Sĩ số Tiểu học tăng 25% từ 1964 đến 1967 và đạt mức gần 2 triệu học sinh năm 1967. Còn Trung học sĩ số tăng hơn 60% từ 1964 đến 1967.[17] Về số thí sinh Tú tài II, văn bằng mở cửa vào Đại học, chúng ta cũng thấy tăng rất mau, từ 1.201 thí sinh năm 1957 lên 9.058 năm 1962 và 36.000 năm 1969. Mặc dù số thí sinh đậu giảm từ 64% năm 1950 xuống còn có 50% năm 1963 và 45 % năm 1966,[18] tuy nhiên những năm gần đây với phong trào bỏ thi Tú tài chắc chắn sẽ làm tăng thêm số sinh viên vào Đại học. Hơn nữa, vì số thí sinh Tú tài II tăng nhanh như ta thấy trên đây thì dù tỉ lệ đậu có giảm đi số sinh viên vào Đại học vẫn gia tăng. Thêm vào đó là một yếu tố khác quan trọng hơn. Đó là khuynh hướng của học sinh Trung học đều muốn hướng về các phân khoa của Đại học hơn là các trường chuyên nghiệp hay kỹ thuật. Theo một con số của UNESCO thì trong niên khóa 1962-1963, 94% học sinh Trung học theo học tại các trường Trung học tổng quát chỉ có 4% học Trung học kỹ thuật và 2% học Trung học sư phạm[19].

Kết quả là các phân khoa Đại học thâu nhận sinh viên mỗi ngày một nhiều hơn. Riêng về sĩ số trong niên học 1954-1955 chỉ mới ghi nhận có một tổng số là 2.154 sinh viên trên toàn miền Nam thì niên học 1962-1963 số này đã tăng lên tới 17.929 ; đến năm 1964 tổng số sinh viên là 23.662, và năm 1969 số này tăng lên tới 46.257.[20] Mặc dù tác giả chưa có tổng số sinh viên các năm sau 1969 nhưng chắc chắn còn tăng lên nhiều hơn nữa. Cùng với sự gia tăng sĩ số là sự gia tăng các trường Đại học. Trong thời gian tiền 1963 chỉ có hai Đại học mới ra đời ngoài Đại học Sàigòn : đó là Viện đại học Huế và Viện đại học Đàlạt. Nhưng từ 1963 tới nay chúng ta thấy đã có năm Đại học mới mà bốn là Đại học tư và chỉ có Viện đại học Cần thơ là do chính phủ mở.

Mặc dù số Đại học có tăng nhưng trên thực tế, ngoài những vấn đề tế nhị khác như phẩm chất giảng dạy và chương trình học tập nghiên cứu mà chúng ta sẽ bàn tới trong phần III của loạt bài này, ít nhất là ¾ tổng số sinh viên toàn quốc ghi danh tại các phân khoa thuộc Viện đại học Sài gòn (theo con số năm 1969). Mà Viện Đại học Sài gòn lại gồm nhiều căn nhà trước đây được xây cất không phải với mục đích giảng dạy Đại học. Dự án xây cất một khu Đại học tối tân tại Thủ đức đã được chấp thuận từ năm 1962 và được coi như thuộc kế hoạch quốc gia năm năm lần thứ hai (1962-1966) có nghĩa là phải được hoàn tất vào cuối giai đoạn năm này. Theo đề án này phí tổn dự trù cho việc xây cất khu Đại học Thủ đức lên tới hơn một tỷ bạc Việt nam.[21] Nhưng như chúng ta đều biết cho tới nay chỉ mới hoàn tất có trường Đại học Sư phạm và trường Khoa học mà cũng chưa được trang bị và sử dụng hoàn toàn.

Việc gia tăng sĩ số bậc Trung học và Đại học đã tạo ra nhiều bế tắc về cả hai phương diện chất và lượng. Chúng ta sẽ bàn tới những bế tắc này trong phần III. Bây giờ chúng ta hãy bàn tới yếu tố thứ hai ảnh hưởng tới sự phát triển Đại học miền Nam nhất là thời kỳ sau 1963. Đó là ảnh hưởng Mỹ vào Giáo dục nói chung và Giáo dục Đại học nói riêng.

B. NHỮNG CỐ GẮNG GIÁO DỤC CỦA NGƯỜI MỸ.

Bàn về ảnh hưởng Mỹ vào Giáo dục và Đại học miền Nam thiết tưởng chúng ta không thể không nhắc sơ qua tới chính sách đối ngoại về văn hóa của người Mỹ vì kiến thức sơ đẳng nhất về chính trị quốc tế cũng cho ta thấy rằng không thể tách biệt đối ngoại chính trị khỏi đối ngoại văn hóa cũng như những khía cạnh khác của chính sách đối ngoại của một cường quốc như Mỹ. Trong một tài liệu nghiên cứu về liên lạc giữa các hoạt động văn hóa và chính sách đối ngoại của Chính phủ Mỹ, Thom-son và Laves đã cho thấy rõ là các chương trình văn hóa của Hoa kỳ ở hải ngoại luôn luôn đi song song với chính sách đối ngoại.[22]

Hoạt động văn hóa đầu tiên của Hoa kỳ tại hải ngoại bắt đầu năm 1963 tại Châu mỹ La tinh. Đến thế chiến thứ hai Quốc hội Mỹ muốn có “một chương trình thông tin và trao đổi Giáo dục để giúp thực hiện trọn vẹn chính sách ngoại giao của Hoa kỳ”,[23] đã thông qua dự luật Fulbright năm 1964 và dự luật Smith-Mundt năm 1948. Khi có cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga trong thập niên 1950 các hoạt động văn hóa giáo dục của Hoa kỳ tại hải ngoại càng mang nhiều tính chất tuyên truyền hơn. Viên Giám đốc Văn phòng Trao đổi Giáo dục tại Bộ ngoại giao Hoa kỳ đã tuyên bố thẳng là việc trao đổi Giáo dục là “một lợi khí đắc lực cho chính sách đối ngoại của Hoa kỳ”[24].

Trong thập niên 1960 quan niệm thô kệch này được thay thế bằng một quan niệm tế nhị hơn qua các chương trình đào tạo chuyên viên cho các xứ chưa mở mang. Sự thay đổi quan niệm này được đánh dấu bằng việc thành lập Viện Đại học Ha-waii ngày 25 tháng 10 năm 1960. Kể từ đây Hoa kỳ nhắm mạnh vào việc hỗ trợ để phát triển các trường Đại học và uy tín của tiến bộ Mỹ được đại diện bởi các phái đoàn chuyên viên và giáo sư Đại học được cơ quan USAID tài trợ và gửi đi các nơi, Tại Việt nam, chương trình viện trợ Mỹ bắt đầu từ cuối thập niên 1940 qua chương trình Marshall. Tuy nhiên cho tới 1954 chương trình này nặng về quân sự và nhẹ về kinh tế nhất là văn hóa giáo dục thì không đáng kể. Từ 1954 trở đi viện trợ Mỹ hoàn toàn thay thế Pháp về tất cả các phương diện.
Về phương diện văn hóa giáo dục, Hoa kỳ tập trung nỗ lực vào ba chương trình : gửi sinh viên Việt nam du học Hoa kỳ, gửi các phái đoàn nhân viên giáo dục Việt nam đi tu nghiệp và quan sát tại Hoa kỳ, và hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục trong nước.

Hoa kỳ bắt đầu tài trợ để gửi sinh viên và công chức Việt nam du học tại ngoại quốc từ năm 1951. Chương trình học bổng của Phòng Giáo dục và Ban Giáo dục Cao đẳng của USAID ở Sài gòn được dành một ngân khoản hàng năm khá lớn. Kể tất cả các chương trình du học và tu nghiệp dài hạn và ngắn hạn ngân sách năm 1969 là 2.385.000 đô la. Riêng chương trình du học dài hạn trong năm đó được dành 1.325.000 đô la.[25] Qua các chương trình này hàng ngàn giáo chức và sinh viên Việt nam đã được gửi đi tu nghiệp hoặc du học taị ngoại quốc phần lớn là tại Hoa kỳ. Theo một tài liệu của AID ở Hoa thịnh đốn thì trong thời gian từ 1951 tới 1961 có 1.875 sinh viên và công chức đã được các cơ quan Hoa kỳ tài trợ đi tu nghiệp hay du học trong số này 1.065 người đi Hoa kỳ.[26] Một tài liệu khác của cơ quan JUSPAO ở Sàigòn phát hành năm 1969 nâng tổng số này tới 1968 là 4.809 người trong số này tính tới 1968 đã có 3.884 người trở về Việt nam.[27]

Tuy nhiên vì những con số trên gồm cả những người được gửi đi quan sát hay tu nghiệp ngắn hạn lẫn những sinh viên theo học tại các Đại học để lấy các văn bằng Đại học nên chưa đầy đủ. Theo một báo cáo nội bộ của USOM thì tính tới ngày 1 tháng 11 năm 1964 ước lượng có khoảng 127 sinh viên Việt nam đã theo học chương trình Cử nhân (B.A hay B.S.), 45 sinh viên theo học chương trình Cao học (M.A hay M.S.) và 35 theo học chương trình Tiến sĩ (Ph.D.). Cũng cùng năm này bản báo cáo cho biết có 176 người đã tu nghiệp hay học xong trở về nước, trong số đó có 118 người đã xong chương trình huấn luyện dài hạn tại Hoa kỳ hay tại một quốc gia thứ ba.[28]

Tóm lại mặc dù chương trình huấn luyện nhân sự theo chiều hướng giáo dục Mỹ đã bắt đầu từ 1951 nhưng một phần vì trong những năm đầu của chương trình này người Mỹ chỉ chú trọng tới giáo dục kỹ thuật và tới cấp tiểu học và trung học nhiều hơn cấp đại học; phần khác phần lớn những người được gửi đi chỉ để tu nghiệp hay quan sát ngắn hạn hơn là theo học các chương trình huấn luyện đại học dài hạn, cho nên số giáo sư đại học có văn bằng Mỹ còn quá ít so với những giáo sư có văn bằng Pháp.[29] Thêm vào đó ảnh hưởng của Pháp trên phương diện văn hóa giáo dục chỉ giảm sút rất chậm, và những người giữ vị trí lãnh đạo tại công sở đa số vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nhiều hơn. Kết quả là những người tốt nghiệp tại Hoa kỳ về chưa chắc đã được sử dụng đúng mức[30]. Ngoài ra chương trình du học của Bộ giáo dục cho tới những năm gần đây vẫn còn thiên về Pháp nhiều hơn Mỹ. Mặc dù trên tổng số thì từ 1.956 đến 1961 có 1807 người đi Hoa kỳ trong khi chỉ có 449 người đi Pháp, nhưng nếu phâ tách số người đi tự túc cũng như hưởng học bổng quốc gia thì lại ngược lại: cũng trong thời gian này chỉ có 98 người tự túc đi Mỹ trong khi có 126 người tự túc đi Pháp[31]. Về học bổng quốc gia từ 1955 đến 1963 có tất cả 906 người được hưởng thì đã có tới 842 người được gửi đi Pháp trong khi chỉ có 21 người đi Mỹ.[32] Tình trạng này còn kéo dài tới năm 1967 khi mà chính phủ cho phép, chỉ trong một niên khóa 66-67, 1.694 học sinh được qua Pháp du học tự túc, đồng thời cấp 84 học bổng quốc gia cho du học sinh đi Pháp và chỉ có 6 học bổng cho đi Mỹ.[33] Những sự kiện đó cộng với các sự kiện khác mà chúng ta sẽ bàn tới sau đây đã phần nào “cầm chân” được ảnh hưởng Mỹ và làm chậm trễ một số chương trình cải tổ đại học miền Nam mà người Mỹ muốn thực hiện.

Ngoài việc gửi sinh viên và công chức tu nghiệp hay huấn luyện Phòng Giáo dục của USAID tại Saigon còn tổ chức cho nhiều phái đoàn nhân viên giáo dục các cấp đi thăm viếng Hoa kỳ. Mục đích các cuộc thăm viếng này cũng như tất cả các cố gắng giáo dục của người Mỹ ở Saigon, theo các viên chức Mỹ, là để giúp phát triển ở Việt nam một hệ thống giáo dục đào tạo được những nhân lực cần thiết cho việc thực hiện các chương trình xã hội, canh nông, chính trị và kinh tế[34].

Tuy nhiên khi chúng ta nhìn vào từng chương trình giáo dục một thì thấy những mục đích cụ thể và thiết thực hơn. Chẳng hạn trong các dự án ngắn hạn của cấp tiểu học, năm 1965 USAID[35] Saigon tài trợ cho 11 thanh tra tiểu học đi quan sát tại Hoa kỳ trong 56 ngày trong đó kể cả 3 tuần lễ hội thảo về tổ chức giáo dục Mỹ. Cuộc viếng thăm này được AID ở Hoa thịnh đốn coi như mẫu mực cho các cuộc thăm viếng được tổ chức sau đó. Các viên chức AID ở Hoa thịnh đốn cho rằng cuộc thăm viếng thành công vì những người đi thăm trở về “đã tỏ ra có tinh thần hợp tác và nghe theo những khuyến cáo” của các cố vấn Mỹ. Cũng theo tài liệu của AID thì những người này “trở về Việt nam say sưa với những điều họ đã được xem và học về giáo dục và xã hội Hoa kỳ … Họ nhìn các cố vấn giáo dục của họ bằng con mắt khác trước”.[36]

Trong lĩnh vực đại học thì một trong năm mục tiêu của các chương trình của USAID là đào tạo nhiều giáo sư và quản trị viên tại Hoa kỳ để khi số người này nhiều hơn sẽ đánh bạt được ảnh hưởng Pháp.[37] Chương trình Leadership, một chương trình đào tạo các sinh viên từ khi bắt đầu đại học, cũng nhằm mục đích tương tự, nghĩa là để cung ứng cho Việt nam “một số hạch nhân những nhân viên huấn luyện tại Mỹ (anucleus of American trained personnel).[38]

Các cuộc thăm viếng quan sát cũng được tổ chức riêng cho các giáo sư và các viên chức lãnh đạo đại học kể từ 1967. Cuối năm này 5 vị Viện trưởng 5 viện đại học công tư đều được mời quan sát các viện đại học Hoa kỳ; một chương trình tương tự được tổ chức cho 18 Khoa trưởng và Tổng thư ký năm 1968 và 7 vị Khoa trưởng nữa năm 1969[39]. Như thế tính tới 1970 hầu hết các vị Viện trưởng, và Khoa trưởng của năm Viện Đại học tại miền Nam đều đã thăm viếng quan sát Giáo dục Đại học tại Hoa kỳ.

Song song với các chương trình huấn luyện và quan sát là một chương trình dài hạn khác. Đó là chương trình nghiên cứu để cải tổ nền Giáo dục Đại học miền Nam nói chung và thực hiện việc cải tổ này một cách trực tiếp tại một vài cơ sở giáo dục.

Trong các cơ sở giáo dục được sự hỗ trợ trực tiếp của một phái đoàn cố vấn giáo dục Hoa kỳ chúng ta phải kể đến Học viện Quốc gia Hành chánh trước tiên. Học viện này nguyên trước kia mang tên là Trường Quốc gia Hành chánh thiết lập tại Đà lạt năm 1954 theo kiểu mẫu trường Quốc gia Hành chánh của Pháp. Viên cố vấn đầu tiên là một thẩm phán người Pháp. Tháng 4 năm 1954 trường này được tổ chức lại và đặt trực thuộc Phủ thủ tướng sau là Phủ tổng thống. Tới 1955 trường đổi tên là Học viện và dời về Sàigòn.[40] Năm 1957 Học viện ký một giao kèo với Viện Đại học Michigan State để giúp Viện.

Giao kèo có hiệu lực tới năm 1962. Đây là lần đầu tiên một Viện Đại học Hoa kỳ trực tiếp giúp đỡ một Viện Cao đẳng Việt nam. Phái đoàn trường Michigan State  tại Học viện Quốc gia Hành chánh cố vấn cho Học viện này để cải tổ toàn bộ chương trình giảng dạy, tổ chức hành chánh và các khía cạnh khác. Phái đoàn MSU tại Sàigòn như lời nhận xét của chính viên trưởng phái đoàn là “một chi nhánh hải ngoại của một cơ sở giáo dục Hoa kỳ”,[41] đã để lại một ảnh hưởng sâu rộng trong chương trình giảng dạy, phương pháp và tổ chức của Học viện. Sự thành công của phái đoàn MSU về phương diện này đã làm cho các viên chức USAID tại Sàigòn quyết định dùng phương thức hỗ trợ trực tiếp này như là một phương thức căn bản để thay đổi giáo dục Cao đẳng tại miền Nam.[42]

Phương thức này được áp dụng lần thứ hai với trường Đại học Ohio (OU) và trường Đại học Southern IIlinois (SIU). Trường SIU ký một khế ước với USAID năm 1961 để giúp cải tổ các chương trình huấn luyện giáo viên Tiểu học.Trường SIU cũng giúp trường Đại học Sư phạm Sàigòn để tổ chức các khóa huấn luyện giáo sư cho các trường Sư phạm ; chương trình này bắt đầu năm 1967 với 26 sinh viên đầu tiên. Phái đoàn SIU tại Sàigòn cố vấn Chính phủ về tất cả các khía cạnh liên quan tới việc huấn luyện giáo viên Tiểu học.[43] Còn phái đoàn của trường OU thì giúp các trường Đại học Sư phạm Sàigòn, Huế và Cần thơ trong việc huấn luyện giáo sư Trung học. Ngoài ra Phái đoàn còn gửi sinh viên VN du học tại Mỹ, và cố vấn về việc cải tiến phương pháp và dụng cụ giảng huấn. Tháng 6 năm 1966 phái đoàn trường SIU đệ trình Chính phủ Việt nam một kế hoạch Trung học tổng hợp, trường Trung học Kiểu mẫu Thủ đức cũng được sự hỗ trợ trực tiếp của phái đoàn SIU.

Tới nay các chương trình cố vấn của hai Viện Đại học Hoa kỳ trên vẫn còn tiếp tục. Ngoài ra, năm 1969 Viện Đại học Mis-Souri-Rolla đã bắt đầu kế hoạch cố vấn cho trường Kỹ sư ở Sàigòn và Viên Đại học Florida cũng đang giúp trường Nông lâm súc Sài gòn.

USAID cũng mời một số chuyên viên giáo dục tới Sàigòn để nghiên cứu và đặt kế hoạch cải tổ giáo dục Đại  học miền Nam. Phái đoàn nghiên cứu đầu tiên ngoài phạm vi Sư phạm kỹ sư. Phái đoàn gồm 4 người, ở Việt nam trong một tháng. Sau thời gian nghiên cứu này phái đoàn tiên liệu miền Nam cần có 4.500 kỹ sư vào năm 1980 và để kịp cung ứng phải tăng số sinh viên cấp Cử nhân kỹ thuật lên 12.000 người.[44] Riêng năm 1967 có thêm 4 phái đoàn nữa được USAID mời sang nghiên cứu. Phái đoàn trường Đại học Florida nghiên cứu về giáo dục nông nghiệp trong khi ba phái đoàn giáo sư Đaị học khác nghiên cứu về các vấn đề tổ chức và quản trị Đại học. Có Lẽ quan trọng nhất là bản phúc trình của phái đoàn Wisconsin State University-Stevens Point. Bản phúc trình do một phái đoàn gồm 7 giáo sư và nhà lãnh đạo Đại học Mỹ trong đó có hai Viện trưởng, hai Khoa trưởng, hai Giám đốc và một Trưởng phân ban. Mặc dù một tai nạn phi cơ làm thiệt mạng tất cả nhân viên của phái đoàn vào những ngày cuối cùng của phái đoàn ở Việt nam, một phái đoàn khác được thành lập để hoàn tất phần hai của cuộc nghiên cứu về tổ chức và quản trị Đại học tại miền Nam. Trong bản phúc trình đúc kết phái đoàn đưa một Hội đồng Quản trị Đại học. Hội đồng “có quyền điều khiển tất cả các cơ sở giáo dục Đại học công lập tại miền Nam”.[45] Hội đồng còn có quyền bổ nhiệm và cất chức các Viện trưởng. Phái đoàn cũng đề nghị thiết lập một Ủy ban Tư vấn bên cạnh Viện trưởng với nhiệm vụ giúp Viện trưởng về các vấn đề liên hệ tới nhu cầu địa phương; Ủy ban này có quyền thảo luận về việc lập ngân sách và kế hoạch của viện Đại học . Về phương diện chương trình phái đoàn đề nghị xát nhập ngành. Nông lâm súc, Kỹ sư và Hành chánh vào trong cơ cấu Đại học, và gộp ba phân khoa Khoa học. Văn khoa và một phần của Luật khoa lại thành một chương trình giảng dạy huấn tiền.[46] Hầu hết các đề nghị của phái đoàn của phái đoàn cho tới nay vẫn chưa thực hiện được.

C. NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA GIỚI TRÍ THỨC.

Những cố gắng của người Mỹ để cải đổi nền giáo dục Đại học nói riêng và toàn thể tổ chức giáo dục miền nam nói chung đã chưa đạt những thành quả như người Mỹ mong muốn vì nhiều lý do. Ngoài lý do chiến tranh, lý do trước tiên như ta đã thấy ở trên là vì ảnh hưởng của Pháp còn khá mạnh đối với giới trí thức tại miền Nam. Lý do thứ hai còn vì chỉ tới những năm cuối thập niên 1960 những người được gửi đi du học ở Mỹ mới bắt đầu về nhiều và bắt đầu nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong ngành giáo dục. Nếu chỉ dựa vào sự gia tăng của yếu tố thứ hai này cộng với sự giảm sút dần dần của yếu tố thứ nhất trên thì người ta có thể tiên liệu rằng trong thập niên 1970 chắc chắn Đại học miền Nam sẽ chuyển mình mạnh mẽ theo chiều hướng Mỹ nhiều hơn chiều hướng Pháp. Tuy nhiên chúng ta không thể quên một yếu tố thứ ba, một yếu tố quan trọng không kém: đó là phản ứng của giới trí thức thành thị đối với cuộc chiến nói riêng và đối với sự gia tăng ảnh hưởng Mỹ vào xã hội miền Nam nói chung.

Nhìn một cách toàn diện và khách quan chúng ta có thể phân chia sự tham gia của giới trí thức, nhất là giới sinh viên học sinh, vào những sinh hoạt xã hội, làm ba giai đoạn lớn: giai đoạn chống chính quyền độc tài trước và sau 1963, giai đoạn phản chiến từ 1965 tới gần đây và giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn hiện tại. Nằm ngầm trong cả ba giai đoạn này là thái độ chống đối chính quyền một cách thường trực và thái độ bất mãn đối với lớp đàn anh đi trước. Trong giai đoạn chống Mỹ hiện tại sự chống đối mạnh mẽ nhất có lẽ là chống đối lại sự xen lấn vào chủ quyền Việt nam và ảnh hưởng của Mỹ vào các sinh hoạt xã hội miền Nam, trong đó có sinh hoạt giáo dục. Ở đây chúng ta không bàn tới phản ứng của giới này trên khía cạnh chính trị, mặc dù chúng ta ghi nhận rằng phản ứng của họ trên lãnh vực chính trị là mạnh nhất và thường trực nhất. Chúng ta sẽ giới hạn những nhận định của chúng ta trên lãnh vực văn hóa giáo dục và xã hội.

Trong chiều hướng này biến cố đáng để ý nhất xẩy ra trong những tháng cuối cùng của chế độ họ Ngô. Ngày 29 tháng 5 năm 1963 một khóa hội thảo học tập về chính sách Ấp Chiến lược được Ngô đình Nhu tổ chức tại suối Lồ ồ cho gần 200 giáo chức Đại học. Khóa học kéo dài tới ngày 5 tháng 6. Buổi bế mạc các giáo chức thông qua một quyết nghị ủng hộ chính phủ và phù hợp với chính sách Ấp Chiến lược của Chính phủ.[47] Tin về cuộc họp tập này được tung ra làm ngạc nhiên và thất vọng giới sinh viên học sinh lúc đó đang hăng say tham gia vào các hoạt động chống Chính phủ. Trong một bức thư ngỏ gửi toàn thể giáo sư Đại học Sàigòn những sinh viên học sinh này, bằng một giọng giận dữ, đã lên án những giáo sư này là “vô trách nhiệm” và “ích kỷ” đồng thời tỏ ý “thất vọng sâu xa” và mất tin tưởng ở những giáo sư của họ[48].

Những năm sau 1963 và nhất là kể từ 1965 trở đi cuộc chiến mỗi ngày thêm khốc liệt và ảnh hưởng tới mọi khía cạnh sinh hoạt xã hội miền Nam đã khiến những giáo chức Đại học cấp tiến không thể làm ngơ. Nhưng những phản ứng của giới này, ngoại trừ một số ít, phần lớn tâp trung vào các khía cạnh văn hóa xã hội của cuộc chiến. Chẳng hạn ngày 16 tháng 7 năm 1968, 5 giáo chức thuộc Viện Đại học Sàigòn đã tung ra một lời kêu gọi đình chiến và thương thuyết vì theo các giáo sư này cuộc chiến hiện tại đã làm tổn hại tới sự tồn vong của dân tộc trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất và vì cuộc chiến ảnh hưởng tai hại tới giáo dục.[49]

Trong những năm gần đây phản ứng của giới trí thức đối với cuộc chiến tranh phi lý hiện tại càng trở nên mãnh liệt lại càng gắn liền vào việc chống chính sách của người Mỹ. Tuy thế ngoài một thiểu số rất ít khuynh Cộng hay cực tả đa số thành phần trí thức phản chiến muốn tìm một thế đứng thứ ba dung hòa giữa hai thế lực chiến tranh hiện tại.

Giáo sư Nguyễn văn Trung chắc chắn đã phản ảnh được nguyện vọng của giới này khi ông kêu gọi người Việt đứng dậy tạo thành một lực lượng cách mạng mới để xây dựng một “chủ nghĩa xã hội không Cộng sản”.[50] Trên phương diện văn hóa giáo dục, một xu thế mới dường như đang được manh nha trong giới Đại học tại miền Nam: xu thế đi tìm một đường hướng văn hóa giáo dục dân tộc chối bỏ mọi khuynh hướng ngoại lai. Đối với những người chủ trương đường lối này, văn hóa giáo dục theo lối Pháp cũng như văn hóa giáo dục theo bất cứ một đường lối ngoại lai nào đều không thể chấp nhận được. Như nhận định của chủ bút một tập san ở Sàigòn từ 1962, cả hai tổ chức giáo dục Mỹ và Pháp đều “nguy hiểm” vì tổ chức giáo dục Mỹ thì đào tạo một lớp chuyên viên theo cá nhân chủ nghĩa còn tổ chức giáo dục Pháp lại đào tạo một lớp người thụ động và luôn luôn nghi ngờ.[51] Cũng trong chiều hướng này nguy cơ văn hóa dân tộc bị tiêu diệt và thay thế bằng văn hóa ngoại lai, dù là ngoại lai theo Tàu, Tây hay Mỹ là một nguy cơ đã được nhiều người trong giới trí thức lên tiếng cảnh giác.[52]

Gần đây nhất và hiện còn đang gây sôi nổi trong giới giáo dục là một loạt các bài báo được tung ra nói đến nguy cơ “Mỹ hóa” giáo dục và Đại học miền Nam. Gạt ra ngoài những ẩn ý chính trị của dư luận này mà đương nhiên không thể tránh được, chúng ta ghi nhận những lo âu về việc giáo dục và Đại học bị Mỹ hóa là những lo âu có thật, chân thành và nằm chung trong sự lo âu của giới trí thức có trách nhiệm cho sự tồn vong của văn hóa dân tộc. Tất nhiên sự lo âu này không phải là một điều lo âu không duyên cớ. Những cố gắng giáo dục của người Mỹ mà chúng ta đã trình bày ở trên không phải là không đem lại kết quả cụ thể. Cộng thêm vào đó là sự trở về mỗi ngày một nhiều của những người du học ở Mỹ ; đối với đa số những người này  sự lựa chọn và căn bản văn hóa dân tộc của họ trước khi du học, dù là du học Mỹ hay bất cứ đâu, thường là một nghi vấn lớn đặt trên khả năng tiêu hóa và sáng tạo của họ, một khả năng đặc biệt đã giúp dân tộc ta tổng hợp được các văn hóa du nhập mà thoát lên làm chủ được những yếu tố văn hóa du nhập đó.

Tuy nhiên những lo âu trên sẽ có tính cách tiêu cực và không đóng góp gì được vào sự phục hưng và hoàn thiện văn hóa dân tọc nếu chỉ được khai thác như một khí cụ tranh đấu chính trị nhất thời mà trái lại chỉ gây thêm những hiểu lầm chia rẽ hàng ngũ dân tộc sa vào âm mưu của chính ngoại bang. Lo âu về việc giáo dục và đại học bị Mỹ hóa tương đối dễ nhưng làm việc âm thầm và lâu dài để tìm được một đường hướng và tổ chức giáo dục và đại học đặc thù dân tộc là một công việc đầy khó khăn đòi hỏi nhiều cố gắng, sáng tạo và chung sức của nhiều người nhiều thế hệ.

Để tạm kết luận cho phần II của loạt bài này, chúng ta có thể tóm lược như sau. Kể từ những năm đầu thập niên 1960 sự gia tăng sĩ số bậc đại học, trong khi cơ sở đại học hầu như không tăng tiến cải thiện, cộng thêm với ảnh hưởng tâm lý xã hội của cuộc chiến và những cố gắng giáo dục của người Mỹ đã tạo ra những yếu tố mới. Những yếu tố này mang hai tính chất ảnh hưởng song song vào đại học miền Nam, một liên quan tới vấn đề tổ chức và một liên quan tới vấn đề nội dung giáo dục đại học. Trước hết từ những năm cuối thập niên 1960 đại học miền Nam bắt đầu chuyển mình để tổ chức lại hầu kịp đáp ứng những biến chuyển dồn dập trong phạm vi giáo dục. Thứ hai, và song song với diễn tiến trên, là nhu cầu cải tổ nội dung và phương pháp giảng dạy tại đại học. Tổng hợp của hai khía cạnh trên lại chúng ta thấy đại học miền Nam đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn chuyển mình đứng dậy. Trong giai đoạn này ảnh hưởng của người Mỹ chắc sẽ chiếm phần ưu thắng. Nhưng sự thắng thế đó của văn hóa Mỹ nếu có cũng chỉ như sự thắng thế của văn hóa Pháp trước đây; sự thắng thế đó trên đường dài sẽ chỉ là sự thắng thế của chính văn hóa dân tộc phục hưng dậy vì chỉ đem tài bồi thêm cho giàu mạnh thôi. Hơn nữa những yếu tố văn hóa dân tộc sẽ mãi mãi lưu chảy âm thầm nhưng bền chặt trong huyết mạch cùng tâm tư những người trí thức Việt nam để vừa thức tỉnh vừa gây hứng khởi cho họ trong công việc đi tìm một tổ chức và đường hướng giáo dục và Đại học đặc thù dân tộc để chờ đợi thời cơ phục hoạt lâu dài toàn diện.

(Còn tiếp)

 

____________________________________

[1] E.Mounier, Oeuvres, Tome III, 1944-1950 (Paris: Editions du Seuil, 1962), t.203.

[2] Ngô đình Diệm: “Message to the National Assembly on the Founda-tions of the Constitution”. (April 17, 1956), President Ngô đình Diệm on Democracy (Saigon Press Office of the President of the Republic of Vietnam, Oct. 1957) t.14.

[3] (1)

(2) Mme Nguyễn Anh Tuấn, Les Forces Politiques du Sud Vietnam Depuis les Accords de Genève, 1954 (Louvain : Université Catholique de Lou-vain, Faculté des Sciences Economiques, Sociales et Politiques, 1967), 192

[4] VNCH, Nha TGĐ. KH, Đệ nhị kế hoạch ngũ niên 1962-1966 (Saigon : Nha TGĐ, n.d.), t.5.

[5] Milton C. Tayor, “South Vietnam : Lavished Aid, Limited Progress” Foreign Affairs, Vol. 34 (Pall, 1962), t. 253.

[6] David C. Cole, “Economic setting” trong Richard Wadswoth Lindohm (ed), VN: The First 5 Year, An International Symposiam (East Lan-sing : MSU Press, 1959), t. 188.

[7] Bernard B. Fall, Le Viet Minh: La Re1publique De1niocratique du VN 1954-1960, (Paris : Max Le Clere et Cie., 1960), t.243

[8] Tayor, op.,cit, t 256

[9] VNCH, Chỉ nam Sinh viên Đại học Saigon’, 1966 (Saigon : VĐH Saigon, n.d.), tt. 155-184.

[10] R.of VN, Dep of NE, Report on The situation and Progress of National Education in VNduring the School Year 1960-1961 (Saigon, the Dep, : 1961), t.3.

[11] Chỉ nam Sinh viên Viện Đại học Saigon, t. 44.

[12] Diễn văn của TT. Giáo dục trong ngày tiếp nhận trường Đại học Hanoi, theo Văn hóa Nguyệt san, Bộ mới, số 3 (6/1955), t. 393.

[13] Chỉ nam Sinh viên đại học Saigon, 1966, tt. 201-202, tt. 212-214.

[14] Văn hóa Nguyệt san, Bộ mới, số 1 (4-1955), t. 135.

[15] Theo Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Giáo dục miền Bắc, thì riêng trường Trung học kỹ thuật sĩ số tăng từ 2.752 học sinh năm 1955 lên 9.616 năm 1957 và 16.422 năm 1959. Còn ở Đại học tăng từ 8.086 năm 1956 lên 7.707 sinh viên năm 1959. (trong 20 Years Development of Education in the Democratic Republic of Vietnam (Hanoi : Publis-hing House of the Ministry of Education, 1965), tt. 2, 30.

Còn theo những con số do báo Nhân dân đăng tải trong suốt thời gian từ 1954 đến 1966 thì tuy hơi khác nhưng cũng cho thấy sĩ số Đại học tăng, từ 1.528 sinh viên niên khóa 1954-1955 lên 11.416 niên khóa 1960-1961 và 30.000 sinh viên niên khóa 1965-1966.

[16] Việt nam Cộng hòa, Thành tích chín năm hoạt động của Chính phủ 1954-1963. (Saigon. Mai linh, 1963), tt. 395, 397.

[17] Con số năm 1964 theo Republic of Việt nam, National Ministry of Education, Progress for XXIX th International Conference on Public Education, Geneva; July, 1966 (Saigon : the Ministry, n, d, ) t.t. 13-14.

Con số năm 1967 theo Edem, Report on Eductional Developments in 1967-1968 (Saigon: the Ministry, n.d. ), t.t 57-58.

[18] Bureau Régionale de l’UNESCO Pour l’Education en Asie, Projec-tions à Long Terme de l’Education en République du Viet nam, Rap-port de la Mission Consultative Régionale de l’UNESCO Pour la Pla-nification de l’Education en Asie (Bangkok, 1965), t.14. Riêng con số năm 1969 theo Chinh luận, 6-9-1969, t.3.

[19] Bureau Régionale de I’UNESCO Pour I’Education en Asie, op. cili, t. 14.

[20] Các con số trước 1963 theo Việt nam Cộng hòa, Thành tích chín năm hoạt động. t. 400 ; con số năm 1964 theo RVN, Progress of Educa-tion… 1965-1966, t. 20 ; con số năm 1969 theo République du Vietnam, Minestère de I’Education, Bureau de Statistique, Situation de I’En-seignement au Vietnam Année Scolaire 1969-1970 (2ème trimester) (Saigon : n. d.), t. 5.

[21] Misson d’Etude des Programmes d’Investissements en Matière d’Edu-cation, Vietnam (Octobre-Novembre, 1963) (Paris : UNESCO, Janvier, 1964), tt. 127, 175.

[22] Xem Charles A. Thomson và Walter H.C. Laves, Cultural Relations and U.S. Foreign Policy (Bloomington, Indiana : Indiana University Press, 1963).

[23] Ibid., t. 69.

[24] Ibid., t. 84.

[25] USAID/Vietnam, Office of Education, “Briefing Materials, 1969”, (mimeographed) Attachment A and Attachment B (Scholarship Pro-gram).

[26] Center for Vietnamese Studies, Saigon, Evaluation Survey of USOM  Training Program, Vietnam : 1954-1960 (Washington D.C… 965), t. 2.

[27] JUSPAO (Saigon), “Higher Education in Saigon”, Copy of an Un-classified Message from JUSPAO Saigon, No 52  (August 23, 1969). Drafted by C.A Bain and approved by Laurence J.Hall. t. 20.

[28] USOM/Government of Viet nam, “Participant Training Program”, Unclassified typed paper, Viet nam Research and Evaluation Infor-mation Center, AID/Washington D.C., n.d., t. 6.

[29] Theo JUSPAO, of. Cit., t. 12,  thì niên khóa 1966-1967 chỉ có 8% giáo sư Đại học Sàigòn có bằng Ph.D. trong khi 37% có bằng Tiến sĩ Pháp.

[30] Theo tài liệu của Center for Vietnamese Studies, op, cit, t. 12 thì tình trạng đã xảy ra từ 1964. Gần đây các báo có đăng tải là khoảng 200 sinh viên VN ở Mỹ gửi thư về các công sở xin việc nhưng đều bị từ chối nói là không có chỗ.

[31] Bùi Xương, “Du học”, Quê hương, Tập 1, Bộ 1 (Tháng giêng, 1962), t. 27.

[32] Việt nam Cộng hòa, Thành tích chín năm…, t. 405.

[33] RVN, Report on Educational Development in 1966-1967. t. 43.

[34] USAID, Office of Education, Participant Training, Objectives and Returns (Saigon : October, 1967), t. 1.

[35] Ibid., t. 14.

[36] Ibid., t. 16.

[37] Ibid., t. 34.

[38] Ibid., t. 38

[39] USAID, Office of Education, Education Projects in the Republic of Vietnam (Saigon : the Office, 1969), t. 27.

[40] Việt nam Cộng hòa, NIA Catalogue 1961, (Sàigòn : The National Institute of Adinistration, 1961), t. 9.

[41] Wesley R.Fishel, “The Role of the Michigan State |University Group in Vietnam”, Việt Mỹ, Vol. II, No. 3 (September, 1957), t. 39.

[42] USAID/Vietnam, Office of Education, Education, Projects in the Re-public of  Vietnam, (Saigon : the Office, 1969), t. 27.

[43] Southen IIlinois University USAID Elementary Teacher Contract, Fourteenth Semi-Annual Report (January 1, 1968) (June 30, 1968) (Saigon : USAID, nd. d.), t. 2.

[44] OHIO University, USAID/Education Contract, Semi-Annual Report For the Period April First, 1966 October First, 1966, (Saigon . USAID, n. d.), tt. 51-52, 92, 98, 99.

[45] Wesley L.Orr, J. Morley English, Thomas E.Hick and Ralph J. Smith, Survey of Engineering Education in Viet nam, A report to the Minister of Culture and Education of the Republic of Vietnam. On Behalf of the USCOM to Vietnam (Saigon : n, p., August 28, 1965), t. 27.

[46] USAID/Vietnam, Public Universiti of the Republic of Vietnam, A Report by Harry F. Bansberg, et al. (Saigon : USAID, April 1967).

[47] “Bản Quyết nghị về vấn đề Giáo dục của các Giáo chức Đại học”, Văn hóa Duy linh, Số 2 (He 1963), tt. 111-112.

[48] “Bức thư ngỏ của nam nữ Sinh viên gửi toàn thể quí vị Giáo sư Đại học Sài gòn”, Nguyễn Văn Trung, Góp phần phê phán Giáo dục và Đại học (Sàigòn : Trình bày, 1967), tt. 245-260.

[49] Thế hệ (của Sinh viên VN tại Gia nã đại), Février, 1968, . 99.

[50] Nguyễn văn Trung, “Vấn đề Chúng ta”, Đối thoại (sinh viên Văn khoa Sàigòn), Số 1, (15-6-1966), t. 123.

[51] “Quan điểm : Giáo dục nhằm mục đích gì ?” Quê hương, Bộ Mới Tập I (1-1962), tt. xi—xii.

[52] “Cải tổ giáo dục – Quan điểm”, Sinh viên, Số 2, (9-1969), t. 1.



Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo, Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Xã hội, Xã hội

Thẻ:, , ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: