Du Tử Lê: Lê đình Ysa, chọn làm cây tràm hôm nay, cho ngày mai trái ngọt

Lê đình Ysa – Ảnh: Uyên Nguyên (Nguyên Việt)

 

Trong sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật (VHNT) Việt 40 năm ở hải ngoại, tôi ghi nhận được một hiện tượng khá đặc biệt. Đó là hiện tượng những người trẻ trưởng thành ở xứ người – Những người tốt nghiệp đại học với những ngành nghề chuyên môn cao, như kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ… Thay vì dùng bằng cấp để bảo đảm cho đời sống riêng của mình hoặc gia đình, với mức lương ở con số trên dưới trăm ngàn một năm, thì họ lại ném mình vào những lãnh vực mà, tương lai thường chỉ cho họ những hoa, trái phù du, bất trắc. Đó là lãnh vực VHNT.

Nói thế, không có nghĩa những đam mê lửa ngọn của tất cả những người trẻ muốn đóng góp trí tuệ, tài năng họ cho con đường nhiều phần bất trắc kia, đều thất bại.

Thực tế cho thấy, cũng có nhiều người trẻ thành công. Họ trở thành những vì sao lấp lánh trên nền trời sáng tạo. Họ nhận được những tràng pháo tay, những ngợi ca, như những vòng nguyệt quế vinh quang, tương xứng với đam mê và, tài năng của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng thấy (không nhiều lắm) người trẻ, sau khi thành công trên bước đường học vấn, vì lý tưởng hay một tâm nguyện nào đó, đã gác bỏ bằng cấp của mình qua một bên, để lao vào những sinh hoạt VHNT một cách lặng lẽ. Lặng lẽ hiểu theo nghĩa họ không hề có chủ tâm tìm kiếm tên tuổi cho họ, hay một vòng nguyệt quế ghi công, xác lập nào!

Trường hợp này, ở những năm tháng quê nhà trước tháng 4 – 1975, tôi thấy gần như không có! Nếu có, cũng rất họa hiếm. Nhưng trong sinh hoạt 40 năm VHNT quê người, hiện tượng này khá phổ cập.

Điển hình cho hiện tượng đặc biệt vừa kể, người tôi nhớ tới đầu tiên là Lê Đình Ysa.

Theo nội dung của một bài báo đã ghi nhận thì, Dược sĩ Lê Đình Ysa “là linh hồn, là đầu tàu cho những người trẻ của VAALA…” Rõ hơn, tác giả bài báo đăng tải trên nhật báo Người Việt đã lâu, cho biết thêm:

“… Dược Sĩ Lê Ðình Ysa, đang làm việc tại St. Joseph Home Care Pharmacy, bắt đầu đến làm việc cho VAALA từ năm 2000, sau ngày mất của bố cô, nhà báo Lê Ðình Ðiểu, một trong những người sáng lập nên VAALA, ‘như một cách tôi muốn tưởng nhớ đến bố tôi, muốn đi tìm hiểu những điều bố tôi đã làm’ (…)

“… Hãy thử một lần nói chuyện với Ysa, để thấy những ấp ủ, những dự định, những trăn trở của cô đối với VAALA, dường như đã đi vào hơi thở và máu thịt cô là như thế nào.

“Buông công việc của một người dược sĩ ra là toàn bộ tâm trí Ysa dành hết cho VAALA, để lúc nào cô cũng thấy ‘công việc cứ quay cuồng, thì giờ đi đâu hết trơn, phải lấy cả ngày vacation ra để làm nữa!’ Nếu không thì làm sao mỗi mùa Trung Thu hơn 300 trẻ em quanh đây lại tíu tít tụ về tham dự cuộc thi vẽ Trung Thu? Nếu không thì làm sao các đạo diễn gốc Việt từ nhiều nơi trên thế giới có cơ hội được trình chiếu các bộ phim của mình trong cùng một đại hội điện ảnh? Nếu không thì làm sao các họa sĩ gốc Việt có một nơi gom về để đưa các sáng tác của mình đến cho công chúng thưởng lãm? Nếu không thì sao có những cuộc Hội Luận Ðiện Ảnh tổ chức cùng Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ Việt Nam (VNLC) của trường Ðại Học UCLA? (…)

“Trả lời câu hỏi, ‘12 năm gắn bó với VAALA, chị nghĩ điều thành công nhất của chị là gì?’ Ysa suy ngẫm:

“Tôi nghĩ thành công lớn nhất của mình là lôi cuốn được giới trẻ hơn mình tham gia vào công việc. Nếu không có những bạn trẻ đó, tôi không thể đi tiếp được.

“ ‘Tôi rất thích truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc. Ở đất Hoa Kỳ này, tôi nghĩ thế hệ thân phụ tôi là cây mắm, thế hệ 1.5 của tôi là cây tràm, thế hệ sau này mới là xoài, mít, ổi ngon lành, nếu mình chịu khó vun trồng… ’”[1]

Buông bỏ công việc chuyên môn có mức lương đáng mơ ước của không ít người trẻ, Lê Đình Ysa, theo tôi, không thuần túy vì / như “một cách tưởng nhớ” thân phụ của cô, nhà báo, nhà thơ Lê Đình Điểu, (một người đã cống hiến trọn đời mình cho những mục tiêu hữu ích chung cho tập thể, từ văn chương, xã hội, giáo dục, tới báo chí, phát thanh) mà, trong huyết quản, sâu nơi đáy tầng cảm thức riêng của Lê Đình Ysa, còn là những lượng sóng ngầm, cuồn cuộn một tình yêu đất nước. Tình yêu Việt Nam.

Có dễ, chính vì thế mà, Ysa đã mở tung trái tim mình, để nở ra, vươn tới những chân trời khác, khởi từ nền tảng VAALA / Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ mà thân phụ cô là một trong những người sáng lập.

Với đôi ba người bạn tâm huyết, cùng lý tưởng, như họa sĩ Ann Phong, như Titi Mary Trần, Lê Đình Ysa:

“… Từ nhiều năm qua, các hoạt động của Hội VAALA từ ra mắt sách, Vẽ Trung Thu, tổ chức các lớp học về cải lương, hát bội, đến những hoạt động tầm cỡ hơn như Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF), triển lãm F.O.B I, F.O.B. II, Ẩn Dụ Nhiệm Màu (Marvelous Metaphors) hay Ðời Sống Tuần Hoàn (Cycles of Life), chương trình kịch ‘Finding Home’, v.v. thực sự trở nên quen thuộc với nhiều người Mỹ gốc Việt tại đây…”[2]

Trong số những hoạt động được sự tiếp tay tích cực của Ann Phong và TiTi Mary Trần, Ysa đã thực hiện trên dưới mười năm qua, những sinh hoạt VĂN HọC NGHệ THUậT mà chúng ta nên ghi nhận là, không phải ai có tâm huyết cũng có thể làm được!

Ổ đây, tôi chỉ xin đơn cử một vài sinh hoạt, gần như người Việt nào ở Hoa Kỳ, cũng biết tới hoặc đã nghe qua. Đó là cuộc thi Vẽ Tết Trung Thu năm nay, sắp bước vào năm thứ mười ba – Với kết qủa ngày càng được nhìn nhận như một nỗ lực văn hóa cực kỳ ý nghĩa, trở thành ngày hội lớn, không chỉ cho trẻ em Việt mà, cũng là vườn cây ương mầm tài năng thiếu nhi của các sắc dân khác nữa.

Cụ thể, cuộc thi vẽ hồi tháng 9 năm 2014 vừa qua, do VAALA tổ chức lần thứ 12, sáng tác của các họa sĩ nhi đồng, đã được Viện bảo tàng nổi tiếng thế giới Bowers ở thành phố Los Angeles, trưng bày mọi sáng tác của các tham dự viên, cuộc thi vẽ chủ đề “Hội Trăng Rằm Thiếu Nhi / Children’s Moon Festival”.

Cũng vậy, ở lãnh vực thứ hai, lãnh vực điện ảnh, với những Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Việt Film Fest), do VAALA khởi xướng từ hơn mười năm qua (sẽ tiếp diễn vào trung tuần tháng Tư tới đây, tại rạp UltraLuxe GardenWalk, thành phố Anaheim), cũng đã được ghi nhận như sau:

“Kể từ năm 2003, Viet Film Fest được biết đến như một đại hội điện ảnh Việt lớn nhất tại hải ngoại. Trong hơn một thập niên qua, đại hội đã thu hút hàng ngàn người tham dự và trình chiếu phim từ các quốc gia trên thế giới như Úc, Canada, Pháp, Đức, Do Thái, Ba Lan, Na Uy, Anh, Nhật, Đại Hàn, Cambodia, Việt Nam, và Hoa Kỳ.

“Mục đích của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế gồm hỗ trợ và quảng bá tác phẩm của các đạo diễn người Việt trên toàn thế giới.

“Như mọi năm, Viet Film Fest sẽ trao giải Trống Đồng dành cho phim hay nhất (phim dài và phim ngắn), giải Tài tử xuất sắc (nam và nữ). Khán giả cũng sẽ được bầu chọn phim dài và phim ngắn hay nhất…”[3]

Tôi nghĩ, khó ai nhớ hết đã có bao nhiêu đạo diễn, tài tử được vinh danh trong những Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Việt Film Fest) vừa kể.

Nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh, chính là sự “vắng mặt” của Lê Đình Ysa, linh hồn những công trình lớn lao và ý nghĩa đó.

Tôi không nghĩ nhiều người nhớ tới phần đóng góp lặng lẽ của Lê Đình Ysa, mặc dù, cho tôi nhắc lại: Đó không phải là điều Ysa tìm kiếm.

Dẫu vậy, tôi vẫn xin được nói thêm, được nhấn mạnh tới khía cạnh lặng lẽ của Ysa. Vì hiển nhiên, trước, sau, Ysa không hề đi tìm một lợi nhuận vật chất hay tinh thần nào, trong tất cả mọi hoạt động của VAALA.

Tôi cũng không nghĩ chỉ thuần túy vì / như “muốn tưởng nhớ” người cha khả kính của cô mà, Ysa ném mình vào hành trình xiển dương văn học, nghệ thuật Việt gập ghềnh nắng, gió, chao chát nơi quê người.

Tôi trộm nghĩ, nếu muốn, Ysa sẽ có nhiều cách khác hơn, để bày tỏ lòng trân trọng nhớ ơn người cha đáng hãnh diện đó.

Nhưng, những gì Ysa đã làm, theo tôi, nó còn bắt nguồn từ một trái tim lớn. Trái tim của một người trẻ ở quê người, muốn nâng hai chữ Việt Nam lên tầm cao hơn, xa hơn nữa, giữa quảng trường VĂN HọC NGHệ THUậT thế giới, (từ đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của mình!)

Chính điều này, khiến tôi thấy, đóng góp của Ysa cho Việt Nam, đáng trân trọng như bất cứ một đóng góp to lớn nào ở các lãnh vực khác, của những người trẻ Việt khác, nơi quê người, 40 năm qua.

Tôi tin, những đóng góp đó, của Ysa, sẽ còn ở lại với Việt Nam nhiều lần 40 năm nữa, không chỉ nơi quê người mà, luôn cả ở quê nhà, nữa.

(Jan. 2015)

Du Tử Lê

(Trích “Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt, 1975-2015, HT Produtions)

______________________________________

[1] Nguồn: Wikipedia-Mở
[2] Nđd.
[3] Nđd.



Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm

Thẻ:,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: