Thời nguyên tử không phải chỉ là thời của bom nguyên tử.
Về mặt quân sự, ấy là áp dụng những khí giới tối tân, tinh xảo, mãnh liệt, chỉ có tinh năng nguyên tử mới có sức gây ra.
Về mặt chính trị, là các quốc gia nhỏ hẹp của thế kỷ XIX nhường bước cho những liên hiệp, những khối, những liên bang.
Về mặt xã hội, thì các phương pháp tập thể, toàn dân, đánh lui những chính sách cá nhân, tư hữu.
Về mặt kinh tế, sự bóc lột thặng dư giá trị của tư bản chủ nghĩa lần lượt thay thế bằng cách đặt ra các ưu quyền, ưu quyền của dân cai trị đối với bị trị, ưu quyền của dân nước giàu mạnh đối với dân nước nghèo yếu, ưu quyền của màu da, ưu quyền của đảng phái.
Thời nguyên tử cũng là một thời mà ta thấy loài người phân hóa dần dần theo một nền tảng mới. Những khối cũ, xây dựng trên những nguyên tắc lỗi thời, đã lùi mà nhường bước cho những khối khác. Việc khai mào cho thời nguyên tử này diễn bằng những cuộc chiến tranh dữ dội, những cuộc cách mạng khổng lồ, những lý thuyết hùng vĩ. So sánh với hình ảnh cũ có thể gọi buổi quá độ này là một thời Tân Xuân Thu.
Hình dung cho dễ hiểu, song thời Xuân Thu của Tàu chỉ là trò chơi trẻ con đối với cái Tân Xuân Thu này mấy triệu lần về bề lớn, bề sâu, bề rộng. Như về mặt tư tưởng, chính thời Xuân Thu của Tàu là thời giàu học thuyết huy hoàng hơn hết của nước Tàu. Khổng học, Lão học, Mặc học, Dương học, Hứa học, v.v. thảy đều xuất hiện trong thời Tiền Hán. Ấy bởi loạn ly càng nhiều, thì lòng thèm thái bình càng mạnh, mà sự cố gắng của loài người để xây dựng một lâu đài tư tưởng càng to.
Thì cũng về mặt tư tưởng này, từ cuộc cách mạng công nghiệp ở Âu châu đã cho ta thấy những học thuyết làm lu mờ các học thuyết của mấy ngàn năm sau để lại.
Nhưng chưa gì đâu!
Cuộc cách mạng công nghiệp do hơi nước sanh ra có ăn thua gì với những cuộc phiên đảo của thời nguyên tử, nguy nga, tráng lệ biết chừng nào? Trước kia, loài người giao thiệp với nhau rất khó khăn, bởi những phương tiện giao thông rất nhỏ hẹp. Thời của trước hơi nước, chỉ gây dựng được một cuộc tiếp cận, rất cạn, rất qua loa. Thành ra hai khối người Đông phương và Tây phương, nhiều những chỗ tiểu đồng, có một nơi đại dị.
Đông phương chọn sự tu dưỡng, lấy sự cải cách cá nhân làm căn bản của sự cải cách to của xã hội. Con đường ấy xoay về mặt hướng nội, là nền tảng của đạo, đuổi theo một mục đích là làm cho lý, tình, ý luôn luôn điều hòa nhau, quân bình nhau và ăn nhịp với Vũ trụ.
Tây phương chuộng hành động, lấy sự tổ chức chế độ làm nền tảng cho mọi việc cải cách. Con người ấy xoay về bề ngoài, là nền tảng của khoa học, luôn luôn cố gắng làm cho lý trí được thuần hóa, độc lập, để biết vũ trụ, xã hội, nội tâm, để làm chủ vật giới, xã hội lẫn tinh thần.
Hai nếp sống khác nhau.
Một đàng say mê với mục đích mà không hề lo nghĩ gì về phương tiện để đến mục đích. Hình ảnh ấy là các nhà tu dưỡng nhập thiền để đem “Tiểu ngã” mà cảm thông “Đại ngã”.
Một đàng cặm cụi tìm phương tiện, mà không nghĩ lo gì về mục đích nào mà phương tiện sẽ phụng sự vậy. Hình ảnh ấy là những nhà khoa học ở phòng thí nghiệm nghiên cứu tinh năng nguyên tử một cách khách quan, chẳng quản tinh năng ấy sẽ giết người hay góp sức vào sự đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Hai nếp sống ấy đụng nhau.
Đụng nhau mà không gặp nhau được. Cuộc đụng chạm dữ dội lắm. Đông phương bị phương tiện tinh xảo của Tây phương đánh bại. Bại, mà chưa tiêu. Rồi cả thế giới bị Tây phương lôi cuốn theo một cuộc chạy quay cuồng, mà cứu cánh không biết là gì. Tiêu diệt hay Hạnh phúc?
Tây phương đang lôi cuốn thế giới quay về một trong hai lối tổ chức xã hội. Một con đường của Mỹ là con đường cá nhân, như ngựa buông cương, tha hồ thao túng trong một khuôn khổ của người có tiền bóc lột người không tiền. Một đường của Nga là con đường tập thể, người bây giờ là một con số vô danh kiềm chế trong nề nếp của một chế độ, người theo bè đảng được ưu đãi hơn người không bè đảng.
Dầu đến một bến nào, nhân loại cũng chưa tạm yên trong một thời gian lâu được. Đã đành rằng, lấy tương đối mà nói, con đường thứ hai bớt mâu thuẫn đối với con đường thứ nhất. Giản dị thì có, mà cũng làm cho một vài mâu thuẫn còn sót lại dữ dội hơn. Thay vì việc cá nhân thao túng, thì có việc đoàn thể thao túng.
Sau thời Xuân Thu, Chiến quốc, chế độ phong kiến Tàu bị chế độ nông nghiệp cá nhân thay vào. Phép tu dưỡng cá nhân của Khổng, Lão, Trang, Mặc, Phật, v.v. đều thích ứng, bởi vì là phép tu dưỡng cá nhân, văn hóa (đổi cho đẹp đẽ) cá nhân.
Thời Tân Xuân Thu, ta lại sẽ thấy lối tập thể thay thế cho lối tư hữu. Tuy vậy, hiện nay chưa có một cái VĂN HÓA để tu dưỡng các tập thể.
Sự thiếu sót này làm cho nhân loại chưa yên ổn được.
Bởi đoàn thể không có phép gì tu dưỡng, tha hồ thao túng như ngựa buông cương. Dầu cho xô ngã những bức tường giai cấp, quốc gia, nhân loại hãy còn khác nhau về kinh tế, về mức sống, về nếp sống. Hãy còn khác nhau lâu, và vì vậy, hãy còn đoàn thể.
Các đoàn thể, với lối tổ chức quần chúng, là một sức mạnh vô ngần, một thứ tinh năng khác không kém gì tinh năng nguyên tử. Phải tìm cách nào tu dưỡng các đoàn thể, để cho đoàn thể càng ngày càng tốt đẹp, cao quý lên.
Cách tu dưỡng ấy cũng là VĂN HÓA. Cái văn hóa của thời nguyên tử tìm được, thì nhân loại tạm yên được. Ấy là Hạnh phúc. Bằng không thì liên miên một cảnh loạn ly.
(Báo Tân dân, số Tết Kỷ Sửu, 1949)
Chuyên mục:Lotus Media, Trên kệ sách
Trả lời