GS, Linh Mục Lê Tôn Nghiêm: Ý Thức Giáo Dục Đại Học (3)

Thế giới hiện tại đang sa lầy trong một tình trạng mất quân bình, chính là vì sự tăng trưởng không kiểm soát của khoa học và kỹ thuật.

Hơn nữa, một khi lý tưởng Đại học và lý tưởng khoa học nói trên còn đang có khuynh hướng muốn được đại chúng hóa.

Đại chúng là một hiện tượng đặc biệt của thời đại. Những phương tiện giao thông, truyền tin, truyền hình, những kỹ thuật tối tân càng phổ biến thì càng mở rộng khuôn khổ đại chúng. Những gì được đại đa số ưa thích, công nhận và ủng hộ đều được coi là giá trị và có thể là tiêu chuẩn cho sự thật. Quảng cáo là kỹ thuật thỏa mãn những hiếu kỳ của đại chúng. Ngay những phong trào tôn giáo, đạo đức ngày nay cũng cần đến quảng cáo rầm rộ: mỗi tôn giáo cảm thấy cần có một giờ phát thanh và phát hình hằng tuần.

Trong bầu không khí ấy, người ta cũng muốn đại chúng hóa cả Đại học. Họ lý luận rằng: sống trong một thời đại của đại chúng, chúng ta cũng phải có một Đại học cho đại chúng. Khuynh hướng ấy đã thể hiện ra trong phong trào «Đại học bình dân».

Trong khuynh hướng đại chúng hóa Đại học, người ta còn muốn đại chúng hóa cả khoa học. Từ một công trình nghiên cứu cá nhân và chỉ có thể thực hiện được do những cá nhân, khoa học đang có khuynh hướng trở thành tổ chức đại chúng. Từ đó ai ai cũng tự phụ rằng mình có khả năng cộng tác vào công trình ấy, miễn là họ có chút ít trí khôn và chăm chỉ. Kết quả khuynh hướng ấy đẻ ra một thứ khoa học bình dân, cặn bã, chỉ biết bắt chước hay những con người khoa học chỉ muốn lấy bằng cấp để ra hành nghề.

Chính khuynh hướng đại chúng hóa khoa học ấy còn dẫn thế giới hiện tại đi vào con đườnq trệch hướng không nhắm đúng ý nghĩa khoa học.

Trong những trệch hướng ấy, trước hết phải kể đến thái độ Duy khoa học (le scientisme) hay khoa học độc tôn. Những con người khoa học nửa vời là những người chỉ nhìn vào những kết quả hữu hình của khoa học mà không biết gì về những phương pháp khoa học đã dùng để đi tới những kết quả ấy. Bất cứ ở lãnh vực nào họ cũng đem con mắt khách quan để nhìn. Đó là một lối nhìn khoa học bằng tưởng tượng và sai thù. Từ đó họ lầm tưởng rằng khoa học là một kiến thức phổ quát, một khả năng có thể thực hiện được mọi sự và chế ngự bất cứ cái gì bằng kỹ thuật.

Từ thái độ mê tín khoa học ấy, người ta dễ đâm ra thù ghét khoa học bằng những thái độ phủ nhận giá trị khoa học đích thực như tin vào những phép lạ vô lý, những khoa học huyền bí: chiêm tinh học, ma thuật, những thứ bói toán vớ vẩn…

Trước khuynh hướng muốn đại chúng hóa mọi sự và những kết quả tai hại của chúng, những con người có ý thức giáo dục Đại học phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải nhìn rõ lại ý nghĩa của Đại học và khoa học. Gusdorf là người đả phá khuynh hướng đại chúng hóa ấy một cách mãnh liệt và cũng là người nhận thức rõ vai trò giáo dục đích thực của Đại học như sau: «Tôi rất tiếc phải nói rằng: một Đại học cho đại chúng là một mâu thuẫn ngay trong từ ngữ và là một sự bất chính về phương diện tinh thần…

Đại học không phải những cơ quan để quảng bá kiến thức, mà chỉ là những cơ quan để chấn hưng kiến thức. Không phải quảng bá là một việc làm đáng trách, nhưng đó là công việc của những nhà giáo ở những tổ chức giáo dục khác.» l’ Université… trg 200-201).

Với sứ mệnh đặc biệt, Đại học nhằm những chuẩn đích cao cả hơn, sâu rộng hơn. Nhưng những chuẩn đích ấy chỉ dành cho một thiểu số chọn lọc, vì chỉ có họ mới đủ khả năng để thực hiện. Giữa lòng một văn minh thiên về đại chúng, Đại học phải là một mảnh vườn ươm cây rất hạn hẹp, để tuyển được những giống tốt. Trong mảnh vườn ấy, những người Đại học phải tự do phát huy những yêu sách chính đáng nhất của tinh thần và những mục tiêu vô vị lợi, để nhờ đó tăng gia kho tàng tinh thần của nhân loại. Những gì họ thâu lượm được có giá trị thật sự sẽ được truyền bá cho đại chúng và cho những em học sinh ở  bậc Trung học. Do đó, Đại học phải thực hiện được tác vụ đặc biệt. Không những nó phải luôn luôn khai triển và hoàn bị cho mọi lãnh vực tri thức, mà còn phải là một cơ quan bảo vệ nhữnq giá trị văn hóa đích thực. Nghĩa là Đại học không phải chỉ là một vị trí địa dư trong đó thâu nạp được một số ngành học. Trái lại, Đại học còn phải là một chỗ gặp gỡ, một gia đình thân mật của người trí thức. Từ sự gặp gỡ do nghề nghiệp đồng lứa với nhau, họ cảm thấy nảy sinh một tình tương thân tương ái. Rồi đứng trước thời đại của họ dù muốn dù không, các nhà trí thức Đại học sẽ là những chứng nhân và có nhiệm vụ đối với những vấn đề của thời đại.

Vậy nhiệm vụ cấp bách nhất của những người thuộc Đại học hiện nay là phải lập lại thế quân bình, một trật tự gồm những giá trị cho con người trong một thế giới hỗn độn do sự bành trướng quá mức của khoa học và kỹ thuật. Rồi từ sự quân bình ấy mới nảy sinh một văn hóa toàn diện. Tuy nhiên, ngày nay nói đến văn hóa toàn diện, chúng ta vấp phải nhiều khó khăn. Trước hết, sứ mệnh của một văn hóa nói chung không ở chỗ phải thâu thập cho nhiều sự kiện lại bên nhau tức là không phải ở chỗ chỉ bó buộc những người thụ giáo phải học hỏi cho nhiều kiến thức khác nhau thành những môn học không dính líu gì đến số mệnh của họ. Nhưng với thời đại ta, khuynh hướng học cho thật nhiều lại đi ngược với đường hướng của văn hóa vừa nói. Vậy văn hóa phải hoạch định ra những giá trị nhân bản thành một toàn bộ và một lối sống nhân bản. Trong bầu không khí ấy, mỗi người phải biết tự mình tiêu hóa những giá trị ấy.

Khó khăn thứ hai chính là một khó khăn đặc biệt của thời đại. Thực vậy, xưa nay người ta thường đặt văn hóa trên căn bản tinh hoa của cổ học (les humanités): bên Tây, thoạt tiên với người Hy lạp, văn hóa là «chu kỳ cổ học» (enkuklios paideia); với thời Trung cổ, văn hóa là Đại học học Thánh kinh. Nhất là tinh thần văn hóa của thời Phục hưng, rõ rệt là căn cứ vào cổ học hơn hết. Rồi bên Đông phương, nền tảng văn hóa cũng chính là sách của các Thánh hiền.

Nhưng ngày nay, văn hóa không thể chỉ căn cứ trên cổ học, mà còn phải dung nạp cả tinh thần khoa học.

Trong viễn tượng ấy, cần phải thiết định lại ý nghĩa của khoa học. Xưa nay hễ nói tới văn hóa, người ta thường bỏ quên khoa học, có khi còn coi khoa học như đối lập với văn hóa. Điều ấy dễ hiểu trong một thời đại mà văn hóa chưa biết gì đến khoa học như văn hóa Thượng cổ Hy lạp, văn hóa Trung cổ Thiên chúa Giáo, ngay cả văn hóa Phục hưng thế kỷ 15, rồi văn hóa Đông phương nói chung. Hơn nữa, nếu khoa học chỉ được hiểu là thứ khoa học của đường hướng Duy kiện (Positivisme), thì văn hóa có thể chống đối vì một lẽ rất đơn giản là trước hết con người phải bảo vệ những giá trị cho con người đã. Nhiệm vụ ấy là nhiệm vụ của văn hóa.

Nhưng ngày nay, khoa học đã trở thành một nhu cầu, một sự hãnh diện cho con người, không lẽ gì một văn hóa toàn diện được phép gạt bỏ khoa học! Nhưng khoa học không được phản bội con người. Vậy khoa học đích thực phải ý thức được những giới hạn nội tại của mình. Đó là điều chúng ta gọi là ý nghĩa nhân bản của khoa học. Thực vậy, trong lãnh vực khoa học ngày nay, không một nhà toán học nào tự phụ biết hết được mọi loại toán học; không một nhà vật lý nào có thể biết hết mọi thứ vật lý học. Ngay trong lãnh vực hạn hẹp của vật lý nguyên tử ví dụ chính các nhà thí nghiệm và những lý thuyết gia, cùng theo đuổi một vấn đề như nhau, cũng không thể hiểu nhau. Nếu vậy, người ta chỉ có thể có được một kiến thức rất tổng quát về một khoa bọc. Huống chi là đối với toàn bộ các khoa học, con người càng tỏ ra bất lực hơn nữa.

Đàng khác mỗi ngành khoa học ngày nay còn cống hiến ta một bài học triết lý rất thú vị, khác hẳn lối khoa học của khoa học độc tôn. Thực vậy, ai ai cũng nhận thấy thế kỷ 20 là thế kỷ của những nhà khoa học, của những kỹ sư, của những phép lạ khoa học và kỹ thuật. Nhưng đồng thời thế kỷ 20 cũng là thế kỷ hỗn loạn trầm trọng về tinh thần. Chính những nhà khoa học kia lại đang chứng kiến một khủng hoảng về nền tảng (crise des fondements) (Husserl): khủng hoảng về toán học và về luận lý, từ những cuộc khám phá ra những hình học phi-Euclide; khủng hoảng về vật lý, từ khi khám phá được lý thuyết lượng tử, từ khi thám hiểm vũ trụ nguyên tử, từ khi đặt lại vấn đề về cố định thuyết cổ truyền, từ cơ khí học ba động và học thuyết tương đối; rồi khủng hoảng cả về sinh vật học, từ khi thiết lập được sinh thành học và khi các nhà sinh vật khám phá ra tính cách bất xác càng ngày càng lớn mạnh trong sơ đồ của tiến hóa của các sinh vật.

Nói tóm, khủng hoảng khoa học hình như muốn dẫn con người về một căn bản sâu xa hơn. Đây ta nghe lời thú nhận của một nhà vật lý học thời danh, ông Louis de Broglie: «Trong khi phát triển, cần thiết khoa học phải thâu nạp vào những lý thuyết của mình những khái niệm có tính cách siêu hình, như khái niệm thời gian, không gian, khách quan tính, nhân quả, cá tính v. v…» (La science en se développant est nécessairement amenée à introduire dans ses théories des con­cepts ayant une portée métaphysique, tels que ceux de temps, d’espace, d‘objectivlité, de causalité, d’individualité etc…).

Hơn nữa, theo một số nhà khoa học trứ danh khác, chính những chân lý đích xác nhất của khoa học kỳ cùng lại liên hệ với những thái độ chủ quan mà căn cứ của chúng thật sự lại là khởi đầu từ một thành kiến cá nhân. Nếu thế, một cách thật là nghịch lý, khoa học thực nghiệm về thiên nhiên vật lý càng ngày càng muốn trở thành những khoa học nhân văn, cho con người. Hơn nữa, chính những khám phá mới của khoa học nhân văn còn cải chính tận gốc rễ thái độ Duy kiện ngây thơ của nhiều nhà khoa học nửa vời.

Như thế kinh nghiệm sống của con người là một kinh nghiệm phức tạp, đòi hỏi những phương pháp tế nhị khác xa những định luật và công thức khách quan của khoa học thực nghiệm.

Một nền văn hóa toàn diện đòi hỏi phải dung nạp tinh thần khoa học. Đại học ngày nay chính là nơi phải phát huy tinh thần ấy.

Chúng tôi rất hoan hỉ khi nghe tin đồn (chúng tôi chỉ coi như một tin đồn thuần túy) rằng: trong lương lai gần đây, Viện Đại học Saigon sẽ cải tổ chương trình học vấn theo dự án gọi là «Trung tâm Dự bị»: trước khi bước chân vào Đại học thực sự, người sinh viên của mọi phân khoa đều phải đi qua trung tâm này cả. Những ai chuyên môn về khoa học thì cứ chuyên môn, nhưng bên cạnh chuyên môn, còn có những môn văn học; ngược lại, những ai chuyên môn về văn học thì cứ đi về văn học, nhưng còn phải học một số những dữ kiện khoa học.

Nếu chúng tôi không lầm thì đó có thể là đường hướng văn hóa muốn dung hòa khoa học và văn học.

Tuy nhiên, sứ mệnh văn hóa hiện đại còn gặp mọi khó khăn khác nữa. Đó là sự xa cách và đối lập giữa văn hóa Đông phương và Tây phương.

Từ khi khoa học xuất hiện và bành trướng ở Âu châu, người Tây phương hãnh diện về nền văn minh của họ. Sự hãnh diện ấy đã được biểu lộ qua những thái độ kiêu hãnh, lố bịch. Có lẽ Hegel là người đại diện đáng kể nhất cho thái độ ấy khi ông chủ trương rằng nền tư tưởng Ấn Độ và tư tưởng Đông phương nói chung, đều không có tính cách triết lý, vì lẽ rằng chúng không căn cứ trên những ý niệm.

Trái lại, với óc thủ cựu, người Đông phương xưa kia thi hành chính sách «bế quan tỏa cảng», không chấp- nhận một nền văn hóa ngoại lai. Do đố, dân tộc họ đã dừng lại ở trình độ chậm tiến và thiếu phương tiện sinh sống.

Từ đó hai bên nghi kỵ nhau. Người ta đã viện ra nhiều lý lẽ để diễn tả sự đối lập ấy, như Đông phương thì thiên về tổng hợp và trực giác, còn Tây phương thì thiên về phân tích và lý luận; một bên trọng tinh thần, một bên trọng vật chất; một đàng ưa chiêm niệm, tọa- thiền, một đàng ưa hoạt động, múa may…

Ngoài những lý lẽ thông thường ấy, người ta còn nêu ra những lý lẽ có căn bản hơn vì những lý lẽ ấy dựa trên những nguyên tắc triết lý:

Triết lý Tây phương luôn luôn chú trọng đến vấn đề tri thức: tri thức để tri thức. Và với tri thức như thế, họ tự hào có thể biết được thực tại ngoại tại một cách khách quan và thấu triệt. Chính mục tiêu tri thức để tri thức ấy đã làm cho Tây phương coi khoa học và triết lý là một, mãi cho tới thế kỷ 18.

Trái lại, Đông phương chú trọng tới sự hòa đồng với thực tại. Con người và thực tại không có gì xa cách, khác biệt. Sự hòa đồng ấy đưa lại giải thoát cho con người. Ước vọng hòa đồng ấy là biểu thị của một nguyên tắc triết lý. Đó là sự tin tưởng vào một thực tại vô hình mà tất cả mọi thực tại hữu hình chỉ là biểu thị. Nên thực tại cũng chính là bản chất của linh hồn. Do dó kinh nghiệm tinh thần được coi là giá trị cao siêu nhất, nó muốn dung hòa mọi mâu thuẫn. Đó là sự hòa hợp giữa con người và mọi thực tại. Nhưng sự hòa hợp này không thể thực hiện được bằng lý trí hay tri thức lý trí mà thôi, mà bằng cả con người.

Từ tinh thần trọng tri thức, tư tưởng Tây phương lấy luận lý nhị nguyên làm căn bản với nguyên tắc vô mâu thuẫn. Do đó, luận lý nhị giá của Aristote đã được trọng dụng mãi cho tới Kant và Hegel, đến nỗi Kant phải thốt ra rằng: từ Aristote tới ông luận lý đã không bước thêm được buớc nào. Hơn nữa, hình như luận lý này còn ảnh hưởng cho các khoa học thực nghiệm, ít nhất là theo lối giảng nghĩa của Heidegger. Kết quả thực tế rõ rệt nhất của nguyên tắc ấy là sự phân đôi thế giới ngày nay, một bên là Cộng sản, một bên không Cộng sản hay một bên những kẻ được chọn, một bên những kẻ sa hỏa ngục v.v…

Tinh thần bất bao dung có lẽ cũng là sản phẩm của lối lý luận này. «Kẻ nào không đi với ta là kẻ ấy phản ta!»

Trái lại, từ tinh thần hòa đồng, tư tưởng Đông phương lấy trực giác nhất nguyên làm căn bản. Ở đây mọi mâu thuẫn có thể dung nạp, hòa giải với nhau ví dụ nguyên tắc «Người là cái đó» (Tat tvam asi) của Ấn Độ, hay nguyên tắc «Cao hạ tương khuynh v.v…» của Lão học và Trang Tử áp dụng trong câu chuyện khôi hài: Trang Tử mơ không biết mình là bướm hay là Trang Tử?

Do đó, sự tương tranh ít xảy ra. Người Tây phương cũng nhận thấy sự hòa đồng ấy nơi người Đông phương khi thấy một người có thể theo cả 3 đạo một trật v.v…

Đó là một vài nguyên tắc triết lý người ta thường nêu ra để đối lập Đông phương và Tây phương.

Đến nỗi người ta thường gán cho Kipling một câu nói bất hủ: «Đông phương là Đông phương; Tây phương là Tây phương.»

Tuy nhiên, ngày nay với những sự gặp gỡ khá thường xuyên giữa những người Đông phương và Tây phương, hình như sự xa cách và đối lập kia đang được xóa nhòa dần: một bên người Đông phương ý thức những gì mình còn khuyết điểm và mong muốn tân thời hóa cho kịp đà tiến của văn minh Tây phương. Điều này quá hiển nhiên và là một hành động đáng cổ võ thêm mãi.

Bên Tây phương người ta cũng đang có khuynh hướng tìm hiểu và đặt lại giá trị văn minh của họ, nhất là trước một cơn khủng hoảng đang đe dọa họ.

Những suy nghĩ về giáo dục hiện nay của họ cũng là một bằng chứng nói lên sự khủng hoảng văn hóa ấy. Hơn nữa, ngày nay, một số người trí thức của họ cũng đã bắt đầu nhận chân những giá trị tinh thần trong nền văn hóa Đông phương. Những nhà tư tưởng trứ danh như Martin Heidegger đã muốn mở cuộc song thoại với Đông phương, hay Karl Jaspers trong tập 1 quyển les Grands Philosophes đã trình bày sâu xa về những Hiền triết, Thánh nhân của Đông phương, rồi bên Pháp với thế hệ Masson-Oursel, Grahet, Grousset Renou, Fiiliozat, Barreau, Demiéville, Mus v.v… đã cho xuất bản những khảo, cứu giá trị về tư tưởng và văn minh Đông phương.

Trong một tinh thần cởi mở René Grousset đã ghi lại sự trao đổi giữa Đông phương và Tây phương trong những năm gần đây nhất như sau: «Bên cạnh học thuyết Khổng Tử cổ xưa, còn có những nhân vật xây dựng một Trung Hoa tân thời, như Tôn dật Tiên chẳng hạn. Ông là người đầu tiên, không hề muốn che dấu những gì, trong lãnh vực tinh thần, họ thừa hưởng được từ những Đại học Âu châu và Mỹ châu. Ở bên Ấn độ cũng vậy, một Vivekananda, một Ramakrisna, một Tagore không bao giờ phủ nhận những gì họ hấp thụ được của Tây phương, bên cạnh những bài học về thuyết Vedanta trung cổ của họ. Ngược lại, trong số các nhà tư tưởng thế kỷ 19 từ Kant — một triết gia Ấn Độ theo truyền thống, mà không ý thức—và Schopenhauer — một triết gia theo Phật Giáo canh tân mà ý thức — cho đến Tolstoï người đã tự hào suy tư lại Phúc âm theo tâm hồn Phật Giáo, có ai tự xưng là một người Âu Châu trứ danh ở thế kỷ 19 mà không biết tới tư tưởng Ấn Độ không?

Ngay cả đến triết học của Bergson, ở đó Masson-Oursel người viết triết lý tỷ giảo cũng đã khám phá ra được những tương tự với triết lý của lưu vực sông Gange» (L‘homme et son histoire, tr. 242, 243.)

Tổ chức UNESCO cũng đã ý thức được tầm quan trọng ấy, khi kêu gọi các nhân vật của hai bên Hội nghị năm 1951 tại New Delhi Ấn Độ, với chủ đề: Nhân bản và Giáo dục của Đông phương và Tây phương.

Trong tinh thần đoàn kết ấy, các nhà tư tưởng của mỗi bên đều muốn xây dựng một văn hóa tổng hợp căn cứ trên những giá trị của cả 2 bên. Một trong những tài liệu giá trị nhất là bản đúc kết do ý kiến của Giáo sư Olivier Lacombe và Thiền sư Siddheswarànàndà.

Sau đây là mấy ý kiến quan trọng:

Đông phương và Tây phương có thể bảo vệ tính cách độc đáo trong những tinh thể riêng tư của họ, nhưng không được tự đắc để thành một thái độ hận thù vô ích. Người ta thường có lý khi nói rằng: trong khi tự định mình để đối lập với hình ảnh sai thù và nghèo nàn về người khác, thì mỗi người có thể chỉ có một ý niệm hời hợt về chính mình; hơn nữa, họ còn có thể sa lầy ứ đọng trong một truyền thống, mà truyền thống này có thể bị thoái hóa nếu không có sự giao tiếp với bên ngoài.

Vì vậy từ đầu thế kỷ này người ta mới hay tổ chức những buổi hội họp, những cuộc nói chuyện, những thâu thập bằng chứng, những học hỏi và du lịch, để 2 bên xích gần lại nhau.

Tổ chức UNESCO không thể bỏ qua được vấn đề này.

Sau cùng Hội nghị còn kết thúc với vấn đề giáo dục và coi đó là vấn đề nòng cốt. Đối với Đông phương cũng như đối với Tây phương — tài liệu ấy nói — vấn đề nòng cốt ngày nay chính là vấn đề giáo dục; giáo dục cho nhà kỹ thuật để họ đạt được hiệu năng trong khuôn khổ xã hội; giáo dục tất cả mọi người, không phân biệt ai, để họ trở thành những con người có khả năng tự phát triển và giữ vai trò những con người tự do; sau cùng, giáo dục con người toàn diện để mỗi người biết chế ngự chính những chiến thắng của mình. Và nhờ sự chế ngự ấy, con người mới đạt dược trình độ Minh triết Nhân bản cần thiết.

Nói tóm, mục tiêu giáo dục hiện nay phải nhằm đào tạo con người để họ biết tôn trọng nền văn hóa riêng của họ, nhưng đồng thời cũng biết cải thiện thêm mãi nền văn hóa ấy, nghĩa là giáo dục phải hướng dẫn mọi người để họ luôn luôn bảo vệ được nhân tính của họ, mỗi khi gặp những yếu tố mới mẻ có thể xẩy đến trong đời sống xã hội và có thể đe dọa nhân tính ấy.

Như thế, giáo dục chính là phương tiện để bảo vệ và phát huy nền văn hóa toàn diện ấy.

Sở dĩ xưa nay giáo dục hay bị khủng hoảng là vì văn hóa khủng hoảng. Nhưng một khi cơ sở văn hóa được thiết định rõ ràng và vững chãi thì giáo dục mới tim ra được đường hướng phải theo.

Vậy dù muốn dù không, việc làm cấp bách là phải thiết định lại những Cổ học Nhân bản của cả Đông phương và Tây phương. Đó là nhiệm vụ của giáo dục Đại học. Vì thời đại này không cònphải thời đại sống riêng rẽ, biệt lập, mà phải là thời đại sống chung hòa bình, trong sự đoàn kết mọi dân tộc, trong đó sự đoàn kết tinh thần, thành một «Trí đẳng» (Noosphère) và «Ý thức hoàn vũ» (conscience cosmique) là tiêu biểu cao cả nhất.

Trong một thế giới đang bị tan rã dưới áp lực của những sức mạnh mâu thuẫn kinh khủng, một văn hóa toàn diện phải có thể đem lại một hình ảnh nhất trí về vũ trụ và về con người. Văn hóa này phải là tiềm lực quy tâm, đoàn tụ được mọi người, chống lại mọi sức mạnh ly tâm. Ở đây, muôn người như một tự cảm thấy mình là «công dân thế giới», không còn bị hạn hẹp trong những ranh giới hẹp hòi.

Theo như lời cầu mong thực sự của Kipling sau dây: «But there is neither East nor West, nor Border, nor Breed, nor Birth. When two strong men stand face to face, though they come from the ends of the earth». (Khi hai con người khí phách cùng nhau đứng đối diện, tuy từ những chân trời xa xăm mà đến, nhưng cũng không còn Đông hay Tây, không còn biên cương, giòng giống, hay sinh trưởng).

Giáo sư, Linh Mục Lê Tôn Nghiêm

Trích tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 4, chủ đề Giáo dục, ngày 01-09-1969

 



Chuyên mục:Báo Chí Phật Giáo, Nhân vật - Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm

Thẻ:, ,

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: