Ký giả Đinh Quang Anh Thái (Ảnh: Uyên Nguyên)
Nhà thơ Lê Đạt – nếu tôi nhớ đúng – từng nói: “Nấp sau lưng quá khứ thì không thấy được tương lai. Đứng trên lưng quá khứ thì sẽ thấy được tương lai.” Tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta cần “đứng trên lưng quá khứ” và nhưng cũng đừng quên quá khứ. Thành ra, xét lại mình lúc nào cũng cần thiết.
HỎI: Anh nghĩ sao khi NXB Tự Do đề nghị được xuất bản sách của anh ở Việt Nam – tất nhiên vẫn là “in lậu in chui”?
ĐQAT: Với người viết, sách được xuất bản là niềm vui lớn. Nhất là lại “được in chui” và phát hành trong một đất nước mà guồng máy cai trị độc tài sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để “nghiền nát” những người can đảm dám in những cuốn sách có nội dung độc lập, “ngoài luồng” như Nhà xuất bản Tự Do. Vui và cũng buồn, vì việc in chui cho thấy người dân Việt Nam vẫn chưa được sống, suy nghĩ và sinh hoạt tự do. Và cũng lo nữa. Lo cho an toàn của những người chủ trương công việc này là Đoan Trang và những người cùng chí hướng. Nỗi lo đó hoàn toàn không viển vông, bằng chứng là có những anh em vượt qua nỗi sợ hãi để đi giao sách cho độc giả đã bị chế độ sách nhiễu, bắt giữ, đánh đập.
HỎI: Anh có bi quan về văn hoá đọc của người Việt Nam trong nước và hải ngoại không? Nếu có thì tại sao và làm thế nào để cải thiện? Nếu không thì tại sao?
ĐQAT: Không bi quan. Nhưng tiếc. Trào lưu Internet toàn cầu đã và đang xóa bỏ dần thói quen đọc sách, không chỉ riêng với người Việt Nam và với rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Họ vẫn đọc, nhưng đọc theo lối “mì ăn liền”; mà đã là “mì ăn liền” thì chỉ đáp ứng được nhu cầu tức khắc, chứ hương vị, tinh túy của món ăn thì không có. Thói quen đọc “ngắn”, dễ hiểu, nhiều thông tin khiến người ta luôn có cảm tưởng là mình biết, biết nhiều, biết hết, nhưng thường là không hiểu được cốt lõi của NGƯỜI VÀ VIỆC.
Có thể nói không ngoa, thật sự đã qua, cái thời “đốt trầm hương, trân trọng chữ nghĩa.” Dù thế, văn hóa đọc mới cũng không hề là một báo hiệu “ngày tận thế.” Trào lưu mới, con người mới, thói quen mới. Không cứ là văn hóa đọc mà mọi sinh hoạt cũng đã đổi thay. Con người làm bạn với màn hình điện thoại, với “ông mặt vuông TV” nhiều hơn là nhìn mắt nhau, nghe giọng nhau, cảm cái TÂM của nhau.
Nếu đồng cảm với suy nghĩ “văn hóa là cái còn lại sau khi những cái khác dần tan biến” thì cuối cùng con người vẫn sẽ “gìn vàng giữ ngọc,” bảo lưu những giá trị tim óc của nhân loại. Bằng chứng, dù thời đại Internet đọc theo lối “mì ăn liền,” những tác phẩm của các tác giả kiệt xuất vẫn luôn được nhắc tới như “Gone with the Wind” của Margaret Mitchell; “Doctor Zivago” của Boris Pasternak; “The Brothers Karamazov” của Fyodor Dostoevsky; “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân; “Hương Rừng Cà Mau” của Sơn Nam; “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp.v.v…
Cách “cải thiện” văn hóa đọc trong thời đại Internet, theo tôi, người viết cần viết súc tích, ngắn, nhưng vẫn có chiều sâu. Nếu không, người đọc sẽ bỏ ngang sau khi lướt qua vài dòng đầu.
HỎI: Nhiều người dễ dàng nói về văn hoá đọc của người Việt Nam. Nhưng không mấy ai để ý tới văn hoá viết của những người cầm bút ở Việt Nam. Nếu chúng tôi (NXB) cho rằng chính các cây viết người Việt ở trong nước và nước ngoài cũng cần xem lại mình thì anh nghĩ sao?
ĐQAT: Dân tộc chúng ta vừa thoát khỏi một cuộc chiến khốc liệt, anh em lao vào cuộc tàn sát lẫn nhau, để rồi lúc tỉnh cơn “say máu” cả hai bên đang bị một chế độ “không có bộ mặt người” đè đầu cưỡi cổ.
Vì thế, cả hai phía, “bên thắng cuộc” lẫn “người thua cuộc,” một số tác phẩm của những người cầm bút vẫn còn tràn đầy “bóng ma” của cuộc chiến, làm nặng trĩu lòng người đọc. Cá nhân tôi khi viết hai cuốn “KÝ” cũng không thoát khỏi “bóng ma” đó.
Theo tôi, chúng ta chưa có độ lùi thời gian đủ và cái “luxury” (tạm gọi là thời giờ xa xỉ) để bỏ ra nhiều năm lắng lòng, nghiền ngẫm, tra cứu, sắp xếp rồi mới viết.
Fyodor Dostoevsky bỏ ra hàng chục năm để viết “The Brothers Karamazov”. Margaret Mitchell ba năm liền tìm hiểu ngôn ngữ, cách trang phục, thói quen của dân Mỹ thời Nội Chiến để viết “Gone with the Wind” …
Nhà thơ Lê Đạt – nếu tôi nhớ đúng – từng nói: “Nấp sau lưng quá khứ thì không thấy được tương lai. Đứng trên lưng quá khứ thì sẽ thấy được tương lai.” Tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta cần “đứng trên lưng quá khứ” và nhưng cũng đừng quên quá khứ.
Thành ra, xét lại mình lúc nào cũng cần thiết.
HỎI: Bây giờ là thời Internet và mạng xã hội. Anh có cho rằng xuất bản, hay là sách, có thể đóng vai trò gì đó trong công cuộc dân chủ hoá đất nước?
ĐQAT: Internet và mạng xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc dân chủ hoá đất nước. Các chế độ độc tài dù xem “Internet và mạng xã hội” là kẻ thù nhưng không thể triệt được trào lưu này. Dù có bị chặn, hình ảnh, tin tức truyền ngay tại chỗ, nhanh, vẫn ít nhiều đến thẳng người đọc, người xem. Những năm gần đây, tin tức về những cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam và các nước khác – Hồng Kông chẳng hạn – đã tác động mạnh đến người dân đang sống trong các chế độ dộc tài, và không ít thì nhiều, chuyển hóa suy nghĩ của họ, giúp họ dần thoát khỏi nỗi sợ hãi để đứng lên giành lại nhân phẩm và các quyền căn bản của con người.
HỎI: Trong tương lai gần, anh có dự định viết thêm cuốn sách nào không?
ĐQAT: Tôi đang viết cuốn “KÝ 3” về những người đã “thoát khỏi vòng kim cô” của CSVN.
HỎI: Xuất bản sách tiếng Việt ở nước ngoài có những khó khăn hay thuận lợi, niềm vui và nỗi buồn gì, anh có thể chia sẻ đôi lời với độc giả của NXB TD?
ĐQAT: Xuất bản sách tiếng Việt ở nước ngoài: Vui vì vẫn còn góp phần nhỏ vào việc phổ biến những tác phẩm tâm huyết của các tác giả trong và ngoài nước. Nhất là thấy số độc giả đông đảo đặt mua những tác phẩm nói lên “thân phận Việt Nam.” Buồn, vì những tác phẩm văn chương thuần túy, số người đọc ngày càng ít đi.
Nguồn: https://nhaxuatbantudo.com/…/27/tac-gia-dinh-quang-anh-thai/
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm
Trả lời