Đôi bạn Thái – Bình (Ảnh: Uyên Nguyên)
1.
Hai đứa tôi sinh cùng năm.Chỉ hơn kém nhau 8 tháng.
Ngày 20 Tháng Bẩy 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, hai tháng sau Nguyễn Thanh Bình chào đời tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Việt Bắc, nơi là căn cứ địa của Việt Minh.
Gốc gác gia đình Bình là dân Nam Bộ và “tập kết” ra Bắc vào năm 48. Lúc Hội Nghị Genève đang diễn ra ở Thụy Sĩ, thân sinh của Bình, ông Nguyễn Thanh Hà (tên thật là Nguyễn Thành A), đang ở Geneve với cương vị tổng thư ký đoàn đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thân mẫu Bình, bà Huỳnh Thị Phi, người Vĩnh Long, sau đó mới ra Bắc, và sau năm 1954, làm nhân viên hành chánh của bộ ngoại giao.
Gia đình tôi thì ngược lại, từ Bắc di cư vào Nam. Bố tôi, Đinh Quang Minh, từng làm Trưởng Ty Công An Hải Phòng và cũng từng bị Việt Minh bắt giam một thời gian; vì thế ông biết không thể sống yên thân được dưới chế độ mới nên đưa mẹ tôi, Phạm Mộng Loan và cả nhà vào Nam.
Ngồi trong lòng mẹ trên phi cơ vào Sài Gòn, tôi chưa đầy một tuổi.
Trong 21 năm chiến tranh, bố Bình làm đại sứ tại nhiều nước Cộng Sản, từ Tiệp Khắc, Hungary, Cu Ba, Nam Tư, Mali, Algeria … Vì thế, quãng đầu đời thơ ấu, Bình sống ở ngoại quốc và “cứ ngỡ đó là quê hương, hoàn toàn không có khái niệm gì về Việt Nam!”
Bình kể: “Năm năm đầu đời, hầu hết thời gian mình sống ở Praha, nhưng mỗi kỳ nghỉ hè thì sang Budapest vì bố kiêm nhiệm đại sứ hai nước. Không có ấn tượng gì nhiều vì hai thành phố Praha và Budapest tương tự nhau.
Đi học đến lớp một ở Praha, và cũng như tất cả bọn trẻ con Tiệp Khắc ngày ấy, hưởng một nền giáo dục Châu Âu thuần túy. Một trong những ấn tượng còn đọng lại là ngày chia tay ở trường để về lại Việt Nam, hôm ấy vẫn đi học bình thường nên khi xe của sứ quán đến đón, cả trường mới biết mình là con của đại sứ (xe có cắm quốc kỳ) và ra tiễn rất đông.”
Với tôi, kỷ niệm thời thơ ấu rất nhạt nhòa. Chỉ nghe mẹ kể lại, bố tôi lần lượt làm trưởng ty công an các tỉnh Đà Lạt, Lâm Đồng. Và sau khi công an nhập với cảnh sát thành Cảnh Sát Quốc Gia, bố tôi lại tiếp tục làm trưởng ty các tỉnh Biên Hòa Mỹ Tho, Quảng Ngãi, Quảng Nam trước khi cả nhà dọn về lại Sài Gòn và bố tôi làm việc tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia cho tới ngày 30 Tháng Tư 1975.
2.
Hỏi Bình, những năm sống ở nước ngoài, Bình có nghe nói gì về cuộc chiến tại quê nhà không và ông bố có nói gì với Bình không? Bình nói: “Cuộc chiến thật sự đến với miền Bắc là vào năm 1965 nên trước đó, khi ở nước ngoài, mình còn nhỏ quá, không ai nói đến ‘chiến tranh Việt Nam’. Năm 1965, lúc đó mình về lại quê nhà rồi, cũng là năm mình lên trường mỹ thuật, đang sơ tán ở huyện Hiệp Hòa, tình Hà Bắc. Năm ấy mới 11 tuổi, bố đang là đại sứ ở Mali (một nước cựu thuộc địa Pháp, ở Tây Phi). Trong những dịp hiếm hoi cha con gặp nhau, ông cũng không bao giờ nói đến chiến tranh …”
Năm 1965, Bình chưa biết về cuộc chiến thì tôi đã trải qua những đêm dài nghe tiếng đại bác.
Năm ấy bố tôi làm trưởng ty cảnh sát tỉnh Quảng Ngãi. Tôi còn nhớ, Tết Nguyên Đán năm đó, bố mẹ tôi tự tay gói bánh chưng và làm kẹo lạc để ăn trong ba ngày Tết. Bánh chưng vớt ra khỏi nồi vẫn còn nghi ngút khói, từng khay kẹo lạc có pha nước bưởi vẫn chưa kịp đặc lại thì Việt Cộng pháo kích vào Nội Thành, nơi đặt bộ chỉ huy Sư Đoàn 2 cùng các khẩu đội pháo 105 ly và một thiết đoàn thiết vận xa M113. Ty cảnh sát cũng nằm trong phạm vi Nội Thành.
Một quả pháo 82 ly rớt trúng chỗ để bánh chưng và kẹo lạc. Trần nhà sụp xuống, mọi thứ văng tung tóe. Chưa bao giờ nếm mùi chiến tranh, nhà không có hầm tránh đạn nên mẹ và các anh em tôi chỉ còn biết chun dưới gầm giường. Bố tôi bị thương nhẹ vì một mảnh đạn nhỏ ghim vào tay, ông tiếp tục cùng với nhân viên phòng thủ ty cảnh sát.
Tiếng đạn pháo bắn vào, tiếng đại bác và súng nhỏ trong Nội Thanh bắn ra nghe đinh tai nhức óc. Mẹ tôi vừa khóc vừa niệm Phật liên hồi, mấy đứa em nhỏ của tôi cũng khóc như ri.
Rạng sáng bố tôi đưa cả nhà lên chiếc Jeep chạy khỏi Nội Thành để đến trú tại nhà một ông bạn của bố tôi ở ngoài phố. Sau này bố tôi mới thú nhận, lúc lái xe chạy, ông sợ lắm vì lúc đó mà đặc công Việt Cộng lia cho một băng đạn thì chết cả nhà.
3.
Tết Mậu Thân 1968, Bình vẫn còn đang học năm thứ hai sơ cấp, trường mỹ thuật ở ngoài Bắc thì trong Nam, tôi vừa tròn 13 tuổi, học lớp Đệ Lục trường Trần Quốc Tuấn tỉnh Quảng Ngãi.
Đã 51 năm, kể từ ngày tang tóc đó, vậy mà tôi vẫn còn nhớ như in, thậm chí từng diễn biến chi tiết của thời khắc nửa khuya ngày Mùng Một Tết, rạng sáng Mùng Hai.
Khởi đầu cuộc tấn công là quả đạn B40 bắn vào đúng phòng khách gia đình tôi ở ty cảnh sát. Chiếc TV đen trắng tan tành, ghế bàn nát ngấu, trần nhà sụp vỡ một mảng lớn.May mà giờ nửa khuya không ai trong gia đình còn ở phòng khách.Nếu Cộng quân đánh sớm hơn khoảng 3 tiếng đồng hồ, chắc chắn số tử vong và bị thương sẽ cao lắm. Vì vào năm 1968, cả tỉnh Quảng Ngãi chỉ vài nơi có TV, truyền hình từ 7 giờ tối đến 10 giờ, tiếp vận đài trung ương ở Sài Gòn do máy bay phát sóng, nên nhân viên của ty cảnh sát tối nào cũng tập trung đến nhà tôi xem đến lúc hết chương trình.
Sáng hôm đó, Mùng Một Tết, Trung Úy Kim Kyi Dong, cầm đầu tiểu đội võ sư Đại Hàn thuộc Lữ Đoàn 2 Thanh Long Thủy Quân Lục Chiến sang nhà tôi chúc Tết và ngỏ ý mượn bố tôi một chiếc xe Jeep để đi chơi ngày đầu Xuân. Bố tôi chúc Tết toán võ sư và bảo ban quân xa giao chiếc Jeep của ty cho Trung Úy Kim.
Ty Cảnh Sát Quảng Ngãi trước kia nằm trong phạm vi Nội Thành, tức Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 2 Bộ Binh do Đại Tá Nguyễn Văn Toàn làm tư lệnh. Gia đình tôi ở ngay trong khuôn viên của ty, hàng xóm là nhà các sĩ quan của sư đoàn như Trung Tá Sơn Thương, Thiếu Tá Lê Bá Khiếu… Dạo đó, năm 1967, toán võ sư Đại Hàn gồm 11 vị từ 3 đến 6 đẳng đai đen được biệt phái từ Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn đồn trú ở Quận Bình Sơn đến đóng luôn trong ty cảnh sát để truyền bá môn võ cổ truyền của họ.
Ký giả Đinh Quang Anh Thái (Uyên Nguyên)
Sau do yêu cầu của Đại Tá Toàn, ty cảnh sát dọn ra khỏi Nội Thành và về địa điểm mới nằm trên đường đi phi trường và Quận Nghĩa Hành. Ty cảnh sát có chung một hàng rào kẽm gai với tiểu khu và sau lưng ty là trại tù của tỉnh, nơi giam giữ hầu hết cán binh cộng sản và một ít tù nhân hình sự. Cùng phía với Ty Cảnh Sát là Ty Nông Lâm Súc và Bộ Chỉ Huy Xây Dựng Nông Thôn do ông Nguyễn Liệu cầm đầu.
Chiếc xe Jeep chở 6 người, Trung Úy Kim, 4 võ sư nữa và tôi đi vào Quận Sông Vệ ăn mì Quảng. Một võ sư cẩn thận mang theo khẩu AR15 và vỏn vẹn chỉ một băng đạn. Tôi, thằng bé oắt con nhưng khá rành rõi một số loại võ khí vì ngoài giờ học trong trường, suốt ngày tôi lân la bên cạnh các võ sư Đại Hàn, học võ, học tiếng Triều Tiên và học… trò chơi súng đạn.
Cuộc chơi Xuân ăn Mì Quảng kết thúc bằng một cơn giận dữ gần như điên cuồng của bố tôi, và hậu quả là tôi ăn nguyên một cái tát trời giáng của bố. Nguyên nhân cơn thịnh nộ: toàn tỉnh đã báo động an ninh từ ba giờ chiều, cảnh sát phải thu hồi lệnh cho nhân viên nghỉ Tết và toàn bộ số xe của ty phải dùng để đưa đại đội Cảnh Sát Dã Chiến đến các chốt phòng thủ. Vậy mà gần sáu giờ, chiếc Jeep Trung Úy Kim mượn mới lò dò lái vào sân của ty.
Tình hình căng thẳng. Mọi người tất bật lau chùi súng đạn. Toán võ sư Đại Hàn trang bị đến “tận răng”: súng trường, áo giáp, nón sắt, mìn claymore, mặt nạ chống hơi độc. Gia đình tôi, do đã trải qua hai lần cộng quân tấn công Nội Thành và đánh vào trại giam của tỉnh nên hầm trú ẩn làm bằng bao cát lúc nào cũng chứa sẵn nước uống và thức ăn khô là đồ hộp của quân đội Mỹ.
Dù ai cũng ngửi được không khí chiến tranh lởn vởn chung quanh, nhưng bắt đầu phát hình lúc bẩy giờ, một số đông, người đứng, người ngồi dán mắt vào màn ảnh chiếc TV đen trắng đặt ngay phòng khách nhà tôi. Lúc nào đài hiệu cũng là hình chiếc máy bay cánh quạt và nhạc nền là bài hát điệu Bolero: “Buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời…”
Ai cũng say mê xem truyền hình, ngoại trừ mẹ tôi. Bà lo sợ trước tin bố tôi cho biết đêm nay Cộng quân có thể tấn công. Cơm chiều vừa dứt, mẹ tôi lùa các con vào hầm trú ẩn. Riêng anh cả tôi là cảnh sát viên, súng đạn đầy người, ở ngoài với toán cận vệ của bố là ông Liên Á, ông Ron, ông Phước và ông Đán.
Khoảng hơn 1 giờ rạng sáng Mùng Hai thì súng bắt đầu nổ. Căn hầm trú ẩn rung lên từng cơn mỗi khi pháo của Cộng quân nã vào ty. Ít nhất hai lần hầm rung rinh như muốn sụp và lửa chóa lên trong hầm. Khói thuốc súng từ ngoài bay vào mù mịt căn hầm 9 thước vuông. Mẹ tôi, bà U già, hai chị gái, ba đứa em gái khóc như “cha chết.”Hai anh trai tôi, tôi và hai em trai run rẩy. Bên ngoài, lẫn trong tiếng súng lớn, súng nhỏ là tiếng hát bài Thủy Quân Lục Chiến hành khúc của các võ sư Đại Hàn.
Khoảng gần sáng thì ông Liên Á và ông Ron đưa bố tôi và anh Dũng của tôi vào hầm. Cả hai bị thương nhẹ.Bố tôi bị một mảnh pháo ghim vào cổ phía bên trái, máu rịn xuống áo.Còn anh Dũng thì dính một mảnh pháo nhỏ ở chân. Con chó Berger nuôi từ 2 năm bị thương tru lên từng hồi và lao vào hầm, máu bết cả một vạt lông. Cả nhà tôi như điên loạn vì tiếng tru của con chó. Anh Dũng tôi nổi điên, chân cà nhắc vì vết thương vừa băng bó sơ sài, lôi con chó ra ngoài hầm bắn chết.Mãi sau này, đứa em gái út vẫn còn nhắc đến con Berger được cả gia đình thương nuôi.
Bố tôi được y tá của ty chích cho một mũi thuốc cầm máu.Ông ra khỏi hầm, cổ băng trắng. Tiếng súng tiếp tục nổ cho tới rạng sáng. Mẹ tôi nằng nặc đòi bố tôi mua lập tức vé máy bay để đưa cả nhà về Sài Gòn. Bố tôi phải gào lên là cả Sài Gòn cũng đang bị tấn công thì mẹ tôi mới im.
Hoảng loạn lên cao điểm khi bố tôi chui vào hầm ra lệnh cả nhà phải chạy ra khỏi khuôn viên ty vì trực thăng của Mỹ sắp bắn róc két vào khu vực sát ngay sau lưng ty, nơi tiếp giáp với rừng mía dài hun hút đến tận quận Nghĩa Hành. Bố tôi nói, trại giam của tỉnh bị đặc công Việt Cộng phá vỡ, một số lớn tù binh cộng sản trốn thoát và lẩn vào khu rừng mía, nơi cộng quân ẩn náu để bắn pháo vào ty cảnh sát và tiểu khu.
Cả nhà chạy thục mạng ra khỏi hầm ẩn trú. Khoảng cách từ căn hầm ra đến đường cái chỉ khoảng 200 thước, mẹ và đứa em gái út của tôi chúi ngã hai lần. Chúng tôi chạy trong tiếng súng nổ chát chúa. Ra gần đến cổng, tôi thấy xác của một Việt Cộng máu me be bét nằm ngửa ngay một lỗ thủng lớn của bức tường phòng thủ của ty. Bên ngoài cổng chính, nhân viên cảnh sát và cảnh sát dã chiến dầy đặc; án ngữ ngay ngả đường dẫn vào trại giam là một chiếc xe lội nước tầu bò của tiểu khu chắn ngang, hai khẩu đại liên 50 đặt trên chiếc xe do các xạ thủ của tiểu khu đang nã đạn về hướng rừng mía.
Gia đình tôi chạy băng qua đường, cảm nhận của tôi là một khung cảnh tang tóc: khói lửa mịt mù, đường sá vắng ngắt, dọc theo nhà dân cư là binh sĩ tiểu khu và cảnh sát nằm mọp xuống đất trong vị thế tác chiến. Ông Nhữ Văn Y đón gia đình tôi vào căn nhà của ông nằm xế phía tay mặt của ty, ngay trước cổng chính của tiểu khu. Ông Y là thông dịch viên cho viên cố vấn Mỹ làm việc cho ty cảnh sát. Ông có người em trai là ký giả nổi tiếng Nhữ Văn Úy.
Nhà ông Y nhỏ, căn phòng khách lập tức được biến thành “trại tỵ nạn” của gia đình tôi. Bố tôi cho người đem bao cát để làm một căn hầm dã chiến nhỏ cho cả hai gia đình. Lúc bấy giờ, đài phát thanh tỉnh đã loan báo tin Cộng quân tổng tấn công hầu hết các tỉnh của miền Nam.Tình hình này, cả nhà sẽ sống chết bên nhau, bố tôi nói.
Bữa cơm trưa, ai cũng chỉ nhấm nháp qua loa, dù vẫn có bánh chưng do ông Y mời. Chúng tôi mệt lả, chỉ thiếp được một chút lại giật nẩy choàng dậy vì tiếng súng, tiếng bích kích pháo nổ đinh tai nhức óc.
Chạng vạng chiều, bố tôi sang và yêu cầu cả hai gia đình chuẩn bị lên xe vào Tòa Tỉnh Trưởng, vì có tin Cộng quân sẽ đánh mạnh đêm nay.
Tỉnh trưởng Quảng Ngãi lúc bấy giờ là Đại Tá Tôn Thất Khiên; ông có hai cận vệ là võ sư Đại Hàn.Biệt phái hai cận vệ này là nhã ý của Thiếu Tướng Lee Bong Chool, Tư lệnh Lữ Đoàn 2 Thanh Long Thủy Quân Lục Chiến Đại Hàn.
Dinh tỉnh trưởng là một tòa nhà kiên cố hai tầng.Số người chạy giặc tá túc tầng dưới rất đông, hầu hết là gia đình con cái cấp chỉ huy các ty trong tỉnh. Tôi gặp Cẩm, cô láng giềng con ông trưởng ty Nông Lâm Súc. Giọng Huế ngọt ngào, Cẩm nói “đêm hôm nằm trốn trong hầm nghe tiếng chân bọn hắn chạy, sáng ra thấy có đứa hắn bị bắn chết ngoài vườn sau nhà.”
Tưởng đến được chốn an toàn, ai ngờ đêm đó, không biết từ đâu, tin truyền tai nhau là Cộng quân đưa máy bay vào tấn công tỉnh. Thế là cả đám người bấn loạn cả lên. Mãi tới khi một sĩ quan đại úy của ông tỉnh trưởng đến trấn an đó chỉ là tin đồn, chứ làm sao máy bay địch vượt từ Bắc vào tận Quảng Ngãi được.
Chiến trận bên ngoài có vẻ như lắng bớt. Nhưng tiếng súng và tiếng đạn pháo vẫn nổ cách nhịp. Bố tôi biến mất cả đêm Mùng Hai, mãi cho đến gần trưa Mùng Ba, ông mới vào thăm hỏi gia đình. Phờ phạc, mệt mỏi, ông bảo đêm nay về lại nhà trong ty cảnh sát.
Căn nhà gia đình tôi có 4 phòng ngang. Gian phòng khách đổ nát, các phòng khác giường tủ đầy gạch ngói, bụi bặm. Kinh sợ nhất là cái giếng đào ngay trước sân nhà: một cái chân bị cắt lìa nằm nửa trong nửa ngoài thành giếng. Bố tôi bảo, chân của một Việt Cộng bị trúng pháo bên ngoài bay qua vòng rào rớt vào. Trước cảnh hoang tàn đổ nát, mẹ và anh chị em tôi đành ban ngày dọn dẹp, ban đêm vào hầm dựa nhau ngủ giấc chập chờn.
Cả gia đình sống sót trong cuộc tấn công. Nhân viên cảnh sát không ai bị tử vong, chỉ một số người bị thương. Toán võ sĩ Đại Hàn thì thương tâm nhất là ông Choe Hoong Boo.Ông sắp mãn hạn phục vụ tại Việt Nam. Theo lời Trung Úy Kim kể lại, trưa ngày Mùng Một, toán của ông ra ngoài vòng rào ty để cùng cảnh sát và lính tiểu khu lục soát. Ông Boo đến một xác Việt Cộng chết nằm sấp đè người lên khẩu AK, ông lật xác lên định lấy khẩu súng thì quả lựu đạn gài dưới xác tên địch phát nổ, ông bị miểng làm văng một bên mắt trái. Trực thăng của Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn đã bay từ Bình Sơn vào tản thương ông ra bệnh viện dã chiến của Sư Đoàn 2 Không Kỵ Hoa Kỳ đóng ở Chu Lai. Khoảng sáu tháng sau, khi bố tôi nhận lệnh ra Quảng Nam làm trưởng ty cảnh sát, tôi được tin ông Choe đã về Nam Hàn và mang vết thương cuộc chiến Mậu Thân trên mặt.
Tết Mậu Thân Quảng Ngãi là một vết máu hằn trong ký ức của tôi. Tận mãi bây giờ, mỗi lần tình cờ nghe bài hát “buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời…”, vết bầm đen lại dấy lên nỗi đau, nỗi nhớ về ba thằng bạn 13 tuổi học cùng lớp bị chết trong làn súng giao tranh đúng ngày Mùng Một Tết.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (Ảnh: Uyên Nguyên)
4.
Hai đứa tôi quen rồi thân nhau đúng là do “duyên nghiệp”, như cách Bình thường nói.
Huy Đức là người giới thiệu hai đứa tôi với nhau.
Năm 2015, tác giả “Bên Thắng Cuộc” đến thăm tôi tại tòa soạn báo Người Việt.Thấy trên bàn tôi có cái tẩu hút thuốc màu trắng, Huy Đức nói, anh cho em đem về biếu một người bạn ở Việt Nam.
Khoảng một tháng sau đó, trên trang Facebook của Họa Sĩ Nguyễn Thanh Bình ở Sài Gòn có đăng hình cái tẩu với giòng chữ: Cám ơn Thái Đinh.
Vậy thôi.
Về lãnh vực hội họa, tôi là “kẻ ngoại đạo”, không biết gì cả, dù là một chút.Khi xem một bức tranh, thấy đẹp thì thích chứ không thể giải thích được tại sao tranh đẹp.
Bằng cách cảm nhận như vậy, tôi “mê” tranh Nguyễn Thanh Bình.Huy Đức có lần nói với tôi, tranh của Bình rất đắt và khách mua phần lớn là người nước ngoài.
Cũng may, một đêm mùa Thu “chén tạc-chén thù” với họa sĩ Đinh Trường Chinh ở Virginia, Chinh “mở mắt” cho tôi về tranh Nguyễn Thanh Bình: “Tranh Nguyễn Thanh Bình trong veo, chặt chẽ, ‘cực’ sạch, và luôn cho người xem một cảm giác sâu lắng, xúc động. Trong hội họa thế giới, những bậc thầy như Mark Rothko, Pierre Soulages, hay với riêng hội họa Việt Nam, những họa sĩ tài danh như Nguyễn Trung, Thái Tuấn … đã đạt đến những trình độ lẫn chiều hướng ấy, không chỉ trong vấn đề kỹ thuật mà trong sự nhận thức, cách tiếp cận của họ với hội họa. Và, trong thế hệ đương đại, tôi đã thấy khả năng hiếm hoi này xuất hiện trong tranh Nguyễn Thanh Bình. Hội họa Nguyễn Thanh Bình dường như càng ngày càng thấm đẫm chất thiền một cách như nhiên.Như thế, tranh anh đã đi gần đến sự ‘giác ngộ’ trong con đường sâu thẳm của loại hình nghệ thuật này.”
5.
Bình và tôi xưng hô với nhau là “Bạn Già”.Bình rất kiệm lời khi trao đổi trên Facebook nên thản hoặc chúng tôi mới có vài chữ hỏi thăm nhau.
Một hôm tôi nhắn, Bạn Già ơi, tôi mê tranh của Bạn Già lắm nhưng không có tiền mua cho mình mà cũng không dám mong có bức tranh của Bạn Già để bán đấu giá lấy tiền giúp một số anh em đang gặp hoàn cảnh nghiệt ngã ở quê nhà.
Bình trả lời ngay: Bạn Già sẽ có hai bức.
Hai bức tranh tuyệt đẹp đến tay tôi; một người bạn đã mua đấu giá và tiền đã được gửi về Việt Nam.
Nghệ sĩ trung hồ cầm (violoncelle) Hồng Ánh, em gái út nhà văn Vũ Thư Hiên, có lần nói với tôi: “Anh Bình hào phóng lắm. Lúc có nhiều tiền, bạn bè gặp khó khăn, anh giúp hết lòng. Anh còn nuôi cả gia đình một đồng đội cũ nhiều năm trời và sẵn lòng móc túi cho cả những người không quen biết.”
“Anh Bình xem Hồng Ánh như em gái, thân nhau nên Ánh biết nhiều về anh.Với phụ nữ, anh Bình cũng hết lòng và nhiều cô cũng đã khổ nhiều vì anh ấy,” Hồng Ánh cười thoải mái.
Bình không nói với tôi, nhưng bằng hữu ở Việt Nam cho tôi biết, vợ chồng Bình còn góp tiền giúp hàng năm cho Đạo Tràng An Lạc do thầy Thích Hạnh Trung lập từ năm 2002, thu nhặt các em bị bỏ rơi, tàn tật, có em người ta mang bỏ ngoài bến xe, chợ, có người nhặt mang về đạo tràng. Hạnh, vợ Thanh Bình, cung cấp tiền, gạo, đồ dùng học tập (cho những đứa được đi học), xây lại chánh điện, hàng rào và nhà vệ sinh cho 60 cháu bé sống trong đạo tràng. Lúc Hạnh mất vì ung thư, Thầy Hạnh Trung lập một bàn thờ riêng cho Hạnh trong đạo tràng.
6.
Một buổi tối đầu tháng Tháng Tám 2019 ở phi trường Los Angeles, đón Bình, Hồng Ánh và Nguyễn Thị Hậu từ Việt Nam sang chơi, Hồng Ánh cười cười, “chọc quê” hai đứa tôi “đấy, hai ông ôm nhau cho thỏa lòng trông ngóng đi nhé.”
Hai đứa ngồi với nhau trong căn nhà ở Garden Grove – California, tôi hỏi Bình về những năm tháng đi bộ đội, Bình nói: Bà già mang mình về nước cuối năm 1961, trên chuyến tàu lửa liên vận quốc tế, băng qua lãnh thổ Liên Xô và Trung Quốc mênh mông cùng đi còn có cô Mai Thị Trình, Việt kiều Pháp cũng mang 2 con về Việt Nam. Sau vụ lùm xùm của Hà Nội bắt giữ một linh mục người Pháp, vu ông ta làm “gián điệp”, phía Pháp liền bắt giữ chú Năm Trần Thanh Xuân (sau này là phó giám đốc VN TTX), cô Trình vợ chú Năm Xuân. Vì cả hai bà đều là dân ‘nhà giàu’ Nam Bộ, đi theo “kháng chiến” nên đều nhìn các cán bộ cộng sản với con mắt thiếu thiện cảm.
Mình học vẽ chuyên nghiệp từ năm 1965, tức là mới 11 tuổi, đến lúc tốt nghiệp hệ sơ trung 7 năm thì vừa 18 tuổi. Trường cao đẳng mỹ thuật Việt Nam hồi ấy đào tạo theo chuẩn Liên Xô nên sơ cấp 3 năm nhập chung với trung cấp 4 năm, thành hệ sơ trung 7 năm, sau đó còn 6 năm đại học, nhưng mình bị gián đoạn vì đi nghĩa vụ quân sự.”
Kể cho nhau nghe về những kinh nghiệm của mỗi đứa trong cuộc chiến, tôi hỏi Bình, kỷ niệm nào Bình nhớ nhất?
Lặng đi một lát, Bình nói: “Giữa năm 1973, sau Hiệp định Paris, ở phía Đông đường 14, Tây Bắc Kontum. Đêm ấy, trước khi ra chốt, thằng Thắng ngồi cặm cụi khắc tên vợ con, địa chỉ quê quán lên khắp cái bi đông của nó, gần hết buổi sáng, mình tò mò ngồi xem, thằng Mùa, tiểu đội trưởng đi qua, nhìn thấy, đứng lặng một lúc, lắc đầu, không nói gì rồi bỏ đi.
Quả đồi nhỏ tiểu đội ra giữ, um tùm rậm rạp. Vị trí đó có 3 tiểu đội giữ: một tiểu đội đại liên, một tổ cối 60 và một tổ B40. Chỉ sau 3 ngày, quả đồi trọc lóc, nham nhở, ngổn ngang cây gãy đổ…
Thằng Mùa cho anh em giá súng lên, chỉ sang cánh rừng trước mặt rồi dặn, ‘lếu’ chúng mày thấy mũ sắt thò lên, thì cứ quạt vào đấy.., rồi nó bò đi đâu mất.
Bỗng có tiếng rít của một quả pháo phía bên kia bắn sang – thật ra, sau này mình mới biết, nó chỉ là một phát bắn hú họa, cầm chừng – quả đạn nổ ngay phía sau lưng, cành cây gãy văng lung tung…thì cũng ngay lúc đó, một tiếng ‘ục’ vang lên phía tiểu đội B40, và một đụn khói trắng mù mịt bốc lên…thằng Lũy tân binh, giật mình cướp cò, một thằng trong tổ súng bị sức nóng của quả đạn B.40 phụt ra phía sau thiêu cháy đen thui.
…Thế là xong, lộ trận địa…thằng Đấu tiểu đội phó hét:” tụi mày nằm im, đừng chạy, thằng Mùa đâu rồi…” Tiếng la của nó chìm trong tiếng nổ dữ dội của trận pháo kích…
Trên trời có tiếng ỳ ỳ…Bao giờ sau trận pháo kích cũng đến lượt máy bay ném bom…Bom xong, sẽ lại pháo kích…từ sáng đến chiều, quả đồi rậm rì, giờ đã tan hoang, mùi khét của khói pháo lẫn với mùi nhựa cây tanh tanh, tạo nên một mùi lợm giọng, rất kinh…Mỗi lần có tiếng rít của bom đang rơi xuống hay tiếng hú ghê người của đạn pháo bay đến, cái mặt thằng Thông từ từ nhăn nhúm, oàng một cái, cái mặt của nó lại giãn ra, cứ thế…Bỗng, tự nhiên thấy hắn im bặt, xung quanh yên lặng khác thường, thằng Thắng nhổm dậy, dáo dác nhìn xung quanh rồi thì thầm, ‘bên kia có cái hầm chữ A…’
Nhìn lại, hắn mới nhận ra ba thằng đang nằm trong một cái hố nông choèn, toang hoác, công sự của tổ súng cối 82 cũ….Thế là ba thằng lồm cồm bò dậy, lúp xúp chạy về phía cái hầm, đúng lúc đó thì lại một tiếng hú, rồi nhoàng một cái, không nghe thấy tiếng nổ, chỉ cảm thấy sức ép rất mạnh hất văng về phía cửa hầm, cuống cuồng chui tọt vào thì chợt thấy thằng Thắng đang nằm bất động ngay miệng hầm, đầu nó chúi gục xuống…máu đang tuôn ra ồng ộc, mình kinh hoàng đẩy thằng Thắng vào, và không dám nhìn vào khuôn mặt nó đã biến dạng, một mảnh pháo phạt mất trán.
Thắng mới 19 tuổi, quê ở Vĩnh Phú, dáng lộc ngộc như con gà cồ nhưng rất đẹp trai nên lẽ ra nó được giữ lại trung đoàn bộ làm công vụ, nhưng vì thiếu quân số nên nó phải về bổ sung cho tiểu đội.
Chưa kịp hoàn hồn thì lại nghe tiếng thằng Thông thều thào phía trên: ‘Bình ơi, tao gãy chân rồi…!’ Đang ôm thằng Thắng trong căn hầm chật chội, chưa biết làm cách nào chui ra…thì thằng Thông trườn vào, đổ ập lên người mình, thều thào ‘mày băng cho tao’… rồi giơ chân lên, cái đầu gối của nó chỉ còn là 1 đống bầy nhầy, xương thịt lẫn lộn, cái cẳng chân lòng thòng …mình cuống cuồng rút thắt lưng ra, lọng cọng luồn vào đùi, muốn làm garô, nhưng cái cẳng chân gãy cứ oặt qua oặt lại, ghê rợn làm mất bình tĩnh…cuối cùng cũng luồn vào được, và siết lại, nhưng cái thắt lưng bộ đội vốn cứng quèo, nên nó không siết chặt được, mình bất lực và kinh hoàng ngồi nhìn…toàn thân mình đẫm máu nhoe nhoét, máu thằng Thắng, máu thằng Thông và cả máu mình từ vết thương nhỏ trên đầu, thần kinh gần như ngừng hoạt động. Thông còn thở rất to đến chập tối, tiếng thở của một cơ thể đang cố níu lấy cuộc sống, khò khè ngắt quãng … Rồi mình cũng lịm đi lúc nào không biết, tỉnh dậy vì một tiếng động kỳ lạ …Hóa ra tiếng của bầy nhặng, trời sáng, bay ùa vào hầm. Bầy nhặng bu đầy mặt thằng Thắng, lúc nhúc đầy chân thằng Thông…bậu cả vào mặt mình …
Cứ như thế, mình ngồi bất động, đói khát, kinh hoàng giữa xác hai thằng bạn đang bắt đầu phân hủy! Mình chẳng biết bao lâu…2 ngày, 5 ngày, hay 1 tuần chẳng nhớ…chỉ nhớ cái mặt thằng Thắng đã trở nên đen kịt, những đầu xương gò má vốn vêu vao của thằng Thông đang trắng nhợt, từ từ chuyển sang màu xanh…
Từ từ, rơi vào trạng thái kỳ lạ, người mơ mơ màng màng, lâng lâng, và rất kỳ lạ, không còn cảm giác đói, chỉ khát, rất khát nước…
Rồi đột nhiên nghe văng vẳng, xa xa có tiếng lao xao: “Có cái hầm kìa…hình như có người…!”
Trận đó, đại đội 62 đứa ra chốt, chỉ còn năm đứa trở về, mình là người cuối cùng…!
Sau khi thoát nạn, về đến quân y trung đoàn, nghe tụi nó kể lại, thằng Mùa đào ngũ từ lúc nào, thằng Đấu bị thương, bị sức ép của đạn pháo nổ gần, điếc đặc hai tai …”
Bình nhỏ người, cạo tóc như thầy tu, chỉ mặc quần xà lỏn, áo may ô, thích ăn món xúc xích Tây và nhất là chỉ uống Coke, uống suốt ngày nên hàm răng bị axít làm hư gần hết. Bình không uống rượu vì có một kỷ niệm không vui liên quan đến cơn say của Bình.
Nghe Bình kể, tôi tự đặt địa vị mình vào tình cảnh mà Bình đã trải qua, và tự hỏi, sống sót trở về với “bóng ma chiến tranh” như thế, liệu mình có bình thản được như Bình không?
Những năm ngụp lặn trong lửa đạn, Bình đã tự tay bắn chết “kẻ thù” nào chưa, tôi hỏi?
Bình bảo: “Đây là một trong những điều kỳ lạ. Suốt 6 năm trong bộ đồ lính, bóp cò vài lần, nhưng chưa bao giờ bắn thẳng vào ai, kể cả một lần hồi còn huấn luyện ngoài bắc, trong một lần huấn luyện lấy súng của một thằng, ngắm lên một chạc cây trên cao, bóp cò, điểm xạ đúng 2 viên … kết quả là cả hai thằng đều bị kỷ luật, vì thằng có khẩu súng kia đã nạp đạn thật vào súng (trong huấn luyện không được phép).”
7.
Những tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư 1975, tôi đi cùng một số anh em hoạt động chung xuống các tỉnh miền Tây để góp tay giúp đồng bào chiến nạn chạy từ Miền Trung vào. Lúc Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ở Sóc Trăng và chạy vào sân vận động tỉnh nằm ôm mặt khóc. Tôi dùng hai câu thơ của Trần Dần để tả cho Bình nghe tâm trạng tôi buổi trưa hôm ấy: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.”
Hỏi Bình lúc đó Bình ở đâu và cảm nhận ra sao về miền Nam?
Bình kể: “Khi trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột kết thúc, lúc hành quân vào nội đô, đập ngay vào mắt mình bảng quảng cáo Coca Cola to tướng, đỏ thắm nổi bật trên nền cây xanh. Đối với mình, thứ nước giải khát ấy không lạ vì đã biết đến nó từ thời thơ ấu.
Lúc mình vào nhà một gia đình công nhân đồn điền cao su, ấn tượng không bao giờ quên là thái độ của gia đình ấy: không vồn vã cũng không thờ ơ, họ lấy nước cho uống, với một vẻ bình thản kỳ lạ. Căn nhà của họ đơn sơ, vách gỗ lợp tôn có TV, có xe máy, có cả chiếc tủ lạnh nhỏ….
Cuộc sống của họ tuy là công nhân nghèo, nhưng điều kiện vật chất vượt xa 99.9% người dân miền Bắc! Hồi ấy ngoài Bắc chỉ vài gia đình cán bộ cao cấp mới có tủ lạnh. TV thì hầu như không có vì chưa có đài phát! Mình thì được xem TV từ nhỏ ở Praha, nên không lạ lẫm gì cái thiết bị gia dụng ấy, nhưng với tất cả lính tráng kể cả sĩ quan đơn vị mình thì chưa ai biết nó là cái gì.
Hồi nhỏ mình được dạy rằng ‘đế quốc Mỹ và tay sai bán nước…!’, nhưng khi nhìn thấy cảnh nhà của người công nhân này, ngay lập tức, mình hiểu rằng ‘mình tới giải phóng ai đây, họ đâu cần quân giải phóng…?’”
Và sau này, năm 2019, Bình đăng trên Facebook của Bình hình bìa cuốn sách “Trần Đức Thảo, Những Lời Trăng Trối” kèm câu viết của Bình: “Một bộ óc lỗi lạc còn nhầm, huống hồ ngố như mình.”
Chẳng riêng Trần Đức Thảo, chẳng riêng Bình, mà rất nhiều người “nhầm” về Cộng sản.Có người ý thức rất sớm những di hại của Cộng sản gây ra cho đất nước và con người Việt Nam nhưng phải sống trong “xã hội trại lính” (chữ của Nhà văn Dương Thu Hương) nên đành phải “ngậm bò hòn làm ngọt.” Như Nhà văn Lê Phú Khải từng thốt lên lời đau đớn “Tôi phải sống cả đời với con điếm CS ấy.”
Nhầm về chủ nghĩa và nhầm cả về con người.
Hỏi Bình, ông Hồ Chí Minh được chế độ đánh bóng là “Cha già dân tộc,” cảm nhận của Bình với ông thì sao? Bình bảo, từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ “thần tượng” ông ấy!Từ nhỏ tới giờ mình chưa bao giờ xuýt xoa thần tượng bất cứ ai! Mình còn nhớ một buổi chiều Tháng Chín năm 1969, mình bị ốm nên gia đình đưa mình từ vùng sơ tán Hà Bắc về nhà ở Hà Nội, bố mình mãi chiều muộn ông mới về, lúc ông mở cửa bước vào, đang ngồi thu lu vì đói bụng, liền nhổm dậy nhưng nhận ra vẻ mặt ông có gì khác lạ, mình hơi chựng lại, rồi nghe ông nói khẽ: “Bác Hồ mất rồi con …” Lúc đó không biết vì đói bụng hay vì sao mà hoàn toàn không có cảm xúc gì. Ông thay bộ đồ “lớn” (vest) rồi nói: ‘con lấy cơm ăn đi, ba đi công chuyện …’
Hôm đó ông đi tới khuya mới về lúc mình đã ngủ khì …
Mấy hôm sau, ông gửi mình theo xe của Viện Ngôn Ngữ (cũng sơ tán ở Hiệp Hoà – Hà Bắc) lên trường, đi đâu cũng thấy quốc tang, thấy nhiều người rơm rớm nước mắt, hơi ngạc nhiên.
Nhớ có lần mấy thằng trong lớp cãi nhau “chủ tịch” với “tổng thống” chức nào to hơn (!) mình bảo “như nhau mà …” tụi nó mắng “mày ngan đần biết đéo gì.!”
Ơ, hơ hơ hơ … !
Hai mươi năm sau, cuối năm 89, tình cờ đọc được cuốn “Chính Đề Việt Nam” (bản photocopy) của Tùng Phong Ngô Đình Nhu … Ngạc nhiên và ngưỡng mộ, dẫn đến thay đổi nhận thức thêm lần nữa, sau cái ngày tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột …”
8.
Gần ba tuần đi lang thang với nhau, Bình nói nhiều với tôi về “duyên nghiệp” trong giáo lý Đức Phật. Hỏi Bình, cơ duyên nào đưa Bình đến với Phật Giáo?
Bình kể: “Khi mới tốt nghiệp đại học mỹ thuật năm 83, nơi đầu tiên mình đi làm là một tổ sơn mài thuộc ARTEX SAIGON, người phụ trách tổ ấy là một đại đức, vốn là đồng sở hữu hãng sơn mài Thành Lễ (Sai Gòn trước 75). Hồi ấy mình hoàn toàn chưa biết gì về Đạo Phật, nhưng thỉnh thoảng đại đức nói (dĩ nhiên là rất khéo léo) về sự giác ngộ, thí dụ có lần Thầy nói: ‘tuy con tốt nghiệp đại học, con nhà cán bộ cao cấp, nhưng biết hòa đồng với anh em, biết giúp đỡ chân tình … Thầy thấy vậy là được!’ vì trong tổ sơn mài ấy, phần nhiều công nhân nghèo ít học, đặc biệt có anh Hồng, vốn là hạ sĩ hải quân (Quân Lực VNCH), ban ngày làm ở đó, tối đi đạp xích lô; hai anh em rất thân nhau, quý nhau như anh em, mặc dù hồi ấy mình cũng nghèo … Thỉnh thoảng, khi có vấn đề liên quan đến chuyên môn (sơn mài vốn là sở trường của Thầy) đại đức lại ‘đá’ qua chuyện danh lợi chỉ là phù du (vì bản thân thầy thua kiện, mất trắng cả sản nghiệp, nên thầy đi tu) nhưng hồi ấy mình chỉ nghe và biết thế thôi, chưa có ‘duyên’ gì với Phật pháp. Chỉ đến khi Hạnh vợ mình bệnh ung thư, bả tìm đến Phật pháp, qua các thầy ở chùa Già Lam mà mình hạnh ngộ với Thầy Tuệ Sĩ và Nguyên Giác, tối nào cũng nằm nghe pháp (qua đĩa CD) với bả … mình mới ngẫm và ngộ ra!
Đó là năm 2005, đến lúc ấy mới ngẫm lại con đường mình đã đi qua, rõ ràng (và chắc chắn) chư thiên đã dẫn mình đi, từ trong nhung lụa đến chốn bùn lầy, hiểm nguy, giữ cho mình sống nguyên vẹn và cho mình thấy, để trải nghiệm tất cả thăng trầm của cuộc đời, đó cũng là thời điểm sự nghiệp đang thăng hoa ở đỉnh cao.”
“Duyên nghiệp” của Bình lạ lắm: Bố là quan chức lớn của Đảng Cộng Sản, còn bố vợ (bố của Hạnh) là Đại Tá Lê Trọng Nghĩa, cũng là quan chức, nhưng lại chống đảng, bị bắt tù hơn chục năm.
Bình nói giọng Bắc nhẹ, không tranh luận mà chỉ từ tốn nói lên suy nghĩ của mình đối với những vẫn đề Bình không đồng ý. Tôi có cảm tưởng Bình chưa hề to tiếng với ai. Phải chăng nhờ giáo lý của Đấng Thế Tôn mà Bình sống thanh thản như thế?Và tranh của Bình cũng không hề có chút dấu vết nào của bóng ma chiến tranh ám ảnh?
Bình tâm tự: “Mình sống bình thản, coi danh lợi như không có là bản tính của mình (cái này một phần do gốc dân Nam bộ), nhưng Phật Giáo giúp mình hiểu bản chất của việc ấy. Triết học Phật Giáo tận cùng vi diệu, chẳng những giúp mình nhìn rõ chính bản thân mình, để qua đó mà không còn sân si, ngã mạn háo thắng mà còn giúp nhìn thấy những điều số đông người thường không thấy, thí dụ như bản chất cuộc nội chiến vừa qua …, bản chất của những hiện tượng thối nát trong cuộc sống đang diễn ra … và thậm chí, những điều khuất phía sau mỗi dòng status hay comment trên mạng internet.
Chính nhờ giáo lý Phật, mình mới ngộ triệt chân lý không vấn vương cái gì đã qua, không bận tâm tới cái chưa tới, chỉ có ngay bây giờ và tại nơi này làm xác tín cái bản chất con người mình là sống bình thản, không bị ám ảnh bởi sự kinh hoàng, và không băn khoăn với cái chưa tới …Phân biệt rõ cái thật với cái ảo, không bị kẹt vào bất cứ định kiến hay thiên kiến nào.”
Là một trong số ít họa sĩ thành danh lớn và thành công tài chánh, Bình “sướng” không?
“Thật sự, cái này là nói thật, khi có nhiều tiền thì sướng thật, tiêu xài xả láng, ăn chơi vung vít … nhưng chưa bao giờ quan tâm đến sự ‘thành danh’! Mình không để ý và săm soi cái gọi là ‘danh tiếng’ ấy vì thực sự, không thấy nó có gì đáng để vênh vang, chỉ cần có tiền, rất nhiều tiền, lo cho 2 con ăn học tại Anh, cho bà xã xây nhà, mua sắm thoải mái và giúp được ai chút gì thì giúp. Thế thôi!
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, từ lúc chào đời, kỷ niệm nào buồn nhất và điều gì tâm đắc nhất với Bình?
“Như đã nói, mình không bị kẹt vào cái vòng danh lợi, cho nên tiền (có lúc lên đến hàng trăm ngàn dollars một lúc) không làm lay động, danh cũng không làm cho xao xuyến hãnh diện nên thật sự không có gì lấy làm tâm đắc. Kỷ niệm vui buồn thì nhiều, nhưng kể cả những lần thoát chết trên chốt (lúc nằm giữa xác hai thằng bạn), đến cả ngày 30 Tháng Tư khi cuộc chiến kết thúc nó cũng không để lại nỗi buồn hay niềm vui nào, vì quan niệm rằng mình đã sinh ra trong cảnh giới này, tất cả những điều đã qua, giống như một con đường, mà số mệnh buộc phải đi, để kết thúc kiếp này, học được điều gì, để đến kiếp sau …”
Ba tuần, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, rồi cũng tới lúc phải chia tay. Đêm chót, Bình bảo, sắp Tết rồi, Bạn Già về thăm quê đi, hai đứa mình đi giang hồ khắp nơi.Tôi bảo, 34 năm rồi kể từ ngày bỏ đi, chưa một lần về. Và mới đây, đi Hong Kong tường trình các cuộc biểu tình chống Luật Dẫn Độ, vậy mà cũng chưa về quê nhà được, dù chỉ cách vài tiếng bay.
Lúc đưa Bình ra phi trường về lại quê nhà, hỏi Bình ước mơ gì cho tương lai?
“Thật sự mình không ‘mơ mộng’ lắm, tuy nhiên, ước ao duy nhất (nếu có) là tất cả những đứa con mình đều có được một quê hương thái bình, một cuộc sống tự do giống với điều mà lớp trẻ Hong Kong đang tranh đấu.”
“Thái bình”: Không phải chỉ riêng là ước mơ của Thanh Bình. Tôi tin rằng đó là ước mơ của cả đất nước và người dân Việt Nam./.
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Chuyên mục:Nhân vật - Sự kiện, Nhân vật, Sự kiện, Thân hữu, Thân hữu
Thẻ:Ðinh Quang Anh Thái, Nguyễn Thanh Bình
Trả lời