Nhà xuất bản Ngoài Giờ
Cái chết chìm của siêu cường
Tác phẩm Lưu Hiểu Ba
Hồ Như Ý dịch
Từ nguyên bản tiếng Trung Quốc Đại Quốc trầm luân – Tả cấp Trung Quốc đích bị vong lục
Ngoài Giờ xuất bản lần thứ nhứt tại Huê Kỳ, 2018.
Trình bày: I design
Bìa: Vũ Luân
ISBN 978-1978031036
Bản quyền bản dịch Tiếng Việt © 2018, Hồ Như Ý.
Trích “Cái Chết Chìm Của Siêu Cường”,
tác giả Lưu Hiểu Ba
Tuyên ngôn thu hồi lại đất đai của bản thân nông dân
Trong tháng cuối cùng của năm 2007, ở Trung Quốc Đại Lục xuất hiện một cao trào nhỏ với tuyên ngôn công khai của nông dân về quyền sở hữu đất đai. Ngày 9 tháng 12, hơn 40 nghìn nông dân thôn Đông Nam Cương và 72 thôn khác thuộc thành phố Phú Cẩm tỉnh Hắc Long Giang hướng về cả nước (Trung Quốc) tuyên cáo họ có đầy đủ quyền sở hữu đối với đất đai:
Ngày 28 tháng 11, toàn thể người dân thôn Đông Nam Cương triệu tập hội nghị dân chủ nông dân toàn thôn quyết định thu hồi số đất bị xâm chiếm. Ngày 29 tháng 11, tiến hành đo đạc thổ địa; ngày 30 tháng 11 chuẩn bị tái phân phối một lần nữa diện tích đất. Ngày 3 tháng 12, chính thức bắt đầu phân phối lại đất đai. Ngày 12 tháng 12, 76 thôn hành chính với khoảng 70 nghìn nông dân di dời định cư thuộc khu vực đập nước Tam Môn Hiệp huyện Đại Lệ tỉnh Thiểm Tây, thành phố Hoa Âm, huyện Đồng Quan hướng về toàn quốc phát ra công cáo: Chúng tôi hơn 70 nghìn nông dân thuộc 3 huyện, thị ngay bây giờ cùng nhau quyết định thu hồi lại quyền sở hữu đất của chúng tôi, đất đai thuộc về chúng tôi đời đời kiếp kiếp chi phối và hưởng dụng. Chúng tôi sẽ tổ chức trực tiếp phân phối đất dựa trên bình quân nông dân đặt trực tiếp đến hộ gia đình quyền chiếm hữu vĩnh viễn, kết thúc tình trạng nhiều năm qua giới quan chức phi pháp chiếm đoạt đất công chia nhau.
Ngày 15 tháng 12, có 250 hộ nông dân thuộc thôn Sảnh Trang thành phố Nghi Hưng (1) tỉnh Giang Tô đưa ra công cáo hướng về cả nước: tất cả đất cư trú vĩnh cửu, thực thi “người cư trú thì có nhà ở” trên chính mảnh đất của mình. Thôn Sảnh Trang đã có lịch sử xây dựng thôn từ hơn 1.500 năm trước, qua các triều đại mỗi hộ nông dân đều có đất canh tác, quyền sở hữu đồi trúc cũng rất rõ ràng, những mảnh đất này đã là thuộc về quyền sở hữu của đời đời kiếp kiếp tổ tiên chúng tôi, bây giờ thuộc về chúng tôi và trong tương lai sẽ là của đời đời con cháu chúng tôi sở hữu, quyền sở hữu vĩnh cửu toàn bộ đất thổ cư của mọi hộ dân trong thôn Sảnh Trang thuộc về các hộ dân, đất thổ canh và núi trúc toàn bộ cũng thuộc về bình quân mỗi hộ dân ở đây sở hữu vĩnh viễn, để chúng tôi đời đời kiếp kiếp sinh sống ở đây, canh tác và phát triển.
Những năm gần đây, trong những trong những thảo luận, tranh cãi lần thứ ba về cải cách, đối với vấn đề đất đai ở nông thôn… trở thành một trong những tiêu điểm tranh luận kịch liệt, tư hữu hóa ruộng đất và chủ trương bảo vệ hiện trạng chủ trương giữ nguyên trạng về chế độ sở hữu đất đai thổ địa đối chọi nhau gay gắt, nhưng những tranh luận này có kịch liệt hơn đi nữa, cũng chỉ là giới hạn ở phần nào phạm vi đám trí thức tinh anh ở nơi thành thị, những người tham gia chủ yếu là phần tử trí thức, nhà doanh nghiệp và quan chức, về cơ bản không nghe được tiếng nói từ chính miệng nông dân. Bây giờ, đã có tập thể những nông dân phát đi những âm thanh vang dội, chói mắt, làm cho một Trung Quốc trầm mặc im tiếng có thể nghe được âm thanh kêu gọi từ sâu trong tầng đất.
Loại tuyên cáo có truyền thừa từ lịch sử này, chiếm hữu hiện trạng và tính chính đáng thiên lý, lần đầu tiên phá vỡ chế độ đất đai bất hợp lý tồn tại từ thời Mao Trạch Đông kéo dài đến nay, biểu đạt một cách kịch liệt và rõ ràng ý nguyện và quyết tâm yêu cầu tư hữu hóa đất đai của nông dân Trung Quốc. Tuyên cáo này, ngưng kết kinh nghiệm thảm thống của nông dân Trung Quốc kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền lực tới nay, đánh dấu sự vượt trội so với cải cách quyền sử dụng đất mà nông dân thôn Tiểu Cương 30 năm trước đã thực hiện – ý thức tự chủ của nông dân Trung Quốc đã thực sự thức tỉnh: Mảnh đất dưới chân chúng tôi, không phải là thuộc về quốc gia, cũng không phải do tập thể sở hữu, mà là nhà cửa gia viên của đời đời ông cha chúng tôi sinh sống trên mảnh đất này, là tài sản của bản thân nông dân chúng tôi sở hữu. Phương thức bảo vệ quyền lợi của nông dân cũng đã chuyển biến từ quỳ xuống cầu ơn mưa móc đến đứng dậy tuyên cáo quyền lợi trước thiên hạ: Chúng tôi mới là những người chủ thực sự của mảnh đất dưới chân, xử lý mảnh đất dưới chân chúng tôi như thế nào, chúng tôi hoàn toàn căn cứ vào ý nguyện và nhu cầu bản thân để quyết định.
Đảng Cộng sản Trung Quốc bóc lột triệt để nông dân nhất
Trong lịch sử thống trị, loạn lạc lâu dài mang tính tuần hoàn của Trung Quốc, khi hưng thịnh thì nông dân khổ cực, khi thất bại thì nông dẫn cũng vẫn khổ cực. Bất luận các triều đại hoàng quyền với hoàng đế bạo ngược và tham tàn thế nào đi nữa, sự tước đoạt và bóp nặn đều không bao giờ triệt để giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn nữa sự tước đoạt và bóp nặn này đều sử dụng thủ đoạn lừa dối vô sỉ và hạ lưu để hoàn thành. Trong giai đoạn quan trọng giành lấy giang sơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc vì giành lấy sự ủng hộ rộng khắp to lớn của nông dân, đã tiến hành cái gọi là cải cách ruộng đất mang tên “đánh thổ hào, chia đất ruộng”, năm 1947 ban bố “Đại cương luật ruộng đất Trung Quốc”. Đại cương này rõ ràng hứa hẹn sau khi đem đất chia cho nông dân, nông dân sẽ có quyền sở hữu, cũng thừa nhận quyền lợi tự do kinh doanh, tự do mua bán đất đai. Thế nhưng, sau khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm chính quyền, ngay lập tức tiến hành toàn diện cái gọi là Cách mạng Công hữu hóa Xã hội chủ nghĩa. Ở khu vực thành thị tiến hành cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, cưỡng chế tước đoạt tài sản cá nhân; ở nông thôn thì tiến hành tập thể hóa rầm rộ, oanh động, cưỡng đoạt đất đai của nông dân. Từ khi bắt đầu vận hành hợp tác hóa năm 1951 đến khi kết thúc Công xã nhân dân năm 1958, chế độ toàn trị Mao Trạch Đông đã tiêu diệt trước tiên giai cấp địa chủ, phú nông, sau đó cưỡng chế bức bách nông dân bình thường gia nhập công xã. Kết quả là, tất cả những chủ sở hữu đất đai trước năm 1949 đều bị tiêu diệt, cả một Trung Quốc rộng lớn đã không có một tấc đất nào thuộc về sở hữu của nông dân, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành địa chủ lớn nhất, cũng là duy nhất, trở thành chủ đất duy nhất của toàn bộ diện tích Trung Quốc.
Chính là công hữu hóa toàn bộ, đã giúp chế độ toàn trị Mao Trạch Đông đặt nền móng vững chắc cho kinh tế. Dân cư thành thị đã mất đi toàn bộ tài sản đều rơi xuống trở thành những con ốc vít của cái gọi là “đơn vị”, những nông dân mất đất thì rơi vào bước đường cùng, trở thành nông nô của cái gọi là “công xã”. So sánh một chút, vận mệnh của nông dân Trung Quốc là bi thảm nhất, trở thành tầng lớp nô lệ thấp nhất trong số những nô lệ. Họ ngay cả quyền tự do đi lại cũng không có, bị cố định tại nơi mà đất đai không còn thuộc về họ; họ không có bảo hiểm xã hội, trở thành cỗ máy bơm máu cho mô hình công nghiệp Mao Trạch Đông. Những cái gọi là thành tựu công nghiệp ở thời đại Mao Trạch Đông, chính là thời đại được đánh đổi lấy bởi toàn bộ người dân Trung Quốc trở thành nô lệ mà có, tầng lớp nông dân chiếm tới 90% tổng dân số Trung Quốc lại là người thu được lợi ích ít nhất. Phong trào Đại nhảy vọt điên cuồng đưa tới những hậu quả thảm liệt mang tính hủy diệt, nông dân bị bần cùng hóa tới mức phải bóc vỏ cây, bùn đất để ăn, quần áo mặc không che nổi thân, thậm chí khắp nơi là quỷ đói, ăn thịt người, những cái chết không bình thường đã lên tới hàng chục triệu người, tuyệt đại đa số là nông dân.
Khoán hộ gia đình chỉ là giải phóng kiểu nửa vời
Sau cái chết của Mao Trạch Đông, cải cách mở cửa tiếp nối, tầng lớp bị hại nhiều nhất là nông dân trở thành cỗ động cơ thứ nhất thúc đẩy cải cách, họ đã bất chấp cả rủi ro chính trị to lớn tiến hành cải cách tự phát chế độ khoán sản phẩm trên diện tích đất, ngày nay đã được đặt tên là “cách mạng giải phóng nông nô”. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này chỉ đưa lại một sự giải phóng nửa vời mà thôi, cho đến tận hôm nay, cải cách ở Trung Quốc không hề tiến hành tư hữu hóa đất đai, cái mà nông dân đạt được chỉ là quyền sử dụng “đất đai tập thể”, vẫn không có quyền sở hữu đất đai. Một khi đất canh tác bị sử dụng với mục đích phát triển thương nghiệp, đô thị hóa thì đất đai của nông dẫn bỗng chốc biến trở thành quyền sở hữu thuộc về quốc gia. Trong khi đó, quyền sở hữu nhà nước là thứ trừu tượng và nhiều lỗ hổng, đại diện cho quyền lực nhà nước tiến hành xử lý đất đai là quan chức các cấp. Trong hơn 20 năm qua sau khi tiến hành Đại nhảy vọt về quá trình đô thị hóa và bất động sản, đã giơ cao thanh thượng phương bảo kiếm mang tên “Đất đai thuộc sở hữu nhà nước”, phong trào quan chức thương nhân cấu kết với nhau cùng mưu lợi túi riêng nở hoa trên khắp Trung Quốc, kẻ hưởng lợi lớn nhất trong giao dịch đất đai là chính quyền các cấp và tầng lớp tư bản đỏ thân hữu, nông dân một lần nữa lại trở thành vật hy sinh.
Nông dân trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong số những nhóm yếu thế trong xã hội
Điều càng quan trọng là, dưới chế độ độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan quyền quá mạnh và dân quyền quá yếu, trong khi đó nông dân lại là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong toàn bộ quần thể yếu thế trong xã hội. Dưới thể chế độc tài không có nền tư pháp độc lập và tự do báo chí, họ không hề có quyền phát ngôn, không có quyền lợi xây dựng những tổ chức như hội nông dân, không có con đường nào để dựa vào pháp luật, hành động hành chính hợp pháp duy nhất để cứu trợ chính là “đi kêu oan”. Nhưng chính quyền các cấp bảo vệ lẫn nhau và tiến hành ngăn chặn dân oan đi kêu oan, đem kêu oan biến thành chướng ngại vật, quá trình đi kêu oan trở nên gian nan và đầy nguy hiểm, cuối cùng cũng không đạt được kết quả gì. Cho nên, khi quyền lợi đất đai của nông dân bị cưỡng chế chiếm đoạt, không cách nào đạt được sự trợ giúp từ dư luận, tư pháp và hành pháp, toàn bộ những cửa ngõ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đều bị phong tỏa chết, kết cục quan bức dân phản chỉ có thể là sự phản kháng tập thể bên ngoài thể chế.
Những năm gần đây, khắp các địa phương ở Trung Quốc không ngừng nổi lên những cuộc xung đột giữa chính quyền các cấp và đông đảo tập thể dân chúng, trong đó có hơn một nửa là từ những nông dân bần cùng ở các thôn xã, những sự kiện đột xuất tập thể với quy mô lớn phần lớn đều xuất phát từ vấn đề đất đai. Nhằm mục đích bảo vệ tầng lớp tư bản thân hữu lợi ích nhóm, chính quyền địa phương nhất định phải dẹp bỏ những sự kiện phản kháng tập thể như vậy, thậm chí là sử dụng bạo lực chính phủ cho tới bạo lực xã hội đen tiến hành trấn áp dã man, từ đó xảy ra những sự kiện đổ máu. Ví dụ, ngày 6 tháng 12 năm 2005, hương Hồng Hải Loan Đông Châu thuộc thành phố Sán Vĩ tỉnh Quảng Đông bởi vì tranh chấp đất đai nên xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa người dân và chính quyền địa phương, chính quyền sử dụng hàng nghìn cảnh sát, công an vũ trang và cảnh sát tiến hành trấn áp, sử dụng đạn khói hơi cay và đạn thật hướng về hàng nghìn người dân bóp cò, không những có hàng trăm nông dân bị bắt, ít nhất có 3 nông dân bị bắn chết.
Quan bức dân phản, nông dân tự giải phóng bản thân
Những người nông dân đóng vai nhân vật chính trong bài này tự đứng lên tuyên cáo quyền sở hữu đất đai, nguyên nhân cũng là do quyền lợi đất đai gặp phải sự tước đoạt từ phía chính quyền, người nông dân vì bảo vệ quyền và lợi ích của mình do đó đứng lên tiến hành hình thức phản kháng tập thể mới.
250 nông dân thuộc thôn Sảnh Trang thành phố Nghi Hưng tỉnh Giang Tô đưa ra tuyên cáo hướng về phía toàn Trung Quốc: sự cấu kết giữa chính quyền địa phương và thương nhân bất động sản tạo nên tập đoàn lợi ích hùng mạnh đã nhân danh xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, tiến hành cưỡng đoạt đất đai của nông dân địa phương, trong khi đó trên những mảnh đất bị tước đoạt sau khi xây xong là những khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, sàn nhảy và khu phố thương mại, tất cả đều đã được thương mại hóa về lợi ích. Chính bởi vì như thế, nông dân thôn Sảnh Trang đã phẫn nộ chất vấn: “Tất cả những thứ này thì có liên quan gì tới hai chữ công ích? Có liên quan gì đến lợi ích của nông dân chúng tôi? Chúng tôi hôm nay muốn hỏi, quốc gia này là quốc gia của ai? Lợi ích công cộng là lợi ích dành cho ai? Tập thể là tập thể của ai? Mỗi lần chiếm đất thì nông dân toàn thôn không có ai đồng ý, toàn bộ thôn dân đều ký vào thư phản đối tập thể, chủ nhiệm thôn và bí thư đảng ủy hương vẫn dùng danh nghĩa tập thể đem quyền lợi của tất cả nông dân ‘đại diện’ đi. Mỗi lần đàn áp ức hiếp nông dân chúng tôi, quan chức, cảnh sát và thành phần xã hội đen đều công khai ‘liên hợp chấp pháp’, các thành phần xã hội đen dùng đánh người, cướp giật công khai tuyên bố ‘chúng tôi đại diện chính phủ để bao thầu ruộng đất, mấy người cần phải phục tùng chấp hành vô điều kiện, đối kháng với chúng tôi chính là đối kháng lại chính phủ’. Hơn nữa còn nói ‘mấy người hiện tại sống ở đây như thế này là phi pháp’. Những thành phần này giống ngày xưa đám thổ phỉ chiếm núi lập trại, chỉ biết cướp đoạt hưởng lạc, không biết tới bảo vệ.”
Nông dân ở Phú Cẩm cũng đã nhìn thấu cái gọi là danh nghĩa “quốc gia” và “tập thể”, trong công cáo công khai của họ đã chỉ rõ: “Bởi vì từ trước đến nay trong thời gian lâu dài cái gọi là sở hữu tập thể trên thực tế đã tước đoạt đi những quyền lợi về mảnh đất mà người nông dân là chủ sở hữu, quan chức chính quyền các cấp Phú Cẩm và thương nhân bất động sản giàu có đã dùng danh nghĩa quốc gia, danh nghĩa tập thể không ngừng xâm phạm chia chác không kiêng dè đất đai của nông dân, trở thành ‘địa chủ’ trên thực tế, nông dân là người chủ sở hữu đất đai lại bị bức bách trở thành nông nô cho những địa chủ kia. Chúng tôi cùng nhau đứng lên quyết định thay đổi hình thức chiếm hữu đất đai này, thông qua sở hữu đất đai thuộc hộ gia đình nông dân và cá nhân nông dân nhằm thực tế hóa và bảo vệ quyền sở hữu đất đai của người nông dân đang làm chủ mảnh đất của mình.”
Trong công cáo của 70 nghìn nông dân di dời định cư thuộc khu vực đập nước Tam Môn Hiệp chỉ rõ: “Chúng tôi ở nông thôn thấy được rất rõ ràng, bất kể chính phủ dùng thủ đoạn pháp luật nào chính sách nào thì cũng rất khó khăn quản lý đất đai. Quyền lợi đất đai một lần nữa quay về tay nông dân, thì những thế lực đen tối đang muốn ngấp nghe lợi ích sẽ không dám vọng động, bởi vì đất đai mà anh xâm phạm sẽ không còn là sở hữu của cái gì tập thể, mà là đất của bản thân, đó là vận mệnh của bản thân, cá nhân nông dân sẽ liều mạng để bảo vệ nó. Sức mạnh của nông dân tập trung lại, cái vỏ của nợ chính phủ bảo vệ đất đai cũng có thể tháo xuống được rồi.” “Những năm gần đây, chính phủ trung ương có đưa cho nông thôn, nông dân một số ân huệ nhỏ nhỏ, chúng tôi cho rằng quyền sở hữu đất đai, quyền lập nghiệp của nông dân mới là ân huệ lớn nhất, cũng mới có thể từ căn bản giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân mới có thể bình đẳng với những cư dân thành thị, mới có thể tham gia hưởng dụng thành quả hiện đại hóa.”
Một cuộc cách mạng vĩ đại hơn
Nếu như nói, vào năm 1978 tại thôn Tiểu Cương huyện Phượng Dương tỉnh An Huy, nông dân tự phát cùng nhau ký kết sinh tử ước, thực hiện cơ chế khoán đến hộ nông dân, là cuộc cách mạng tự giải phóng bản thân của nông dân Trung Quốc lần thứ nhất, cũng khởi động công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc; vậy thì, sau gần 30 năm, nông dân thông báo cho toàn quốc về quyền sở hữu đất đai, chính là cuộc cách mạng lần thứ hai của nông dân Trung Quốc giải phóng bản thân, so với cuộc cách mạng lần thứ nhất càng vĩ đại hơn. Bởi vậy, những người nông dân phát ra thông báo đã có được ý thức rõ ràng. Những phát ngôn như vậy, không những là tuyên ngôn về đất đai của nông dân Trung Quốc, cũng là tuyên ngôn về quyền lợi của nông dân Trung Quốc.
________________________
(1) Là một thành phố cấp huyện của thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. (BT)
Chuyên mục:Lotus Media, Tác giả - Tác phẩm, Tác giả, tác phẩm, Trên kệ sách
Trả lời