Ảnh minh họa (internet)
Từ thời Văn Lang, Âu Lạc cho đến 1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giặc Tây, cộng với trên 20 năm nội chiến, chia cắt 2 miền, rồi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, sau nhiều biến động, nền văn hóa lâu đời của dân tộc giờ đây còn lại những gì, và sẽ để lại niềm tự hào nào cho con cháu mai sau?
Thời Bắc thuộc, với chính sách đồng hóa khắc nghiệt, ngoài việc để lại cho hậu thế một chủng tộc ít nhiều có sự lai tạp thì chúng ta còn được những gì ngoài cái nền văn hóa và tập quán bảo thủ “rặt Tàu”. Thời phong kiến, tư tưởng Khổng Mạnh có giá trị nhất định trong việc duy trì sự ổn định, cái tôn ti trật tự cho xã hội, nhưng cạnh đó, nó đã góp phần rất lớn làm trì trệ sự phát triển của một dân tộc, kéo dài cho đến ngày hôm nay và tận mai sau. Đất nước còn tồn tại quá nhiều định kiến lạc hậu, và những định kiến này tác động tiêu cực đến mọi quan hệ và sự phát triển hài hòa của xã hội. Những quan niệm cổ hủ, độc đoán như: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; tam tòng tứ đức; chồng chúa vợ tôi; tinh thần gia trưởng; con trai nối dõi tông đường, v. v… vẫn còn rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, nhất là ở miền Bắc. Không chỉ thừa hưởng nền văn hóa lạc hậu, mấy chục năm qua, (tôi đã nhiều lần viết bài cảnh báo và sau này cũng có nhiều chuyên gia quan tâm đề cập tới), nền giáo dục của Việt Nam không có nhiều thay đổi khả quan mang tính đột phá. Từ chất lượng đến sách giáo khoa và phương pháp đào tạo cơ bản, sau bao nhiêu năm, không có gì mới, vẫn có những bất cập, vẫn ấu trĩ và trì trệ, thay đổi điều này một chút, thay đổi cái kia một ít, nhiều năm sau, lại sửa sai và rồi quay về với cách học cũ. Những sự trì trệ, lạc hậu này là quá hiển nhiên và nặng nề, nó còn tiếp tục đè nặng lên đầu óc, lên tâm tư, tình cảm của mọi người dân, cho đến mãi sau này. Văn hóa chậm tiến, giáo dục bất cập, nếp sống lạc hậu là nguyên nhân tạo ra sức ỳ, hình thành những ức chế dai dẳng, cùng cực và kìm hãm sự phát triển bình thường của một con người, nói rộng hơn là làm tụt hậu một xã hội. Thật vậy, thử tưởng tượng xem, một người Trung Quốc với tư tưởng Khổng Mạnh nằm trong cái đầu cuồng tín bảo thủ, độc đoán kết hợp với sự ngu dốt (độc tài + ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại), điều tất yếu sẽ sản sinh ra quái thai, gây nên thảm họa, và chắc chắn cái thảm họa đó còn nặng nề hơn cả những quả bom nguyên tử. Xin nói thêm, cái không may mắn cho Việt Nam là nằm sát biên giới với Trung Quốc, và có lẽ nhiều người cũng biết rõ rằng, hàng ngàn năm qua, (hoặc vài chục năm gần đây thôi), chúng ta đã rập khuôn Trung Quốc, và rập khuôn không chỉ riêng ở lãnh vực văn hóa.
“Các ‘siêu nhân’ Việt Nam. Hơn 20 năm đi học trong nước và nước ngoài, trải nghiệm cả hai nền giáo dục Á Âu, tôi luôn tự hào về khả năng tính nhẩm rất nhanh của mình, dù rằng chưa bao giờ được coi là một người khá toán khi còn học trong nước. Niềm tự hào đó chắc sẽ là mãi mãi cho đến một cuộc đối thoại của giữa tôi và một người bạn nước ngoài. Thán phục trước khả năng tính nhẩm trong chớp mắt của tôi, trong khi bạn phải bấm máy tính rất lâu mặc dù phép tính khá đơn giản với đa số học sinh tiểu học ở Việt Nam. Chúng tôi đưa câu chuyện đi xa hơn khi hỏi về quá trình học tập của nhau khi còn là học sinh. Ra là bạn hoàn toàn không được học những gì chúng tôi đã học: không biết tính nhẩm chỉ biết bấm máy tính nhưng lại được học kiên nhẫn xếp hàng khi qua đường hay chờ đợi; không hề biết giải những bài toán cực khó mà học sinh lớp 10 ở Việt Nam ngày nào cũng luyện, nhưng lại có kỹ năng lập kế hoạch công việc rất tốt và chính xác.
Nếu xét theo tiêu chí của người Việt ‘nét chữ nết người’ thì có lẽ anh bạn tôi hẳn không phải… người tốt. Chữ anh quá xấu, nghiêng ngả hết cả, do chưa có ngày nào được học tập viết trên vở ô ly như chúng tôi ngày xưa. Thế nhưng anh lại có thể say sưa kể với tôi về những vở kịch kinh điển của Shakespeare, sẵn sàng bỏ hàng giờ lang thang trong Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) để kể cho tôi về hòn đá Rosetta (The Rosetta Stone) và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Tôi thấy may cho bạn đã không học ở Việt Nam, vì với cái kiểu đấy, tôi biết bạn sẽ chẳng bao giờ được là học sinh giỏi. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại thật tường minh và nghiêm túc ‘Thế nào là học giỏi và có nhất thiết phải học giỏi bằng mọi giá hay không?’ Quả thật có một sự khác biệt rất lớn trong đường lối giáo dục của thế giới phương Tây và Việt Nam. Nền giáo dục Anh và nhiều nước khác chú trọng đào tạo ra con người phát triển toàn diện, giúp từng cá nhân nắm bắt và định vị được tiềm năng để tự định hướng đi phù hợp và phát triển khả năng thích ứng với đa dạng cuộc sống. Sau kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc (16 -17 tuổi) và thi lấy chứng chỉ giáo dục phổ thông (GCSE), các em học sinh được rộng mở với hai lựa chọn: học các nghề các em ưa thích và đã được định hướng từ trước tại các trường cao đẳng hay các khoá học nghề; hoặc theo đuổi con đường học vấn bằng cách tiếp tục học dự bị A-levels để vào các trường đại học. Sẽ không có kỳ thị thành hay bại cho bất cứ lựa chọn nào. Giáo dục Việt Nam lại đang cố gắng đào tạo con người ‘học giỏi’ theo những khuôn mẫu được xã hội định dạng sẵn. Như thế nào là học giỏi ‘kiểu Việt Nam’? Là điểm số cao chót vót? Là giấy khen – danh hiệu? Là nhất định phải đỗ đại học? Tất cả những điều đó dường như đã trở thành những quy chuẩn mặc định khó có thể lung lay. Phụ huynh Việt đặc biệt dễ phát sốt lên với ‘thần đồng’.
Dốt cũng được, nhưng không được dốt… một mình. Khi theo học ở nước ngoài, du học sinh Việt Nam thường không mấy khó khăn để giành những điểm số rất ấn tượng trong các môn Toán – Khoa học…, tuy nhiên đó mới chỉ là phần nổi tươi đẹp của tảng băng. “Học tốt nhưng kỹ năng giao tiếp hạn chế – làm việc nhóm chưa hiệu quả – chưa thật tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá”… thường là những lời nhận xét không hiếm gặp của các thầy Tây cho trò Việt ở Anh.
Để trở thành học sinh giỏi, học sinh Việt phải chăng đang mất nhiều hơn ‘được’? Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải quên ăn quên ngủ, quên chơi và quên cả tuổi thơ để bố mẹ đang ‘đầu cơ’ vào các lò luyện chữ luyện viết chữ đẹp, để phấn đấu góp phần đưa nước ta trở thành đất nước có chữ viết tay đẹp nhất trong thế giới toàn dùng máy tính? Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải tự cắt bớt thời gian thư giãn, nghỉ ngơi của mình để chạy theo guồng máy đầy áp lực của thi cử? Phải là Giỏi, phải là Xuất sắc, phải là người dẫn đầu, dù có là dẫn đầu trong mệt mỏi… Đó là còn chưa kể tới những trường hợp “Con cứ việc học, còn giấy khen… để bố mẹ lo”. Mỗi năm có bao nhiêu em đang phải vật lộn với những môn học, những đơn vị kiến thức mà có thể rất lâu sau hoặc cũng có thể không bao giờ các em hiểu rằng cần học điều đó để làm gì. Đồng phục là một nét đẹp nhân văn nơi học đường, tuy nhiên đồng phục giấy khen- đồng phục tư duy- đồng phục ‘Học sinh giỏi’ đang ngày càng phổ biến như hiện nay thật khó có thể coi là một chuyện đáng mừng. Tôi tự hỏi sau cùng bố mẹ Việt có thực sự sợ con mình dốt không? Không, đúng ra là họ sợ con mình dốt trong khi xung quanh ‘con nhà người ta’ giỏi hết.
Dốt cũng được, nhưng tuyệt đối không được dốt… một mình. ‘Quyền được học dốt’ hay gọi tên chính xác hơn là quyền được học – được phát triển với đúng năng lực bản thân đang là một quyền mà phần đông học sinh Việt Nam đang chính bố mẹ, thầy cô, và xã hội vô hình trung xâm phạm một cách không thương tiếc.
Tuổi thơ và những tháng ngày tươi đẹp nhất của rất nhiều học sinh Việt Nam đang bị đánh cắp bởi một logic đang ngày càng tỏ ra không phù hợp trong thời đại mới ‘Học giỏi là con đường độc đạo để thành công’. Con bạn có được quyền đi ngủ lúc 9h tối nay thay vì luyện đến gần sáng chỉ để chuẩn bị thi vở sạch chữ đẹp hay không – đó không phải là câu hỏi dành cho Bộ Giáo dục và nhà trường, mà dành cho chính bạn, những quý vị phụ huynh đáng mến – những người định hướng quan trọng nhất cho con em mình. Con học giỏi vì cuộc sống, hay học giỏi vì thành tích? Chỉ chính quý vị mới có thể trả lời. ”[1]. Chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực rất nghiêm trọng. Cũng vì chạy theo thành tích, chạy theo số lượng nên mới có tình trạng hàng năm, tại nhiều nơi trong cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT có thể lên đến 98 hoặc 99%. Một sự gian dối tồi tệ và có lẽ chỉ có tại Việt Nam mà thôi.
Mới đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo có đưa ra Dự thảo thông tư mới qui định về việc lớp học bậc tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản thay thế cho vai trò lớp trưởng. Theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD – ĐT thì ‘Mô hình trường học mới thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường theo hướng dân chủ hoá… ’. ‘VNEN là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước và được Bộ GD – ĐT tổ chức thí điểm tại 1. 500 trường tiểu học đầu tiên cách đây 3 năm. ’ Tôi không muốn phân tích dài dòng về những nhược điểm mà dự thảo có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nhân cách và môi trường học tập của các em học sinh bậc tiểu học. Nhiều người đã có ý kiến, phản ảnh khá đầy đủ về những bất cập này. Tôi chỉ thắc mắc và yêu cầu Bộ GD – ĐT thông tin chi tiết cho người dân được biết, ‘VNEN là mô hình đã thực hiện thành công ở nhiều nước’, nhưng chính xác là tại nước nào để người dân có thể kiểm chứng. Tôi đã đi nhiều nơi, học tập tại nhiều quốc gia văn minh, tiên tiến trên thế giới, nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy nơi nào có cái qui định ‘gây sốc’ như thế. Trong quá khứ, ở nhiều lãnh vực khác nhau, thỉnh thoảng có người thuộc một số cơ quan công quyền đưa ra những ý kiến ‘bất ngờ’ khiến cho bàn dân thiên hạ nhiều phen sửng sốt. Để phát huy tính dân chủ, nhiều việc cần làm ngay (như cải tổ thể chế chính trị, bầu cử Quốc hội theo hướng tự do, phổ thông đầu phiếu, v. v…) thì lại không làm, những cái bất thường không cần thiết phải làm thì cả một tập thể lãnh đạo cứ mù mờ bày vẽ. Nghĩ cũng lạ!
Tuy nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn hóa Tàu, nhưng khi giở trang sử xưa, quay về với cội nguồn dân tộc, tôi muốn mọi người nên nhìn nhận lại vấn đề. Theo truyền thuyết 100 trứng, mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên núi sinh cơ lập nghiệp và hình thành một chủng tộc chịu sự chi phối rất lớn bởi chế độ Mẫu hệ. Từ thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, (năm 40 – 43), hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) là phụ nữ Việt Nam đã vùng lên lãnh đạo nhân dân đánh giặc ngoại xâm Đông Hán (đang thôn tính nước ta), lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương, đóng đô tại Mê Linh, là chỗ quê nhà. Năm Mậu Thìn (248), bà Triệu (Triệu Thị Chinh), thuộc quận Cửu Chân, khởi binh đánh nhà Đông Ngô.
Bà có câu khẩu khí rất nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta. ” Thật vậy, trong chiều dài lịch sử, trong cuộc thăng trầm của đất nước, qua thơ văn, sách báo… có biết bao tấm gương cao đẹp, kiên cường của người phụ nữ, của những bà mẹ Việt Nam vĩ đại. Trong gia đình họ là những ‘nội tướng’, đóng vai trò quan trọng, gánh vác nhiều trách nhiệm lớn lao, như chăm sóc con cái, điều tiết quan hệ 2 bên gia đình nội ngoại, v. v…
Qua cách xưng hô ‘vợ chồng’, vợ đi trước chồng theo sau, không giống như ‘phu phụ’ bên Tàu, vợ theo sau chồng đi trước (theo kiểu tam tòng) đã thể hiện rõ sự khác biệt về tinh thần và hệ tư tưởng. Như thế, về mặt bản chất, nói đến chuyện bình quyền, người phụ nữ truyền thống VN không bị coi là thấp kém hoặc bị xem thường như phụ nữ bên Tàu, như từ lâu nhiều người đã ngộ nhận. Khi tiếp xúc với văn hóa Chăm (theo chế độ Mẫu hệ) do sát biên giới và từ những cuộc Nam tiến, lấn chiếm, thôn tính đã cho thấy rõ sự ảnh hưởng là điều không thể chối cãi. Hiện nay, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên vẫn còn theo chế độ Mẫu hệ.
Sau khi chấm dứt chiến tranh, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Và thực tế cho thấy, do nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan, sự phát triển này đã không được như mong muốn so với tiềm năng thật sự của đất nước. Sau đổi mới, kinh tế có phát triển, nhà cửa, đường sá được xây dựng tương đối khang trang, đời sống người dân phần nào được cải thiện, dân trí được nâng cao chút ít, nhưng thực tế cho thấy mọi thứ đều đi bằng những bước đi rụt rè và chậm chạp (mò mẫm dò đường do sợ bị chệch hướng).
So với những đổi thay về kinh tế thì việc phát triển dân trí, về chất lượng, có thể nói là đáng để thất vọng. Một tỉ lệ rất lớn dân thị thành cộng với gần như tất cả người dân sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nếu chịu khó quan sát, một cách bình tâm, thẳng thắn và trung thực, cuộc sống thường nhật của họ thì có lẽ mọi người cũng giống như tôi, cảm nhận được một điều là, dù biết đọc biết viết, nhưng nói chung, để có được một nền dân trí cao, đầy chất nhân văn, tiên tiến thì, xin lỗi, đó là điều không tưởng.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, vài chục năm trôi qua, tôi không thấy được sự thay đổi nào đáng kể, vẫn cách nghĩ, cách sống, cách thể hiện, cách dạy dỗ, truyền đạt cho con cháu những hiểu biết, những kinh nghiệm sống cũ kỹ và kém cỏi. Và những thế hệ tiếp theo cũng sẽ rập khuôn như thế. Thời đại phát triển công nghệ thông tin toàn cầu, internet chỉ có ý nghĩa thiết thực cho một thiểu số người, phần còn lại, nếu không muốn nói là lệch lạc, không phù hợp, không có giá trị, thì một đám người, nhất là trẻ nhỏ, hay thanh thiếu niên tiếp cận với công nghệ thông tin, với internet không ngoài mục đích để ‘chat’, ‘facebook’ hoặc chơi ‘game’ trực tuyến.
Qua những lần điều tra, tiếp xúc (trong công việc chính thức cũng như trong sự giao tiếp thông thường), tôi nhận thấy, đại đa số thanh thiếu niên VN (học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức…) có một lỗ hổng rất lớn kiến thức tổng quát về xã hội, chính trị, lịch sử và những vấn đề mang tính toàn cầu.
Trở lại với nền tảng giáo dục Á Đông, mô hình đại gia đình là cơ bản nhất. Nếu cái ưu điểm của đại gia đình là ngoài sự tôn ti trật tự, những người trong họ có thể gắn bó, đùm bọc, tương trợ, giúp đở lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn là điều đáng trân trọng, thì bên cạnh đó, sự ràng buộc, áp đặt (người lớn, dù thiếu kiến thức và sự hiểu biết mới mẽ, vẫn cố áp đặt quan điểm cho người trẻ, và người trẻ thì phải rập khuôn, phục tùng người lớn), soi mói, can thiệp, định đoạt hay gây ảnh hưởng xấu… trực tiếp vào đời sống, vào số phận của nhau đã khiến cho không ít người cảm thấy mệt mỏi, bức bối và khổ sở. Điều này được thể hiện trong tất cả mọi phương diện, từ việc học hành, làm ăn sinh sống, nghề nghiệp cho đến hỗ trợ tiền bạc, cưới hỏi, sinh con, tiệc tùng, lễ lạc, v. v… Chữ hiếu, tình thân thuộc nhiều lúc bị lạm dụng và được đặt không đúng chỗ. Hiếu đễ là biết thương yêu, tôn trọng, biết chăm lo đời sống cho cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, đau bệnh. Nhưng hiếu không có nghĩa là nhắm mắt làm hoặc tuân theo mệnh lệnh của người lớn một cách mù quáng, nhất là khi mệnh lệnh đó có dấu hiệu của sự lệch lạc và bất hợp lý. Người Việt có tánh hay sợ mếch lòng, sợ làm buồn lòng người khác nên khi có chuyện buồn bực vẫn thường im lặng chịu đựng, dù sự chịu đựng này đôi khi là quá khắc nghiệt. Họ hàng (hay người lớn) thường can thiệp vào đời sống riêng tư của người khác một cách tiêu cực, cho ý kiến lệch lạc, làm nhiều điều sai trái, nhưng khi người trẻ phản ứng gay gắt thì họ lại cho rằng người trẻ đó hỗn xược. Nhiều người cũng vì trách nhiệm và những ràng buộc phức tạp của truyền thống đại gia đình phải ép lòng làm những việc mà họ thật sự không muốn làm để rồi phải mang mãi cái nỗi ấm ức trong lòng.
Trong xã hội, có không ít người sống ích kỷ, chẳng biết quan tâm tới ai, kể cả ông bà, cha mẹ hay những người thân trong gia đình, họ còn vô cảm và thiếu cả trách nhiệm đối với cộng đồng xung quanh. Ngược lại, sự quan tâm thái quá (do sự cảm tính, do thói quen bao bọc hay thương yêu sâu nặng, luôn xem con em mình là những đứa trẻ nhỏ dù mọi người đã thật sự lớn khôn – người trong gia đình quan tâm nhau là đúng, nhưng cái gì thái quá cũng không tốt), chẳng những khiến cho người hay quan tâm đến người khác luôn cảm thấy buồn phiền, lo lắng, bất an, ảnh hưởng không tốt đến bữa ăn, giấc ngủ của họ, đồng thời, người ‘được’ quan tâm, chiếu cố quá nhiều cũng dễ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi, bức bối hoặc khó chịu dai dẳng, nói ra thì dễ mất lòng, dễ khiến cho nhiều người trong cuộc cảm thấy bị tự ái. Nói chung, do nhận thức thấp kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến những khó khăn, sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc. Những hệ lụy của sự ràng buộc đại gia đình trong nền văn hóa VN nhiều khi còn khiến cho không ít người cảm thấy bức bí và muốn sớm được thoát ly. Xã hội của chúng ta cũng chưa có văn hóa tranh luận, nhất là về những vấn đề liên quan đến quan điểm cá nhân, tôn giáo, thời sự, văn hóa hoặc chính trị. Tranh luận cởi mở, công bằng và biết tôn trọng ý kiến của nhau. Tranh luận khác với cãi cọ, cãi lý theo cái kiểu sát phạt, thắng thua. Nhiều người tránh né tranh luận một cách nghiêm túc để cọ sát quan điểm, tìm kiếm chân lý, sự thật, vì họ ngộ nhận và cho rằng tranh luận thiếu kiềm chế là dẫn tới những cuộc tranh cãi vô bổ chỉ làm mất lòng hoặc thù ghét nhau mà thôi.
Mối quan hệ đan xen, chồng chéo của đại gia đình Việt Nam còn được thể hiện rõ nét trong trường hợp những ông bà già, mặc dù vợ hoặc chồng chết sớm, nhưng vẫn tiếp tục ở vậy, hy sinh vì con cháu. Đến lúc về già, khi con cái đã lập gia đình và có cuộc sống riêng tư, họ bắt đầu cảm thấy cô đơn.
Trong giai đoạn này, nếu họ có tình duyên mới và quyết định cùng chung sống để sớm hôm có người bầu bạn, chăm sóc lẫn nhau, và mối quan hệ này không có những động cơ bất minh nào khác thì đám con cháu nên ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt để cha hoặc mẹ của họ thật sự được an hưởng niềm vui tuổi già. Tiếc thay, chẳng những không tán thành, đám con cháu còn có những lời lẽ phê phán khiếm nhã hoặc những hành động vô cùng bất nhẫn đối với người lớn, họ thường cho rằng cha hoặc mẹ của họ đã già rồi mà còn ham hố, đèo bồng. Họ lo ngại phải gánh thêm trách nhiệm nuôi dưỡng hoặc nghi kỵ người cha, người mẹ kế chiếm đoạt tài sản, đất đai của họ. Đây rõ ràng là những việc làm thể hiện bản chất ích kỷ và lối sống, cách suy nghĩ thiếu văn minh, thiếu thực tế của đa số người Việt Nam.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội Việt Nam đã khiến cho không ít người cảm thấy khó thích nghi và bất an. Cụ thể nhất là sự xung đột giữa các thế hệ trong tương quan đại gia đình. Phản đối những quan niệm cổ hủ của thế hệ này, người ta có khuynh hướng đi đến một thái cực khác ngược lại. Người lớn càng bảo thủ thì tuổi trẻ càng trở nên tân tiến, hiện đại, theo nghĩa tiêu cực. Bất bình với cái nhố nhăng, thời thượng của người trẻ, người lớn lại càng trở nên bảo thủ hơn. Và vì thế, giữa các thế hệ, khoảng cách càng lúc càng lớn dần ra, như một cái vòng luẩn quẩn khó vượt qua được.
Đàn ông và phụ nữ Việt Nam, tốt hay xấu, hay hay dở?
Trong một thời gian dài, trên trang báo Vnexpress, một số người, cả nam lẫn nữ, trao đổi khá hào hứng về phẩm chất, vai trò của người đàn ông và người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và ngoài xã hội, tôi nhận thấy, hai phía đều có cái nhìn cục bộ, thiếu khách quan về quan niệm giới tính của mình (đàn ông thì có khuynh hướng bênh vực cho giới mày râu, còn phụ nữ thì ngược lại).
Văn hoá Á Đông nói chung và truyền thống Việt Nam nói riêng, cộng với nền giáo dục bị ảnh hưởng sâu đậm tinh thần Khổng Mạnh, trai gái khi sinh ra được thừa hưởng ngay một lối giáo dục hoàn toàn mang tính thiên vị, thiếu sự bình đẳng giữa nam và nữ. Thời nay đã ít nhiều thay đổi, nhưng đâu đó vẫn còn những người có quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’, ‘chồng chúa vợ tôi’, kể cả việc mong ước hoặc áp đặt chuyện sinh con trai để nối dõi tông đường, mà người chồng hoặc mẹ chồng, vì quá bảo thủ và cổ hũ, là tác nhân gây đổ vỡ gia đình, có trường hợp đối xử tệ bạc và đổ vấy hết mọi tội lỗi lên đầu nàng dâu hay thản nhiên buộc con trai phải bỏ vợ, lấy vợ khác, người con trai vì chữ hiếu hay vì nhu nhược không đủ can đảm để bảo vệ vợ mình, trong khi thực tế, chuyện sinh con trai lại hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông. Trong gia đình, con trai được nuôi dạy với tinh thần không phải làm bất cứ việc gì trong nhà, còn con gái được giáo dục với tư tưởng thiếu sự độc lập, phải phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông, (‘tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử’), được xem là mẫu mực khi biết nhún nhường, đảm đang, chịu cực, chịu khó và chứng tỏ là người có đầy đủ phẩm chất công dung ngôn hạnh. Điều này đã từ lâu trở thành hiển nhiên và được mọi người trong xã hội công nhận, đồng tình và khuyến khích, qua đó, người phụ nữ cam tâm chấp nhận, và người đàn ông thì thụ hưởng, nhiều khi còn lạm dụng nó. Vì hoàn cảnh lịch sử, địa lý khắc nghiệt, người Bắc nói chung, đã từ lâu, để có được cuộc sống tốt đẹp và phát triển chỉ có một con đường cụ thể nhất là thông qua việc học tập, dấn thân vào quan trường, do đó, họ rất chịu khó ăn học, trẻ con cũng được dạy dỗ từ khi còn bé. Ngoài ra, họ chuộng lễ nghĩa, sống kiểu cách, khôn khéo, môi miếng bề ngoài, giỏi chịu cực, chịu khổ và khá sâu sắc. Họ sống kỹ lưỡng, làm được 10, chi tiêu 6, để dành lại 4 phần để thủ. Tại miền Nam, do hoàn cảnh địa lý, thiên nhiên ưu đãi nên người Nam thường an phận, xuề xòa, thật thà, bộc trực, thẳng thắn, hào hiệp, cởi mở, hiếu khách, dễ tánh, đồng thời cũng khá hời hợt. Họ sống thoải mái, rộng rãi, ít suy tính chuyện lâu dài (đặc biệt ở nông thôn), có 10, họ có thể tiêu xài đến 11, có tiền là mua sắm xe cộ, đồ đạc xa xỉ, ăn chơi bạt mạng (hay bài bạc, rượu chè), thiếu nợ thì bán đất, bán vườn trả nợ, dần dà, chẳng còn lại cục đất để cắm dùi. Thật ra, cuộc sống lè phè của dân miền Nam chỉ xảy ra vào cái thời mà thiên nhiên còn ban tặng cho họ nhiều sản vật quý giá. Bây giờ đã khác, trồng trọt, chăn nuôi khó khăn, lúa gạo thiếu hụt, tôm cá dưới sông, trong hồ gần như cạn kiệt, sống mà không biết lo tính cho tương lai thì có ngày phải ‘cạp đất mà ăn’. Từ những ngày đầu của cuộc Nam tiến, người miền Nam phần đông có gốc gác từ miền Trung và miền Bắc theo lời kêu gọi của các chúa Nguyễn vào Nam khai phá và an cư lạc nghiệp. Đa số họ là những người lao động bình thường, không thuộc giới ‘quý tộc’, do đó, họ không có nền tảng và truyền thống coi trọng lắm việc ăn học như những thành phần khác trong cả nước. Bây giờ thì phần nào đã khác xưa, nhưng nói chung, thành phần ‘bình dân’ vẫn chiếm đa số.
Câu chuyện “‘Xôn xao chuyện người phụ nữ phá thai đến 18 lần để sinh con trai’ khiến cho nhiều người cảm thấy bàng hoàng. Vì áp lực sinh con trai của nhà chồng, người phụ nữ đã phải bất chấp sức khỏe và tính mạng phá thai đến 18 lần. Nhưng đổi lại vẫn là sự ghẻ lạnh của nhà chồng. Niềm mong muốn và áp lực có con trai nối dõi và quan niệm trọng nam khinh nữ của một bộ phận những người dân trong xã hội đã và đang trở nên rất đáng lo ngại. Và chính áp lực đó đã đẩy những người phụ nữ tới những con đường, bản thân họ cũng phải ám ảnh bởi tội lỗi. Điển hình là người phụ nữ trong câu chuyện này, chị đến từ Hải Dương. Chị đã phải nhẫn nhục bất chấp cả sức khỏe, thậm chí cả tính mạng phá thai đến 18 lần để sinh con trai như ý nguyện của nhà chồng. Kể về cuộc sống bất hạnh khi ở nhà chồng, người phụ nữ nói: “Từ ngày tôi lấy chồng đến giờ, vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên rất vất vả. Tôi đẻ liền 3 lần đều là con gái, chúng tôi cố gắng để đẻ con trai nhưng vẫn không được. Đẻ đến người con thứ 4 vẫn là con gái, tôi vô cùng chán nản và nhiều lần từng có ý định tử tự, chỉ muốn bỏ lại tất cả, chỉ có nằm khóc, nhiều lúc tôi còn không muốn cho con bú. ” Áp lực sinh con trai để nối dõi luôn đặt lên vai khiến người đàn bà luôn cảm thấy vô cùng đau khổ, nhất là khi phải buộc phá thai đến 18 lần. Nhưng điều khiến chị đau đớn hơn cả là thái độ ghẻ lạnh của nhà chồng, thậm chí chính người chồng cũng không hề thông cảm mà bất chấp cả luân lý chỉ để có được một đứa con trai. “Là trưởng nên ông ấy vẫn muốn có con trai, đến giờ này vẫn đi để tìm kiếm một người để đẻ con trai cho ông ấy…”, người phụ nữ nói. Vì quá tuyệt vọng, giờ đây, người phụ nữ này chỉ nghĩ rằng, có lẽ cho đến cuối đời, cuộc sống của vợ chồng chị sẽ chẳng còn gì cả vì cả ngày hai người chẳng nói với nhau câu nào. ”[2]. Nhiều lúc nghĩ cũng lạ, có một thời mình cũng đã từng làm vợ, làm dâu trong những hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, nhưng khi về già, có dâu con trong gia đình, một số phụ nữ (đặc biệt ở miền Bắc) chẳng những không thông cảm mà còn nhẫn tâm, đối xử rất tồi tệ với những cô con dâu của mình, giống như những gì mà chính mình đã từng trải qua. Đó có thể là những ức chế bị dồn nén nhiều năm vẫn nằm im trong tiềm thức, và nó trỗi dậy như cách thể hiện một thái độ trả thù đời’ (tôi từng bị hành hạ nên tôi đày đọa lại cô cho bỏ ghét). Lịch sử luôn lập lại bởi sự ngu dốt và tánh ích kỷ. Nó thể hiện rõ cái tinh thần bảo thủ muôn đời của việc ‘phát huy và gìn giữ’ những ‘tinh hoa’ hay truyền thống văn hóa dân tộc (rất dở hơi) từ đời này qua đời khác cho các thế hệ con cháu mai sau!
Người phụ nữ Việt Nam rất cảm tính (thiên về tình cảm nhiều hơn lý trí), và điều này nhiều khi trở nên quá đà khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi xã hội bắt đầu phát triển, sự cảm tính thái quá cộng với những hiểu biết lệch lạc, thiếu ý thức về khái niệm bình quyền (bình đẳng giới) đã khiến cho một số phụ nữ Việt Nam (nhất là những thành phần có học thức, hoạt động nhiều ngoài xã hội) cảm thấy bị đối xử không công bằng trong quan hệ với người đàn ông, một số khác có khuynh hướng trở nên cực đoan, hơn thua, sòng phẳng với chồng như đối tác.
Xã hội thay đổi, một số phụ nữ có cơ hội nắm giữ những vị trí cao trong cơ quan hay thành đạt trên thương trường, kiếm được nhiều tiền, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu bản thân, có những mối quan hệ mới, trong đó có không ít người tỏ ra lạnh nhạt hoặc xem thường chồng (khi người chồng đang thất thế). Trong trường hợp này, để giữ vững vai trò của mình, người đàn ông càng cố tỏ ra gia trưởng, và như thế, cái vòng luẩn quẩn của sự hơn thua, xung đột có thể xảy ra không ngừng nghỉ. Người phụ nữ không hiểu biết, chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì an phận chấp nhận như chuyện thường tình, cam chịu hy sinh, kể cả nhắm mắt đưa chân, nhẫn nhục làm ngơ cho việc bạo hành quanh năm tiếp diễn. Vì sống lý trí hơn nên phần lớn phụ nữ phương Tây mạnh mẽ, sống độc lập và đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội.
Tại nhà trường, trẻ con hấp thụ nền giáo dục thụ động, nhồi nhét và áp đặt, một nền giáo dục hô khẩu hiệu, chỉ học cho biết chữ để đối phó, để đi thi và lấy bằng, không học để trau dồi kiến thức, để làm người và để có được kỹ năng sống tốt.
Trong gia đình, phụ nữ (kể cả một số không ít đàn ông) quá cảm tính trong việc giáo dục con cái. Họ thương yêu, bao bọc, chiều chuộng con cháu của họ một cách mù quáng, thái quá khiến cho nhiều đứa trẻ trở nên dễ bị động, dễ hư hỏng hoặc thiếu tự tin, thiếu tính độc lập, tự lập trong suy nghĩ, trong hành động, thông qua các mối quan hệ gia đình và xã hội (đặc biệt là cháu đích tôn hoặc con trai út). ‘Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà’ là câu nói mà tôi nghĩ, với vai trò làm cha làm mẹ, làm ông làm bà, chắc ai cũng đều hiểu rất rõ ý nghĩa của nó, nhưng có lẽ vì thiếu hiểu biết và quá cảm tính nên họ chẳng quan tâm tới hoặc không thể điều chỉnh được. Nhiều đứa trẻ không biết làm bất cứ thứ gì trong nhà, kể cả chuyện bếp núc, nhất là đối với con gái, vì cha mẹ đã ‘dành phần’ hết cho mình. Một số khác quậy tưng nhưng được nhắm mắt làm ngơ, bênh vực, dung túng, bao che và cưng chiều hết mực khiến cho vấn đề càng trở nên phức tạp hơn.
Nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng xem con cái của họ, dù chúng chẳng có gì hay ho, là số 1, đi đâu cũng khoe, đến đâu cũng tự hào, con trai là quý tử, con gái là lá ngọc cành vàng. Dạy dỗ con cái có được tánh tự lập từ khi còn bé như việc tự ăn uống, ngủ riêng rẽ hay phụ giúp việc nhà, tự chăm sóc bản thân, v. v… là điều hoàn toàn đúng đắn.
“Chướng mắt với cách nuông chiều con quá đà”. Đó là lời phát biểu của tác giả Trương Khắc Trà, được đăng trên báo mạng Vietnamnet (sau khi đã nhận được quyển sách tạm in thử của tôi gởi tặng), phát hành ngày 20/01/2016, tôi xin trích lại để độc giả cùng chia sẻ: “Kinh tế phát triển, nhiều người tự cho phép bản thân sống cuộc sống sung sướng, đôi khi vượt quá hoàn cảnh… . Trong đó, cách nuông chiều con cái quá đà của một số phụ huynh hiện đã xuất hiện nhiều vấn đề, đáng để quan tâm và suy ngẫm. Câu chuyện của gia đình chị Hà (Đồng Nai) có lẽ là một điển hình cho việc ‘chiều con quá hóa hư’. Vì chị ngoài 35 mới có đứa con đầu lòng, mà lại là cậu ấm… . nên nhất cử nhất động của con chị đều nâng niu thái quá.
Dù đã gần 4 tuổi, nhưng vì là cháu đích tôn nên được cưng chiều hết mực. Vì thế, con trai chị Hà càng lớn càng quái tính. Những lúc không hài lòng bé sẵn sàng ném bất cứ thứ gì vào người đối diện, bất kể ba mẹ hay ông bà, khi ấy chị Hà không tỏ thái độ… mà lại thương con hơn. Và mặc nhiên coi những hành động đó của con không sai nên ra ngoài bé vẫn một cách ứng xử như vậy. Ai làm bé khóc chị lập tức nạt nộ trước mặt… khiến bé càng được đà lấn tới. Lập luận của chị chỉ là sợ bé khóc nhiều ảnh hưởng đến thần kinh còn yếu. Chướng mắt, anh Quyết chồng chị nhiều lúc ý kiến không nên chiều con quá như vậy sẽ làm con hư nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả mọi chuyện. Khổ nhất là những bữa cơm, bé giành hết cả mâm không cho ai ăn – chị cũng bảo ‘cháu còn nhỏ để từ từ dạy’. Dần dà không ai trong nhà dám động vào ‘cục cưng’ vì chị đã ‘áp đặt’ cách nuông chiều con không giống ai. Khi thằng bé thích nghịch điện thoại (mới 4 tuổi nhưng nó đã làm hỏng của chị Hà 3 chiếc điện thoại đắt tiền) – nó đòi bằng được điện thoại anh Quyết để trên đầu giường. Anh chị dỗ thế nào bé cũng không chịu, nên anh Quyến chịu thua ‘ông con’. Vì đòi lâu mới được đáp ứng, cu cậu phản ứng bằng cách cầm chiếc điện thoại thả vào xô nước. Điện thoại hư, nhưng anh chị cũng lấn bấn không biết bắt đầu từ đâu khi con được sống trong vỏ bọc nuông chiều từ lúc lọt lòng? Cách chiều con thái quá của không ít gia đình đã tạo ra những đứa trẻ bất trị ngay từ trong nôi, nhất là những gia đình trẻ có điều kiện kinh tế – họ sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con cái. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, bất cứ khi nào cũng có thể ‘ra lệnh’ cho bố mẹ khi chúng cần. Chính vì không chịu sự quản lý hay bất cứ ràng buộc nào bởi thiết chế gia đình nên phần lớn số trẻ được nuông chiều thái quá. Khi đã ngoài 18 tuổi mà thường có lối sống buông thả, thích tụ tập ăn chơi, đàn đúm hoặc chơi game thâu đêm suốt sáng… Nam (Bình Dương) là một trường hợp như vậy. N. may mắn hơn tất cả những người bạn cùng thời khi được sinh ra trong một gia đình giàu có nhất vùng. Bố mẹ là những doanh nhân điều hành công ty lớn có tiếng, nhưng không có thời gian cho con. Bởi vậy, Nam lớn lên trong nhung lụa và sự yêu thương của người giúp việc… . Vì nghĩ, không thể dành nhiều thời gian cho con nên ba mẹ Nam chiều con vô tội vạ. Tiền Nam muốn xin bao nhiêu cũng có. Vật dụng gì nếu cần Nam chỉ gọi điện thoại sẽ có người mang đến, ngoài việc ngồi một chỗ và đòi hỏi Nam không thể nấu nổi bữa cơm hay tự giặt áo quần cho mình. Mặc dù có thừa điều kiện nhưng Nam không thể nào tốt nghiệp nổi phố thông vì học lực quá kém. Nhưng không biết xoay xở thế nào ba mẹ cậu cũng ‘lo’ được suất… du học ngon lành. Học hành không thấy đâu chỉ thấy Nam tháng nào cũng về nhà xin tiền. Hết mấy năm du học ba mẹ Nam mới tá hỏa khi biết con mình chỉ vào Sài Gòn thuê khách sạn ăn chơi đàn đúm. Sai lầm của hầu hết ông bố bà mẹ là chỉ biết giáo dục cho con cái mình sự sung sướng mà quên rằng cuộc sống đâu phải khi nào cũng êm ả màu hồng, rồi đây những đứa trẻ ấy sẽ hòa nhập với cộng đồng như thế nào nếu trong đầu óc chúng không có khái niệm về sự gian nan, cực khổ…?
Cách giáo dục con cái một cách ‘vô trùng’ mà hiện nay nhiều gia đình đang áp dụng sẽ tạo ra một thế hệ ‘gà công nghiệp’ ít hiểu biết về xã hội, kém khả năng tự lập nhưng có thừa những lý do để dựa dẫm. Thậm chí có nhiều gia đình ‘sắp đặt’ sẵn tương lai cho con mình, ăn gì, học gì, đi đâu…tất tần tật đều do bố mẹ định hướng thay. Đất nước còn nghèo nhưng nghịch lý rằng có một thế hệ đang được giáo dục rằng mình giàu, mình đầy đủ, mính sung túc, vì ‘nhiễm’ lối sống dùng tiền để quản lý người khác nên nhiều trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã coi ba mẹ, ông bà, người giúp việc là đối tượng để sai khiến, từ đó dần nảy sinh thói trịch thượng, thích người khác phải phục vụ mình. Vậy nên, khi ra ngoài đời nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng thì dễ nảy sinh mâu thuẫn, sức ‘đề kháng’ và kỹ năng sống thường kém hơn so với những đứa trẻ được giáo dục đúng cách, nên dĩ nhiên dễ sa ngã và lệch lạc về quan điểm sống.
Đề cập tới vấn đề chiều con thái quá không ít nhà tâm lý cho rằng, với từng lứa tuổi cần có sự quan tâm và chiều chuộng đúng mực. Phải hiểu rõ trẻ cần gì và điều gì là thực sự phù hợp với con mình, chính những người làm cha mẹ phải luôn sáng suốt để phân định rõ ràng giữa việc cần, đủ và thừa thãi, để có cách yêu thương con phù hợp. Nuôi dưỡng con trẻ bằng tình yêu thương, chiều chuộng không bao giờ là sai trái nhưng ‘Thương cho roi cho vọt/ ghét cho ngọt cho bùi’, quả thực ông bà ta nói không sai. Những ai đang nuông chiều con mình quá đáng là đang hại chúng. ‘Hy sinh đời bố củng cố đời con’ cần hiểu đúng, làm đúng chứ không phải là lý do để làm hỏng những đứa trẻ. ”
Thương yêu con cháu thái quá là khi có điều kiện thì tẩm bổ bằng nhiều loại thực phẩm chứa những chất dinh dưỡng không phù hợp một cách vô tội vạ, một số người còn cho trẻ con uống rượu bia hay các loại nước giải khát có gas, có chất kích thích không phù hợp với lứa tuổi, và điều này, về lâu về dài có thể làm nguy hại đến sức khỏe. Với tâm lý, (do phát sinh từ quá khứ nghèo đói), trẻ con mập mạp, bụ bẫm là thể hiện sự giàu có, sang trọng, nhiều bậc cha mẹ vì thế cứ thúc ép, tống khứ vào mồm con mình thật nhiều, toàn những thứ ‘cao lương mỹ vị’, cuối cùng những đứa trẻ này có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh liên quan đến béo phì. Nhiều người còn thiếu ý thức trong cả cái việc quản lý giờ giấc sinh hoạt hàng ngày của con cái, nhất là khi tuổi đời của những đứa trẻ này còn rất nhỏ. Họ không hiểu, tùy theo từng lứa tuổi, trẻ con cần có thời gian ăn ngủ, nghỉ ngơi phù hợp như thế nào. Hiện tượng trẻ nhỏ từ 0 đến khoảng trên 10 tuổi thức khuya như người lớn xảy ra tràn lan trong xã hội là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy. Có lẽ, khi đọc đến đây, một số bà mẹ cảm thấy lạ lẫm và khó chấp nhận, nhưng họ không hiểu rằng, chính sự bao bọc thái quá của họ đã khiến cho con cái của họ khi lớn lên sẽ trở nên thiếu trưởng thành và dễ vấp phải những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Con cái luôn ỷ lại vào người lớn vì họ đã quen với việc được ‘chăm bẫm’ quá kỹ lưỡng, kể cả khi họ đã lớn khôn, có vợ có chồng, có con có cái. Nhiều bậc phụ huynh, suốt cuộc đời chẳng biết đến chuyện hưởng thụ gì khác (như đi du lịch chẳng hạn, dù có điều kiện) ngoài việc làm lụng kiếm tiền, và chỉ để dành lại cho con cháu, nếu có tài sản thì tốt, nhưng đối với họ, trách nhiệm tạo dựng cơ nghiệp, tích lũy tài sản cho từng đứa con là việc phải làm và làm thật tốt (như việc chia nhà, chia đất) để được có cái tiếng mình là bậc cha mẹ tài giỏi, biết thương con hoặc là gia đình kiểu mẫu, nhân thân thành đạt.
Chẳng những lo cho con, họ còn lo luôn cho cả những đứa cháu. Đối với các bà mẹ Việt Nam, con cái của họ dù có lớn khôn cỡ nào cũng vẫn luôn là những đứa bé con của họ. Thật ra, lo được cho con miếng cơm manh áo, ăn học, chuẩn bị, tích lũy một số kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về cuộc sống một cách đàng hoàng để đứa trẻ sau này ra đời có thể ‘đối nhân xử thế’ vững vàng và bản lãnh, là coi như đã quá đầy đủ. Học xong là lúc những đứa trẻ phải tự biết phấn đấu, tự bương chảy với xã hội bên ngoài (người lớn chỉ góp ý hoặc hỗ trợ phần nào khi cần thiết), có như thế chúng mới thấu hiểu được hết giá trị của sự thất bại, của nỗ lực bản thân, của lao động cực lực để có được những đồng tiền chân chính. Với cái xã hội đầy cám dỗ và hỗn độn như hiện nay, trẻ con cần được bảo vệ, điều này đúng, nhưng không phải vì thế mà bao biện cho một nền giáo dục đã quá lạc hậu và lỗi thời. Cũng bởi sự thiếu khả năng tự lập, khi sang du học ở nước ngoài, so sánh với các sinh viên của những quốc gia khác, du học sinh Việt Nam, đa phần đều thiếu tự tin, bỡ ngỡ và khó thích nghi với hoàn cảnh, với môi trường sống mới (một phần do trình độ Anh ngữ còn yếu kém).
Nuôi dạy con nhỏ, nhiều bậc cha mẹ, vì thiếu hiểu biết, vì một lý do riêng tư nào đó (từ sự tác động qua lại) có thái độ thiên vị, bày tỏ tình cảm không đồng đều, vô tình gieo vào lòng những đứa trẻ những mặc cảm tự ti hoặc những hành động tự tôn quá đà, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài sau này của con em mình. Giáo dục nghiêm khắc như thường xuyên đánh đập, mắng chửi con cái có thể về lâu về dài hình thành nơi đứa trẻ một dấu ấn, một nhân cách thiếu tự tin và cái bản tánh bướng bỉnh rất tai hại. Cưng chiều con cái thái quá, nhưng đồng thời, các bậc cha mẹ lại thường xuyên đòi hỏi hay áp đặt nặng nề các thành tích học tập hoặc những nổ lực trong sự nghiệp lên đời sống của con trẻ. Điều này về lâu về dài có thể khiến cho những đứa trẻ này bị ức chế tâm lý và mắc phải những biểu hiện (nặng hoặc nhẹ) của hội chứng rối loại tâm thần. Tóm lại, do sự bất cập dai dẳng của nền giáo dục lạc hậu tại nhà trường cộng với việc nuôi dạy con cái theo tư duy áp đặt của các bậc phụ huynh, luẩn quẩn trong cái nhập nhằng bởi sự tác động tiêu cực của môi trường xã hội đã hình thành nên những thanh thiếu niên có nhân cách thụ động, thiếu trưởng thành và những người ‘trẻ lớn tuổi’ hoàn toàn nhu nhược, vô cảm với những hiện tượng xấu xa, tiêu cực.
Câu chuyện sau đây thể hiện rõ cái ‘tình yêu thương bao la’ và cái sự cảm tính thái quá của các bà mẹ Việt Nam: “Tuần trăng mật: Mỗi tối mẹ đều nằm cạnh vợ chồng tôi. Khi thuê phòng khách sạn, mẹ chồng lại lấy lý do tiết kiệm nên chỉ đòi thuê mỗi một phòng cho ba người. Mỗi tối mẹ đều nằm cạnh vợ chồng tôi, lấy cớ là lạ nhà không ngủ được…
Trước khi chính thức bài ca lấy chồng, tôi là một cô nàng mê phượt. Vì tính cách phóng khoáng ham vui nên hầu hết những vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam tôi đã đặt chân đến. Riêng nước ngoài là tôi chưa được đến bao giờ, một phần là do chi phí quá cao, một phần phải đi dài ngày không thể xin nghỉ làm được. Chính vì vậy mà tuần trăng mật của tôi được chồng ưu tiên cho một chuyến du lịch châu Âu. Khỏi phải nói là tôi đã vui mừng đến chừng nào và háo hức, tíu tít lên kế hoạch cho cuộc hành trình nhiều mơ ước. Chỉ có một điều khiến tôi hơi ngại: chuyến đi này có mẹ chồng cùng đi. Mẹ bảo: “Mẹ chỉ có mỗi một đứa con trai, mẹ phải đi theo để giữ gìn nó kẻo đường xa nhiều nguy hiểm”… Hai vợ chồng tôi cũng tiết kiệm lắm mới dành được một khoản tiền kha khá để đi chuyến du lịch này với tự nhủ sẽ ăn bánh mỳ là chính. Vậy nhưng mẹ chồng chỉ thích ăn trong nhà hàng sang trọng với lý do “Đã bỏ tiền sang tận đây thì phải cho mẹ thưởng thức chứ ”. Vì thế vợ chồng tôi cứ lo sốt vó vì kinh phí thâm hụt nặng. Nhưng khi thuê phòng khách sạn thì mẹ chồng lại lấy lý do tiết kiệm nên chỉ đòi thuê mỗi một phòng cho ba người. Mỗi tối mẹ đều nằm cạnh vợ chồng tôi lấy cớ là lạ nhà không ngủ được… Tuần trăng mật cả đời mới có một lần của tôi bỗng biến thành một chuyến du lịch đắng như mật…”[3].
Giáo dục mang tính áp đặt còn thể hiện nặng nề ở thái độ gây áp lực thường xuyên trong việc lấy chồng, lấy vợ của con cái, hay việc sinh con, nhất là đối với con gái, (mới hai mươi mấy tuổi đầu đã cho là ế). Chẳng những bị áp lực từ cha mẹ, các cô gái trẻ còn cảm thấy rất ái ngại và khó xử mỗi khi họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… của họ thường xuyên nhắc nhở, ‘tra vấn’. Thật ra, trong một xã hội tiên tiến, đầy chất nhân văn, mọi người đều phải biết tôn trọng sự riêng tư của người khác và cho người ta cái quyền được tự do chọn lựa cuộc sống của riêng mình mà mình cảm thấy phù hợp và hạnh phúc. Trước đây, do hoàn cảnh xã hội và ý thức người dân còn lạc hậu, điều kiện hiểu biết và tiếp cận thông tin còn hạn chế, việc cha mẹ chọn lựa hay sắp đặt chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái của họ cho ra 2 vấn đề: Thứ nhất, trẻ con non dại, cha mẹ tìm kiếm một nơi phù hợp để đảm bảo cuộc sống lứa đôi, trong trường hợp này, tình cảm có thể phát sinh sau hôn nhân, và một số người có thể có được một cuộc sống tạm gọi là yên ấm. Vấn đề thứ 2, bị ép lấy nhau, sau một thời gian chung sống vẫn không thấy phù hợp và hạnh phúc, nhưng do sợ dư luận, do những ràng buộc nặng nề về gia đình và đạo lý, nhiều người vẫn cắn răng chịu đựng nhau, đặc biệt là đối với phụ nữ. Phản đối hay ngăn cấm trai gái tự do yêu đương hay lấy nhau vì không hợp tuổi, gia đình ‘không môn đăng hộ đối’ hoặc những lý do chủ quan khác bởi những quan niệm cổ hủ khiến cho 2 người trẻ cảm thấy bế tắc, nghĩ quẩn rồi tự tử là sự ích kỷ, là tội ác cần lên án. Bây giờ đã khác, áp đặt việc lấy vợ, lấy chồng theo quan niệm ‘Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’ hay ‘Áo mặc sao qua khỏi đầu’ đã xưa quá rồi. Tại các quốc gia văn minh, những câu hỏi đại khái như: “Anh/Chị bao nhiêu tuổi? Sao không lấy vợ/chồng? Có con chưa? Sao không sinh con? Lương hàng tháng bao nhiêu? v. v… ” được xem là thiếu tế nhị, không lịch sự. Đã đến lúc những bạn trẻ cần được tôn trọng sự độc lập, quyền quyết định có hay không lấy vợ, lấy chồng hoặc sinh con đẻ cái của mình. Trước khi cưới, họ phải tìm hiểu nhau, có thể tự quyết định chung sống có trách nhiệm lâu dài với nhau mà không cần kết hôn, và không vì thế mà bị dư luận soi mói hoặc lên án. Không ‘chính thức’ lấy nhau còn giúp cho cặp trai gái tránh được những áp lực về sự ràng buộc, trách nhiệm hay bổn phận quá lớn trong vai trò làm dâu, làm rể đối với hai bên đại gia đình. Việc dựng vợ gả chồng ở VN, gần như trong mọi trường hợp đều rơi vào tình cảnh ‘lấy vợ, lấy chồng là hiển nhiên lấy luôn cả cái đại gia đình của bên vợ, bên chồng người trong cuộc. Riêng việc mai mối (không nói đến trường hợp ép duyên), thật sự tôi không mặn mà với công việc này, nếu không cẩn trọng và tế nhị thì đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn cho con trẻ (do sĩ diện của 2 bên người lớn). Nếu mai mối chỉ là cách giúp cho 2 người trẻ quen biết nhau, nếu thấy thích hợp thì tiến xa hơn, không thì dừng lại. Trong quá trình tìm hiểu, kết quả thế nào đều do bản thân 2 cô cậu quyết định và chịu trách nhiệm. Ở VN có cái lạ lùng ở chỗ, sống vui vẻ, hạnh phúc lâu dài với nhau thì thôi (ông bà mai tranh lấy cái phần ơn nghĩa), khi ‘cơm không lành, canh không ngọt’ thì oán trách, cả gia đình đem bà mai ra ‘xử’. Sinh con và kiếm tiền nuôi con là việc quá bình thường, dạy con như thế nào mới là điều đáng nói, và đó mới thật sự là việc làm không đơn giản, đặc biệt là trong tình hình xã hội hiện nay. Tóm lại, trong xã hội VN, đa số các bậc cha mẹ, kể cả những người có trong tay mấy cái bằng đại học, rất thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về việc nuôi dạy con trẻ một cách phù hợp, khoa học và đúng đắn. Trong những năm đầu của sự phát triển (đến khoảng sau tuổi dậy thì), một đứa trẻ tiếp nhận nền giáo dục thiếu chuẩn mực (kể cả những chấn động tâm lý nếu có) sẽ có nguy cơ, sau này khi lớn lên, dễ hình thành nên một nhân cách lệch lạc, xấu xí.
Trước các ý kiến tranh luận gay gắt về chuyện ngoại tình, người thứ ba, xin chia sẻ ý kiến của chị Việt Anh, một tiến sĩ tâm lý đã nhiều năm nghiên cứu về hôn nhân, gia đình cả quốc tế và Việt Nam. “Ở các quốc gia phát triển, năng xuất lao động rất cao. Mỗi người phải làm việc rất vất vả để kiếm sống, về đến nhà đã quá mệt cho nên ít có thời gian đi ngoại tình. Hơn nữa, đàn ông cũng phải chia sẻ nhiều việc nhà, phải chăm sóc con cái, cho nên họ rất thận trọng khi quyết định kết hôn, thận trọng khi quyết định có con. Cùng phải chia sẻ gánh nặng việc nhà cho nên cả hai cùng có nhiều thời gian giải trí, hôn nhân hạnh phúc hơn. Nếu ly dị, đàn ông vẫn phải trợ cấp cho vợ cũ khi thu nhập của họ cao hơn cho nên nhiều người thích sống chung không hôn thú. Do thấu hiểu hôn nhân không phải là vĩnh viễn, lại được đảm bảo tài chính sau ly hôn, cho nên phụ nữ phương Tây tự trọng hơn. Họ sẵn lòng ly dị ngay nếu chồng ngoại tình nên chồng họ ít dám ngoại tình, hoặc ít ra là không có chuyện ngoại tình thường xuyên làm tổn thương vợ suốt thời gian dài. Có thể nói đàn ông phương Tây có trách nhiệm với gia đình và con cái hơn. Họ sẽ không sinh con nếu không có khả năng lo cho con một cách chu đáo. Tỷ lệ ly dị cao hơn và họ hiểu cái giá của việc ngoại tình rất đắt. Ở Việt Nam thì khác. Năng suất lao động rất thấp. Đàn ông có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, việc nhà khoán hết cho vợ khiến họ tìm đến thú vui ngoại tình nhiều hơn. Con cái do vợ nuôi là chủ yếu, đàn ông ít chia sẻ việc nhà, cho nên không biết rằng vợ họ quá vất vả. Chính vì ít chia sẻ việc chăm sóc con cái cho nên nhiều khi họ sinh nhiều con hơn mức có thể lo chu đáo cho con. Phụ nữ Việt không được rèn luyện để sống tự lập từ nhỏ, không cần dựa dẫm vào đàn ông. Thêm vào đó định kiến xã hội nặng nề, và sức ép của phụ huynh buộc họ phải lấy chồng, phải duy trì cuộc hôn nhân cho dù cuộc hôn nhân đó không ra gì. Không được đảm bảo tài chính sau ly hôn khiến họ ít tự trọng, không dám quyết liệt ly dị cho nên đàn ông cũng thoải mái ngoại tình hơn. Sau khi ly hôn, phụ nữ rớt giá thảm hại nếu muốn tái hôn, cho nên đàn ông càng có nhiều lợi thế. Gánh nặng gia đình rất lớn cho nên phụ nữ Việt ít có cơ hội sống cho mình, ít cơ hội phát uy năng lực sáng tạo phục vụ xã hội cũng hạn chế. Phụ nữ Việt cần phải được giáo dục sống tự lập từ nhỏ để không phụ thuộc vào đàn ông. Không nhất thiết phải lập gia đình. Có thể chung sống mà không cần phải kết hôn. Họ cũng cần được giáo dục để tìm thấy nhiều niềm vui khác trong cuộc sống chứ không nhất thiết phải có con cái. Chỉ có con khi chồng cam kết chia sẻ gánh nặng chăm sóc con cái, và có khả năng lo cho con mình chu đáo kể cả trong trường hợp ly dị. Nếu được như vậy thì đàn ông tự khắc sẽ phải có trách nhiệm hơn với gia đình nếu muốn lập gia đình. Khi phát hiện chồng ngoại tình, chuyện níu kéo hay không còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể, không có đáp án chung cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, phụ nữ cần phải được giáo dục để sống cứng rắn, cương quyết hơn, có thể sống tự lập không cần đến đàn ông. ”[4].
Phải công nhận rằng, như trên đã nói, do truyền thống văn hoá, do nền giáo dục còn nhiều bất cập, cùng với trình độ dân trí thấp kém, đa số những người đàn ông Việt Nam khá ích kỷ, bảo thủ, độc đoán và gia trưởng (ở nông thôn thì trầm trọng hơn). Nhiều người có quan niệm, khi mới quen nhau, người ta cần nỗ lực hết mình để săn đón, chiều chuộng bạn gái với mục đích chiếm đoạt tình cảm của đối tượng mình đang theo đuổi, đến khi cưới nhau rồi, cô ấy đã thuộc về mình, đã là vợ của mình rồi nên không cần phải bỏ công để nuôi dưỡng hay vun vén ‘thứ tình cảm trẻ con’ đó nữa. Cách suy nghĩ như thế này là hoàn toàn cục bộ, cần xem xét lại. Là trụ cột của gia đình, tuy yêu thương, chăm lo cho cả nhà thật nhiều nhưng người đàn ông VN ít biết cách để thể hiện cảm xúc của họ. Mà cách thể hiện tình cảm của đa số đàn ông Việt Nam còn khá cũ kỹ, thiếu sự ga lăng và ít biết quan tâm đến cảm xúc của phụ nữ, do đó, giữa vợ chồng và con cái thường có một khoảng cách nhất định. Con cái thường khiếp sợ và tránh né cha của chúng hơn là xem cha như một người bạn để có thể tâm sự hay chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Trong việc ân ái, người đàn ông đặt nặng chuyện giải quyết nhu cầu, và thường thì rất chóng vánh. Họ thiếu cả sự lãng mạn và ít khi thể hiện tình cảm qua lời nói, qua cử chỉ đối với vợ con của họ. Nhiều người phụ nữ, trong đời sống vợ chồng, chưa bao giờ biết được cảm giác sung sướng là gì khi ân ái với chồng, đa số chỉ nghĩ đơn giản là mình phải làm tròn bổn phận một người vợ, như một thông lệ.
Quan hệ với chồng, họ cần được âu yếm và vuốt ve, cần quan tâm, chia sẻ, cần nhiều thời gian để chuẩn bị cho ‘khúc dạo đầu’, mà không phải người chồng nào cũng thấu hiểu điều đó. Đồng ý đàn ông là trụ cột của gia đình, họ phải lăn lộn ngoài đời để kiếm tiền lo cho đời sống hạnh phúc gia đình, nhưng như thế không có nghĩa là đàn ông không có điều kiện hay thời gian để chia sẻ những công việc cần thiết trong gia đình với người phụ nữ của họ, nếu họ muốn. Họ cảm thấy bị xúc phạm khi người vợ mở miệng phàn nàn hay có thái độ thiếu tôn trọng về việc này hay điều nọ. Họ cũng cảm thấy mất mặt, kém cỏi hay xấu hổ trước người thân, bạn bè hay môi trường sống chung quanh khi tỏ ra biết nhún nhường và chia sẻ công việc nhà với vợ. Ngoài chuyện gia trưởng, độc đoán, trong xã hội Việt Nam còn đầy dẫy những người đàn ông suốt ngày say sưa rượu chè, trai gái, về nhà mắng chửi, đánh đập vợ con. Có nhiều trường hợp, khi đời sống tình cảm vợ chồng đã phai nhạt, sau bao năm chung sống, những xung đột, mâu thuẫn dai dẳng và gay gắt thường tạo nên những ức chế và sự dồn nén, những người trong cuộc lại thường tránh né thực tế, ít chịu ngồi lại và thẳng thắn nói chuyện một cách rõ ràng, minh bạch, biết điều tiết, kềm chế và tôn trọng lẫn nhau. Nếu 2 bên vẫn không thể dung hòa và tiếp tục chia sẻ cuộc sống đang bế tắc thì nên dứt khoát. Bắt nguồn từ nền văn hóa cùng với nhận thức lạc hậu, vì nghĩ cho con cái, vì sợ ảnh hưởng 2 bên gia đình hay lo ngại lời ra tiếng vào của dư luận, nhiều người vẫn miễn cưỡng chịu đựng nhau, và khi xung đột lên đến đỉnh điểm sẽ dễ xảy ra bạo lực gia đình hay những vụ giết người nghiêm trọng. Ngoại tình là một ví dụ điển hình, nó dễ dẫn đến những sự ghen tuông mù quáng, thiếu kềm chế và án mạng đau lòng cho người thân thỉnh thoảng vẫn xảy ra, thông tin nóng vẫn được cập nhật nhanh chóng trên các tờ báo. Như vậy, trong trường hợp cần thiết, ly dị và giải thoát cho nhau không phải là điều xấu xa, tồi tệ cần lên án.
Nói gì đi nữa thì chúng ta phải công nhận rằng, đàn ông ‘tốt’ ở Việt Nam càng ngày càng hiếm hoi, hoặc ít nhiều họ không chứng tỏ hay thể hiện được sự quý giá và lòng tử tế của mình. Họ (tôi nhấn mạnh là số đông) thiếu trung thực và rất ích kỷ trong quan hệ trai gái. Khi quen ai, họ dùng đủ mọi cách (một phần là do bản năng) để chiếm đoạt thân thể hay cái quý giá của người phụ nữ, khi đạt được mục đích rồi thì họ sẵn sàng rũ bỏ trách nhiệm một cách không thương tiếc.
Đàn ông, phần đông thường ham vui, thích chinh phục và ham cảm giác lạ. Họ quan hệ trai gái bên ngoài chủ yếu vì vui chơi, vì nhu cầu thỏa mãn sinh lý nhất thời, và cũng vì chỉ có thế nên ít người chịu đánh đổi hay từ bỏ mái ấm gia đình của mình. Phụ nữ thì ngược lại, khi bị ức chế dài hạn và đến lúc không còn tình cảm với chồng, họ sẵn sàng từ bỏ tất cả, kể cả con cái của họ để chạy theo tình duyên mới. Xã hội nhiều biến động, quan hệ đời sống vợ chồng cũng dần đổi thay. Theo bài ‘Những con số gây sốc về chuyện ngoại tình’ đăng trên một tờ báo, được Vietnamnet ghi lại, có đến 60% đàn ông và 40% phụ nữ ở Việt Nam ngoại tình ít nhất một lần. Lý do ngoại tình và những diễn biến cùng những hệ lụy của nó sẽ được tác giả phân tích kỹ lưỡng trong một bài viết khác.
Xin nói vài dòng ngoài lề một chút. Đàn ông nói chung, đa số là ham vui. Họ coi trọng gia đình nhưng không thể thiếu bạn bè. Họ có nhu cầu gặp gỡ bạn bè thường xuyên để uống cà phê, bàn luận thời sự, nhậu nhẹt lai rai, đôi khi trong cuộc nhậu cũng có vài người nữ chung vui để tạo không khí. Điều này chẳng có gì là quá đà, đáng để lo ngại (trừ trường hợp lăng nhăng, vướng víu tình cảm tay đôi, tay ba phức tạp), các bà vợ nên tỉnh táo và thông cảm, khi chưa thấu hiểu nguồn cơn sự việc thì không nên vì thế mà ghen tuông vô cớ làm phức tạp, nguy hại hoặc đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Quan niệm tình duyên trai gái ở VN đặt nặng vấn đề sở hữu vĩnh cửu hơn là sự hòa hợp bình đẳng có trách nhiệm. Điều này không thực tế. Quan hệ vợ chồng thường đề cao trách nhiệm và bổn phận với nhau, người ta thích kiểm soát nhau hơn là chỉ dựa vào sự tin tưởng. Do đó, trong các cuộc hợp mặt, vui chơi với bạn bè của người đàn ông, ta thường thấy hiện tượng, vì ghen, vợ gọi điện, hoặc sai con gọi điện nhiều lần để nhắc nhở, có người còn thiếu tế nhị đến tận nơi để lôi kéo chồng mình về nhà. Điều này có thể khiến cho người đàn ông cảm thấy khó chịu vì mất thể diện. Họ rất đề cao câu nói: ‘Giàu vì bạn, sang vì vợ’ là thế. Sự ghen tuông mù quáng như việc tổ chức đông người đi đánh ghen, tạt axit hay bêu xấu người khác giữa đám đông, theo tôi, đó không phải chỉ do sự quá cảm tính, do thiếu văn hóa, thiếu kiềm chế hay sự manh động nhất thời, căn nguyên của sự thiếu trưởng thành, lắm khi đi quá giới hạn của sự dã man, xuất phát từ sự bất cập của nền giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa lạc hậu Á Đông.
Văn hoá Việt Nam có ít điều hay, nhưng cái dở, cái bất cập và lạc hậu thì quá nhiều, con người mang trong mình đầy dẫy những thói hư tật xấu. Muốn được tiến bộ, chúng ta cần ngồi lại xem xét mọi vấn đề một cách minh bạch, công bằng và sòng phẳng, mổ xẻ đến tận cùng những mặt yếu kém của mình để khắc phục, đừng vì mặc cảm tự tôn dân tộc quá đà và vô ý thức mà giả dối, bao biện, nguỵ tạo hay tiếp tục tự ru ngủ mình trong những cơn mơ phù phiếm.
(Trích “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Người Việt Books xuất bản, 2016, USA)
______________________________________________
[1] Báo mạng Vietnamnet, chuyên trang Tuần Việt Nam, số ra ngày 22/06/2015, tác giả Hoàng Huy.
[2] Báo Đời sống & Pháp luật, số ra ngày 28/05/2015, Mạc Nhiên tổng hợp.
[3] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 25/06/2015, tác giả Thu Hiền / Phunuonline.
[4] Báo mạng Vietnamnet, số ra ngày 16/06/2015, tác giả Việt Anh.
Trả lời